Rô-ma: Chương 15

24 lượt xem

Rô-ma 15:1-7 Gương của Đấng Christ

1 Vậy, chúng ta là những người mạnh thì phải gánh vác những sự yếu đuối của những người yếu đuối. Chớ làm cho thỏa lòng chính mình.
2 Mỗi người trong chúng ta nên làm thỏa lòng người lân cận của mình, hướng về sự tốt lành và sự gây dựng.
3 Vì Đấng Christ cũng không làm cho thỏa lòng chính mình, nhưng như có chép: Những lời sỉ nhục của những kẻ sỉ nhục Ngài đã đổ trên tôi! [Thi Thiên 69:9]
4 Vì những sự đã chép trước đây là được chép cho sự dạy dỗ chúng ta, để bởi sự nhẫn nại và sự an ủi của Thánh Kinh mà chúng ta nắm giữ sự trông cậy.
5 Đức Chúa Trời của sự nhẫn nại và sự an ủi đã ban cho các anh chị em được cùng suy tưởng như nhau theo gương của Đấng Christ Jesus,
6 để các anh chị em cùng một tâm trí, một miệng mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.
7 Vậy thì, các anh chị em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp chúng ta vào trong sự vinh quang của Thiên Chúa.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 15:1-7. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu.

Thưa Cha, con hiểu một cách tổng quát phân đoạn này như sau: Chúa dạy con dân Chúa sống theo gương của Đấng Christ, nhất là những người đã bước đi trong Chúa lâu năm, có đức tin mạnh mẽ thì phải gánh vác những người mới đến với Chúa, còn non yếu trong đức tin.

Thưa Cha, con hiểu gánh vác những sự yếu đuối của những người yếu đuối là phải biết cảm thông, hết sức giúp cho những nỗi lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, chán nản… của người anh chị em mới đến với Chúa, chưa kinh nghiệm Chúa nhiều. Con hiểu sự yếu đuối này là một thực tế của một người mới đến với Chúa, do chưa hiểu biết Lời Chúa nhiều nên chưa biết cách áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, để sống được một đời sống bình an, vui thoả. Tuy nhiên, họ là người thật lòng ăn năn tội, sợ phạm tội, và hoàn toàn tin vào Lời Chúa. Một người ý thức được mình là người yếu đuối thì sẽ hết sức học Lời Chúa và vâng phục sự hướng dẫn của người chăn, các trưởng lão. Nhưng một người cứ vịn vào cớ yếu đuối để bào chữa cho sự phạm tội của mình là một người chưa hết lòng từ bỏ tội, còn ham thích phạm tội.

Thưa Cha, con hiểu cùng suy tưởng như nhau theo gương của Đấng Christ Jesus có nghĩa là: Dù mỗi thành viên trong Hội Thánh đều có những cá tính, sở thích, thói quen khác nhau nhưng có cùng tâm tình, luôn hướng lòng về Đấng Christ, học theo Đấng Christ trong nếp sống nhu mì, khiêm nhường, vâng phục Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, con hiểu rằng con dân Chúa có cùng một tâm trí là có cùng một sự hiểu biết về Lời Chúa, có cùng một suy nghĩ muốn sống vâng phục Chúa. Đây là một điều rất quan trọng trong thực tế sinh hoạt của Hội Thánh. Khi nào các thành viên của Hội Thánh có cùng tâm tình, cùng hướng lòng đến sự gầy dựng Hội Thánh chung, không ai vì ích lợi cá nhân, thì sẽ rất dễ thống nhất các việc chung, công việc được tiến hành nhanh chóng.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ đã sống một cuộc đời làm gương cho con trong sự nhu mì, khiêm nhường, gánh vác những sự yếu đuối của những người yếu đuối. Nguyện rằng con cũng sống được như Ngài, luôn biết cảm thông và hết lòng nâng đỡ những người yếu đuối hơn con.


Rô-ma 15:8-13 Các Dân Ngoại Có Sự Trông Cậy nơi Đấng Christ

8 Tôi nói rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã là người phục vụ cho sự cắt bì vì lẽ thật của Thiên Chúa, để xác nhận những lời hứa cùng các tổ phụ.
9 Nhưng các dân ngoại tôn vinh Đức Chúa Trời vì sự thương xót của Ngài, như có chép: Bởi đó, tôi sẽ xưng nhận Ngài giữa các dân ngoại, và ca tụng danh Ngài. [Thi Thiên 18:49]
10 Cũng có phán: Hỡi các dân ngoại! Hãy vui mừng với dân của Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:43]
11 Lại phán: Hỡi hết thảy các dân ngoại! Hãy tôn vinh Chúa! Hỡi muôn dân! Hãy tán dương Ngài! [Thi Thiên 117:1]
12 Ê-sai cũng nói: Sẽ có cội rễ của Gie-sê và Đấng trỗi lên từ đó, cai trị các dân ngoại. Các dân ngoại sẽ trông cậy nơi Ngài. [Ê-sai 11:1, 10]
13 Đức Chúa Trời của sự trông cậy, đổ đầy các anh chị em mọi điều vui vẻ và bình an trong đức tin, để cho các anh chị em được dư dật trong sự trông cậy, trong sức mạnh của thánh linh.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 15:8-13. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu.

Thưa Cha, con hiểu phân đoạn này Ngài dạy cho con dân Chúa hiểu rằng: Từ Cựu Ước, mặc dù Đức Chúa Trời lựa chọn dân tộc I-sơ-ra-ên làm cơ nghiệp của Ngài và gọi họ là dân tộc thánh, dân quý báu của Ngài, nhưng Ngài cũng ban ơn cứu rỗi cho các dân tộc khác, miễn là họ có lòng tìm kiếm thờ phượng Chúa. Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô nhắc lại cho con dân Chúa về lẽ thật ấy để thêm lên niềm vui trong sự trông cậy của các thánh đồ tại thành Rô-ma, mà đa số họ là dân ngoại.

Thưa Cha, con hiểu câu 8 như sau: Đức Chúa Jesus Christ đã là người phục vụ cho sự cắt bì nghĩa là Ngài đã làm công tác rao giảng Tin Lành, giãi bày lẽ thật của Thiên Chúa cho dân tộc I-sơ-ra-ên, những người ở trong giao ước cắt bì giữa Thiên Chúa và tổ phụ Áp-ra-ham. Sự Đức Chúa Jesus Christ làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri trong Cựu Ước trên chính mình Ngài chính là bằng chứng xác nhận những lời hứa cùng các tổ phụ.

Thưa Cha, con hiểu từ câu 9 đến câu 12 như sau: Sứ Đồ Phao-lô trích dẫn lại các lời phán trong Cựu Ước để giúp con dân Chúa người ngoại hiểu rằng, Đức Chúa Trời từ xưa vẫn ban ơn thương xót các dân ngoại. Nên ngày nay họ cũng được thương xót khi thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Lời hứa về sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ cai trị các dân ngoại là một lời hứa mang lại nhiều niềm vui và hy vọng cho con dân Chúa trong khắp mọi nơi, khắp mọi thời đại, nhất là con dân Chúa sống ở các quốc gia độc tài, chính quyền trở thành bạo quyền. Trong thực tế cuộc sống, con cũng nhận thấy một mong ước thường trực của người dân là được sống trong một chế độ tự do, được tôn trọng các quyền cơ bản, được bảo vệ khỏi những kẻ ác. Con hiểu rằng điều này chỉ được hiện thực trong vương quốc do Đức Chúa Jesus Christ cai trị.

Thưa Cha, con hiểu câu 13 như sau: Đức Chúa Trời là nguồn của mọi sự trông cậy, vì mọi điều tốt lành là ra từ Ngài. Khi một người có đức tin nơi Chúa và đọc Thánh Kinh thấy những lời hứa của Chúa, hiểu được những điều sâu nhiệm về sự vĩ đại của Chúa thì tự nhiên lòng họ sẽ vui vẻ, bình an, vì trong đức tin họ biết chắc rằng mình được quan phòng bởi một Đấng Vĩ Đại. Sức mạnh của thánh linh là sức mạnh ra từ Chúa, được Chúa tuôn đổ trên các thánh đồ, để họ sống đắc thắng tội lỗi và hoàn thành những việc lành mà Chúa sắm sẵn cho.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng con biết tận dụng thánh linh Cha ban cho để hết lòng gầy dựng Hội Thánh trong những ngày cuối cùng này. Con cảm tạ Cha đã ban cho con thêm một tuổi mới, nguyện rằng trong tuổi mới này con lại được Ngài ban cho thêm nhiều việc lành và luôn sống thỏa vui trong sự ban ơn của Đức Cha, sự đồng làm việc với Đức Chúa Jesus Christ, và sự dẫn dắt, dạy dỗ của Đức Thánh Linh!


Rô-ma 15:14-21 Phao-lô, Sứ Đồ của Các Dân Ngoại

14 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Chính mình tôi cũng tin chắc rằng, các anh chị em có đầy sự ngay lành, được đổ đầy mọi sự hiểu biết, và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau.
15 Dù vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi đã viết cho các anh chị em cách rất dạn dĩ, phần nào như nhắc các anh chị em, bằng ân điển đã ban cho tôi bởi Đức Chúa Trời,
16 cho tôi làm người phụng sự của Đức Chúa Jesus Christ giữa các dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin Lành của Đức Chúa Trời, để sự dâng các dân ngoại làm của lễ được chấp nhận, được thánh hóa trong thánh linh.
17 Vậy, tôi có sự khoe mình trong Đức Chúa Jesus Christ trước Đức Chúa Trời.
18 Vì tôi sẽ chẳng dám nói bất cứ sự gì khác hơn những sự mà Đấng Christ đã làm qua tôi, cho sự vâng phục của các dân ngoại, bởi lời nói và việc làm,
19 trong năng lực của những dấu kỳ và những phép lạ, trong năng lực của thần trí của Thiên Chúa. Vậy nên, từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-li-ri, tôi đã giảng đầy trọn Tin Lành của Đấng Christ.
20 Bởi đó, tôi lấy làm vinh dự mà giảng Tin Lành nơi nào danh Đấng Christ chưa được gọi, để cho tôi không xây dựng trên nền của người khác,
21 như có chép: Những ai chưa được nghe nói về Ngài thì họ sẽ thấy Ngài; những ai chưa nghe thì sẽ hiểu. [Ê-sai 52:15]

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 15:14-21. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu Sứ Đồ Phao-lô viết đoạn thư này để khẳng định về chức vụ sứ đồ dành cho dân ngoại mà Chúa đã ban cho ông. Hàm ý khẳng định mọi lời trong thư là sự dạy dỗ từ Đấng Christ ban ra qua ông. Nghĩa là, Hội Thánh tại Rô-ma có bổn phận tiếp nhận những giải bày về lẽ thật trong thư tín này và vâng phục những hướng dẫn của ông. Cũng đồng nghĩa với việc Hội Thánh Chúa ở khắp mọi nơi, trong khắp mọi thời đại cũng có bổn phận tiếp nhận, vâng theo những sự dạy dỗ trong thư tín này.

Thưa Cha, con hiểu câu 16 như sau: Phao-lô làm chức tế lễ của Tin Lành cho dân ngoại nghĩa là qua sự giảng Tin Lành của ông mà dân ngoại tiếp nhận Tin Lành và ông dâng lên Đức Chúa Trời những người tin ấy, như một của lễ, để được Đức Thánh Linh tái sinh tâm thần và ban cho họ đầy tràn năng lực của Thiên Chúa.

Thưa Cha, con hiểu câu 17 như sau: Sự khoe mình Phao-lô nói ở đây là sự khoe mình trong Chúa, khoe rằng chức vụ, thẩm quyền, mọi ân tứ ông đang có đều là sự ban cho của Chúa; khoe rằng mọi sự ông làm được là nhờ sức Chúa và do Chúa làm qua ông. Sự khoe mình trong Chúa cách thật lòng luôn là tìm cách tôn cao Chúa, khoe ra mọi việc Chúa đã làm cho mình, với lòng tha thiết biết ơn Chúa. Cách nhận biết thực tế là lời nói đi đôi với việc làm, một người thật lòng biết ơn Chúa thì lời cảm tạ Chúa của người ấy luôn đi kèm với nếp sống tỏ ra được lòng yêu thương, biết hi sinh, nhường nhịn, nâng đỡ người yếu đuối hơn.

Thưa Cha, con hiểu câu 19 như sau: Thần trí của Thiên Chúa là những ý tưởng của Thiên Chúa, nên con hiểu câu “năng lực của thần trí của Thiên Chúa” có nghĩa là khi một người hiểu được những lẽ thật về chính Thiên Chúa và ra từ Thiên Chúa thì sẽ có một sức mạnh thuộc linh mạnh mẽ, có khả năng làm được mọi sự. Đây là một trạng thái thuộc về tinh thần, thí dụ như một người hiểu được lẽ thật rằng một người đang sống mà tin Chúa thì không hề chết (Giăng 11:26) thì tự nhiên người ấy không còn sợ cái chết của thân thể xác thịt nữa, người ấy sẽ mạnh mẽ rao truyền Tin Lành mà không sợ cực khổ, bách hại.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Chúa cũng giúp con làm tròn được bổn phận rao giảng Tin Lành cho dân tộc Việt Nam của con. Con cảm tạ Ngài vì hôm nay khi suy ngẫm Lời Ngài thì con nhận thấy thêm một điều nữa là: Con tin rằng những sự suy ngẫm hằng ngày hôm nay là hành trang giúp chúng con vượt qua những khó khăn lớn hơn sẽ xảy đến trước khi Cứu Chúa của chúng con đến đón chúng con ra khỏi cuộc đời này! Nguyện rằng Lời Ngài cứ mãi ở trong con.


Rô-ma 15:22-33 Các Dự Định của Phao-lô

22 Vì vậy mà tôi cũng đã nhiều lần bị ngăn trở về sự đến với các anh chị em.
23 Nhưng bây giờ, chẳng còn có chỗ nào trong các miền này; hơn nữa, đã mấy năm nay, tôi rất ước ao đến với các anh chị em.
24 Vậy, nếu tôi có thể đi đến xứ Tây-ban-nha, thì tôi sẽ đến với các anh chị em, vì tôi mong được thấy các anh chị em trong cuộc hành trình của tôi, và được các anh chị em gửi tôi đến đó, sau khi tôi đã được phần nào thỏa lòng bởi các anh chị em.
25 Nhưng hiện nay, tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem để phục vụ các thánh đồ.
26 Vì người xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai đã vui lòng làm sự chia xẻ cho những thánh đồ nghèo ở thành Giê-ru-sa-lem.
27 Họ đã vui lòng và họ cũng mắc nợ các người ấy nữa. Vì nếu các dân ngoại đã dự phần về những sự thiêng liêng của những người ấy, thì bổn phận của họ là phục vụ những người ấy về những sự thuộc thể.
28 Vậy, khi tôi làm xong việc ấy, và ký giao bông trái này cho họ rồi, tôi sẽ ghé qua các anh chị em để đi đến xứ Tây-ban-nha.
29 Tôi biết rằng, khi tôi đến với các anh chị em, thì tôi sẽ đến trong sự đầy dẫy phước hạnh của Tin Lành Đấng Christ.
30 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi xin các anh chị em hãy bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, bởi tình yêu của Đấng Thần Linh, cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu xin với Đức Chúa Trời, cho tôi,
31 để tôi được cứu thoát khỏi những người chẳng tin trong xứ Giu-đê, và để sự phục vụ của tôi nơi thành Giê-ru-sa-lem sẽ được vui nhận bởi các thánh đồ.
32 Bởi đó, tôi có thể đến với các anh chị em trong sự vui mừng, bởi ý muốn của Thiên Chúa, và được giải lao cùng các anh chị em.
33 Nguyện Đức Chúa Trời của Sự Bình An ở với tất cả các anh chị em! A-men.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới Ngài ban cho con. Cảm tạ Cha đã ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 15:22-23. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu phân đoạn này là lời tâm tình của Sứ Đồ Phao-lô với con dân Chúa tại thành Rô-ma về dự định đến thăm họ của ông và tiếp tục truyền giáo đến xứ Tây-ban-nha, sau khi đã xong việc trao tiền tiếp trợ của con dân Chúa người ngoại trong xứ Ma-xê-đoan và A-chai cho các thánh đồ nghèo người I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem.

Thưa Cha, con hiểu mệnh đề “chẳng còn có chỗ nào trong các miền này” trong câu 23 nghĩa là, trong 16 năm trong công tác truyền giáo, Phao-lô đã đem Tin Lành của Chúa rao giảng khắp các miền phía đông của đế quốc La-mã. Ông ước ao đến thăm, thông công với các anh chị em tại thành Rô-ma và được các anh chị em tiếp trợ cho công tác truyền giáo đến xứ Tây-ban-nha ở phía tây của đế quốc La-mã.

Thưa Cha, con hiểu câu 27 như sau: “Những sự thiêng liêng của những người ấy” là những ơn phước thiêng liêng Chúa ban cho dân tộc I-sơ-ra-ên, để qua đó, người dân ngoại của được hưởng lây. Những ơn phước thiêng liêng tiêu biểu có thể kể đến như: Ân điển cứu rỗi được làm ra qua Đức Chúa Jesus Christ mà về phần xác thịt thì Ngài thuộc về dân I-sơ-ra-ên; những sự hiểu biết sâu nhiệm về Thiên Chúa, về Tin Lành qua Thánh Kinh được ghi chép và giải bày bởi các thánh đồ người I-sơ-ra-ên. Ngoài ra, mọi dân tộc cũng hưởng được nhiều ơn phước thuộc thể qua các phát minh của các nhà khoa học người I-sơ-ra-ên. Vì thế, con dân chân thật của Chúa khắp nơi khi hiểu ra điều này thì tự nhiên cảm thấy biết ơn và có bổn phận (mắc nợ) tiếp trợ cho những nhu cầu cần thiết của các thánh đồ người I-sơ-ra-ên. Hiểu rộng ra thì ngày nay con dân Chúa khắp nơi cũng cần tích cực cầu thay, chúc phước, bênh vực dân I-sơ-ra-ên.

Thưa Cha, con rất thích chữ “bông trái” trong câu 28. Con hiểu chữ này vừa để chỉ về số tiền dâng hiến, vừa chỉ về kết quả ra từ tấm lòng yêu thương của các thánh đồ tại xứ Ma-xê-đoan và A-chai dành cho các thánh đồ tại Giê-ru-sa-lem.

Thưa Cha, con hiểu câu “chiến đấu trong những lời cầu xin” trong câu 30 có nghĩa là, hết lòng và bền lòng trong sự khẩn xin Đức Chúa Trời cứu giúp cho một nhu cầu, nan đề của một cá nhân hoặc của chung Hội Thánh. Giống như người lính trên chiến trường, hết sức chú ý chiến đấu và bền chí, chỉ ngưng lại khi kẻ thù buông vũ khí đầu hàng, hoặc khi xét thấy không còn một mối đe doạ nào. Người lính giỏi trong Chúa cũng cần hết lòng, bền lòng cầu xin cho đến khi được Chúa giải cứu khỏi hoạn nạn hoặc nhu cầu chính đáng được giải quyết.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Qua phân đoạn này, con cũng học được tấm lòng hết lòng vì công tác rao giảng Tin Lành của Sứ Đồ Phao-lô. Con cũng nhớ đến gia đình người chăn và nguyện xin rằng Chúa ban cho chúng con có cơ hội gặp nhau, mặt đối mặt khi còn trên đất này.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú