I Cô-rinh-tô: Chương Chín

24 lượt xem

I Cô-rinh-tô 9:1-14 Quyền Lợi và Sự Hy Sinh của Sứ Đồ Phao-lô Trong Chức Vụ – Phần 1

1 Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi chẳng phải được tự do sao? Tôi chẳng phải từng thấy Jesus Christ là Chúa của chúng ta sao? Các anh chị em chẳng phải là công việc của tôi trong Chúa sao?
2 Nếu tôi không phải là sứ đồ cho những người khác, thì tôi thật là sứ đồ cho các anh chị em. Vì ấn chứng chức vụ sứ đồ của tôi là các anh chị em ở trong Chúa.
3 Ấy là lời bênh vực của tôi đối với những kẻ phán xét tôi.
4 Chúng tôi không có quyền ăn và uống sao?
5 Chúng tôi không có quyền dẫn theo một người chị em là vợ cũng như các sứ đồ khác, như các em của Chúa, và như Sê-pha sao?
6 Hay chỉ tôi với Ba-na-ba không có quyền miễn làm việc?
7 Trước giờ, có ai đi lính mà tự trả lương? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái của nó? Hay có ai chăn bầy mà không dùng sữa của bầy?
8 Có phải tôi nói những điều ấy theo thói người ta quen nói? Hay luật pháp cũng chẳng nói như vậy sao?
9 Vì có chép trong luật pháp của Môi-se: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Có phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? [Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:4]
10 Hay Ngài cũng nói câu đó về chúng tôi? Vì về chúng tôi mà có chép rằng: Ai cày ruộng phải cày bởi sự trông cậy; và ai đạp lúa bởi sự trông cậy thì dự phần trong sự trông cậy của mình.
11 Nếu chúng tôi đã gieo những sự thuộc linh cho các anh chị em thì có phải là một việc lớn nếu chúng tôi sẽ gặt từ các anh chị em những sự thuộc thể?
12 Nếu những người khác dự phần trong sự có quyền ấy trên các anh chị em thì chúng tôi chẳng xứng đáng hơn sao? Dù vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự kẻo chúng tôi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ.
13 Các anh chị em chẳng biết rằng, những ai làm việc thánh thì ăn những của dâng trong Đền Thờ; còn những ai hầu việc nơi bàn thờ thì được chia phần nơi bàn thờ sao?
14 Cũng vậy, Chúa đã định rằng, những ai rao giảng Tin Lành thì sẽ sống bởi Tin Lành. [Ma-thi-ơ 10:10]

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới nữa Ngài ban cho con. Nguyện rằng ngày hôm nay con lại được Cha ban ơn, thêm sức, soi dẫn trong mọi việc. Con cảm tạ Cha đã ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 9:1-14. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Con hiểu phân đoạn này Sứ Đồ Phao-lô viết cho Hội Thánh Cô-rinh-tô để bênh vực chức vụ sứ đồ và thành quả trong chức vụ của ông, phản biện lại lời vu khống của các giáo sư giả. Con hiểu từng câu như sau:

1 Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi chẳng phải được tự do sao? Tôi chẳng phải từng thấy Jesus Christ là Chúa của chúng ta sao? Các anh chị em chẳng phải là công việc của tôi trong Chúa sao?

2 Nếu tôi không phải là sứ đồ cho những người khác, thì tôi thật là sứ đồ cho các anh chị em. Vì ấn chứng chức vụ sứ đồ của tôi là các anh chị em ở trong Chúa.

3 Ấy là lời bênh vực của tôi đối với những kẻ phán xét tôi.

Bốn câu hỏi trong câu 1 của Sứ Đồ Phao-lô là để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô tự trả lời với lòng mình, để họ tự mình nhìn biết chức vụ sứ đồ và thành quả trong chức vụ của Phao-lô.

Chức vụ sứ đồ được Đức Chúa Trời thiết lập và được Đức Chúa Jesus Christ ban cho Phao-lô như ông đã khẳng định trong các thư tín khác. Chức vụ sứ đồ của Phao-lô được A-na-nia làm chứng (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15-16), linh vụ giảng Tin Lành cho dân ngoại được chính Đức Thánh Linh làm chứng cho Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2).

Con hiểu câu hỏi “tôi chẳng phải được tự do sao” có nghĩa là, Phao-lô khẳng định ông vừa được tự do với quyền công dân La-mã, vừa được tự do trong Chúa. Ông đã dùng quyền tự do của mình chọn phụng sự Chúa. Câu hỏi có hàm ý là ai có quyền bắt bẻ sự tự do chọn lựa phụng sự Chúa của ông.

Nếu các giáo sư giả bắt bẻ Phao-lô không phải là sứ đồ của Chúa, vì ông tin nhận Chúa sau khi Ngài đã thăng thiên, thì lý lẽ của họ cũng không thể đứng vững, vì: (1) Ông đã gặp Chúa và trực tiếp tiếp nhận Tin Lành từ Ngài, (2) Chúa không hề đặt ra quy định rằng phải trực tiếp gặp Chúa trước khi Ngài thăng thiên mới được làm sứ đồ của Ngài.

Rõ ràng chính sự tin nhận Chúa của các thánh đồ Cô-rinh-tô là kết quả thực tế và rõ ràng nhất trong chức vụ sứ đồ của Phao-lô.

4 Chúng tôi không có quyền ăn và uống sao?
5 Chúng tôi không có quyền dẫn theo một người chị em là vợ cũng như các sứ đồ khác, như các em của Chúa, và như Sê-pha sao?
6 Hay chỉ tôi với Ba-na-ba không có quyền miễn làm việc?
7 Trước giờ, có ai đi lính mà tự trả lương? Có ai trồng vườn nho mà không ăn trái của nó? Hay có ai chăn bầy mà không dùng sữa của bầy?

Từ câu 4 đến câu 7: Các giáo sư giả sau khi bác bỏ chức vụ sứ đồ của Phao-lô và Ba-na-ba thì kèm theo đó họ bác bỏ luôn quyền lợi trong chức vụ của hai ông. Nên Phao-lô viết bốn câu này để giúp con dân Chúa Cô-rinh-tô nhận thức rõ ràng rằng trong chức vụ sứ đồ, hai ông đã phân phát các điều yếu cần về thuộc linh cho họ, thì sự nhận lại các quyền lợi về thuộc thể là hoàn toàn chính đáng.

8 Có phải tôi nói những điều ấy theo thói người ta quen nói? Hay luật pháp cũng chẳng nói như vậy sao?
9 Vì có chép trong luật pháp của Môi-se: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Có phải Đức Chúa Trời lo cho bò sao? [Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:4]
10 Hay Ngài cũng nói câu đó về chúng tôi? Vì về chúng tôi mà có chép rằng: Ai cày ruộng phải cày bởi sự trông cậy; và ai đạp lúa bởi sự trông cậy thì dự phần trong sự trông cậy của mình.

Ba câu 8, 9, 10, Phao-lô nêu lên một điều hợp tình, hợp lý không những với luật pháp của Chúa mà còn theo sự suy nghĩ thông thường của mọi người, đó là, một người làm việc thì đáng nhận được thành quả trong công việc của mình. Như, con bò đạp lúa thì xứng đáng ăn phần lúa nó đạp, người cày ruộng thì xứng đáng nhận được hoa lợi sinh ra từ mảnh ruộng do mình cày xới, gieo trồng. Các sứ đồ của Chúa đi gieo Lời Chúa thì xứng đáng nhận được sự chăm sóc về thuộc thể của những người tiếp nhận.

11 Nếu chúng tôi đã gieo những sự thuộc linh cho các anh chị em thì có phải là một việc lớn nếu chúng tôi sẽ gặt từ các anh chị em những sự thuộc thể?

Thật sự, con thấy những sự thuộc linh thì quan trọng hơn bội phần so với những sự thuộc thể, vì thế, một người thật lòng tin nhận Chúa thì sẽ rất biết ơn Chúa, biết ơn người đã đem Lời Chúa đến cho mình. Chắc chắn, người ấy sẽ không tiếc những sự thuộc thể với người Chúa sai tới chăm sóc thuộc linh cho mình.

Mặt khác, nếu một người tiếc của mình cho những người cậy ơn Chúa dẫn dắt mình thì họ đã không nhận thức được giá trị to lớn của ơn cứu rỗi Chúa ban cho.

12 Nếu những người khác dự phần trong sự có quyền ấy trên các anh chị em thì chúng tôi chẳng xứng đáng hơn sao? Dù vậy, chúng tôi chẳng từng dùng quyền ấy; nhưng chúng tôi chịu mọi sự kẻo chúng tôi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ.

Mặc dù, Sứ Đồ Phao-lô biết ông và Ba-na-ba có các quyền lợi chính đáng về thuộc thể, thậm chí là xứng đáng được chăm sóc về thuộc thể nhiều hơn những người khác, vì ông và Ba-na-ba là những người đầu tiên mang Tin Lành đến và giảng dạy Lời Chúa cho họ, vừa giúp họ tin nhận Tin Lành, vừa giúp họ lớn lên trong Chúa. Tuy nhiên, trong buổi đầu khởi sự linh vụ tại Cô-rinh-tô, ông và Ba-na-ba đã hết sức cố gắng làm việc để không làm gánh nặng cho con dân Chúa và không làm cho các thánh đồ tại đó hiểu lầm rằng hai ông đi diễn thuyết kiếm sống, như các nhà du thuyết thời ấy.

13 Các anh chị em chẳng biết rằng, những ai làm việc thánh thì ăn những của dâng trong Đền Thờ; còn những ai hầu việc nơi bàn thờ thì được chia phần nơi bàn thờ sao?
14 Cũng vậy, Chúa đã định rằng, những ai rao giảng Tin Lành thì sẽ sống bởi Tin Lành. [Ma-thi-ơ 10:10]

Hai câu này Phao-lô nhắc cho con dân Chúa nhớ lại trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã thiết lập quy định những người Lê-vi phục vụ các việc trong Đền Thờ, thì họ và gia đình họ được chia phần trong những của lễ dâng lên Chúa. Trong thời Tân Ước, những ai phục vụ Chúa trong sự rao giảng Tin Lành thì sẽ được chu cấp những sự cần dùng bởi những người tiếp nhận Tin Lành.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì qua sự suy ngẫm phân đoạn này, con học được tấm gương chịu khổ phụng sự Chúa của các sứ đồ trong thời kì đầu của Hội Thánh. Nguyện xin Cha ban cho con sự khôn sáng để biết tận dụng sức lực, thời gian, hết lòng phụng sự Chúa trong những ngày sau cùng này!


I Cô-rinh-tô 9:15-27 Quyền Lợi và Sự Hy Sinh của Sứ Đồ Phao-lô Trong Chức Vụ – Phần 2

15 Nhưng tôi chẳng từng dùng những quyền ấy. Tôi cũng chẳng viết những điều này để đòi chúng áp dụng cho tôi. Vì tôi thà chết còn hơn là ai đó làm ra vô ích sự khoe mình của tôi.
16 Vì nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có gì để khoe mình, vì sự cần thiết đặt trên tôi. Nhưng khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Lành.
17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó thì tôi có phần thưởng. Nhưng nếu tôi không vui lòng thì chức quản lý cũng vẫn được phó thác cho tôi.
18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Rằng, trong sự rao giảng Tin Lành, tôi giãi bày Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Tôi chẳng lạm dùng quyền của tôi trong Tin Lành.
19 Dù tôi là tự do đối với mọi người, nhưng tôi tự đặt mình làm nô lệ cho mọi người, để cho tôi được nhiều người hơn.
20 Với những người Do-thái, tôi trở nên như một người Do-thái, để tôi được những người Do-thái. Với những người ở dưới luật pháp, tôi trở nên như một người ở dưới luật pháp, để tôi được những người ở dưới luật pháp.
21 Với những người không luật pháp, tôi trở nên như một người không luật pháp, chẳng phải không luật pháp đối với Thiên Chúa nhưng hợp pháp đối với Đấng Christ, để tôi được những người không luật pháp.
22 Với những người yếu đuối, tôi trở nên như một người yếu đuối, để tôi được những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách, tôi cứu được một số người.
23 Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng trở nên người dự phần của Tin Lành.
24 Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.
25 Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.
26 Vậy thì, tôi chạy như vậy, chẳng phải là không chắc chắn; tôi đánh như vậy, chẳng phải như người đánh gió;
27 nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an, phước hạnh. Cảm tạ Cha đã ban ơn cho con trong sự đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 9:15-27. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

15 Nhưng tôi chẳng từng dùng những quyền ấy. Tôi cũng chẳng viết những điều này để đòi chúng áp dụng cho tôi. Vì tôi thà chết còn hơn là ai đó làm ra vô ích sự khoe mình của tôi.

Sứ Đồ Phao-lô cho biết ông chưa từng đòi hỏi Hội Thánh các nơi chu cấp cho ông mặc dù điều đó là chính đáng. Ông viết cho các thánh đồ Cô-rinh-tô những lời trước đó (I Cô-rinh-tô 9:1-14) là giúp họ hiểu biết lẽ thật, thoát khỏi những lời dối trá của các giáo sư giả, chứ không phải để đòi quyền lợi cho ông.

“Sự khoe mình” của Phao-lô là một sự khoe mình trong Chúa, khoe rằng ông đã nhận lãnh Tin Lành cách miễn phí thì ông cũng theo mệnh lệnh của Chúa mà rao giảng Tin Lành cách miễn phí. Ông rao giảng Tin Lành vì nhận biết đó là bốn phận của ông với Chúa và ông vui mừng làm việc ấy. Ông thà chịu mọi gian khổ, thậm chí chịu chết, để rao giảng Tin Lành còn hơn để người khác hiểu lầm rằng ông đi diễn thuyết để kiếm sống.

16 Vì nếu tôi rao giảng Tin Lành, tôi chẳng có gì để khoe mình, vì sự cần thiết đặt trên tôi. Nhưng khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Lành.
17 Nếu tôi vui lòng làm việc đó thì tôi có phần thưởng. Nhưng nếu tôi không vui lòng thì chức quản lý cũng vẫn được phó thác cho tôi.

Trong chức vụ sứ đồ, Phao-lô ý thức được bổn phận rao giảng Tin Lành cho muôn dân mà Chúa giao cho ông. Vì là bổn phận nên Phao-lô nói ông chẳng có gì để khoe mình. Thái độ khiêm nhường phục vụ Chúa của Phao-lô hoàn toàn trái ngược với thái độ xấc xược, tự nâng mình lên, bắt người khác phải cung kính mình như các chức sắc trong các giáo hội mang danh Chúa ngày nay.

“Chức quản lý” là quản lý các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 4:1). Người được Chúa gọi vào chức vụ sứ đồ cũng đồng thời được Chúa ban ơn cho hiểu biết các sự mầu nhiệm của Tin Lành, và được ơn giảng giải cho người khác hiểu về các sự mầu nhiệm ấy.

18 Thế thì phần thưởng của tôi là gì? Rằng, trong sự rao giảng Tin Lành, tôi giãi bày Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Tôi chẳng lạm dùng quyền của tôi trong Tin Lành.

Phần thưởng của Phao-lô chính là sự ông vui mừng và hãnh diện vì đã hết lòng rao giảng Tin Lành của Đấng Christ cách miễn phí. Ông đã chịu khó làm việc kiếm sống ở những nơi ông đến rao giảng, để cho Tin Lành không bị ngăn trở trong lòng người nghe, chứ ông không bao giờ lạm dụng sự rao giảng để kiếm tiền hay để người khác phục vụ mình.

19 Dù tôi là tự do đối với mọi người, nhưng tôi tự đặt mình làm nô lệ cho mọi người, để cho tôi được nhiều người hơn.

Phao-lô biết ông có quyền tự do trong tư cách là công dân La-mã, và cũng được tự do trong Chúa. Tuy nhiên, ông đã tự đặt mình làm người phục vụ cho Tin Lành, đem Tin Lành đến cho mọi người ở khắp nơi, giúp họ được nghe giảng Tin Lành và có cơ hội được cứu giống như ông.

20 Với những người Do-thái, tôi trở nên như một người Do-thái, để tôi được những người Do-thái. Với những người ở dưới luật pháp, tôi trở nên như một người ở dưới luật pháp, để tôi được những người ở dưới luật pháp.

Khi ở giữa vòng dân tộc mình thì Phao-lô giữ các luật lệ, phong tục, thói quen giống như họ, miễn sao các điều ấy không nghịch lại Lời Chúa. Đồng thời ông cũng vâng giữ về mặt hình thức các luật lệ của Môi-se như luật cắt bì, luật giữ các ngày lễ hội, luật không ăn các thức ăn không tinh sạch, nhưng không vì lý do để được cứu rỗi. Sở dĩ, ông làm như vậy là để có nhiều cơ hội rao giảng Tin Lành cho họ, giúp họ nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

21 Với những người không luật pháp, tôi trở nên như một người không luật pháp, chẳng phải không luật pháp đối với Thiên Chúa nhưng hợp pháp đối với Đấng Christ, để tôi được những người không luật pháp.

Những người không luật pháp, nghĩa là không luật pháp Môi-se, là những người thuộc các dân tộc ngoài I-sơ-ra-ên. Ở giữa vòng người ngoại, Phao-lô không thực hành các hình thức của luật pháp Môi-se. Tuy nhiên, ông vẫn vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, là nền tảng của đời sống loài người, và cũng là hợp pháp đối với Đấng Christ.

22 Với những người yếu đuối, tôi trở nên như một người yếu đuối, để tôi được những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người, để bằng mọi cách, tôi cứu được một số người.
23 Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng trở nên người dự phần của Tin Lành.

“Trở nên như một người yếu đuối” là đặt mình trong hoàn cảnh của những người yếu đuối, đồng cảm với sự yếu đuối của họ, để tìm phương cách phù hợp mà giúp họ thoát khỏi sự yếu đuối. Thí dụ, đối với những người mới đến với Chúa, chưa có sự hiểu biết nhiều về Thánh Kinh, thì phải nhẫn nại giải thích, dùng những thí dụ đơn giản để giúp họ hiểu.

“Trở nên mọi sự cho mọi người” có nghĩa là hòa đồng với mọi người, hoặc hết sức giúp đỡ mọi người trong mọi việc, miễn sao các việc ấy không nghịch lại Lời Chúa.

“Bằng mọi cách, tôi cứu được một số người” là tận dụng mọi phương cách đúng với Lời Chúa để giúp người khác nghe biết về Tin Lành và có cơ hội được cứu.

24 Các anh chị em chẳng biết rằng, về những người chạy trong một cuộc đua, mọi người đều chạy nhưng chỉ một người được giải thưởng sao? Vậy, các anh chị em hãy chạy để các anh chị em đoạt giải.
25 Những người đua tranh chịu tự giữ mình trong mọi sự. Thực tế, họ chịu vậy để được mão có thể hư nát; nhưng chúng ta chịu vậy để được mão không thể hư nát.

Sứ Đồ Phao-lô ví đời sống mới trong Chúa như một cuộc chạy đua. Người đua tranh thì chịu tự giữ mình trong mọi sự thì con dân Chúa cũng phải hết sức kỷ luật bản thân, chịu khổ như một người lính giỏi, gắng sức sống theo Lời Chúa, và trung tín cho đến cuối cùng.

26 Vậy thì, tôi chạy như vậy, chẳng phải là không chắc chắn; tôi đánh như vậy, chẳng phải như người đánh gió;

Lời Chúa ví con đường là cuộc đời, nên mỗi bước chạy là nếp sống mỗi ngày của con dân Chúa. Sứ Đồ Phao-lô khẳng định nếp sống trung tín làm theo Lời Chúa mỗi ngày chắc chắn không vô ích, chắc chắn sẽ nhận được các phần thưởng Chúa hứa, tiêu biểu như: Sự sống đời đời, quyền đồng trị với Đấng Christ, sự được kết hiệp với Đấng Christ trong lễ cưới Chiên Con…

27 nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.

Câu 27 không chỉ dành cho những người giảng dạy Lời Chúa mà đáng được tất cả con dân Chúa ghi nhớ và thường xuyên thực hành.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng giúp con biết kỷ luật thân thể mình mỗi ngày, đặc biệt là trong lời nói, để con chỉ nói ra những lời lành làm tôn vinh danh Chúa và đem lại ích lợi cho người khác.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú