Cô-lô-se: Chương Một

13 lượt xem

Cô-lô-se 1:1-7 Tin Lành Kết Quả Trong Những Ai Thật Lòng Tin Nhận – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se 1:1-7. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Phao-lô, sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi ý muốn của Thiên Chúa, cùng Ti-mô-thê, người anh em cùng Cha,

Câu 1: Thưa Cha, con hiểu rằng, vào lời chào đầu thư gửi Hội Thánh tại Cô-lô-se, Phao-lô giới thiệu về chức vụ sứ đồ của ông và người cùng viết thư với ông là Ti-mô-thê. Có lẽ, Phao-lô đã cùng Ti-mô-thê cầu nguyện và thảo luận về các nội dung trong thư.

Phao-lô giới thiệu chức vụ sứ đồ của ông là bởi ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là, cả Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh đều muốn ông làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ.

2 gửi các thánh đồ cũng là các anh chị em cùng Cha trung tín trong Đấng Christ tại Cô-lô-se. Nguyện ân điển và sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ, ở cùng các anh chị em.

Câu 2: Con hiểu rằng, câu “các thánh đồ cũng là các anh chị em cùng Cha” có ý nghĩa là, đối với thế gian thì con dân Chúa là những người được Thiên Chúa cứu chuộc, được làm cho nên thánh, được biệt riêng cho Ngài để phụng sự Ngài; còn đối với nhau thì con dân Chúa là những anh chị em của cùng một Cha ở trên trời, là Đức Chúa Trời.

Ân điển tiêu biểu từ Thiên Chúa Đức Cha là được Ngài tha tội và xưng công chính, được ban cho sự sống đời đời, được ban cho sự kết hiệp làm một với Đấng Christ trong Lễ Cưới Chiên Con. Sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha là sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết, giúp con dân của Ngài đứng vững trước mọi nghịch cảnh. Ân điển tiêu biểu từ Đức Chúa Jesus Christ là được Ngài gánh thay cho án phạt của tội lỗi, được Ngài dùng máu Ngài rửa sạch bản tính tội, được Ngài ở cùng và thêm sức, được đồng trị với Ngài trong các nơi trên trời. Ngài ban sự bình an của Ngài cho những ai tin cậy Ngài, là sự bình an của một người phải đối diện với những sự bắt bớ, bách hại, đối diện với cái chết đau đớn và tủi nhục nhất.

3 Chúng tôi dâng lời cảm tạ lên Đức Chúa Trời, Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, trong khi luôn cầu thay cho các anh chị em.
4 Vì chúng tôi đã nghe về đức tin của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus, và về tình yêu của các anh chị em đối với mọi thánh đồ,

Câu 3 và 4: Con hiểu rằng, mỗi khi nhớ đến và cầu thay cho Hội Thánh Cô-lô-se, Sứ Đồ Phao-lô dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời vì nghe biết về đức tin và tình yêu trong Chúa của họ được thể hiện thành các hành động cụ thể. Có thể hiểu, ngoài sự thể hiện tình yêu với lẫn nhau trong Hội Thánh địa phương, Hội Thánh Cô-lô-se đã ân cần tiếp đón con dân Chúa ở khắp nơi có dịp ghé qua Cô-lô-se, tiếp trợ các nhu cầu đi đường cho các sứ đồ, các người rao giảng Tin Lành.

Trong câu viết “dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời”, Phao-lô kèm theo câu giải thích Ngài là “Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta” với ý nhấn mạnh đến các ý nghĩa: (1) Đức Chúa Trời là Cha của thân vị loài người của Đức Chúa Jesus Christ, (2) Ngài là Cha của những ai thật lòng tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, (3) Ngài là Cha của những ai hết lòng vâng phục Ngài, như Đức Chúa Jesus Christ đã vâng phục Ngài.

5 bởi sự trông cậy để dành cho các anh chị em ở trong các tầng trời, là sự trước kia các anh chị em đã nghe trong lời của lẽ thật của Tin Lành.

Câu 5: Con hiểu rằng, sự trông cậy để dành ở trong các tầng trời là sự trông cậy về sự sống lại vinh quang của thân thể xác thịt, sự đồng trị với Đấng Christ trong các tầng trời, sự kết hiệp mầu nhiệm với Đấng Christ, sự hy vọng của cuộc sống hạnh phúc đời đời. “Lời của của lẽ thật” là mọi Lời phán của Chúa được ghi chép thành Thánh Kinh. Sự trông cậy trong Chúa đã từng hồi từng lúc được bày tỏ trong Tin Lành, qua sự giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ của Ngài.

Khi ngẫm nghĩ về danh từ “sự trông cậy” thì con nhớ đến chữ “sự trông cậy sống” được viết bởi Sứ Đồ Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 1:3). Con nghĩ rằng, Phi-e-rơ là người viết chữ này hay nhất, sâu sắc nhất, bởi vì có lẽ trong giây phút Chúa bị bắt thì mọi sự trông cậy trong ông đều là “sự trông cậy chết”, vì lúc ấy ông không hiểu về sự chịu chết của Chúa. Nhưng ngay giây phút ông bước vào trong mộ, không thấy xác Chúa, và hiểu được lời tiên tri về sự Chúa phải từ kẻ chết sống lại (Giăng 20:8-9), thì con mắt thuộc linh của ông được mở ra và mọi sự trông cậy trong ông lúc này trở thành “sự trông cậy sống”.

6 Tin Lành này đến với các anh chị em cũng như trong cả thế gian, đem lại kết quả như sự kết quả trong các anh chị em, từ ngày các anh chị em đã nghe và biết ân điển của Đức Chúa Trời trong lẽ thật,

Câu 6: Con hiểu rằng, “trong cả thế gian” trong lúc Phao-lô viết câu này là chỉ về toàn lãnh thổ thuộc Đế Quốc La-mã. Trong khắp cõi La-mã lúc bấy giờ Tin Lành đã được rao giảng bởi các sứ đồ, các người rao giảng Tin Lành, và các thánh đồ của Hội Thánh địa phương. Trong đó, có lẽ những người tin Chúa trong dịp về Giê-ru-sa-lem dự Lễ Ngũ Tuần năm 27, đã mang Tin Lành đến khắp nơi trên đường họ trở về nơi sinh sống của mình.

“Đem lại kết quả như sự kết quả trong các anh chị em” nghĩa là đã có nhiều người ở rãi rác trong khắp La-mã tin nhận Tin Lành và sống theo Tin Lành. Tuy nhiên, con hiểu rằng, sự những người được nghe giảng nhưng không tin nhận Tin Lành cũng là một kết quả trong công cuộc rao giảng Tin Lành. Đến ngày phán xét thì những người ấy không thể biện luận trước mặt Chúa và họ phải tự công nhận rằng là do bản thân mình đã từ chối ơn thương xót của Chúa.

7 như các anh chị em cũng đã học từ Ê-pháp-ra yêu dấu, tôi tớ cùng một chủ với chúng tôi, là người phụng sự trung tín của Đấng Christ đối với các anh chị em.

Câu 7: Câu “các anh chị em cũng đã học từ Ê-pháp-ra yêu dấu” giúp con hiểu được rằng, Ê-pháp-ra là trưởng lão kiêm người chăn của Hội Thánh Cô-lô-se. Ê-pháp-ra “là người phụng sự trung tín của Đấng Christ” nghĩa là ông làm tròn bổn phận điều hành Hội Thánh và giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa tại Cô-lô-se.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha tiếp tục ban ơn cho một buổi tối làm việc của con. Con cảm tạ Cha! A-men.


Cô-lô-se 1:8-14 Tin Lành Kết Quả Trong Những Ai Thật Lòng Tin Nhận – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con.

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha vì tối hôm nay Ngài cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se 1:8-14. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

8 Anh ấy cũng đã tỏ ra cho chúng tôi biết tình yêu của các anh chị em trong thần trí.

Câu 8: Thưa Cha, con hiểu rằng, Ê-pháp-ra đã làm chứng về đức tin và tình yêu trong Chúa của con dân Chúa tại Cô-lô-se với Phao-lô và Ti-mô-thê. Tình yêu trong thần trí là tình yêu xuất phát từ sự hiểu biết về Thiên Chúa, trong tâm thần.

9 Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày chúng tôi nghe, thì không ngừng cầu nguyện cho các anh chị em, và xin cho các anh chị em được đầy dẫy sự tri thức về ý muốn của Ngài trong mọi sự khôn sáng và sự hiểu biết thiêng liêng,

Câu 9: Con hiểu rằng, từ khi được nghe Ê-pháp-ra làm chứng về nếp sống yêu thương của con dân Chúa tại Cô-lô-se, Phao-lô và Ti-mô-thê đã không ngừng cầu nguyện cho họ. Hai ông cầu nguyện cho Hội Thánh Cô-lô-sê được đầy dẫy sự tri thức về ý muốn của Thiên Chúa. Tri thức về ý muốn của Thiên Chúa là sự hiểu biết tự nhiên về ý muốn của Thiên Chúa trên mình, được Thiên Chúa bày tỏ cho, mà không cần qua học tập, suy luận.

“Mọi sự khôn sáng và sự hiểu biết thiêng liêng” là biết cách áp dụng sự hiểu biết về Thiên Chúa và ý muốn của Ngài vào đời sống, để giải quyết mọi nan đề và sống được một đời sống bình an, yêu thương, thánh khiết, công chính.

10 để các anh chị em bước đi cách xứng đáng với Chúa, hướng về mọi sự đẹp lòng Ngài, kết quả trong mỗi việc lành, càng thêm lên trong sự tri thức về Đức Chúa Trời,
11 được nên mạnh mẽ với mọi năng lực theo quyền thế vinh quang của Ngài, vào trong mọi sự nhẫn nại và chịu đựng với sự vui mừng.

Câu 10 và 11: Con hiểu rằng, mục đích Phao-lô và Ti-mô-thê cầu xin Đức Chúa Trời đổ đầy sự tri thức cho con dân Chúa tại Cô-lô-se là để họ tiếp tục nếp sống xứng đáng với ơn cứu chuộc của Ngài. “Hướng về mọi sự đẹp lòng Ngài” là có tấm lòng đọc, suy ngẫm Lời Chúa để biết những gì Chúa yêu chuộng và vâng phục làm theo. “Kết quả trong mỗi việc lành” là cậy ơn và sức Chúa để hoàn thành mỗi việc lành đã được Chúa sắm sẵn. Một người có tấm lòng như vậy thì chắc chắn mỗi ngày sẽ được Đức Thánh Linh tuôn đổ thêm lên sự tri thức về Đức Chúa Trời. Đồng thời, người ấy cũng được Đức Thánh Linh tuôn đổ thánh linh, tức năng lực từ Thiên Chúa, để sống mạnh mẽ, can đảm, nhẫn nại chịu mọi gian khổ, trong sự vui mừng. Chịu gian khổ nhưng vui mừng vì trong người ấy có tri thức rằng, mọi sự chịu khổ trong Chúa sẽ khiến mình càng giống Đức Chúa Jesus Christ càng hơn. Được nhìn thấy giống với Vua Trên Muôn Vua, Chúa Trên Muôn Chúa là một vinh dự rất xứng đáng để gắng sức, hi sinh!

12 Hãy tạ ơn Đức Cha! Ngài đã khiến chúng ta dự phần hưởng cơ nghiệp của các thánh đồ trong sự sáng láng:
13 Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự tối tăm và dời chuyển chúng ta vào trong vương quốc của Con yêu dấu của Ngài.
14 Trong Đấng ấy chúng ta có sự cứu chuộc bởi máu của Ngài, là sự tha thứ những tội lỗi.

Từ câu 12 đến 14: Con hiểu rằng, khi nghĩ về đức tin của con dân Chúa tại Cô-lô-se thì ông kêu gọi họ cùng ông tạ ơn Đức Cha, vì Ngài khiến cả ông, Ti-mô-thê, Ê-pháp-ra và họ được dự phần hưởng cơ nghiệp của các thánh đồ.

Con hiểu “hưởng cơ nghiệp trong sự sáng láng” là lãnh nhận quyền đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong trời mới đất mới được chiếu sáng luôn luôn bởi vinh quang của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 22:5).

Đức Thánh Linh đã thần cảm Phao-lô dùng các từ “Đức Cha” thay vì “Đức Chúa Trời”, “con yêu đấu của Ngài” thay vì “Đức Chúa Jesus Christ”, giúp con cảm nhận được mối tương giao mật thiết giữa Đức Cha và Đức Con với con dân của Ngài.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng lòng con luôn hướng về mọi sự đẹp lòng Ngài, gắng hết sức phụng sự Ngài trong những ngày sau cùng này. Nguyện xin Cha ban ơn cho một buổi tối tiếp tục làm việc của con. Con cảm tạ Cha. A-men!


Cô-lô-se 1:15-20 Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Thành Người, Đấng Làm Đầu của Mọi Sự

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày làm việc bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se 1:15-20. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

15 Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thể thấy được, Ngài là Đấng làm đầu của toàn bộ sự sáng tạo.

Câu 15: Thưa Cha, con hiểu rằng, Đức Chúa Jesus Christ là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thể thấy được, nghĩa là, mặc dù loài người không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời bằng con mắt xác thịt, nhưng khi họ nhìn vào mọi sự tỏ ra của Đấng Christ thì nhận biết tình yêu, sự công chính, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Câu “Ngài là Đấng làm đầu toàn bộ sự sáng tạo” có hai ý nghĩa, (1) Đức Chúa Jesus Christ là Đấng cầm quyền cai trị muôn loài vạn vật, (2) Đức Chúa Jesus Christ là Đấng thi hành sự sáng tạo muôn loài vạn vật. Con hiểu rằng, câu này đã mặc nhiên xác nhận Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa.

16 Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.

Câu 16: Con hiểu rằng, muôn vật được dựng nên “vì Ngài”, nghĩa là, muôn vật được dựng nên để bày tỏ về Ngài, để tôn cao sự vinh quang của Ngài. Trong đó, loài người, là tạo vật cao cấp nhất, được dựng nên để thờ phượng Ngài và vui hưởng mọi sự sáng tạo khác của Ngài.

“Những vật trong các tầng trời” là bao gồm các công trình và các thiên sứ trong tầng trời thứ ba; các ngôi sao, hành tinh, vệ tinh trong tầng trời thứ nhì; các loài chim bay trên trời, mây, cầu vồng… trong tầng trời thứ nhất. Vì đền tạm Chúa truyền cho Môi-se làm là theo kiểu mẫu ở trên trời nên con nghĩ là trong tầng trời thứ ba, ngoài đền tạm, còn có các công trình khác.

“Những vật trên đất” là bao gồm các loài cây cối, loài vật, côn trùng trên mặt đất, các loài cá, sinh vật trong biển, và loài người.

“Những vật thấy được và không thấy được” là bao gồm muôn loài vạn vật mà loài người nhìn thấy hoặc đã khám phá được, và những vật không thấy được hoặc chưa khám phá ra. Một minh chứng cho “những vật không thấy được” chính là sự kiện một nhóm các nhà khoa học đã thu được tín hiệu về sóng hấp dẫn vào năm 2015 [1]. Từ đó giới khoa học vật lý đã chứng minh được sự tồn tại của sóng hấp dẫn. Sóng hấp dẫn là một trong hai hệ quả của thuyết tương đối rộng của Albert Einstein (hệ quả kia là về lỗ đen vũ trụ). Có thể nói, sóng hấp dẫn là một sự sáng tạo tuyệt diệu của Thiên Chúa nằm trong rất nhiều “những vật không thấy được” trong thế giới vật chất. “Những vật không thấy được” cũng bao gồm những vật trong thế giới thuộc linh.

Các ngai vị, chủ quyền, các nhà cầm quyền, các thế lực cũng được dựng nên bởi Ngài và vì Ngài, nghĩa là, mọi điều ấy đều dựng nên theo thánh ý của Ngài, để hoàn thành chương trình của Ngài.

17 Ngài có trước muôn vật, và muôn vật được đứng vững trong Ngài.

Câu 17: Con hiểu rằng, Ngài có trước muôn vật vì Ngài chính là Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có trước muôn vật. Muôn vật được đứng vững trong Ngài nghĩa là bởi quyền năng của Ngài mà muôn vật vẫn tồn tại bền vững từ lúc thực hữu.

18 Ngài là đầu của thân thể, của Hội Thánh; Đấng có lúc ban đầu; Con Đầu Lòng từ những kẻ chết; để trong mọi sự Ngài trở nên đứng đầu.

Câu 18: Con hiểu rằng, Ngài là đầu của thân thể nghĩa là, Ngài là Đấng lãnh đạo, cai trị, dẫn dắt Hội Thánh. Một lần nữa, Thánh Kinh xác nhận Ngài là Thiên Chúa khi gọi Ngài là Đấng có từ lúc ban đầu.

Ngài được gọi là “Con Đầu Lòng” nghĩa là, thân vị loài người của Đức Chúa Jesus Christ là người đầu tiên được Đức Chúa Trời sinh ra. Câu “Con Đầu Lòng từ những kẻ chết” có ý nghĩa, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đứng đầu những người được sinh ra bởi Đức Chúa Trời. Những người được sinh ra bởi Đức Chúa Trời là chỉ về những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Có thể diễn ý câu ấy thành: Đức Chúa Jesus Christ là Con Đầu Lòng, Đấng làm đầu những người được tái sinh từ những kẻ chết.

19 Bởi vì, mọi sự đầy dẫy được vui mừng cư trú trong Ngài, [mọi sự đầy dẫy của Thiên Chúa,]
20 và qua Ngài mà phục hòa muôn vật với chính Ngài [chữ chính Ngài chỉ về Đức Chúa Trời], dù là những vật trên đất hoặc những vật trong các tầng trời; bởi Ngài đã làm nên sự hòa bình thông qua máu của thập tự giá Ngài.

Câu 19 và 20: Con hiểu rằng, “mọi sự đầy dẫy được vui mừng cư trú trong Ngài” nghĩa là mọi đặc tính yêu thương, công chính, thánh khiết của Thiên Chúa cư trú trong Đức Chúa Jesus Christ. Nhóm chữ “được vui mừng cư trú” giúp con hình dung mọi sự tốt đẹp của Thiên Chúa đều được Đức Chúa Jesus Christ bày tỏ ra bên ngoài một cách sống động, là điều khiến Sứ Đồ Giăng say mê ngắm nhìn (I Giăng 1:1).

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha ban ơn, thêm sức cho con trong sự tiếp tục công việc làm trong tối hôm nay. Con cảm tạ Cha! A-men.

————————————–

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Sóng_hấp_dẫn


Nguyễn Ngọc Tú: Cô-lô-se 1:21-29 Sự Mầu Nhiệm của Đức Chúa Trời về Tin Lành và Hội Thánh

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an, được thông công với các anh chị em của con. Con cảm tạ Cha tối nay cũng ban ơn cho con viết lại các sự suy ngẫm của con về Lời Ngài được ghi chép trong Cô-lô-se 1:21-29.

21 Còn các anh chị em ngày trước bị xa cách và là những kẻ thù nghịch trong tâm trí bởi những việc ác, nhưng bây giờ đã được Ngài phục hòa

Câu 21: Thưa Cha, con hiểu rằng, “ngày trước bị xa cách” là nói về thực trạng trước khi tin nhận Chúa của mỗi người. Bị xa cách là xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). “Là những kẻ thù nghịch trong tâm trí bởi những việc ác” nghĩa là khi chưa tin nhận Chúa thì tâm trí của một người chỉ toàn là những ý tưởng ác, thù nghịch sự thiện, thù nghịch Thiên Chúa.

“Nhưng bây giờ” là tình trạng của một người đã tin nhận ơn cứu chuộc của Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Người ấy được phục hòa với Đức Chúa Trời qua sự chịu chết đền tội thay của Đức Chúa Jesus Christ.

22 trong thân thể của xác thịt Ngài qua sự chết, để phơi bày ra trước Ngài: Các anh chị em thánh sạch, không vết, không chỗ trách được,
23 nếu các anh chị em cứ ở lại trong đức tin vững lập, không dời khỏi sự hy vọng của Tin Lành mà các anh chị em đã nghe, được giảng cho mọi người ở dưới trời, và tôi, Phao-lô, được làm người phục vụ.

Câu 22 và 23: Con hiểu rằng, tình trạng “thánh sạch, không vết , không chỗ trách được” không có nghĩa rằng khi đã tin nhận Chúa thì một người không còn phạm tội, nhưng có nghĩa là người ấy được Đức Chúa Trời kể là thánh sạch, không vết, không chỗ trách được bởi tấm lòng luôn muốn sống đẹp lòng Chúa, và hết lòng cố gắng không phạm tội. Con dân Chúa vẫn có thể vì sơ ý, vì thiếu hiểu biết, hoặc vì bất ngờ mà phạm tội, nhưng như Lời Chúa hứa, khi người ấy thật lòng ăn năn thì sẽ được Ngài tha thứ và làm cho sạch mọi điều không công chính (I Giăng 1:9).

Con dân Chúa chỉ có thể luôn ở trong tình trạng thánh sạch, không vết, không chỗ trách được khi cứ ở lại trong đức tin vững lập, không dời khỏi sự hy vọng của Tin Lành. Sự hy vọng của Tin Lành là sự hy vọng về những gì Thiên Chúa hứa ban trong nội dung của Tin Lành, như: sự sống lại vinh quang của thân thể xác thịt, các phần thưởng của Chúa khi gặp Chúa giữa chốn không trung, sự kết hiệp mầu nhiệm với Đấng Christ trong Lễ Cưới Chiên Con, quyền đồng trị với Đấng Christ trong các nơi trên trời.

24 Nay, tôi vui mừng trong sự thương khó của tôi thay cho các anh chị em. Tôi lại vì thân thể của Đấng Christ, là Hội Thánh, mà đổ đầy trong xác thịt của tôi những gì còn lại trong sự bị bách hại của Ngài.

Câu 24: Con hiểu rằng, Phao-lô vui mừng thay cho con dân Chúa tại Cô-lô-se vì những sự thương khó ông phải chịu đã đem đến cho họ sự hy vọng của Tin Lành. Mặc dù Phao-lô không trực tiếp giảng dạy họ nhưng rất có thể Ê-pháp-ra và các sứ đồ có dịp ghé qua Cô-lô-se đã học sự sâu nhiệm trong Tin Lành từ Phao-lô và đã giảng lại cho Hội Thánh Cô-lô-se.

Cách nói “đổ đầy trong xác thịt của tôi những gì còn lại trong sự bị bách hại của Ngài” là một cách nói khiêm nhường. Phao-lô có ý nói ông vui lòng chịu khổ vì Chúa và những gì mà ông phải chịu trong xác thịt chỉ là một phần rất nhỏ còn lại trong sự bị bách hại của Đức Chúa Jesus Christ. Thưa Cha, khi suy ngẫm đến câu này thì con nhớ đến một câu viết trong Thánh Kinh Báo: Khi nhớ đến Đấng Christ hy sinh trọn vẹn, ta không còn nói về mình hy sinh ra sao nữa!

25 Tôi được làm người phục vụ cho Hội ấy bởi sự quản lý của Đức Chúa Trời, là điều ban cho tôi vì các anh chị em, để làm cho hoàn tất Lời của Đức Chúa Trời,
26 tức là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời, các dòng dõi, mà nay được tỏ ra cho các thánh đồ của Ngài,
27 là những người mà Đức Chúa Trời muốn cho biết sự giàu có vinh quang của sự mầu nhiệm đó ở giữa các dân ngoại là thế nào. Ấy là Đấng Christ trong các anh chị em, niềm hy vọng của sự vinh quang.

Từ câu 25 đến 27: Con hiểu rằng, “sự quản lý của Đức Chúa Trời” trên Hội Thánh là sự Ngài lập ra trong Hội Thánh các chức vụ để gầy dựng và phát triển Hội Thánh. Phao-lô được Thiên Chúa ban cho chức vụ sứ đồ của dân ngoại, để bày tỏ sự mầu nhiệm đã được tiên tri trước trong Thánh Kinh về Đấng Christ. Sự mầu nhiệm đã giấu kín không chỉ là về sự kiện Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người, chịu khổ, chịu chết để cứu chuộc loài người, mà còn là về sự biến hóa của thân thể xác thịt, sự kiện Kỳ Tận Thế, sự kiện Chúa tái lâm, sự kiện Chúa thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm và trời mới đất mới…

28 Đấng mà chúng tôi rao giảng, cảnh báo mọi người, dạy dỗ mọi người trong mọi sự khôn sáng, để chúng tôi trình ra mọi người trọn vẹn trong Đấng Christ Jesus.

Câu 28: Con hiểu rằng, trong khi rao giảng Đấng Christ Phao-lô cũng có nhiều lời cảnh báo mọi người về sự không tin của họ, mà có lẽ tiêu biểu là lời cảnh báo trong Công Vụ Các Sứ Đồ 28:25-27:

25 {Họ} không đồng ý với nhau, đã bỏ về. Phao-lô đã nói một lời: Phải! Đức Thánh Linh đã phán bởi đấng Tiên Tri Ê-sai cùng các tổ phụ của chúng ta.
26 Phán, hãy đến nơi dân này và nói: Hãy nghe! {Các ngươi} sẽ nghe mà chẳng hiểu. Hãy xem! {Các ngươi} sẽ xem mà chẳng thấy.
27 Vì lòng của dân này đã béo, lỗ tai {của chúng} đã nặng nghe, chính mắt {của chúng} đã nhắm lại; e rằng, {chúng} sẽ thấy {bởi} mắt, nghe {bởi} tai, hiểu {bởi} lòng mà {chúng} trở lại và Ta sẽ chữa lành chúng.
 [Ê-sai 6:9-10].

Phao-lô “dạy dỗ mọi người trong mọi sự khôn sáng” là chỉ dạy, hướng dẫn con dân Chúa biết cách áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, để giải quyết mọi nan đề. Giúp con dân Chúa sống một đời sống trọn vẹn, sống đẹp lòng Chúa.

29 Chính vì vậy mà tôi lao động, phấn đấu theo sự hành động siêu nhiên của Ngài, tác động cách mạnh mẽ trong tôi.

Câu 29: Con hiểu rằng, “chính vì vậy mà tôi lao động” là vì muốn giúp con dân Chúa trở nên trọn vẹn nên Phao-lô đã gắng sức rao giảng Tin Lành, theo sự tác động mạnh mẽ của Đấng Christ trong ông.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ vì khi nhìn lại những gì con kết quả được cho nhà Chúa, con nhận thấy đó là sự hành động siêu nhiên của Ngài qua con, đó là sự tác động mạnh mẽ của Ngài trong con! Nguyện rằng con luôn được phụng sự Ngài. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *