Cô-lô-se: Chương Hai

11 lượt xem

Nguyễn Ngọc Tú: Cô-lô-se 2:1-7 Cuộc Tranh Đấu Lớn và Sự Bước Đi Trong Đấng Christ 

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se 2:1-7. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Tôi muốn các anh chị em biết, sự tranh đấu lớn biết bao tôi có vì các anh chị em và những người ở Lao-đi-xê, cùng bao nhiêu người không thấy mặt tôi về phần xác,

Câu 1: Thưa Cha, con hiểu rằng, mặc dù Phao-lô chưa trực tiếp gặp mặt và giảng dạy cho con dân Chúa tại Cô-lô-se và các vùng lân cận, nhưng sự tranh đấu lớn vì Tin Lành của ông là điều mang lại ích lợi chung cho cả Hội Thánh. “Sự tranh đấu lớn” của Phao-lô là một trận tranh chiến lớn trong thuộc linh.

Trong một cuộc chiến thuộc thể thì có những trận đánh nhỏ và những trận đánh lớn. Đôi khi, vận mệnh của cả một cuộc chiến được quyết định bởi chỉ một hai trận đánh lớn. Trận tranh chiến lớn trong thuộc linh mà Phao-lô thi hành vì các con dân Chúa ở khắp các nơi mà ông chưa có cơ hội gặp mặt, đó là, chiến đấu trong sự cầu thay cho họ. Lý do Phao-lô chiến đấu trong sự cầu thay cho họ được ông đề cập trong các câu 2, 3, 4 tiếp theo.

2 để cho lòng của họ được an ủi, được kết hiệp làm một trong tình yêu vào trong mọi sự giàu có đầy dẫy chắc chắn của sự hiểu biết, vào trong sự tri thức về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Cha, và của Đấng Christ, [tri thức = tự nhiên mà biết,]
3 mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu của sự khôn sáng và trí thức. [Trí thức = do suy luận mà biết.]

Câu 2 và 3: Con hiểu rằng, lý do thứ nhất Phao-lô chiến đấu trong lời cầu thay cho con dân Chúa khắp nơi là để lòng họ được Chúa an ủi trong mọi sự chịu khổ vì danh Chúa.

“Được kết hiệp làm một trong tình yêu” nghĩa là qua tấm lòng yêu thương, nhớ đến nhau trong lời cầu thay, mà Chúa kết hiệp con dân Chúa làm một với nhau.

“Vào trong mọi sự giàu có đầy dẫy chắc chắn của sự hiểu biết, vào trong sự tri thức về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Cha, và của Đấng Christ” nghĩa là trong sự con dân Chúa chịu khổ để giữ vững đức tin thì Ngài sẽ đổ đầy trong người ấy mọi sự hiểu biết về Ngài. Con nghĩ đây là một kinh nghiệm rất thực tế của con dân chân thật của Chúa, khi vì danh Chúa chịu khổ càng lớn thì sự tri thức về Ngài càng thêm nhiều lên. Con nhận thấy điều này trong khi đọc các thư tín của Phao-lô, các bài viết của ông Tozer, tác phẩm Hoa Huệ Giữa Chông Gai. Con nghĩ rằng, những người bách hại con dân Chúa lầm tưởng rằng họ có thể cướp đoạt mọi thứ quý giá của con dân Chúa như tiền bạc, phẩm giá, mạng sống… nhưng điều mà con dân Chúa thấy quý giá nhất và họ không thể cướp lấy được, đó là, sự tri thức về Đấng Tối Cao.

4 Tôi nói như vậy, để chẳng ai lừa dối các anh chị em trong những lời dỗ dành.

Câu 4: Con hiểu rằng, lý do thứ hai Phao-lô chiến đấu trong lời cầu thay cho con dân Chúa khắp nơi là để họ không bị lừa dối bởi các tiên tri giả, giáo sư giả. “Những lời dỗ dành” là những lời của tà giáo nghe êm tai nhưng lại đầy sự dối trá, dẫn dụ người ta đi sai lạc lẽ thật, điển hình là: Tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn, Tin Lành Thịnh Vượng, Tin Lành không cần vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời…

5 Vì dù tôi xa cách trong xác thịt nhưng tôi vẫn hiệp một với các anh chị em trong tâm thần, vui mừng thấy sự thứ tự của các anh chị em và sự vững vàng của đức tin các anh chị em trong Đấng Christ.

Câu 5: Con hiểu rằng, Phao-lô vui mừng khi được Ê-pháp-ra làm chứng về sự thứ tự và sự vững vàng đức tin của con dân Chúa tại Cô-lô-se. Sự thứ tự trong Hội Thánh Cô-lô-se có lẽ là nói đến sự sắp xếp có thứ tự các sinh hoạt của Hội Thánh. Sự sắp xếp các sinh hoạt chung của Hội Thánh có thứ tự là một điều làm vinh quang Chúa, vì Đức Chúa Trời vốn là Đấng trật tự trong mọi sự sáng tạo của Ngài. Điều này cũng nên được con dân Chúa áp dụng trong sự sắp xếp nhà cửa, vườn tược, nhà xưởng, cửa hàng do mình làm chủ.

6 Các anh chị em đã nhận Đấng Christ Jesus là Chúa như thế nào, thì hãy bước đi trong Ngài thế ấy.
7 Hãy châm rễ và xây dựng nên trong Ngài! Hãy vững vàng trong đức tin như các anh chị em đã được dạy dỗ! Hãy dư dật trong sự cảm tạ!

Câu 6 và 7: Con hiểu rằng, “bước đi trong Đấng Christ” nghĩa là sống noi theo gương của Đấng Christ và vâng phục mọi lời phán dạy của Ngài. “Hãy châm rễ trong Ngài” là hãy tiếp nhận, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo mọi lời phán dạy của Đấng Christ, để Lời Chúa được đâm rễ vững nền trong lòng mình. “Xây dựng nên trong Ngài” là xây dựng một cuộc đời tận hiến cho Đức Chúa Trời như cuộc đời của Đấng Christ.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Ngài giúp con xây dựng được một cuộc đời tận hiến cho Ngài. Nguyện xin Cha ban ơn, ban cho con sự khôn sáng trong sự tiếp tục làm việc kiếm sống trong tối hôm nay. Con cảm tạ Cha. A-men!


Nguyễn Ngọc Tú: Cô-lô-se 2:8-15 Thần Tính của Đấng Christ – Sự Cứu Rỗi Trong Đấng Christ là Trọn Vẹn

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày làm việc được bình an. Con cảm tạ Cha cũng ban cho con tối hôm nay có thời gain đọc và suy ngẫm Lời Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này:

8 Hãy coi chừng! Kẻo có ai dẫn các anh chị em đi lạc bởi triết học và sự gạt gẫm hư không, theo truyền thống của loài người, theo các lề thói của thế gian, không theo Đấng Christ.

Câu 8: Thưa Cha, con hiểu rằng, tại thời điểm viết thư Cô-lô-se, Phao-lô đã có gần 30 năm đi theo Chúa, đã trải qua nhiều trận chiến thuộc linh. Có thể nói, hơn ai hết, Phao-lô là người có kinh nghiệm nhận biết những mối nguy hiểm thuộc linh cho con dân Chúa. Vì thế, ông căn dặn con dân Chúa tại Cô-lô-sê cẩn thận với những nhà du thuyết giảng triết học của thế gian và các sự gạt gẫm hư không.

Triết học là sự loài người suy tư để tìm hiểu về nguồn gốc của muôn loài và ý nghĩa đời sống của loài người. Loài người chỉ có thể có sự hiểu biết đúng đắn về bản thân và muôn loài khi sự suy tư hoàn toàn dựa trên Thánh Kinh. Sự gạt gẫm hư không là các triết lý, chủ nghĩa, tư tưởng, giáo lý của các tôn giáo, một nguyên tắc sống, mà không đúng Lời Chúa. Gọi là “hư không” vì chúng không đem lại kết quả gì cho người tiếp thu. Có thể nói, hầu hết các sự gạt gẫm hư không đều là đến từ Ma Quỷ, gạt gẫm loài người xa rời lẽ thật.

9 Vì hết thảy sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Ngài. [Thể trạng = bản thể và bản tính.]

Câu 9: Con hiểu rằng, tiếp theo lời cảnh báo về các sự dẫn loài người đi sai lạc lẽ thật, Phao-lô khẳng định rằng mọi sự loài người cần đều ở trong Đấng Christ, vì hết thảy sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Đấng Christ.

Sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Đấng Christ, nghĩa là, mặc dù Đấng Christ có thân thể xác thịt của loài người, nhưng về bản thể và bản tính thì Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa. Bản thể của Ngài là Thần (Giăng 1:1 kết hợp với Giăng 4:24), tức tâm thần và linh hồn của Thiên Chúa. Về bản tính thì Ngài có thần tính của Thiên Chúa: Toàn Ái, Toàn Thánh, Toàn Chính, Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Tại, Toàn Thiện, Toàn Chân, và Toàn Mỹ.

Có lẽ điều khó tiếp nhận nhất đối với các triết gia là sự kiện Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người, chịu khổ, chịu chết để cứu chuộc loài người. Chắc chắn loài người không thể có một sự suy tư nào đủ hợp lý để chấp nhận sự kiện đó. Tuy nhiên, khi một người tiếp nhận sự kiện ấy bằng đức tin, thì người ấy sẽ nhận ra Lời của Ngài (hay chính Ngài) mới là nguồn gốc của mọi chân lý.

10 Trong Ngài các anh chị em được hoàn toàn, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và thế lực.

Câu 10: Con hiểu rằng, “ở trong Đấng Christ” nghĩa là, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và bằng lòng sống vâng phục Ngài. Một người cứ ở trong Đấng Christ thì “được hoàn toàn” nghĩa là được Ngài thánh hóa để trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời là trọn vẹn.

Câu “vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và thế lực” là để khẳng định rằng, Ngài có đủ mọi thẩm quyền để khiến một người nói riêng, và Hội Thánh nói chung, nên trọn vẹn. Không một thế lực nào có thể thắng được ý muốn của Ngài, như Ngài đã khẳng định, các cửa của âm phủ sẽ chẳng thắng được Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18).

11 Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.

Câu 11: Con hiểu rằng, “sự cắt bì không bởi đôi tay” và “sự cắt bì của Đấng Christ” là nói đến sự kiện Đức Chúa Jesus Christ dùng máu Ngài để rửa sạch bản tính tội trong một người.

12 Được chôn với Ngài trong sự báp-tem, thì các anh chị em cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong sự tác động của Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết.
13 Khi các anh chị em đã chết bởi những lỗi lầm của mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ngài đã khiến các anh chị em cùng sống lại với Đấng ấy, tha thứ cho các anh chị em mọi sự vi phạm;

Câu 12 và 13: Con hiểu rằng, “được chôn với Ngài trong sự báp-tem” nghĩa là khi một người bằng lòng tin nhận Chúa, thì tâm thần và bản ngã cũ tội lỗi của người ấy cũng chết đi và bị chôn với Đấng Christ khi Đấng Christ chịu chết và chôn vì tội lỗi của loài người. Đồng thời, Đức Chúa Trời cũng làm cho người ấy sống lại trong một tâm thần và linh hồn mới cùng với sự sống lại của Đấng Christ. Còn thân thể xác thịt của mỗi người sẽ được Ngài biến hóa hoặc tái sinh thành thân thể siêu vật chất vào thời điểm Đức Chúa Jesus Christ tái lâm đón Hội Thánh lên giữa chốn không trung.

14 xóa bỏ bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta, đem nó ra khỏi giữa chúng ta mà đóng đinh nó trên cây thập tự;

Câu 14: Con hiểu rằng, “bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta” là bản 613 điều luật do chính tay Môi-se ghi chép. Bản chép tay các điều luật này khác với Mười Điều Răn được Đức Chúa Trời dùng ngón tay của Ngài ghi trên hai bảng đá. Xóa bỏ bản chép tay các điều luật của Môi-se, nghĩa là, khiến cho các hình phạt được quy định trong các điều luật ấy trở nên vô hiệu đối với những ai tin nhận sự Cứu Rỗi của Chúa.

15 truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, phơi bày chúng nó tỏ tường, đắc thắng chúng nó trong thập tự giá. [Quyền cai trị và thế lực của ma quỷ, của tội lỗi, của sự chết.]

Câu 15: Con hiểu rằng, “truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực” là truất bỏ quyền cai trị của tội lỗi, ma quỷ, và sự chết trên một người khi người ấy tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì khi suy ngẫm phân đoạn này cũng giúp con hiểu hơn về thần tính của Đấng Christ. Nguyện xin Cha giờ này cũng tiếp tục ban ơn, thêm sức cho con trong sự làm việc. Con cảm tạ Cha. A-men!


Nguyễn Ngọc Tú: Cô-lô-se 2:16-23 Những Điều Luật Hình Bóng

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày làm việc được bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban ơn cho con trong việc đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se 2:16-23. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

16 Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. [Những Sa-bát trong các kỳ lễ hội.]
17 Các sự ấy là bóng của các việc sẽ tới, nhưng hình thì thuộc về Đấng Christ.

Câu 16 và 17: Thưa Cha, con hiểu rằng, thức ăn ở đây là chỉ về những thức ăn từ thịt của các loài không tinh sạch được quy định trong Cựu Ước. Thức uống là chỉ về rượu và các thức uống làm cho say. “Một ngày lễ hội” là chỉ về một trong bảy ngày lễ hội trong Cựu Ước. Ngày “Lễ Trăng Mới” là chỉ về ngày đón mừng sự bắt đầu của một tháng mới. “Những Sa-bát” là chỉ về những ngày Sa-bát trong các kỳ lễ hội.

Các sự ấy là bóng của các việc sẽ tới, nghĩa là, các quy định về thức ăn, thức uống trong Cựu Ước là hình bóng của nếp sống mới và sự thờ phượng Thiên Chúa của con dân Chúa trong Tân Ước. Các kỳ lễ hội, những ngày Sa-bát trong các kỳ lễ hội, ngày Lễ Trăng Mới làm hình bóng cho các mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ.

“Chớ để ai phán xét” nghĩa là không chấp nhận, không quan tâm đến những ai phán xét mình về sự giữ hay không giữ các sự làm hình bóng của các việc sẽ tới. Việc giữ hay không giữ là tùy đức tin và tấm lòng của mỗi con dân Chúa, chỉ cần là người ấy không xem việc giữ hay không giữ các điều ấy là ảnh hưởng tới sự cứu rỗi. Điển hình như người có thói quen uống rượu trước mỗi bữa ăn để ăn cơm được ngon hơn, cho dạ dày tiêu hóa dễ hơn thì cứ uống, nhưng giữ mình, đừng uống say và cũng không chỉ trích những người không uống được rượu.

18 Chớ để cho ai gạt mất phần thưởng của các anh chị em, là kẻ sẵn lòng khiêm nhường và thờ lạy các thiên sứ, bước vào những sự chẳng xem thấy, bởi lý trí của xác thịt mà kiêu ngạo vô ích,

Câu 18: Theo sự chú giải của người chăn thì con học được là, vào thời bấy giờ, tại Cô-lô-se có những người đã tin nhận Tin Lành nhưng lại tiếp nhận các giáo lý về sự thờ lạy các thiên sứ. Nhóm chữ “bước vào những sự chẳng xem thấy” đồng nghĩa với “bước đi trong sự tối tăm”, nghĩa là, sống theo những sự dạy dỗ của tà giáo và ngoại giáo, là những sự chỉ làm tâm trí ngày càng tăm tối, không nhận thức được lẽ thật của Thánh Kinh. Lý do mà một người đã tin Chúa nhưng vẫn bị dẫn đi sai lạc là do suy nghĩ, lý luận theo ý riêng (lý trí của xác thịt) và kiêu ngạo.

19 không nắm giữ đầu, từ đầu đó mà cả thân thể được nuôi dưỡng và đan dệt với nhau bởi các khớp và các dây chằng, lớn lên bởi sự tăng trưởng từ Đức Chúa Trời.

Câu 19: Con hiểu rằng, Phao-lô tiếp tục giải thích về thực trạng của những người đi sai lạc là do không chịu nắm giữ đầu, tức là nắm giữ Đấng Christ, vì Ngài là đầu của Hội Thánh. “Không nắm giữ đầu” vừa là không vâng phục Đấng Christ, không để Ngài làm chủ, điều hành, cai trị đời sống của mình, vừa là không siêng năng đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời của Ngài.

Phao-lô khẳng định, đời sống thuộc linh của con dân Chúa là được Đấng Christ nuôi dưỡng bằng Lời và sức thiêng của Ngài. Phao-lô ví sự Đấng Christ hiệp một con dân Chúa trong sự thông công với nhau như các khớp của các bộ phận trong một thân thể liên kết với nhau. Và ví sự gắn bó bằng tình yêu thương của con dân Chúa như cách các dây chằng gắn kết, nâng đỡ các chi thể trong thân. Cả thân thể, tức Hội Thánh, được lớn lên bởi ân điển của Đức Chúa Trời cứ tuôn tràn trên Hội Thánh.

20 Vậy, nếu như các anh chị em đã chết với Đấng Christ về những lề thói của thế gian, thì làm sao đang khi sống trong thế gian, các anh chị em lại phục tùng những quy định,
21 ngươi chớ lấy, ngươi cũng chớ nếm, ngươi cũng chớ rờ,
22 tất cả những sự ấy đều hư hại khi dùng đến, theo các điều răn và giáo lý của loài người?
23 Những sự ấy thật có lý lẽ khôn sáng trong sự thờ phượng theo ý riêng, khiêm nhường và khắc khổ thân thể; nhưng không có giá trị gì cho sự thỏa mãn xác thịt.

Từ câu 20 đến 23: Con hiểu rằng, những quy định ngươi chớ lấy, ngươi cũng chớ nếm, ngươi cũng chớ rờ, là chỉ những luật cấm những thức ăn không tinh sạch trong Cựu Ước. “Tất cả những sự ấy đều hư hại khi dùng đến” nghĩa là nếu con dân Chúa ngày nay áp dụng các luật ấy thì chỉ chất thêm gánh nặng, gây khó khăn thêm cho cuộc sống. Điển hình như việc một người bị chứng khó tiêu nhưng không được uống rượu để kích thích cho dạ dày tiêu hóa dễ hơn thì thật chỉ làm khó khăn thêm, và có thể khiến cho người ngoại hiểu lầm theo Chúa là phải khắc khổ thân thể. Vì thế nên Phao-lô gọi các sự kiêng cữ sai Lời Chúa đó chỉ là sự thờ phượng theo ý riêng nhưng không có giá trị gì cho sự thỏa mãn xác thịt. Xác thịt có những nhu cầu chính đáng cần được thỏa mãn như đói thì cần ăn, khát thì cần uống, lạnh thì cần mặc ấm… Vì thế, sự thỏa mãn các nhu cầu của xác thịt một cách chính đáng thì không có gì là sai trái.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Sự suy ngẫm về phân đoạn này kèm với việc đọc bài chú giải của người chăn giúp con học được những điều sâu nhiệm trong Lời Chúa, về các sự hình bóng của các ngày lễ hội, ngày Sa-bát trong các kỳ lễ hội, trong Thánh Kinh. Con cảm tạ Cha. Nguyện rằng mỗi ngày con lại học biết về Ngài nhiều hơn hôm qua. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *