Rô-ma: Chương Một

37 lượt xem

Rô-ma 1:1-7 Tôi Tớ của Đấng Christ và Tin Lành của Thiên Chúa

1 Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm sứ đồ, biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa,
2 là Tin Lành xưa kia Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri Ngài mà hứa trong Thánh Kinh,
3 về Con Ngài, theo xác thịt thì bởi dòng dõi Vua Đa-vít sinh ra,
4 Đấng được chỉ định là Con Đức Chúa Trời trong quyền phép theo linh của sự thánh khiết bởi sự sống lại từ những kẻ chết, Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta.
5 Nhờ Ngài chúng ta đã nhận ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài,
6 trong các dân ấy các anh chị em cũng đã được gọi bởi Đức Chúa Jesus Christ;
7 gửi cho hết thảy những người yêu dấu của Thiên Chúa tại thành Rô-ma, được gọi làm thánh đồ. Nguyện cho các anh chị em được ân điển và sự bình an từ nơi Thiên Phụ chúng ta, và từ nơi Đức Chúa Jesus Christ!

Thưa Cha kính yêu của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài lại ban cho con có thời gian để suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Rô-ma 1:1-7. Con xin ghi lại sự hiểu của con về phân đoạn này.

Con cảm tạ Chúa vì được làm “tôi tớ” của Ngài. Qua những gian nan, thử thách, cũng như chức vụ mà Ngài ban cho con, con biết rằng khi hết lòng vâng phục Ngài là con đang sống một cuộc đời tốt đẹp nhất, phước hạnh nhất. Con hiểu rằng, được làm tôi tớ của Thiên Chúa Chí Cao không là thấp hèn mà là một địa vị cao trọng. Và điều đáng dâng lời cảm tạ Ngài là Ngài không đối lại với con như “chủ nô”, không xem con như “nô lệ” mà nhận con làm con nuôi, làm thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời.

Trong các lời tiên tri về mục vụ rao giảng Tin Lành trên đất của Đức Chúa Jesus thì con nhớ nhất là Ê-sai 53:1-12. Cảm tạ Cứu Chúa yêu dấu của con vì Ngài đã đến thế gian này, chịu thống khổ, biết sự đau ốm, mang lấy những bệnh tật, chịu những đau khổ, để chuộc lấy con. Và để lại cho con một tấm gương để con mạnh dạn bước đi theo dấu chân Ngài.

Trong đức tin cơ bản được Chúa ban cho, con đã tin nhận Đức Chúa Jesus Christ là Con của Đức Chúa Trời. Rồi khi đọc Thánh Kinh, những sự bày tỏ của Đức Chúa Jesus giúp con hiểu biết càng hơn thế nào Ngài được chỉ định là Con Đức Chúa Trời trong quyền phép. Như những lời Ngài rao giảng đầy thần quyền của Ngài. Điều đặc biệt ấn tượng với con là những lời đáp ngắn gọn của Ngài làm im tiếng Sa-tan, im tiếng những kẻ chống nghịch. Sự Ngài vâng phục Đức Chúa Trời cách tuyệt đối cũng giúp con cẩm nhận được vì sao Đức Cha là gọi Ngài là “Con yêu dấu của Ta”, “Trong Con, Ta đã thỏa lòng”. Rồi những khi Ngài thức suốt đêm cầu nguyện với Đức Chúa Trời giúp con cảm nhận được mối thông công mật thiết giữa Đức Con và Đức Cha.

Ngoài ân điển diệu kỳ nhất là ân điển cứu rỗi, Ngài còn ban cho con đầy dẫy những ân điển khác. Như được ban cho Lời của Ngài và một người chăn khôn sáng để dạy cho con hiểu biết Lời Ngài, được ban cho chức vụ trưởng lão, ban cho ơn hiểu biết kỹ thuật, có sức khỏe tốt… Con hiểu rằng tất cả sự ban cho của Chúa là để con thực dụng trong cuộc đời này mà phụng sự Ngài, để rồi Ngài sẽ ban thưởng cho con nhiều hơn trong đời sau.

Khi nghĩ về sự bình an Ngài ban cho thì con nhớ lại những lúc đi đường đèo trong sương mù trong đêm tối, một lời cầu nguyện đã giúp con bình an vượt qua. Thật sự, sự bình an mà Ngài ban cho vượt quá mọi sự hiểu biết, và cũng vượt quá mọi kinh nghiệm con từng có.

Vì vậy, nên con cũng hiểu được phần nào tâm tình của Sứ Đồ Phao-lô khi ông thường chúc cho Hội Thánh các nơi được ân điển và bình an từ Thiên Phụ và từ Đức Chúa Jesus Christ. Bản thân Phao-lô cũng trải qua nhiều những gian khổ nên ông hiểu rõ rằng cuộc đời con dân Chúa thật cần biết bao ân điển và bình an từ Thiên Chúa để vượt qua mọi nghịch cảnh.

Lời của Chúa gọi những thánh đồ tại thành Rô-ma là “những người yêu dấu của Thiên Chúa” cũng khiến lòng con thấy xúc động. Xúc động vì những lời này Ngài cũng dành để gọi những thánh đồ của Ngài trong Hội Thánh trong mọi thời đại. Không ai trong cuộc đời này lại có niềm hạnh phúc lớn hơn các thánh đồ trong Hội Thánh là được cả Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương.

Con cảm tạ Đức Thánh Linh đã ban ơn, dạy dỗ con trong những lúc con đề lòng suy ngẫm Lời của Ngài. Nguyện rằng Lời của Ngài cứ mãi ở trong con, giúp con bình tịnh đi qua những tháng ngày còn lại trên đất này!


Rô-ma 1:8-15 Tâm Tình và Bổn Phận Sứ Đồ của Phao-lô

8 Trước hết, tôi thật vì hết thảy các anh chị em, nhờ Đức Chúa Jesus Christ, mà cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi về sự đức tin của các anh chị em đã lan truyền khắp cả thế gian.
9 Vì Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm thần phụng sự, bởi sự giảng Tin Lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến các anh chị em không thôi
10 trong mọi khi tôi cầu nguyện thường xin Đức Chúa Trời, bởi ý muốn Ngài, sau lại có thể gặp dịp tiện đi đến nơi các anh chị em.
11 Thật vậy, tôi rất mong mỏi đến thăm các anh chị em, để chia sẻ về ân điển thiêng liêng với các anh chị em, để cho các anh chị em được vững vàng,
12 tức là tôi ở giữa các anh chị em, để chúng ta cùng nhau giục lòng mạnh mẽ bởi đức tin chung của chúng ta, nghĩa là của các anh chị em và của tôi.
13 Hỡi các anh chị em cùng Cha, tôi chẳng muốn các anh chị em không biết rằng đã mấy lần tôi định đi thăm các anh chị em, để hái trái trong các anh chị em cũng như trong dân ngoại khác; nhưng về sự đó tôi bị ngăn trở cho đến bây giờ.
14 Tôi là kẻ thiếu nợ cả người Hy-lạp lẫn người dã man, cả người thông thái lẫn người ngu dại.
15 Ấy vậy, nếu thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin Lành cho các anh chị em, là những người ở thành Rô-ma.

Kính thưa Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ ơn Cha vì hôm nay Ngài tiếp tục ban ơn cho con trong sự đọc, suy ngẫm Lời Ngài được ghi chép trong Rô-ma 1:8-15. Con xin ghi lại sự hiểu của con trong phân đoạn này.

Con hiểu rằng “phụng sự Đức Chúa Trời bởi tâm thần” là hết lòng làm theo mọi mệnh lệnh của Ngài trong sự nhận thức của tâm thần kể từ giây phút được tái sinh. Mà trong đó, bổn phận trước hết là ngày đêm đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo mọi điều Ngài đã ghi trong Thánh Kinh. Tiếp theo, con cần vâng phục theo mọi chỉ dạy, hướng dẫn đúng Lời Chúa của người chăn, các trưởng lão mà Chúa đặt để chăm sóc Hội Thánh. Khi đã có tấm lòng vâng phục Chúa và các bậc cầm quyền trong Hội Thánh thì chính Chúa sẽ tác động trong con để con hiểu, muốn, và làm theo thánh ý mà Ngài dành riêng cho con.

Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để {các anh chị em} vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Con hiểu sự mong mỏi được gặp các thánh đồ tại thành Rô-ma của Sứ Đồ Phao-lô là điều hết sức tự nhiên. Bản thân con cũng mong được gặp mặt trò chuyện với từng anh chị em trong Hội Thánh. Lòng mong mỏi là nhiều hơn với các anh chị em mới đến với Hội Thánh hoặc con chưa gặp mặt bao giờ. Con mong có ngày được gặp gia đình người chăn, các anh chị em ở nước ngoài. Con nghĩ sự mong muốn đó là tình cảm tự nhiên khởi phát trong lòng một người kể từ giây phút người ấy được Thiên Chúa tái sinh.

Con hiểu “ân điển thiêng liêng” là tất cả ơn phước thuộc linh Chúa ban cho và chỉ dành riêng cho con dân Chúa. Trong tâm tình của Phao-lô, con nghĩ rằng ân điển thiêng liêng mà ông mong muốn chia sẻ nhiều nhất đến con dân Chúa tại thành Rô-ma đó là ơn được hiểu biết sâu nhiệm về Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ.

Kính thưa Cha, con rất thích chữ “thiếu nợ” trong tâm tình của Phao-lô. Sự “thiếu nợ” ở đây nghĩa là ông cảm thấy có bốn phận giảng Tin Lành cho mọi người ở khắp mọi nơi. Bao gồm sự giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa lẫn giảng về sự sâu nhiệm của Tin Lành cho các thánh đồ trong Hội Thánh. Trong chữ “thiếu nợ” này chứa đựng niềm khao khát dùng hết sức lực, thời gian, phương tiện, cơ hội, những ân tứ Chúa ban cho để giảng Tin Lành cho mọi người. Cảm tạ Chúa vì bởi tấm lòng đó của Phao-lô mà Chúa đã dùng ông để viết lại các thư tín trong Thánh Kinh, để ngày hôm nay Hội Thánh có trọn vẹn Lời Chúa.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện rằng Lời Ngài cứ mãi ở trong con!


Rô-ma 1:16-17 Tin Lành của Đấng Christ

16 Vì tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Đấng Christ, là năng lực của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. [Danh từ người Hy-lạp theo nghĩa rộng là: Các dân ngoại, không thuộc dân tộc Do-thái.]
17 Vì trong đó, sự công chính của Thiên Chúa được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có chép rằng: Người công chính sẽ sống bởi đức tin.

Kính thưa Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha vì hôm nay Ngài tiếp tục ban ơn, dạy dỗ cho con hiểu Lời Ngài ghi chép trong Rô-ma 1:16-17. Con xin ghi lại sự hiểu của con.

Thưa Cha, con hiểu rằng “người công chính sẽ sống bởi đức tin” có nghĩa là người được Chúa tha tội và làm cho sạch tội sẽ tiếp tục dùng đức tin mà vui sống trong Chúa. Sau đức tin cơ bản nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ là đức tin nơi mọi Lời phán của Chúa được ghi chép lại thành Thánh Kinh.

Sự đọc Thánh Kinh đã giúp con có đức tin nơi sự quan phòng của Chúa trên đời sống thuộc thể. Tiếp theo, dẫn đến đức tin nơi lời hứa về sự sống đời đời và mọi lời hứa khác của Chúa, như: Sự đồng trị với Đấng Christ, sự kết hiệp với Đấng Christ trong hôn lễ của Chiên Con, phần thưởng và sự vinh quang của đời sau, sự biến hoá của thân thể xác thịt, một chỗ ở trong Vương Quốc Trời… Đức tin về mọi lời hứa của Chúa sẽ khiến lòng con tràn ngập hy vọng, trở thành động lực sống mạnh mẽ trong con.

Thưa Cha, qua những trải nghiệm đi với Đức Chú Jesus Christ, con thường dùng cụm từ “niềm vui sống trong Chúa” để diễn đạt cảm giác của một người sống bởi đức tin. Niềm vui sống ấy cứ tăng lên mãi trong con!

Con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con sự hiểu trên. Nguyện rằng Lời của Ngài cứ mãi ở trong con.


Rô-ma 1:18-23 Sự Hiểu Biết về Đức Chúa Trời Đã Được Tỏ Ra cho Dân Ngoại

18 Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công chính của những người dùng sự không công chính mà cầm giữ lẽ thật.
19 Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ
20 những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính còn mãi của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.
21 Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm vinh hiển Ngài như Thiên Chúa, và không tạ ơn Ngài nữa; nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.
22 Họ tự xưng mình là khôn sáng, mà trở nên ngu dại;
23 họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.

Kính thưa Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ ơn Cha hôm nay tiếp tục dạy dỗ cho con về phân đoạn Rô-ma 1:18-23. Con xin ghi lại sự hiểu của con.

Thưa Cha, phân đoạn này con thích nhất là câu “Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết”. Con hiểu rằng một người chỉ cần nhìn vào những tạo vật đơn sơ nhất của Ngài cũng có thể hiểu rằng phải có một Đấng Sáng Tạo Quyền Năng và toàn tri đã sáng tạo ra chúng. Trong cấu tạo của muôn vật đều thể hiện tính toàn mỹ và sự sắp xếp trật tự của Ngài. Con đọc và tâm đắc với một đoạn trong sách Nguyên Lý Cấu Tạo của Thánh Kinh như sau:

[Trích “Các Nguyên Lý Cấu Tạo của Thánh Kinh trang 24, 25]

Thiết tưởng rất khó cho chúng ta nhất định một vật riêng biệt nào để chứng minh cho trật tự và sự chỉ định giữa vô số vật trong cõi thiên nhiên mà vật nào cũng có thể dùng minh chứng. Có lẽ con ong xinh đẹp và cần mẫn là một trong những ví dụ soi sáng rõ rệt nhất.

Ta thấy số 3 liên hệ đến con ong, dẫu ta nhìn nó bất cứ dưới khía cạnh nào. Trứng của con ong chúa nở sau 3 ngày. Ong được nuôi dưỡng trong 9 ngày (3×3). Nó đạt đến mức trưởng thành trong mười ăm ngày (5×3); ong thợ đạt đến mức trưởng thành trong hai mươi mốt ngày (7×3) và bắt đầu làm việc sau 3 ngày lìa khỏi tổ. Ong đực trưởng thành trong hai mươi bốn ngày (8×3). Con ong gồm ba phần: đầu và hai bụng. Cặp mắt ong gồm độ ba ngàn con mắt nhỏ hợp thành, mỗi mắt (cũng như mỗi hỗng của ngăn mật) có sáu mặt (2×3). Dưới mình ong có sáu (2×3) lỗ chế tạo sáp để làm nên ngăn mật. Ong có sáu chân (2×3). Mỗi chân gồm ba đoạn. Bàn chân được hợp thành bởi ba phần hình tam giác. Cái vòi gồm có chín đoạn (3×3). Nọc ong có chín (3×3) lông ở mỗi phía. Chắc chắn đó không phải là do tình cờ may rủi. Phải có sự tiền định, mệnh lệnh, trật tự, và sự toàn thiện, toàn mỹ.

[Hết trích]

Con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con mỗi ngày đều được nhìn ngắm núi rừng, nhìn ngắm những sự sáng tạo tuyệt diệu của Ngài. Nguyện rằng một ngày không còn xa nữa con được nhìn ngắm thế giới được đầy dẫy sự vinh quang của Ngài!


Rô-ma 1:24-28 Hậu Quả của Sự Chối Bỏ Đức Chúa Trời

24 Cho nên, Đức Chúa Trời đã phó họ rơi vào sự ô uế theo lòng tham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa,
25 vì họ đã đổi lẽ thật của Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và phụng sự loài được dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng tôn vinh cho đến vĩnh cửu! A-men.
26 Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với
 tính tự nhiên.
27 Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người này với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo trả xứng với điều lầm lỗi của mình.
28 Tại họ không xem xét để giữ lấy Đức Chúa Trời trong sự tri thức của họ, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, để phạm những sự chẳng xứng đáng.

Kính thưa Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha hôm nay Ngài lại ban cho con có cơ hội, thời gian, phương tiện để đọc và suy ngẫm Lời của Ngài. Con xin ghi lại sự hiểu của con về phân đoạn Rô-ma 1:24-28.

Thưa Cha, trong phân đoạn này, con chú tâm suy ngẫm câu “xem xét để giữ lấy Đức Chúa Trời trong sự tri thức”. Trước khi được Chúa cứu, con cũng như bao người trong thế gian này, sống trong đau khổ, lầm lạc, bất an, tổn thương lẫn nhau, lòng đầy sự độc dữ. Khi nhìn về thế gian đầy những sự tối tăm này và nhìn về cuộc đời cũ tội lỗi, con thấy thật quý giá ơn cứu chuộc của Ngài. Con cảm tạ Ngài đã đến tìm và cứu con ra khỏi cuộc đời cũ tội lỗi, ra khỏi mọi sự xấu hổ, tủi nhục. Kể từ giây phút được cứu chuộc thì con biết rằng mục đích của cuộc đời mình là “giữ lấy Đức Chúa Trời trong sự tri thức”. Con hiểu “giữ lấy Đức Chúa Trời” có nghĩa là vâng giữ mọi lời mà Ngài phán truyền và sống một nếp sống tôn cao giá trị cứu rỗi mà Ngài, tôn cao sự vinh quang của Ngài (Ma-thi-ơ 5:16, I Phi-e-rơ 2:12).

“Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16).

“Các anh chị em phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để cho họ là những kẻ vẫn gièm chê, xem các anh chị em như người gian ác, được thấy những việc lành của các anh chị em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ sẽ tôn vinh Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 2:12).

Thưa Cha, con cũng hiểu rằng sự “giữ lấy Đức Chúa Trời” cách cá nhân là thiết lập mối tương giao mật thiết với Ngài qua sự cầu nguyện, như Đức Chúa Jesus đã làm gương cho con khi Ngài còn đi lại trên đất.

“Trong lúc đó, Đức Chúa Jesus đi lên núi để cầu nguyện; và thức suốt đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 6:12).

Con cảm tạ Cha vì Ngài không chê con hèn mọn, Ngài luôn đón nhận mọi lời tâm tình, nỗi lòng con dâng trình lên Ngài.

Nguyện rằng Lời của Ngài cứ mãi ở trong con, làm cho con mỗi ngày lớn thêm sự hiểu biết về Ngài!