Rô-ma: Chương 11

26 lượt xem

Rô-ma 11:1-10 Phần Còn Lại của Dân I-sơ-ra-ên

1 Vậy, tôi nói: Có phải Đức Chúa Trời đã từ bỏ dân của Ngài? Chẳng hề như vậy! Vì tôi cũng là một người I-sơ-ra-ên, ra từ dòng dõi của Áp-ra-ham, chi phái Bên-gia-min.
2 Đức Chúa Trời đã chẳng từ bỏ dân của Ngài mà Ngài đã biết trước [Thi Thiên 94:14]. Hay là các anh chị em đã chẳng thấy Thánh Kinh nói về Ê-li, thế nào người đã thưa với Đức Chúa Trời về dân I-sơ-ra-ên, rằng:
3 Lạy Chúa, họ đã giết các tiên tri của Ngài, phá sập các bàn thờ của Ngài. Còn lại một mình tôi, và họ tìm hại mạng sống tôi. [I Các Vua 19:10, 14]
4 Nhưng lời thần khải cho ông là thế nào? Ta đã để dành cho Ta bảy ngàn người nam là những người chẳng hề quỳ gối trước Ba-anh. [I Các Vua 19:18]
5 Trong thời bây giờ cũng vậy, có một phần còn lại theo sự lựa chọn của ân điển.
6 Nhưng nếu bởi ân điển thì chẳng phải bởi các việc làm nữa; nếu không, thì ân điển không còn là ân điển. Còn nếu bởi các việc làm thì chẳng phải bởi ân điển nữa; nếu không, thì các việc làm không còn là các việc làm.
7 Vậy thì sao? Dân I-sơ-ra-ên chẳng được điều mình tìm, nhưng những người được chọn thì đã được, còn những kẻ khác thì bị chai cứng lòng.
8 Như có chép: Đức Chúa Trời đã cho họ một thần trí vô cảm, những con mắt mà họ chẳng thấy, những lỗ tai mà họ chẳng nghe, cho đến ngày nay. [Ê-sai 29:10, đối chiếu Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:4]
9 Và Đa-vít nói: Nguyện bàn tiệc của họ trở nên bẫy, rập, sự vấp chân, và sự báo trả họ.
10 Nguyện mắt họ bị sự tối tăm bao phủ khiến họ không thấy được, và lưng họ cứ mãi cong khom. [Thi Thiên 69:22-23]

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 11:1-10. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu phân đoạn này một cách tổng quát như sau: Phân đoạn này khẳng định một lẽ thật là mặc dù phần đông dân tộc I-sơ-ra-ên sống bội nghịch Chúa nhưng Chúa vẫn thương xót và lựa chọn một phần còn lại, là những người thật lòng có đức tin nơi Ngài, để làm thành lời hứa của Ngài với ông Áp-ra-ham được chép trong Sáng Thế Ký 17:7-8:

“Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và dòng dõi của ngươi, sau ngươi, trong các đời của chúng. Một giao ước cứ còn lại, để cho {Ta} là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi, sau ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi, sau ngươi vùng đất mà ngươi đang kiều ngụ, toàn thể đất Ca-na-an, làm cơ nghiệp cứ còn lại; và Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ.”

Thưa Cha, con hiểu rằng từ trước khi dựng nên thế gian Ngài đã biết trước trong dân I-sơ-ra-ên có rất ít người kính sợ Ngài nhưng vì lòng thương xót và dựa trên đức tin của các tổ phụ dân I-sơ-ra-ên mà Chúa lựa chọn dân tộc này để qua đó Ngài truyền đạt chương trình, ý muốn của Ngài cho toàn thể loài người. Sự thương xót của Ngài trên dân tộc I-sơ-ra-ên cũng là thể hiện lòng thương xót của Ngài trên loài người.

Thưa Cha, con hiểu câu 8 như sau: Vốn dĩ thần trí của loài người đã vô cảm, không còn nhận thức được về Chúa khi loài người chọn phạm tội, chống nghịch lại các điều răn, luật pháp của Chúa. Vì thế, câu “Đức Chúa Trời đã cho họ một thần trí vô cảm” cần được hiểu là: Bởi vì Chúa đã thương xót, ban cho dân tộc I-sơ-ra-ên có Thánh Kinh, những tiên tri rao truyền mệnh lệnh của Chúa cho họ để giúp họ nhận biết Chúa, nhưng họ đã khước từ, thậm chí còn bách hại, giết chết các tiên tri, nên Chúa phó mặc cho họ trong sự u mê, không còn hiểu biết gì về Chúa, và sẽ bị diệt (Ô-sê 4:6). Tương tự như vậy, ngày hôm nay Chúa đã ban sai các tôi tớ của Chúa để rao giảng lẽ thật, đặc biệt là lẽ thật về sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, nhưng đa số các giáo hội mang danh Chúa đã khước từ lẽ thật này. Trong kinh nghiệm thực tế của con thì khi một người đã không tiếp nhận lẽ thật về sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy thì họ không thể tiếp nhận được các lẽ thật khác.

Thưa Cha, quan phân đoạn này con thấy được tình yêu của Ngài đối với các dân tộc ngoài dân I-sơ-ra-ên, như dân tộc Việt Nam của chúng con. Từ trước khi sáng thế, Ngài đã biết trong các dân tộc ngoài dân I-sơ-ra-ên vẫn có những người sẽ được sinh ra và có tấm lòng kính sợ Chúa, tìm kiếm Chúa. Con cảm tạ Cha vì lòng thương xót của Ngài trên dân tộc Việt Nam chúng con. Ngài đã ban sai các tôi tớ của Ngài rao giảng Tin Lành cho dân tộc Việt Nam của chúng con trong hơn 100 năm qua. Khi đọc mục Tin Tức của Thánh Kinh Báo, con cảm nhận được những gian nan, khó khăn của thời kì đầu mà những người rao giảng Tin Lành cho dân tộc Việt Nam đã trải qua, cũng như cảm nhận được niềm vui trong sự phụng sự Chúa của họ. Con cảm tạ Cha đã ban ơn, thêm sức, soi dẫn cho họ, nguyện rằng con cũng được đầy ơn và sự dạn dĩ như vậy để rao truyền Tin Lành của Ngài.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng mỗi ngày những ý tưởng về Lời Ngài cứ mở rộng ra trong con. Nguyện rằng Lời Ngài cứ mãi ở trong con.


Rô-ma 11:11-24 Gốc Ô-li-ve Thánh, Dân I-sơ-ra-ên, và Các Dân Ngoại

11 Vậy, tôi hỏi: Có phải họ vấp chân để họ trật phần chăng? Chẳng hề như vậy! Nhưng bởi lỗi lầm của họ mà sự cứu đã đến với các dân ngoại, để giục lòng tranh đua của họ.
12 Nhưng nếu lỗi lầm của họ là sự giàu có cho thế gian, sự mất mát của họ là sự giàu có cho các dân ngoại, thì sự đầy trọn của họ càng khiến cho sự giàu có ấy thêm lên biết bao?
13 Tôi nói với các anh chị em là những người ngoại: Thật sự, từ khi tôi làm sứ đồ cho các dân ngoại, tôi tôn trọng chức vụ của mình,
14 trong mọi cách tôi giục lòng tranh đua của những người bà con theo phần xác thịt của tôi, để cứu mấy người trong họ.
15 Vì nếu sự dứt bỏ họ là sự phục hòa cho thế gian, thì sự tiếp nhận họ trở lại chẳng phải là sự sống từ trong những kẻ chết sao?
16 Nếu bánh lễ vật đầu mùa là thánh thì cả đống bột cũng thánh; và nếu rễ là thánh thì các nhánh cũng thánh.
17 Nếu có những nhánh bị cắt đi và ngươi vốn là cây ô-li-ve hoang được tháp vào trong chỗ của chúng, dự phần về rễ và nhựa của cây ô-li-ve,
18 thì chớ khoe mình nghịch lại các nhánh đó. Nhưng nếu ngươi khoe mình thì hãy biết rằng, chẳng phải ngươi chịu đựng cái rễ mà là cái rễ chịu đựng ngươi.
19 Ngươi sẽ nói rằng, các nhánh đã bị cắt đi là để tôi được tháp vào.
20 Phải lắm! Vì chúng chẳng tin nên đã bị cắt, và ngươi nhờ đức tin mà đứng vững, thì chớ kiêu ngạo nhưng hãy sợ hãi.
21 Vì nếu Đức Chúa Trời đã chẳng chừa lại các nhánh tự nhiên, thì Ngài cũng có thể chẳng chừa lại ngươi.
22 Vậy, hãy xem sự từ ái và sự nghiêm khắc của Thiên Chúa: Thật, sự nghiêm khắc đối với họ là những kẻ đã ngã xuống, còn sự từ ái đối với ngươi miễn là ngươi cứ ở trong sự từ ái của Ngài; nếu không, ngươi cũng sẽ bị chặt.
23 Và nếu họ không cứ ở trong sự chẳng tin, thì cũng sẽ được tháp vào; vì Đức Chúa Trời có quyền tháp họ vào lại.
24 Nếu ngươi đã bị cắt ra khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tính mình, để được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tính mình, thì huống chi họ là những nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve của mình!

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 11:11-24. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu một cách tổng quát về phân đoạn này như sau: Cây Ô-li-ve được nói đến trong phân đoạn này tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus Christ. Việc các nhánh ô-li-ve tự nhiên bị cắt đi là những người I-sơ-ra-ên vốn sinh ra trong ơn phước Chúa ban cho các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sác, Gia-cốp, nhưng đã sống bội nghịch, không vâng giữ Lời Chúa, nên bị dứt bỏ khỏi Đấng Christ. Các cây ô-li-ve hoang là những người trong các dân tộc ngoài dân I-sơ-ra-ên có lòng tin kính Chúa nên được Chúa thương xót tháp vào Đấng Christ. Sự cắt bỏ nhánh ô-li-ve tự nhiên thể hiện sự công chính, nghiêm khắc của Thiên Chúa. Sự tháp vào các cây ô-li-ve hoang thể hiện tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa. Mọi sự được làm ra bởi sự thương xót của Thiên Chúa chứ không phải bởi công đức của một người, thành ra người được thương xót tháp vào Đấng Christ cần biết ơn Chúa, đừng tỏ ra kiêu ngạo, cho rằng mình có phần hơn gì những người bị dứt bỏ.

Thưa Cha, khi đọc câu 12 và 15 thì con nhớ đến những thành tựu của người I-sơ-ra-ên, một dân tộc ít dân số nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn nhân loại trong khắp các lĩnh vực. Con thấy quan điểm chung của nhiều người khi nhắc về sự thông thái của người I-sơ-ra-ên thì họ nói vì đó là dân tộc của Chúa. Con nghĩ đó là ơn phước họ hưởng được qua đức tin nơi Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sác, Gia-cốp, mặc dù hiện nay trên tư cách cả dân tộc họ vẫn chưa tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Điều này giúp con hiểu được rằng dân tộc I-sơ-ra-ên có một vị trí đặc biệt trong chương trình của Chúa. Thời điểm dân tộc I-sơ-ra-ên tiếp nhận Đấng Christ thì cũng là một phước hạnh của nhiều dân tộc khác. Các dân tộc sẽ được hưởng phước lây qua sự Chúa ban phước cho họ giống như thế giới hiện nay được hưởng những thành tựu khoa học kỹ thuật qua các phát minh của các nhà khoa học người I-sơ-ra-ên.

Thưa Cha, câu 20 giúp con hiểu rằng một người nhận được ân điển và mọi thứ phước thiêng liêng từ nơi Chúa hoàn toàn là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, một người khi đã dùng đức tin để tiếp nhận ân điển của Chúa thì cũng tiếp tục chỉ duy nhất nhờ đức tin vào tình yêu của Chúa mà đứng vững chứ không cậy bất cứ việc làm, công đức, hay điều gì khác. “Chớ kiêu ngạo nhưng hãy sợ hãi” nghĩa là chớ cho rằng mình nhận được ân điển là do mình có gì hơn ai đó khiến Chúa thương xót mình hơn ai đó, nhưng phải biết kính sợ Chúa, sợ sự nghiêm khắc, công chính của Ngài, như cách ngài đã cắt bỏ những người I-sơ-ra-ên vốn ở trong ân điển của Ngài mà sống bội nghịch.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha đã dùng Lời Ngài làm niềm vui cho con mỗi ngày. Nguyện rằng Lời Ngài cứ mãi ở trong con!


Rô-ma 11:25-36 Sự Mầu Nhiệm về Sự Giải Cứu Dân I-sơ-ra-ên

25 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết đến sự mầu nhiệm này, kẻo các anh chị em tự cho mình là khôn sáng chăng. Ấy là sự đui mù đã xảy ra cho một phần của dân I-sơ-ra-ên, cho đến chừng sự đầy trọn của các dân ngoại đến.
26 Rồi thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự không tin kính ra khỏi Gia-cốp.
27 Vì ấy là sự giao ước của Ta với họ, khi Ta sẽ cất đi những tội lỗi của họ. [Ê-sai 59:20-21, 27:9]
28 Thực tế, luận về Tin Lành thì vì các anh chị em mà họ là những kẻ thù, còn luận về sự lựa chọn, thì vì các tổ phụ mà họ được yêu thương.
29 Vì các ân điển và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng hề thay đổi.
30 Vì như khi trước các anh chị em đã không vâng phục Đức Chúa Trời, mà bây giờ được thương xót bởi sự không vâng phục của họ,
31 thì cũng vậy, bây giờ họ không vâng phục, để họ cũng được thương xót bởi sự thương xót đã ban cho các anh chị em.
32 Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự không vâng phục, để Ngài thương xót hết thảy.
33 Ôi! Sâu nhiệm thay là sự giàu có về sự khôn sáng và sự thông biết của Thiên Chúa! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường lối của Ngài nào ai tìm được!
34 Vì, ai biết tâm trí của Chúa? Hay ai là người khuyên bảo của Ngài?
35 Hay ai đã cho Chúa trước, để được báo trả?
36 Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Sự vinh quang thuộc về Ngài cho đến vĩnh cửu! A-men.

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 11:25-26. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu các câu 25, 26, 27 như sau: Kể từ thời điểm dân I-sơ-ra-ên từ chối và lên án chết Đức Chúa Jesus Christ vào năm 27 thì Chúa tạm yên lặng với dân I-sơ-ra-ên. Ngài quay sang thi hành chương trình cứu rỗi của Ngài trên các dân tộc ngoài I-sơ-ra-ên. Cho đến khi dân ngoại được đem vào Hội Thánh đủ số thì Chúa sẽ phục sinh phần thuộc linh cho dân I-sơ-ra-ên, giúp họ nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Về phần thuộc thể thì con hiểu Ngài đã tái khởi động chương trình của Ngài dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên vào ngày 14/05/1948, khi Ngài tái lập quốc gia I-sơ-ra-ên trên vùng đất hứa Ca-na-en chỉ trong một ngày. Con hiểu câu “kẻo các anh chị em tự cho mình là khôn sáng chăng” là Phao-lô hàm ý nói đến tà giáo dạy rằng thời kì Tân Ước Hội Thánh thay thế cho dân I-sơ-ra-ên thuộc thể. Ông dùng ba câu này để một lần nữa nhấn mạnh đến việc Chúa có chương trình riêng cho dân I-sơ-ra-ên, cảnh báo con dân Chúa đừng để bị rơi vào tà giáo. Sự trích dẫn các lời tiên tri trong Ê-sai là Phao-lô muốn con dân Chúa đối chiếu Lời Chúa với các sự phát biểu của tà giáo mà nhận biết Lẽ Thật.

Thưa Cha, con hiểu câu 29 như sau: Vì Ngài là tình yêu nên ân điển và sự kêu gọi của Ngài là rời rộng dành cho tất cả mọi người nhưng một người chỉ có thể tiếp nhận được ân điển của Chúa khi họ thật lòng ăn năn tội, thật lòng muốn từ bỏ tội, muốn sống một đời sống thánh khiết. Ân điển của Chúa không phải là giấy phép phạm tội và càng không dành cho những ai chỉ tin Chúa trên môi miệng mà không thật lòng kính sợ Chúa.

Thưa Cha, con hiểu câu 32 như sau: Đức Chúa Trời đã biết trước loài người mà Ngài dựng nên sẽ sa ngã, phạm tội, tuy nhiên từ trong các thế hệ con cháu vẫn có những người thật lòng tìm kiếm Chúa, có lòng vâng phục Ngài. Nên cần hiểu câu “Ngài đã nhốt mọi người trong sự không vâng phục” có nghĩa là Ngài cho phép sự kiện tổ phụ loài người phạm tội xảy ra, và kể từ đó thì dòng dõi loài người bị nô lệ cho tội lỗi, vâng phục tội lỗi, không có khả năng vâng phục Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, vì Thiên Chúa là tình yêu nên cũng từ trước khi dựng nên loài người, Ngài đã sắm sẵn một chương trình cứu rỗi loài người ra khỏi tội lỗi. Chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa thật sự là một điều sâu nhiệm, vừa thể hiện được bản tính yêu thương, vừa bảo toàn được tính công chính và thánh khiết của Thiên Chúa.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì con được sinh ra trong thế hệ chứng kiến nhiều lời tiên tri được ứng nghiệm về những ngày tháng tự trị cuối cùng của loài người. Cảm tạ Cha vì thời điểm Ngài phán xét toàn thế gian đã đến gần. Nguyện xin Ngài giữ con luôn vững vàng cho đến ngày Cứu Chúa yêu dấu của chúng con đến!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú