Ê-phê-sô: Chương Bốn

4 lượt xem

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an. Con cảm tạ Cha đã ban ơn cho con trong sự suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 4:1-7. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Câu 1: Thưa Cha, con hiểu rằng, Phao-lô một lần nữa nhắc lại sự kiện ông là người tù của Chúa để giúp con dân Chúa Ê-phê-sô nhớ lại những khó khăn, gian khổ, mà ông phải trải qua khi giảng Tin Lành cho họ. Ông nài xin họ hãy sống một nếp sống xứng đáng với ân điển cứu rỗi và địa vị mà họ đã được Chúa gọi đến nhận lãnh.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Câu 2 và 3: Con hiểu rằng, nếp sống của con dân Chúa phải bắt đầu với sự khiêm nhường và nhu mì, theo lời kêu gọi của Đấng Christ (Ma-thi-ơ 11:29). “Với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì” là khiêm nhường và nhu mì trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh sự khiêm nhường và nhu mì, con dân Chúa còn phải thêm vào sự nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, nghĩa là vì tình yêu mà bền lòng trong sự chịu khổ và tiếp nhận những sự thiếu sót, lầm lỗi của nhau, cậy ơn Chúa giúp nhau sửa lỗi, giúp nhau vượt qua những khó khăn, thử thách.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Câu 4: Con hiểu rằng, “chỉ có một thân thể” là thân thể của Đấng Christ, chính là Hội Thánh. “Chỉ có một thần trí” nghĩa là Hội Thánh có cùng một sự hiểu biết về các lẽ thật trong Lời Chúa và có cùng ý chí. Ý chí ấy là hết lòng vâng theo những lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. “Một sự trông cậy” là trông cậy vào ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa và những lời hứa của Ngài về một cuộc sống đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Câu 5: Con hiểu rằng, “chỉ có một Chúa” là một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. “Chỉ có một đức tin” là đức tin nơi Thiên Chúa, là tin vào sự thực hữu của Ngài; tin vào sự cứu rỗi của Ngài qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; và tin rằng Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, có thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống của con dân Chúa. “Chỉ có một phép báp-tem” là phép bắp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa như Đức Chúa Jesus Christ đã phán truyền trong Ma-thi-ơ 28:19. Sự kiện các giáo hội bắt buộc con dân Chúa phải học thuộc một số giáo lý mới được làm báp-tem cũng là một phép báp-tem khác với Đức Chúa Jesus đã dạy.

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Câu 6: Chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha của mọi sự vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật. Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha là Đấng ở trên mọi sự, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ở trong những ai thuộc về Hội Thánh.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Câu 7: Con hiểu rằng, ân điển cứu rỗi Đấng Christ ban cho mỗi người đều là dư dật nhưng có sự khác nhau cho mỗi người. Vì mỗi người đều có sự phạm tội khác nhau, số lượng phạm tội khác nhau, dù là phạm cùng một tội thì mức độ vi phạm cũng khác nhau.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an, có nhiều thời gian để ngủ nghỉ, để được phục hồi lại sức khỏe chuẩn bị cho những công việc trong một tuần mới. Nguyện rằng trong tuần mới này, qua sự suy ngẫm Lời Chúa, con lại được hiểu về Ngài nhiều hơn.


Ê-phê-sô 4:8-16 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con dâng lời cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 4:8-16. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

8 Vậy nên, có lời phán: Khi Ngài đã lên nơi cao, Ngài dẫn theo những người bị cầm tù, và ban các ơn cho loài người. [Thi Thiên 68:18]

Câu 8: Con hiểu rằng, câu này Sứ Đồ Phao-lô trích dẫn Thi Thiên 68:18 để nói đến sự kiện Đấng Christ phục sinh, thăng thiên, và dẫn theo Ngài linh hồn của các thánh đồ trước thời Tân Ước, từ trong âm phủ và trong thiên đàng. Sau khi thăng thiên, Đấng Christ tiếp tục ban các ơn cho loài người, ấy là ơn cứu rỗi cho những ai tin nhận Ngài.

9 Nhưng, “Ngài đã lên” có nghĩa gì, nếu chẳng phải là: trước hết, Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp của đất?
10 Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên trên hết các tầng trời, để Ngài làm cho đầy dẫy mọi sự.

Câu 9 và 10: Phao-lô lý luận rằng, “Đấng đã lên” dẫn theo những linh hồn bị cầm tù trong âm phủ, thì trước hết Ngài phải xuống các miền thấp của đất. “Các miền thấp của đất” là bao gồm: nơi tạm trú của các linh hồn thuộc về Chúa gọi là Ba-ra-đi; khu vực tạm giam những linh hồn không thuộc về Chúa, và nơi giam giữ các thần linh phạm tội gọi là vực sâu không đáy. I Phi-e-rơ 3:19 và II Phi-e-rơ 2:4 cho biết Đấng Christ đã vào trong vực sâu, nơi giam giữ các thần linh phạm tội, để công bố Tin Lành.

11 Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy,
12 hướng về sự trọn vẹn của các thánh đồ, trong công việc phục vụ, trong sự gây dựng thân thể Đấng Christ,
13 cho đến chừng chúng ta hết thảy đều hiệp một trong đức tin và sự tri thức về Con Đức Chúa Trời, mà nên một người hoàn toàn, theo mức độ trưởng thành trọn vẹn của Đấng Christ;

Câu 11 và 12: Con hiểu rằng, các chức vụ trong Hội Thánh là do Đức Chúa Trời lập ra (I Cô-rinh-tô 12:28), do Đức Chúa Jesus Christ ban cho, và do Đức Thánh Linh ban năng lực và ân tứ để hoàn thành chức vụ. Mục đích của các chức vụ trong Hội Thánh là giúp cho mỗi con dân Chúa đạt đến sự trọn vẹn. Sự trọn vẹn ấy thể hiện qua sự phụng sự Thiên Chúa và phục vụ lẫn nhau. Các chức vụ trong Hội Thánh là dùng để gây dựng chính Hội Thánh, là thân thể Đấng Christ, cho đến khi mỗi thành viên trong Hội Thánh đều hiệp một trong đức tin và có cùng sự hiểu biết trong tâm thần về Đấng Christ.

14 để chúng ta không còn là trẻ con, bị chao đảo, dời đổi theo mỗi phong trào của giáo lý trong sự dối trá của loài người và mưu kế mà họ rình chờ để lường gạt;
15 nhưng nói ra lẽ thật trong tình yêu, để trong mọi sự chúng ta đều được lớn lên trong Ngài, Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.

Câu 14 và 15: Con hiểu rằng, mặc dù con dân chân thật Chúa đều có Đức Thánh Linh dẫn dắt, nhưng Chúa cũng lập ra các chức vụ trong Hội Thánh để giúp con dân Chúa đạt đến sự trọn vẹn trong đức tin, trong sự hiểu biết về Đấng Christ. Mục đích là để con dân Chúa không bị các tà giáo lường gạt, nhưng luôn nói ra lẽ thật trong tình yêu để gây dựng lẫn nhau. Việc nói ra lẽ thật trong tình yêu là bao gồm luôn các lời quở trách tỏ tường, giúp người phạm tội, phạm lỗi nhận ra sự vi phạm của mình, hoặc sự mình bị tà giáo lường gạt, để người ấy mau chóng ăn năn, quay trở lại.

16 Bởi Ngài mà cả thân thể được gắn bó với nhau và kết nối bởi sự hỗ trợ của mỗi khớp xương, tùy lượng sự tác động của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong tình yêu. [Khớp xương = nơi các đầu xương kết nối với nhau.]

Câu 16: Bởi Đấng Christ mà mỗi người trong Hội Thánh gắn bó và kết nối chặt chẽ với nhau. Mỗi người đều được Chúa ban cho những ân tứ để cùng góp phần vào sự gầy dựng Hội Thánh.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha ban cho con một giấc ngủ ngon, được phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Con cảm tạ Cha! A-men.


Ê-phê-sô 4:17-24 Con Dân Chúa Từ Bỏ Nếp Sống Cũ, Sống Nếp Sống Mới – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 4:17-24. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

17 Vậy, này là điều tôi nói và làm chứng trong Chúa: Các anh chị em chớ bước đi như các dân ngoại nữa. Họ bước đi trong sự hư không của tâm trí họ,
18 bởi sự ngu dại ở trong họ. Vì sự cứng lòng của họ, nên trí khôn tối tăm, bị xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.

Câu 17 và 18: Thưa Cha, con hiểu rằng, phân đoạn này Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa bỏ đi nếp sống cũ, và sống nếp sống mới trong Chúa. Phao-lô bắt đầu lời khuyên bằng câu “này là điều tôi nói và làm chứng trong Chúa”, nghĩa là những điều ông khuyên sau đây cũng là lời ông làm chứng về nếp sống của con dân Chúa trong Hội Thánh.

“Chớ bước đi như các dân ngoại” là không sống nếp sống tội lỗi như những người không tin Chúa. Những người không tin Chúa sống trong sự hư không của tâm trí, nghĩa là tâm trí của họ tư tưởng, suy nghĩ, đánh giá, và quyết định những điều không có giá trị. Họ sống như vậy là vì sự ngu dại ở trong họ. Mà sự ngu dại điển hình của loài người là chối bỏ Đức Chúa Trời, không thờ phượng Ngài, không sống theo tiêu chuẩn tốt đẹp mà Ngài đặt để trong lương tâm của họ. Chính sự cứng lòng ấy làm trí khôn họ ngày càng tối tăm và họ bị xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. “Xa cách sự sống của Đức Chúa Trời” là xa cách tình yêu, sự công chính, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, nên đời sống không còn bình an, thỏa lòng, phước hạnh.

19 Họ đã mất sự cảm biết, phó mình cho sự phóng đãng, làm ra mọi điều ô uế trong sự tham lam.

Câu 19: Con hiểu rằng, những người không tin Chúa “đã mất sự cảm biết” là mất đi sự cảm nhận về tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa. Chính vì thế mà dù cho có cuộc sống sung túc, họ vẫn luôn thấy trống vắng, bất an trong lòng. Sự mất đi sự cảm biết sẽ khiến lương tâm một người ngày càng chai lì, họ trở nên vô cảm trước những đau thương, mất mát của người khác. Vì lòng thấy trống vắng và bất an nên họ tìm đến những cuộc vui tạm bợ như bia, rượu, các chất gây nghiện, những mối quan hệ không lành mạnh… Đó chính là phó mình cho sự phóng đãng và làm ra mọi sự ô uế trong sự tham lam. Nhóm chữ “trong sự tham lam” nghĩa là họ cứ lao mình vào những cuộc vui với mức độ trầm trọng hơn, như người nghiện ma túy thì qua mỗi lúc lại dùng chất ma túy mạnh hơn, mới thỏa được cơn nghiện.

20 Nhưng các anh chị em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy.
21 Vì các anh chị em đã nghe Ngài và được dạy dỗ trong Ngài, y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jesus.

Câu 20 và 21: Con hiểu rằng, sau khi nói về thực trạng của những người không tin Chúa thì Phao-lô nói về những người tin nhận Chúa, là những người đã tiếp nhận Đấng Christ và được dạy cho biết về những điều sâu nhiệm về Ngài. Người tin nhận Chúa thì tiếp nhận một cuộc sống mới, không còn sống trong sự phóng đãng như người đời nữa.

22 Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn,
23 mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình,

Câu 22 và 23: Phao-lô khuyên con dân Chúa hãy bỏ đi nếp sống của con người cũ, là nếp sống bị trói buộc bởi những tham muốn của xác thịt, khiến một người trở nên hư hỏng. “Chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình” nghĩa là chịu thay đổi tư tưởng, suy nghĩ, quan điểm sống, cách đánh giá, và quyết định theo những sự hiểu biết trong tâm thần đã được dựng nên mới.

24 và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.

Câu 24: Con hiểu rằng, “mặc lấy người mới” là tiếp nhận và sống theo những sự hiểu biết trong tâm thần đã được dựng nên mới. Người được dựng nên mới là người giống như Thiên Chúa trong sự công chính nghĩa là luôn tư tưởng, suy nghĩ, quyết định mọi việc theo tiêu chuẩn của Chúa đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Giống như Thiên Chúa trong sự thánh sạch chân thật là luôn nghĩ và nói cách chân thật, không có sự dối trá.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì đã cứu con ra khỏi cuộc đời hư mất xưa kia, và ban cho con một cuộc đời mới trong Chúa. Con vẫn nhớ một câu nói của người chăn :”Sống cho Chúa là sống cho chính mình ở mức độ cao nhất”. Sau nhiều năm đi với Chúa con thấy thật đúng như vậy!

Nguyện xin Cha ban cho con một giấc ngủ ngon, được phục hồi lại sức khỏe, để chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Con cảm tạ Cha! A-men.


Ê-phê-sô 4:25-32 Con Dân Chúa Từ Bỏ Nếp Sống Cũ, Sống Nếp Sống Mới – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 4:25-32. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

25 Như vậy, mỗi người trong các anh chị em hãy chừa sự nói dối. Hãy nói thật với người lân cận mình, vì chúng ta là các chi thể của lẫn nhau.

Câu 25: Thưa Cha, con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô tiếp tục khuyên con dân Chúa, khi đã mặc lấy người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, thì hãy từ bỏ sự nói dối. “Nói thật với người lân cận mình” nghĩa là không phải con dân Chúa chỉ nói thật với nhau, mà phải nói thật với tất cả mọi người.

26 Khi các anh chị em giận thì đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em.
27 Đừng nhường chỗ cho Ma Quỷ.

Câu 26 và 27: Con hiểu rằng, sự giận là một cảm xúc do Chúa ban cho, vì thế bản thân sự giận không phải là tội. Nhưng sự giận có thể khiến một người phạm tội vì làm ra các hành động nghịch lại các điều răn của Chúa. Vì thế mà Phao-lô khuyên con dân Chúa phải biết kiểm soát cơn giận. “Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em” nghĩa là đừng để cơn giận kéo dài sang một ngày mới.

“Đừng nhường chỗ cho Ma Quỷ” là không tạo ra sơ hở để ma quỷ có cơ hội cám dỗ, xúi giục con dân Chúa phạm tội. Con hiểu rằng, sự con dân Chúa góp ý, khuyên bảo, gầy dựng lẫn nhau cũng là một hình thức của việc “không nhường chỗ cho ma quỷ” có cơ hội tấn công Hội Thánh.

28 Kẻ trộm cắp chớ trộm cắp nữa, nhưng thà khó nhọc, làm việc lương thiện với đôi tay, để có mà giúp cho người thiếu thốn.

Câu 28: Con hiểu rằng, khi đã là con dân Chúa thì phải từ bỏ mọi hình thức của sự trộm cắp. Một hình thức trộm cắp dễ mắc phải là làm việc thiếu giờ, đi trễ về sớm. Con dân Chúa chỉ làm những việc lương thiện để nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời qua đó mà có thể giúp cho những người thiếu thốn, bao gồm cả anh chị em trong Chúa và người không tin Chúa. Trái với các việc làm phi pháp, những việc làm lương thiện phần nhiều đều khó nhọc.

29 Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.

Câu 29: Con hiểu rằng, là con dân Chúa thì phải tập gìn giữ lời nói của mình (Gia-cơ 3:2), chỉ nói những lời lành có ích lợi để gầy dựng. “Mang ơn đến cho những người nghe” là mang ơn Chúa đến cho những anh chị em trong Hội Thánh và cho cả người không tin Chúa.

30 Chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì trong Ngài các anh chị em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.

Câu 30: Con hiểu rằng, vì Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của con dân Chúa, nên Ngài rất thân thiết với mỗi con dân Chúa. Ngài ân cần dạy dỗ, dẫn dắt, an ủi, ban năng lực, giúp con dân Chúa có thể sống được một nếp sống thánh khiết. Vì thế mà nếu con dân Chúa không vâng theo Đức Thánh Linh thì người ấy làm buồn lòng Ngài. Nếu người ấy không kịp thời ăn năn thì Ngài sẽ rời khỏi người ấy. Người ấy sẽ mất đi sự ấn chứng của Đức Thánh Linh và trở thành hư mất.

Trong thực tế thì con thấy sự dẫn dắt, dạy dỗ của Đức Thánh Linh là một đặc quyền có một không hai của con dân Chúa. Ngài không chỉ dạy cho con dân Chúa hiểu biết Lời Chúa mà còn dạy cho biết về mọi sự sáng tạo của Thiên Chúa. Nếu biết thực dụng đặc quyền này, con dân Chúa sẽ rất xuất sắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống, như: học sinh sẽ xuất sắc trong việc học tập, lập trình viên sẽ xuất sắc trong việc thảo chương điện toán, nhà soạn nhạc sẽ xuất sắc trong việc sáng tác nhạc, chính trị gia sẽ xuất sắc trong việc thiết kế các chính sách quản trị quốc gia…

31 Hãy đem xa khỏi các anh chị em những sự: cay đắng, giận, thịnh nộ, than van, phạm thượng, cùng mọi điều độc ác.

Câu 31: Con hiểu rằng, “hãy đem xa khỏi” nghĩa là loại bỏ ra khỏi đời sống. Phao-lô khuyên con dân Chúa loại bỏ những thói xấu của con người cũ, như sự cay đắng, giận, thịnh nộ, than van, phạm thượng Thiên Chúa, cùng bất cứ điều gì không đúng với Lời Chúa. Ngoài ra, “hãy đem xa khỏi” còn có nghĩa là không cho phép đến gần mình, mà thực dụng vào cuộc sống đó là con dân Chúa đừng giao du, kết bạn, trút đổ lòng với những người làm ra những sự chống nghịch Chúa. Con dân Chúa có thể tiếp xúc với những người ấy để giảng Tin Lành, nhưng với mức độ như thế nào thì cần cầu xin Đức Thánh Linh hướng dẫn.

32 Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng, thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.

Câu 32: Con hiểu rằng, con dân Chúa cũng cần cậy ơn Chúa mà đổi ra mới từng ngày trong lời nói, hành động, làm sao bày tỏ được sự nhân từ, dịu dàng, thương xót với tất cả mọi người. “Tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ” nghĩa là sẵn sàng trả giá để giúp người làm thiệt hại hay xúc phạm mình có cơ hội ăn năn. Sự tha thứ ấy được con dân Chúa chủ động làm ra trước khi người có lỗi ăn năn. Nếu người có lỗi không ăn năn thì con dân Chúa cắt đứt quan hệ với người ấy và phó người ấy cho sự thương xót của Chúa.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng cất đi hết mọi mệt mỏi trong con qua một ngày lao động. Nguyện xin Cha ban cho con một giấc ngủ ngon. Con cảm tạ Cha!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *