II Cô-rinh-tô: Chương Hai

11 lượt xem

II Cô-rinh-tô 2:5-11 Sự Tha Thứ 

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì tối hôm nay Ngài cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 2:5-11. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

5 Vậy, nếu có ai đã gây ra sự buồn rầu, người ấy chẳng phải chỉ đã gây ra sự buồn rầu cho tôi, nhưng cũng cho một phần trong các anh chị em. Vì thế, tôi không làm cho nặng lòng hết thảy các anh chị em.

Câu 5: Người đã khiến cho Phao-lô và con dân Chúa trong Hội Thánh Cô-rinh-tô là người đã phạm tội gian dâm cách nghiêm trọng và đã bị Hội Thánh dứt thông công, như đã được ghi lại trong I Cô-rinh-tô 5. Câu “một phần trong các anh chị em” hàm ý có một số người không có sự buồn rầu về sự phạm tội của người kia. Vì sự con lấy vợ sau hoặc vợ bé của cha mình là một sự loạn luân, mà ngay cả những người không tin Chúa cũng không chấp nhận được, nên chứng tỏ những người không có sự buồn rầu là những người tin nhận Tin Lành nhưng chưa thật lòng từ bỏ những ham muốn tội lỗi. Nên họ không nhận biết sự loạn luân như vậy là rất ô uế, gây tiếng xấu cho Hội Thánh.

6 Sự hình phạt đó bởi nhiều người đã là quá đủ cho người như thế.
7 Vậy, thà rằng các anh chị em tha thứ và an ủi thì hơn, kẻo người như thế bị nuốt bởi sự buồn rầu quá lớn.

Câu 6 và 7: “Sự hình phạt bởi nhiều người” là sự người phạm tội bị Hội Thánh dứt thông công. Câu “sự hình phạt đó… là quá đủ cho người như thế” và người đó có “sự buồn rầu quá lớn”, giúp con hiểu được là qua sự bị dứt thông công mà người phạm tội kia đã hết lòng ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Vì đây là lần đầu tiên Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thi hành sự dứt thông công người phạm tội, mà sau đó người ấy thật lòng ăn năn, nên Phao-lô đã viết thư hướng dẫn Hội Thánh tha thứ, tiếp nhận trở lại, và an ủi người ấy.

8 Thế nên, tôi xin các anh chị em, hãy xác định tình yêu của các anh chị em đối với người ấy.

Câu 8: Phao-lô kêu gọi con dân Chúa Cô-rinh-tô xác định tình yêu của họ đối với người phạm tội bằng những hành động thực tế, như công bố bằng lời tiếp nhận người ấy trở lại, vui mừng tiếp đón bằng những lời an ủi, động viên, hướng dẫn người ấy. Tình yêu trong Chúa khiến một người thực sự đau buồn vì người anh chị em của mình bị dứt thông công, và cũng sẽ làm họ vui mừng khi người kia thật lòng ăn năn, được Hội Thánh tiếp nhận trở lại.

9 Vì việc này mà tôi đã viết cho các anh chị em, để tôi biết sự thử nghiệm của các anh chị em, xem các anh chị em có vâng lời tôi trong mọi sự hay không.
10 Nhưng các anh chị em tha thứ ai điều gì, thì tôi cũng tha thứ. Vì tôi dù đã tha thứ điều gì, đã tha thứ ai là qua các anh chị em, trong sự hiện diện của Đấng Christ.

Câu 9: “Tôi đã viết cho các anh chị em” là Phao-lô nhắc lại nội dung đã viết trong I Cô-rinh-tô 5, là việc ông truyền lệnh cho Hội Thánh Cô-rinh-tô dứt thông công người phạm tội gian dâm. Phao-lô muốn thử nghiệm xem con dân Chúa tại Cô-rinh-tô có vâng phục thẩm quyền sứ đồ của ông hay không.

Nhưng hiện tại, khi Hội Thánh Cô-rinh-tô tha thứ và tiếp nhận người phạm tội biết ăn năn, thì Phao-lô cũng dự phần trong sự tha thứ đó. Vì Đấng Christ là đầu của Hội Thánh nên Ngài hiện diện trong mọi sinh hoạt của Hội Thánh, mà trong văn mạch là Ngài hiện diện trong sự Hội Thánh tha thứ và tiếp nhận người phạm tội biết ăn năn.

11 Đừng để cho chúng ta bị lợi dụng bởi Sa-tan, vì chúng ta chẳng phải là không biết ý xấu của nó.

Câu 11: Sa-tan luôn luôn tìm đủ mọi cách, lợi dụng những điểm yếu, những chỗ sơ hở, thiếu hiểu biết của Hội Thánh để đánh phá Hội Thánh. Điển hình là sự phân rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, khi Sa-tan tấn công vào sự thiếu hiểu biết về Tin Lành của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Cách duy nhất để tránh khỏi những sự lợi dụng của Sa-tan là ngày đêm đọc, suy ngẫm Lời Chúa, rồi cẩn thận làm theo, để nhờ Lời Chúa thánh hóa mà từ bỏ những ham muốn bất chính và được đổ đầy tình yêu của Thiên Chúa trong mình.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì sự đọc và suy ngẫm Lời Ngài làm tươi mới linh hồn con mỗi ngày. Nguyện xin Cha cũng tiếp tục ban ơn, thêm sức cho con trong việc chăm sóc vợ và các con, và trong sự chuẩn bị lớp học cho các cháu ấu nhi. Con cảm tạ Cha. A-men!


II Cô-rinh-tô 2:12-17 Sức Mạnh của Tin Lành 

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới nữa Ngài ban cho con. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 2:12-17. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

12 Khi tôi đã đến tại thành Trô-ách vì Tin Lành của Đấng Christ, thì một cái cửa đã mở cho tôi bởi Chúa.
13 Tôi đã không có sự thanh thản trong tâm thần của tôi; vì sự tôi đã không gặp được Tít, người anh em cùng Cha của tôi; nên từ giã họ, tôi đi đến Ma-xê-đoan.

Câu 12 và 13: Sứ Đồ Phao-lô xuất phát từ thành Ê-phê-sô, đến thăm thành Cô-rinh-tô, bằng cách đi ngược lên phía bắc, vào thành Trô-ách; rồi từ Trô-ách đi ngang qua xứ Ma-xê-đoan, sau đó xuôi xuống phía nam, đến Cô-rinh-tô. Phao-lô ghé Trô-ách với mục đích giảng Tin Lành. Câu “vì Tin Lành của Đấng Christ” có thể hiểu là ông vừa rao giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa, vừa giảng giải sự sâu nhiệm của Tin Lành cho Hội Thánh tại Trô-ách. “Một cái cửa đã mở” là được Chúa ban cho cơ hội thuận lợi để rao giảng Tin Lành, hay nói cách khác là có nhiều người sẵn sàng nghe giảng và được tự do rao giảng.

Tuy nhiên, khi Phao-lô không gặp Tít tại Trô-ách, để nghe Tít thuật lại tình hình Hội Thánh Cô-rinh-tô thì Phao-lô không yên lòng. Nên Phao-lô đã chọn rời Trô-ách để tiếp tục hành trình đến xứ Ma-xê-đoan, thay vì nán lại một thời gian để rao giảng Tin Lành tại đây.

14 Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời! Ngài luôn luôn làm cho chúng tôi đắc thắng trong Đấng Christ; và bởi chúng tôi, tỏ ra mùi của sự hiểu biết về Ngài trong khắp chốn.

Câu 14: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban ơn cho ông và các bạn của ông trong hành trình truyền giáo trong khắp xứ A-si, Ma-xê-đoan, A-chai. “Đắc thắng trong Đấng Christ” nghĩa là nhờ sự ban ơn, thêm sức, ở cùng, cầu thay, soi dẫn, và sự làm gương của Đấng Christ mà Phao-lô và các bạn của ông đắc thắng được bản ngã tội lỗi, bắt thân thể xác thịt phải phục thần trí; đắc thắng mọi nghịch cảnh và mưu kế của kẻ thù, trong quá trình hầu việc Chúa.

Sứ Đồ Phao-lô dùng chữ “mùi” để nói đến sự hiểu biết về Chúa, với hàm ý, sự hiểu biết đó không nhìn thấy được nhưng có thể nhận ra được, cảm nhận được, và có thể lan tỏa đi khắp nơi, như mùi thơm của các loài hoa. Về phương tiện tinh thần, khi nghe một con dân chân thật của Chúa nói chuyện, có thể cảm nhận được sự dịu dàng, khôn sáng, giúp người nghe cảm thấy dễ chịu, sảng khoái, vui thích vì được hiểu biết thêm về các lẽ thật, hoặc giải quyết được nan đề, hoặc cảm nhận được sự khích lệ, động viên.

15 Vì đối với Đức Chúa Trời chúng tôi là mùi thơm của Đấng Christ, giữa những người được cứu và giữa những kẻ bị hư mất.
16 Thực tế, với những kẻ này là mùi của sự chết dẫn đến sự chết, nhưng với những người kia là mùi của sự sống dẫn đến sự sống. Ai xứng đáng cho những sự này?

Câu 15 và 16: Sứ Đồ Phao-lô được Đức Thánh Linh thần cảm để nói lên góc nhìn của Đức Chúa Trời, đó là, đối với Ngài, ông và các bạn của ông là mùi thơm của Đấng Christ tỏa ra trong thế gian. Mùi thơm của Đấng Christ là mọi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời đã được Đấng Christ bày tỏ qua sự rao giảng và mọi việc làm của Ngài.

Mùi thơm của Đấng Christ được gọi là mùi của sự sống, nghĩa là, những ai nghe và tiếp nhận sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được rao giảng bởi Đấng Christ và các sứ đồ của Ngài, thì sẽ nhận được sự cứu rỗi và sự sống đời đời. Được gọi là mùi của sự chết, nghĩa là, những ai nghe mà không tiếp nhận sự hiểu biết ấy thì không nhận được sự cứu rỗi, mà chỉ có sự phán xét chung cuộc và sự chết đời đời đang chờ họ.

17 Vậy nên, chúng tôi chẳng như nhiều kẻ khác; họ bán lẻ Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng trước mặt của Đức Chúa Trời, chúng tôi nói trong Đấng Christ, y như Lời ấy ra từ lòng chân thành của chúng tôi và ra từ Thiên Chúa.

Câu 17: Theo sự giảng giải của người chăn thì con hiểu được ý nghĩa của từ “bán lẻ” là bán hàng giả, hàng bị pha trộn, hàng kém phẩm chất. Như vậy, vào thời kỳ đầu của Hội Thánh, Sa-tan đã tích cực tấn công Hội Thánh bằng những tà giáo bằng cách lấy Lời Chúa pha trộn thêm ý riêng, thêm những tư tưởng của thế gian. Từ “bán lẻ” cũng giúp xác định được mục đích của các giáo sư giả, tiên tri giả là để thu lợi từ những người nghe. Tôi tớ chân thật của Chúa thì rao giảng Lời Chúa với tinh thần “đã nhận được không thì hãy cho không”.

Có lẽ, khi viết câu này, Phao-lô đang hồi tưởng lại hành trình Phao-lô và các bạn của ông rao giảng Tin Lành khắp nơi, đã gặp nhiều những tà giáo và các giáo sư giả, tiên tri giả rao truyền tà giáo để trục lợi. Mục đích của Sa-tan khi tác động trong các giáo sự giả, tiên trí giả là bôi xấu Đạo Chúa để nhiều người không còn muốn nghe giảng Tin Lành. Vì thế, nên Phao-lô viết tiếp là mọi lời rao giảng của ông và các bạn của ông đều là “nói trong Đấng Christ” với lòng chân thành, và mọi Lời ấy đều ra từ Thiên Chúa. “Nói trong Đấng Christ” nghĩa là chỉ chuyên tâm nói về sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và nói trong thẩm quyền của Đấng Christ đã ban cho; hay nói cách khác, là chuyên tâm rao giảng Tin Lành chân thật, chứ không pha trộn, thêm thắt gì vào. “Từ lòng chân thành” là với tấm lòng mong muốn mọi người được cứu và hiểu biết lẽ thật. “Lời ấy ra từ Thiên Chúa” nghĩa là mọi lời rao giảng đều đúng theo ý muốn Thiên Chúa.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng ngày hôm nay con cũng được đầy ơn của Ngài trong mọi việc tay con làm, trong việc chăm sóc vợ và các con. Con cảm tạ Cha! A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *