Cô-lô-se: Chương Ba

11 lượt xem

Nguyễn Ngọc Tú: Cô-lô-se 3:1-6 Nếp Sống Mới và Sự Hiệp Một Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày bình an và ban ơn cho mọi việc tay con làm. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban ơn cho con trong sự đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se 3:1-6. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Vậy, nếu các anh chị em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm những sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời.
2 Hãy nghĩ đến những sự ở trên trời, thay vì những sự ở trên đất;

Câu 1 và 2: Thưa Cha, con hiểu rằng, “những sự ở trên trời” là tất cả những gì thuộc về Vương Quốc Trời và thuộc về Vị Vua cai trị Vương Quốc Trời, tức là Đức Chúa Trời. Vậy nên, tìm và nghĩ đến những sự ở trên trời, là tìm hiểu và hướng lòng về thánh ý của Đức Chúa Trời và về địa vị công dân của Vương Quốc Trời. Hay nói cách khác, là đọc, suy ngẫm, cẩn thận làm theo Thánh Kinh và giữ lòng trung tín cho đến cuối cùng.

Những sự ở trên đất là bao gồm tất cả mọi điều thuộc về thế gian như tiền tài, danh lợi, địa vị, quyền thế, sắc đẹp… Tất cả sự ở trên đất đều sẽ mau chóng qua đi lúc Đức Chúa Jesus tái lâm, hoặc đối với cá nhân mỗi người là lúc tắt hơi thở. Thực tế thì người không biết Chúa cũng nhận thức được đời người ngắn ngủi, mọi thứ đều mau chóng qua đi. Nên nếu một người đã nhận biết Chúa mà còn để những sự trên đất này làm nặng bước linh trình của mình thì thật không đáng chút nào!

3 vì các anh chị em đã chết, sự sống của các anh chị em đã được giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời.

Câu 3: Con hiểu rằng, “các anh chị em đã chết” nghĩa là đã chết đi con người cũ tội lỗi từ khi tin nhận ơn cứu chuộc của Đấng Christ.

“Sự sống của các anh chị em đã được giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời” có hai ý nghĩa: (1) Một là, sau khi được tái sinh thì sự sống của con dân Chúa là sống bởi năng lực của Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa. Hay nói theo cách khác, là con dân Chúa có một sức sống mãnh liệt, kiên cường, do có năng lực Thiên Chúa tuôn tràn bên trong người ấy. (2) Hai là, sự sống lại của thân thể xác thịt của con dân Chúa đã được Đấng Christ cất giấu trong Đức Chúa Trời. Vì thế dù thế gian, ma quỷ có cướp lấy mạng sống của con dân Chúa thì cũng không hề gì.

4 Khi nào Đấng Christ, là sự sống của chúng ta, sẽ hiện ra, thì các anh chị em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh quang.

Câu 4: Con hiểu rằng, Đấng Christ là sự sống và là sự sống lại của con dân Chúa khi Ngài trải qua mọi sự cám dỗ, thử thách và đã sống lại vinh quang. Nên hiện nay, con dân Chúa noi theo bước chân Ngài sống chịu khổ vì Ngài, chờ đợi thời điểm Ngài tái lâm, thì thân thể sẽ được biến hóa hoặc được tái sinh thành thân thể siêu vật chất, rồi cùng hiện ra trong sự vinh quang với Ngài.

5 Vậy, hãy làm chết các chi thể của các anh chị em, là những sự ở trên đất: tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam, ấy là sự thờ hình tượng.

Câu 5: Con hiểu rằng, Phao-lô ví sánh, về thuộc thể thì các chi thể gắn liền với thân thể xác thịt, tương tự vậy, về thuộc linh thì các điều ác (tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam, ấy là sự thờ hình tượng) gắn liền với bản ngã tội lỗi. Vậy nên, “hãy làm chết các chi thể” là quyết tâm dứt bỏ mọi điều ác gắn liền với con người cũ, quyết tâm tránh xa, dù là trong suy nghĩ cũng không nghĩ đến. Tội tà dâm được Phao-lô liệt kê lên hàng đầu là bởi vì tội này rất dễ phạm, dù có thể kiềm chế thân thể nhưng vẫn rất dễ phạm trong tư tưởng.

Ô uế là không sạch sẽ về các thuộc linh lẫn thuộc thể. Ô uế về thuộc linh là phạm tội hoặc thông công với những sự, những người nghịch lại Chúa (như nghe các bài nhạc tôn vinh bà Ma-ri của người Công Giáo).

Tình cảm xấu xa là những sự ưa thích nghịch lại Lời Chúa, như ưa thích tà dâm, ưa thích cảm giác phê chất kích thích.

Tham muốn độc ác là những tham muốn mà gây hại cho chính mình hoặc cho người khác. Điển hình sự tham muốn những người đồng giới.

Tham lam là tham muốn bất cứ điều gì vượt quá nhu cầu mình.

6 Bởi những sự ấy mà cơn giận của Đức Chúa Trời đến trên những con cái không vâng phục.

Câu 6: Con hiểu rằng, “những con cái không vâng phục” chỉ về những người đã tin nhận Chúa, đã được Ngài nhận làm con, nhưng lại quay lại nếp sống tội lỗi, mà trong thư Phi-líp, Phao-lô gọi họ là “những kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ”. Bởi họ đã nếm biết ân điển của Chúa mà quay lại sống trong tội thì sự hình phạt họ sẽ nặng hơn những người không tin nhận Chúa.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ này cũng tiếp tục ban ơn, thêm sức cho con trong công việc làm. Con cảm tạ Cha. A-men!


Nguyễn Ngọc Tú: Cô-lô-se 3:7-11 Nếp Sống Mới và Sự Hiệp Một Trong Đấng Christ – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho gia đình con một ngày Sa-bát phước hạnh, được nhóm hiệp thờ phượng Chúa và thông công với các anh chị em của con. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian ngồi viết lại sự suy ngẫm của con về Lời của Ngài trong Cô-lô-se 3:7-11.

7 Trong những sự ấy, lúc trước các anh chị em cũng bước đi, khi các anh chị em sống trong chúng.
8 Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em.

Câu 7 và 8: Thưa Cha, con hiểu rằng, câu 7 là Phao-lô nói về cuộc đời cũ trước kia của con dân Chúa. Bản thân con nhận thấy con trong cuộc đời cũ con đã phạm hết những điều được liệt kê trong câu 5 và 8. Con cảm tạ Cha đã ban cho con ơn cứu rỗi, cho con được sống trong một cuộc đời mới. Con cảm tạ Cha vì trên bước đường đi theo Chúa con cũng nhiều lần lâm vấp nhưng Ngài vẫn yêu thương, tha thứ, nâng con đứng dậy. Giờ đây, ngồi nhìn lại, con thật cảm tạ Cha về mọi ân điển Ngài trên con. Con được như con ngày nay hoàn toàn là bởi sự thương xót của Ngài! Con cảm tạ Cha.

9 Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó,
10 mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!

Câu 9 và 10: Con hiểu rằng, Đức Thánh Linh đặc biệt nhắc đến sự nói dối trong câu 9 là vì đó là tội lỗi đầu tiên mà loài người biết đến qua lời dối gạt của Sa-tan. Cũng kể từ lúc tin vào những lời dối trá của Sa-tan mà loài người hoàn toàn bị sự nói dối khống chế. Con thấy rằng, kiêu ngạo, dối trá, tà dâm là ba tội lỗi gốc rễ dẫn đến muôn vàn tội lỗi khác của loài người.

Một người thật lòng tin nhận Chúa thì được Ngài tái sinh tâm thần, linh hồn. Còn thân thể xác thịt sẽ được biến hóa hoặc tái sinh trong ngày Đấng Christ tái lâm. Đồng thời trong con người mới ấy được Thiên Chúa ban cho sự tri thức về Ngài, tức có những hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa mà không cần qua học tập. Người mới được tái sinh theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nghĩa là, người mới ấy có phần tâm thần và linh hồn giống như Thiên Chúa. Còn thân thể xác thịt khi được tái sinh sẽ giống thân thể vinh quang của Đấng Christ.

11 Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.

Câu 11: Theo lời chú giải của người chăn, con học được rằng, người Hy-lạp là tiêu biểu cho các dân tộc không phải I-sơ-ra-ên. Người Do-thái là chỉ về người I-sơ-ra-ên. Người chịu cắt bì là nói đến những người I-sơ-ra-ên nhưng nhấn mạnh đến sự họ được ở trong giao ước Đức Chúa Trời lập ra với Áp-ra-ham. Người không chịu cắt bì là người không ở trong giao ước của Áp-ra-ham. Người dã man là chỉ về các sắc dân kém văn minh. Người Sy-the là một dân tộc kém văn minh sống trong các vùng đất thuộc nước Nga ngày nay. Người nô lệ là những tù binh trong chiến tranh bị bán làm nô lệ, hoặc những người nghèo tự bán thân làm nô lệ.

Đấng Christ là tất cả và trong tất cả, nghĩa là, Đấng Christ là Hội Thánh và ở trong tất cả những ai thuộc về Hội Thánh. Tất cả thành viên của Hội Thánh được ví như các chi thể trong thân thể của Đấng Christ. Vì thế, trong Hội Thánh không có sự phân biệt, kỳ thị nào về chủng tộc, văn hóa, địa vị, học thức, phái tính, giàu nghèo… Tại đâu mà xưng là Hội Thánh của Chúa mà có các biểu hiện kỳ thị, phân biệt đối xử, chia bè kết đảng thì đó chắc chắn không phải Hội Thánh trong Đấng Christ.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Với tình hình chiến sự tại Gaza con nghĩ và mong rằng Chúa sẽ đến thật mau. Nguyện xin Chúa cũng giúp bản thân con luôn tỉnh thức trong những giờ phút cuối cùng này và cũng ban ơn cho con trong chức vụ, trong sự canh chừng, nhắc nhở các anh chị con cũng luôn tỉnh thức, chờ đón Chúa! A-men.


Nguyễn Ngọc Tú: Cô-lô-se 3:12-17 Nếp Sống Mới với Tình Yêu Trong Đấng Christ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ và ban ơn cho con trong ngày làm việc đầu tuần mới. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian ghi lại sự suy ngẫm của con về phân đoạn Cô-lô-se 3:12-17. Con xin ghi lại những điều mà Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

12 Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót! Hãy mặc lấy sự từ ái, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại!

Câu 12: Thưa Cha, khi đọc câu “những người được chọn của Đức Chúa Trời” thì con nhớ đến Ê-phê-sô 1:4, về sự Ngài đã chọn những thánh đồ thuộc về Hội Thánh từ trước khi lập nền thế gian. Con cảm tạ Cha vì được Ngài thương xót cách đặc biệt và được thuộc về Hội Thánh của Ngài.

Con hiểu rằng, vì mỗi con dân Chúa đã nhận được ơn thương xót rất lớn của Chúa nên Phao-lô khuyên họ cũng hãy có lòng thương xót đối với người lân cận mình. Con nghĩ rằng, lòng thương xót lớn nhất mà con dân Chúa có thể làm ra cho người lân cận mình là hãy sống thật đúng Lời Chúa, để họ nhìn biết Chúa là tốt lành.

“Hãy mặc lấy sự từ ái” là luôn đối xử tốt, chỉ nghĩ và làm ra việc thiện lành cho người xung quanh mình.

Khiêm nhường là đối nghịch với kiêu ngạo, là kết hợp của lòng tự trọng và lòng tôn trọng người khác. Lòng tự trọng là coi trọng giá trị thật của bản thân, vì nhận biết rằng những giá trị ấy là ân điển Chúa ban trên mình. Đồng thời, con dân Chúa cũng tôn trọng người khác hơn chính mình, bởi vì mỗi người đều mang lấy hình và tượng của Thiên Chúa.

Nhu mì là mềm mại, dịu dàng, lịch sự trong cách đối xử với người khác. Nhẫn nại là lòng kiên trì, chịu đựng trước những khó khăn, nghịch cảnh, để hoàn thành mục đích. Là con dân Chúa thì chắc chắn sẽ gặp muôn trùng khó khăn, nhưng khác với thế gian là con dân Chúa thì có Chúa đi cùng.

13 Nếu một người nào có sự gì phàn nàn với người khác thì hãy chịu đựng nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ các anh chị em thì các anh chị em cũng phải làm như vậy.

Câu 13: Con hiểu rằng, “sự gì phàn nàn” có nghĩa là bất cứ sự gì mà anh chị em trong Hội Thánh gây thiệt hại hay xúc phạm mình. Con dân Chúa thì cần lên tiếng góp ý, quở trách những sự sai trái, để người có lỗi, có tội kịp thời nhận biết mà ăn năn, nhưng đừng phàn nàn về sự việc với ai khác, mà hãy chịu đựng những thiệt hại và tha thứ cho người vi phạm mà biết ăn năn. Vì trên hết, Chúa đã chịu đựng mọi gian khổ và hy sinh mạng sống, là điều lớn lao nhất, cho mỗi người.

14 Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.

Câu 14: Con hiểu rằng, ở trong Chúa mỗi người phải thật sự cầu xin Chúa giúp cho mình có được tấm lòng yêu thương người khác như Chúa vậy. Lòng yêu thương được Phao-lô ví như “dây liên lạc của sự trọn lành” nghĩa là lòng yêu thương chân thật sẽ giúp con dân chân thật của Chúa kết hiệp làm một với lẫn nhau, và giúp nhau trở nên trọn lành.

15 Nguyện sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng của các anh chị em, giữa sự mà các anh chị em đã được gọi trong một thân thể; lại phải biết ơn.

Câu 15: Con hiểu rằng, “sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng của các anh chị em” nghĩa là, sự bình an của Đấng Christ sẽ giúp con dân Chúa vững vàng, không nao núng, không sợ hãi, và hành động được thông sáng trong mọi cảnh ngộ.

16 Nguyện Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng các anh chị em. Trong mọi sự khôn sáng hãy dùng những thi thiên, thánh ca, và bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau; hát cho Chúa với lòng biết ơn của các anh chị em.

Câu 16: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô chúc con dân Chúa được “Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng”, vì Phao-lô thật sự kinh nghiệm được chỉ khi lòng đầy ắp Lời Chúa thì mới có sự thông sáng để nhìn biết mưu kế của ma quỷ, mới có vũ khí sắc bén để chiến đấu và chiến thắng các trận chiến thuộc linh, mới vững vàng trong đức tin. Con thấy rằng việc đọc thi thiên, hát thánh ca, và các bài hát của người chăn viết lời cho con của con nghe là một điều phước hạnh trong cuộc sống. Con nghĩ rằng, con trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng Lời Chúa và những lời lành khi nghe người lớn trong Hội Thánh trò chuyện với nhau, là một điều vô cùng phước hạnh của chúng nó. Ngược lại, những đứa trẻ trong thế gian, lớn lên trong sự nghe những lời dối trá, dọa nạt, chửi mắng, nói tục… thật sự rất là bất hạnh.

17 Mặc dù các anh chị em nói hay làm, cũng phải trong danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha.

Câu 17: Thưa Cha, con thấy Lời dạy trong câu 17 này rất thực tế. Vì con dân Chúa sống giữa vòng những người ngoại, vì thế cần hết sức cẩn trọng trong lời nói và việc làm. Con cảm tạ Cha vì Ngài đã tỉa sửa con nhiều trong cách nói chuyện với người ngoại. Con thấy rằng, lời mình nói đi đôi với việc mình làm là cách hay nhất để người khác coi trọng mình và nhìn thấy Chúa qua mình.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ này ban ơn cho con trong các công việc còn lại trong tối hôm nay và sau đó cũng ban cho con một giấc ngủ ngon, để được phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Xin Cha cũng ban ơn cho các anh chị em con kịp tích trữ thực phẩm, thuốc men, và các đồ cần thiết, trước khi tình hình chiến tranh làm giá cả tăng cao. Con cảm tạ Cha! A-men.


Nguyễn Ngọc Tú: Cô-lô-se 3:18-25; 4:1 Nếp Sống Mới Trong Gia Đình và Trong Quan Hệ Chủ Tớ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha ban cho con một ngày mới. Con cảm tạ Cha sáng hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se 3:18-25; 4:1. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu rằng, phân đoạn này Sứ Đồ Phao-lô viết để hướng dẫn Hội Thánh tại Cô-lô-se về nếp sống của người được dựng nên mới trong Chúa. Đầu tiên là nếp sống trong gia đình, và tiếp theo là trong mối quan hệ xã hội gần nhất, là trong công việc làm kiếm sống mỗi ngày.

18 Những người vợ, hãy vâng phục những người chồng của mình, như một điều phải lẽ trong Chúa.

Câu 18: Con hiểu rằng, sự vợ vâng phục chồng là “một điều phải lẽ trong Chúa” nghĩa là, sự vâng phục đó là điều đương nhiên vì đó là quy luật do Thiên Chúa đặt để. Nhìn vào sự băng hoại của xã hội ngày nay, thì con nghĩ rằng, đây là điều một gia đình con dân Chúa giúp người lân cận mình thấy được ngay sự tốt đẹp trong Chúa. Vợ vui lòng vâng phục chồng những điều không nghịch lại Lời Chúa là điều khiến chồng vui lòng và tấn tới trong linh vụ.

19 Những người chồng, hãy yêu những người vợ của mình đừng ở cay nghiệt với họ.

Câu 19: Con hiểu rằng, người chồng phải yêu và hy sinh cho vợ như Đấng Christ đã yêu và hy sinh cho Hội Thánh. Chồng đừng ở cay nghiệt với vợ, nghĩa là, đừng dùng quyền làm chồng để áp bức, gây khó khăn, bắt buộc vợ phải làm theo ý mình. Chồng yêu vợ thì luôn tìm cách để vợ được vui thỏa và hết lòng giúp vợ đạt được những điều tốt đẹp trong Chúa.

20 Những con cái, hãy vâng phục những cha mẹ của mình trong mọi sự, ấy là sự đẹp lòng Chúa.

Câu 20: Con hiểu rằng, sự con cái vâng phục cha mẹ là cần vâng phục trong mọi sự, miễn sao yêu cầu của cha mẹ không nghịch Lời Chúa.

21 Những người cha, đừng chọc giận những con cái của mình, kẻo chúng nó bị ngã lòng.

Câu 21: Con hiểu rằng, người làm cha đừng chọc giận con cái, nghĩa là, đừng dùng những lời nạt nộ, hăm dọa, thô lỗ, thái độ nóng giận đối xử với con. Những lời nói dối, hứa nhưng không làm, cũng sẽ khiến con trẻ giận. Người làm cha cần dùng Lời Chúa với thái độ nghiêm khắc nhưng dịu dàng để nuôi dạy con cái. Vì con trẻ sẽ nhìn vào và học cách hành xử của cha mẹ, nên chắc chắn những thái độ sai trái của cha mẹ sẽ khiến chúng hiểu sai về Chúa, và bị ngã lòng.

22 Những tôi tớ, hãy vâng phục những chủ về phần xác của mình trong mọi sự, không chỉ phục vụ trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng với lòng chân thành kính sợ Đức Chúa Trời.
23 Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.
1 Những người chủ, hãy đối xử những tôi tớ của mình cách công chính và bình đẳng. Hãy biết rằng, các anh chị em cũng có một Chủ trong các tầng trời.

Câu 22, 23 và đoạn 4 câu 1: Con hiểu rằng, sau mối quan hệ trong gia đình thì mối quan hệ gần nhất là với những người nơi mình làm việc. Vì thế, Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô dạy dỗ con dân Chúa cách hành xử đúng đắn trong công việc.

Đối với những người làm công thì cần vâng phục chủ trong mọi sự, miễn sao yêu cầu của chủ không nghịch Lời Chúa. Khi làm công việc của mình thì phải làm cách hết lòng, nghĩa là luôn gắng hết sức để đem lại lợi ích cho chủ. Vì sự làm việc theo cách “phục vụ trước mắt như những kẻ lấy lòng người” là thực trạng chung của thế gian, nên con nghĩ rằng, con dân Chúa thật sự có nhiều cơ hội để làm vinh danh Chúa tại sở làm, bằng cách làm việc siêng năng, nói năng thật thà, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp.

Đối với con dân Chúa là những người chủ, Chúa dạy cần phải đối xử với tôi tớ mình cách công chính và bình đẳng, nghĩa là, không tư vị, không tôn trọng người này hơn người kia, không ưu tiên việc nhẹ cho người này, để việc nặng cho người kia, mà cần phân phối cách hợp lý. Người chủ có thể quý mến người này hơn người kia, vì sự hết lòng trong công việc, nhưng đừng vì vậy mà tôn trọng người này hơn người kia. Lý do mà Chúa muốn người làm chủ phải đối xử với tôi tớ một cách công chính và bình đẳng, thứ nhất là vì cả chủ và tôi tớ đều có một Chủ ở trên trời là Thiên Chúa, thứ hai là vì người làm chủ như vậy sẽ khiến tôi tớ biết đến tình yêu của Chúa, hưởng phước lành của Chúa, và có cơ hội tin nhận Chúa.

24 Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, là Đấng Christ.

Câu 24: Con hiểu rằng, câu này là một Lời dạy quan trọng để nâng lên nhận thức của con dân Chúa. Con dân Chúa dù ở trong địa vị nào cũng có cơ hội phụng sự Chúa. Vì sự phụng sự Chúa chính là vâng phục ý Chúa đặt để trên mình trong các mối quan hệ gần gũi nhất, như đã được Phao-lô đề cập từ câu 18 đến 23, và 4:1, đó là: vợ vâng phục chồng, chồng vâng phục vợ, con cái vâng phục cha mẹ, cha mẹ nuôi dạy con cái bằng Lời Chúa trong sự nghiêm khắc nhưng dịu dàng, tôi tớ hết lòng vâng phục và làm lợi cho chủ, chủ đối xử công chính và bình đẳng với các tôi tớ.

25 Vì ai ăn ở bất nghĩa, sẽ nhận lấy sự bất nghĩa của mình; không tư vị người nào hết.

Câu 25: Con hiểu rằng, ăn ở bất nghĩa là nếp sống không đúng Lời Chúa. Thực tế là một nếp sống không đúng Lời Chúa thì người thế gian cũng cho là bất nghĩa, chê cười, không chấp nhận được, như: làm vợ mà cãi trả chồng; làm chồng mà say xỉn, bạo hành vợ con; làm con mà chửi rủa, bất kính với cha mẹ; làm cha mẹ mà bạo hành con cái; làm tôi tớ mà chỉ tìm cách ăn gian, lười biếng, nịnh bợ lấy lòng chủ; làm chủ mà mắng chửi, bóc lột tôi tớ…

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Ngoài ra, con nhận thấy trong thực tế cuộc sống, với sự đạo đức xã hội ngày càng băng hoại, thì con dân Chúa có nhiều cơ hội làm vinh danh Chúa trong những việc rất nhỏ trong cuộc sống. Điển hình như, cắt một kiểu tóc gọn gàng lịch sự, không chạy theo các kiểu tóc nhố nhăng của các ngôi sao; ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng; nói năng lễ phép, không bông đùa, bỡn cợt, tầm phào… Con hay nghĩ cách bình dân, là với thực trạng xã hội ngày nay, con dân Chúa chỉ cần làm một người “đàng hoàng” là đã làm vinh danh Chúa rồi.

Nguyện xin Cha tiếp tục thêm sức và ban ơn cho mọi việc tay con làm trong hôm nay. Con cảm tạ Cha.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *