Ê-phê-sô: Chương Một

5 lượt xem

Ê-phê-sô 1:1-6 Thiên Chúa Lựa Chọn, Tiền Định, và Ấn Chứng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an, phước hạnh. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 1:1-6. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Phao-lô, sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi ý muốn của Thiên Chúa, gửi cho các thánh đồ ở tại Ê-phê-sô, và cho những người trung tín trong Đấng Christ Jesus.

Câu 1: Vào lời mở đầu thư, Phao-lô tự giới thiệu về mình, là một sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Chức vụ sứ đồ của ông là “bởi ý muốn của Thiên Chúa” nghĩa là chức sứ đồ của ông là bởi Đức Chúa Trời lập ra, được Đức Chúa Jesus kêu gọi và ban cho ông, được Đức Thánh Linh ban cho ân tứ để thi hành chức vụ.

Phao-lô xác định người nhận thư là các thánh đồ ở tại Ê-phê-sô, và cho những người trung tín trong Đấng Christ Jesus, nghĩa là gửi chung cho Hội Thánh. Câu viết của Phao-lô không có ý phân biệt giữa các thánh đồ ở tại Ê-phê-sô với những người trung tín khác, mà có ý nghĩa: nội dung lá thư trước tiên được gửi cho con dân Chúa tại Ê-phê-sô, là những người trung tín trong Đấng Christ Jesus; đồng thời nội dung ấy cũng thích hợp cho con dân Chúa ở khắp mọi nơi trong khắp mọi thời đại, là những người trung tín trong Đấng Christ Jesus.

Một ý nghĩa khác, là chỉ những ai trung tín trong Đấng Christ Jesus, hết lòng tin cậy nơi sự chết chuộc tội của Ngài, hết lòng vâng phục Ngài, thì mới có thể nhận lãnh được những lẽ thật sâu nhiệm trong thư.

2 Nguyện ân điển ở cùng các anh chị em, cùng sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!

Câu 2: Ân điển là ơn thương xót Thiên Chúa ban cho những người không xứng đáng lãnh nhận. Sự bình an từ Thiên Chúa là sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết, giữ gìn một người luôn vững vàng trước tai ương, hoạn nạn, và cả sự chết. Không có một thế lực nào có đủ thẩm quyền và năng lực để ban cho loài người ân điển và sự bình an tuyệt đối, chính vì thế, ân điển và sự bình an thật chỉ có thể đến từ Thiên Chúa.

3 Tôn vinh Đức Chúa Trời, Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời.

Câu 3: Toàn thể loài người vẫn nhận ơn phước của Chúa mỗi ngày (Ma-thi-ơ 5:45) nhưng chỉ có con dân Chúa mới nhận được “đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời”. Điều kiện để nhận lãnh là phải “ở trong Đấng Christ”, nghĩa là phải có đức tin nơi sự chết chuộc tội của Đấng Christ và hết lòng vâng phục Ngài. Các ơn phước thiêng liêng tiêu biểu có thể kể đến: phước được tha thứ những tội lỗi và làm cho sạch tội, phước được tái sinh tâm thần và linh hồn, phước được Đức Thánh Linh ngự vào thân thể xác thịt và được Ngài ban cho thánh linh, phước được hưởng sự sống đời đời, phước được kết hiệp với Đấng Christ, phước được đồng trị với Đấng Christ…

4 Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.

Câu 4: Đức Chúa Trời trong sự toàn tri, toàn năng, toàn ái của Ngài đã biết và lựa chọn những người có tấm lòng vâng phục Ngài từ trước khi Ngài sáng tạo trời đất. Thật khó mà tưởng tượng được quá trình Ngài nghĩ về mỗi một người Ngài yêu thương, rồi Ngài vì những người ấy mà thiết kế ra một chương trình cứu rỗi, và thi hành chương trình ấy qua sự chết của Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ. Con cảm tạ Cha vì tình yêu vĩ đại của Ngài dành cho con.

“Để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được” nghĩa là để mỗi con dân của Ngài được biệt riêng ra cho Ngài, được trở nên giống Ngài, được phụng sự Ngài qua những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn. Nhóm chữ “trước Ngài, trong tình yêu” nghĩa là để mỗi con dân của Ngài được vui sống trước mặt Ngài, được Ngài nhìn xem, chăm lo, được vui hưởng tình yêu của Ngài.

5 Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài,
6 để tôn vinh sự vinh quang của ân điển Ngài, mà trong sự ấy, Ngài đã làm cho chúng ta trở nên đáng nhận trong Đấng rất yêu dấu.

Câu 5 và 6: Trong các thánh đồ ở khắp các thời đại thì các thánh đồ thời kỳ Hội Thánh là những người có phước nhất, vì nhận được địa vị làm con nuôi của Đức Chúa Trời. Mục đích của sự lựa chọn và tiền định của Đức Chúa Trời là để tôn vinh sự vinh quang của lòng thương xót của Ngài dành cho loài người. Hay nói cách khác, khi loài người và các thiên sứ nhìn vào sự vinh quang của Hội Thánh, nhìn vào những gì Ngài ban cho Hội Thánh, thì nhìn biết được ơn thương xót của Đức Chúa Trời là lớn biết dường nào.

Trong câu 6, Phao-lô đã thay nhóm chữ “Đấng Christ Jesus” bằng “Đấng rất yêu dấu”, để nói lên tình cảm gắn bó mật thiết mà Thánh Kinh gọi là “hiệp một” giữa Đấng Christ và Đức Chúa Trời, giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Đối với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus Christ rất yêu dấu vì Ngài đã hy sinh, vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết. Đối với Hội Thánh, Đức Chúa Jesus Christ rất yêu dấu vì Ngài đã phó chính mình vì Hội Thánh, đã hy sinh mạng sống của mình để mỗi một người nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giúp con luôn ghi nhớ mọi sự con có trong Chúa là nhờ sự hy sinh của Đấng Christ. Nguyện rằng con luôn sống xứng đáng với Ngài.


Ê-phê-sô 1:7-14 Thiên Chúa Lựa Chọn, Tiền Định, và Ấn Chứng Hội Thánh – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha đã ban ơn, thêm sức, giúp con hoàn thành được nhiều việc trong hôm nay. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban ơn cho con trong sự đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 1:7-14. Con xin ghi lại những điều Cha dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

7 Trong Đấng ấy, chúng ta có sự cứu chuộc bởi máu của Đấng ấy, sự tha thứ những lỗi lầm, theo sự dư dật của ân điển Ngài,
8 mà Ngài đã thêm nhiều cho chúng ta trong mọi sự khôn sáng và thông sáng;
9 khiến cho chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo sự tốt lành của Ngài, mà Ngài đã định trong chính Ngài;

Từ câu 7 đến câu 9: Thưa Cha, trong thực tế cuộc sống, con nhận thấy ân điển của Ngài thật là dư dật trên con dân của Ngài. Khi con mới đến với Chúa còn phạm nhiều điều do thiếu hiểu biết, còn lâm vấp vì tình huống bất ngờ, còn sơ ý phạm tội, nhưng Ngài vẫn thương tha thứ và phục hồi, khi con hết lòng ăn năn. Theo thời gian, con được Ngài dạy dỗ, giúp con được khôn sáng càng hơn, được thêm lên nhiều hiểu biết Lời Chúa. Đồng thời con cũng được Ngài chỉ cho cách áp dụng những điều ấy vào trong thực tế cuộc sống. Con cảm tạ Cha vì khi con biết cách áp dụng Lời Ngài vào thực tế thì con nhận thấy cuộc đời đi theo Chúa thật đầy sức sống, giúp mình được kinh nghiệm nhiều sự mầu nhiệm.

10 để trong kỳ đầy trọn của thời gian, thì Ngài hiệp muôn vật làm một trong Đấng Christ, cả những vật ở trên trời và những vật ở trên đất, trong Đấng ấy.

Câu 10: Theo sự chú giải của người chăn, con hiểu “kỳ đầy trọn của thời gian” là lúc kết thúc trời cũ đất cũ và lập ra trời mới đất mới. Trong trời mới đất mới, Đức Chúa Trời sẽ hiệp muôn vật làm một trong Đấng Christ, nghĩa là, muôn vật sẽ được phục hồi bởi Đấng Christ, được bảo tồn bởi Đấng Christ, và được cai trị bởi Đấng Christ.

11 Trong Đấng ấy chúng ta cũng nhận phần kế nghiệp, như đã định trước theo mục đích của Đấng khiến mọi sự xảy ra y theo ý muốn của Ngài,
12 để cho chúng ta trở thành sự tôn vinh của sự vinh quang Ngài, là những người đã trước hết tin cậy Đấng Christ.

Câu 11 và 12: Trong câu 6, Phao-lô viết mục đích của sự Đức Chúa Trời lựa chọn, tiền định Hội Thánh là để “tôn vinh sự vinh quang của ân điển Ngài”, trong câu 12 thì ông viết “để cho chúng ta trở thành sự tôn vinh của sự vinh quang của Ngài”. Kết hợp hai câu này, con hiểu rằng, sự hình thành Hội Thánh là để tôn vinh ơn thương xót, tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa. Nghĩa là, khi nhìn vào Hội Thánh, loài người và các thiên sứ sẽ nhận biết rõ ràng Thiên Chúa yêu thương, thánh khiết, công chính và Ngài ban cho rời rộng như thế nào. Như khi một người đứng trên một ngọn núi hít thở thì cảm nhận được sự mát lành, trong sạch, sự bao la của không khí.

13 Trong Đấng ấy các anh chị em cũng đã nghe Lời của Lẽ Thật, là Tin Lành về sự cứu rỗi của các anh chị em. Cũng trong Đấng ấy mà sau khi các anh chị em tin, thì được đóng dấu bằng thánh linh của lời hứa.
14 Ấy là vật làm tin về sự hưởng cơ nghiệp của chúng ta, cho đến kỳ chuộc lại những sản nghiệp đã mua về cho sự tôn vinh của sự vinh quang Ngài.

Câu 13 và 14: Nhóm chữ “trong Đấng ấy” thật nhiều ý nghĩa. Để “Lời của Lẽ Thật” là hiệu nghiệm cho một người, đem lại sự cứu rỗi cho người ấy, thì người giảng và người nghe đều phải “ở trong Đấng ấy”. Người rao giảng ở trong Đấng Christ là người giảng Tin Lành chân thật, chỉ chuyên tâm giảng về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và sống theo điều mình rao giảng. Người nghe ở trong Đấng Christ là người có lòng ăn năn tội, muốn được thoát khỏi tội, và chỉ đặt đức tin duy nhất nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Cũng trong Đấng Christ, khi một người thật lòng tin nhận Ngài thì sẽ được Đức Thánh Linh đổ đầy thánh linh trong người ấy, để ấn chứng người ấy thuộc về Thiên Chúa.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì những lúc suy ngẫm Lời Ngài những ý tưởng về Ngài cứ tuôn tràn trong con. Nguyện xin Cha ban cho con một giấc ngủ ngon, được phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Xin Cha chữa lành cho cái lưng còn đau của con. Con cảm tạ Cha. A-men!


Ê-phê-sô 1:15-23 Vinh Quang và Quyền Thế của Thiên Chúa Thể Hiện Trong Hội Thánh và Qua Hội Thánh

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 1:15-23. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

15 Vậy nên, sau khi tôi nghe về đức tin của các anh chị em trong Đức Chúa Jesus và tình yêu đối với mọi thánh đồ,
16 thì tôi cũng vì các anh chị em mà cảm tạ không thôi, nhắc đến các anh chị em trong sự cầu nguyện của tôi,

Câu 15 và 16: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô vui mừng vì con dân Chúa tại Ê-phê-sô thể hiện được đức tin và tình yêu trong Chúa thành hành động cụ thể. Nhóm chữ “đối với mọi thánh đồ” có thể hiểu là các thánh đồ khắp nơi đã nhận được sự đón tiếp, cứu giúp, tiếp trợ, chu cấp cho linh vụ, của con dân Chúa tại Ê-phê-sô, và họ đã làm chứng tốt về Hội Thánh Ê-phê-sô. Có thể thấy đức tin và tình yêu của con dân Chúa được bày tỏ ra bên ngoài là niềm vui, niềm an ủi, và khích lệ lớn cho những người rao giảng Tin Lành và chăn dắt họ.

17 rằng: Nguyện Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Cha vinh quang, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự mạc khải cho các anh chị em trong sự tri thức về Ngài,

Câu 17: Con hiểu rằng, thần trí là sự cảm xúc, suy luận, và quyết định dựa trên những nhận thức của thân thể thiêng liêng là tâm thần. Phao-lô cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh Ê-phê-sô thần trí của sự khôn sáng, nghĩa là, xin Chúa giúp họ cứ tấn tới trong sự ứng dụng những sự hiểu biết trong tâm thần về Chúa vào trong cuộc sống. Ban cho thần trí của sự mạc khải, nghĩa là, ban cho họ hiểu biết càng hơn về những điều mầu nhiệm trong Lời Chúa.

Hiểu và biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống sẽ khiến một người luôn hành động thông sáng, vui sống trong Chúa, và giúp ích cho những người lân cận. Khám phá được những điều mầu nhiệm trong Lời Chúa giúp một người càng vững tin nơi Chúa, và có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Gần đây, con xem một video giải thích về sự hình thành các hóa thạch. Video cho biết các nhà khoa học có thể dùng phương pháp nén thủy lực để tạo ra các hóa thạch chỉ trong một ngày. Video chứng mình các di tích hóa thạch là một bằng chứng rõ ràng cho một cơn lụt lớn đã được Thánh Kinh mô tả [1]. Đây là một điều mang lại nhiều niềm vui cho con.

18 nguyện đôi mắt của sự thông hiểu của các anh chị em được soi sáng, để các anh chị em được biết sự hy vọng về sự kêu gọi của Ngài là gì, và sự giàu có của cơ nghiệp vinh quang của Ngài trong các thánh đồ là gì,
19 và năng lực vĩ đại, vô hạn của Ngài, đối với chúng ta, những người tin, y theo sự hành động từ sức mạnh tể trị của Ngài là gì.

Câu 18 và 19: “Đôi mắt của sự thông hiểu” chính là thần trí của một người có đức tin nơi Chúa. “Được soi sáng” nghĩa là được Đức Thánh Linh dạy dỗ, giúp cho hiểu biết những điều mầu nhiệm. Nhờ được soi sáng của Đức Thánh Linh mà con dân Chúa có sự hiểu biết rõ ràng về sự hy vọng của mình trong sự được Đức Chúa Trời kêu gọi; về sự giàu có của cơ nghiệp vinh quang của Đức Chúa Trời; về năng lực vĩ đại, vô hạn của Ngài đối với Hội Thánh.

20 Ấy là sự mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng ấy sống lại từ trong những kẻ chết, và làm cho ngồi bên phải Ngài trong các nơi trên trời,
21 cao hơn hết mọi lãnh tụ, mọi thẩm quyền, mọi năng lực, mọi chủ quyền, cùng mọi danh được gọi, không những trong đời này, mà cũng trong đời sẽ đến nữa,

Từ câu 20 và 21: Đức Chúa Jesus Christ đã sống một cuộc đời vâng phục trọn vẹn thánh ý của Đức Chúa Trời, đến nỗi chịu chết trên cây thập tự. Nên Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại từ trong những kẻ chết và ban cho Ngài mọi vinh quang và quyền thế của Thiên Chúa. Trong thân thể phục sinh, địa vị và quyền thế của Đấng Christ là cao hơn tất cả mọi quyền thế.

22 bắt muôn vật phục dưới chân Đấng ấy và ban cho Đấng ấy làm đầu Hội Thánh trong mọi sự.
23 Hội ấy là thân thể của Đấng ấy. Sự đầy dẫy của Đấng ấy đổ đầy mọi sự trong mọi loài.

Câu 22 và 23: Thưa Cha, con hiểu rằng, câu “bắt muôn vật phục dưới chân Đấng ấy” đã hàm ý là Đấng Christ làm đầu muôn loài thọ tạo, bao gồm cả Hội Thánh. Nhưng Phao-lô được Đức Thánh Linh thần cảm viết thêm câu “ban cho Đấng ấy làm đầu Hội Thánh trong mọi sự” với ý nghĩa, Đức Chúa Trời đã lựa chọn trong muôn loài thọ tạo ra loài người, trong loài người lựa chọn ra một số người biệt riêng cho Ngài gọi là Hội Thánh, và ban Hội Thánh cho Đấng Christ. Sự ban cho này là để Hội Thánh hoàn toàn vâng phục Đấng Christ và nhận được địa vị cùng những đặc ân vô cùng đặc biệt, mà tiêu biểu là được kết hiệp làm một với Đấng Christ.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Khi suy ngẫm phân đoạn Thánh Kinh hôm nay lòng con thấy quý trọng càng hơn địa vị được thuộc về Hội Thánh. Con cảm tạ Cha về ơn thương xót lớn lao của Ngài trên con!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *