Phi-líp: Chương Ba

18 lượt xem

Phi-líp 3:1-6 Sự Vui Mừng Trong Đấng Christ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã gìn giữ con qua một ngày lao động bình an. Tuy thân thể có mệt mỏi nhưng lòng con vui vì được phụng sự Ngài qua những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho con. Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban ơn cho con trong sự suy ngẫm phân đoạn Phi-líp 3:1-6 và viết bài chia sẻ. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy vui mừng trong Chúa! Tôi thật chẳng phiền lòng mà viết những điều này cho các anh chị em nữa, vì ấy là sự an toàn cho các anh chị em.

Câu 1: Thưa Cha, con hiểu rằng, tại thời điểm viết thư Phi-líp, Phao-lô đã trải qua cuộc đời gần 30 năm đi theo Chúa. Ông đã trải biết bao vui buồn, gian khổ trên linh trình. Vì thế, lời kêu gọi “hãy vui mừng trong Chúa” là một kinh nghiệm thực tế của chính ông. Cảm xúc vui mừng trong Chúa đầu tiên của một người là khoảnh khắc người ấy tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài. Sau đó, đời sống đi theo Chúa của người ấy là sự tiếp diễn của những niềm vui, như: vui khi hiểu được một lẽ thật sâu nhiệm trong Lời Chúa, vui khi biết cách áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống, vui khi được Chúa ban cho một việc lành, vui khi khám phá ra những điều Chúa hứa ban cho trong đời sau, vui khi giúp được một người biết đến sự cứu rỗi của Chúa… Mặc dù, cuộc sống đi theo Chúa nhiều lúc cũng trải những nỗi buồn nhưng cũng sẽ mau chóng qua đi vì một lẽ thật rất đơn giản, là chính Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh sẽ an ủi người ấy.

Sau lời kêu gọi con dân Chúa tại Phi-líp hãy cứ tiếp tục sống vui mừng trong Chúa, thì Phao-lô gửi những lời căn dặn vì sự an toàn thuộc linh của họ. Ông căn dặn con dân Chúa phải coi chừng những kẻ ác, dưới sự tác động của ma quỷ, luôn rình rập tìm cách tấn công con dân Chúa.

2 Hãy coi chừng những con chó! Hãy coi chừng những kẻ làm công gian ác! Hãy coi chừng sự cắt bì giả!

Câu 2: Con hiểu rằng, “những con chó” là chỉ những kẻ có bản tính hung dữ, luôn rình rập, sẵn sàng tấn công, bắt nạt con dân Chúa khi có cơ hội.

“Những kẻ làm công gian ác” có lẽ là Phao-lô hàm ý chỉ về những người rao giảng về Đấng Christ nhưng với mục đích tìm kiếm danh lợi cho riêng mình, bắt con dân Chúa cung phụng họ. Hoặc cũng có thể chỉ về những người trước kia thuộc Do-thái Giáo, nhưng sau khi tin Chúa thì lại pha trộn các lề thói của Do-thái Giáo vào Tin Lành chân thật của Đấng Christ và bắt con dân Chúa phải làm theo để được cứu rỗi, điển hình là bắt con dân Chúa phải chịu cắt bì.

“Sự cắt bì giả” là chỉ về những người không thật lòng tin nhận Chúa, không thật lòng ăn năn tội, dù có thể ngoài miệng họ tuyên xưng đức tin nơi Chúa. Vì không thật lòng tin nhận Chúa nên không được Ngài tái sinh, vẫn còn mang bản tính tội, nên gọi là “cắt bì giả”.

3 Vì chúng ta là những người chịu cắt bì thật, là những người phụng sự Thiên Chúa trong tâm thần, vui mừng trong Đấng Christ Jesus, và không nương cậy trong xác thịt.

Câu 3: Con hiểu rằng, Phao-lô dùng đại từ xưng hô “chúng ta” là chỉ về ông và con dân Chúa tại Phi-líp, nhưng cũng có thể áp dụng cho tất cả những ai thật lòng tin nhận Chúa. Những người thật lòng tin nhận Chúa được gọi là “những người chịu cắt bì thật” vì thật lòng không muốn phạm tội và thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nên được Ngài rửa sạch bản tính tội.

Con dân Chúa “phụng sự Thiên Chúa trong tâm thần” là hành động theo nhận thức đến từ tâm thần đã được Thiên Chúa tái sinh, không còn sống theo tham muốn của xác thịt.

Con dân Chúa “vui mừng trong Đấng Christ Jesus” nghĩa là luôn giữ niềm hy vọng và lòng trông cậy hướng về Đức Chúa Jesus Christ trong mọi cảnh ngộ.

Con dân Chúa “không nương cậy trong xác thịt” nghĩa là không còn để lòng nương cậy nơi sức khỏe, tiền tài, địa vị, tài năng, danh tiếng… để giải quyết những nan đề trong cuộc sống, mà hoàn toàn nương cậy nơi sức toàn năng của Đấng Christ.

4 Dù tôi cũng có thể tin cậy trong xác thịt. Nếu có ai tưởng rằng có thể nương cậy trong xác thịt, thì tôi lại có thể càng hơn.
5 Tôi chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng I-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, một người Hê-bơ-rơ của dân Hê-bơ-rơ; về luật pháp, là một người Pha-ri-si;
6 về lòng sốt sắng thì bách hại Hội Thánh; về sự công chính trong luật pháp thì không chỗ trách được.

Từ câu 4 đến câu 6: Con hiểu rằng, bản thân Phao-lô hiểu rất rõ một người có đầy đủ danh tiếng, địa vị, tiền tài, tài năng, kể cả lòng sốt sắng vì Chúa và vâng giữ luật pháp theo bề ngoài, mà nếu không nhận biết Đấng Christ thì tất cả chỉ là sự lỗ. Gọi là “sự lỗ” vì những điều đó chỉ khiến một người hướng lòng nương cậy trong xác thịt càng hơn và trở nên kiêu ngạo càng hơn.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Trong phân đoạn này con rất thích câu “không nương cậy trong xác thịt”. Con cảm tạ Cha vì Ngài dùng những gian nan, thử thách trên linh trình của con để nuôi dưỡng trong con lòng nương cậy nơi Ngài mỗi ngày một lớn hơn. Con cảm tạ Cha. A-men!


Phi-líp 3:7-11 Tình Yêu Tận Hiến của Phao-lô Đối Với Đấng Christ

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho gia đình con có một buổi sáng Sa-bát phước hạnh, được nhóm hiệp thờ phượng Chúa cùng Hội Thánh. Thì giờ này, Cha cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Phi-líp 3:7-11. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

7 Nhưng những gì đối với tôi là có lợi thì tôi xem như sự lỗ, vì Đấng Christ.

Câu 7: Thưa Cha, con hiểu rằng, theo con mắt nhìn của người đời thì họ thấy Phao-lô có địa vị, danh lợi, là điều đáng để mơ ước, nhưng đối với Phao-lô thì ông xem các sự đó như sự lỗ. Con nghĩ rằng, “sự lỗ” là Phao-lô hàm ý ông đã mất thời gian, công sức để thu đạt được những điều ấy, nhưng khi gặp Đấng Christ thì ông nhận ra mọi nỗ lực đó của ông đều là vô ích.

8 Phải! Thật vậy! Tôi cũng xem mọi sự như là sự lỗ, vì sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi. Tôi vì Ngài mà chịu bỏ mọi sự, kể chúng như phân, để tôi được Đấng Christ,

Câu 8: Con hiểu rằng, đối với Phao-lô, sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus mới là điều đáng giá, đáng trân trọng và đáng nỗ lực để gìn giữ. Gọi là “sự hiểu biết siêu việt” vì là sự hiểu biết ấy vượt trên tất cả mọi sự hiểu biết, hay nói cách khác, sự hiểu biết về Đấng Christ Jesus là chân lý, là nền tảng của mọi sự hiểu biết. Khi hiểu biết về Ngài thì mới có sự hiểu biết đúng về nguồn gốc của muôn loài vạn vật, vì Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời, là Đấng tạo nên thế gian bằng lời phán của Ngài. Khi hiểu biết về Ngài thì con dân Chúa biết được các lẽ thật sâu nhiệm: về một Thiên Chúa thành người chịu khổ, chịu chết để cứu chuộc loài người; về các lời tiên tri trong Thánh Kinh; về Kỳ Tận Thế; về Vương Quốc Ngàn Năm và Trời Mới Đất Mới…

Nhóm chữ “Chúa của tôi” nói lên mối thông công mật thiết của Phao-lô với Đức Chúa Jesus Christ. Vì được Đấng Christ làm chủ cuộc đời và được Thiên Chúa mạc khải cho biết sự mầu nhiệm về Ngài, mà Phao-lô chịu bỏ đi mọi sự, không để bất cứ điều gì trong thế gian vương vấn mình, hầu cho mình cứ tiếp tục tấn tới trong đức tin. Không những bằng lòng bỏ đi mọi sự mà còn kể chúng như phân, nghĩa là khi tiếp nhận sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ thì ông nhận thức sự yêu mến thế gian chỉ là ô uế trước mặt Chúa.

Nhóm chữ “để tôi được Đấng Christ” nói lên ý nghĩa, nếu một người không bỏ đi lòng yêu mến thế gian thì không thể nào có sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ.

9 và được tìm thấy ở trong Ngài, không phải bởi có sự công chính của tôi, là sự ra từ luật pháp, nhưng sự công chính bởi tin nơi Đấng Christ, là sự công chính ra từ Đức Chúa Trời bởi đức tin;

Câu 9: Con hiểu rằng, nhóm chữ “được tìm thấy ở trong Ngài” là được Thiên Chúa công nhận là một người có nếp sống đúng ý Chúa, mà cũng có nghĩa là được những người lân cận công nhận là người ấy có nếp sống giống Đấng Christ. Tuy nhiên, Phao-lô hiểu rõ sự công chính mà ông có được hoàn toàn là bởi tin nơi Đấng Christ chứ không phải bởi ông sống theo luật pháp. “Sự công chính ra từ Đức Chúa Trời bởi đức tin” nghĩa là sự một người được xưng công chính hoàn toàn là bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, và bởi sự tiếp nhận bằng đức tin của người ấy.

10 để tôi được biết Ngài, quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công trong sự thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài;
11 sao cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.

Câu 10 và 11: Con hiểu rằng, khi một người tiếp nhận sự xưng công chính của Đức Chúa Trời và bằng lòng bỏ đi mọi sự yêu mến thế gian, bằng lòng bước đi theo Đấng Christ, thì người ấy sẽ được biết Đấng Christ. Được biết Đấng Christ là kinh nghiệm được Ngài, được hiệp một và thông công mật thiết với Ngài.

“Được biết quyền phép sự sống lại của Ngài” là kinh nghiệm được năng lực phục sinh của Ngài. Con dân Chúa trải qua kinh nhiệm này trong khoảnh khắc mình được Chúa tái sinh tâm thần và linh hồn.

“Được biết sự thông công trong sự thương khó của Ngài” là kinh nghiệm được sự gần gũi với Đấng Christ qua mỗi lần gặp nghịch cảnh, gian nan, thử thách. Chỉ có con dân chân thật của Chúa mới cảm nhận được niềm phước hạnh khi chịu khổ vì danh Chúa. Bởi vì đó là nhận thức sâu kín trong linh hồn mỗi người.

Tất cả các kinh nghiệm trong Đấng Christ giúp cho một người trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài. “Giống như Ngài trong sự chết của Ngài” là có mục đích sống và nếp sống giống như Đấng Christ, đó là hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời, thậm chí vâng phục cho đến chết, dù phải đón nhận một cái chết đau đớn và tủi nhục nhất. Và kết quả cuối cùng của một đời sống như vậy là đạt được sự sống lại vinh quang như Đấng Christ đã sống lại trong vinh quang.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha cũng tiếp tục ban cho gia đình con những giờ phút nghỉ ngơi bình an trong ngày Sa-bát hôm nay. Mặc dù bị ma quỷ tấn công nhiều mặt nhưng con cảm tạ Cha đã gìn giữ chúng con được bình an. Con cảm tạ Cha vì những lúc suy ngẫm Lời của Ngài khiến lòng con được gần gũi Ngài hơn, lòng dạn dĩ hơn. Hôm nay, khi ngẫm nghĩ về một sự việc trong Hội Thánh thì một câu Thánh Kinh đến trong tâm trí con, là “hãy bền lòng làm lành!”. Con cảm tạ Cha vì lời an ủi này của Ngài dành cho con trong lúc này. Nguyện xin Cha cứ gìn giữ con trong cánh tay toàn năng, yêu thương của Ngài. A-men!


Phi-líp 3:12-16 Mục Đích của Đời Sống Hiện Tại – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha tối hôm nay cũng ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Phi-líp 3:12-16. Con cảm tạ Cha vì sự suy ngẫm Lời Ngài khiến lòng con được vui vẻ, được gần gũi Ngài. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

12 Ấy không phải tôi đã đạt được, hay đã nên trọn vẹn rồi, nhưng tôi đang chạy để chiếm lấy cho được, vì chính tôi đã được Đấng Christ Jesus chiếm lấy rồi.

Câu 12: Thưa Cha, con hiểu rằng, Phao-lô tâm tình với con dân Chúa tại Phi-líp rằng, dù ông có được sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, dù đã trải qua bao gian khổ và đạt được nhiều thành quả trong công tác rao giảng Tin Lành, nhưng ông vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng của linh trình là sự sống lại của thân thể xác thịt, sự sống đời đời, và chưa được nên trọn vẹn như Cha trên trời (Ma-thi-ơ 5:48). Phao-lô đang chạy để chiếm lấy được nghĩa là ông vẫn cố gắng hết mình mỗi giây phút để đạt được kết quả cuối cùng.

“Vì chính tôi đã được Đấng Christ Jesus chiếm lấy rồi” có nghĩa là từ là một tội nhân ông đã được Đức Chúa Jesus Christ chết thay cho để cứu ông ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi. Cũng như Phao-lô, một người sau khi tiếp nhận sự cứu rỗi và được Thiên Chúa dựng nên một người mới, thì việc còn lại là sự tự do lựa chọn của người ấy. Hoặc vì biết ơn Chúa mà lựa chọn vâng phục Chúa, gắng sức chịu khổ, trung tín đi với Chúa cho đến cuối cùng, để đạt được sự sống đời đời. Hoặc vì sợ gian nan, bắt bớ, sợ bị người thân từ bỏ, ngại chịu khổ… mà chọn trở lại đời sống cũ hoặc sống hâm hẩm, nếu không kịp thời ăn năn thì kết quả cuối cùng là sự chết đời đời.

13 Hỡi các anh chị em cùng Cha, về phần tôi, tôi không cho rằng tôi đã chiếm lấy được; nhưng thật chỉ làm có một điều là quên đi những sự ở đàng sau mà vươn tới những sự ở đàng trước.

Câu 13: Con hiểu rằng, vì chưa đi hết linh trình, chưa nhận lãnh được sự sống đời đời, nên Phao-lô “chỉ làm có một điều” là chú tâm gắng sức phụng sự Chúa, không để bị xao nhãng bởi bất cứ danh lợi, địa vị gì trong thế gian.

“Quên đi những sự ở đàng sau” là quên đi cuộc đời cũ tội lỗi. Con nghĩ, ý của Phao-lô là đừng bận tâm gì đến những gì thuộc về cuộc đời cũ, hãy dứt khoát từ bỏ, để toàn tâm toàn ý bước đi theo Chúa. “Vươn tới những sự ở đàng trước” là gắng sức làm việc để đạt được những điều được Chúa ban cho trong đời sau.

14 Tôi nhắm mục đích mà chạy, hướng về giải thưởng của sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus.

Câu 14: Con hiểu rằng, “nhắm mục đích mà chạy” nghĩa là cố gắng hết mình để đạt được mục đích. Mục đích của Phao-lô là hướng về giải thưởng Chúa hứa ban cho trong đời sau, tiêu biểu như: sự vinh quang, quyền đồng trị với Đấng Christ, sự kết hiệp làm một với Đấng Christ trong Lễ Cưới Chiên Con.

“Sự kêu gọi trên cao” là sự kêu gọi từ thiên đàng bởi Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời kêu gọi loài người ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và sống trung tín vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, để nhận được sự sống đời đời và mọi phần thưởng trong đời sau.

15 Vậy nên, những người trọn vẹn trong chúng ta, phải có cùng ý tưởng đó; và nếu các anh chị em nghĩ khác thì Đức Chúa Trời cũng sẽ mạc khải cho các anh chị em.

Câu 15: Con hiểu rằng, Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Phi-líp phải có cùng ý tưởng về mục đích sống như ông, là quên đi những sự ở đàng sau mà vươn tới những sự ở đàng trước, gắng sức phụng sự Chúa, hướng lòng về giải thưởng của sự kêu gọi trên cao. Nhưng nếu có ai mới đến với Chúa, chưa hiểu biết Lời Chúa nhiều, thì Đức Chúa Trời cũng sẽ mạc khải cho người ấy, giúp người ấy nhận thức rõ mục đích của một đời sống bước đi theo Chúa.

16 Dù chúng ta đã đạt đến bậc nào, thì chúng ta hãy bước đi cùng một tiêu chuẩn, suy tưởng cùng một ý.

Câu 16: Con hiểu rằng, “dù chúng ta đã đạt đến bậc nào” là Phao-lô có ý nói dù mỗi người trong Hội Thánh có mức độ nhận thức thuộc linh khác nhau, nhưng mục đích sống phụng sự Chúa, hướng về giải thưởng trong đời sau, là mục đích chung của con dân Chúa, nên con dân Chúa hãy lấy đó làm tiêu chuẩn sống.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Suy ngẫm phân đoạn này giúp lòng con có thêm niềm vui, khi nghĩ về cuộc sống và những điều mình sẽ làm trong đời sau. Nguyện xin Cha cứ dùng Lời Ngài để nuôi dưỡng trong con những suy tưởng tốt đẹp về cuộc sống đời sau. Con cảm tạ Cha. A-men!


Phi-líp 3:17-21 Mục Đích của Đời Sống Hiện Tại – Phần 2

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày bình an. Con cảm tạ Cha đã ban cho con hôm nay có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Phi-líp 3:17-21. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

17 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy trở nên những người bắt chước với tôi, và nhắm vào những người bước đi như vậy, như các anh chị em có chúng tôi làm gương.

Câu 17: Thưa Cha, con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Phi-líp hãy trở nên những người bắt chước Đấng Christ như chính mình ông bắt chước Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 11:1). “Nhắm vào những người bước đi như vậy” là Phao-lô khuyên con dân Chúa không chỉ nhìn xem ông mà hãy nhìn và bắt chước theo các sứ đồ của Chúa, những người thật lòng sống cho Chúa và chết cho Chúa.

Đời sống làm gương là rất quan trọng trong sinh hoạt của Hội Thánh. Chắc chắn những người mới đến với Chúa sẽ nhìn vào cách hành xử của người chăn, các trưởng lão, những anh chị em đi trước mà bắt chước theo, từ những chi tiết nhỏ.

18 Vì tôi đã thường nói điều này cho các anh chị em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là những kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.

Câu 18: Con hiểu rằng, khi thông công trực tiếp với con dân Chúa và qua các thư tín Phao-lô gửi các Hội Thánh địa phương, ông đã nhiều lần cảnh báo Hội Thánh về những kẻ thù nghịch thập tự giá, nhưng trong lúc viết những dòng thư này thì Phao-lô cảm thán đến rơi nước mắt. Ông rơi nước mắt vì tiếc cho những kẻ ấy không biết rằng mình từng có cơ hội lớn biết bao vì được nghe giảng Tin Lành, tin nhận Tin Lành, nhưng rồi lại trở lại nếp sống thù nghịch Chúa như trước kia.

19 Sự cuối cùng của họ là sự hư mất; Đức Chúa Trời của họ là cái bụng của họ; sự vinh quang ở trong sự hổ thẹn của họ; họ chỉ tư tưởng những sự thuộc về thế gian.

Câu 19: Con hiểu rằng, những người đã tin nhận Chúa nhưng rồi trở nên kẻ thù nghịch thập tự giá vì họ nghe, hiểu, và tin Tin Lành nhưng không thật lòng ăn năn tội, không muốn từ bỏ tội. Đối với họ, cái bụng của họ mới là Đức Chúa Trời của họ. Cái bụng của họ là chỉ về mọi sự tham muốn trong lòng họ. Những điều mà các thánh đồ chân thật của Chúa thấy là hổ thẹn thì họ lại cho là vinh quang, điển hình trong xã hội ngày nay là trào lưu xăm mình, hay lối viết/nói ngọng nghịu trên các trang mạng xã hội. Lòng họ chỉ tư tưởng những sự thuộc về thế gian, như sự giàu sang, sự thán phục của người khác…

20 Nhưng quyền công dân của chúng ta ở trong các tầng trời; ấy là từ đó mà chúng ta trông đợi Đấng Giải Cứu mình, là Đức Chúa Jesus Christ,

Câu 20: Con hiểu rằng, đối với các thánh đồ, những người thật lòng bước đi theo Chúa thì hiểu rằng mình đã chết đối với thế gian, quyền công dân của mình là thuộc về Vương Quốc Trời. Vì bởi trong lòng con dân chân thật của Chúa được Đức Thánh Linh ấn chứng về quyền công dân của mình trong Vương Quốc Trời nên họ có lòng trông đợi Đấng Giải Cứu mình, là Đức Chúa Jesus Christ.

Khi viết đến đây thì con nhớ về câu chuyện về một bà cụ 98 tuổi trốn chạy vì bị đàn áp đức tin. Bà và con cháu của bà thật sự không có quyền công dân trên đất này, nhưng trong đức tin, họ đã có quyền công dân trên Thiên Quốc, mà không một thế lực nào có thể cướp mất của họ.

21 Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài, y theo sự tác động của năng lực mà Ngài bắt muôn vật phục chính Ngài.

Câu 21: Con hiểu rằng, vì con dân Chúa nhận được lời hứa về sự sống lại vinh quang của thân thể xác thịt, nên dù phải sống trong sự bắt bớ, sỉ nhục, xem khinh của thế gian, họ vẫn sống mạnh mẽ, can đảm.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng lòng con luôn ghi nhớ lời Chúa hứa về sự sống lại vinh quang của đời sau, để con luôn đứng vững trước mọi nghịch cảnh. Con cảm tạ Cha! A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *