Ê-phê-sô 2:1-5 Địa Vị của Các Thánh Đồ – Phần 1
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha, hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 2:1-5.
Thưa Cha, con hiểu rằng, phân đoạn này Sứ Đồ Phao-lô nhắc lại sự xuất thân của mỗi người trong Hội Thánh, với ý muốn con dân Chúa trân trọng ân điển cứu rỗi và địa vị cao trọng mà Chúa ban cho. Con xin ghi lại sự hiểu của con theo từng câu như sau:
1 Còn các anh chị em đã chết vì những lỗi lầm và những tội lỗi của mình,
2 những sự mà trước kia các anh chị em đã bước đi theo cuộc sống của đời này, theo kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian, là đấng thần linh hiện đang tác động trong những con cái bội nghịch.
Câu 1 và 2: Con hiểu rằng, mỗi người trong Hội Thánh đều có quá khứ tội lỗi. “Các anh chị em đã chết” nghĩa là mỗi người được cha mẹ sinh ra, đều sinh ra trong sự chết thứ nhất, hay còn gọi là sự chết thuộc linh. Trong sự chết thứ nhất, tâm thần và linh hồn bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Còn thân thể xác thịt thì sống trong sự đau yếu, bệnh tật, chờ cho đến ngày sẽ bị phân rẽ khỏi tâm thần và linh hồn, mà trở về bụi đất.
“Bước đi theo cuộc sống của đời này” nghĩa là sống theo lối sống của thế gian, buông tuồng theo những ham muốn của xác thịt. “Theo kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian” là theo Sa-tan và các sứ giả của nó, hàm ý, sống theo sự xúi giục, cám dỗ của Sa-tan, thờ phượng các tà thần, giả thần do nó tại ra, và cung phụng, hầu việc các sứ giả của nó. Các sứ giả của Sa-tan là các thầy bùa, thầy bói, các tiên tri giả, giáo sư giả. Loài người vốn là con của Đức Chúa Trời (Lu-ca 3:38), được Ngài dựng nên để vui hưởng tình yêu của Ngài, nên những ai chọn sống theo ý mình, không vâng phục và thờ phượng Đức Chúa Trời thì bị gọi là “những con cái bội nghịch”.
3 Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia ăn ở theo những sự tham muốn của xác thịt, làm trọn những sự ưa thích của xác thịt và của những ý tưởng ác, tự nhiên làm con của sự giận, cũng như mọi người khác.
Câu 3: Từ sau khi tổ phụ của loài người phạm tội thì các dòng dõi kế sau đều sinh ra trong tội lỗi. Mỗi một người trong Hội Thánh đều có xuất thân là những tội nhân. Khi chưa được cứu thì mỗi người đều sống chìu theo những tham muốn của xác thịt và những ý tưởng ác. Điển hình cho một ý tưởng ác trong thời đại ngày nay, đó là các quảng cáo sản phẩm kèm theo các hình ảnh khiêu gợi tràn ngập đường phố và trên mạng Internet.
“Tự nhiên làm con của sự giận” nghĩa là từ khi một người được sinh ra, đã sinh ra mang bản chất tội nên đương nhiên trở thành đối tượng của cơn giận của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời cũng là tình yêu, nên Ngài ban cho những đứa con của sự giận một cơ hội được thoát khỏi cơn giận của Ngài. Cơ hội đó là bằng lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
4 Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, bởi tình yêu lớn của Ngài đã yêu chúng ta,
5 nên đang khi chúng ta chết vì những lỗi lầm của mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu.
Câu 4 và 5: Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót và yêu mỗi người bằng tình yêu lớn nên Ngài đã sắm sẵn một chương trình cứu rỗi ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi. Chương trình đó là Ngài đã sai Con Một của Ngài, là Đức Chúa Jesus Christ, vào trong thế gian, chịu chết chuộc tội thay cho toàn thể loài người. Việc còn lại là mỗi người có bằng lòng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài không. Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho mỗi người được gọi là “tình yêu lớn” vì bởi yêu mà Ngài đã thiết kế ra một chương trình cứu rỗi vô cùng vĩ đại và mầu nhiệm.
“Làm cho chúng ta sống với Đấng Christ” nghĩa là ngay giây phút một người quyết định tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thì được Đức Chúa Trời làm cho sống lại từ trong sự chết thứ nhất và được hiệp một với Đấng Christ.
Sự Đức Chúa Trời yêu một người bằng tình yêu lớn, tái sinh và hiệp một người ấy với Đấng Christ hoàn toàn là quyết định tự do của Ngài. Vì thế, mỗi người được cứu hoàn toàn là do sự thương xót của Đức Chúa Trời chứ không phải vì người ấy làm gì xứng đáng.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì Ngài đã yêu con bằng tình yêu lớn, đã đến cứu con ra khỏi một cuộc đời hư nát. Con xin ghi nhớ ơn Ngài và xin Ngài giúp con sống xứng đáng với tình yêu của Ngài! A-men.
Ê-phê-sô 2:6-10 Địa Vị của Các Thánh Đồ – Phần 2
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 2:6-10. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
6 Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại và đặt chúng ta cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus,
Câu 6: Thưa Cha, theo sự giảng giải của người chăn, con học được rằng, động từ “làm cho sống lại” và “đặt ngồi” trong câu này thuộc thời bất định, để chỉ việc đã xảy ra từ trong quá khứ. Như vậy, mỗi thành viên trong Hội Thánh dù tin nhận Chúa vào những thời điểm khác nhau, nhưng đều đã được Đức Chúa Trời làm cho cùng sống lại và cùng ngồi trong các tầng trời vào thời điểm Đấng Christ sống lại và ngồi trong các tầng trời.
7 để trong các thời đại sẽ đến, Ngài sẽ tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, trong sự từ ái của Ngài, hướng về chúng ta trong Đấng Christ Jesus.
Câu 7: Trong các thời đại sẽ đến, là thời đại bảy năm đại nạn, tiếp theo là thời đại Vương Quốc Ngàn Năm, cuối cùng là thời đại Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới. Trong ba thời đại sắp đến ấy, lần lượt Đức Chúa Trời bày tỏ sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài trên Hội Thánh. Cụ thể, Ngài không để cho Hội Thánh chịu khổ trong bảy năm đại nạn, Ngài ban cho Hội Thánh quyền đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm, Ngài ban cho Hội Thánh được đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Đời Đời.
8 Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa.
9 Ấy chẳng phải bởi những việc làm đâu, để không ai khoe mình.
Câu 8 và 9: Thưa Cha, đây là hai câu Thánh Kinh đưa dẫn con đến với sự cứu rỗi của Ngài. Sau nhiều năm sống buông trôi theo cuộc đời, khi lần đầu nghe hai câu Thánh Kinh này, tâm linh con như nhìn thấy một chút ánh sáng trong tối tăm. Lúc ấy, con cảm thấy đó là một điều chân thật mà lâu lắm rồi con mới nghe thấy. Lúc ấy, con hiểu rằng, một người không thể được cứu bởi vì người ấy siêng năng đi lễ nhà thờ, đọc kinh nhiều, làm những việc công đức… Một người được cứu chỉ đơn giản là vì Chúa đã chết cho người ấy.
10 Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.
Câu 10: Hội Thánh được gọi là việc do Đức Chúa Trời làm ra vì mỗi người được Ngài tái sinh thành một người mới trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:17). Mục đích là để Hội Thánh vui hưởng những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn trước. Những việc lành mà Ngài sắm sẵn là bao gồm toàn bộ sự sáng tạo của Ngài, từ thế giới thuộc linh đến thế giới thuộc thể. Bước đi trong những việc lành là vui hưởng, quản trị, phát triển những gì Chúa đã sáng tạo. Con dân Chúa trong Hội Thánh có cơ hội sống trong những việc lành ngay khi còn sống trong thân thể xác thịt, trong cuộc đời này. Đó là vui hưởng Tin Lành và tham gia vào công tác rao giảng Tin Lành.
Thưa Cha, hôm nay con có cơ hội trò chuyện với các anh chị em trong Hội Thánh về sự quý giá của sự tự do trong Đấng Christ. Con nhớ lúc trước có biết một người rất giàu có nhưng mỗi khi ông ấy ra khỏi nhà thì phải xem ngày hôm nay có tốt không, nếu ngày tốt thì xem giờ nào là đi được. Con thấy người giàu có ấy thật khổ sở, bị trói buộc bởi sự mê tín. Qua đó, con cảm thấy cuộc đời của những ai thật lòng tin nhận Tin Lành, được vui hưởng sự tự do trong Đấng Christ thật phước hạnh biết bao.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng mỗi ngày, qua sự suy ngẫm Lời Ngài, con lại được hiểu biết về Chúa của con càng hơn, được vui hưởng niềm vui khám phá ra những điều mầu nhiệm thuộc về Đấng Cao Cả Vĩ Đại.
Ê-phê-sô 2:11-15 Sự Hiệp Một của Dân I-sơ-ra-ên và Các Dân Tộc Khác Trong Hội Thánh – Phần 1
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha vì một ngày mới nữa Ngài ban cho con. Con cảm tạ Cha sáng hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài, được ghi chép trong Ê-phê-sô 2:11-15. Con xin ghi lại những điều mà Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
11 Vậy, hãy nhớ rằng, trước kia, các anh chị em là những người ngoại trong xác thịt, bị gọi là người không chịu cắt bì bởi những kẻ xưng mình là người chịu cắt bì bằng tay trong xác thịt.
Câu 11: Thưa Cha, con hiểu rằng, câu này Sứ Đồ Phao-lô nhắc cho con dân Chúa tại Ê-phê-sô nhớ về xuất thân của mình, trước khi tin nhận Chúa. “Những người ngoại” là những người thuộc các dân tộc khác, không phải dân I-sơ-ra-ên. “Những người ngoại trong xác thịt” là những người ngoài dân I-sơ-ra-ên, sống buông tuồng theo ham muốn của xác thịt. “Bị gọi là người không chịu cắt bì” hàm ý, những người thuộc các dân tộc không được nhận lãnh lời hứa của Thiên Chúa, không có luật pháp của Thiên Chúa được ghi chép thành chữ viết.
12 Lúc ấy, các anh chị em không có Đấng Christ, ở ngoài quyền công dân I-sơ-ra-ên, là khách lạ của các giao ước lời hứa, trong thế gian không có hy vọng và không có Thiên Chúa.
Câu 12: Con hiểu rằng, “lúc ấy” là lúc con dân Chúa Ê-phê-sô chưa tin nhận Tin Lành. Vì chưa tin nhận Tin Lành nên họ không có Đấng Christ, không thuộc về dân thánh của Thiên Chúa, không được nhận lãnh giao ước và lời hứa ban phước của Thiên Chúa. Họ sống giữa thế gian không có hy vọng. Nhóm chữ “không có Thiên Chúa” bao gồm nhiều ý nghĩa, mà có lẽ phần nhiều là mô tả về tình trạng thiếu thốn, nghèo nàn trong tâm linh của một người, tiêu biểu như: không có tình yêu của Thiên Chúa nên lòng luôn cảm thấy trống vắng; không có sự quan phòng của Thiên Chúa nên luôn thấy bất an; không có lời hứa của Thiên Chúa nên đời sống không có sự trông cậy; không có Lời của Thiên Chúa nên không có sự hiểu biết chân thật, cũng không hiểu được mục đích sống.
13 Nhưng trong Đấng Christ Jesus, các anh chị em là những người ngày trước cách xa, hiện nay đã được làm cho gần bởi máu của Đấng Christ.
Câu 13: Con hiểu rằng, “trong Đấng Christ Jesus”, nghĩa là hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và hoàn toàn vâng phục mọi lời dạy của Ngài. Chỉ có như vậy, thì một người mới được kết hiệp làm một với Ngài, và “được làm cho gần”, nghĩa là được dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời, gọi Ngài là “Cha”, được ở gần bên dân thánh của Thiên Chúa.
14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa bình của chúng ta. Ngài đã hiệp cả hai làm một, phá đổ bức tường ngăn cách,
Câu 14: “Hiệp cả hai làm một” là kết hiệp những người tin nhận Đấng Christ, thuộc dân I-sơ-ra-ên và thuộc những dân tộc khác, làm một. “Phá đổ bức tường ngăn cách” là phá đổ đi các thói kỳ thị người ngoại của người I-sơ-ra-ên, đồng thời cũng là phá đổ đi mọi sự ngăn cách về giai cấp, địa vị, học thức, chủng tộc… Trong Chúa, mọi người đều bình đẳng.
15 chấm dứt trong xác thịt của Ngài sự thù nghịch, tức là luật pháp của các điều răn trong các điều lệ, để Ngài lập nên trong chính Ngài cả hai thành một người mới, làm ra sự hòa bình.
Câu 15: Trong các điều lệ của luật pháp có quy định các hình phạt dành cho người vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, mà không một ai là không vi phạm các điều răn, nên luật pháp trở nên sự thù nghịch đối với mọi người. “Chấm dứt trong xác thịt của Ngài” nghĩa là, bởi sự chết chuộc tội của mình mà Đấng Christ đã chấm dứt sự thù nghịch của luật pháp đối với những ai tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài.
Con hiểu rằng, Đức Chúa Jesus Christ chấm dứt sự thù nghịch của luật pháp chứ Ngài không chấm dứt luật pháp, như sự giảng dạy của nhiều tà giáo. Mà Đức Chúa Jesus Christ trước tiên làm gương và sau đó dạy dỗ các thánh đồ của Ngài làm vững bền luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17 và Rô-ma 3:31).
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha ban ơn trên một ngày mới của con, ban ơn trên mọi việc tay con làm, sắm sẵn cho các anh chị em của con mọi sự cần dùng, để chuẩn bị bước vào một ngày Sa-bát nghỉ ngơi. Con cảm tạ Cha! A-men.
Ê-phê-sô 2:16-22 Sự Hiệp Một của Dân I-sơ-ra-ên và Các Dân Tộc Khác Trong Hội Thánh – Phần 2
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 2:16-22. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
16 Bởi thập tự giá Ngài đã phục hòa cả hai với Đức Chúa Trời trong một thân thể, qua đó, tiêu diệt sự thù nghịch;
17 và đã đến, rao truyền sự hòa bình cho các anh chị em là những người ở xa cùng những người ở gần.
Câu 16 và 17: Con hiểu rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã phục hòa dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác với Đức Chúa Trời bởi sự chết chuộc tội của Ngài. “Trong một thân thể” nghĩa là, những ai thật lòng tin nhận Đấng Christ thì trở thành một chi thể trong thân thể của Ngài, được nhập vào Hội Thánh. Qua đó, người tin sẽ không còn thù nghịch với luật pháp của Đức Chúa Trời, vì mọi hình phạt của luật pháp đã được Đức Chúa Jesus Christ gánh thay.
“Ngài đã đến, rao truyền sự hòa bình” nghĩa là Đức Chúa Jesus Christ đã đến thế gian, rao giảng Tin Lành, để ban cho mọi người cơ hội phục hòa lại với Đức Chúa Trời, cả những người ở gần (dân I-sơ-ra-ên) và những người ở xa (các dân tộc khác).
18 Vì bởi Ngài mà chúng ta cả hai đều được cùng trong một thần trí đến gần Đức Cha.
Câu 18: Bởi những việc mà Đức Chúa Jesus Christ đã làm ra cho những ai tin, bao gồm cả dân I-sơ-ra-ên và dân ngoại, mà họ được hiệp một thành một thực thể là Hội Thánh, và có cùng một thần trí. “Cùng trong một thần trí” nghĩa là mọi thành viên của Hội Thánh đều có cùng sự hiểu biết về các lẽ thật trong Lời Chúa. Hay nói cách khác là cùng thống nhất với nhau về các lẽ thật, không có sự trái nghịch nhau, vì tất cả đều được cùng một Đức Thánh Linh dẫn dắt, dạy dỗ.
19 Vì thế, các anh chị em chẳng còn là những khách lạ, những người ở trọ nữa, nhưng là những người đồng hương với các thánh đồ, và là những người nhà của Đức Chúa Trời,
20 đã được xây dựng trên nền tảng của các sứ đồ và các tiên tri. Chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà.
Câu 19 và 20: Vì bởi tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà con dân Chúa thuộc các dân tộc khác không còn là khách lạ đối với tuyển dân của Đức Chúa Trời. Họ cũng không còn là người ở trọ đời này, mà trở thành những người đồng hương với những người I-sơ-ra-ên mà có đức tin nơi Thiên Chúa. Nhóm chữ “người ở trọ” có lẽ còn có ý nghĩa chỉ về một cuộc đời tạm bợ, sống nay chết mai, sống không có hy vọng đời sau, đó là tình trạng chung của mọi người trong thế gian. Những người thật lòng tin nhận Chúa thì có niềm trông cậy vững vàng, lòng hướng về quê hương trên trời.
Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng lẽ thật qua lời giảng dạy của các sứ đồ và các tiên tri, được ghi chép lại thành Thánh Kinh. Đức Chúa Jesus Christ được gọi là đá góc nhà vì Ngài là tiêu chuẩn cho sự xây dựng, nghĩa là mọi lẽ thật đều là hướng về Ngài, nói về Ngài.
21 Trong Ngài, cả cấu trúc cùng nhau phát triển thành một đền thờ thánh trong Chúa.
22 Trong Ngài, các anh chị em được kiến trúc thành chỗ ở của Đức Chúa Trời, trong thuộc linh.
Câu 21 và 22: Trong Đấng Christ, mỗi chi thể đều kết nối chặt chẽ với nhau thành một cấu trúc vững chắc. Trong Đấng Christ, Hội Thánh được xây dựng thành chỗ ở của Đức Chúa Trời.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha ban cho con một giấc ngủ ngon, được phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Con cảm tạ Cha! A-men.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú