Sáng Thế Ký chương 12
Áp-ram Được Chúa Chọn
1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Áp-ram: Hãy ra khỏi vùng đất của ngươi, khỏi thân tộc của ngươi, và khỏi nhà cha của ngươi, để đến một xứ mà Ta sẽ chỉ cho ngươi.
2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi, làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một sự phước hạnh.
3 Ta sẽ ban phước cho những ai chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi. Trong ngươi, hết thảy các gia tộc trên đất sẽ được ban phước.
Áp-ram là tên gọi cũ của Áp-ra-ram sau này. Áp-ram có tấm lòng yêu kính Chúa, có đức tin lớn nơi Chúa. Ông có mối tương giao mật thiết với Chúa, nên ông thường xuyên nghe được Chúa phán dạy.
Rời vùng đất đã quen, rời xa những người bà con thân tộc, bỏ lại điều kiện tiện nghi nơi gia đình ông đang sống, đến một nơi chưa hề biết, hẳn ông và gia đình có những khó khăn. Nhờ tấm lòng tin kính, vâng phục Chúa của Áp-ram mà ông đã sẵn lòng ra đi. Bà Sa-rai đã vâng lời chồng, không ngần ngại, mạnh mẽ cùng chồng và gia đình ra đi. Lúc đó Áp-ram 75 tuổi, Sa-rai 65 tuổi ( bà kém chồng 10 tuổi).
Chắc là lúc gia đình ông đi, bạn bè hàng xóm, thân tộc sẽ có những người này người kia rèm pha, chê cười. Nhưng câu 3 ở trên Chúa phán rõ ràng: “Ta sẽ ban phước cho những ai chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi. Trong ngươi, hết thảy các gia tộc trên đất sẽ được ban phước.” Như vậy, với đức tin của ông về sự chăm sóc của Chúa, ông không còn phải lo lắng cho người đời sẽ nghĩ gì, nói gì. Ông cũng không phải lo đến cảnh xa cách người thân rồi họ sẽ ra sao, người cha già ở nhà thiếu vắng con cháu sẽ sống ra sao. Chúa bảo đi thì ông đi. Ông không biết khi nào có ngày trở về. Ông cũng không tự tính toán lên kế hoạch theo ý riêng mình. Chúa dẫn ông đi đâu, ông đi đó. Chúa bảo ông làm gì, ông làm đó.
Con hình dung ra cảnh gia đình ông Áp-ram cùng vợ là bà Sa-rai, Lót là cháu trai, cùng nhau chuẩn bị thu sắp đồ đạc, rời quê hương đi. Có lẽ họ cũng thu sắp gì cần bỏ lại, gì cần mang theo. Cũng có những mối tình cảm thân tộc, nếp sống gia đình thân quen cùng nhiều thứ cần buông bỏ. Con không hề thấy họ nhắc đến một lời. Con hiểu quan trọng ở đức tin, lòng vâng phục. Họ hướng lòng duy nhất về Chúa. Nghe và yên lặng làm y theo.
Con nhớ lại đợt ba mẹ con con chuẩn bị từ Hà Nội vào Đông Viên.
Áp-ram đi theo tiếng phán bảo của Chúa. Ông đi bởi đức tin, lòng vâng phục, kính sợ và yêu mến Chúa. Ông có đức tin lớn. Ông tin và vui mừng làm y theo lời Chúa phán với ông.
Nhìn lại cuộc di chuyển về nơi đây của con, con thấy thật hổ thẹn với Chúa. Những ngày sắp đi, lúc đó con có nhớ đến câu chuyện này của Áp-ram. Con nhớ đến câu Thánh Kinh trong Ma-thi-ơ 19:29, “Bất cứ ai vì danh Ta mà bỏ các nhà cửa, hoặc các anh em ruột, hoặc các chị em ruột, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc vợ, hoặc con cái, hoặc đất ruộng, thì sẽ nhận trăm lần hơn và sẽ hưởng sự sống vĩnh cửu.”
Con thầm nghĩ sao mà theo Chúa càng ngày càng giống Thánh Kinh, Lời Chúa sao mà sống động. Lúc đó, nhiều hôm con tranh thủ, ngày nghỉ con đi mua sắp đồ quần áo này nọ chuẩn bị đủ mặc cho 5-6 năm. Trong khi điều quan trọng nhất là thuộc linh, tiếng kêu gọi từ Chúa và đức tin. Chăm sóc thuộc linh cho các con, thì con lại làm chưa tốt.
Lúc đó, con cũng chưa biết nơi con đến là như thế nào. Con chỉ biết đi để chuẩn bị cho cuộc sống tự cung tự cấp, chuẩn bị cho kỳ khó khăn sắp tới rất có thể sẽ xảy đến, trước khi Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian, không quá 5 năm nữa. Những khó khăn như: Thiên tai, động đất, dịch bệnh, đói kém, chiến tranh, bão từ trường. Dịch Covid lúc đó đang bùng phát toàn cầu, hầu hết các quốc gia khuyến khích thậm chí ép tiêm vác-xin, không tiêm sẽ nghỉ việc, hạn chế đi lại mua bán, nhất là tại các thành phố, khởi đầu cảnh báo cho những sự khó khắn sắp đến.
Áp-ram Đến Xứ Ca-na-an
4 Vậy, Áp-ram ra đi, theo như lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với ông. Lót cùng đi với ông. Khi Áp-ram ra khỏi Cha-ran, ông được bảy mươi lăm tuổi.
5 Áp-ram đem Sa-rai, vợ ông, Lót, con trai của em trai ông, cả gia tài họ đã thu gom, và những người họ đã có được tại Cha-ran, ra đi, để đến xứ Ca-na-an. Họ đều vào trong xứ Ca-na-an.
6 Áp-ram trải qua trong xứ, đến đồng bằng Mô-rê, tại Si-chem. Lúc đó, dân Ca-na-an đang ở trong xứ.
7 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện ra với Áp-ram và phán: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này! Tại nơi đó, ông lập một bàn thờ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Đấng đã hiện đến với ông.
8 Từ đó, ông dời đi, đến một núi ở về phía đông Bê-tên, rồi đóng trại; phía tây có Bê-tên, phía đông có A-hi. Tại nơi đó, ông lập một bàn thờ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và cầu khẩn danh Ngài.
9 Rồi, Áp-ram tiếp tục cuộc hành trình, hướng về phương nam.
Áp-ram làm y theo những gì Chúa phán bảo, thể hiện sự vâng phục, sự yêu kính và đức tin tuyệt đối nơi ông. Chính bởi tấm lòng cùng việc làm của ông mà ông và dòng dõi con cháu ông đã được Chúa ban phước lớn.
Áp-ram Xuống Xứ Ê-díp-tô
10 Bấy giờ, trong xứ bị cơn đói kém; sự đói kém ấy lớn, nên Áp-ram đi xuống xứ Ê-díp-tô mà kiều ngụ.
Ê-díp-tô là một xứ đầy dãy tội lỗi, thờ hình tượng, Pha-ra-ôn là vua cai trị không tin kính Chúa. Chúa đã nhiều lần kêu gọi, sửa phạt nhưng ông vẫn cứng lòng, nên Chúa để ông cứng lòng càng hơn (Xuất-ê-díp-tô-ký chương 5 đến chương 11).
11 Khi gần vào đất Ê-díp-tô, Áp-ram nói với Sa-rai, vợ của ông: Này, ta biết ngươi là một người đàn bà đẹp, dễ nhìn.
12 Vậy nên, khi dân Ê-díp-tô thấy ngươi thì họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó; họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống.
13 Ta xin ngươi hãy xưng ngươi là em gái của ta, để nhờ ngươi mà ta sẽ được tốt lành, và nhờ ngươi mà ta sẽ giữ được mạng sống.
Áp-ram nói Sa-ra là em gái, không phải là nói dối. Vì thực tế, Sa-ra thật là em gái cùng cha khác mẹ với Áp-ram (Sáng Thế Ký 20:12). Thời đó Chúa cho phép anh em cùng huyết thống, họ hàng ruột thịt gần lấy nhau. Trong trường hợp để bảo toàn tính mạng của Áp-ram, Chúa cho phép không cần thiết nói ra sự thật Sa-ra là vợ của Áp-ram. Chúa không cho phép nói dối trong mọi trường hợp, nhưng Chúa cho phép không nhất thiết lúc nào cũng phải nói hết mọi sự thật.
Trường hợp cần nói lên một sự thật, mà người nói không nói hết, giấu đi một phần trong sự thật đó, nhằm che giấu, trục lợi, gây hại, khiến người nghe hiểu sai sự thật thì lại là nói dối. Con tạ ơn Chúa đã cho con hiểu, phân biệt rõ hai trường hợp này. Xin Chúa giúp con biết áp dụng vào đời sống. Điều gì con nên nói, điều gì không nên nói. Con cần mau nghe chậm nói. Kiệm lời. Gì không đáng nói thì không nói. Gì không ích lợi thì không nói. Nhất là với người ngoại, hạn chế tiết lộ sự thật nếu không cần thiết. Những điều này, con cũng làm chưa tốt. Con xin Chúa sửa đổi con.
“Nếu lắm lời, vi phạm nào có thiếu; nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn sáng.” (Châm Ngôn 10:19).
Trước đây, khi mới đọc, con có thắc mắc chưa hiểu chỗ này, tại sao Áp-ram và Sa-ra lại nói dối. Vừa rồi người chăn đưa ra chủ đề, con có suy ngẫm, con nghĩ ông không nói dối, nhưng chưa chắc chắn, con hiểu là Áp-ram gọi Sa-ra như em gái theo cách hiểu ngoài là vợ, ông coi Sa-ra như em gái mình vậy, lúc đó con chưa biết Sa-ra cũng thật là em gái họ hàng của Áp-ram. Con tạ ơn Chúa đã cho con hiểu rõ qua phần chia sẻ của người chăn hôm họp mặt thông công tuần vừa rồi.
14 Khi Áp-ram vào đến xứ Ê-díp-tô, dân Ê-díp-tô nhìn thấy người đàn bà và thấy bà đẹp lắm.
Tạ ơn Chúa đã ban cho Áp-ram một người vợ có dung nhan tuyệt đẹp. Bà cũng là người nữ tin kính Chúa, có đức tin mạnh mẽ.
Trước đây, các vị vua dùng quyền lực mình, ra lệnh giết hại người chồng để cưỡng đoạt vợ khi lòng vua muốn, thường xảy ra khi vua thấy người đàn bà đẹp vừa mắt là có ý chiếm đoạt. Một người nữ xứ Trung Đông vừa nhan sắc tuyệt đẹp vừa dịu dàng đằm thắm trong sự tin kính Chúa như Sa-rai, triều thần và vua Pha-ra-ôn có ý chiếm đoạt nàng. Một người nữ son sẻ ở độ tuổi 65 như Sa-rai, vẫn giữ được dung nhan tuyệt đẹp, hẳn bà phải rất là đẹp. Cũng có thể bà trẻ hơn so với tuổi. Hoặc do tuổi thọ trung bình cao hơn thời nay nên tuổi về già có kéo dài hơn.
Luật pháp thời đó, vua không bị luật loài người xử. Do luật thời vua chúa phong kiến, quốc gia không ban hành bộ luật hình sự riêng độc lập với bộ máy chính quyền cai trị, vua vừa cai trị vừa nắm quyền xét xử luôn, tương tự như các thể chế một số chính quyền độc tài ngày nay, chính quyền nắm trong tay luôn cả quyền xử luật, chính vì thế mà các quan chức cao phạm luật ít bị đưa ra xử rõ ràng. Nơi nào có sự này, nơi đó có bất công, không riêng quốc gia nào, tội lỗi hiện đang tràn khắp mọi quốc gia. Nhưng có thể nhìn rõ hơn ở các quốc gia có chế độ vua chúa phong kiến, chế độ cộng sản trước đây và ngày nay. Nếu quan sát nhìn kỹ sẽ thấy rõ điều đó.
Nhưng dù luật loài người có như thế nào, cũng không thể qua mắt được Luật Pháp Chúa. Chúa không cho phép điều đó. Là phạm tội với Chúa.
15 Các triều thần của Pha-ra-ôn cũng thấy bà và khen bà trước Pha-ra-ôn. Người đàn bà bị đem vào nhà của Pha-ra-ôn.
16 Vì bà nên ông ta hậu đãi Áp-ram; và ông được nhiều chiên, bò, lừa đực, lừa cái, lạc đà, tôi trai và tớ gái.
17 Nhưng vì Sa-rai, vợ Áp-ram, nên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hành phạt Pha-ra-ôn cùng nhà của ông bị một cơn dịch bệnh lớn.
Con tạ ơn Chúa, vì Ngài là thiện, là Đấng nhìn biết mọi sự và là sự công chính. Ngài đã hành động bảo vệ những ai yêu mến Ngài, xử phạt kẻ ác.
18 Pha-ra-ôn gọi Áp-ram và hỏi: Ngươi đã làm gì cho ta vậy? Sao ngươi không nói với ta, nàng là vợ của ngươi?
19 Sao ngươi đã nói rằng: Nàng là em gái tôi? Nên ta đã lấy nàng làm vợ. Bây giờ, vợ ngươi đây! Hãy nhận lấy và đi đi.
20 Pha-ra-ôn hạ lệnh cho người của mình đưa ông, vợ của ông, cùng mọi sự ông có, ra đi.
Tạ ơn Chúa về quyền năng của Chúa, thật Ngài có thể làm những sự lạ lùng. Nếu không bởi sự tác động của Chúa, khó có thể tin là lòng vị vua này có thể hạ mình thay đổi và hành động được như vậy.
“Lòng của vua ở trong tay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn.” (Châm Ngôn 21:1).
“Vì Chúa là rất lớn, làm những sự lạ lùng. Chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa mà thôi.” (Thi Thiên 86:10).
Con tạ ơn Chúa đã cho con đọc, suy ngẫm xong Sáng Thế Ký đoạn 12.
Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
(14/07/2022)