II Cô-rinh-tô: Chương Bảy

3 lượt xem

II Cô-rinh-tô 7:1-7 Niềm Vui của Phao-lô

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha chiều hôm nay cũng ban cho con có thời gian ngồi viết lại những suy ngẫm của con về Lời của Ngài, được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 7:1-7. Nguyện rằng những sự suy ngẫm Lời của Ngài giúp con được gần gũi Ngài càng hơn, và có được sự khôn sáng để xử lý các công việc.

1 Vậy, hỡi những người yêu dấu! Chúng ta có các lời hứa ấy, thì chúng ta hãy làm cho sạch chính mình khỏi mọi sự dơ bẩn của xác thịt và của thần trí, làm trọn sự nên thánh trong sự kính sợ Thiên Chúa.

Câu 1: Thưa Cha, con hiểu rằng, “các lời hứa ấy” trong câu này là lời Đức Chúa Trời hứa với những ai thật lòng tìm kiếm Ngài: nhận họ làm con, ở trong và đi lại giữa họ, làm Thiên Chúa của họ và nhận họ làm dân của Ngài. Câu này là lời Phao-lô gửi đến con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, những người mà ông rất yêu quý. Đồng thời, đối với con dân Chúa ở khắp mọi nơi, khắp mọi thời đại, thì đây là lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Linh. Lời kêu gọi ấy là, sau khi con dân Chúa đã được Ngài nhận làm con thì hãy tiếp tục làm sạch chính mình, nghĩa là tiếp tục và tiến bộ trong nếp sống thánh khiết, cho đến khi sống được trọn vẹn nếp sống thánh khiết, theo như sự dạy dỗ của Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 5:48).

“Sự dơ bẩn của xác thịt” là bao gồm sự không giữ gìn vệ sinh thân thể xác thịt, sự đi đến những đền thờ tà thần, sự đụng chạm các hình tượng, thần tượng, sự đi đến những nơi ô uế khi không cần thiết như các nghĩa địa. “Sự dơ bẩn của thần trí” là bao gồm các sự nuôi dưỡng lòng kiêu ngạo, những ý tưởng tà dâm, lòng ganh tị, sự lươn lẹo, những ý nghĩ giễu cợt, tầm phào…

2 Các anh chị em hãy mở lòng cho chúng tôi! Chúng tôi chẳng làm hại ai, chẳng làm bại hoại ai, chẳng lợi dụng ai.

Câu 2: Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô “hãy mở lòng” cho ông và các bạn của ông, nghĩa là, họ hãy tiếp nhận tình yêu của các sứ đồ và yêu lại họ bằng tình yêu của Thiên Chúa. Vì tấm lòng của các sứ đồ là chân thật, đến với mọi người chỉ với mục đích muốn họ được cứu và hiểu biết Tin Lành, chứ không có ý làm hại, làm bại hoại, hay lợi dụng ai.

3 Tôi chẳng nói vì sự buộc tội. Vì tôi đã nói trước rằng, trong những tấm lòng của chúng tôi, các anh chị em là những người sẵn sàng cho sự cùng chết và cùng sống với chúng tôi.

Câu 3: Phao-lô giải bày thêm rằng, những gì ông viết cho con dân Chúa không phải để buộc tội, lên án họ, nhưng ông chỉ nói lên sự thật về sự phạm tội của họ và kêu gọi họ ăn năn, giúp họ kịp thời thức tỉnh để không bị trật mất phần ân điển đã nhận lãnh từ nơi Chúa. Vì trước đây, trong lòng Phao-lô và các bạn của ông cũng đã nhận biết rằng con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là những người thật lòng tin nhận Chúa, sẵn sàng chịu mọi sự gian khổ, bách hại vì đức tin nơi Chúa, cùng chia sẻ vui buồn và chia xẻ mọi nhu cầu vật chất với các sứ đồ. Họ không phải không có tấm lòng với Chúa mà phạm tội là vì sự thiếu hiểu biết và sự bị ma quỷ lợi dụng sự thiếu hiểu biết ấy để tấn công Hội Thánh; hoặc có người không thắng được ham muốn của xác thịt dẫn đến phạm tà dâm (I Cô-rinh-tô 5:1).

4 Lời nói ngay thẳng của tôi với các anh chị em là nhiều. Sự khoe khoang của tôi thay cho sự khoe khoang của các anh chị em là nhiều. Tôi đã được đổ đầy sự an ủi. Tôi được thêm nhiều quá mức sự vui mừng giữa mọi sự bách hại của chúng tôi.

Câu 4: Phao-lô khẳng định trong sự giảng dạy, hướng dẫn, khuyên bảo Hội Thánh Cô-rinh-tô thì ông luôn nói những lời thẳng thắn, chân thành. Ông thay cho họ khoe về đức tin của họ trong khắp các Hội Thánh địa phương khác, mà có lẽ điển hình là khoe về sự họ luôn sẵn sàng cho sự cùng chết và cùng sống với các sứ đồ, như đề cập trong câu 3.

Dù trên linh trình, Phao-lô phải trải qua nhiều sự bách hại nhưng ông luôn được Đức Chúa Trời an ủi cách đầy trọn, đồng thời cũng được Ngài thêm lên nhiều quá mức sự vui mừng. Theo văn mạch, con hiểu rằng, sự vui mừng quá mức Phao-lô nói đến ở đây là sự vui mừng vì Hội Thánh Cô-rinh-tô đã thật lòng ăn năn, đã chiến thắng trong cuộc chiến thuộc linh, đã giữ vững được đức tin, như được trình bày trong II Cô-rinh-tô 7:8-16.

5 Vì khi chúng tôi đã đến trong xứ Ma-xê-đoan, xác thịt của chúng tôi đã chẳng có sự yên nghỉ. Nhưng chúng tôi bị ép trong mọi sự. Bên ngoài là những cơn chiến trận, bên trong là những sự đáng sợ.

Câu 5: Trong chuyến hành trình đến Cô-rinh-tô, Phao-lô và các bạn của ông xuất phát từ Ê-phê-sô đi ngược lên phía bắc, rồi vào xứ Ma-xê-đoan để thăm các Hội Thánh ở đây. Rồi từ Ma-xê-đoan xuôi xuống phía nam để đến Cô-rinh-tô. Trước đó, Sứ Đồ Phao-lô đã gửi Tít đi trước đến Cô-rinh-tô và hẹn gặp lại Tít tại thành Trô-ách, trước khi vào xứ Ma-xê-đoan, để nghe Tít tường thuật lại tình hình của Hội Thánh Cô-rinh-tô. Nhưng tại Trô-ách, Phao-lô đã không gặp lại Tít nên ông đã vội lìa Trô-ách để tiếp tục cuộc hành trình. Vì thế, Phao-lô và các bạn của ông đến trong xứ Ma-xê-đoan trong tâm trạng lo lắng về tình trạng thuộc linh của Hội Thánh Cô-rinh-tô. “Xác thịt chẳng có sự yên nghỉ” có thể hiểu là thường không được ngon giấc khiến thân thể mệt mỏi, vì trong lúc ngủ tâm thần cũng lo nghĩ về thực trạng của Hội Thánh. “Bên ngoài là những cơn chiến trận” là Phao-lô nói về những khó khăn xảy ra về phần thuộc thể như những thiếu thốn nhu cầu vật chất, những sự bách hại vì đức tin. “Bên trong là những sự đáng sợ” là Phao-lô nói đến những sự lo lắng trong tâm thầm về con dân Chúa, sợ họ bị tà giáo dẫn dụ, sợ họ vì thiếu hiểu biết mà phạm tội… Sự đáng sợ này hoàn toàn khác với nỗi lo lắng và sợ hãi vì không có đức tin nơi sự quan phòng của Chúa.

6 Nhưng Đức Chúa Trời, Đấng an ủi những người ngã lòng, đã an ủi chúng tôi trong sự đến của Tít.
7 Mà không chỉ trong sự đến của người nhưng cũng trong sự an ủi mà người đã được an ủi bởi các anh chị em. Người nói cho chúng tôi về sự khao khát của các anh chị em, sự khóc lóc của các anh chị em, lòng sốt sắng của các anh chị em đối với tôi, khiến tôi được vui mừng càng hơn.

Câu 6 và 7: Đang trong tâm trạng lo lắng cho Hội Thánh Cô-rinh-tô thì Phao-lô được gặp lại Tít tại thành Phi-líp, là một niềm an ủi lớn cho ông và các bạn của ông. Nhưng điều an ủi lớn hơn nữa là tin tức về sự Hội Thánh Cô-rinh-tô đã thật sự đau buồn khóc lóc, ăn năn thống hối. Lòng sốt sắng của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đối với Phao-lô là, sốt sắng vâng theo những hướng dẫn của ông trong các lá thư, sốt sắng mong chờ Phao-lô đến Cô-rinh-tô.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì những Lời của Ngài trong phân đoạn này cũng an ủi lòng con. Xin Cha dùng Lời của Ngài để thêm sức cho các anh chị em con, ban cho chúngcon sự khôn sáng, giúp chúng con vượt qua những lúc khó khăn này. Con cảm tạ Ngài! A-men.


II Cô-rinh-tô 7:8-16 Nỗi Buồn Theo Ý Chúa 

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì một ngày mới Ngài ban cho con. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 7:8-16. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

8 Nếu như trong lá thư tôi cũng đã làm cho các anh chị em buồn rầu thì tôi không hối tiếc. Nếu tôi cũng đã hối tiếc là vì tôi thấy rằng, lá thư ấy dù sao cũng đã làm cho các anh chị em buồn rầu trong một lúc.

Câu 8: Thưa Cha, con hiểu rằng, lá thư Phao-lô nhắc đến ở đây là lá thư ông nhờ Tít mang đến Cô-rinh-tô, sau thư I Cô-rinh-tô. Có lẽ lá thư ấy đã làm cho Hội Thánh buồn rầu vì nội dung trong thư là lời quở trách nặng đối với Hội Thánh vì đã dung túng tội lỗi. Phao-lô khẳng định ông không hối tiếc khi viết ra những lời quở trách ấy để khiến cho Hội Thánh phải buồn rầu, vì điều ấy là cần thiết để giúp họ thức tỉnh, kịp thời ăn năn, để không bị Chúa cất chân đèn ra khỏi chỗ, nghĩa là Hội Thánh bị đem ra khỏi Cô-rinh-tô (Khải Huyền 2:5).

Phao-lô đưa ra một giả định là nếu ông có thấy hối tiếc là hối tiếc về việc đã làm cho Hội Thánh Cô-rinh-tô buồn rầu trong một thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là Phao-lô không hề muốn phải quở trách họ, không muốn phải làm họ đau lòng, như cha mẹ không hề muốn phải đánh đòn con cái khiến nó bị đau, nhưng thà nghiêm khắc sửa phạt để nó nên người còn hơn sau này nó hư hỏng.

9 Nay, tôi vui mừng không bởi các anh chị em đã bị làm cho buồn rầu, nhưng bởi các anh chị em đã bị làm cho buồn rầu dẫn đến sự hối cải. Các anh chị em đã bị làm cho buồn rầu theo ý của Thiên Chúa, mà các anh chị em đã chẳng bị thiệt hại bởi chúng tôi trong bất cứ sự gì.
10 Vì sự buồn rầu theo ý của Thiên Chúa làm thành sự hối cải, dẫn đến sự cứu rỗi, là sự buồn rầu không hối tiếc; còn sự buồn rầu của thế gian làm thành sự chết.

Câu 9 và 10: Phao-lô vui mừng vì sự ông làm cho con dân Chúa buồn rầu dẫn đến sự hối cải. Đó là niềm vui của một người có tình yêu chân thật đối với người khác, giống như cha mẹ vui mừng vì sự nghiêm khắc của mình giúp con cái trở nên ngoan ngoãn. Bởi vậy, sự buồn rầu khi nhận biết mình thật sự đã phạm tội, đã xúc phạm Thiên Chúa, là sự buồn rầu đúng theo ý Chúa, để đem người phạm tội đến với sự ăn năn thật lòng. Sự buồn rầu theo ý Chúa giúp một người cảm nhận được nỗi đau đớn mình do hậu quả của tội lỗi, điều này giúp người vi phạm không dám và không còn muốn phạm tội nữa. Sự buồn rầu theo ý Chúa chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn vì người ấy sẽ được Chúa an ủi. Sự buồn rầu của thế gian là buồn theo ý riêng, buồn vì tự ái không đúng, buồn vì không thể tha thứ cho người làm thiệt hại mình. Sự buồn rầu của thế gian sẽ khiến một người làm ra tội và nếu không ăn năn thì sẽ càng lún sâu trong tội, mà điển hình là vì kiêu ngạo mà giận ghét anh chị em của mình, rồi tự ý dứt thông công với Hội Thánh.

11 Vì, hãy xem! Về sự này, các anh chị em đã bị buồn rầu theo ý của Thiên Chúa thì nó đã làm ra sự sốt sắng trong các anh chị em biết bao! Nào là sự nhận lỗi, nào là sự buồn giận, nào là sự kính sợ, nào là sự khao khát, nào là sự nóng cháy, nào là sự trách phạt. Trong mọi sự, các anh chị em đã phô trương chính mình là thanh sạch trong việc đã làm.

Câu 11: Vì con dân Chúa tại Cô-rinh-tô buồn rầu theo ý Chúa nên đã được Đức Thánh Linh dẫn dắt làm ra các hành động cụ thể thể hiện sự ăn năn, như: sốt sắng nhận lỗi, xin lỗi lẫn nhau; sốt sắng trong sự buồn giận chính mình vì đã phạm tội với Chúa, với anh chị em cùng Cha của mình; sốt sắng xưng tội với lòng kính sợ Chúa; khao khát nếp sống thánh khiết theo đúng Lời Chúa; nóng cháy thực hiện những điều được Chúa dạy dỗ qua Sứ Đồ Phao-lô; sốt sắng đón nhận sự trách phạt của Chúa qua Phao-lô, được truyền đạt bởi Tít. “Trong mọi sự phô trương chính mình là thanh sạch trong việc đã làm” là có ý nói mọi hành động tỏ ra lòng ăn năn, thống hối của Hội Thánh Cô-rinh-tô đều là chân thật, không có sự giả hình, đúng theo tiêu chuẩn yêu thương, công chính, thánh khiết của Chúa. Thực tế, thì có những trường hợp tỏ ra sự ăn năn chỉ là trên môi miệng, không có sự thống hối thật lòng.

12 Vậy, nếu tôi cũng đã viết cho các anh chị em, ấy không phải vì cớ kẻ làm sự trái nghịch, không phải vì cớ kẻ chịu sự trái nghịch; nhưng vì cớ các anh chị em, là sự thể hiện lòng sốt sắng của chúng tôi, là sự chúng tôi vì các anh chị em, đối với các anh chị em, trước mặt của Đức Chúa Trời.

Câu 12: Phao-lô khẳng định ông viết thư cho Hội Thánh Cô-rinh-tô không phải để lên án, buộc tội kẻ làm sai, mặc dù ông thẳng thắn nói lên sự phạm tội; cũng không phải để an ủi những người bị sự thiệt hại. Mục đích chính của ông là vì sự an nguy chung của Hội Thánh, là thể hiện lòng sốt sắng quan tâm đến họ.

13 Qua đó, chúng tôi đã được an ủi bởi sự an ủi của các anh chị em; nhưng chúng tôi đã được vui mừng vượt trội càng hơn bởi sự vui mừng của Tít. Vì tâm thần của người đã được tươi mới từ hết thảy các anh chị em.
14 Để cho nếu tôi đã khoe bất cứ điều gì về các anh chị em với người, thì tôi chẳng bị hổ thẹn. Nhưng như chúng tôi đã nói với các anh chị em trong lẽ thật thì cũng vậy, sự khoe của chúng tôi trước Tít là lẽ thật.
15 Lòng thương cảm của người đối với các anh chị em là rất lớn, khi người nhớ lại mọi sự vâng phục của hết thảy các anh chị em; bởi cách các anh chị em đã tiếp nhận người với sự kính sợ và sự run rẩy.
16 Vậy, tôi vui mừng vì tôi tin cậy trong các anh chị em trong mọi sự.

Từ câu 13 đến câu 16: “Sự an ủi của các anh chị em” là Phao-lô có thể là vừa nói đến sự con dân Chúa Cô-rinh-tô sốt sắng trong sự ăn năn, vừa nói đến những lời an ủi họ nhờ Tít gửi đến Phao-lô và các bạn của ông. Nhưng sự làm cho các sứ đồ được vui mừng càng hơn đó là sự tỏ ra vui mừng của Tít. Bởi vì chính sự tỏ ra vui mừng của Tít là một minh chứng rõ ràng về sự kết quả ăn năn của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô.

“Các anh chị em đã tiếp nhận người với sự kính sợ và sự run rẩy” nghĩa là con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã tiếp đón Tít như một sứ giả đến từ Chúa, trong thẩm quyền của Thiên Chúa và tiếp nhận những lời quở trách sửa phạt của Phao-lô qua sự truyền đạt của Tít như là lời đến từ Thiên Chúa.

Qua sự tường thuật lại của Tít, Phao-lô vui mừng vì con dân Chúa tại Cô-rinh-tô vẫn đứng vững trong đức tin và tin cậy rằng họ sẽ tiếp tục trung tín với Chúa và làm thành mọi việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho họ.

Con cảm tạ Cha vì qua phân đoạn này, con cảm nhận được thêm về tấm lòng của Phao-lô đối với Hội Thánh. Con cảm tạ Cha vì được Ngài thương xót, an ủi khi con thật lòng ăn năn sau những lần vấp ngã, giúp con vượt qua những sự tự ti, mặc cảm để can đảm bước tiếp trong chức vụ. Con cảm tạ Cha! A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *