Ga-la-ti: Chương Một

7 lượt xem

Ga-la-ti 1:1-5 Lời Chào Mở Đầu Thư Ga-la-ti 

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày lao động bình an, dù thân thể có mệt mỏi nhưng con cảm tạ Ngài đã ban ơn, thêm sức cho con. Con cũng cảm tạ Cha hôm nay ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong thư Ga-la-ti 1:1-5. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải từ loài người, cũng không bởi một người nào, mà là bởi Đức Chúa Jesus Christ và bởi Thiên Chúa Đức Cha, là Đấng đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết,

Câu 1: Thưa Cha, con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô mở đầu các thư tín của ông với lời khẳng định về chức vụ sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, là để khẳng định những gì ông viết ra trong thư là trong thẩm quyền được Đấng Christ giao phó và đúng theo sự dạy dỗ của Đấng Christ. Đặc biệt là trong các thư tín có tính cách giải quyết các nan đề trong Hội Thánh. Con cũng nghĩ rằng, cách Phao-lô mở đầu thư bằng lời khẳng định chức vụ sứ đồ và lời chúc ân điển, bình an, giống như một cách đóng ấn các thư tín của ông, khiến cho những con dân Chúa có lòng quý mến ông, sẽ nhận biết ngay đó là văn phong của ông.

Cách Phao-lô khẳng định mạnh mẽ về chức vụ sứ đồ của ông “chẳng phải từ loài người, cũng không bởi một người nào”, hàm chứa sự tôn kính Chúa và sự trân trọng chức vụ Chúa ban cho. Tương tự vậy, con nghĩ, những con dân Chúa mới đến với Chúa, còn non yếu trong đức tin rất cần những lời khẳng định mạnh mẽ từ những người đi trước. Con nhớ những đầu con tìm kiếm Chúa, khi nghe một bài giảng của người chăn, chú nói đại khái: “Đối với tôi không có Đức Chúa Trời của người CMA, không có Đức Chúa Trời của người Báp-tít, mà chỉ một Đức Chúa Trời duy nhất là Đức Chúa Trời của Thánh Kinh”. Khi nghe lời khẳng định ấy lòng con được khích lệ rất nhiều trong sự tiếp tục tìm kiếm Chúa, vì con nghĩ Đức Chúa Trời là vĩ đại thì không thể bị bó hẹp trong các tôn giáo, mà Ngài phải là Đức Chúa Trời của muôn loài vạn vật.

“Bởi Đức Chúa Jesus Christ và bởi Thiên Chúa Đức Cha” nghĩa là chức vụ sứ đồ của Phao-lô là được Đức Chúa Trời lập ra trong Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:28), và được ban cho bởi Đức Chúa Jesus Christ (Ê-phê-sô 4:11). Các chức vụ trong Hội Thánh được Thiên Chúa lập ra và ban cho một số người là để xây dựng và gầy dựng Hội Thánh. Vì thế, trong lời đầu thư, Phao-lô khẳng định chức vụ của mình cũng nhằm mục đích khẳng định mục đích viết thư là để xây dựng và gầy dựng Hội Thánh. Thực tế, các thư tín của Phao-lô được Đức Thánh Linh xếp vào Thánh Kinh đã đem lại sự gầy dựng rất lớn cho Hội Thánh trải suốt gần 2.000 năm qua.

2 cùng hết thảy các anh chị em cùng Cha là những người ở với tôi, gửi cho các Hội Thánh ở xứ Ga-la-ti.

Câu 2: Theo sự giảng giải của người chăn, có thể lúc Phao-lô viết thư tín này thì ông đang ở tại Cô-rinh-tô và có Bê-rít-sin, A-qui-la, Si-la, Ti-mô-thê, và Lu-ca ở cùng ông. Con nghĩ, có thể các sứ đồ khác đã hội ý với Phao-lô, đóng góp ý kiến cho ông, khi nghe biết về tình trạng thuộc linh của các Hội Thánh trong xứ Ga-la-ti. Nên khiến ông viết ra câu thứ nhì này.

3 Nguyện các anh chị em được ân điển và sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha, và từ Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.

Câu 3: Ân điển là mọi ơn Thiên Chúa ban cho loài người. Loài người không thể tồn tại nếu không có ân điển của Thiên Chúa. Mà điều cơ bản nhất có thể kể đến là Ngài duy trì không khí để thở.

Tuy nhiên, có những ân điển chỉ được ban cho những người thật lòng tin nhận Ngài. Và cũng chỉ con dân Chúa mới nhận được sự bình an của Ngài. Ân điển tiêu biểu Thiên Chúa Đức Cha ban cho con dân Ngài là ơn tha thứ những tội lỗi, ơn được Ngài nhận làm con nuôi, được ban cho cơ hội nhận lãnh sự sống đời đời… Sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha là sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết (Phi-líp 4:7). Ân điển tiêu biểu từ Đức Chúa Jesus Christ là ơn chịu chết chuộc tội thay, ơn ở cùng và ban thêm sức, ơn được kết hiệp với Ngài trong lễ cưới Chiên Con… Ngài cũng lấy sự bình an của Ngài ban cho chúng ta. Sự bình an của Đấng Christ là sự bình an trong mọi cảnh ngộ, trong khi chịu bắt bớ, sỉ nhục, tra tấn, bị đóng đinh cho đến chết.

4 Đấng đã phó mình vì những tội lỗi của chúng ta, để Ngài có thể giải cứu chúng ta ra khỏi thời kỳ ác hiện nay, y theo ý muốn của Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta.
5 Nguyện sự vinh quang thuộc về Ngài cho tới đời đời! A-men!

Câu 4 và 5: Công việc chính trong chức vụ sứ đồ là rao giảng Tin Lành và thành lập các Hội Thánh địa phương, vì thế trong các thư tín của Phao-lô, ông luôn nhắc đi nhắc lại cho con dân Chúa về trọng điểm của Tin Lành, chính là sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. “Thời kỳ ác hiện nay” bắt đầu từ lúc tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va phạm tội chống nghịch Chúa, và sẽ kết thúc lúc Đức Chúa Jesus Christ tái lâm, chấm dứt sự tự trị của loài người, thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm. “Y theo ý muốn của Đức Chúa Trời” nghĩa là chương trình cứu rỗi thể hiện ý muốn của Đức Chúa Trời, Ngài muốn loài người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:4).

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Khi con đọc các nhóm chữ “Chúa của chúng ta”, “Cha của chúng ta”, con cũng cảm nhận được mối thông công thân thiết với Chúa và với nhau của các thánh đồ trong thời kỳ đầu của Hội Thánh. Nguyện rằng Hội Thánh Chúa ngày nay cũng học theo tấm gương này, biết trân trọng, giữ gìn sự thông công với nhau. Con cảm tạ Cha. A-men!


Ga-la-ti 1:6-12 Chỉ Có Một Tin Lành 

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày lao động bình an, được Ngài ban ơn, thêm sức. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ga-la-ti 1:6-12. Con xin ghi lại những điều Ngài cho con hiểu.

6 Tôi lấy làm lạ vì các anh chị em đã vội chuyển từ Đấng đã gọi các anh chị em vào trong ân điển của Đấng Christ, đến một Tin Lành khác.

Câu 6: Sứ Đồ Phao-lô lấy làm lạ khi hay tin Hội Thánh tại xứ Ga-la-ti đã vội chuyển đức tin từ Đức Chúa Trời sang một tà giáo giả mạo Tin Lành. Nhóm chữ “đã vội chuyển” giúp con hiểu là con dân Chúa tại Ga-la-ti đã chưa suy xét cẩn trọng mà vội tin vào tà giáo. Con nghĩ rằng, Phao-lô sử dụng nhóm chữ “Đấng đã gọi các anh chị em vào trong ân điển của Đấng Christ” thay cho “Đức Chúa Trời”, là ông muốn nhấn mạnh sự kiện Đức Chúa Trời dẫn dắt một người đến với ân điển cứu rỗi trong Đấng Christ, như chính Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định:

Không ai có thể đến với Ta, ngoại trừ Cha, Đấng đã sai Ta, kéo người {đến}. Ta sẽ làm cho người ấy sống lại {trong} ngày cuối cùng.” (Giăng 6:44).

Khi con ngẫm nghĩ về câu chuyện của chính mình và khi nghe các anh chị em trong Hội Thánh kể về câu chuyện họ đến với Chúa, con luôn cảm thấy được sự dẫn dắt tuyệt vời của Đức Chúa Trời. Ngài tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp một người được nghe biết đến Tin Lành.

Con nghĩ, đối với mỗi con dân Chúa, sự kiện được Đức Chúa Trời dẫn dắt mình đến với Tin Lành Cứu Rỗi là một sự kiện trọng đại trong đời, khó có thể quên được. Nên có lẽ Phao-lô dùng nhóm chữ “lấy làm lạ” là ông ngạc nhiên vì sao họ lại có thể vội quên sự kiện vô cùng đặc biệt ấy trong cuộc đời mình.

7 Đó chẳng phải là Tin Lành khác, nhưng có mấy kẻ làm rối trí các anh chị em, và muốn biến đổi Tin Lành của Đấng Christ.

Câu 7: Phao-lô khẳng định chẳng có một Tin Lành nào khác, vì Tin Lành chỉ có một, được Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ của Ngài rao giảng, được ghi chép thành Thánh Kinh. Tất cả những gì được rao giảng mà khác với Thánh Kinh thì chỉ là tà giáo, được tôi tớ của Sa-tan lan truyền, để làm rối trí con dân Chúa. Trong thực tế, con thấy những ai đã tin nhận Chúa mà rơi vào tà giáo thì lời nói, hành động đều thể hiện rõ sự rối trí.

8 Nhưng nếu chúng tôi hoặc một thiên sứ từ trời, giảng cho các anh chị em một Tin Lành nào khác với điều chúng tôi đã giảng cho các anh chị em, thì kẻ ấy đáng bị a-na-them! [A-na-them có nghĩa là bị dứt thông công, bị đuổi ra khỏi Hội Thánh.]
9 Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai giảng cho các anh chị em một Tin Lành nào khác với điều các anh chị em đã nhận, thì kẻ ấy đáng bị a-na-them!

Câu 8 và 9: Sứ Đồ Phao-lô dùng cách nói giả định, là nếu ngay cả bản thân ông hoặc một thiên sứ từ trời, mà giảng cho con dân Chúa một Tin Lành nào khác với điều đã được rao giảng trước đó thì đều phải bị dứt thông công, bị đuổi ra khỏi Hội Thánh.

10 Còn bây giờ, tôi tin cậy loài người hay Đức Chúa Trời? Hay là tôi tìm kiếm sự làm vừa lòng loài người? Nếu tôi còn làm cho vừa lòng loài người thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

Câu 10: Phao-lô khẳng định đời sống của ông là sống tin cậy Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự làm vừa lòng Ngài. Phao-lô khẳng định ông là tôi tớ của Đấng Christ nên ông có bốn phận rao giảng Tin Lành cách chân thật, giảng rằng: Đức Chúa Jesus Christ đã làm trọn mọi đòi hỏi của luật pháp, hoàn thành sự chết chuộc tội cho nhân loại, vì thế, loài người không cần thi hành những nghi thức làm hình bóng cho sự chuộc tội và sự làm sạch tội theo các nghi thức của Cựu Ước; không cần kiêng cữ các thức ăn mà thời Cựu Ước xem là không tinh sạch; không cần phải giữ các ngày lễ hội làm hình bóng cho mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ.

11 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi tuyên bố với các anh chị em rằng, Tin Lành đã được tôi giảng, chẳng phải bởi loài người;
12 vì tôi không nhận và cũng không học nó bởi một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ.

Câu 11 và 12: Trong lời đầu thư, Phao-lô mạnh mẽ khẳng định chức vụ sứ đồ của ông chẳng phải từ loài người, cũng không bởi một người nào. Ở đây, một lần nữa, Phao-lô mạnh mẽ tuyên bố Tin Lành được ông rao giảng, chẳng phải bởi loài người. Ông cũng không học Tin Lành bởi một người nào, mà nhận lãnh trực tiếp bởi sự bày tỏ của Đấng Christ. Chính vì thế, những thư tín của Phao-lô chứa đầy sự sâu nhiệm của Tin Lành. Khi một người thật lòng tiếp nhận và ứng dụng Tin Lành vào thực tế cuộc sống thì nếp sống sẽ được đổi mới, đời sống sẽ được bình an, vui tươi.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng đời sống của con mỗi ngày đều chiếu rạng ân điển cứu rỗi của Ngài. Con cảm tạ Cha! A-men.


Ga-la-ti 1:13-24 Đức Chúa Trời Gọi Phao-lô

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới nữa Ngài ban cho con. Nguyện xin Cha ở cùng, ban ơn, thêm sức, giúp con hoàn thành mọi việc Ngài đã sắm sẵn cho con trong hôm nay. Con cũng cảm tạ Cha hôm nay ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong sách Ga-la-ti 1:13-24. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu.

Thưa Cha, con hiểu phân đoạn này Sứ Đồ Phao-lô giãi bày về sự ông được Đức Chúa Trời mạc khải về Đức Chúa Jesus Christ trong ông. Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ với riêng Phao-lô mà còn với Hội Thánh. Vì Sứ Đồ Phao-lô, qua các thư tín, từng hồi từng lúc trình bày những sự sâu nhiệm về Đấng Christ mà ông được mạc khải, về: bản thể Thiên Chúa của Đức Chúa Jesus; ý nghĩa sự chết, sự sống lại, sự tái lâm, sự hiệp một của Ngài với Hội Thánh, sự cai trị của Ngài trên muôn loài. Con hiểu từng câu như sau:

13 Các anh chị em đã nghe về cách ăn ở của tôi trước kia trong Do-thái Giáo, rằng tôi đã bách hại và tàn phá Hội Thánh của Đức Chúa Trời quá chừng.
14 Tôi tấn tới trong Do-thái Giáo hơn nhiều người cùng tuổi, cùng nước với tôi. Tôi là người sốt sắng quá mức về các truyền thống của các tổ phụ tôi.

Câu 13 và 14: Theo sự chú giải của người chăn, con hiểu Do-thái Giáo là một tổ chức tôn giáo do những người Pha-ri-ri lập ra trong khoảng thời gian chừng 400 năm Đức Chúa Trời yên lặng với dân I-sơ-ra-ên. Do-thái Giáo biến sự thờ phượng Đức Chúa Trời thành nghi thức tôn giáo, chỉ có bề ngoài nhưng không có sự thờ phượng thật trong tâm thần. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus đã gọi người Pha-ri-si là những kẻ giả hình.

Hai câu này Sứ Đồ Phao-lô nhắc lại cho con dân Chúa tại Ga-la-ti nhớ về quá khứ của ông, là một người xuất sắc trong Do-thái Giáo so với những người đồng trang lứa. Ông là một người thật lòng yêu kính Chúa, sốt sắng bảo vệ các giá trị truyền thống của các tổ phụ, nhưng ông đã sai lầm, vì không nhận biết Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh, nên ông đã phạm tội bách hại Hội Thánh. Có lẽ, Phao-lô viết câu này cũng nhằm nhắc cho con dân Chúa biết, nếu xét về sự hiểu biết và địa vị trong Do-thái Giáo, thì ông hơn hẳn các giáo sư giả theo Do-thái Giáo đang rao truyền tà giáo trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti, nhưng ông đã xem mọi sự ấy là sự lỗ.

15 Nhưng khi Đức Chúa Trời đẹp lòng, Ngài đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, gọi tôi bởi ân điển của Ngài,

Câu 15: “Đức Chúa Trời đẹp lòng” nghĩa là Ngài vui thích, thỏa mãn trong sự biệt riêng từ trong lòng mẹ, kêu gọi ông phụng sự Ngài, bởi ơn thương xót vô cùng của Ngài.

16 để mạc khải Con của Ngài trong tôi, để cho tôi giảng về Con ấy trong các dân ngoại, thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu,

Câu 16: Đức Chúa Trời vui thích mạc khải Con của Ngài là Đức Chúa Jesus, trong Phao-lô, để ông chuyên tâm rao giảng về Con ấy trong các dân ngoại. Sự mạc khải này là ở trong ông, nghĩa là từ trong thần trí, Phao-lô được Đức Chúa Trời ban cho sự hiểu biết đầy trọn về Đấng Christ, ông có được sự hiểu biết rõ ràng về bản thể và linh vụ của Đấng Christ. Phao-lô gọi sự hiểu biết đầy trọn ấy là sự hiểu biết siêu việt (Phi-líp 3:8).

Vì tâm thần Phao-lô nhận thức rõ về Đức Chúa Jesus Christ nên ông không “bàn với thịt và máu”, nghĩa là không tự lý luận bằng lý trí, hay tham khảo ý kiến của người khác, về sự mạc khải của Đức Chúa Trời. Ông đơn giản là biết ơn Chúa về sự được ban cho của Ngài, nức lòng cảm tạ Ngài, nhận lãnh bốn phận làm quản gia các sự mầu nhiệm ấy của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 4:1).

17 tôi cũng không lên thành Giê-ru-sa-lem, đến với những sứ đồ trước tôi, nhưng tôi đi qua xứ A-ra-bi rồi trở về thành Đa-mách.
18 Rồi, sau ba năm, tôi lên thành Giê-ru-sa-lem, để gặp mặt trao đổi với Phi-e-rơ, và ở với anh ấy mười lăm ngày.
19 Nhưng tôi không gặp một sứ đồ nào khác, trừ ra Gia-cơ là em của Chúa.

Từ câu 17 đến câu 19: Sau khi nhận được mạc khải của Đức Chúa Trời thì Phao-lô đã đi qua xứ A-ra-bi ba năm, có lẽ là để dành thời gian suy nghiệm về các sự mạc khải mầu nhiệm ấy. Sau đó, ông lên thành Giê-ru-sa-lem để gặp Phi-e-rơ và GIa-cơ. Phao-lô ở lại với Phi-e-rơ 15 ngày. Có lẽ trong thời gian này hai ông đã trao đổi với nhau nhiều việc, Phao-lô giãi bày cho Phi-e-rơ về sự mạc khải ông nhận được từ Đức Chúa Trời, và học từ Phi-e-rơ về những sự giảng dạy trực tiếp của Đức Chúa Jesus Christ. Còn về Phi-e-rơ, ông học được từ Phao-lô những sự sâu nhiệm về bản thể của Đức Chúa Jesus Christ, về Tin Lành và linh vụ của Ngài.

20 Này! Những điều tôi viết cho các anh chị em, trước Đức Chúa Trời, tôi không dối trá!

Câu 20: Phao-lô khẳng định những điều ông viết cho con dân Chúa tại Ga-la-ti từ câu 1 đến câu 19 hoàn toàn là sự thật, gồm ba điều chính: chức vụ sứ đồ của ông là bởi ý muốn của Đức Chúa Trời và được Đức Chúa Jesus Christ giao phó; ông được Đức Chúa Jesus Christ trực tiếp mạc khải về Tin Lành; ông được Đức Chúa Trời mạc khải trong ông về Đức Chúa Jesus Christ.

21 Sau đó, tôi đi qua các miền thuộc xứ Si-ri và xứ Si-li-si.
22 Nhưng tôi là người lạ mặt trong các Hội Thánh tại xứ Giu-đê, là các hội ở trong Đấng Christ.
23 Họ chỉ nghe rằng: Người đã bách hại chúng ta trước kia, nay đang giảng về đức tin mà người ấy từng tàn phá.
24 Và họ tôn vinh Đức Chúa Trời qua tôi.

Từ câu 21 đến câu 24: Sau khi được Hội Thánh tại thành Đa-mách báp-tem vào trong Hội Thánh, Phao-lô quay về Giê-ru-sa-lem, thì con dân Chúa tại xứ Giu-đê không biết mặt ông. Họ chỉ nghe biết ông từng tích cực bách hại Hội Thánh, nay lại trở thành người rao giảng Tin Lành, nên họ nghi ngờ và sợ ông. Sau đó, Chúa đã dùng Ba-na-ba để làm chứng về sự Ngài đã bắt phục Phao-lô như thế nào. Từ đó, con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem tiếp nhận và thông công với ông. Con dân Chúa tại xứ Giu-đê chứng nghiệm được sự Đức Chúa Trời biến đổi ông thì họ vui mừng tôn vinh Đức Chúa Trời.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha ban ơn cho mọi việc tay con làm trong ngày hôm nay, ban ơn cho con trong sự chuẩn bị đi thăm viếng con dân Chúa. Con cảm tạ Cha! A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *