Ê-phê-sô: Chương Sáu

4 lượt xem

Ê-phê-sô 6:1-9 Bổn Phận Con Cái, Cha, Tôi Tớ, và Chủ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian ghi lại những sự suy ngẫm của mình về Ê-phê-sô 6:1-9.

Thưa Cha, con hiểu rằng, sau lời dạy về bổn phận vợ chồng, Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô tiếp tục dạy cho con dân Chúa về bổn phận con cái đối với cha mẹ, bổn phận cha đối với con cái, bổn phận của tôi tớ đối với chủ, và bổn phận của chủ đối với tôi tớ.

1 Hỡi những người làm con! Hãy vâng phục cha mẹ của mình trong Chúa, vì điều đó là công chính.
2 Hãy tôn kính cha và mẹ của ngươi! Đó là điều răn thứ nhất với một lời hứa,
3 để ngươi được phước và được sống lâu trên đất.

Từ câu 1 đến câu 3: Con hiểu rằng, sau bốn phận vợ chồng thì con dân Chúa cần làm tròn bổn phận hiếu kính, vâng phục cha mẹ. Sự vâng phục cha mẹ dù cha mẹ có tin Chúa hay không, miễn sao ý muốn của cha mẹ không nghịch lại Lời Chúa. Sự vâng phục cha mẹ là bổn phận cơ bản của một con dân Chúa, kéo dài cho đến khi người ấy lập gia đình. Khi có gia đình, thì người chồng, người cha cần đặt lợi ích của vợ, con lên trên bổn phận với cha mẹ. Nghĩa là, nếu ý muốn của cha mẹ không nghịch lại Lời Chúa nhưng không đem lại ích lợi cho vợ con thì người chồng có thể không vâng phục.

Người thật lòng hiếu kính cha mẹ sẽ được Thiên Chúa ban phước và được sống lâu trên đất. Con hiểu rằng, người được sống lâu trên đất thì có nhiều cơ hội để phụng sự Chúa, để tích trữ của cải trong đời sau.

4 Hỡi những người làm cha! Chớ chọc giận con cái của mình; nhưng hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa mà nuôi dạy chúng nó.

Câu 4: Con hiểu rằng, được làm cha là một điều phước hạnh trong Chúa, là cơ hội để phụng sự Chúa qua sự dạy dỗ con cái lớn lên trong sự tin kính Chúa. Đồng thời, qua mối quan hệ cha con giúp một người có thể cảm nhận được nhiều hơn về tình yêu của Đức Chúa Trời, là Cha Yêu Thương của người ấy. Vì thế, người làm cha phải hết sức cẩn trọng trong việc dạy dỗ con cái, không được chọc giận con cái, mà phải dùng Lời Chúa để nuôi dạy chúng nó.

5 Hỡi những người làm tôi tớ! Hãy kính sợ mà vâng phục những người chủ của mình theo phần xác, trong sự thật thà của lòng mình, như đối với Đấng Christ.
6 Không phải làm cho thấy trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng như những tôi tớ của Đấng Christ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, từ trong lòng
7 lấy ý tốt mà phục vụ như cho Chúa chứ không phải cho loài người.

Từ câu 5 đến câu 7: Con hiểu rằng, sự vâng phục của tôi tớ đối với chủ là vâng phục với tấm lòng thật thà như vâng phục Đấng Christ, cho dù chủ là người không tin Chúa. Con dân Chúa làm việc cho người chủ thuê mướn mình với tinh thần làm như làm cho Chúa, nghĩa là gắng hết sức làm tròn phận sự của mình.

Trong thực tế xã hội, khi trải qua nhiều công việc kiếm sống, được gặp nhiều người thuộc cấp quản lý, con nhận thấy một điều thú vị, đó là điều mà một người chủ thật sự cần ở nhân viên không phải là ở chuyên môn mà là sự thật thà và siêng năng. Chuyên môn thì có thể đào tạo nhưng sự thật thà và siêng năng là một điều mà họ cũng nhận thấy là hiếm hoi trong xã hội ngày nay. Vì thế, con nghĩ rằng, con dân Chúa chỉ cần sống đúng theo Lời Chúa dạy trong ba câu này thì sẽ rất được ơn trước những người chủ thuê mướn mình.

8 Hãy biết rằng, bất cứ điều lành nào một người làm, thì người ấy sẽ nhận được từ nơi Chúa, bất kể là người tự do hay nô lệ.

Câu 8: Con hiểu rằng, đây là lời dạy rất quan trọng, một người chỉ cần vâng lời Chúa, làm việc bởi ý tốt và làm như làm cho Chúa, thì Chúa sẽ ghi công việc làm đó và ban thưởng xứng đáng trong ngày Chúa trở lại đón Hội Thánh. Đây là một lời dạy mà con cảm thấy rất được khích lệ, đặc biệt khi ngẫm nghĩ về cuộc đời của những người nô lệ. Con đã xem qua nhiều bộ phim về những người nô lệ, sự sống, chết của họ hoàn toàn phụ thuộc vào chủ, nên hoàn cảnh của họ rất khó làm gì đó cho Chúa khi họ tin nhận Chúa. Nên con nghĩ lời dạy trong câu 8 này là một điều rất khích lệ cho họ, họ chỉ cần hết lòng làm việc cho chủ là họ đang phụng sự Chúa.

9 Hỡi những người làm chủ, hãy đối đãi họ cùng một cách. Hãy bỏ sự hăm dọa, vì biết rằng, Chủ của các anh chị em và của họ ở trên trời, Ngài chẳng tư vị ai.

Câu 9: Con hiểu rằng, những con dân Chúa ở trong địa vị làm chủ, hoặc được giao quyền quản lý, cần đối xử với người làm, người dưới quyền mình một cách thật thà, tử tế. Là con dân Chúa, người làm chủ hoặc cấp trên phải bỏ đi thói đối xử hăm dọa, chửi mắng, gây áp lực cho người khác. Bởi vì, con dân Chúa ý thức được rằng Chúa là chủ của mình và của cả những người làm công, dưới quyền mình. Ngài là Đấng không tư vị ai, nên Ngài sẽ hình phạt người làm những sự bất công.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ đây ban cho con một giấc ngủ ngon, được phục hồi lại sức khỏe, chuẩn bị cho những công việc của ngày mai. Con cảm tạ Cha. A-men!


Ê-phê-sô 6:10-19 Mọi Khí Giới của Đức Chúa Trời 

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha ban cho con thêm một ngày mới được sống trong ân điển, trong tình yêu của Ngài. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian ghi lại những sự suy ngẫm về Ê-phê-sô 6:10-19.

10 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Hãy mạnh dạn trong Chúa và trong sức mạnh tể trị của Ngài.

Câu 10: Thưa Cha, con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô kết thúc thư tín viết cho con dân Chúa tại Ê-phê-sô với lời kêu gọi hãy bước đi mạnh dạn trong Chúa và trong sức mạnh tể trị của Ngài. Mạnh dạn trong Chúa là vững tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, tin cậy nơi ân điển của Ngài. Mạnh dạn trong sức mạnh tể trị của Ngài là luôn ghi nhớ rằng Cứu Chúa Yêu Dấu của mình là Vua của Muôn Vua, Chúa của Muôn Chúa, là Đấng có quyền tể trị tuyệt đối trên muôn loài.

11 Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ.
12 Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.
13 Vậy nên, hãy lấy và dùng mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để cho trong ngày khốn khổ, các anh chị em có thể chống nghịch lại, và làm hết mọi sự để đứng vững.

Từ câu 11 đến câu 13: Con hiểu rằng, cuộc chiến của con dân Chúa là sự đánh trận về thuộc linh, chống lại Sa-tan và các tà linh. Dù phải thường xuyên đối nghịch với loài người, nhưng đàng sau ấy là sự xúi giục, khống chế của tà linh. Và để đứng vững trong cuộc chiến thuộc linh thì con dân Chúa phải mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời. Các khí giới ấy được Phao-lô trình bày trong các câu tiếp theo.

“Trong ngày khốn khổ” là trong ngày mà ma quỷ tấn công một người cách dữ dội. Ngày ấy xảy đến với các thời điểm khác nhau đối với mỗi người. Bản thân con thì ngay từ những ngày đầu tiên tin nhận Chúa là đã bị tà linh tấn công cách dữ dội. Con cảm tạ Cha vì ngay từ những ngày đầu ấy, qua các bài giảng của người chăn, đã dạy cho con biết nhân danh Chúa xua đuổi tà linh, là điều giúp con đứng vững được lúc ấy.

14 Vậy, hãy đứng! Thắt lưng của các anh chị em trong lẽ thật, mặc lấy giáp của sự công chính,

Câu 14: Con hiểu rằng, “hãy đứng” là luôn trong tư thế sẵn sàng. Con dân Chúa phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào, kể từ lúc tin nhận Chúa.

“Thắt lưng trong lẽ thật” là nghiêm chỉnh chuẩn bị chiến đấu trong lẽ thật. Vừa có nghĩa là nghiêm túc, kỷ luật trong việc chuẩn bị lẽ thật cho mình bằng cách siêng năng học Lời Chúa, thực hành Lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Vừa có nghĩa là sẵn sàng trả giá để giữ vững lẽ thật, không phạm tội với Chúa.

Áo giáp là khí giới dùng để bảo vệ người lính. Áo giáp của sự công chính chính là sự một người được Đức Chúa Trời xưng là công chính, qua sự người ấy thật lòng ăn năn tội và chỉ tin cậy duy nhất nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Đức tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa giúp một người được bảo vệ trước sự kiện cáo, tấn công của ma quỷ. Ngoài ta, một người sau khi tin nhận Chúa, thì cần phải làm theo mọi lời Chúa phán dạy, để mọi hành động của người ấy luôn công chính, ma quỷ không thể lợi dụng để tấn công mình được.

15 chân được ràng buộc trong sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An.

Câu 15: Con hiểu rằng, hình ảnh bước chân là tiêu biểu cho nếp sống mỗi ngày. “Chân được ràng buộc trong sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An” là nếp sống mỗi ngày được bảo vệ bởi sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An. Gọi là “Tin Lành Bình An” vì là tin tức tốt lành đem lại sự bình an cho người nhận tin. Khi một người tiếp nhận Tin Lành thì người ấy có được sự bình an của Đức Chúa Jesus Christ, là sự bình an khi trải qua nghịch cảnh, khốn cùng, và cả sự chết.

16 Trên hết mọi sự, lấy thuẫn của đức tin, nhờ đó các anh chị em có thể dập tắt được mọi tên lửa của kẻ dữ.

Câu 16: Con hiểu rằng, “thuẫn” là khí giới dùng để chống đỡ sự tấn công bằng vũ khí của kẻ thù. Con dân Chúa chống đỡ sự tấn công của ma quỷ bằng đức tin. Tên lửa là một loại vũ khí nguy hiểm có tính sát thương cao và ảnh hưởng rộng, được dùng để đốt cháy các cứ điểm quan trọng như kho lương thực, trại quân. Đức tin có thể dập tắt được mọi tên lửa của kẻ dữ nghĩa là chỉ cần có đức tin nơi Chúa, một người có thể dập tắt được mọi sự tấn công nguy hiểm nhất của ma quỷ trên mọi phương diện.

17 Hãy nhận mão của sự cứu rỗi và gươm của Đấng Thần Linh, là Lời phán của Thiên Chúa.

Câu 17: Con hiểu rằng, “mão của sự cứu rỗi” hay còn gọi là “mão trông cậy của sự cứu rỗi” (I Tê-sa-lô-ni-ca) là sự hy vọng về sự được cứu rỗi ra khỏi sự chết vào trong sự sống đời đời. Nhận mão của sự cứu rỗi là tin chắc vào lời hứa của Thiên Chúa về một cuộc sống phước hạnh đời sau cho những ai tin nhận Tin Lành. Mão là khí giới để bảo vệ đầu, đầu thì tiêu biểu cho tư tưởng, hàm ý, con dân Chúa hãy luôn ngẫm nghĩ về những lời hứa về đời sau của Thiên Chúa, lấy đó làm niềm trông cậy vững vàng của mình trong các cuộc chiến thuộc linh.

Trong các khí giới thì gươm của Đấng Thần Linh, là Lời phán của Thiên Chúa, là vũ khí dùng để tấn công. Con dân Chúa cần học theo cách Đức Chúa Jesus dùng Lời Chúa để đánh bại sự cám dỗ của Sa-tan. Mà để có Lời Chúa để đánh trả lại ma quỷ thì cần phải thực hành Giô-suê 1:8.

18 Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ,

Câu 18: Con hiểu rằng, khí giới thứ bảy của con dân Chúa là cầu nguyện. Cầu nguyện trong mọi lúc là giữ mối tương giao với Chúa trong mọi lúc, mọi nơi. Lời cầu nguyện là bao gồm những lời tâm tình, cảm tạ, tôn vinh, khẩn xin, cầu hỏi Chúa, cầu thay cho các anh chị em trong Hội Thánh. Đây là khí giới được liệt kê cuối cùng nhưng trong thực tế thì con trưng dụng khí giới này đầu tiên. Những ngày đầu con đến với Chúa, đức tin còn yếu đuối, Lời Chúa cũng ít ỏi, thì con cảm nhận được là Ngài thêm sức, ban ơn cho con qua những lời cầu nguyện.

19 và cho tôi, để lời được ban cho tôi, trong sự miệng của tôi mở ra, công bố cách dạn dĩ sự mầu nhiệm của Tin Lành.

Câu 19: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Ê-phê-sô cầu thay cho ông. Điều này chứng tỏ sự cầu nguyện của con dân Chúa cho nhau là một việc rất quan trọng trong đời sống thuộc linh. Con nghĩ là việc lành cơ bản nhất mà Chúa sắm sẵn cho mọi thánh đồ đó là dâng lời cầu thay cho người khác bằng cả tấm lòng của mình. Sứ Đồ Phao-lô không xin con dân Chúa Ê-phê-sô cầu thay cho các nhu cầu thuộc thể của ông, vì ông đã sẵn lòng chịu mọi khó khăn, nghịch cảnh Chúa cho phép xảy đến với ông. Ông xin con dân Chúa cầu xin cho “lời được ban cho ông”, nghĩa là xin Chúa ban cho những ý tưởng và lời nói về sự sâu nhiệm của Tin Lành khi ông rao giảng Tin Lành. Điều thú vị là đã biết bao lần Phao-lô giảng Tin Lành trong nhiều nơi, cho nhiều người, nhưng ông vẫn cầu xin cho ông được lời nói, ý tưởng, và sự dạn dĩ để giảng Tin Lành. Con nghĩ rằng, có lẽ bởi vì mỗi lần ông đứng lên rao giảng Tin Lành trước nhiều người ông đều có những cảm xúc đặc biệt, và lòng ông luôn hướng về việc làm sao qua mỗi lời nói bày tỏ được cho nhiều người thấy sự vĩ đại của Tin Lành.

Con cảm tạ Chúa đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng đời sống của con mỗi ngày là một đời sống cầu nguyện không thôi và luôn hướng tới sự đến của Cứu Chúa Yêu Dấu của con. A-men!


Ê-phê-sô 6:20-24 Lời Kết Thúc Thư Ê-phê-sô

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì tối hôm nay Ngài cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-sô 6:20-24, là những lời cuối trong thư Ê-phê-sô. Nguyện xin Cha giờ này cũng ban ơn cho con trong sự viết lại sự suy ngẫm của mình. Con cảm tạ Cha.

20 Vì sự ấy mà tôi làm sứ giả ở trong vòng xiềng xích, để cho tôi được dạn dĩ nói như tôi phải nói.

Câu 20: Thưa Cha, con hiểu rằng, “vì sự ấy” là vì linh vụ rao giảng sự mầu nhiệm của Tin Lành. “Làm sứ giả ở trong vòng xiềng xích” là vì công cuộc rao giảng Tin Lành được Chúa giao phó mà Phao-lô chịu bị bắt bớ, đánh đập, bỏ tù, và cuối cùng là bị tử hình. Không riêng gì Phao-lô mà tất cả các sứ đồ, người giảng Tin Lành của Chúa trong suốt lịch sử của Hội Thánh đều phải chịu những sự nguy hiểm như Phao-lô. Vì thế họ rất cần được Hội Thánh dâng lời cầu thay, để họ được Chúa ban cho lòng dạn dĩ và lời nói khôn sáng, nói đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm.

21 Nhưng để cho các anh chị em cũng biết những sự thuộc về tôi, tôi làm việc như thế nào, thì có Ti-chi-cơ, một anh em cùng Cha rất yêu dấu và là người phục vụ trung tín trong Chúa, sẽ thông báo cho các anh chị em mọi sự.
22 Vì thế mà tôi gửi anh ấy đến với các anh chị em, để các anh chị em biết về chúng tôi; và anh ấy có thể an ủi lòng của các anh chị em.

Câu 21 và 22: Con hiểu rằng, Phao-lô viết thư tín Ê-phê-sô trong lúc ông đang bị tù tại Rô-ma, khi Hội Thánh các nơi nghe tin thì họ đã rất quan tâm và không yên lòng khi chưa biết rõ tình hình của ông. Vì vậy, Phao-lô đã nhờ Ti-chi-cơ mang tin về ông đến các Hội Thánh để họ được yên lòng. Ti-chi-cơ là người phục vụ trung tín trong Chúa, nghĩa là ông vừa đồng công cùng Phao-lô trong việc rao giảng Tin Lành, phục vụ con dân Chúa, vừa dự phần chăm sóc Phao-lô khi Phao-lô bị đau ốm, tù đày.

23 Nguyện xin các anh chị em cùng Cha được sự bình an, tình yêu, và đức tin từ Thiên Chúa Đức Cha và từ Đức Chúa Jesus Christ!
24 Nguyện xin ân điển ở với tất cả những ai chân thành yêu Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta! A-men! [Thư này được viết từ Rô-ma, do Ti-chi-cơ chép.]

Câu 23 và 24: Con hiểu rằng, Phao-lô kết thúc thư bằng lời chúc phước cho con dân Chúa tại Ê-phê-sô. Ông chúc cho họ được sự bình an, tình yêu, và đức tin từ Đức Chúa Trời và từ Đức Chúa Jesus Christ. Các ơn phước Phao-lô chúc cho con dân Chúa là về thuộc linh, vì một người thật lòng tin nhận Chúa thì sẽ nhận thức được rằng, những ơn phước thiêng liêng thì quý giá hơn gấp bội lần so với những của cải, vật chất đời này.

Ân điển, là mọi ơn ban cho của Thiên Chúa, chỉ có thể ở cùng với những ai chân thành yêu Đức Chúa Jesus Christ. Đó là nguyên lý do Đức Chúa Trời thiết lập, ở ngoài Đấng Christ thì chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp là sự chết đời đời, ở trong Đấng Christ thì sẽ được nhận lãnh đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời (Ê-phê-sô 1:3).

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha đã ban ơn cho con trong sự suy ngẫm thư tín Ê-phê-sô. Con cảm tạ Cha vì khi ngồi viết lại những sự suy ngẫm mà con học thêm được nhiều điều mới lạ, sâu nhiệm về Tin Lành. Nguyện xin Lời Ngài cứ mãi ở trong con. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *