Ê-phê-sô 3:1-6 Sự Mầu Nhiệm của Đấng Christ Được Mạc Khải Trong Hội Thánh và Qua Hội Thánh – Phần 1
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã ban ơn, thêm sức cho con, giữ gìn con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 3:1-6. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
1 Vì thế mà tôi, Phao-lô, làm người tù của Đấng Christ Jesus vì các anh chị em, những người dân ngoại.
Câu 1: Con hiểu rằng, vì Phao-lô được Chúa mạc khải cho biết những sự mầu nhiệm của Đấng Christ như ông trình bày trong đoạn 1 và 2, nên ông vui lòng làm người tù của Đấng Christ để rao giảng Tin Lành cho dân ngoại. “Người tù của Đấng Christ” là người không còn sống tự do theo ý thích của bản thân, mà sống vâng phục Đấng Christ. Người tù của Đấng Christ còn có nghĩa là người chịu bị tù đày, bị bách hại vì rao giảng Tin Lành và sống nếp sống theo đức tin nơi Đấng Christ.
2 Như các anh chị em đã nghe về sự quản lý ân điển của Đức Chúa Trời, sự ấy đã ban cho tôi, hướng về các anh chị em,
Câu 2: Con hiểu rằng, “ân điển của Đức Chúa Trời” theo văn mạch là sự thông hiểu sự mầu nhiệm của Đấng Christ. Phao-lô là người quản lý ân điển, nghĩa là, ông được Chúa ban cho sự thông hiểu sự mầu nhiệm và nhiệm vụ điều hành, phát triển sự mầu nhiệm ấy trong con dân Chúa, mà chủ yếu là hướng về con dân Chúa thuộc dân ngoại. Phát triển sự mầu nhiệm là giảng giải giúp con dân Chúa hiểu biết về các sự mầu nhiệm, hướng dẫn họ thực dụng trong đời sống.
3 bởi sự mạc khải mà Ngài đã làm cho tôi biết sự mầu nhiệm như tôi đã viết trong mấy lời trước đó,
4 là điều mà khi các anh chị em đọc đến thì có thể hiểu được sự thông hiểu của tôi trong sự mầu nhiệm của Đấng Christ.
5 Điều ấy trong các thời đại khác, chưa từng công bố cho con cái của loài người biết, như bây giờ đã được tỏ ra cho các sứ đồ và các tiên tri thánh của Ngài trong thần trí.
Từ câu 3 đến câu 5: Phao-lô cho biết ông được Đức Chúa Trời trực tiếp mạc khải cho biết sự mầu nhiệm của Đấng Christ. Sau đó ông công bố và giảng dạy cho Hội Thánh, đồng thời Đức Thánh Linh soi sáng trong thần trí của các sứ đồ và các tiên tri của Hội Thánh, giúp họ hiểu rõ điều Phao-lô công bố và giảng dạy. Sự mầu nhiệm của Đấng Christ là điều chưa từng được công bố cho bất cứ ai trong các thời đại trước thời đại Hội Thánh.
Thần trí là sự hiểu biết đến từ Thiên Chúa, nên “sự mầu nhiệm được tỏ ra trong thần trí” nghĩa là chỉ có những ai thật lòng tin kính Chúa mới có thể tiếp nhận và hiểu được sự mầu nhiệm của Đấng Christ, bởi sự khai sáng của Đức Thánh Linh.
6 Ấy là các dân ngoại là những người đồng kế tự, thuộc về cùng một thân thể, là những người bởi Tin Lành được dự phần về lời hứa của Ngài trong Đấng Christ.
Câu 6: Sự mầu nhiệm của Đấng Christ, đó là, bởi đức tin trong Đấng Christ mà các dân ngoại cũng được dự phần vào các giao ước lời hứa của Đức Chúa Trời, được hiệp một với dân I-sơ-ra-ên, trở thành một chi thể trong thân thể của Đấng Christ.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng ban cho con một giấc ngủ ngon, để được phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Con cảm tạ Cha! A-men!
Ê-phê-sô 3:7-12 Sự Mầu Nhiệm của Đấng Christ Được Mạc Khải Trong Hội Thánh và Qua Hội Thánh – Phần 2
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha vì tối hôm nay Ngài cũng ban cho con có thêm thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 3:7-12. Con xin ghi lại những điều mà Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
7 Còn tôi đã trở nên người chấp sự theo sự ban cho của ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, theo sự tác động của năng lực của Ngài.
Câu 7: Thưa Cha, con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nhận mình là người được Đức Chúa Trời thương xót, ban ơn cho và tác động trong ông, để ông phục vụ con dân Chúa người ngoại. Ông phục vụ họ trong sự rao giảng Tin Lành, giúp những người chưa biết thì được nghe Tin Lành, giúp những người đã tin nhận thì hiểu biết càng hơn về những sự sâu nhiệm của Tin Lành.
8 Ân điển ấy đã ban cho tôi, người thấp hèn hơn hết trong mọi thánh đồ, để rao giảng trong các dân ngoại sự giàu có không thể dò được của Đấng Christ,
9 và chiếu sáng cho tất cả sự thông công của lẽ mầu nhiệm, từ trước vô cùng đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên muôn loài qua Đức Chúa Jesus Christ.
Câu 8 và 9: Phao-lô tự nhận mình là người thấp hèn hơn hết trong mọi thánh đồ, có lẽ là vì trước khi tin nhận Chúa, ông là người bách hại Hội Thánh của Chúa. Tuy nhiên, ông lại được Chúa chọn để mạc khải sự mầu nhiệm của Đấng Christ.
“Sự giàu có không thể dò được của Đấng Christ” không chỉ được Phao-lô bày tỏ trong các lời ông rao giảng mà còn qua nếp sống của ông. Có lẽ, cuộc đời phụng sự Chúa của Phao-lô là minh chứng rõ ràng nhất cho sự giàu có không thể dò được của Đấng Christ trên một người. Tất nhiên đây không phải là sự giàu có về vật chất, mà là giàu có trong sự Đấng Christ ban ơn, thêm sức, cùng làm việc, cầu thay, giúp một người sống trọn vẹn theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Bản thân con thì con xem những kinh nghiệm chịu nhiều gian khổ của Phao-lô vì phụng sự Chúa là một loại tài sản. Con xem một người có nhiều kinh nghiệm chịu khổ để chia sẻ, động viên, khích lệ người khác là một người giàu có.
Thưa Cha, nhóm chữ “sự thông công của lẽ mầu nhiệm” làm con liên tưởng tới những buổi thông công vui vẻ của Hội Thánh, cùng thảo luận về các lẽ thật mầu nhiệm trong Thánh Kinh. Con nghĩ là khi bước vào cõi đời đời thì con dân Chúa vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu Thánh Kinh, và mỗi khi khám phá ra một điều sâu nhiệm ẩn chứa trong Thánh Kinh thì sẽ đem lại một niềm khoái cảm cho người tìm được. Giống như một lập trình viên khi giải được một bài toán khó thì lòng thấy lâng lâng khó tả.
10 Vậy nên, hiện nay những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời bởi Hội Thánh mà được biết sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời,
11 theo mục đích vĩnh cửu của Ngài đã định trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.
Câu 10 và 11: Theo sự giảng giải của người chăn thì con hiểu điều những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời là bao gồm các thiên sứ trong tầng trời thứ ba và ma quỷ trong tầng trời thứ nhì và thứ nhất. Như vậy, bởi sự thành lập Hội Thánh mà các thần linh do Thiên Chúa sáng tạo mới được chứng kiến, mới biết được sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời.
Sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời là sự khôn sáng toàn diện, đầy trọn, không thiếu sót chỗ nào. Vì thế sự khôn sáng ấy sẽ hoàn thành mục đích vĩnh cửu của Ngài đã được Ngài lên kế hoạch trong Đấng Christ Jesus. Danh xưng Christ được đặt trước tên Jesus, nhằm nhấn mạnh đến việc làm của Đức Chúa Jesus trong chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, nhà vua, và kết quả việc làm của Ngài. Chính kết quả việc làm của Đức Chúa Jesus Christ đã làm thành mục đích vĩnh cửu của Đức Chúa Trời.
12 Trong Đấng ấy, chúng ta có sự dạn dĩ và đến gần với lòng tin cậy, bởi sự thành tín của Ngài.
Câu 12: Con hiểu rằng, nhờ có sự chết chuộc tội của Đấng Christ mà sau khi tin nhận Ngài, con có lòng dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời. Con thấy rằng đây là điều quan trọng trong cuộc đời đi theo Chúa của con. Vì có lắm lúc con gặp phải những nghịch cảnh khiến lòng vô cùng bối rối thì khi con đến gần Đức Chúa Trời, thưa chuyện với Ngài, trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, tâm tình với Ngài, thì con được Ngài dìu dắt vượt qua.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng mỗi ngày, qua sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa, mà con được đến gần Đức Chúa Trời càng hơn. Nguyện xin Cha ban cho con một giấc ngủ ngon, để phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Con cảm tạ Cha! A-men.
Ê-phê-sô 3:13-21 Phước Lành Đức Chúa Trời Ban cho Hội Thánh
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha cũng ban ơn cho con trong sự suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 3:13-21. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
13 Vậy nên, tôi xin các anh chị em chớ ngã lòng bởi những sự hoạn nạn của tôi vì các anh chị em. Đó là sự vinh quang của các anh chị em.
Câu 13: Thưa Cha, con hiểu rằng, “những sự hoạn nạn” mà Phao-lô nói đến ở đây có lẽ là về việc ông đang bị tù tại Rô-ma, và liền trước đó là bị nạn đắm tàu. Những hoạn nạn mà Phao-lô đã trải qua trong công tác truyền giáo đã được ông tâm sự trong II Cô-rinh-tô 11:23-27. Những sự hoạn nạn mà Phao-lô phải chịu vì danh Chúa sẽ trở thành vinh quang của ông trong ngày Hội Thánh được kết hiệp với Đấng Christ (Khải Huyền 19:8). Mà trong Hội Thánh, mọi thành viên là chi thể của nhau trong cùng một thân, nên hoạn nạn của một người cũng là hoạn nạn của Hội Thánh, vinh quang của một người cũng là vinh quang của Hội Thánh. Vì thế, nên Phao-lô gọi những hoạn nạn của ông là sự vinh quang của con dân Chúa tại Ê-phê-sô.
Thưa Cha, mỗi khi con đọc được những tấm gương chịu khổ vì danh Chúa, thì lòng con lại càng được khích lệ dấn thân hầu việc Ngài. Trong các câu chuyện, con thấy khi các thánh đồ càng chịu khổ thì họ lại càng gần gũi Chúa hơn, được Chúa dạy dỗ cho biết được những lẽ thật sâu nhiệm, ẩn giấu trong Lời Ngài.
14 Vì cớ đó mà tôi quỳ gối trước Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.
Câu 14: Con hiểu rằng, “vì cớ đó” là vì cớ những sự hoạn nạn mà Phao-lô phải chịu sẽ trở thành vinh quang của Hội Thánh. Vì những điều đó mà Phao-lô quỳ gối để thờ phượng và tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đấng đã thiết lập chương trình cứu rỗi, kết hiệp những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài thành Hội Thánh, và thể hiện vinh quang của Ngài trong Hội Thánh và qua Hội Thánh.
Phao-lô không viết “tôi quỳ gối trước Đức Chúa Trời” mà viết “tôi quỳ gối trước Cha của Đức Chúa Jesus Christ”. Có lẽ Phao-lô muốn tôn cao Đức Chúa Trời, là Đấng Vĩ Đại trong sự Ngài thiết lập chương trình cứu rỗi nhân loại qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà cũng là Đấng Yêu Thương trong sự Ngài tiếp nhận làm con nuôi những ai có đức tin và vâng phục Ngài, như Đức Chúa Jesus Christ đã vâng phục.
15 Bởi Ngài mà cả dòng dõi trong các tầng trời và trên đất được đặt tên.
Câu 15: “Cả dòng dõi trong các tầng trời và trên đất” là chỉ về Hội Thánh. Trong tâm thần thì cả Hội Thánh đang cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus (Ê-phê-sô 2:6). Chính Đức Chúa Trời sẽ đặt tên cho mỗi người trong Hội Thánh như được nói đến trong Khải Huyền 2:17.
Thưa Cha, con hiểu rằng, được Ngài đặt tên là được Ngài yêu thương, xem là quý giá. Con nghĩ là tên được Ngài đặt sẽ có rất nhiều ý nghĩa, được Ngài đặt nhiều tâm tư vào đó như khi con đặt tên cho các con của con, và bản thân cái tên cũng thể hiện một nét đẹp, một sự vinh quang.
16 Xin Ngài tùy sự giàu có của sự vinh quang Ngài làm cho các anh chị em được nên mạnh mẽ con người bên trong, bởi năng lực của Đấng Thần Linh của Ngài;
Câu 16: Sứ Đồ Phao-lô được cảm động để cầu thay cho Hội Thánh được Đức Thánh Linh dùng thánh linh để làm mạnh mẽ tâm thần của mỗi thành viên trong Hội Thánh. Khi đọc các tấm gương chịu khổ vì danh Chúa, con thấy qua mỗi sự chịu khổ thì các thánh đồ không những không thoái lui mà lại được mạnh mẽ càng hơn, đồng thời họ càng gần gũi Chúa hơn. Con cảm tạ Cha vì được Ngài rèn tập qua những khó khăn, khiến con mỗi ngày được mạnh mẽ càng hơn.
17 để Đấng Christ ngự trong lòng các anh chị em bởi đức tin mà các anh chị em được đâm rễ và vững nền trong tình yêu;
18 được cùng với các thánh đồ học biết bề rộng, bề dài, bề sâu, và bề cao là thế nào;
19 và được biết tình yêu của Đấng Christ vượt hơn sự trí thức, để cho các anh chị em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.
Từ câu 17 đến 19: Con hiểu rằng, sự Đức Thánh Linh ban cho thánh linh để làm mạnh mẽ con người bên trong là để Đấng Christ ngự trong lòng con dân Chúa bởi đức tin. Được Đấng Christ ngự trong lòng là được tương giao mật thiết và liên tục với Ngài trong linh hồn. Khi một người được vui hưởng sự tương giao mật thiết với Đấng Christ thì tình yêu của Thiên Chúa sẽ đâm rễ và vững nền trong người ấy. Điều này làm con nhớ đến những lúc con đi đường trong trời mưa, nhưng vì trong lòng cứ mãi nghĩ về Chúa nên quên đi cái lạnh giá bên ngoài.
20 Đấng có thể làm trội hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng bởi năng lực tác động trong chúng ta,
21 nguyện Ngài được vinh quang trong Hội Thánh, trong Đấng Christ Jesus, trải các thời đại, cho tới đời đời. A-men.
Câu 20 và 21: Con cảm tạ Cha vì trong thực tế cuộc sống, con cũng kinh nghiệm được nhiều lần Ngài ban cho con những điều trội hơn vô cùng việc con cầu xin hoặc suy tưởng. Nhiều năm trước, khi còn sống ở Sài Gòn, cuộc sống khó khăn, có lúc con nghĩ đến việc về quê nội sinh sống để bớt cực, được sống ở nơi khí hậu mát mẻ. Nhưng vì ý thức được mình là người có chức vụ, có bổn phận với Hội Thánh, nên con gạt đi, không dám nghĩ đến nữa. Không ngờ rằng, giờ đây con lại được ngày ngày ngắm núi rừng, hít thở không khí trong lành. Con cảm tạ Cha!
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng mỗi ngày con lại được hiểu biết về Ngài nhiều hơn qua sự đọc và suy ngẫm Lời Ngài. Nguyện xin Cha ban cho con một giấc ngủ ngon, được phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Con cảm tạ Cha! A-men.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú