I. Mở Đầu
Kính thưa Hội Thánh,
Tôi cảm tạ Chúa hôm nay ban cho tôi có cơ hội chia sẻ Lời Chúa đến Hội Thánh. Tôi xin chia sẻ đến Hội Thánh một chủ đề có tên là: Hành Trình Đức Tin. Ý tưởng của chủ đề này xuất phát từ một đoạn trích mà tôi đọc được trong cuốn Các Nguyên Lý Cấu Tạo của Thánh Kinh. Đoạn trích này nằm ở trang 515. Tôi đọc số trang để quý ông bà anh chị em nào có trong tay sách này thì có thể tìm đọc và suy ngẫm sau buổi nhóm. Tôi xin đọc:
“Chúng ta phải nhìn xem Chúa với một đức tin đầy dẫy, một lòng tin cậy tuyệt đối. Sự thấy Chúa của Áp-ra-ham đã khiến ông có thể làm tròn thiên chức của mình với tư cách là một kẻ lữ hành, một người khách lạ. Ông đã không biết mình đi đâu, nhưng ông biết mình đang đi với ai. Đức tin không nhìn vào chính sự trông cậy của nó, nhưng nhìn xem Chúa với niềm vui không gì lay chuyển được.
Trong đó, câu mà tôi đặc biệt chú ý đó là: “Ông đã không biết mình đi đâu, nhưng ông biết mình đang đi với ai“.
Chắc hẳn quý ông bà anh chị em cũng nhận ra ý tưởng của tác giả là xuất phát từ Hê-bơ-rơ 11:8-10:
Hê-bơ-rơ 11:8-10
8 Bởi đức tin, Áp-ra-ham khi được kêu gọi ra đi để đến một nơi mà ông sẽ nhận làm cơ nghiệp, thì ông đã vâng lời, ra đi mà không biết mình đi đâu.
9 Bởi đức tin, ông đã kiều ngụ trong vùng đất hứa như đất ngoại quốc, ở trong các lều trại với I-sác và Gia-cốp, các người đồng kế tự một lời hứa với ông.
10 Vì ông chờ đợi một thành có những nền tảng mà Đấng Thiết Lập và Đấng Xây Dựng của nó là Đức Chúa Trời.
Sách Sáng Thế Ký từ chương 12 đến chương 25 ghi lại cho chúng ta các câu chuyện về Áp-ra-ham, về hành trình của ông từ xứ Cha-ran đến xứ Ca-na-an và di chuyển qua các khu vực khác nhau trong xứ Ca-na-an. Trong đó có các câu chuyện làm nổi bật đức tin của ông, như sau:
1. Chúa kêu gọi Áp-ra-ham rời bỏ quê hương (Sáng-thế Ký 12:1-4)
Chúa phán với Áp-ra-ham (khi đó là Áp-ram) rằng ông phải hãy bỏ quê hương, họ hàng và nhà cha mình để đi đến một vùng đất mà Chúa sẽ chỉ cho. Dù không biết điểm đến cụ thể, ông vẫn vâng lời, dẫn gia đình và đem tài vật đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Điều này cho thấy ông có đức tin mạnh mẽ vào lời phán dạy của Chúa.
2. Lời Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời (Sáng-thế Ký 15:1-6)
Dù đã già và vợ ông là Sa-ra lại hiếm muộn, Áp-ra-ham vẫn tin vào lời hứa của Chúa rằng ông sẽ có một dòng dõi đông đúc. Thánh Kinh chép:
“Ông tin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì Ngài kể sự đó là công chính cho ông” (Sáng Thế Ký 15:6).
3. Áp-ra-ham dâng I-sác làm tế lễ (Sáng-thế Ký 22:1-19)
Đây có lẽ là thử thách lớn nhất về đức tin của Áp-ra-ham. Chúa phán bảo ông dâng con trai duy nhất, I-sác, làm của lễ thiêu. Dù rất yêu thương con, Áp-ra-ham không có bất cứ thắc mắc gì về lệnh truyền của Chúa. Ông cũng không do dự mà lập tức vâng phục Chúa. Khi ông giơ dao lên, Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ngăn lại và cung cấp một con chiên đực để làm của lễ thay thế. Sự kiện này minh chứng cho đức tin tuyệt đối của Áp-ra-ham nơi Chúa.
4. Sự cầu thay cho dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sáng-thế Ký 18:16-33)
Khi Chúa tiết lộ ý định hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vì tội lỗi của họ, Áp-ra-ham đã can đảm cầu xin Chúa tha thứ đến 6 lần nếu có đủ số người công chính trong hai thành ấy. Ông thương xót những người trong thành và tin vào sự thương xót của Chúa.
5. Áp-ra-ham từ chối nhận của cải từ vua Sô-đôm (Sáng-thế Ký 14:17-24)
Sau khi giải cứu cháu mình là Lót khỏi tay bốn vua, Áp-ra-ham được vua Sô-đôm đề nghị chia chiến lợi phẩm. Nhưng ông từ chối, nói rằng:
“Ta giơ tay lên Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Chí Cao, Chúa Tể của trời và đất. Ta sẽ không lấy dù một sợi chỉ hay là một sợi dây giày đi nữa. Ta sẽ không lấy bất cứ vật gì của ngươi; kẻo ngươi nói được rằng: Ta đã làm cho Áp-ram giàu có.” (Sáng Thế Ký 14:22-23).
Áp-ra-ham tin rằng chính Chúa mới là Đấng ban phước và không muốn ai nghĩ rằng sự giàu có của ông đến từ sự ban cho của người khác.
6. Áp-ra-ham để A-ga và Ích-ma-ên ra đi (Sáng-thế Ký 21:8-21)
Khi Sa-ra yêu cầu Áp-ra-ham đuổi A-ga và con trai Ích-ma-ên đi, ông rất buồn lòng về Ích-ma-ên. Nhưng Chúa phán rằng Ngài sẽ chăm sóc họ và biến Ích-ma-ên thành một dân tộc. Áp-ra-ham tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chúa và làm theo.
Còn có các câu chuyện khác nữa nhưng tựu chung mỗi câu chuyện đều thể hiện rằng Áp-ra-ham có một đức tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Đây chính là lý do ông được xem là gương mẫu của đức tin, được gọi là “cha của hết thảy những ai tin” (Rô-ma 4:11).
Qua các câu chuyện ấy chúng ta nhận thấy, Áp-ra-ham đã có một hành trình đức tin phi thường, mạnh mẽ, và kiên định. Đức tin của Áp-ra-ham không phải là một quyết định chỉ xảy ra một lần, khi ông vâng lời Chúa rời khỏi xứ Cha-ran, mà là một hành trình kéo dài và đức tin của ông cứ tấn tới liên tục trong suốt cuộc đời du mục trong xứ Ca-na-an.
Điều quan trọng nhất trong hành trình của Áp-ra-ham không phải là nơi ông đến, mà là Đấng ông đi cùng. Ông biết rằng ông đang đi với Đức Chúa Trời toàn năng, thành tín và yêu thương. Ông tin rằng Chúa sẽ giữ lời hứa của Ngài và dẫn dắt ông đến nơi an toàn.
Khi chúng ta liên hệ với một người cũng rất gần gũi với Chúa là ông Môi-se thì chúng ta thấy Môi-se cũng có một đức tin tương tự, tuyệt đối nơi sự đồng hành của Chúa. Môi-se thể hiện qua lời cầu xin Chúa thế này:
“Môi-se thưa rằng: Nếu chính mình Ngài chẳng đi, xin đừng đem chúng tôi lên khỏi đây. Lấy cớ gì mà người ta sẽ biết rằng tôi cùng dân sự Ngài tìm được ân điển trong mắt Ngài? Có phải khi nào Ngài cùng đi với chúng tôi chăng? Thế thì, tôi cùng dân sự Ngài sẽ được phân biệt với muôn dân trên mặt đất.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:15-16).
Hoàn cảnh của câu này:
- Bối cảnh trước đó (Xuất Ê-díp-tô Ký 32):
Dân I-sơ-ra-ên, trong khi Môi-se đang ở trên núi Si-nai nhận luật pháp từ Đức Chúa Trời, đã đúc một tượng bò vàng để thờ phượng, vi phạm giao ước với Ngài. Điều này khiến Đức Chúa Trời nổi giận và Ngài nói với Môi-se rằng Ngài sẽ không trực tiếp đi cùng dân sự nữa, mà chỉ sai một thiên sứ dẫn đường (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:1-3). Ngài bảo dân I-sơ-ra-ên là một “dân cứng cổ” và sự hiện diện trực tiếp của Ngài có thể dẫn đến sự hủy diệt họ vì tội lỗi của họ. - Phản ứng của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:11-16):
Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33:11-16, Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời một cách tha thiết. Ông bày tỏ rằng nếu không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời, cuộc hành trình của dân I-sơ-ra-ên lên đất hứa sẽ vô nghĩa. Câu 15, 16 là một phần của lời cầu xin này. Môi-se nhấn mạnh rằng chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời là điều làm cho dân I-sơ-ra-ên khác biệt so với các dân tộc khác. Ông không muốn tiến bước nếu Đức Chúa Trời không đích thân dẫn dắt họ.
II. Liên Hệ Đến Đời Sống Hiện Tại:
Liên hệ với cuộc sống của con dân Chúa ngày nay:
Hành trình đức tin của con dân Chúa ngày nay cũng giống như cuộc phiêu lưu của Áp-ra-ham, trong đó nhiều khi chúng ta không thấy rõ con đường phía trước. Cuộc sống của con dân Chúa cũng xảy đến nhiều điều bất ngờ. Chúng ta có thể không biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì với công việc, gia đình, sức khỏe hay những hoàn cảnh khác. Nhưng điều quan trọng là con dân Chúa cần biết rằng Chúa luôn ở bên cạnh mình.
Thánh Kinh dạy điều này một cách đơn giản:
“Hãy phó thác đường lối mình cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.” (Thi Thiên 37:5).
Phó thác có nghĩa là giao phó mọi lo lắng, quyết định, và tương lai của mình cho Chúa, tin rằng Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta.
Chúa cũng hứa:
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng” (Giê-rê-mi 29:11).
Lời này của Chúa giúp chúng ta hiểu rằng, Ngài có kế hoạch tốt đẹp cho cuộc đời của mỗi người, dù đôi khi chúng ta chưa thấy được ngay.
III. Làm sao để cảm nhận Chúa trên hành trình đức tin của mình?
Có một số cách để cảm nhận sự hiện diện của Chúa:
1. Học cách nhận ra tiếng Chúa:
“Chiên Ta nghe tiếng của Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Giăng 10:27).
Vậy, làm sao con dân Chúa nghe được tiếng Chúa?
Đọc Thánh Kinh thường xuyên, mỗi ngày dành thời gian yên tĩnh trò chuyện với Chúa:
“Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa” (Thi Thiên 46:10a).
Mỗi ngày, quý con dân Chúa nên dành ra một khoảng thời gian yên tĩnh để cầu nguyện với Chúa và đọc, suy ngẫm Lời Chúa. Vào đầu giờ cầu nguyện, dành vài phút yên lặng để cảm nhận sự hiện diện của Chúa. Sau đó cầu nguyện, chia sẻ mọi thứ với Chúa, và lắng nghe sự hướng dẫn của Ngài. Sau đó có thể đọc Thánh Kinh và suy ngẫm về ý nghĩa của các phân đoạn mà mình vừa đọc.
Khi chúng ta dành thời gian cho Chúa mỗi ngày, chúng ta dần phát triển khả năng nhận biết tiếng Ngài trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta sẽ cảm nhận được tiếng Chúa phán với mình qua Thánh Kinh, qua người khác, qua những cảm nhận trong tâm thần. Đây là một kỹ năng phát triển theo thời gian, giống như cách một đứa bé thường được nghe những lời yêu thương của cha mẹ hàng ngày và sau đó nó dễ dàng nhận ra giọng nói của cha mẹ.
- Nhận biết tiếng Chúa qua Thánh Kinh
Thánh Kinh là nơi Chúa phán với chúng ta rõ ràng nhất. Con dân Chúa đọc Kinh Thánh thường xuyên:
-
- Sẽ quen với cách Chúa nói với mình.
- Đức Thánh Linh sẽ “làm sáng” những câu Thánh Kinh cụ thể mà Chúa muốn nói với mình trong một tình huống thực tế.
- Khi mình cần sự hướng dẫn thì những câu Kinh Thánh sẽ được nhắc nhở trong tâm trí.
Một ví dụ thực tế: Khi chúng ta đang lo lắng về việc gì đó, thì ý tưởng “chớ lo lắng về ngày mai” có thể xuất hiện trong tâm trí – đó là Chúa nhắc chúng ta về lời dạy của Ngài trong Ma-thi-ơ 6:34.
- Nhận biết tiếng Chúa qua người khác
Chúa thường sử dụng người khác để phán với chúng ta:
-
- Lời khuyên từ một anh chị em trong Hội Thánh.
- Một bài giảng dường như nói đúng về tình huống mà mình đang gặp phải.
- Một lời khích lệ từ các anh chị em trong Hội Thánh đến đúng lúc mình cần nhất
Chúa có thể sử dụng cả những người không tin Chúa, khi mà thông điệp của họ đúng với Lời Chúa, đó cũng là Ngài đang phán qua họ.
- Nhận biết tiếng Chúa qua cảm nhận trong tâm thần.
Đức Thánh Linh ngự trong thân thể con dân Chúa và thường bày tỏ sự hiện diện của Ngài qua:
-
- Ban cho sự bình an về một quyết định.
- Đột ngột thúc giục chúng ta cầu nguyện cho ai đó.
- Cảm giác không nên làm điều gì đó dù bề ngoài có vẻ hợp lý.
- Cách cơ bản phân biệt tiếng Chúa với suy nghĩ thông thường:
Không phải mọi ý tưởng đều từ Chúa. Để phân biệt:
- Kiểm tra với Thánh Kinh: Chúa không bao giờ mâu thuẫn với Lời của Ngài.
- Xem xét đặc tính của ý tưởng: Tiếng Chúa mang đặc tính của Ngài – đó là đem đến cho người nghe cảm nhận được sự yêu thương, bình an, vui tươi trong lòng.
- Tìm kiếm sự xác nhận qua những người Chúa đặt để chăn dắt mình, qua người chăn và các trưởng lão trong Hội Thánh.
2. Cầu xin sự dẫn dắt Đức Thánh Linh:
“Nhưng Đấng Thần Linh của Lẽ Thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào trong mọi lẽ thật.” (Giăng 16:13a).
Đức Thánh Linh giúp chúng ta hiểu ý muốn của Thiên Chúa trên đời sống của chúng ta.
3. Thường cảm tạ Chúa về những điều nhỏ nhặt:
“Trong mọi sự, hãy tạ ơn!” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18a).
Mỗi ngày, hãy tập thói quen cảm tạ Chúa về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày mà Chúa ban cho chúng ta. Bản thân tôi thì khi nhìn các con vui chơi, nói một lời gì hay làm một hành động gì khôn sáng… là trong tâm trí tôi dâng lời cảm tạ Chúa. Lúc đó tôi thấy vui, hạnh phúc, biết Chúa đang bên cạnh mình.
4. Giúp đỡ người khác, nhưng ưu tiên cho các anh chị em cùng đức tin:
“Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.” (Ga-la-ti 6:10).
Khi con dân Chúa suy ngẫm điều Lời dạy này của Chúa và sốt sáng áp dụng vào thực tế cuộc sống, chắc chắn rằng khi giúp đỡ được ai một điều gì đó, con dân Chúa sẽ cảm nhận được niềm vui, niềm hân hoan trong lòng. Và học được thêm các lẽ thật của Thánh Kinh.
5. Hát tôn vinh Chúa:
“Nhưng Ngài là thánh, Đấng ngự giữa những sự tôn vinh của I-sơ-ra-ên.” (Thi Thiên 22:3).
“Vì các ngươi sẽ đi ra với sự vui vẻ, sẽ được đưa đi trong sự bình an. Trước mặt của các ngươi, những núi và những đồi sẽ trỗi tiếng trong sự ca hát, và mọi cây cối của đất sẽ vỗ tay.” (Ê-sai 55:12).
Nghe và hát những bài thánh ca sẽ giúp con dân Chúa cảm nhận sự hiện diện của Ngài.
6. Yêu quý sự thông công với anh chị em trong Hội Thánh:
“Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn, khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần.” (Hê-bơ-rơ 10:25).
Việc gặp gỡ trò chuyện với các anh chị em cùng đức tin sẽ giúp đức tin của con dân Chúa mạnh mẽ hơn.
7. Kiên nhẫn thực hành đức tin kể cả khi gặp khó khăn, thử thách:
“Thân xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có các việc làm thì cũng chết như vậy.” (Gia-cơ 2:26).
“Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại.” (Gia-cơ 1:3).
Kiên nhẫn thực hành sáu điều trước đó. Hãy xem những khó khăn là để giúp cho đức tin của chúng ta trưởng thành hơn.
Tóm lại, dù chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng biết rằng Chúa luôn ở bên cạnh là đủ để chúng ta bước đi trong sự tin kính và bình an. Quý ông bà anh chị em hãy nắm lấy Lời Chúa hứa:
“Vì Ngài đã phán: Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, cũng chẳng bỏ ngươi” (Hê-bơ-rơ 13:5b).
Tôi xin kết thúc bài chia sẻ ở đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú