II Cô-rinh-tô 4:1-6 Sự Chiếu Sáng của Tin Lành
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ đã ban cho con một ngày bình an và được Ngài thêm sức trong việc chăm sóc vợ và các con. Con cũng cảm tạ Cha đã ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 4:1-6. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
1 Bởi đó, chúng tôi được chức vụ này theo như chúng tôi được thương xót, nên chúng tôi chẳng ngã lòng.
Câu 1: Chức vụ Phao-lô và các bạn của ông được ban cho là chức vụ phục vụ Giao Ước Mới như đã được trình bày trong đoạn 3. Phao-lô ý thức được rằng ông và các bạn của ông có thể đứng vững được trong chức vụ cũng là nhờ sự thương xót của Thiên Chúa. Trên linh trình phụng sự Chúa, ông và các bạn của ông không ngã lòng là vì được Ngài đã ban ơn, thêm sức, soi dẫn giúp vượt qua được những nghịch cảnh, những cơn bách hại khốc liệt.
2 Nhưng chúng tôi đã từ bỏ những sự hổ thẹn giấu kín, chẳng bước đi trong sự xảo trá, cũng chẳng làm bại hoại Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng bởi sự thể hiện lẽ thật, chúng tôi phô trương chính mình cho tâm thức của mọi người, trước mặt của Đức Chúa Trời.
Câu 2: Từ bỏ những sự hổ thẹn giấu kín là từ bỏ những sự phạm tôi trong tư tưởng. Chẳng bước đi trong sự xảo trá là từ bỏ nếp sống xảo trá của con người cũ, mà luôn đối xử chân thành với mọi người. Không làm bại hoại Lời của Đức Chúa Trời là không pha trộn bất cứ điều gì như tư tưởng, văn hóa, truyền thống của thế gian vào Lời Chúa. Thể hiện lẽ thật là rao giảng và sống theo đúng Lời Chúa. “Phô trương chính mình cho tâm thức của mọi người” nghĩa là sống bày tỏ ra một nếp sống đúng Lời Chúa mà cả người tin Chúa lẫn không tin Chúa đều nhìn thấy và công nhận.
3 Nhưng nếu ngay cả Tin Lành của chúng tôi là đã bị che khuất, thì ấy là đã bị che khuất trong những kẻ bị hư mất.
Câu 3: Câu “ngay cả Tin Lành của chúng tôi là đã bị che khuất” có nghĩa là có trường hợp, ngay cả khi Phao-lô và các bạn của ông đã rao giảng và phô bày ra một nếp sống đúng Lời Chú, được nhiều người công nhận, thì vẫn có người không tiếp nhận Tin Lành bới tấm màn thuộc linh của sự vô tín trên lương tâm của họ. Có thể hình dung những tình trạng thuộc linh của những kẻ vô tín giống như người mù hoàn toàn, không thể nhìn thấy gì cả, kể cả ánh sáng.
4 Trong họ, Đức Chúa Trời của đời này [Sa-tan] đã làm mù lý trí của những kẻ chẳng tin để chẳng chiếu sáng họ sự chói sáng của Tin Lành của sự vinh quang của Đấng Christ, Đấng là hình ảnh của Đức Chúa Trời.
Câu 4: Vốn bản thân những kẻ chẳng tin đã không quan tâm đến Tin Lành, nên sự “Sa-tan làm mù lý trí của những kẻ chẳng tin” có thể là khi một người nghe giảng Tin Lành thì Sa-tan đã dùng những lý luận, quan niệm của thế gian, hay giáo lý của các tôn giáo khác để bác bỏ đi lời giảng.
“Sự chói sáng của Tin Lành của sự vinh quang của Đấng Christ” nghĩa là tình yêu, sự thánh, và sự công chính của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ cách rõ ràng qua nếp sống và những lời rao giảng của Đấng Christ. Tin Lành chói sáng là khi một người nghe và tiếp nhận Tin Lành thì mọi sự tối tăm thuộc linh trong người ấy đều bị tan biến (Giăng 1:5).
5 Vì chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đấng Christ Jesus, là Chúa; và chính mình chúng tôi là những tôi tớ của các anh chị em, vì Đức Chúa Jesus.
Câu 5: Phao-lô và các bạn của ông khẳng định chỉ chuyên tâm rao giảng Đấng Christ Jesus, nghĩa là chuyên tâm rao giảng Tin Lành. Các ông xem công việc rao giảng Tin Lành là để phục vụ Hội Thánh. Hay nói cách khác, Phao-lô và các bạn của ông đã học theo tấm gương của Đấng Christ về hai phương diện: không tìm kiếm vinh quang cho chính mình mà tìm kiếm vinh quang của Đấng đã sai mình (Giăng 7:18), và làm công việc giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh với tâm tình của một người phục vụ.
6 Vì Đức Chúa Trời, Đấng đã phán, sự sáng phải chiếu sáng từ sự tối tăm [Sáng Thế Ký 1:3], là Đấng đã chiếu sáng trong những tấm lòng của chúng tôi, để ban cho sự sáng láng của sự hiểu biết về sự vinh quang của Đức Chúa Trời nơi mặt của Đức Chúa Jesus Christ.
Câu 6: Đức Chúa Trời chiếu sáng trong những tầm lòng của Phao-lô và các bạn của ông, tức là ban cho họ sự hiểu biết những sự sâu nhiệm của Tin Lành, đồng thời Ngài dùng họ lan tỏa sự hiểu biết ấy ra khắp thế gian. “Sự vinh quang của Đức Chúa Trời nơi mặt của Đức Chúa Jesus Christ” nghĩa là tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đều được thể hiện trên khuôn mặt của Đức Chúa Jesus Christ.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con mong chờ đến ngày được chiêm ngưỡng sự vinh quang chói sáng nơi mặt của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa yêu dấu của chúng con! A-men.
II Cô-rinh-tô 4:7-12 Sức Mạnh của Đức Tin Trong Xác Thịt – Phần 1
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày bình an và thêm sức cho con chăm sóc vợ và các con. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 4:7-12. Con xin ghi lại những điều mà Ngài dạy cho con hiểu.
7 Nhưng chúng tôi có của báu này trong những chậu bằng đất, để cho sự vượt trội của năng lực là của Đức Chúa Trời, chứ không phải ra từ chúng tôi.
Câu 7: Thưa Cha, qua sự giảng dạy của người chăn con hiểu rằng, “những chậu bằng đất” là chỉ về thân thể xác thịt của loài người. “Của báu” là Tin Lành Cứu Rỗi. Cách gọi “của báu” cho thấy Phao-lô và các bạn của ông rất trân trọng ơn cứu rỗi được Thiên Chúa ban cho. “Sự vượt trội của năng lực” là năng lực vượt quá sức mạnh của loài người, hoặc có năng lực làm ra những phép lạ.
8 Chúng tôi bị ép trong mọi sự nhưng không bị căng thẳng; bị cùng đường nhưng không tuyệt vọng;
9 bị bách hại nhưng không bị bỏ quên; bị ném xuống nhưng không bị hủy diệt.
Câu 8 và 9: “Bị ép trong mọi sự” là thường rơi vào nghịch cảnh. Phao-lô cho biết ông và các bạn của ông, trong quá trình truyền giáo, đã rơi vào vô vàn nghịch cảnh, nhưng họ không hề bị căng thẳng. Nghĩa là họ có được sự bình an của Đấng Christ, như Ngài đã hứa:
“Ta để sự bình an lại cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi sự bình an của Ta. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian cho. Đừng để lòng của các ngươi bối rối và cũng đừng để nó sợ hãi.” (Giăng 14:27).
Dù bị cùng đường, bách hại, hạ nhục, coi khinh, thì Phao-lô và các bạn của ông vẫn vững vàng đức tin nơi Chúa, tin rằng Chúa luôn bên cạnh, thêm sức, an ủi, và bảo tồn họ. Dẫu cho kẻ thù có lấy đi mạng sống của họ thì đó cũng chỉ là điều Chúa cho phép xảy ra để làm phương tiện đưa họ vào trong Thiên Đàng và mãi mãi ở bên Ngài.
10 Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Jesus trong thân thể, để cho sự sống của Đức Chúa Jesus cũng tỏ ra trong thân thể của chúng tôi.
11 Vì chúng tôi, những người đang sống, qua Đức Chúa Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết, để cho sự sống của Đức Chúa Jesus được tỏ ra trong xác thịt sẽ chết của chúng tôi.
Câu 10 và 11: “Mang sự chết của Đức Chúa Jesus” là mang lấy mọi dấu vết từ sự bách hại của thế gian, từ mọi gian nan, nghịch cảnh trên thân thể xác thịt. “Sự sống của Đức Chúa Jesus tỏ ra trong thân thể” nghĩa là trong lời nói, việc làm bày tỏ ra được lòng tin kính, vâng phục Chúa, phản chiếu sự vinh quang của Thiên Chúa, đồng thời bày tỏ ra được sức sống mãnh liệt vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cám dỗ.
“Qua Đức Chúa Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết” nghĩa là vì hết lòng rao giảng Tin Lành mà thường xuyên bị rơi vào nghịch cảnh, nguy hiểm đến tính mạng. Dù thân thể xác thịt phải chịu nhiều đau đớn vì bị bách hại nhưng trong thân thể ấy, Phao-lô và các bạn của ông lại bày tỏ được sức sống mãnh liệt của người có đức tin nơi Chúa.
12 Vậy nên, sự chết thực tế tác động trong chúng tôi, còn sự sống tác động trong các anh chị em.
Câu 12: Bởi sự chịu khổ trên thân thể xác thịt của Phao-lô và các bạn của ông, mà con dân Chúa tại Cô-rinh-tô kinh nghiệm được ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Jesus. Ân điển cứu rỗi của Ngài giúp họ vượt khỏi sự chết vào trong sự sống (Giăng 5:24; I Giăng 3:14).
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Khi đọc phân đoạn này thì con nhớ đến những anh hùng đức tin trong tác phẩm “Hoa Huệ Giữa Chông Gai”. Con cảm tạ Cha vì Ngài luôn giữ cho Hội Thánh đứng vững trước các cơn bách hại của thế gian và Sa-tan trong gần 2.000 năm qua!
II Cô-rinh-tô 4:13-18 Sức Mạnh của Đức Tin Trong Xác Thịt – Phần 2
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha vì một ngày bình an Ngài ban cho con. Con cảm tạ Cha đã ban ơn cho con trong việc chăm sóc vợ và các con. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài trong II Cô-rinh-tô 4:13-18. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
13 Vì chúng tôi có cùng một thần trí của đức tin, y như lời đã được chép: Ta đã tin, cho nên ta nói [Thi Thiên 116:10]. Cũng vậy, chúng tôi tin, cho nên chúng tôi nói.
Câu 13: Thưa Cha, con hiểu rằng, thần trí của đức tin là sự hiểu biết trong tâm thần về đức tin nơi Thiên Chúa. Phao-lô khẳng định ông và các bạn của ông có cùng một thần trí của đức tin là có cùng sự hiểu biết về đức tin như của tác giả Thi Thiên 116, nghĩa là, vững tin nơi sự quan phòng, sự giải cứu của Thiên Chúa dù rơi vào trong hoàn cảnh vô cùng buồn thảm, bị sự chết vây hãm. Cũng vì có lòng vững tin như vậy, nên Phao-lô và các bạn của ông đã dạn dĩ rao giảng Tin Lành.
14 Chúng tôi đã biết rằng, Đấng đã làm cho Đức Chúa Jesus sống lại cũng sẽ làm cho chúng tôi sống lại bởi Đức Chúa Jesus, và sẽ trình ra chúng tôi cùng với các anh chị em.
Câu 14: “Làm cho sống lại bởi Đức Chúa Jesus” nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ làm cho thân thể xác thịt của những người có đức tin nơi Đức Chúa Jesus được sống lại hoặc được biến hóa, vinh quang, bất tử, giống như thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus. “Sẽ trình ra” nghĩa là khi thân thể được phục sinh thì Đức Chúa Trời sẽ đặt để Phao-lô và các bạn của ông bên cạnh con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, ra trước Ngài, trong thiên đàng. Điều này cũng có nghĩa là trong Vương Quốc Đời Đời, những người rao giảng Tin Lành và những người tin nhận Tin Lành bởi sự rao giảng của họ, sẽ được đặt để gần nhau, gắn với bó với nhau.
15 Vì mọi sự qua các anh chị em là để cho ân điển thêm lên qua sự cảm tạ của nhiều người càng dư dật cho sự vinh quang của Đức Chúa Trời.
Câu 15: “Mọi sự qua các anh chị em” là tất cả sự ban cho của Đức Chúa Trời và tất cả suy nghĩ, hành động của con dân Chúa thể hiện qua con dân Chúa. Khi con dân Chúa thật sự biết ơn về những sự ban cho của Chúa thì sẽ hết lòng vâng phục Ngài, sống nếp sống tin kính Chúa. Từ đó, Ngài sẽ giúp con dân Chúa càng kinh nghiệm được thêm sự vĩ đại của Ngài và họ sẽ càng nức lòng tôn cao sự vinh quang của Ngài.
16 Vậy nên, chúng ta chẳng ngã lòng. Nhưng nếu ngay cả người bề ngoài của chúng ta bị băng hoại thì người bề trong được đổi mới từng ngày.
17 Vì sự tạm thời của sự hoạn nạn nhẹ của chúng ta sinh cho chúng ta sự vô cùng cao trọng và vĩnh hằng của sự vinh quang.
Câu 16 và 17: Con dân Chúa khi đã có đức tin nơi sự quan phòng của Chúa thì sẽ hết sức chịu khổ hầu việc Ngài mà không ngã lòng. Ngay cả khi những hoạn nạn xảy đến khiến cho thân thể xác thịt chịu nhiều tổn thương, thì đó chỉ là điều kiện để giúp cho con người bên trong, tức tâm thần và linh hồn, được kinh nghiệm càng hơn sự gần gũi Chúa, thấy mình giống Chúa càng hơn. Con dân Chúa tin và hiểu rằng những hoạn nạn của đời này chỉ là tạm thời và không đáng gì so với sự vinh quang cao trọng và còn mãi trong đời sau.
18 Chúng ta chẳng nhìn xem những sự thấy được nhưng những sự không thấy được. Vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà những sự không thấy được là vĩnh hằng.
Câu 18: “Chẳng nhìn xem những sự thấy được” hàm ý là không nặng lòng về những sự hoạn nạn xảy ra trên thân thể của mình, và những sự đau thương, khốn khổ của thế nhân. “Nhìn xem những sự không thấy được” là hướng lòng về những sự trong thế giới thuộc linh, và những sự tốt đẹp, vinh quang, hạnh phúc ở đời sau. Con dân Chúa dựa vào Lời Chúa thì tin và hiểu rằng những hoạn nạn, đau khổ trong đời này sẽ sớm qua, nhưng vinh quang đời sau, niềm vui khi được bên cạnh Chúa sẽ là mãi mãi.
Con cảm tạ Chúa đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Chúa an ủi và giúp con vượt qua nỗi buồn vì những chuyện buồn xảy ra trong Hội Thánh. Con cảm tạ Cha vì Lời của Ngài giúp con vượt qua được những lúc khó khăn. Nguyện xin Cứu Chúa của con mau đến!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú