I Cô-rinh-tô: Chương Một

26 lượt xem

I Cô-rinh-tô 1:1-9 Lời Mở Đầu

1 Phao-lô, theo ý muốn của Thiên Chúa, được gọi làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, cùng Sốt-then, người anh em cùng Cha của chúng ta,
2 gửi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở tại thành Cô-rinh-tô, là những người đã được nên thánh trong Đấng Christ Jesus, được gọi là các thánh đồ, cùng tất cả những ai ở khắp mọi nơi cầu khẩn danh Chúa của chúng ta, Jesus Christ. Ngài là Chúa của họ lẫn của chúng ta.
3 Nguyện các anh chị em được ân điển và sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!
4 Tôi hằng vì các anh chị em tạ ơn Đức Chúa Trời của tôi. Vì ân điển của Đức Chúa Trời đã được ban cho các anh chị em trong Đức Chúa Jesus Christ;
5 để trong mọi sự các anh chị em được giàu có trong Ngài, trong mọi lời nói và mọi sự trí thức;
6 như lời chứng của Đấng Christ đã được vững bền trong các anh chị em.
7 Vậy, các anh chị em đang trông đợi sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, chẳng thiếu một ân tứ nào.
8 Ngài cũng sẽ khiến các anh chị em được vững bền cho đến cuối cùng, không chỗ trách được, trong ngày của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.
9 Đức Chúa Trời là thành tín, bởi Ngài các anh chị em đã được gọi vào trong sự thông công với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới nữa Ngài ban cho con. Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 1-9. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu.

Thưa Cha, con hiểu câu 1 như sau: Trong lời chào đầu thư ông Phao-lô khẳng định chức vụ sứ đồ của ông là do Thiên Chúa ban cho, nghĩa là được Đức Chúa Trời ấn định sẵn, được Đức Chúa Jesus Christ giao cho, và được thi hành bởi năng lực của Đức Thánh Linh. Con hiểu rằng lời chào này có ý nghĩa khẳng định những lời quở trách, khuyên dạy, hướng dẫn của ông sau đó cho Hội Thánh Cô-rinh-tô là trực tiếp đến từ Thiên Chúa.

Thưa Cha, con hiểu câu 2 như sau: Câu này xác định người nhận thư là Hội Thánh tại thành Cô-rinh-tô và những thánh đồ ở khắp mọi nơi có lòng tìm kiếm, cầu khẩn danh Đức Chúa Jesus Christ. “Được nên thánh trong Đấng Christ Jesus” nghĩa là được nhận ân điển cứu rỗi, ân điển thánh hoá qua sự thi hành chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Danh hiệu Christ được đặt trước tên Jesus nhầm nhấn mạnh đến chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua của Ngài hơn thân vị loài người. Ngày nay, thư I Cô-rinh-tô đã được xếp vào trong Thánh Kinh, nên mọi lời này đều dành cho tất cả con dân Chúa.

Thưa Cha, con hiểu câu 3 như sau: Ân điển của Thiên Chúa là ơn ban cho theo sự thương xót của Ngài dù người nhận không xứng đáng được ban cho. Mặc dù toàn thể loài người đều nhận được ơn thương xót của Chúa (Ma-thi-ơ 5:45) nhưng chỉ có con dân Chúa mới nhận được những ơn phước thiêng liêng và sự bình an thật từ Ngài (Ê-phê-sô 1:3, Phi-líp 4:7). Ân điển đến từ Đức Chúa Jesus Christ là sức toàn năng của Ngài, sự cầu thay của Ngài, cũng như sự Ngài luôn ở cùng để giúp con dân Chúa hoàn thành mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy. Sự bình an từ Đức Chúa Jesus Christ là sự bình an trong mọi cảnh ngộ, trong nghèo khó, bị bắt bớ, sỉ nhục, chịu khổ, và chịu chết vì vâng phục Đức Chúa Trời.

Thưa Cha, con hiểu từ câu 4 đến câu 6 như sau: Không chỉ các thánh đồ tại Cô-rinh-tô mà Phao-lô cũng thường tạ ơn Đức Chúa Trời khi nhớ đến con dân Chúa ở khắp nơi. Ông tạ ơn Chúa là vì những ơn phước thiêng liêng của Ngài đã đổ đầy trên mọi thánh đồ, giúp họ được biến đổi từ con người cũ tội lỗi ra người mới đầy dẫy sự khôn sáng trong lời nói. Điều đó cho thấy lời chứng của Đấng Christ đã được hiện thực trong họ, nghĩa là bởi sự tin nơi sự làm chứng của chính Ngài, của Thánh Kinh, và của các sứ đồ về Đấng Christ mà đời sống họ được biến đổi.

Thưa Cha, con hiểu câu 7 đến câu 10 như sau: Có thể nói chỉ có những ai thật lòng tin yêu Đức Chúa Jesus Christ mới có lòng trông đợi sự đến của Ngài. Bởi vì người ấy luôn noi theo gương Đấng Christ sống chịu khổ để rao giảng Tin Lành, hết lòng gầy dựng Hội Thánh, chấp nhận bị gia đình từ bỏ, bị thế gian ghen ghét và bách hại. Người ấy trông đợi Ngài đến giải cứu ra khỏi nghịch cảnh, ra khỏi thân thể xác thịt ngày một hao mòn, trông đợi sự ban thưởng của Ngài, và hơn hết là trông đợi được gặp Ngài mặt đối mặt, Đấng mà người ấy yêu và tôn kính. Một người như vậy sẽ được Đức Chúa Trởi ban cho chẳng thiếu một ân tứ nào để thi hành mọi việc lành, được Ngài ban ơn, thêm sức giữ gìn cho vững bền đến cuối cùng, và thường ở trong sự thông công với Đức Chúa Jesus Christ trong tâm thần để nhận được sự an ủi, động viên từ Ngài.

Con cảm tạ đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cũng học được thêm bài học là mỗi ngày nhúng chìm tâm trí mình trong sự suy ngẫm Lời của Cha là con đang ở trong sự thông công với Thiên Chúa. Nguyện rằng Lời Ngài cứ mãi ở trong con.


I Cô-rinh-tô 1:10-17 Thực Tế của Sự Phân Rẽ Trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô

10 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Bởi danh Jesus Christ của Chúa chúng ta, tôi khuyên các anh chị em rằng: Hết thảy hãy nói như nhau; không có những sự phân rẽ trong các anh chị em; nhưng hãy hiệp nhau trong cùng một tâm trí và trong cùng một sự phán đoán.
11 Vì, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bởi những người thuộc nhà Cơ-lô-ê, tôi được tin về các anh chị em rằng, có những sự tranh cãi trong các anh chị em.
12 Ấy là tôi nói rằng, mỗi người thuộc các anh chị em nói: Ta thật thuộc về Phao-lô! Ta thuộc về A-bô-lô! Ta thuộc về Sê-pha! Ta thuộc về Đấng Christ!
13 Đấng Christ bị phân rẽ sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh thay cho các anh chị em? Hay là các anh chị em đã chịu báp-tem vào trong danh của Phao-lô?
14 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời, vì tôi đã không báp-tem cho một ai thuộc về các anh chị em, ngoại trừ Cơ-rít-bu và Gai-út.
15 Kẻo ai đó nói rằng, tôi đã làm phép báp-tem vào trong danh của tôi.
16 Tôi cũng đã làm báp-tem cho người nhà Sê-pha-na; ngoài ra, tôi chẳng biết đã làm báp-tem cho ai nữa.
17 Vì Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm báp-tem nhưng để rao giảng Tin Lành; chẳng trong sự khôn khéo của lời nói, kẻo thập tự giá của Đấng Christ bị làm ra vô ích.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì buổi tối hôm nay Ngài cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 1:10-17. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu.

Thưa Cha, con hiểu câu 10 như sau: Cách Sứ Đồ Phao-lô gọi các thánh đồ tại Cô-rinh-tô là các anh chị em cùng Cha là để giúp họ hiểu những lời khuyên bảo, quở trách ông viết sau đây là trong tình anh chị em trong Chúa. Câu “bởi danh Jesus Christ” là sự khẳng định những lời khuyên sau đây là đúng ý Chúa, bởi ý Chúa mà viết ra, đồng thời cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lời khuyên. Vì lời nói là thể hiện suy nghĩ, quan điểm trong lòng (Ma-thi-ơ 12:34) nên con hiểu câu “hết thảy hãy nói như nhau” có nghĩa là hãy thể hiện quan điểm như nhau về cùng một vấn đề, hay nói cách khác là cùng đồng thuận, thống nhất với nhau về một vấn đề. Khi Hội Thánh cùng đồng thuận với nhau thì mới không xảy ra sự phân rẽ. Hiệp nhau trong cùng một tâm trí và trong cùng một sự phán đoán là hiệp một với nhau dựa trên cùng một sự hiểu biết về Lời Chúa và cùng phân tích, suy luận, ra quyết định về một vấn đề dựa trên Lời Chúa. Câu này cũng hàm ý, nếu người mới đến với Chúa chưa có sự hiểu biết nhiều thì người chăn, các trưởng lão có bổn phận dựa trên Lời Chúa giải thích cho người ấy hiểu, để người ấy có sự hiểu thống nhất với Hội Thánh.

Thưa Cha, con hiểu câu 11 như sau: Trước khi viết thư I Cô-rinh-tô thì Phao-lô đã nhận được tin từ người thuộc nhà Cơ-lô-ê về những sự tranh cải trong Hội Thánh Cô-rinh-tô nên ông viết thư này để quở trách, khuyên bảo, giải thích, giúp họ nhận ra vấn đề mà kịp thời ăn năn với Chúa và sửa đổi, ngăn chặn sự chia rẽ trong Hội Thánh.

Thưa Cha, con hiểu câu 12 như sau: Con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đang phân rẽ ra nhiều nhóm, mỗi nhóm xưng nhận mình thuộc về một sứ đồ hoặc thuộc về Đấng Christ. Nhóm xưng nhận mình thuộc về Phao-lô có thể là vì họ tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của Phao-lô. Tương tự là nhóm nói mình thuộc về A-bô-lô. Nhóm xưng mình thuộc về Sê-pha có lẽ là vì họ xem Sứ Đồ Phi-e-rơ là người đứng đầu Hội Thánh. Nhóm xưng nhận mình thuộc về Đấng Christ thì có thể họ có sự hiểu biết đúng về Tin Lành nhưng lại dùng sự hiểu ấy làm luận điểm để tranh cãi, nói cách khác là họ chưa thật sự kinh nghiệm được ý nghĩa sâu nhiệm của Tin Lành, là sự đem mọi người hoà thuận lại với Đức Chúa Trời và với nhau.

Thưa Cha, con hiểu câu 13 đến câu 16 như sau: Trong câu 13, Sứ Đồ Phao-lô đặt cho các thánh đồ Cô-rinh-tô ba câu hỏi để họ tự nhận thức được nên đề nghiêm trọng của họ. Phao-lô nêu lên một thực tế là tất cả họ khi tin nhận Tin Lành thì đều được báp-tem vào trong danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, vậy giờ sao lại xưng nhận mình thuộc về danh khác. Lời “cảm tạ Đức Chúa Trời” của ông Phao-lô trong câu 14 giúp con hiểu được là Chúa đã biết trước sự phân rẽ sẽ diễn ra cách nghiêm trọng trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nên Ngài đã giữ ông không làm báp-tem cho những người tin nhận Chúa tại đó, ngoại trừ Cơ-rít-bu, Gai-út, và người nhà Sê-pha-na, để Phao-lô có thể phản biện lại các người mượn danh ông để gây chia rẽ trong Hội Thánh. Có thể sự làm báp-tem là do những người khác cùng đi với Phao-lô làm.

Thưa Cha, con hiểu câu 17 như sau: Phao-lô khẳng định linh vụ chính Đấng Christ giao cho ông là rao giảng Tin Lành chứ không phải để làm báp-tem, mà chủ yếu là cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15). Việc làm báp-tem thì bất kì ai trong Hội Thánh cũng đều có thể làm được. Phao-lô cũng khẳng định thêm là sự rao giảng của ông không bởi sự khôn khéo của lời nói, mà cốt lõi là ông công bố về sự Đấng Christ đã chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại. Để đức tin phát sinh trong một người hoàn toàn là do ấm trí người ấy được Đấng Thần Linh khai mở khi nghe giảng Tin Lành. Tâm trí họ được Đấng Thần Linh tác động để nhận thức được chỉ có sự chết chuộc tội của Đấng Christ là phương cách duy nhất cứu họ thoát khỏi cuộc đời nô lệ cho tội lỗi, sống trong bất an, sợ hãi.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Khi nhìn vào thực tế sự phân rẽ trong Hội Thánh Chúa ngày nay, con nhận thức được rằng, phải phải hết sức cẩn thận chú ý, canh chừng để kịp thời nhận diện các sự nhen nhóm gây chia rẽ trong Hội Thánh mà loại bỏ ngay. Nguyện xin Chúa hằng ở cùng, ban ơn gìn giữ sự hiệp một của Hội Thánh Chúa giữa vòng dân tộc Việt Nam.


I Cô-rinh-tô 1:18-31 Khái Niệm Sai Lầm về Tin Lành

18 Vì Lời của thập tự giá, thực tế là ngu dại cho những kẻ bị hư mất; nhưng đối với chúng ta, những người được cứu chuộc, là năng lực của Thiên Chúa.
19 Vì có chép: Ta sẽ hủy phá sự khôn sáng của người khôn sáng, tiêu trừ trí khôn của người thông minh. [Ê-sai 29:14; Thi Thiên 33:10]
20 Người khôn sáng ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận của đời này ở đâu? Chẳng phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn sáng của thế gian này ra ngu dại?
21 Vì rằng, trong sự khôn sáng của Đức Chúa Trời, thế gian bởi sự khôn sáng của nó chẳng biết Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vui dùng sự bị xem là ngu dại của sự rao giảng Tin Lành để cứu những người tin.
22 Khi người Do-thái đòi hỏi dấu lạ và người Hy-lạp tìm sự khôn sáng,
23 thì chúng tôi giảng Đấng Christ bị đóng đinh. Thực tế, đối với người Do-thái là sự vấp phạm, còn đối với người Hy-lạp là sự ngu dại.
24 Nhưng đối với những người được gọi, cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp, thì Đấng Christ là năng lực của Thiên Chúa và sự khôn sáng của Thiên Chúa.
25 Bởi vì sự ngu dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn của loài người; và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh mẽ hơn của loài người.
26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy xem xét sự kêu gọi của các anh chị em, rằng không có nhiều người khôn sáng theo xác thịt, chẳng có nhiều người quyền thế, chẳng có nhiều người sang trọng.
27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những người dại của thế gian để làm hổ thẹn những người khôn sáng; Đức Chúa Trời đã chọn những người yếu của thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh;
28 Đức Chúa Trời đã chọn những người hèn hạ của thế gian, những người bị khinh chê, cùng những người không có gì để làm cho những người có mọi sự ra không có;
29 để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài.
30 Bởi Ngài mà các anh chị em ở trong Đấng Christ Jesus, Đấng ra từ Thiên Chúa đã được làm thành sự khôn sáng, sự công chính, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta;
31 để cho, như đã chép: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa! [Giê-rê-mi 9:24; II Cô-rinh-tô 10:17]

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới nữa Ngài ban cho con. Nguyện rằng ngày mới hôm nay con lại được đầy ơn, sức của Ngài để làm các việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho con. Con cảm tạ Cha đã ban cho con buổi sáng hôm nay có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được chép trong I Cô-rinh-tô 1:18-31. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu câu 18 như sau: “Lời của thập tự giá” là lời rao truyền về thập tự giá, rằng có một Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người, chịu khổ, chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc toàn thể loài người ra khỏi tội lỗi. Hay nói cách khác là rao giảng Tin Lành. Con nghĩ Phao-lô dùng cách gọi “Lời của thập tự giá” thay vì “Tin Lành” là vì ông muốn nhấn mạnh đến sự chịu chết để chuộc tội của Đấng Christ, là nền tảng cốt lõi của Tin Lành, để gợi cho những thánh đồ tại Cô-rinh-tô nhớ lại rằng ân điển cứu rỗi mà họ được nhận lãnh hoàn toàn là do Đức Chúa Jesus Christ thi hành bởi thánh ý của Đức Chúa Trời, chứ không phải bởi sự khôn sáng và năng lực của loài người.

Thực tế, một người không có tấm lòng ăn năn tội thì không thể hiểu được Tin Lành, và đương nhiên sự giảng về thập tự giá sẽ bị họ gièm chê, cho là ngu dại. Chỉ có những ai thật sự có lòng ăn năn tội và tiếp nhận Tin Lành thì mới nhận thức được quả thật Tin Lành là năng lực của Thiên Chúa, hoàn toàn có khả năng và sức mạnh cứu họ thoát khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi.

Thưa Cha, con hiểu từ câu 19 đến câu 21 như sau: Vì Thiên Chúa là Đấng ban cho loài người sự khôn sáng và trí khôn, nên Ngài cũng có thể khiến cho sự khôn sáng và trí khôn của một người mất đi, như trong trường hợp Chúa làm Vua Nê-bu-cát-nết-sa vì lòng vua kiêu ngạo (Đa-ni-ên 4:24-37). Trong văn mạch của phân đoạn này thì con hiểu rằng chính sự kiện một người xem thường ân điển cứu rỗi của Ngài đã làm cho mọi sự khôn sáng của người ấy ra ngu dại. Một người dù có thông minh nhất thế gian này thì cũng thành ngu dại khi không nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Họ sẽ tự công nhận được điều này ngay khi qua đời hoặc trong ngày Đấng Christ đến phán xét thế gian ở cuối Kỳ Tận Thế.

Thưa Cha, con hiểu câu 22 đến câu 24 như sau: Người Do-thái đòi hỏi dấu lạ là vì lịch sửa của dân tộc họ được Chúa quan phòng bằng vô số các phép lạ. Họ dùng các phép lạ làm tiêu chuẩn để dò xét Đức Chúa Jesus Christ chứ không nhìn vào những sự giảng dạy của Ngài. Người Hy-lạp tìm sự khôn sáng là tìm sự hiểu biết trong suy luận về các vấn đề cơ bản của loài người (triết học) và trong quan sát thực nghiệm (khoa học). Cốt lõi lời rao giảng của Phao-lô và bạn đồng hành của ông là về sự Đấng Christ bị đóng đinh, là điều trái ngược với sự đòi hỏi của người Do-thái và sự tìm kiếm của người Hy-lạp, hay nói cách khác hoàn toàn trái ngược với nhận thức, lý luận thông thường của loài người. Chỉ có những người thật lòng ăn năn tội, được Đức Chúa Trời kêu gọi và ban cho sự hiểu biết về Tin Lành, thì mới nhận thức được Đấng Christ là năng lực và là sự khôn sáng của Thiên Chúa. Nghĩa là trong Đấng Christ, người có đức tin sẽ thấy được sức toàn năng chiến thắng mọi cám dỗ, nghịch cảnh, sự chết của Đấng Christ; thấy được những sự mầu nhiệm trong từng Lời phán của Ngài, từng Lời phán ấy chứa đựng nguyên lý của sự sống.

Thưa Cha, con hiểu câu 25 như sau: Vì Đức Chúa Trời là toàn tri, toàn năng nên hiển nhiên là Ngài không có sự ngu dại và sự yếu đuối. Lời của Phao-lô cần được hiểu trong ngữ cảnh là: Loài người cho rằng Tin Lành là ngu dại, xem Đấng Christ là yếu đuối thì đồng thời cũng xem Đức Chúa Trời là ngu dại, yếu đuối; nhưng thực tế sự Đức Chúa Trời bị loài người cho là ngu dại, yếu đuối là khôn sáng và mạnh mẽ hơn hết thảy sự khôn sáng nhất, mạnh mẽ nhất của loài người.

Thưa Cha, trong đời sống thực tế con vẫn dùng câu 26 đến 29 để an ủi, động viên chính mình và các anh chị em của con. Bởi vì, người đời và kể cả người thân không tin Chúa thường xem chúng con là những kẻ ngu dại, yếu đuối. Nhưng con nhận thức được rõ ràng giá trị của ân điển cứu rỗi và giá trị của sự hiểu biết sâu nhiệm về Thiên Chúa, là điều đáng quý hơn hết, mọi sự con từng có trong thế gian này đều sự lỗ. Một ngày không xa nữa toàn thế gian sẽ nhận thức được những người bước đi trong Chúa mới là mạnh mẽ nhất, khôn sáng nhất.

Thưa Cha, con hiểu câu 30, 31 như sau: Phao-lô khẳng định lại lần nữa sự khôn sáng, sự công chính, sự nên thánh, và sự cứu chuộc con dân Chúa có được là do họ thật lòng ăn năn tội và tin nơi Đấng Christ, mà Đấng Christ ra từ Thiên Chúa, nên mọi sự là bởi Ba Ngôi Thiên Chúa ban cho. Ai tiếp nhận lời đúc kết này sẽ thoát khỏi mọi khái niệm sai lầm về Tin Lành.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng đời sống của con luôn dựa trên ơn yêu thương của Chúa, không tự ti, mặc cảm về sự yếu đuối của mình, mà mạnh mẽ, can đảm, thi hành mọi việc lành bằng năng lực của Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú