Rô-ma: Chương 13

26 lượt xem

Rô-ma 13:1-7 Bổn Phận của Công Dân đối với Chính Quyền

1 Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.
2 Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.
3 Vì những người cai trị không phải là sự khiếp sợ cho những người lành mà là cho những kẻ ác. Ngươi muốn không sợ chính quyền chăng? Hãy làm điều lành thì ngươi sẽ được khen.
4 Vì người là tôi tớ của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Nhưng nếu ngươi làm ác thì hãy sợ; vì người mang gươm chẳng phải là vô cớ. Người là tôi tớ của Thiên Chúa, là người thi hành hình phạt, giáng cơn giận trên kẻ làm ác.
5 Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng phải chỉ bởi cơn giận nhưng cũng bởi tâm thức.
6 Cũng vì vậy mà các anh chị em nộp thuế; vì họ là các tôi tớ của Thiên Chúa, hằng giữ việc ấy.
7 Vậy nên, các anh chị em hãy trả cho mọi người những gì mình thiếu họ: sự nộp thuế cho người thu thuế, sự đóng lệ phí cho người thu lệ phí, sự sợ người đáng sợ, sự kính người đáng kính.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Cha lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 13:1-7. Con xin ghi lại những điều Cha dạy cho con hiểu.

Thưa Cha, con hiểu tổng quát về phân đoạn này như sau: Chúa dạy con dân Chúa có bốn phận vâng phục chính quyền. Vì mọi quyền cai trị đều do Ngài chỉ định và những người cai trị cũng là tôi tớ của Thiên Chúa, do Chúa lập nên. Tuy nhiên, con dân Chúa cần kết hợp lời dạy này với Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29 để hành xử đúng ý Chúa, không vâng phục bất kỳ chính sách, điều luật nào của chính quyền mà nghịch lại Lời Chúa.

Thưa Cha, con hiểu Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô dùng từ ngữ “mọi linh hồn” trong câu 1 là để nhấn mạnh đến nhận thức từ sâu trong bản ngã của mỗi người. Nghĩa là mỗi con dân Chúa phải nhận thức được rõ ràng lẽ thật: Sự vâng phục các quyền cao hơn mình là mệnh lệnh của Chúa; các quyền cai trị đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Sự nhận thức rõ ràng lẽ thật này giúp con dân Chúa thực hiện được bổn phận công dân tại quốc gia đang sinh sống.

Thưa Cha, con hiểu rằng, mặc dù phân đoạn này nói đến sự vâng phục chính quyền cai trị một quốc gia nhưng câu “các quyền cao hơn mình” có thể hiểu rộng là bất cứ quyền nào cao hơn mình tính từ trong Hội Thánh đến trong xã hội, như: con dân Chúa phải vâng phục các người chăn, trưởng lão, sứ đồ; vợ vâng phục chồng; con cái vâng phục cha mẹ; dân chúng vâng phục nhà cầm quyền. Mọi sự vâng phục đều đặt trong ngữ cảnh vâng phục trong Chúa. Bất cứ điều gì nghịch lại Lời Chúa thì con dân Chúa không vâng phục.

Thưa Cha, con hiểu rằng, con dân Chúa có thể nói lên những sự sai trái của nhà cầm quyền và không thi hành những điều luật nghịch với các quyền tự do căn bản Chúa ban cho loài người. Sự phản đối cần bằng thái độ ôn hòa hay còn gọi là bất tuân dân sự, phản kháng bất bạo động. Tuy nhiên, đối với các chính quyền đã trở thành bạo quyền thì con dân Chúa nên tránh sự phản kháng, khi bị chính quyền địa phương “làm khó” thì trốn tránh đến các địa phương khác, mục đích chính là để tránh gây thiệt hại cho bản thân, gia đình và tránh các rắc rối làm ảnh hưởng đến linh vụ rao giảng Tin Lành. Con dân Chúa cần phải “khôn khéo như rắn” là như vậy. Con dân Chúa cũng tuyệt đối không tham dự cùng người ngoại, các tổ chức của người ngoại để xuống đường biểu tình phản đối chính sách của nhà cầm quyền. Vì mục đích của họ khác hẳn chúng ta. Mục đích của họ có thể là mong chính quyền thỏa mãn các yêu cầu có lợi cho họ, hoặc tranh đấu cho một lý tưởng, chủ nghĩa. Mục đích của họ có thể đúng hoặc sai, nhưng suy cho cùng kết quả tranh đấu của họ cũng thoáng chốc rồi qua đi. Mục đích của con dân Chúa là sống phụng sự Chúa, rao giảng Tin Lành cho muôn dân. Thời gian của chúng ta vốn ít ỏi, mà kết quả tranh đấu của chúng ta còn lại đến đời đời, nên phải khôn sáng tập trung cho mục đích của mình.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Ngẫm nghĩ về phân đoạn này thì con thấy rằng một chính quyền của loài người có tốt đến cỡ nào thì cũng đầy những bất công. Trong cuộc sống thực tế, khi nghe tâm tình của người xung quanh, con thấy nhiều người có xu hướng tìm cách di chuyển đến nơi có chế độ chính trị tốt hơn, mong hưởng được sự “tự do thật”. Nhưng con biết rằng sự tự do thật chỉ có ở trong vương quốc do Chúa cai trị. Mong Cứu Chúa của con mau đến!


Rô-ma 13:8-14 Luật Pháp Thể Hiện Tình Yêu

8 Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ yêu lẫn nhau; vì ai yêu người khác thì đã làm trọn luật pháp.
9 Vì rằng: Ngươi chớ phạm tội ngoại tình, ngươi chớ phạm tội giết người, ngươi chớ trộm cắp, ngươi chớ làm chứng dối, ngươi chớ tham lam, và bất cứ điều răn nào khác đều tóm lại trong một lời này: Ngươi sẽ yêu người lân cận của ngươi như chính mình! [Lê-vi Ký 19:18]
10 Tình yêu chẳng làm hại người lân cận. Vậy, tình yêu là sự làm trọn luật pháp.
11 Hãy biết rằng, thời kỳ hiện nay là giờ của ban ngày, lúc chúng ta thức dậy khỏi sự ngủ; vì hiện nay sự cứu rỗi của chúng ta đã gần chúng ta hơn khi chúng ta mới tin.
12 Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc của sự tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng.
13 Hãy bước đi cách phải lẽ như giữa ban ngày! Không bước đi trong sự thác loạn và say sưa! Không bước đi trong sự dâm loạn và phóng đãng. Không bước đi trong sự cãi lẫy và ganh tị.
14 Nhưng các anh chị em hãy mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ; chớ làm sự chu cấp cho xác thịt trong sự tham muốn của nó.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới nữa Cha ban cho con. Cảm tạ Cha vì hôm nay Cha lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 13:8-14. Con xin ghi lại những điều Cha dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, trong câu 8, con hiểu chữ “mắc nợ” là thiếu ai đó một điều gì cần phải trả. Sự mắc nợ có thể thuộc về vật chất hoặc tinh cảm hoặc cả hai. Bổn phận căn bản của mỗi người cũng là một sự mắc nợ, như: Cha mẹ có bổn phận nuôi dạy con cái; con cái có bổn phận vâng phục cha mẹ; con dân Chúa có bổn phận vâng phục Chúa và các thẩm quyền Chúa đặt để cao hơn mình… Vì thế câu “đừng mắc nợ ai điều gì” cần phải hiểu là phải hết sức, hết lòng làm tròn việc trả nợ, như cố gắng làm việc để trả các món nợ đã vay mượn, thi hành các bổn phận trong Hội Thánh, gia đình, xã hội.

Thưa Cha, trong câu 11, con hiểu câu “sự cứu rỗi của chúng ta đã gần” là nói đến sự cứu rỗi thân thể xác thịt. Bởi vì khi một người tin nhận Chúa thì đã được Đức Chúa Trời tái sinh phần tâm thần, linh hồn như được khẳng định trong II Cô-rinh-tô 5:17, nhưng phần thân thể xác thịt chưa được cứu khỏi sự hư hoại. Sự cứu rỗi của thân thể xác thịt sẽ được hoàn thành khi Chúa đến đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế, thân thể của những thánh đồ đã chết sẽ được làm cho sống lại, thân thể của những thánh đồ đang sống sẽ được biến hóa, sau đó cùng lúc tất cả sẽ được cất lên không trung gặp Chúa, như Lời Chúa khẳng định trong I Cô-rinh-tô 15:51-53 và I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17.

Thưa Cha, điều con ngẫm nghĩ nhiều nhất khi đọc phân đoạn này là hai câu “mặc lấy áo giáp của sự sáng” và “mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ”. Kết hợp câu 12 và câu 13 con hiểu như sau: Thánh Kinh ví con đường là cuộc sống, bước đi là sống một nếp sống và giải thích “những việc của sự tối tăm” là nếp sống trong sự thác loạn và say sưa, dâm loạn và phóng đãng, cãi lẫy và ganh tị. Nên “mặc lấy áo giáp của sự sáng” là hãy sống một nếp sống thể hiện tình yêu, sự công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa. Được gọi là “áo giáp của sự sáng” bởi vì nếp sống ấy vừa giúp bảo vệ con dân Chúa khỏi tội lỗi, khỏi mọi thói hư, tật xấu, vừa đem lại sự vinh quang cho người ấy. “Mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ” là sống nếp sống như Đức Chúa Jesus đã sống, mà tóm gọn là trọn đời sống vâng phục và bày tỏ sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cũng hiểu thêm rằng sự vinh quang của một người ở đời sau lớn bao nhiêu là tùy thuộc vào nếp sống yêu thương, thánh khiết, công chính mà họ thể hiện ra trong đời này. Một người yêu và hi sinh cho Chúa nhiều, yêu và hi sinh cho người lân cận mình nhiều, thì được Chúa ban cho sự vinh quang lớn và đạt được nhiều sự tôn trọng trong đời sau. Nguyện rằng dù có khó khăn vất vả thế nào con cũng vì biết ơn Chúa, ghi nhớ sự làm gương của Chúa, mà bền lòng làm lành cho những người lân cận con. Con cảm tạ Cha!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú