II Cô-rinh-tô 11:1-7 Về Những Sứ Đồ Giả – Phần 1
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày lao động bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 11:1-7. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
1 Tôi mong sao các anh chị em chịu đựng sự vô tri của tôi một ít. Nhưng các anh chị em cũng chịu đựng tôi.
2 Vì tôi nóng cháy về các anh chị em với sự nóng cháy của Thiên Chúa. Bởi tôi đã đính hôn các anh chị em cho một chồng mà thôi. Tôi trình dâng các anh chị em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ.
Câu 1 và 2: Thưa Cha, con hiểu rằng, trước tình trạng các giáo sư giả trà trộn vào trong Hội Thánh và khoe mình quá mức về họ, Sứ Đồ Phao-lô buộc phải lên tiếng bênh vực mình, phản bác lại các giáo sư giả. Mặc dù, những điều Phao-lô nói là chân thật, nhưng ông mong con dân Chúa chịu đựng sự khoe mình trong Chúa của ông một ít. Và thực tế, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã tiếp nhận những lời chân thật của ông.
Phao-lô nóng cháy về con dân Chúa tại Cô-rinh-tô với sự nóng cháy của Thiên Chúa, nghĩa là ông luôn sốt sắng làm ra những điều tốt lành cho họ bằng tình yêu của Thiên Chúa. “Đính hôn cho một chồng” nghĩa là qua sự giảng Tin Lành của Phao-lô mà con dân Chúa tại Cô-rinh-tô có cơ hội tiếp nhận Đấng Christ, được nhập vào Hội Thánh, trở thành vợ hứa của Ngài. Hội Thánh được gọi là “người trinh nữ tinh sạch” nghĩa là con dân Chúa trong Hội Thánh được trở nên tinh sạch khỏi tội lỗi, được thoát khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, là nhờ sự hy sinh của Đấng Christ.
3 Nhưng tôi sợ rằng, kẻo như con rắn đã lừa gạt Ê-va với mưu kế của nó, thì cũng vậy, lý trí của các anh chị em có thể bị hủ bại, khỏi sự thật thà của sự hướng về Đấng Christ.
Câu 3: Phao-lô sợ rằng, những giáo sư giả sẽ dùng những lời giả dối để lừa gạt con dân Chúa, giống như xưa kia Sa-tan mượn hình con rắn để lừa gạt Ê-va, khiến lý trí bị hủ bại. “Lý trí bị hủ bại” là lý trí không còn suy luận dựa trên thần trí, không còn đơn sơ, chân thật, mà trở nên ngụy biện, chỉ suy nghĩ hướng về cái tôi của mình và ham muốn xác thịt.
4 Vì nếu thật có người đến giảng một Jesus khác mà chúng tôi chưa từng giảng; hoặc giảng cho các anh chị em nhận một linh khác mà các anh chị em chưa từng nhận; hoặc giảng một Tin Lành khác mà các anh chị em chưa từng nhận, thì có lẽ các anh chị em chịu đựng tốt người ấy.
Câu 4: Dựa trên sự kiện Hội Thánh tại Cô-rinh-tô cho phép các giáo sư giả sinh hoạt trong Hội Thánh, Sứ Đồ Phao-lô đặt ra một giả sử là, nếu có ai đến giảng về một Jesus khác, một linh khác, một Tin Lành khác thì có thể họ cũng tiếp nhận. Phao-lô muốn nhấn mạnh đến tính nghiêm trọng của việc Hội Thánh không xử lý những giáo sư giả, thì sẽ trở thành mầm họa, sẽ gây hại rất lớn cho Hội Thánh.
5 Vì tôi tưởng rằng, chẳng có điều gì tôi đã đứng sau các sứ đồ rất cao trọng.
6 Nhưng dù cho ngay cả về sự nói năng tôi là người không khéo léo, thì về sự hiểu biết chẳng phải vậy. Mà trong mọi sự chúng đã được tỏ ra cho các anh chị em trong mọi cách.
Câu 5 và 6: Thưa Cha, con hiểu rằng, hai câu này là lời tự bênh vực mình của Phao-lô, mà cùng là lời khoe mình trong Chúa của ông. “Chẳng có điều gì đứng sau” nghĩa là không có điều gì trong sự hiểu biết, thẩm quyền, sự chịu khổ vì Chúa, thành quả hầu việc Chúa… mà Phao-lô thua kém một sứ đồ nào. Và trong mọi sự đó, ông đã bày tỏ ra cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô được nhìn biết cách rõ ràng. Ngay cả, cho dù ông không khéo ăn nói nhưng sự hiểu biết về Chúa thì luôn trọn sự khôn khéo. Có thể các giáo sư giả đã khoe khoang về tài hùng biện của mình và gièm chê Phao-lô ăn nói không khéo léo.
7 Hoặc có phải tôi đã phạm tội khi hạ thấp chính mình để các anh chị em được tôn cao? Vì tôi đã giảng cho các anh chị em Tin Lành của Đức Chúa Trời cách miễn phí.
Câu 7: Câu hỏi của Phao-lô trong câu này hàm ý, có phải vì ông đã sống hạ mình, xem con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là tôn trọng hơn mình, không giống như các giáo sư giả hay khoe mình, mà họ cho rằng ông không bằng các giáo sư giả. Có phải ông giảng Tin Lành cho họ cách miễn phí, không giống các giáo sư giả đòi hỏi họ phải cung phụng, mà ông không đáng được tôn trọng như các giáo sư giả? Phao-lô hỏi với ý kêu gọi họ kiểm chứng, so sánh nếp sống giữa một sứ đồ của Chúa và một sứ đồ giả, ai mới là chân thật, đáng quý, đáng kính.
Con cảm tạ Chúa đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng ban cho con một đêm ngon giấc, được bổ lại sức, để chuẩn bị cho những công việc của ngày mai.
II Cô-rinh-tô 11:8-15 Về Những Sứ Đồ Giả – Phần 2
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 11:8-15. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu.
8 Tôi đã vơ vét các Hội Thánh khác, đã nhận lấy tiền lương từ họ cho sự phục vụ các anh chị em.
Câu 8: Thưa Cha, con hiểu rằng, câu này Phao-lô có ý nói ông đã nhận tiền tiếp trợ từ con dân Chúa trong xứ Ma-xê-đoan, nhưng thay vì phục vụ họ, ông lại phục vụ con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Làm như vậy thì không khác gì ông cướp bóc họ.
9 Khi tôi ở cùng các anh chị em và bị thiếu thốn, thì tôi đã không làm phiền ai. Vì sự thiếu thốn của tôi, các anh chị em cùng Cha đến từ Ma-xê-đoan đã cung cấp. Và trong mọi sự, tôi đã giữ không là gánh nặng cho các anh chị em, và tôi sẽ giữ như vậy.
Câu 9: Suốt 18 tháng Phao-lô giảng Tin Lành và xây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Sứ Đồ Phao-lô đã không nhờ cậy Hội Thánh Cô-rinh-tô tiếp trợ các nhu cầu vật chất của ông. Ông đã tự mình làm việc kiếm sống và Chúa đã tiếp trợ ông qua Hội Thánh xứ Ma-xê-đoan. Phao-lô khẳng định ông vẫn sẽ tiếp tục giữ như vậy, lý do được ông trình bày ở các câu tiếp theo.
10 Lẽ thật của Đấng Christ ở trong tôi nên đối với tôi sự khoe mình này sẽ không giữ kín hay bị chặn lại trong các khu vực của A-chai.
11 Bởi cớ gì? Vì tôi không yêu các anh chị em chăng? Đã có Đức Chúa Trời biết!
Câu 10 và 11: “Lẽ thật của Đấng Christ ở trong tôi” là Phao-lô khẳng định ông luôn giữ gìn và sống một nếp sống đúng theo sự dạy dỗ của Đấng Christ. Kể cả sự khoe mình của ông về sự không nhờ cậy sự tiếp trợ của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô mà hết lòng làm việc kiếm sống cũng là nhằm tôn cao Chúa, khoe ra sự ban ơn, thêm sức, tiếp trợ của Chúa.
Câu hỏi “vì tôi không yêu các anh chị em chăng?” là Phao-lô hàm ý ông không có ý khoe ra sự ông không nhận tiếp trợ từ Hội Thánh Cô-rinh-tô là để làm họ xấu hổ, mang tiếng xấu. Lý do được ông trình bày tiếp theo ở câu 12.
12 Nhưng điều tôi làm và sẽ làm để cắt đứt cơ hội của những kẻ muốn có cơ hội để trong sự họ khoe mình, họ được nhận biết cũng như chúng tôi.
13 Vì những kẻ như vậy là những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, giả dạng thành những sứ đồ của Đấng Christ.
Câu 12 và 13: Phao-lô nhắm đến mục đích lớn hơn trong sự không nhận tiếp trợ từ con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là để đánh bại sự tự cao, khoe mình của các giáo sư giả, đang lợi dụng con dân Chúa Cô-rinh-tô. Những giáo sư giả được gọi là những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, nghĩa là, họ đã rao truyền những điều không đúng với lẽ thật Lời Chúa, dùng tài hùng biện để bắt con dân Chúa cung phụng những nhu cầu vật chất. Bề ngoài họ tỏ ra là sứ đồ của Đấng Christ, nhưng những việc làm thì tỏ ra là tôi tớ của Sa-tan.
14 Và chẳng lạ gì, vì chính Sa-tan tự giả dạng thành thiên sứ của Sự Sáng.
15 Vậy nên, chẳng có gì là vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó cũng được giả dạng như những người giúp việc của sự công chính. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ là xứng với những việc làm của chúng nó.
Câu 14 và 15: Câu “chẳng có gì là vĩ đại” là Phao-lô nhằm chỉ về những sự tỏ ra của các sứ giả của Sa-tan, có vẻ uy nghiêm, đạo mạo bề ngoài, hoặc có thể làm ra những phép lạ khiến người ta trầm trồ, thán phục, nhưng thật chất chỉ là những kẻ chuyên làm ác như Lời Chúa phán trong Ma-thi-ơ 7:21-23. Những kẻ ấy sẽ lãnh nhận hình phạt xứng đáng với những việc ác họ làm. Nhưng là con dân Chúa thì mỗi người phải luôn biết đối chiếu mọi lời rao giảng với Lời Chúa, để tránh bị các tiên tri giả, giáo sư giả dẫn dụ. Phương cách duy nhất và hiệu quả nhất để tránh lạc lối là thực hành Giô-suê 1:8.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng gìn giữ Hội Thánh trong những ngày sau cùng này, là thời kì mà thế gian ngập tràn mọi thứ đạo lạ, Tin Lành giả dối. Con cảm tạ Cha!
II Cô-rinh-tô 11:16-23 Sự Chịu Khổ của Phao-lô Trong Chức Vụ – Phần 1
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,
Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày bình an. Con cảm tạ Cha hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong II Cô-rinh-tô 11:16-23. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.
16 Tôi lại nói rằng: Chớ có ai nghĩ tôi là kẻ dại dột. Nhưng trái lại, nếu không được vậy, thì ít ra các anh chị em hãy tiếp nhận tôi để tôi khoe mình một ít.
17 Điều tôi nói là tôi nói không theo Chúa, nhưng như nói trong sự vô tri về sự khoe mình quả quyết này.
Câu 16 và 17: “Chớ có ai nghĩ tôi là kẻ dại dột” là lời Phao-lô khuyên cáo con dân Chúa tại Cô-rinh-tô và những giáo sư giả, là đừng có ai nghĩ rằng, ông là kẻ khờ dại, không biết đối phó với những kẻ chống nghịch ông. Nhưng nếu có ai trong Hội Thánh Cô-rinh-tô thật sự nghĩ rằng ông dại dột, thì ông cũng mong họ tiếp nhận những lời khoe mình trong Chúa của ông.
“Nói không theo Chúa” là Phao-lô có ý nói những lời khoe mình của ông là không bởi sự thần cảm của Chúa mà bởi ý muốn của ông. Dù vậy, những lời của ông được Đức Thánh Linh ghi vào trong Thánh Kinh thì lời ấy là đúng ý Chúa, đẹp lòng Chúa.
18 Bởi có nhiều người khoe mình theo xác thịt, tôi cũng sẽ khoe mình.
19 Vì các anh chị em là những người khôn sáng mà vui mừng chịu đựng những kẻ vô tri.
20 Vì các anh chị em chịu đựng nếu bất cứ ai bắt các anh chị em làm nô lệ; nếu bất cứ ai ăn nuốt các anh chị em; nếu bất cứ ai nắm bắt các anh chị em; nếu bất cứ ai tự tôn cao mình; nếu bất cứ ai tát vào mặt các anh chị em.
Từ câu 18 đến câu 20: “Khoe mình theo xác thịt” là khoe về danh tiếng, địa vị, sự giàu sang, học thức, về các mối quan hệ lớn… Sự khoe mình theo xác thịt là một sự kiêu ngạo, nhằm tôn cao người khoe. Câu 19 và 20 là Phao-lô cảm thán về sự những giáo sư giả đến Cô-rinh-tô khoe mình theo xác thịt, tự tôn cao mình, khinh dể, bắt con dân Chúa phải cung phụng họ, họ xem thường con dân Chúa, vậy mà một số con dân Chúa Cô-rinh-tô cũng tiếp nhận họ, chịu đựng những sự kiêu ngạo của họ.
21 Tôi nói về sự hổ thẹn gán cho chúng tôi như thể chúng tôi yếu đuối. Nhưng trong bất cứ sự gì nếu có ai dạn dĩ thì tôi nói trong sự vô tri, tôi cũng dạn dĩ.
Câu 21: Có lẽ các giáo sư giả đã gièm chê, gán cho Phao-lô và các bạn của ông là những người yếu đuối. Tuy nhiên, Phao-lô khẳng định trong bất cứ phương diện nào cáo giáo sư giả khoe mình là họ dạn dĩ thì ông cũng khoe mình là dạn dĩ. Thực tế, người đời xưng mình là dạn dĩ thì chỉ là một cách nói quá, một sự kiêu ngạo. Phao-lô có sự dạn dĩ là vì ông nương cậy nơi sức toàn năng của Chúa. Ông và các bạn của ông đã luôn kiên cường, nhờ cậy sức Chúa mà vượt qua biết bao nguy hiểm, khổ cực trong khi rao giảng Tin Lành. Nên họ chắc chắn không phải là những người yếu đuối.
22 Họ là người Hê-bơ-rơ phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là người I-sơ-ra-ên phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là dòng dõi của Áp-ra-ham phải chăng? Tôi cũng vậy.
Câu 22: Câu này giúp con hiểu rằng trong những giáo sư giả thì có những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo. Các tà giáo phổ biến mà những người này rao giảng là phép cắt bì, sự giữ các ngày lễ hội thời Cựu Ước, sự kiêng các thức ăn không tinh sạch. Họ tự xưng mình là người Hê-bơ-rơ để nhấn mạnh đến chủng tộc của mình; xưng nhận là thuộc dân I-sơ-ra-ên hàm ý là mình thuộc về dân tộc được Thiên Chúa lựa chọn; xưng là dòng dõi của Áp-ra-ham, hàm ý là mình có phần trong lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham. Về những sự khoe mình ấy, thì Phao-lô xác nhận ông không thua kém gì các giáo sư giả.
23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.
Câu 23: Câu hỏi “họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng?” là một cách nói giả định, bởi vì các giáo sư giả rao truyền các tà giáo, tìm cách tôn cao mình, thì không thể là người hầu việc Đấng Christ. Phao-lô hỏi với hàm ý, cho dù họ có thật là người phục vụ Đấng Christ, thì cũng không thể so sánh với ông về sự tự mình lao động làm việc kiếm sống, về sự chịu bị đòn roi, cầm tù, bị nhiều phen nguy hiểm đến tính mạng. Một lần nữa, Phao-lô nói sự khoe mình của ông là “dại dột”, nghĩa là, ông không muốn nói đến những sự chịu khổ của mình, nhưng buộc phải nói ra cách rõ ràng, để con dân Chúa có chứng cớ để so sánh giữa một tôi tớ chân thật của Chúa với các sứ giả của Sa-tan mạo làm những người giúp việc của sự công chính.
Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây.
Nguyện xin Cha cũng ban cho con một buổi tối bình an, làm việc được hiệu quả. Con cảm tạ Cha! A-men.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú