Rô-ma: Chương Chín

21 lượt xem

Rô-ma 9:1-13 Tấm Lòng của Phao-lô Đối với Dân I-sơ-ra-ên

1 Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, tâm thức tôi làm chứng cho tôi trong thánh linh:
2 Tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn!
3 Vì tôi mong rằng, chính mình bị dứt bỏ khỏi Đấng Christ thay cho những anh chị em của tôi, những người thân của tôi, theo xác thịt.
4 Những người ấy là dân I-sơ-ra-ên, dân được sự làm con nuôi, sự vinh quang, các giao ước, luật pháp, sự phụng sự, và các lời hứa.
5 Các tổ phụ thuộc về dân ấy, và theo phần xác thịt Đấng Christ ra từ dân ấy, là Đấng trên hết mọi sự, là Thiên Chúa được tôn vinh cho đến vĩnh cửu. A-men!
6 Nhưng chẳng phải vì vậy mà Lời của Đức Chúa Trời không đứng vững. Vì không phải hết thảy những ai ra từ I-sơ-ra-ên là người I-sơ-ra-ên.
7 Cũng không phải những ai là dòng dõi của Áp-ra-ham thì hết thảy là con cái của ông. Nhưng: Trong I-sác dòng dõi ngươi sẽ được gọi. [Sáng Thế Ký 21:12]
8 Nghĩa là con cái của xác thịt thì không phải là con cái của Đức Chúa Trời. Nhưng con cái của lời hứa thì được kể là dòng dõi vậy.
9 Vì này là lời hứa: Vào thời điểm này, Ta sẽ đến và Sa-ra sẽ có một con trai. [Sáng Thế Ký 18:14]
10 Chẳng phải chỉ như vậy, nhưng cả khi Rê-bê-ca mang thai bởi một người, là I-sác, tổ phụ của chúng ta.
11 Vì, khi hai con chưa được sinh ra, cũng chưa làm điều gì lành hay dữ, thì để cho mục đích của Đức Chúa Trời theo sự lựa chọn của Ngài được đứng vững, chẳng bởi những việc làm, nhưng bởi Đấng kêu gọi,
12 đã có lời phán cho nàng: Đứa lớn sẽ làm tôi cho đứa nhỏ. [Sáng Thế Ký 25:23]
13 Như có chép: Ta yêu Gia-cốp nhưng ghét Ê-sau. [Ma-la-chi 1:2-3]

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha hôm nay lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 9:1-13. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu.

Thưa Cha, qua ba câu đầu giúp con hiểu được tình yêu của Sứ Đồ Phao-lô đối với dân tộc I-sơ-ra-ên của ông. Con cũng học tập tấm gương này của ông, bằng cách thường cầu thay và tích cực trong công tác rao giảng Tin Lành cho dân tộc Việt Nam của con.

Thưa Cha, khi đọc câu 4 con nhận thấy dân tộc I-sơ-ra-ên thật có phước. Con nghĩ đến những đứa bé được sinh ra trong một nền văn hóa biết Chúa, được dạy cho biết Lời Chúa, thật sự rất phước hạnh. Con cũng nhận thấy điều này ở các bé sinh ra trong Hội Thánh, khi bào thai mới thành hình là đã được nhúng chìm trong lời cầu nguyện, chúc phước của Hội Thánh; khi chào đời thì được cả Hội Thánh chào mừng, chúc phước; hằng ngày lớn lên được nuôi dưỡng bởi những lời lành từ ông bà, bố mẹ, cô chú, anh chị trong Hội Thánh. Điều đó thật sự rất phước hạnh.

Thưa Cha, con hiểu câu 5 như sau: Thêm một lần nữa, Thánh Kinh khẳng định Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa. Thật khó mà tưởng tượng được tâm trí của những người chối bỏ thần tính của Đấng Christ. Khi nghĩ về những người chối bỏ thân vị Thiên Chúa của Đấng Christ con thấy thật đáng thương cho họ, con tự đặt câu hỏi: Vậy thì họ phải nhờ ai mà được cứu?

Thưa Cha, con hiểu câu 6 như sau: Câu “Lời của Đức Chúa Trời” là nói về lời tiên tri trong Ma-la-chi 2:15 về việc Đức Chúa Trời tìm kiếm, lựa chọn ra trong loài người một dòng dõi thánh.

“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh. Vậy, các ngươi hãy cẩn thận trong thần trí mình; chớ lừa dối vợ của mình lấy lúc tuổi trẻ.” (Ma-la-chi 2:15).

Vì vậy, câu “Nhưng chẳng phải vì vậy mà Lời của Đức Chúa Trời không đứng vững” có nghĩa là mặc dù dân tộc I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ nhưng điều đó không làm cho lời tiên tri của Đức Chúa Trời trong Ma-la-chi 2:15 không kiện toàn, vì dòng dõi thánh theo tiêu chuẩn của Chúa là nói đến những người có cùng đức tin như Áp-ra-ham, như được giải thích ở các câu tiếp theo.

Thưa Cha, con hiểu câu 12 và 13 như sau: Việc Ngài lựa chọn Gia-cốp làm lớn hơn Ê-sau, Ngài yêu Gia-cốp hơn Ê-sau, là tùy theo ý chí tự do, sự toàn quyền, và toàn tri của Ngài. Hơn nữa, qua sự kiện Ê-sau khinh quyền trưởng nam, còn Gia-cốp lại coi trọng địa vị ấy, thì cũng cho thấy sự lựa chọn của Chúa là hoàn toàn công chính, yêu thương, và thánh khiết. Lịch sử đã cho thấy một dòng dõi sinh ra bởi một tổ phụ không kính sợ Chúa thì dòng dõi ấy bại hoại như thế nào.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì Lời của Ngài làm tươi mới linh hồn mỗi ngày. Nguyện rằng Lời Ngài cứ mãi ở trong con!


Rô-ma 9:14-26 Quyền Lựa Chọn Tối Cao của Đức Chúa Trời

14 Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Có sự không công chính trong Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy!
15 Vì Ngài phán với Môi-se: Ai Ta muốn thương xót Ta sẽ thương xót. Ai Ta muốn làm ra sự thương xót Ta sẽ làm ra sự thương xót. [Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19]
16 Như vậy, chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, mà là bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời.
17 Vì Thánh Kinh cũng có phán: Pha-ra-ôn! Chính vì sự này mà Ta đã dấy ngươi lên, để Ta tỏ sức mạnh của Ta ra trong ngươi, và để cho danh Ta được truyền ra khắp đất. [Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16]
18 Như vậy, Ngài thương xót ai Ngài muốn và Ngài làm cứng lòng ai Ngài muốn.
19 Vậy, ngươi sẽ hỏi ta: Sao Ngài còn quở trách? Vì ai chống lại được ý muốn của Ngài?
20 Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà cãi lại Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với người thợ làm bình: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy?
21 Chẳng phải người thợ gốm có quyền trên đất sét, cùng một đống đất mà thực sự làm ra cái bình cho việc sang trọng và cái khác cho việc hèn hạ sao?
22 Nếu Đức Chúa Trời muốn tỏ ra cơn giận và làm cho biết quyền phép của Ngài, sau khi đã lấy lòng khoan nhẫn lớn mà chịu lấy những bình đáng giận, thích hợp cho sự hủy diệt; [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.]
23 và cũng làm cho biết sự giàu có của vinh quang Ngài bởi những bình đáng thương xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh quang, thì ai có thể nói gì?
24 Về chúng ta, là những người Ngài đã gọi, chẳng phải chỉ từ trong người Do-thái mà cũng từ trong các dân ngoại nữa.
25 Như Ngài cũng đã phán trong sách Ô-sê: Ta sẽ gọi họ, những kẻ chẳng phải dân Ta là dân Ta, những kẻ chẳng được yêu dấu là yêu dấu. [Ô-sê 2:23]
26 Và sẽ xảy ra trong nơi đã phán với họ, các ngươi chẳng phải là dân Ta; tại nơi đó, họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa Hằng Sống. [Ô-sê 1:10]

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian để đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 9:14-26. Con xin ghi lại những điều Cha dạy cho con hiểu.

Thưa Cha, con hiểu một cách tổng quát phân đoạn này như sau: Đức Chúa Trời có quyền tuyệt đối trên muôn loài nhưng Ngài không dùng quyền ấy nghịch lại đặc tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài. Ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên loài người thật rất tốt lành, nhưng loài người đã phạm tội chống nghịch Thiên Chúa. Vậy nên, nếu Ngài chọn không thương xót mà lập tức thi hành án phạt trên loài người, là sự chết đời đời, thì cũng là công chính. Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời, vì Ngài đã chọn thương xót, ban ơn cứu rỗi, ban cho loài người có cơ hội thứ hai được thoát khỏi sự hình phạt công chính của Ngài.

Thưa Cha, qua câu 22 con hiểu rằng: Vì Đức Chúa Trời đã chọn thương xót tất cả loài người ngay khi họ còn là kẻ có tội, còn chống nghịch Ngài (Rô-ma 5:8), nên sự Chúa làm cứng lòng một người có nghĩa là sau khi Ngài đã ban cho người ấy có cơ hội ăn năn nhưng họ không ăn năn, vẫn tiếp tục phạm tội, thì Chúa để mặc họ ở trong sự cứng lòng cho đến lúc Ngài kết thúc mạng sống của họ và họ bị hư mất đời đời. Họ là những bình đáng giận, thích hợp cho sự hủy diệt.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha vì khi đọc câu 25, 26 con thấy được tình yêu lớn lao của Ngài đối với các dân tộc khác ngoài dân I-sơ-ra-ên, trong đó có dân tộc Việt Nam của chúng con. Lòng con cảm nhận được sự ấm áp, được yêu thương khi Ngài dùng những chữ “dân Ta”, “yêu dấu”, “con của Thiên Chúa Hằng Sống” để gọi những người trong khắp thế gian đến đón nhận tình yêu của Ngài. Ba chữ “sẽ” trong hai câu này khiến con cảm nhận Ngài nhìn về tương lai và hướng lòng về những người sẽ tin đến danh Ngài, Ngài sẽ gọi và sẽ có những người đáp lại, hết lòng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài và chọn sống vâng phục Ngài.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng mỗi ngày con được lớn lên trong sự suy ngẫm Lời của Ngài. Nguyện rằng Lời Ngài cứ mãi ở trong con!


Rô-ma 9:27-33 Sự Vấp Phạm của Dân I-sơ-ra-ên

27 Còn Ê-sai đã kêu lên về dân I-sơ-ra-ên: Dù số con cái I-sơ-ra-ên như cát biển, chỉ một phần sót lại sẽ được cứu. [Ê-sai 10:22-23]
28 Vì Ngài sẽ làm thành lời phán cách nhanh chóng trong sự công chính. Vì Chúa sẽ thi hành lời phán cách nhanh chóng trên đất. [Ê-sai 10:22-23]
29 Và như Ê-sai đã tiên tri: Nếu Chúa Vạn Quân chẳng để lại một hạt giống, thì chúng ta đã trở nên như Sô-đôm và bị làm cho giống như Gô-mô-rơ. [Ê-sai 1:9]
30 Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Các dân ngoại chẳng tìm theo sự công chính, thì đã được sự công chính, nhưng là sự công chính đến bởi đức tin.
31 Còn dân I-sơ-ra-ên tìm theo luật pháp của sự công chính, thì không đạt đến luật pháp của sự công chính.
32 Tại sao? Tại chẳng bởi đức tin nhưng bởi những việc làm của luật pháp. Họ đã vấp phải hòn đá làm cho vấp chân,
33 như đã chép: Này, Ta để tại Si-ôn một hòn đá làm cho vấp chân và khối đá làm bẫy. Bất cứ ai tin nơi Ngài thì sẽ không bị hổ thẹn. [Ê-sai 8:14-15; 28:16]

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian đọc và suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 9:27-33. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

Thưa Cha, con hiểu cách tổng quát phân đoạn này như sau: Dân I-sơ-ra-ên thật có phước khi được Chúa lựa chọn trong các dân tộc trên đất, nhận được sự làm con nuôi, sự vinh quang, các giao ước, luật pháp, sự phụng sự, và các lời hứa của Thiên Chúa (Rô-ma 9:4). Nhưng phần lớn họ lại chống nghịch Chúa, họ cố giữ luật pháp theo bề ngoài mà trong lòng không thật sự có đức tin nơi Chúa, vì thế mới có câu “dân I-sơ-ra-ên tìm theo luật pháp của sự công chính thì không đạt đến”. Thánh Kinh ví cuộc đời như đường đi, sự vấp ngã trên đường đi là phạm tội trong nếp sống. Đức Chúa Jesus được ví như hòn đá vấp chân là vì dân I-sơ-ra-ên phạm tội khi không tin lời giảng dạy của Ngài, dẫn đến chế nhạo, bách hại, giết chết Ngài. Đức Chúa Jesus được ví như khối đá làm bẫy sập đè dân I-sơ-ra-ên là vì họ phạm tội chống nghịch Ngài dẫn đến sự bị hình phạt hư mất đời đời.

Thưa Cha, con hiểu chữ “nhanh chóng” trong câu 28 là quan niệm thời gian của Chúa, đối với Ngài một ngàn năm như một ngày, một ngày như một ngàn năm. Nên dù đã trải qua hơn 4.000 năm từ khi Chúa hứa với ông Áp-ra-ham cho tới nay lời phán của Ngài chưa hoàn thành thì không có gì mâu thuẫn, vì đối với Chúa cũng chỉ hơn 4 ngày. Mặt khác, thời gian “hơn 4.000 năm” cũng chỉ là một tích tắc khi so với khoảng thời gian đời đời sống trong Vương Quốc Trời của những người thật lòng tin nhận Chúa. Vì vậy, trong tương lai khi nhìn về chương trình của Chúa trong trời cũ đất cũ thì ai cũng phải công nhận là Ngài đã thi hành “thật nhanh chóng”!

Thưa Cha, con thấy câu này thật hay “Nếu Chúa Vạn Quân chẳng để lại một hạt giống”. Chúa Vạn Quân là Chúa của một đoàn quân lớn mạnh. Đoàn quân lớn mạnh này vừa chỉ về binh đoàn các thiên sứ, vừa chỉ về các thánh đồ của Chúa. Với ý nghĩa trong phân đoạn này thì con hiểu từ “vạn quân” là chỉ về các thánh đồ thời kỳ Hội Thánh vì Lời Chúa ví các thánh đồ như người lính và gọi họ là “một đám đông vĩ đại” (Khải Huyền 7:9). Vì thế câu nói “nếu Chúa Vạn Quân chẳng để lại một hạt giống” là một giả định có hàm ý nói lên một sự thật là Chúa đã thương xót mà ban ơn cứu rỗi cho nhiều dân tộc, có nhiều người tin nhận Ngài và họ trở nên một đoàn quân lớn mạnh của Thiên Chúa, sống cho Ngài, phụng sự Ngài.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha vì sự đọc và suy ngẫm Lời của Ngài giúp lòng con tươi mới mỗi ngày. Nguyện rằng Lời Ngài cứ mãi ở trong con!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú