“Hãy yên lặng và biết rằng, Ta là Thiên Chúa. Ta sẽ được tôn cao trong các nước. Ta sẽ được tôn cao trên đất.” (Thi Thiên 46:10).
Kính thưa Hội Thánh,
Trong khi soạn bài chia sẻ tuần trước, tôi có một cảm xúc mạnh mẽ khi đọc câu Thán h Kinh Thi Thiên 46:10. Nên trong tuần này, tôi đã dành thời gian để suy ngẫm Lời Chúa dạy trong câu này và hôm nay xin chia sẻ đến Hội Thánh sự hiểu của tôi.
I. Giới thiệu tóm lược về Thi Thiên 46:
Thi Thiên 46 là một bài ca ca ngợi về sự che chở và quyền năng của Chúa trên dân sự của Ngài giữa những biến động lớn lao như: Đất bị biến cải, các núi rúng động, biển ầm ầm sôi bọt, các dân náo loạn, các nước rúng động. Thi Thiên 46 khẳng định Thiên Chúa là “nơi nương náu và sức lực” của những ai có lòng tin cậy nơi Ngài.
Thi Thiên 46 có 11 câu nhưng câu 10 lại là một câu rất đặc biệt. Theo văn mạch thì câu 10 là Lời phán trực tiếp của Chúa, các câu còn lại là lời các tác giả. Câu 10 chép:
“Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất.” (Thi Thiên 46:10)
Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, động từ “yên lặng” là רָפָה (ra-pha, Strong H7503) [1] mang các nghĩa chính như sau:
- Buông lỏng, thư giãn: Chỉ trạng thái thả lỏng, không giữ chặt hoặc không căng thẳng nữa. Ví dụ, như khi một người buông tay khỏi thứ gì đó hoặc nghỉ ngơi sau khi làm việc căng thẳng.
- Dừng lại, ngưng hành động: Ám chỉ việc chấm dứt một hoạt động, đặc biệt là sự tranh chiến, nỗ lực hay chống đối. Trong ngữ cảnh Thi Thiên 46:10 (“Hãy yên lặng”), nó mang ý “hãy ngừng tranh đấu” hoặc “hãy buông bỏ”.
- Trở nên yếu đi, suy giảm: Thí dụ: lòng can đảm hay sức mạnh suy yếu.
- Để yên, bỏ qua: Có thể hiểu là “để mặc” hoặc “không can thiệp” vào một tình huống nào đó. Thí dụ như trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:14, đây là Lời Chúa phán với ông Môi-se:
“Hãy để Ta diệt chúng nó, và xóa tên chúng nó khỏi dưới trời, rồi Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc mạnh và lớn hơn dân ấy.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:14).
Như vậy, lời kêu gọi “hãy yên lặng” trong Thi Thiên 46:10 không chỉ là trạng thái im lặng bề ngoài, mà là một hành động chủ động: Buông bỏ sự tranh đấu, ngừng dựa vào sức riêng mình hoặc ngừng lo lắng trước những khó khăn, để lòng được bình tịnh hướng lòng về Thiên Chúa và đặt đức tin vào sự quan phòng, tể trị của Ngài.
Cụm từ “biết rằng, Ta là Thiên Chúa” nhấn mạnh đến sự nhận biết một cách sâu sắc về bản tính của Thiên Chúa. Trong đó, động từ “biết” là một từ được dùng phổ biến trong Thánh Kinh Cựu Ước mà chắc quý ông bà anh chị em cũng đã vài lần nghe người chăn giảng giải. Động từ này có nghĩa hẹp chỉ về những cái biết thông thường như: biết đọc, biết viết, biết lái xe… Nhưng nó cũng mang nghĩa bóng nói về sự gắn bó, hiệp một, như sự hiệp một giữa vợ chồng, giữa con dân Chúa với Chúa.
II. Tại sao cần phải “yên lặng”?
Bởi vậy, để xây dựng mối tương giao với Chúa và trở nên hiệp một với Ngài, việc đầu tiên cần làm là “yên lặng”. Cuộc sống thường đầy ắp tiếng ồn và sự xáo động, làm ảnh hưởng đến mối tương giao của con người với Chúa. Bên ngoài, thế giới không ngừng biến động bởi dịch bệnh, thiên tai, hay chiến tranh. Bên trong, con người dễ bị cuốn vào những nỗi lo lắng, sợ hãi và cố gắng tự kiểm soát mọi thứ. Lời kêu gọi ‘hãy yên lặng’ mời gọi con dân Chúa dừng lại giữa những hỗn loạn đó và đối diện với chúng bằng đức tin.
Việc “yên lặng” này rất quan trọng vì nó giúp con dân Chúa:
- Nhận ra mình thật sự rất yếu đuối: Bình thường, chúng ta hay nghĩ mình có thể tự xử lý hết mọi chuyện. Nhưng khi yên lặng, ta thấy rõ mình có giới hạn, và từ đó hiểu rằng chỉ có sự ban ơn, thêm sức của Chúa mới thật sự giải quyết được vấn đề.
- Nghe Chúa nói chuyện với mình: Cuộc sống bận rộn, ồn ào dễ làm ta bỏ lỡ tiếng Chúa. Yên lặng giống như tắt đi những tiếng ồn, để ta có thể nghe rõ những điều Chúa muốn nhắn nhủ mình.
- Khởi đầu tin cậy và nương dựa vào Chúa: Khi chúng ta dừng việc lo lắng lại đồng nghĩa với việc chúng ta đang học cách buông bỏ ý riêng của mình, bắt đầu tin cậy Chúa, và dần hình thành thói quen nương dựa Ngài.
III. Trong sự yên lặng, con dân Chúa biết Chúa như thế nào?
Khi yên lặng, con dân Chúa sẽ hiểu biết Ngài qua nhiều khía cạnh. Sự hiểu biết này rất sâu sắc và mang lại bình an, niềm vui cho chúng ta.
1. Biết Chúa là Đấng tể trị và toàn năng:
Thi Thiên 46:6 mô tả các dân náo loạn, các nước rúng động, nhưng chỉ cần Chúa “cất tiếng”, thì đất tan chảy. Sự yên lặng giúp con dân Chúa nhìn thấy Ngài là Đấng vượt trên mọi hoàn cảnh. Đặc biệt là khi đối mặt với khó khăn, thay vì hoảng loạn, con dân Chúa dừng lại, cầu nguyện, và tin cậy rằng Chúa vẫn đang quan phòng mình, như Lời Ngài phán:
“Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 5:7).
2. Biết Chúa là Đấng gần gũi:
Sự yên lặng giống như mở một cánh cửa để chúng ta nghe và cảm nhận Chúa ở rất gần mình. Cuộc sống của con dân Chúa không phải là để “cơm áo mệt chạy theo đời hối hả” như lời của một bài thơ, mà tôi nghe được trong một bài giảng của người chăn. Con dân Chúa đừng để cho những bận rộn của đời này làm át đi tiếng nói nhẹ nhàng của Chúa. Khi chúng ta chịu khó mỗi ngày dành chút thời gian yên tĩnh, để cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, hay đôi khi chỉ cần ngồi im lặng với Chúa, chúng ta sẽ thấy lòng mình được an ủi và bình yên. Lúc đó, con dân Chúa sẽ hiểu được Chúa không chỉ là Đấng Vĩ Đại ở trên trời cao kia, mà hàng ngày Ngài vẫn rất gần gũi, Ngài ở ngay bên cạnh, và luôn muốn bầu bạn với mình, như Lời Ngài phán:
“Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng của Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào với người, sẽ ăn bữa tối với người, và người với Ta.” (Khải Huyền 3:20).
3. Biết Chúa là nguồn sức mạnh:
“Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, là Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên, có phán như vầy: Các ngươi sẽ được rỗi, là tại trở lại và yên nghỉ; các ngươi sẽ được sức mạnh, là tại yên lặng và trông cậy. Nhưng các ngươi đã không muốn thế!” (Ê-sai 30:15).
4. Biết Chúa là chỗ dựa vững chắc:
“Chỉ nơi Thiên Chúa linh hồn tôi yên tĩnh. Sự cứu rỗi của tôi đến từ Ngài. Chỉ có Ngài là Vầng Đá của tôi và sự cứu rỗi của tôi. Ngài là nơi ẩn náu cao của tôi; tôi sẽ chẳng bị rúng động nhiều.” (Thi Thiên 62:1-2).
IV. Phân tích trường hợp điển hình của Tiên tri Ê-li trong I Vua 19:11-13:
Có một câu chuyện điển hình trong Thánh Kinh đề cập đến việc Chúa muốn đến với con dân của Ngài trong sự tĩnh lặng, đó là I Các Vua 19:11-13. Đây là Lời Chúa phán với Tiên Tri Ê-li:
I Các Vua 19:11-13
11 Thiên Chúa phán với người rằng: Hãy đi ra, đứng tại trên núi trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Này Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đi ngang qua, có một ngọn gió mạnh thổi dữ tợn trước mặt Ngài, xé núi ra, và làm tan nát các khối đá; nhưng không có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong trận gió. Sau trận gió có cơn động đất; nhưng không có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong cơn động đất.
12 Sau cơn động đất có đám lửa; nhưng không có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong đám lửa. Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ.
13 Khi Ê-li vừa nghe tiếng đó, thì lấy áo khoác bao phủ mặt mình, đi ra đứng tại nơi miệng hang; này có một tiếng phán với người rằng: Hỡi Ê-li, ngươi làm gì đây?
Để có thể hiểu được phân đoạn này thì chúng ta cần xem lại những việc Tiên Tri Ê-li trải qua trước đó:
Bối cảnh trước đó
Trước khi đến với sự kiện trong I Các Vua 19:11-13, Tiên Tri Ê-li vừa trải qua một chiến thắng lớn lao trên núi Cạt-mên (I Các Vua 18). Tại đây, ông đã đối đầu với các tiên tri của Ba-anh – một thần tượng mà dân I-sơ-ra-ên lúc bấy giờ đang thờ cúng dưới ảnh hưởng của Hoàng Hậu Giê-sa-bên, vợ của Vua A-háp. Trong cuộc đối đầu này, Ê-li thách thức các tiên tri của Ba-anh để chứng minh ai là Đức Chúa Trời thật sự. Kết quả, Chúa đã cho lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ mà Ê-li dâng lên, trong khi các tiên tri của Ba-anh không thể làm được điều gì. Sự kiện này khiến dân chúng nhận ra Đức Chúa Trời của Ê-li là Đấng chân thật và quay về thờ phượng Ngài. Sau đó, Ê-li ra lệnh tiêu diệt các tiên tri của Ba-anh, điều này làm Hoàng hậu Giê-sa-bên vô cùng tức giận. Bà gửi lời đe dọa sẽ giết Tiên Tri Ê-li trong vòng 24 giờ.
Phản ứng của Ê-li
Dù vừa đạt được một chiến thắng vĩ đại, nhưng Ê-li lại rơi vào nỗi sợ hãi trước lời đe dọa của bà Giê-sa-bên. Từ Gít-rê-ên (thuộc Vương Quốc I-sơ-ra-ên phía bắc) ông bỏ trốn đến Bê-e-sê-ba, trong xứ Giu-đa. Sau đó đi thêm một ngày đường vào đồng vắng và ngồi dưới một cây chổi trắng. Đó là một quãng đường khoảng 180 km, một hành trình rất dài với việc đi bộ. Tại đây, trong sự mệt mỏi và chán nản tột độ, ông cầu xin Chúa:
“Ôi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi.” (I Các Vua 19:4).
Lời cầu xin này cho thấy Ê-li đang ở trong một trạng thái tinh thần xuống thấp. Ông cảm thấy kiệt sức và không muốn tiếp tục linh vụ. Thậm chí, ông nghĩ rằng mình chẳng có giá trị gì hơn những người đi trước, dù ông vừa được Chúa sử dụng một cách mạnh mẽ.
Hành trình đến núi Hô-rếp
Sau đó, Chúa đã sai thiên sứ đến để chăm sóc ông, mang đến thức ăn và nước uống, giúp ông phục hồi sức lực. Sau đó, Tiên Tri Ê-li tiếp tục hành trình đến núi Hô-rếp – nơi được gọi là “núi của Đức Chúa Trời”, cũng là nơi Môi-se từng nhận Mười Điều Răn. Tại đây, ông Ê-li trú ẩn trong một hang đá.
Khi Ê-li đang ở trong hang đá trên núi Hô-rếp, Chúa đến gặp ông. Nhưng trước khi Chúa nói chuyện với Ê-li, một loạt hiện tượng mạnh mẽ xảy ra:
- Một cơn gió lớn: Gió mạnh đến mức xé núi ra và làm tan nát các khối đá, nhưng Chúa không ở trong cơn gió đó.
- Một trận động đất: Sau cơn gió là một trận động đất, nhưng Chúa cũng không ở trong động đất.
- Một đám lửa: Sau động đất là đám lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong đám lửa.
Cuối cùng, sau tất cả những hiện tượng dữ dội đó, thì có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ. Khi nghe thấy tiếng ấy, Ê-li nhận ra đó là sự hiện diện của Chúa. Ông lấy áo khoác bao phủ mặt mình và bước ra khỏi hang để gặp Ngài. Chúa hỏi ông:
“Hỡi Ê-li, ngươi làm gì đây?” (I Các Vua 19:13).
Ê-li đáp lại, bày tỏ nỗi lòng của mình:
“Người thưa rằng: Tôi rất nóng nảy sốt sắng vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, vì dân I-sơ-ra-ên đã bội giao ước của Ngài, phá hủy các bàn thờ Ngài, dùng gươm giết những tiên tri; chỉ một mình tôi còn lại, và họ cũng tìm cách cất mạng sống tôi.” (I Các Vua 19:14).
Lời đáp này cho thấy Ê-li cảm thấy cô đơn, ông nghĩ rằng mình là người duy nhất còn trung thành với Chúa giữa một dân tộc đã quay lưng lại với Ngài.
Ý nghĩa của hoàn cảnh này:
Trong tuần qua, tôi đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm câu chuyện này của Tiên Tri Ê-li qua câu hỏi:
- Tại sao Chúa bày tỏ quyền năng của Ngài qua cơn gió mạnh, trận động đất, và đám lửa nhưng Ngài không ở trong đó mà chọn đến bên Tiên Tri trong tiếng êm dịu nhỏ nhẹ?
Tôi nghĩ rằng, có lẽ Tiên tri Ê-li đã quen với việc Chúa tỏ mình với ông qua những điều lớn lao và mạnh mẽ, như lửa từ trời xuống trên núi Cạt-mên hay những phép lạ rõ rệt trước đó. Chính vì vậy, lần này Chúa muốn dạy ông một bài học sâu sắc hơn: Dù Ngài vẫn là Đức Chúa Trời đầy quyền năng, nhưng không phải lúc nào Ngài cũng bày tỏ mình qua những biểu hiện dữ dội bên ngoài.
Thay vào đó, Chúa muốn Ê-li học cách lắng nghe Ngài trong sự tĩnh lặng và chú tâm. Tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của Chúa đã khiến Ê-li phải dừng lại, gạt bỏ mọi hỗn loạn trong lòng, để thực sự cảm nhận sự hiện diện bình yên bên Chúa. Điều này đòi hỏi ông phải tập trung tâm trí và tấm lòng mình một cách trọn vẹn.
Qua đó, Chúa muốn con dân Ngài hiểu rằng Ngài thường đến trong những giây phút yên bình – như khi ta cầu nguyện thầm lặng, suy ngẫm Lời Ngài, hay chỉ đơn giản là ngồi im để đón nhận sự an ủi từ Ngài. Chính trong sự tĩnh lặng sâu thẳm ấy, ta không chỉ thấy Chúa là Đấng quyền năng tối cao, mà còn là Đấng dịu dàng đồng hành, luôn sẵn sàng trò chuyện và hướng dẫn nếu ta chịu hạ mình lắng nghe tiếng Ngài.
Một câu hỏi khác đáng suy ngẫm: Tại sao một người mạnh mẽ như Tiên tri Ê-li vẫn có những lúc cảm thấy sợ hãi, chán nản, thậm chí đến mức muốn chết? Theo tôi, câu trả lời rất đơn giản – điều này phản ánh sự yếu đuối của con người, dù là người có đời sống thuộc linh mạnh mẽ đến đâu.
Ngay cả một người như ông Ê-li, người đã từng chứng kiến Chúa làm nhiều phép lạ lớn lao và quyền năng, vẫn không tránh khỏi những lúc bị cảm xúc tiêu cực lấn át khi phải đối diện với sự đe dọa và cảm giác cô đơn. Điều này nhắc nhở con dân Chúa: Luôn cẩn thận canh giữ chính mình, hướng lòng về Chúa, rèn tập cho mình thói quen nương cậy nơi Chúa từ những việc nhỏ nhặt. Có như vậy, khi những khó khăn xảy đến, chúng ta mới có thể đứng vững được. Khi ngẫm nghĩ về sự yếu đuối của Tiên Tri Ê-li, khiến tôi nhớ đến một lời chia sẻ của người chăn đến Hội Thánh:
“Hãy tranh thủ sống ở trong Chúa để khi hoạn nạn đến thì mình đã ở trong Chúa rồi!”
V. Đúc kết bài học:
Qua Thi Thiên 46:10 và câu chuyện của Tiên Tri Ê-li, chúng ta thấy rằng lời kêu gọi ‘hãy yên lặng’ không chỉ đơn thuần là một mệnh lệnh, mà là một lời mời gọi đầy yêu thương từ Chúa. Trong cuộc sống đầy biến động và xáo trộn, Chúa muốn con dân Ngài biết dừng lại, buông bỏ những nỗ lực tranh đấu bằng sức riêng của mình, để hướng lòng về Ngài.
Chính trong sự tĩnh lặng sâu thẳm đó, chúng ta mới thực sự nhận biết Ngài là Đấng Toàn Năng vượt trên mọi hoàn cảnh, là Đấng Yêu Thương vô bờ, và là nguồn sức mạnh giúp chúng ta vững vàng tiến bước trên hành trình đức tin của mình.
Tôi xin kết thúc bài chia sẻ tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú
22/03/2025
Ghi chú:
[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/h7503