Ga-la-ti: Chương Ba

7 lượt xem

 Ga-la-ti 3:1-7 Bởi Đức Tin Con Dân Chúa Nhận Được Đấng Thần Linh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban ơn, thêm sức, gìn giữ con qua một ngày lao động được bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ga-la-ti 3:1-7. Giờ đây con xin ghi lại những điều mà Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Hỡi những người Ga-la-ti dại dột! Ai đã quyến rũ các anh chị em mà các anh chị em không vâng theo lẽ thật? Sự Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá đã được ghi chép và công bố rõ ràng trước mắt những ai giữa vòng các anh chị em?

Câu 1: Sau khi Sứ Đồ Phao-lô nhắc lại câu chuyện ông quở trách Sứ Đồ Phi-e-rơ trong một buổi nhóm tại An-ti-ốt, thì Phao-lô có lời trách con dân Chúa tại Ga-la-ti. Câu hỏi của Phao-lô có ý muốn con dân Chúa tại Ga-la-ti tra xét lại xem họ đã được ban cho sự cứu rỗi bởi sự tiếp nhận lẽ thật về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ như thế nào, mà sao giờ đây họ lại dại dột, nghe theo lời dụ dỗ của tà giáo, khiến họ không còn vâng theo lẽ thật.

2 Tôi chỉ muốn học từ các anh chị em một điều này: Các anh chị em đã nhận được Đấng Thần Linh bởi những việc làm của luật pháp hay là bởi sự nghe của đức tin?

Câu 2: Phao-lô muốn học từ những người Ga-la-ti là hàm ý muốn họ suy ngẫm và giải thích cho ông hiểu: sự kiện họ nhận được Đấng Thần Linh là do làm theo luật hay nhờ họ nghe và tiếp nhận Tin Lành. Chắc chắn rằng, những người thật lòng tin nhận Chúa, đều biết được rõ ràng là chỉ bởi đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, họ mới nhận được Đấng Thần Linh.

3 Sao các anh chị em dại dột đến thế? Các anh chị em đã bắt đầu trong tâm thần, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?
4 Có phải các anh chị em đã chịu nhiều sự khốn khổ cách vô ích, nếu thật sự đó là vô ích?
5 Đấng đã ban Đấng Thần Linh cho các anh chị em và hành động các phép lạ trong các anh chị em, thì Ngài làm bởi những việc làm của luật pháp hay là bởi sự nghe của đức tin?

Câu 3: Bắt đầu trong tâm thần là bắt đầu một cuộc sống mới trong Chúa theo sự dẫn dắt của thần trí và sống bằng năng lực của Thiên Chúa. Có lẽ, Phao-lô hỏi ba câu này để con dân Chúa Ga-la-ti nhớ về khoảng thời gian họ mới đến với Chúa, họ đã được biến đổi như thế nào khi sống dựa vào sự dẫn dắt trong tâm thần và sống bằng năng lực của Thiên Chúa. Sau đó, họ đã trung tín chịu khổ trong nhiều sự, nhưng được Chúa quan phòng, thậm chí làm ra các phép lạ giải cứu họ. Nhưng sao nay họ lại để cho tà giáo dẫn dụ khiến quên đi tình yêu ban đầu, khiến cho mọi sự hy sinh chịu khổ của họ có thể trở nên vô ích.

6 Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công chính cho người.
7 Vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.

Câu 6 và 7: Qua hai câu này, Phao-lô giãi bày một lẽ thật, là những ai có đức tin vào Thiên Chúa qua thân vị Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy trở thành con cháu trong đức tin của Áp-ra-ham. Thưa Cha, lẽ thật này là một điều kỳ diệu đối với con. Được làm con cháu trong đức tin của ông Áp-ra-ham là điều gì đó thật đặc biệt, thật đáng hãnh diện!

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha ban cho con một giấc ngủ ngon, được phục hồi lại sức khỏe, để làm tốt công việc của ngày mai. Con cảm tạ Cha!


Ga-la-ti 3:8-14 Bởi Đức Tin Con Dân Chúa Nhận Được Đấng Thần Linh – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an, có thời gian ngủ nghỉ để phục hồi lại sức khỏe. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ga-la-ti 3:8-14. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

8 Thánh Kinh cũng biết trước rằng, Đức Chúa Trời sẽ xưng các dân ngoại là công chính bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành này: Trong ngươi, mọi dân tộc sẽ được phước. [Sáng Thế Ký 12:3; 18:18; 22:18; 26:4; 28:14]
9 Vậy nên, những ai có đức tin thì được phước với Áp-ra-ham, là người có đức tin.

Câu 8 và 9: Sứ Đồ Phao-lô trưng dẫn Cựu Ước trong Sáng Thế Ký 12:3; 18:18; 22:18; 26:4; 28:14 để minh chứng rằng những ai có đức tin thì được phước với Áp-ra-ham, là người có đức tin. Trong ông, mọi dân tộc sẽ được phước, nghĩa là nhờ Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời nên Ngài đã chọn ông, để từ ông sinh một dòng dõi rao truyền các điều răn, luật pháp, ý muốn của Ngài, và quan trọng nhất là sinh ra Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi.

10 Vì những ai cậy các việc làm của luật pháp, thì bị rủa sả, bởi có chép rằng: Đáng rủa thay kẻ nào không bền vững trong mọi sự đã chép trong sách luật, để làm theo những sự ấy! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:26]
11 Rõ ràng là trước Đức Chúa Trời không một ai được xưng công chính bởi luật pháp. Vì người công chính sẽ sống bởi đức tin. [Ha-ba-cúc 2:4]

Câu 10 và 11: Sự thật hiển nhiên là không ai có thể làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời, chính vì thế mà loài người cần sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Một người chỉ có thể được xưng là công chính khi tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời bằng cách tin nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Tuy nhiên, sau khi được cứu, một người cần tiếp tục bởi đức tin mà sống vâng giữ luật pháp của Thiên Chúa. Khi lỡ phạm tội thì cần lập tức ăn năn và tin vào ân điển tha thứ, làm cho sạch tội của Ngài (I Giăng 1:9).

12 Luật pháp không đến từ đức tin, nhưng người nào vâng giữ chúng thì sẽ sống trong chúng. [Lê-vi Ký 18:5]

Câu 12: Có lẽ Phao-lô viết câu này là để nói đến sự kiện đức tin của Áp-ra-ham có trước khi luật pháp được ban hành thành chữ viết tại núi Si-na-i. Luật pháp được ban cho thành chữ viết và được lưu truyền để loài người biết họ đã phạm tội như thế nào. Quy định của luật pháp là ai vâng giữ luật pháp thì sẽ không bị hình phạt. Nhưng thực tế là không ai có thể vâng giữ trọn vẹn luật pháp, nên loài người cần đến sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Một người chỉ thể vâng giữ luật pháp sau khi được Thiên Chúa dựng nên mới, được ban cho thánh linh, tức năng lực của Thiên Chúa.

13 Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta. Vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23]
14 Bởi đó, phước của Áp-ra-ham có thể đến trên các dân ngoại, qua Đức Chúa Jesus Christ. Bởi đó, qua đức tin mà chúng ta nhận được lời hứa về Đấng Thần Linh.

Câu 13 và 14: Đấng Christ đã chịu thay sự rủa sả của luật pháp của Đức Chúa Trời cho những ai tin nhận Ngài, để đặt người ấy vào vị trí công chính. Nhờ đó, mà hoàn thành lời hứa cũng là lời tiên tri của Đức Chúa Trời, là mọi dân tộc sẽ được phước của Áp-ra-ham, là phước được xưng công chính bởi đức tin. Bởi đức tin, con dân Chúa thời Tân Ước còn được hưởng thêm ơn phước lớn lao là được Đấng Thần Linh ngự vào thân thể. Được Ngài dạy dỗ, dẫn dắt, an ủi, cáo trách, cầu thay, ban cho những ân tứ để làm những việc lành được Chúa sắm sẵn cho.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Đức Thánh Linh về mọi sự dạy dỗ của Ngài, về những an tứ Ngài ban cho con. Nguyện rằng con luôn biết tận dụng hết những ân tứ, sự khôn sáng Ngài ban cho để gầy dựng Hội Thánh, làm tròn những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho con.


Ga-la-ti 3:15-21 Vai Trò của Luật Pháp – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ga-la-ti 3:15-21. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi nói theo cách của loài người: Dù là giao ước của loài người, nhưng khi đã làm thành thì không ai được phép bỏ đi hay thêm vào sự gì.

Câu 15: Sứ Đồ Phao-lô nêu lên một thực tế trong sự kết ước của loài người là khi giao ước đã lập thành thì không ai được phép bỏ đi một điều khoản nào, hay thêm một điều gì vào trong giao ước. Phao-lô có ý nói giao ước của loài người còn được giữ vẹn toàn như vậy huống chi là giao ước do Đức Chúa Trời lập ra với Áp-ra-ham. Giao ước ấy là cao trọng biết bao và chắc chắn sẽ được Đức Chúa Trời làm thành.

16 Các lời hứa là cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi của ông. Ngài không phán: Và cho các dòng dõi, như chỉ về nhiều người; nhưng như chỉ về một người: Và cho dòng dõi ngươi. Tức là Đấng Christ. [Sáng Thế Ký 22:18; 26:4; 28:14]
17 Vậy thì tôi nói rằng: Giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ rồi, thì luật pháp là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa nó, mà làm cho lời hứa trở nên vô giá trị.

Câu 16 và 17: Phao-lô giãi bày rằng, trong các lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, danh từ “dòng dõi ngươi” với hình thức số ít được dùng để chỉ về một người, đó là Đấng Christ.

“Giao ước lập thành trong Đấng Christ” nghĩa là Đức Chúa Trời trong sự toàn tri của Ngài đã đặt vào trong giao ước với Áp-ra-ham một chương trình đem phước hạnh cho muôn dân trên đất, đó là chương trình cứu rỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Vì Áp-ra-ham đã giữ trọn đức tin nơi Đức Chúa Trời, nên lời Ngài hứa qua ông sẽ ban phước cho muôn dân trên đất, cũng chắc chắn được Ngài làm thành. Vì thế, luật pháp chép thành chữ là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa lời hứa của Ngài.

18 Vì, nếu sự hưởng cơ nghiệp là bởi luật pháp, thì không còn là bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham bởi lời hứa.

Câu 18: Rõ ràng, Đức Chúa Trời dựa trên đức tin của Áp-ra-ham để ban cơ nghiệp cho ông, chứ không phải vì ông làm theo luật pháp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Áp-ra-ham sống vô luật pháp. Thánh Kinh cho biết trước khi luật pháp được ghi chép thành chữ thì Áp-ra-ham đã nhận biết và vâng theo các điều răn, luật lệ, các luật pháp của Ngài (Sáng Thế Ký 26:5).

19 Vậy thì tại sao có luật pháp? Nó đã được thêm vào vì những sự phạm pháp, cho tới khi người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã lập cho. Nó đã được ban ra bởi các thiên sứ vào trong tay của một người trung bảo.
20 Người trung bảo chẳng phải là người trung bảo của một bên, và Đức Chúa Trời là một bên.

Câu 19 và 20: “Vậy tại sao có luật pháp?” trong văn mạch là hàm ý nói đến việc: Tại sao sự hưởng cơ nghiệp không liên quan gì đến luật pháp thì tại sao luật pháp lại được ban hành và ghi chép thành chữ. Có lẽ, Phao-lô đã dự trù các tay giáo sư giả sẽ hỏi bắt bẻ và dùng điều ấy làm lung lạc con dân Chúa, nên ông cũng trả lời luôn. Luật pháp được thêm vào là vì sự phạm tội của loài người ngày càng nghiêm trọng, lương tâm của họ đã băng hoại, họ không còn nhớ Thiên Chúa và luật pháp của Ngài nữa. Luật pháp được ghi chép thành chữ và được ban cho dân I-sơ-ra-ên, để họ đọc, nghe, ghi nhớ, làm theo, và lưu truyền cho tới khi Đấng Cứu Rỗi đến.

Người trung bảo giữa dân I-sơ-ra-ên và Đức Chúa Trời chính là Môi-se. Môi-se đã nhận lấy hai bảng đá ghi chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, cùng với các luật lệ khác được các thiên sứ truyền đạt.

21 Vậy thì luật pháp nghịch lại các lời hứa của Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! Vì nếu đã ban cho một luật pháp ban sự sống, thì sự công chính chắc phải bởi luật pháp mà đến.

Câu 21: Luật pháp không hề nghịch lại các lời hứa của Đức Chúa Trời. Luật pháp là ý muốn của Đức Chúa Trời quy định về cách thức sinh sống của loài người. Lời hứa là ý muốn của Đức Chúa Trời, muốn ban phước cho loài người. Cả luật pháp và lời hứa đều là thánh ý của Thiên Chúa, đều công chính và tốt lành.

Luật pháp lên án chết cho người vi phạm, mà không một ai là không vi phạm luật pháp, nên luật pháp không ban sự sống. Loài người chỉ có thể được xưng công chính và nhận được sự sống bởi đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Đọc phân đoạn này, con rất thích câu “giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ”. Đức Chúa Trời đã biết trước rằng loài người sẽ sa ngã, phạm tội, nhưng Ngài cũng biết rằng từ trong loài người sẽ có những người chọn sống vâng phục Ngài, đặt đức tin nơi Ngài. Nên từ trước đời đời, Ngài đã sắm sẵn một chương trình tuyệt hảo dành cho những người Ngài yêu thương. Con cảm tạ Cha vì tình yêu vĩ đại của Ngài!


Ga-la-ti 3:22-29 Vai Trò của Luật Pháp – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày lao động bình an, được Ngài ban ơn, thêm sức, đổ đầy sự khôn sáng. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ga-la-ri 3:22-29. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

22 Nhưng Thánh Kinh đã nhốt mọi người dưới tội lỗi, để lời hứa bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ được ban cho những ai tin.

Câu 22: Thưa Cha, theo sự giảng dạy của người chăn mà con hiểu được danh từ “Thánh Kinh” ở đây chỉ về phần Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại luật pháp được viết thành chữ. Luật pháp nhốt mọi người dưới tội lỗi vì loài người đều vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Nhốt dưới tội lỗi là mang án phạt vì đã phạm tội. Nhưng vì yêu thương loài người, Đức Chúa Trời đã hứa ban ơn cứu rỗi cho những ai tin nhận Đức Chúa Jesus Christ.

23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin được bày ra.

Câu 23: Luật pháp cho một người biết họ đã phạm tội với Đức Chúa Trời như thế nào, rồi tiếp tục lên án và cộng thêm án khi người ấy phạm tội, nên gọi là bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp. Đối với mỗi cá nhân, “khi đức tin đến” là khi một người được nghe giảng Tin Lành; “khi đức tin được bày ra” là khi lòng người ấy quyết định tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và công bố đức tin ra môi miệng, đồng thời quyết tâm sống theo điều mình tin (Rô-ma 10:10). Trước khi có đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ, thì tất cả mọi người đều bị luật pháp nhốt trong án phạt, chỉ chờ ngày án phạt được thi hành.

24 Vậy nên, luật pháp đã là người giám hộ của chúng ta, cho tới khi Đấng Christ đến, để chúng ta bởi đức tin mà được xưng công chính.
25 Nhưng khi đức tin đã đến thì chúng ta không còn ở dưới người giám hộ.

Câu 24 và 25: Luật pháp lên án, cáo trách, đồng thời cũng dạy cho một người biết được thánh ý của Đức Chúa Trời về nếp sống đúng theo tiêu chuẩn của Ngài, nên luật pháp được gọi là người giám hộ. Tuy nhiên, luật pháp chỉ làm người giám hộ một người cho tới khi người ấy tin nhận Đức Chúa Jesus Christ. Khi một người tin nhận Đấng Christ thì người ấy được thoát khỏi sự lên án, cáo trách của tội lỗi.

26 Vì hết thảy các anh chị em đều là con cái của Đức Chúa Trời bởi đức tin trong Đấng Christ Jesus.
27 Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp-tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ.

Câu 26 và 27: Bất cứ ai thật lòng tin nhận Đấng Christ và chịu báp-tem vào trong Ngài thì người ấy được đồng chết và đồng sống lại với Ngài. Ý nghĩa của sự mặc lấy Đấng Chris là người tin được dựng nên mới giống như Đấng Christ, được đổ đầy năng lực của Thiên Chúa để vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời, như Đấng vâng giữ. Sự được mặc lấy Đấng Christ là một điều kì diệu mà chỉ có con dân chân thật của Chúa mới cảm nhận được.

28 Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.

Câu 28: Có lẽ Phao-lô viết câu này để giúp các thánh đồ tại Ga-la-ti nâng cao nhận thức về địa vị cao trọng họ có trong Chúa. Để họ không bị lừa gạt bởi các giáo sư giả, tự xưng mình là cao trọng, là dòng dõi của Áp-ra-ham, khoe mình hiểu biết luật pháp.

Trong Đấng Christ Jesus, tức là trong Hội Thánh, không có một sự phân biệt, kỳ thị nào, mọi người đều bình đẳng. Tuy nhiên, trong Hội Thánh thì không có sự bình quyền, vì Chúa ban cho các quyền cai trị, như chồng cai trị vợ, con dân Chúa dưới quyền của các giám mục, trưởng lão. Sự ban cho các quyền trong Hội Thánh là để điều hành, gây dựng, phát triển Hội Thánh, thể hiện tính trật tự của Đức Chúa Trời.

29 Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.

Câu 29: Vì Đức Chúa Jesus Christ thuộc về dòng dõi Áp-ra-ham, cho nên, ai được hiệp một với Ngài thì đương nhiên trở thành con cháu của Áp-ra-ham, và được lãnh nhận trọn vẹn những lời hứa ban phước của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì bởi tình yêu của Ngài mà con được nghe biết đến Tin Lành và được nhận lãnh ân điển cứu rỗi của Ngài. Và không chỉ có vậy, từng hồi từng lúc đọc Thánh Kinh, con lại được biết nhiều phước hạnh Ngài hứa ban cho những ai tin Ngài. Con cảm tạ Cha vì được làm con của Ngài! A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *