II Cô-rinh-tô 3:1-11 Những Người Phục Vụ Giao Ước Mới – Phần 1
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày bình an và ban ơn trên mọi việc tay con làm. Con cảm tạ Cha tối nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 3:1-11. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
1 Chúng tôi lại bắt đầu tự phô trương sao? Hay chẳng lẽ chúng tôi như những người khác, cần có thư giới thiệu đến các anh chị em hoặc thư giới thiệu từ các anh chị em sao?
Câu 1: Sở dĩ Phao-lô đặt câu hỏi “chúng tôi lại bắt đầu tự phô trương sao?” có lẽ là vì những kẻ chống đối ông trong Hội Thánh Cô-rinh-tô đã sử dụng những điều ông viết trong thư I Cô-rinh-tô (như I Cô-rinh-tô 4:11-16; 9:20-26; 11:1; 14:18) để lên án ông, cho rằng ông đã tự cao về mình. Tuy nhiên, Phao-lô không hề có ý tự cao, mà ông chỉ nói rõ sự thật, nhằm giúp con dân Chúa tại Cô-rinh-tô thấy rõ sự khác biệt trong cách hành xử của ông với những giáo sư giả, tiên tri giả.
Câu hỏi thứ hai của Phao-lô có hàm ý: Chẳng lẽ ông và các bạn của ông, là những người đến rao giảng và thành lập Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, lại cần thư giới thiệu từ Hội Thánh ở địa phương khác và cần thư giới thiệu từ Cô-rinh-tô đến các Hội Thánh khác, để làm sự tin tưởng hay sao?
2 Các anh chị em là lá thư giới thiệu của chúng tôi, đã được viết trong các tấm lòng của chúng tôi; được biết và được đọc bởi mọi người.
3 Các anh chị em được thể hiện rằng, các anh chị em là thư của Đấng Christ, được phục vụ bởi chúng tôi, đã được viết ra chẳng phải bằng mực nhưng bằng linh của Thiên Chúa Hằng Sống, chẳng phải trên các bảng làm bằng đá nhưng trên những bảng lòng làm bằng thịt.
Câu 2 và 3: Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được gọi là lá thư giới thiệu của Phao-lô và các bạn của ông vì họ chính là bằng chứng thực tế nhất minh chứng cho thành quả rao giảng Tin Lành của Phao-lô và các bạn của ông tại Cô-rinh-tô. Sự hiện diện của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được nhìn thấy, nghe biết bởi người dân địa phương và Hội Thánh ở các nơi khác.
Thư là phương tiện để truyền tải thông điệp. Mỗi con dân Chúa và mỗi Hội Thánh địa phương là “lá thư của Đấng Christ” nghĩa là qua nếp sống của con dân Chúa, qua sự sinh hoạt của Hội Thánh tại địa phương mà truyền tải đến nhiều người sự dạy dỗ của Đấng Christ. “Được viết ra bằng linh của Thiên Chúa Hằng Sống” nghĩa là con dân Chúa sống được một nếp sống tốt lành bằng năng lực từ Thiên Chúa và bày tỏ ra ngoài cho nhiều người nhìn thấy.
4 Và chúng tôi có sự tin cậy như vậy, qua Đấng Christ, hướng về Đức Chúa Trời.
5 Dù vậy, chẳng phải tự mình chúng tôi là xứng đáng mà nghĩ việc gì như bởi chúng tôi. Nhưng sự xứng đáng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời;
6 Đấng cũng làm cho chúng tôi xứng đáng là những người giúp việc của Giao Ước Mới, không bởi chữ nhưng bởi linh. Vì chữ thì giết; nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống!
Từ câu 4 đến câu 6: Phao-lô khẳng định ông và các bạn của ông không tự cao mà luôn ý thức được rằng mọi sự mình làm được đều đến từ sự ban ơn, thêm sức, soi dẫn của Đức Chúa Trời. Câu “không bởi chữ nhưng bởi linh”, có nghĩa là, vì Giao Ước Mới được viết bằng thánh linh trong lòng người nghe và tiếp nhận Tin Lành, nên những người phục vụ Giao Ước Mới cũng phục vụ bởi thánh linh và sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.
“Chữ thì giết” là chữ của Giao Ước Cũ, là luật pháp của Đức Chúa Trời được Môi-se ghi chép trong Sách Luật Pháp. Vì luật pháp lên án và hình phạt những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, nên chữ của luật pháp thì giết. “Đấng Thần Linh thì ban sự sống” nghĩa là Đấng Thần Linh cáo trách người có tội, ban cho họ sự hiểu biết và đức tin căn bản để tin vào Tin Lành Cứu Rỗi; rồi khi họ tiếp nhận Tin Lành thì Ngài tái sinh họ và ban cho thánh linh để sống vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.
7 Nhưng nếu chức vụ của sự chết, trong những chữ viết đã được khắc trên các bảng đá, đã được ở trong vinh quang, đến nỗi con cái I-sơ-ra-ên không thể nhìn vào mặt của Môi-se, bởi sự vinh quang của mặt người, dù ấy là sự bị qua đi;
8 thì làm sao chức vụ của Đấng Thần Linh chẳng ở trong vinh quang hơn?
9 Vậy, nếu chức vụ của sự định tội được vinh quang thì chức vụ của sự công chính vượt trội hơn nhiều trong vinh quang.
Từ câu 7 đến câu 9: Chức vụ của sự chết là chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ được Môi-se thi hành. Khi mang chức vụ của sự chết, Môi-se đã được ở trong sự vinh quang rực rỡ, mặc dù sự vinh quang ấy chỉ là tạm thời và chóng qua. Vậy nên, những người mang chức vụ phục vụ Giao Ước Mới sẽ được vinh quang lớn hơn và còn mãi mãi. Mặc dù hiện tại sự vinh quang ấy không thể hiện ra bên ngoài nhưng sẽ được thể hiện trên thân thể xác thịt được tái sinh.
10 Vì sự đã được làm cho vinh hiển đã chẳng được làm cho vinh hiển trong điều này, là phần thuộc về sự vinh quang vượt trội.
11 Vì nếu sự bị qua đi được vinh quang thì sự còn lại sẽ ở trong vinh quang nhiều hơn.
Câu 10 và 11: “Sự còn lại” là chức vụ phục vụ Giao Ước Mới. Danh từ “sự còn lại” giúp con hiểu rằng chức vụ phục vụ Giao Ước Mới sẽ còn lại mãi mãi. Vì Giao Ước Mới ban cho cho loài người năng lực từ Thiên Chúa để loài người có thể làm cho Giao Ước Cũ được thực hiện cách trọn vẹn, nên vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Mới hoàn toàn vượt trội vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Qua phân đoạn này con hiểu thêm được ý nghĩa và địa vị cao trọng bậc nhất của Hội Thánh trong chương trình của Đức Chúa Trời, qua chức vụ phục vụ Giao Ước Mới. Con cảm tạ Cha!
II Cô-rinh-tô 3:12-18 Những Người Phục Vụ Giao Ước Mới – Phần 2
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha vì một ngày bình an Ngài ban cho con. Con cảm tạ Cha đã ban ơn, thêm sức cho con chăm sóc vợ và các con. Con xin ghi lại những điều mà Ngài dạy cho con hiểu khi con đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 3:12-18.
12 Vậy, chúng tôi có sự mong chờ như vậy nên chúng tôi dùng sự nói dạn dĩ.
Câu 12: Sự mong chờ của Phao-lô và các bạn của ông là mong chờ đến ngày nhận được sự vinh quang lớn và sẽ còn lại mãi mãi được Chúa ban thưởng cho những người phục vụ Giao Ước Mới. Vì có sự trông cậy vững vàng như vậy nên trong lòng các sứ đồ đã dạn dĩ rao truyền Tin Lành để mong cho nhiều người cũng được dự phần trong sự vinh quang ấy.
13 Và chẳng như Môi-se, che màn trên khuôn mặt của mình, để cho con cái I-sơ-ra-ên chẳng nhìn vào sự kết thúc của sự bị qua đi.
14 Nhưng lý trí của họ đã bị chai cứng. Vì cho tới ngày nay, chính cái màn ấy vẫn còn ở trên sự đọc Cựu Ước, chẳng cất khỏi, mặc dù ấy là điều bị qua đi trong Đấng Christ.
15 Vậy nên, mãi tới nay, khi các sách của Môi-se được đọc, cái màn ấy vẫn còn nằm ở trên tấm lòng của họ.
Từ câu 13 đến câu 15: Tấm màn che mặt của Môi-se tiêu biểu cho sự thiếu hiểu biết của dân I-sơ-ra-ên về Giao Ước Cũ. “Cho tới ngày nay” là cho tới thời điểm Phao-lô viết thư II Cô-rinh-tô thì dân I-sơ-ra-ên vẫn thiếu hiểu biết về Giao Ước Cũ và thực trạng này vẫn kéo dài đến thời điểm hiện tại. Lý trí bị chai cứng là lý trí không thể tiếp nhận được thêm sự hiểu biết. Nguyên nhân chủ yếu khiến cho lý trí của một người bị chai cứng là do lòng kiêu ngạo và thích sống theo ham muốn của xác thịt, nên người ấy không thể nhận lẽ thật. Vì thế, phần đông dân I-sơ-ra-ên đã không tiếp nhận những lời rao giảng và việc làm của Đấng Christ.
16 Nhưng khi ai trở lại cùng Chúa, thì cái màn ấy bị cất khỏi.
Câu 16: Phương cách duy nhất để một người được cất đi sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa và mục đích của cả Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới, hay nói cách khác là hiểu được toàn bộ chương trình, ý muốn của Đức Chúa Trời, được ghi chép trong Thánh Kinh, là người ấy phải trở lại cùng Chúa. Từ “trở lại” chỉ ra thực trạng chung của loài người là họ đã “quay đi” với Chúa, không nhận Thiên Chúa là Đấng làm Chủ của mình, chối bỏ địa vị làm con của Đức Chúa Trời như vốn ban đầu Ngài đã định như vậy khi dựng nên loài người (Lu-ca 3:38).
17 Chúa là Đấng Thần Linh. Đấng Thần Linh của Chúa ở đâu thì sự tự do cũng ở đó.
Câu 17: Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự trong thân thể của những người trở lại cùng Thiên Chúa, khiến họ được tự do khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, tự do khỏi sự trói buộc của những tư tưởng của thế gian, tự do khỏi quyền lực của sự chết.
Thưa Cha, khi suy ngẫm về sự tự do trong Chúa, con nhớ đến những ngày đầu đến với Hội Thánh, khi đọc được loạt bài giảng về loài người của người chăn, tâm trí con cảm giác như được thoát khỏi những u mê, bối rối, không hiểu linh hồn là gì, loài người được tạo thành như thế nào.
18 Chúng ta ai nấy mặt không bị che, nhìn xem sự phản chiếu sự vinh quang của Chúa. Chúng ta được biến hóa theo như hình ảnh ấy, từ vinh quang đến vinh quang bởi linh của Chúa.
Câu 18: “Mặt không bị che” là tâm trí không bị che bởi sự thiếu hiểu biết, được tự do tiếp nhận sự tri thức đến từ Thiên Chúa. “Nhìn xem sự phản chiếu sự vinh quang của Chúa” nghĩa là nhìn biết được, cảm nhận được tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa thể hiện trong Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới. Khi một người hiểu, tiếp nhận, và sống theo Giao Ước Mới thì người ấy được biến hóa một cách vinh quang giống như sự vinh quang của Thiên Chúa.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì qua phân đoạn này mà con học biết thêm được ý nghĩa, sự cao trọng và sự vinh quang lớn còn mãi dành cho những người mang chức vụ phục vụ Giao Ước Mới. Con cảm tạ Cha vì sự hiểu thêm này giúp con tăng lên lòng trông cậy vào cuộc sống đời sau.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú