I Cô-rinh-tô 16:1-11 Sự Quyên Góp Trong Hội Thánh – Các Dự Định của Phao-lô
1 Về sự quyên góp cho các thánh đồ, như tôi đã chỉ định cho các Hội Thánh xứ Ga-la-ti, thì các anh chị em cũng làm như vậy.
2 Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, mỗi một người trong các anh chị em hãy tự mình để dành ra bất cứ sự gì thu nhập được, để khi tôi đến thì không cần các sự quyên góp.
3 Khi tôi đến, tôi sẽ sai những người mà các anh chị em đã chọn, đem quà của các anh chị em với các lá thư đến thành Giê-ru-sa-lem.
4 Nếu là cần tôi đi, thì họ sẽ đi với tôi.
5 Tôi sẽ đến với các anh chị em khi tôi ghé qua xứ Ma-xê-đoan, vì tôi phải ghé qua xứ Ma-xê-đoan.
6 Có lẽ tôi sẽ trú lại hoặc cũng ở trọn mùa đông với các anh chị em, để các anh chị em đưa tôi đến nơi tôi muốn đi.
7 Vì tôi sẽ chẳng chỉ gặp các anh chị em trong khi ghé qua lúc này; nhưng tôi mong sẽ ở lại với các anh chị em một thời gian, nếu Chúa cho phép.
8 Nhưng tôi sẽ ở lại tại thành Ê-phê-sô cho đến Lễ Ngũ Tuần.
9 Vì một cái cửa lớn và có hiệu quả mở ra cho tôi, cũng có nhiều kẻ đối địch.
10 Nếu Ti-mô-thê đến, hãy xem chừng rằng, người ở với các anh chị em không sợ hãi. Vì người làm việc của Chúa cũng như tôi.
11 Vậy, chớ có ai khinh người, nhưng hãy đưa người đi trong sự bình an để người đến với tôi, vì tôi đang đợi người với các anh chị em cùng Cha.
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha vì một ngày mới Ngài ban cho con. Nguyện xin Cha cũng tiếp tục ban ơn, thêm sức cho con trong việc chăm sóc vợ và các con. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 16:1-11. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
Thưa Cha, con hiểu phân đoạn này là những lời cuối trong thư I Cô-rinh-tô, Phao-lô dặn dò con dân Chúa tại Cô-rinh-tô về sự quyên góp tiếp trợ trong Hội Thánh, bày tỏ dự định ghé thăm Hội Thánh.
1 Về sự quyên góp cho các thánh đồ, như tôi đã chỉ định cho các Hội Thánh xứ Ga-la-ti, thì các anh chị em cũng làm như vậy.
2 Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, mỗi một người trong các anh chị em hãy tự mình để dành ra bất cứ sự gì thu nhập được, để khi tôi đến thì không cần các sự quyên góp.
Câu 1 và 2: Con hiểu rằng, sự quyên góp Sứ Đồ Phao-lô truyền cho con dân Chúa tại xứ Ga-la-ti và thành Cô-rinh-tô lúc ấy là để tiếp trợ cho các thánh đồ tại Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê, vì nạn đói xảy ra trong đế quốc La-mã lúc bấy giờ. Và hơn nữa, là họ bị bách hại đức tin bởi dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Phao-lô hướng dẫn con dân Chúa để dành ra một phần trong thu nhập mỗi ngày, bắt đầu từ ngày Thứ Nhất, là ngày lao động đầu tiên trong tuần sau ngày Sa-bát nghỉ ngơi. Con dân Chúa cứ để dành như vậy để khi ông đến thì họ đã có sẵn để tiếp trợ mà không cần phải kêu gọi quyên góp nữa.
Động từ “chỉ định” giúp con hiểu được rằng sự quyên góp này là mệnh lệnh đến từ Chúa, và là bốn phận của mỗi con dân Chúa. Con dân Chúa trong Hội Thánh có sự thông hiểu lẽ thật về sự hiệp một của Hội Thánh như đã được Phao-lô trình bày trong I Cô-rinh-tô 12:12-31 và hiểu rằng mọi việc làm cho anh chị em của mình là làm cho Chúa (Ma-thi-ơ 25:31-46), thì sẽ hoàn toàn vui lòng và tận sức tiếp trợ cứu giúp các anh chị em trong Chúa.
3 Khi tôi đến, tôi sẽ sai những người mà các anh chị em đã chọn, đem quà của các anh chị em với các lá thư đến thành Giê-ru-sa-lem.
4 Nếu là cần tôi đi, thì họ sẽ đi với tôi.
Câu 3 và 4: Con hiểu rằng, Phao-lô đã cư xử khôn sáng khi để Hội Thánh Cô-rinh-tô chọn ra người mà họ tin tưởng để đem tiền tiếp trợ và các lá thư đến thành Giê-ru-sa-lem. Mục đích là không tạo ra sơ hở để ma quỷ lợi dụng gây thêm chia rẽ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, tấn công vào những người còn yếu đuối đức tin, nói rằng Phao-lô cũng giống những giáo sư giả, tiên tri giả, đi giảng Đạo để lấy tiền quyên góp. Tuy nhiên, nếu các con dân Chúa khác trong Hội Thánh coi trọng Phao-lô, muốn ông đi cùng để thêm sự đảm bảo, thì ông cũng sẵn lòng đi cùng các người Hội Thánh chỉ định.
5 Tôi sẽ đến với các anh chị em khi tôi ghé qua xứ Ma-xê-đoan, vì tôi phải ghé qua xứ Ma-xê-đoan.
6 Có lẽ tôi sẽ trú lại hoặc cũng ở trọn mùa đông với các anh chị em, để các anh chị em đưa tôi đến nơi tôi muốn đi.
7 Vì tôi sẽ chẳng chỉ gặp các anh chị em trong khi ghé qua lúc này; nhưng tôi mong sẽ ở lại với các anh chị em một thời gian, nếu Chúa cho phép.
Từ câu 5 đến câu 7: Lúc viết thư I Cô-rinh-tô thì Sứ Đồ Phao-lô đang ở thành Ê-phê-sô. Hành trình đường bộ từ Ê-phê-sô đi lên phía bắc, rồi di chuyển từ đông sang tây ngang qua xứ Ma-xê-đoan, rồi xuôi xuống phía nam, sẽ giúp ông ghé thăm được Hội Thánh ở thành Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê.
8 Nhưng tôi sẽ ở lại tại thành Ê-phê-sô cho đến Lễ Ngũ Tuần.
9 Vì một cái cửa lớn và có hiệu quả mở ra cho tôi, cũng có nhiều kẻ đối địch.
Câu 8 và 9: Tuy nhiên, Phao-lô cũng cho biết ông sẽ ở lại thành Ê-phê-sô cho đến hết Lễ Ngũ Tuần, vào ngày 6 tháng Sivan (Tháng Ba), là tháng cuối của mùa xuân ở vùng Trung Đông. Lý do ông vẫn tiếp tục ở lại Ê-phê-sô là “vì một cái cửa lớn và có hiệu quả mở ra”, nghĩa là có cơ hội lớn để rao giảng Tin Lành và công việc gầy dựng Hội Thánh tại đây đang đạt nhiều kết quả. Mặc dù ông và bạn đồng hành cũng gặp nhiều sự chống đối của người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo và những người theo ngoại giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 19). Lời trong hai câu này cũng cho thấy Phao-lô luôn có tâm tình đặt công việc của nhà Chúa lên trên hết.
10 Nếu Ti-mô-thê đến, hãy xem chừng rằng, người ở với các anh chị em không sợ hãi. Vì người làm việc của Chúa cũng như tôi.
11 Vậy, chớ có ai khinh người, nhưng hãy đưa người đi trong sự bình an để người đến với tôi, vì tôi đang đợi người với các anh chị em cùng Cha.
Câu 10 và 11: Con hiểu rằng, Phao-lô căn dặn Hội Thánh tại Cô-rinh-tô mà đầu tiên là các trưởng lão khi tiếp nhận lá thư này, là hãy hết lòng tiếp đón và hỗ trợ Ti-mô-thê. Vì lúc này Ti-mô-thê không chỉ mang những sự chỉ dẫn trong thư đến mà trong chức vụ sứ đồ ông còn làm nhiệm vụ chỉnh đốn lại Hội Thánh, bác bỏ các sự giảng dạy không đúng Thánh Kinh, dẹp tan các sự gây bè đảng, dẹp tan các lời vu khống Phao-lô và các sứ đồ khác. Vì thế, Ti-mô-thê sẽ phải đối diện với các người có thế lực chống đối trong Hội Thánh. Đồng thời, sau khi Ti-mô-thê xong nhiệm vụ, thì Hội Thánh có bốn phận chu cấp các phương tiện cần dùng cho sự đi đường, để ông thuận tiện về lại Ê-phê-sô.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Cảm tạ Cha qua phân đoạn này con cũng được hiểu thêm về tâm tình trong chức vụ của Sứ Đồ Phao-lô, ông luôn đặt công việc của Hội Thánh lên trên hết. Con cũng xin học theo tâm tình này của ông!
I Cô-rinh-tô 16:12-24 Lời Cuối Trong Thư
12 Về A-bô-lô, người anh em cùng Cha, tôi rất mong người đến cùng các anh chị em với các anh chị em cùng Cha. Nhưng ý của người là không đến vào lúc này; người sẽ đến khi có cơ hội.
13 Các anh chị em hãy tỉnh thức! Hãy đứng vững trong đức tin! Hãy can đảm! Hãy mạnh mẽ!
14 Mọi việc của các anh chị em hãy được làm trong tình yêu.
15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em: Các anh chị em biết nhà Sê-pha-na là trái đầu mùa của xứ A-chai, và họ tự đặt mình vào trong sự phục vụ các thánh đồ.
16 Vậy, các anh chị em hãy vâng phục những người như vậy, vâng phục mỗi người cùng làm việc và khó nhọc với chúng tôi.
17 Tôi vui mừng về sự đến của Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ; vì sự gì thiếu về phần của các anh chị em thì họ sẽ cung cấp.
18 Vì họ sẽ làm tươi mới tâm thần của tôi và của các anh chị em. Vậy, hãy nhận biết những người như vậy.
19 Các Hội Thánh ở xứ A-si chào các anh chị em. A-qui-la và Bê-rít-sin với Hội Thánh trong nhà của họ chào các anh chị em cách nồng nhiệt trong Chúa.
20 Hết thảy các anh chị em cùng Cha nơi đây chào các anh chị em. Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh.
21 Lời chào của tôi, Phao-lô, do chính tay tôi viết.
22 Nếu người nào không yêu Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy phải bị a-na-them! Ma-ra-na-tha! [A-na-them có nghĩa là dứt thông công, đuổi ra khỏi Hội Thánh. Ma-ra-na-tha có nghĩa đen là Chúa của chúng ta đã đến; nghĩa bóng là: Xin Chúa hãy đến và phán xét.]
23 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em!
24 Tình yêu của tôi ở với hết thảy các anh chị em trong Đấng Christ Jesus. A-men! [Thư này được viết tại Ê-phê-sô, có lẽ do Sê-pha-na, Phốt-tu-na, A-chai-cơ, hoặc Sốt-then chép.]
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha vì một ngày mới Ngài ban cho con. Nguyện xin Cha cũng tiếp tục ban ơn cho con trong việc chăm sóc vợ và các con. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 16:12-24. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
Thưa Cha, con hiểu rằng, phân đoạn này là những lời chào cuối thư của Phao-lô gửi Hội Thánh Cô-rinh-tô kèm những lời dặn dò của ông cho Hội Thánh.
12 Về A-bô-lô, người anh em cùng Cha, tôi rất mong người đến cùng các anh chị em với các anh chị em cùng Cha. Nhưng ý của người là không đến vào lúc này; người sẽ đến khi có cơ hội.
Câu 12: Con hiểu rằng, theo I Cô-rinh-tô 1:12, 3:3, thì A-bô-lô cũng có thời gian giảng dạy Lời Chúa và có sự thân thiết với các con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Phao-lô rất mong A-bô-lô trở lại Cô-rinh-tô để giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh. Nhưng có lẽ sau khi cầu nguyện với Chúa, A-bô-lô nhận biết hiện tại chưa phải thời điểm ông nên trở lại Cô-rinh-tô. Câu “người sẽ đến khi có cơ hội” có thể hiểu là A-bô-lô sẵn lòng đến Cô-rinh-tô theo đề nghị của Phao-lô nhưng ông cần Chúa ấn chứng, mở đường. Cũng có thể đang có “một cái cửa lớn và có hiệu quả mở ra” cho A-bô-lô ở một địa phương nào đó trong hành trình truyền giáo của ông.
13 Các anh chị em hãy tỉnh thức! Hãy đứng vững trong đức tin! Hãy can đảm! Hãy mạnh mẽ!
14 Mọi việc của các anh chị em hãy được làm trong tình yêu.
Câu 13 và 14: Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hãy tỉnh thức, mà trong thực trạng của họ là tỉnh thức trước những mưu kế gây chia rẽ trong Hội Thánh. Với Hội Thánh chung trong khắp mọi nơi, khắp mọi thời đại, thì lời kêu gọi tỉnh thức luôn có hiệu quả. Trước hết là tỉnh thức trong sự chờ đợi Chúa đến; kế tiếp là tỉnh thức để không rơi vào cám dỗ, không bị trúng kế của ma quỷ; rồi cần tỉnh thức và luôn cầu nguyện để tránh khỏi cơn đại nạn trong Kỳ Tận Thế và được gặp Chúa giữa chốn không trung. Đứng vững trong đức tin là hãy có lòng tin chắc chắn nơi sự quan phòng và những lời hứa của Chúa trong Thánh Kinh. Từ đức tin sẽ phát sinh lòng can đảm và sự mạnh mẽ, nghĩa là không ngại nguy hiểm, không sợ kẻ thù, luôn vững vàng trong mọi nghịch cảnh, vì biết rằng có một Thiên Chúa ở cùng mình thắng hơn mọi kẻ đối địch.
Trong trải nghiệm thực tế, con nhận thấy rằng khi con dân Chúa có tấm lòng làm mọi việc trong tình yêu đối với Chúa và với lẫn nhau thì các việc làm ấy rất trọn vẹn, và đời sống rất ít khi phạm lỗi, phạm tội.
15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em: Các anh chị em biết nhà Sê-pha-na là trái đầu mùa của xứ A-chai, và họ tự đặt mình vào trong sự phục vụ các thánh đồ.
16 Vậy, các anh chị em hãy vâng phục những người như vậy, vâng phục mỗi người cùng làm việc và khó nhọc với chúng tôi.
Câu 15 và 16: “Trái đầu mùa của xứ A-chai” là những người đầu tiên tin nhận Chúa trong xứ A-chai. “Tự đặt mình vào trong sự phục vụ các thánh đồ” là tự nguyện bỏ thời gian, công sức, phương tiện (nhà cửa, xe cộ, tiền bạc), để tiếp trợ cho các nhu cầu cần thiết trong Hội Thánh. Những người có tấm lòng hy sinh như vậy, dù không mang chức vụ nào trong Hội Thánh, thì cũng đã đồng công với các trưởng lão chăm sóc con dân Chúa. Những người như thế xứng đáng nhận được sự vâng phục của con dân Chúa. Nói một cách khác, sự vâng phục của con dân Chúa đối với những người chịu khó nhọc vì Hội Thánh, sẽ làm họ vui lòng và càng tấn tới hơn trong sự phục vụ Hội Thánh.
17 Tôi vui mừng về sự đến của Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ; vì sự gì thiếu về phần của các anh chị em thì họ sẽ cung cấp.
18 Vì họ sẽ làm tươi mới tâm thần của tôi và của các anh chị em. Vậy, hãy nhận biết những người như vậy.
Câu 17 và 18: Có lẽ ba người Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ đã mang lá thư đầu tiên của Hội Thánh Cô-rinh-tô đến cho Phao-lô. Câu “vì họ sẽ làm tươi mới tâm thần của tôi” giúp hiểu được “sự gì thiếu” là Phao-lô hàm ý những gì còn thiếu về tình trạng của Hội Thánh thì ba người này sẽ cung cấp cho Phao-lô. Mà cũng có thể hàm ý những tình cảm Hội Thánh Cô-rinh-tô nhớ thương Phao-lô mà không được nói đến trong thư, sẽ được ba người kể chi tiết, làm Phao-lô thấy tâm thần tươi mới, được vui mừng, khích lệ. Sau khi trở về Cô-rinh-tô thì ba người này cũng sẽ thuật lại những lời tâm tình của Phao-lô để con dân Chúa cũng được khích lệ, vui tươi trong lòng. Phao-lô cũng căn dặn Hội Thánh cũng hãy ghi nhận công lao của Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ, vì họ đã khó nhọc đi đường, chịu nhiều nguy hiểm để làm công việc của Hội Thánh.
19 Các Hội Thánh ở xứ A-si chào các anh chị em. A-qui-la và Bê-rít-sin với Hội Thánh trong nhà của họ chào các anh chị em cách nồng nhiệt trong Chúa.
20 Hết thảy các anh chị em cùng Cha nơi đây chào các anh chị em. Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh.
21 Lời chào của tôi, Phao-lô, do chính tay tôi viết.
Từ câu 19 đến 21: Câu “các Hội Thánh ở xứ A-si chào các anh chị em” có thể hiểu là, lúc Phao-lô viết thư này thì có người đại diện của các Hội Thánh trong xứ A-si đang ở tại Ê-phê-sô. Có thể họ đến thông công và nhờ Phao-lô hướng dẫn các việc trong Hội Thánh. A-qui-la và Bê-rít-sin dùng nhà riêng của mình để làm điểm nhóm cho Hội Thánh, nên hai người cùng các anh chị em nhóm tại nhà họ cũng nồng nhiệt gửi lời chào thăm. Hết thảy thành viên Hội Thánh tại Ê-phê-sô cũng gửi lời chào thăm. Có thể thấy, thời ấy phương tiện liên lạc khó khăn, không thuận tiện như bây giờ, việc viếng thăm nhau cũng rất khó khăn, nên khi có dịp con dân Chúa đã tranh thủ dự phần bày tỏ tình cảm với nhau qua những lời chào thăm qua các lá thư.
22 Nếu người nào không yêu Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy phải bị a-na-them! Ma-ra-na-tha! [A-na-them có nghĩa là dứt thông công, đuổi ra khỏi Hội Thánh. Ma-ra-na-tha có nghĩa đen là Chúa của chúng ta đã đến; nghĩa bóng là: Xin Chúa hãy đến và phán xét.]
Câu 22: Người không yêu Đức Chúa Jesus Christ là người mặc dù tin Chúa nhưng chỉ biết yêu chính mình. Khi sinh hoạt với Hội Thánh thì bày tỏ ra chỉ vì ích lợi của bản thân mình, không có tình yêu thương, đơn cử như những người ăn uống hết phần của những người nghèo trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Những người như vậy, nếu không ăn năn thì Hội Thánh cần dứt thông công với họ.
23 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em!
24 Tình yêu của tôi ở với hết thảy các anh chị em trong Đấng Christ Jesus. A-men! [Thư này được viết tại Ê-phê-sô, có lẽ do Sê-pha-na, Phốt-tu-na, A-chai-cơ, hoặc Sốt-then chép.]
Câu 23 và 24: Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ là mọi ơn mà Đức Chúa Jesus Christ ban cho, như ơn chịu chết chuộc tội thay, ơn ở cùng và ban thêm sức, ơn cầu thay cho, ơn ban cho sự sống đời đời… Ân điển của Ngài trong đời này là để con dân Chúa sống được nếp sống chịu khổ chiếu sáng danh Ngài trong khắp thế gian. Ân điển của Ngài trong đời sau là để con dân Chúa có niềm hy vọng và sự trong cậy vững vàng.
“Tình yêu trong Đấng Christ Jesus” là tình yêu của Đấng Christ đã hy sinh mạng sống để làm thành sự cứu chuộc cho loài người. Phao-lô hàm ý Đấng Christ đã yêu và hy sinh cho ông thì ông cũng dùng tình yêu ấy để yêu con dân Chúa. Tình yêu trong Đấng Christ Jesus của Phao-lô rất là thực tế, vì ông đã chịu nhiều hy sinh, khó nhọc để rao giang Tin lành cho con dân Chúa. Có lẽ điều đáng quý hơn hết là ông đã bắt chước Đấng Christ và đã để lại cho thế hệ sau một tấm gương với tinh thần sống trọn vẹn cho Chúa như Đấng Christ đã sống.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha đã ban ơn cho con suy ngẫm thư tín I Cô-rinh-tô. Nguyện xin Cha giúp con ghi nhớ mọi lẽ thật trong thư tín này và thực hành được trong đời sống của con. Con cảm tạ Cha!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú