Ga-la-ti 4:1-11 Luật Pháp và Ân Điển
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày lao động bình an, được Ngài ban ơn, thêm sức, đổ đầy sự khôn sáng. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc, suy ngẫm Lời của Ngài. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu trong phân đoạn Ga-la-ti 4:1-11.
1 Tôi nói rằng, khi người kế tự đang còn là một đứa trẻ, thì chẳng khác một kẻ nô lệ, dù là chủ của mọi vật,
2 mà ở dưới quyền của những người giám hộ và những người quản gia, cho đến kỳ người cha đã định.
3 Chúng ta cũng như vậy, khi còn là những trẻ con, thì bị bắt làm nô lệ dưới các lề thói của thế gian.
Từ câu 1 đến câu 3: Sứ Đồ Phao-lô nêu lên một điều thực tế trong xã hội lúc bấy giờ, về sự những đứa trẻ sinh ra trong những gia tộc giàu có, dù là chủ của cơ nghiệp nhưng khi còn bé thì vẫn ở dưới quyền của những người giám hộ và những người quản gia. Tương tự vậy, Phao-lô ví con dân Chúa giống như những đứa trẻ đang chờ hưởng cơ nghiệp, phải chịu làm nô lệ dưới các lề thói của thế gian. Các lề thói của thế gian là các hệ thống tư tưởng đạo đức, các tín ngưỡng, các tôn giáo.
4 Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài bởi một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp,
5 để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, để chúng ta được nhận làm con nuôi.
Câu 4 và 5: “Khi kỳ hạn đã được trọn” là đến thời điểm Đức Chúa Trời hoàn thành chương trình cứu rỗi. Nhóm chữ “bởi một người nữ sinh ra” là Phao-lô nhắc đến lời tiên tri trong Sáng Thế Ký 3:15, nhằm nhấn mạnh sự kiện thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus được thai dựng hoàn toàn bởi xác thịt của một người nữ, không có phần xác thịt của người nam. “Sinh ra dưới luật pháp” là sinh ra trong sự bị ràng buộc, bị cai trị bởi luật pháp. Đức Chúa Jesus là người duy nhất giữ trọn luật pháp từ trong lòng ra đến bên ngoài, đáp ứng trọn vẹn sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời, để Ngài có thể gánh thay hình phạt của luật pháp trên toàn thể loài người. Chính nhờ đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà một người được nhận làm con nuôi.
6 Vì các anh chị em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Đấng Thần Linh của Con Ngài vào lòng của các anh chị em, kêu rằng: A-ba! Cha! [Trong tiếng A-ra-mai, a-ba = cha.]
Câu 6: Để giúp cho một người thật lòng tin nhận Chúa biết mình đã được cứu chuộc, Đức Chúa Trời đã sai Đấng Thần Linh ngự vào lòng người ấy để ấn chứng với tâm thần của người ấy, và giúp người ấy mạnh dạn gọi Đức Chúa Trời là “Cha”.
Thưa Cha, với con đây cũng là một điều kỳ diệu. Con nghĩ rằng, khi con mới tin nhận Tin Lành chưa có hiểu biết gì, trong lời cầu nguyện con gọi được tiếng “Cha” với đầy đủ cảm xúc trong lòng là nhờ Đức Thánh Linh giúp con cảm nhận được tình yêu, sự vĩ đại, sự ân cần chăm lo của Ngài dành cho con.
7 Vậy nên anh chị em không còn là nô lệ nữa, mà là con; và nếu là con, thì cũng là người kế tự của Thiên Chúa, qua Đấng Christ.
8 Nhưng thật ra trước kia, khi các anh chị em chẳng biết Thiên Chúa, thì các anh chị em làm nô lệ cho các thứ vốn không phải là Thiên Chúa.
Câu 7 và 8: Hai câu này, Sứ Đồ Phao-lô nhắc con dân Chúa Ga-la-ti biết rằng khi họ tin nhận Tin Lành thì họ thoát khỏi sự ngu muội chung của thế gian. Khi họ biết đến Thiên Chúa, thì được thoát khỏi đời sống nô lệ cho các thứ vốn không phải là Thiên Chúa, như: tội lỗi, các tà thần, mọi sự mê tín dị đoan.
9 Còn hiện nay, các anh chị em biết Thiên Chúa lại được Thiên Chúa biết đến nữa, sao các anh chị em còn quay về với những lề thói yếu đuối, khó nghèo đó? Các anh chị em muốn bắt đầu làm nô lệ sao?
Câu 9: Tiếp theo câu 8, hai câu hỏi trong câu này là Phao-lô có ý hỏi: Hiện tại, họ đã được gắn bó, hiệp một với Thiên Chúa, đã nếm biết Thiên Chúa là tốt lành, và cũng được Ngài sai Đức Thánh Linh ấn chứng trong lòng rằng họ là con của Ngài, vậy tại sao họ lại quay lại làm nô lệ cho những lề thói của đời sống cũ. Những lề thói của thế gian gọi là “yếu đuối” vì chỉ khiến một người luôn bất lực trước tội lỗi; gọi là “khó nghèo” vì chỉ khiến một người ngày càng thiếu hụt sự bình an, vui tươi, mà đổi lại là bất an, lo lắng, sợ hãi.
10 Các anh chị em hãy còn giữ những ngày, tháng, mùa, năm sao?
Câu 10: Sự giữ những ngày, tháng, mùa, năm ở đây theo văn mạch là giữ những lề thói của thế gian, hay nói dễ hiểu là sự kiêng cữ theo mê tín dị đoan, như: coi ngày tốt để đi đường, làm tiệc cưới hỏi, động thổ làm nhà, khai trương…
11 Tôi lo cho các anh chị em, sợ rằng tôi đã lao lực cho các anh chị em cách vô ích.
Câu 11: Câu này Sứ Đồ Phao-lô nói lên tâm tình của ông đối với con dân Chúa tại Ga-la-ti, mà cũng là tâm tình của ông đối với con dân Chúa khắp nơi. Ông lo lắng cho họ, sợ rằng họ bị tà giáo dẫn dụ mà đi sai lạc khỏi lẽ thật, khiến cho công khó của ông trở nên vô ích. Vô ích ở đây là vô ích cho con dân Chúa, còn về phía Phao-lô thì Đức Chúa Trời vẫn ghi nhận và ban thưởng cho công khó của ông. Có lẽ cũng không có từ ngữ nào có thể diễn tả đủ nỗi hối tiếc của một người đã từng tin nhận Chúa nhưng rồi lại lui đi trong đức tin, trong ngày phán xét sau cùng. Hối tiếc vì tự mình đánh mất đi địa vị cao trọng được làm con của Đức Chúa Trời, đánh mất đi sự sống đời đời cùng bao lời hứa phước hạnh khác, mà Đức Chúa Trời dành cho những ai trung tín cho đến cuối cùng.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ này cũng ban cho con một giấc ngủ ngon, để được phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Con nguyện xin Cha gìn giữ các anh chị em của con trong những ngày cuối cùng đầy những sự khó khăn từ thuộc linh đến thuộc thể. Con cảm tạ Cha! A-men.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú