I Cô-rinh-tô: Chương 11

27 lượt xem

I Cô-rinh-tô 11:2-16 Sự Trùm Đầu của Phụ Nữ

2 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khen các anh chị em, vì các anh chị em nhớ đến tôi trong mọi dịp, và giữ gìn những lời giáo huấn tôi đã trao cho các anh chị em.
3 Dù vậy, tôi muốn các anh chị em biết rằng, đầu của mỗi đàn ông là Đấng Christ; đầu của đàn bà là người đàn ông; và đầu của Đấng Christ là Đức Chúa Trời.
4 Đàn ông nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà có đầu bị trùm lại, thì làm nhục đầu mình.
5 Nhưng đàn bà nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà đầu không được trùm lại, thì làm nhục đầu mình. Vì như vậy cũng giống như nàng đã bị cạo đầu.
6 Nếu người đàn bà không trùm đầu thì cũng hãy hớt tóc đi. Nhưng nếu sự hớt tóc hoặc cạo đầu là xấu hổ cho đàn bà thì hãy trùm đầu lại.
7 Đàn ông thật không nên trùm đầu; vì người là hình ảnh và sự vinh quang của Thiên Chúa. Còn đàn bà là sự vinh quang của đàn ông.
8 Vì đàn ông không ra từ đàn bà mà đàn bà ra từ đàn ông.
9 Cũng không phải đàn ông được tạo ra cho người đàn bà mà đàn bà được tạo ra cho người đàn ông.
10 Bởi đó, người đàn bà phải có dấu hiệu của sự vâng phục thẩm quyền ở trên đầu, vì cớ các thiên sứ.
11 Nhưng trong Chúa chẳng phải đàn ông không cần đàn bà, cũng chẳng phải đàn bà không cần đàn ông.
12 Vì, như người đàn bà ra từ người đàn ông, thì người đàn ông cũng bởi người đàn bà, và hết thảy đều ra từ Đức Chúa Trời.
13 Hãy phán xét trong chính các anh chị em: Đàn bà cầu nguyện Đức Chúa Trời mà không trùm đầu, thì phải lẽ chăng?
14 Chẳng phải chính lẽ tự nhiên dạy cho các anh chị em rằng, nếu đàn ông có tóc dài thì là sự hổ thẹn cho người ấy sao?
15 Nhưng, nếu đàn bà có tóc dài thì là sự vinh quang cho nàng. Vì mái tóc được ban cho nàng để làm khăn che.
16 Và nếu có ai dường như ưa thích tranh cãi thì chúng tôi cũng như các Hội Thánh của Đức Chúa Trời không có thói quen ấy.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày bình an. Con cảm tạ Cha đã ban ơn cho con trong sự đọc và suy ngẫm Lời của Ngài trong I Cô-rinh-tô 11:2-16. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

2 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khen các anh chị em, vì các anh chị em nhớ đến tôi trong mọi dịp, và giữ gìn những lời giáo huấn tôi đã trao cho các anh chị em.

Sau những lời quở trách ở các phân đoạn trước thì Sứ Đồ Phao-lô có lời khen con dân Chúa ở Cô-rinh-tô vì họ có lòng nhớ đến ông, tìm kiếm sự hướng dẫn của ông, và vâng theo những lời khuyên dạy của ông.

3 Dù vậy, tôi muốn các anh chị em biết rằng, đầu của mỗi đàn ông là Đấng Christ; đầu của đàn bà là người đàn ông; và đầu của Đấng Christ là Đức Chúa Trời.

Câu này Sứ Đồ Phao-lô giãi bày cho họ về lẽ thật, mọi người đều được bình đẳng trước Đức Chúa Trời nhưng không bình quyền. Quyền cao nhất là Đức Chúa Trời, tiếp đến là Đấng Christ. Kế đến là người nam trưởng thành, từ 20 tuổi trở lên, cầm quyền trong gia đình và Hội Thánh. Sau cùng là người nữ cầm quyền trên con cái dưới 20 tuổi.

4 Đàn ông nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà có đầu bị trùm lại, thì làm nhục đầu mình.
5 Nhưng đàn bà nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà đầu không được trùm lại, thì làm nhục đầu mình. Vì như vậy cũng giống như nàng đã bị cạo đầu.

Câu 4 và 5: Sứ Đồ Phao-lô tiếp tục giãi bày lẽ thật về sự trùm đầu. Đàn ông cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà trùm đầu là làm nhục đầu mình là vì đã tự đồng hóa mình với đàn bà. Còn đàn bà cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà không trùm đầu là làm nhục đầu mình vì chối bỏ thẩm quyền Chúa đặt để trên mình.

6 Nếu người đàn bà không trùm đầu thì cũng hãy hớt tóc đi. Nhưng nếu sự hớt tóc hoặc cạo đầu là xấu hổ cho đàn bà thì hãy trùm đầu lại.

Phao-lô so sánh sự tự làm nhục mình của người đàn bà khi cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà không trùm đầu cũng giống như việc hớt tóc hoặc cạo đầu.

7 Đàn ông thật không nên trùm đầu; vì người là hình ảnh và sự vinh quang của Thiên Chúa. Còn đàn bà là sự vinh quang của đàn ông.
8 Vì đàn ông không ra từ đàn bà mà đàn bà ra từ đàn ông.
9 Cũng không phải đàn ông được tạo ra cho người đàn bà mà đàn bà được tạo ra cho người đàn ông.
10 Bởi đó, người đàn bà phải có dấu hiệu của sự vâng phục thẩm quyền ở trên đầu, vì cớ các thiên sứ.

Từ câu 7 đến câu 10: Phao-lô khẳng định vì người đàn ông là hình ảnh và sự vinh quang của Thiên Chúa không nên trùm đầu. Sự trùm đầu này là khi cầu nguyện, nói tiên tri, không phải các sự trùm đầu để che mưa, che nắng.

“Vì cớ các thiên sứ” nghĩa là vì các thiên sứ sẽ nhìn vào sự nhóm hiệp của Hội Thánh, nên người đàn bà phải trùm đầu để tỏ sự vâng phục mệnh lệnh của Thiên Chúa.

11 Nhưng trong Chúa chẳng phải đàn ông không cần đàn bà, cũng chẳng phải đàn bà không cần đàn ông.
12 Vì, như người đàn bà ra từ người đàn ông, thì người đàn ông cũng bởi người đàn bà, và hết thảy đều ra từ Đức Chúa Trời.

Câu 11 và 12: Hai câu này Sứ Đồ Phao-lô giãi bày giúp Hội Thánh hiểu rõ, mặc dù Chúa đặt để người đàn ông cầm quyền cai trị đàn bà, nhưng cả hai đều bình đẳng, nghĩa là có giá trị như nhau, trước Đức Chúa Trời.

13 Hãy phán xét trong chính các anh chị em: Đàn bà cầu nguyện Đức Chúa Trời mà không trùm đầu, thì phải lẽ chăng?

Câu 13: Sau khi giải thích về quyền cai trị được Thiên Chúa thiết lập, Phao-lô đặt câu hỏi trong câu 13 để con dân Chúa Cô-rinh-tô nhận thức được rõ ràng rằng, trong sự nhóm hiệp của Hội Thánh mà đàn bà khi cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà không trùm đầu là điều không phải lẽ.

14 Chẳng phải chính lẽ tự nhiên dạy cho các anh chị em rằng, nếu đàn ông có tóc dài thì là sự hổ thẹn cho người ấy sao?

Câu 14: Ngoại trừ trường hợp người đàn ông hứa nguyện Na-xi-rê không được cắt tóc trong thời gian hứa nguyện (Dân Số Ký 6) thì theo sự hiểu biết tự nhiên, đàn ông để tóc dài là một sự hổ thẹn.

15 Nhưng, nếu đàn bà có tóc dài thì là sự vinh quang cho nàng. Vì mái tóc được ban cho nàng để làm khăn che.

Mái tóc dài là sự vinh quang của đàn bà nghĩa là mái tóc dài là nét đẹp riêng của người phụ nữ được Thiên Chúa ban cho để thành một khăn che tự nhiên trên đầu nàng.

16 Và nếu có ai dường như ưa thích tranh cãi thì chúng tôi cũng như các Hội Thánh của Đức Chúa Trời không có thói quen ấy.

Câu 16: Sứ Đồ Phao-lô khẳng định sự phụ nữ trùm đầu trong khi cầu nguyện và nói tiên tri là một mệnh lệnh từ Chúa, thành ra Hội Thánh của Chúa phải vâng giữ, và không chấp nhận bất cứ sự tranh cãi nào bác bỏ mệnh lệnh ấy.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng giúp các chị em phụ nữ trong Hội Thánh biết cẩn thận vâng theo lệnh truyền về sự trùm đầu trong khi cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa. Cảm tạ Cha!


I Cô-rinh-tô 11:17-22 Lễ Nghi Tiệc Thánh – Phần 1

17 Tôi truyền lời này, tôi chẳng khen, vì các anh chị em nhóm hiệp không vào trong sự tốt hơn mà vào trong sự tệ hơn.
18 Trước hết, khi các anh chị em nhóm hiệp trong Hội Thánh, thật, tôi nghe rằng, có sự phân rẽ trong các anh chị em. Tôi phần nào tin.
19 Vì phải có sự phe đảng trong các anh chị em, để cho những người đã được thử nghiệm, đã được tiếp nhận, được tỏ ra trong các anh chị em.
20 Vậy, khi các anh chị em nhóm hiệp tại một chỗ, chẳng phải để ăn bữa ăn tối của Chúa.
21 Vì trong sự ăn, mỗi người ăn trước người khác bữa ăn tối cho mình. Nên người thì thật chịu đói, còn kẻ thì say sưa.
22 Sao vậy? Các anh chị em chẳng có nhà để ăn và uống sao? Hay là các anh chị em khinh bỉ Hội Thánh của Đức Chúa Trời, làm cho những người không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói gì với các anh chị em? Có nên khen các anh chị em trong việc này? Tôi chẳng khen đâu.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày bình an Ngài ban cho con. Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 11:17-22. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

17 Tôi truyền lời này, tôi chẳng khen, vì các anh chị em nhóm hiệp không vào trong sự tốt hơn mà vào trong sự tệ hơn.

Câu 17: Sự nhóm hiệp của Hội Thánh là để con dân Chúa thông công với nhau, chia sẻ những ơn phước, cùng thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa, gầy dựng đức tin cho nhau. Tuy nhiên, Sứ Đồ Phao-lô trách Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã không dùng sự nhóm hiệp làm cho nhau trở nên tốt hơn trong Chúa, nhưng ngược lại, lại đem đến những điều tệ hơn, khiến xảy ra sự phân rẽ, gây ra sự buồn phiền lẫn nhau, lý do được ông trình bày trong các câu tiếp theo.

18 Trước hết, khi các anh chị em nhóm hiệp trong Hội Thánh, thật, tôi nghe rằng, có sự phân rẽ trong các anh chị em. Tôi phần nào tin.
19 Vì phải có sự phe đảng trong các anh chị em, để cho những người đã được thử nghiệm, đã được tiếp nhận, được tỏ ra trong các anh chị em.

Câu 18 và 19: Sứ Đồ Phao-lô phần nào tin những tin tức mà ông nghe được về sự phân rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Phao-lô cũng biết rằng, Chúa cho phép những sự phe đảng xảy ra trong Hội Thánh, để nhờ những sự thử nghiệm ấy mà con dân chân thật của Chúa được tỏ ra, là những người không chấp nhận theo phe đảng, không chấp nhận cách hành xử sai nghịch Lời Chúa.

20 Vậy, khi các anh chị em nhóm hiệp tại một chỗ, chẳng phải để ăn bữa ăn tối của Chúa.
21 Vì trong sự ăn, mỗi người ăn trước người khác bữa ăn tối cho mình. Nên người thì thật chịu đói, còn kẻ thì say sưa.

Câu 20 và 21: Con hiểu rằng, Hội Thánh Cô-rinh-tô lúc ấy thường chuẩn bị thức ăn trong những buổi nhóm hiệp vào chiều tối. Tuy nhiên, những người giàu có đến sớm đã ăn trước, và ăn hết phần của người khác, khiến những người nghèo đến sau phải chịu đói. Đây là sự “nhóm hiệp vào trong sự tệ hơn” mà Phao-lô nêu trong câu 17. Đáng lẽ Hội Thánh phải khiến cho buổi ăn tối thông công trở thành một sự phước hạnh, là dịp chan hòa tình yêu thương.

22 Sao vậy? Các anh chị em chẳng có nhà để ăn và uống sao? Hay là các anh chị em khinh bỉ Hội Thánh của Đức Chúa Trời, làm cho những người không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói gì với các anh chị em? Có nên khen các anh chị em trong việc này? Tôi chẳng khen đâu.

Câu 22: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô dạy Hội Thánh cách cư xử phải lẻ là nếu ai có đói thì hãy ăn trước ở nhà. Vì mục đích buổi ăn chung của Chúa là để chan hòa tình yêu thương, là cơ hội người giàu có chia sẻ với những anh chị em nghèo khó hơn của mình. Sự làm cho người anh chị em nghèo khó hơn phải chịu đói và hổ thẹn là một sự khinh bỉ Hội Thánh của Chúa.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con hiểu rằng, trong Hội Thánh của Chúa không được có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Mà người có của cải, chức quyền hãy xem đó là ta-lâng Chúa ban cho để phân phát, phục vụ những người anh chị em nghèo khó, thấp hèn hơn (thấp hèn theo quan điểm của xã hội). Nguyện xin Chúa giúp cho mọi người trong Hội Thánh đều biết sống chan hòa yêu thương lẫn nhau.


 I Cô-rinh-tô 11:23-34 Lễ Nghi Tiệc Thánh – Phần 2

23 Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi cũng đã trao cho các anh chị em. Ấy là Đức Chúa Jesus, trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã lấy bánh,
24 và đã tạ ơn. Ngài đã bẻ ra và phán rằng: Các ngươi hãy nhận! Các ngươi hãy ăn! Đây là thân thể của Ta, vì các ngươi mà vỡ ra. Các ngươi hãy làm điều này để nhớ đến Ta.
25 Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối, Ngài lấy chén và phán: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; các ngươi hãy làm điều này mỗi khi các ngươi uống, để nhớ đến Ta.
26 Nên mỗi lần các anh chị em ăn bánh này và các anh chị em uống chén này, các anh chị em hãy rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.
27 Vậy, ai ăn bánh này hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân thể và máu của Chúa.
28 Nhưng mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh ấy và uống chén ấy.
29 Vì người nào ăn và uống cách không xứng đáng, không phân biệt thân thể của Chúa, thì người ấy ăn và uống sự hình phạt cho mình.
30 Bởi cớ đó, trong các anh chị em có nhiều kẻ yếu đuối, bệnh tật, và có lắm kẻ ngủ!
31 Nếu chúng ta tự xét mình thì chúng ta không bị phán xét.
32 Nhưng bởi những sự phán xét của Chúa mà chúng ta bị sửa phạt, để chúng ta không bị định tội với thế gian.
33 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Vậy thì, lúc các anh chị em nhóm hiệp để ăn, hãy chờ đợi nhau.
34 Nếu như có ai đói, người ấy hãy ăn ở nhà, để cho các anh chị em không nhóm hiệp vào trong sự hình phạt. Còn các việc khác, tôi sẽ sắp xếp sau khi tôi đến.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày lao động bình an Ngài ban cho con. Con cảm tạ Cha vì mỗi ngày được sống và làm những việc lành mà Ngài sắm sẵn cho con. Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 11:23-34. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

23 Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi cũng đã trao cho các anh chị em. Ấy là Đức Chúa Jesus, trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã lấy bánh,
24 và đã tạ ơn. Ngài đã bẻ ra và phán rằng: Các ngươi hãy nhận! Các ngươi hãy ăn! Đây là thân thể của Ta, vì các ngươi mà vỡ ra. Các ngươi hãy làm điều này để nhớ đến Ta.

Câu 23 và 24: Sứ Đồ Phao-lô cho biết sự dự Tiệc Thánh là ông trực tiếp nhận từ nơi Chúa, và ông truyền lại cho những ai nghe giảng và tin Tin Lành do ông rao giảng. Tấm bánh không men dùng trong Tiệc Thánh tiêu biểu cho thân thể thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ đã chịu bị đánh đập, chịu chết, để gánh thay sự phạm tội của loài người. Mục đích của sự con dân Chúa giữ Tiệc Thánh là để nhớ đến sự Chúa đã hy sinh để cứu chuộc mình.

25 Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối, Ngài lấy chén và phán: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; các ngươi hãy làm điều này mỗi khi các ngươi uống, để nhớ đến Ta.
26 Nên mỗi lần các anh chị em ăn bánh này và các anh chị em uống chén này, các anh chị em hãy rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.

Câu 25 và 26: Chén nước nho trong Tiệc Thánh tiêu biểu cho máu thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ đã đổ ra để gánh thay hình phạt cho sự phạm tội của loài người. Những ai nhận ơn cứu rỗi của Chúa thì phải biết ơn Ngài và rao truyền sự chết của Ngài để có thêm nhiều người cũng được cứu như mình.

27 Vậy, ai ăn bánh này hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân thể và máu của Chúa.

Câu 27: Người ăn bánh và uống chén của Chúa cách không xứng đáng nghĩa là người dù đã tin nhận Chúa nhưng vẫn chưa vâng phục Ngài, vẫn còn ưa thích tội, sống trong tội, hoặc lỡ phạm tội mà chưa ăn năn và xưng tội với Chúa.

28 Nhưng mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh ấy và uống chén ấy.
29 Vì người nào ăn và uống cách không xứng đáng, không phân biệt thân thể của Chúa, thì người ấy ăn và uống sự hình phạt cho mình.

Câu 28 và 29: Mỗi con dân Chúa có nhiệm vụ tra xét mình trước khi dự Tiệc Thánh. Khi tự mình nhận thấy, hoặc được Đức Thánh Linh cáo trách, hoặc được anh chị em chỉ ra các sự vi phạm của mình thì phải lập tức ăn năn, xưng tội với Chúa. Người nhận biết mình có tội nhưng chưa ăn năn mà dự Tiệc Thánh thì sẽ tự chuộc lấy hình phạt cho mình.

30 Bởi cớ đó, trong các anh chị em có nhiều kẻ yếu đuối, bệnh tật, và có lắm kẻ ngủ!

Câu 30: Người dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng sẽ bị yếu đuối về sức khỏe, thân thể bị bệnh tật, và có thể bị chết. Người bị yếu đuối, bệnh tật thì còn cơ hội ăn năn nhưng nếu bị chết trong khi chưa ăn năn thì sẽ bị hư mất đời đời.

31 Nếu chúng ta tự xét mình thì chúng ta không bị phán xét.
32 Nhưng bởi những sự phán xét của Chúa mà chúng ta bị sửa phạt, để chúng ta không bị định tội với thế gian.

Câu 31 và 32: Nếu con dân Chúa có ý thức tự xét mình mỗi ngày, nếu thấy mình có tội thì lập tức ăn năn và từ bỏ tội, thì được Chúa tha thứ, được xứng đáng dự Tiệc Thánh. Nhưng nếu người ấy không ăn năn thì bởi sự sửa phạt của Chúa qua các sự đau yếu, bệnh tật trên thân thể xác thịt, mà giúp họ kịp thời nhận biết và ăn năn. Nếu người ấy vẫn cứng lòng thì sẽ bị định tội với thế gian, nghĩa là sẽ bị hư mất đời đời.

33 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Vậy thì, lúc các anh chị em nhóm hiệp để ăn, hãy chờ đợi nhau.
34 Nếu như có ai đói, người ấy hãy ăn ở nhà, để cho các anh chị em không nhóm hiệp vào trong sự hình phạt. Còn các việc khác, tôi sẽ sắp xếp sau khi tôi đến.

Câu 33 và 34: Phao-lô tiếp tục tha thiết kêu gọi con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô hãy nhường nhịn, chờ đợi nhau trong các bữa ăn thông công của Hội Thánh. Những ai thấy đói thì cứ ăn trước ở nhà chứ đừng ăn trước trong buổi thông công. Nếu không, sẽ gây ra sự phân rẽ trong Hội Thánh, nếu Hội Thánh không ăn năn thì Chúa sẽ hình phạt.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng con luôn ghi nhớ ơn hy sinh cứu chuộc của Ngài và luôn sốt sắng trong sự hiệp lòng cùng Hội Thánh rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Thời điểm Ngài đến cũng đã quá gần, nguyện xin Chúa giúp Hội Thánh biết tận dụng những thời giờ ngắn ngủi còn lại để chịu khổ phụng sự Ngài!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú