Sáng Thế Ký 04

130 views

Sáng Thế Ký chương 4

Chuyện Ca-in và A-bên

1 Loài người đã ăn ở với Ê-va, vợ mình. Nàng đã thụ thai, sinh ra Ca-in và nói: Nhờ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà tôi có được một người. [Ca-in có nghĩa là sở hữu.]

Cảm tạ Chúa đã cho Ca-in được sinh ra bởi ý Chúa. Tạ ơn Chúa đã cho bà Ê-va đã ăn năn tội, biết dâng lời tạ ơn Chúa đã ban con trai cho bà.

2 Nàng lại sinh ra em của nó, là A-bên. A-bên đã là người chăn chiên, còn Ca-in đã là người làm ruộng. [A-bên có nghĩa là hơi thở hoặc mong manh.]

Chúa không nói đến A-bên được sinh ra bởi ý Chúa, nhưng trong văn mạch, con hiểu A-bên cũng được sinh ra bởi ý Chúa.

3 Sau nhiều ngày, đã xảy ra việc Ca-in đã đem thổ sản làm của lễ dâng lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

4 Còn A-bên, ông cũng đã đem các con đầu lòng trong bầy của mình cùng mỡ của chúng dâng lên. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã nhìn đến A-bên và nhìn đến lễ vật của ông.

Ca-in là người làm ruộng, sẵn có thổ sản nên ông đã dùng chúng làm của lễ dâng lên Chúa. Theo cách nhìn bề ngoài là hợp lý. Nhưng điều đó lại không đúng với ý Chúa. Chúa nhìn bề trong.

Trong khi A-bên dâng bởi cả tấm lòng tin cậy, vâng phục, yêu kính biết ơn Chúa, thì Ca-in đã dâng của lễ không bởi tấm lòng tin cậy, vâng phục, yêu kính biết ơn Chúa, mà bởi ý riêng. Con không biết ý riêng này là gì, nhưng chắc chắn không bởi ý chúa. Có thể là dâng chiếu lệ, cho có hoặc là khoe khoang, muốn được nổi bật hơn, được Chúa yêu mình hơn em mình cùng nhiều lý do theo ý mình.

Đã là ý riêng là phạm tội. Phạm tội ắt sẽ gánh hậu quả kèm theo. Hình phạt nào cũng dẫn đến sự đau khổ và cuối cùng là sự chết nếu không ăn năn. Cho dù có thật lòng ăn năn, thì hậu quả vẫn còn. Sự thật lòng ăn năn thống hối đem lại sự cứu rỗi để được sự sống đời đời.

“Vì sự buồn rầu theo ý của Thiên Chúa làm thành sự hối cải, dẫn đến sự cứu rỗi, là sự buồn rầu không hối tiếc; còn sự buồn rầu của thế gian làm thành sự chết.” (II Cô-rinh-tô 7:10).

Ca-in theo cha mình là A-đam, chọn công việc cầy cấy trồng trọt, cực nhọc, đổ mồ hôi trán mới có cái để ăn; đời sống lao nhọc trên đất chỉ để tự lo phần thuộc thể, không tin kính thờ phượng Chúa, nên ông không hiểu và không làm theo ý Chúa. A-bên chọn đời sống chăn chiên để dùng làm của lễ dâng lên Chúa, thờ phượng theo ý Chúa, nên ông hiểu rõ và làm theo ý Chúa.

Cảm tạ Chúa đã cho con nhìn vào hai con người, hai đời sống, hai lựa chọn, hai mục đích, hai con đường hoàn toàn khác nhau. Chọn sống theo ý Chúa, sống cho Chúa hưởng phước hạnh đời đời Chúa ban. Chọn sống theo ý riêng cho bản thân dẫn đến đau khổ ngay đời này và đau khổ đời đời trong hoả ngục.

Đời sống con mấy chục năm qua trên đất này, con đã làm được gì cho Chúa? Con xác định chọn cho mình đời sống, mục đích sống theo cách nào? Con đã sống như thế nào với Chúa? Tấm lòng con với Chúa như thế nào? Con có dành trọn đời sống còn lại con để thờ phượng Chúa hay không? Con có hết lòng trung tín hầu việc Ngài, bằng cả tấm lòng biết ơn, tin cậy, vâng phục, yêu mến, kính sợ Chúa hay chưa? Con có tìm thấy niềm vui thoả đang khi con đọc suy ngẫm Lời Chúa đây hay không? Con có đang làm như làm cho Chúa hay không?

Chúa ơi, hai mươi năm qua con đã làm công việc loài người trả lương con, giờ con nghỉ, con làm công việc mới cho nhà Chúa. Những ngày ngắn ngủi còn lại của đời con, con xin Chúa dùng con cho công việc mới tốt lành theo ý Chúa. Nguyện đời sống con, tấm lòng, mỗi việc làm của con, là của lễ dâng lên Chúa, đẹp ý Chúa, để được Chúa vui nhậm, như Chúa đã vui nhậm của lễ của A-bên vậy.

Chúa ơi, dù con đến với Ngài muộn màng, xin Chúa sớm phục hồi con, cho con thêm lên đức tin, thêm năng lực để con sống vui thoả, bình an, đắc thắng trong Chúa.

Con không chọn sống những ngày lo lắng về thuộc thể, sống theo ý riêng cho mình nữa, không như đời sống Ca-in, xa cách Chúa như vậy sẽ rất là buồn thảm, sầu khổ và là một đời sống vô nghĩa. Con chọn thà chịu khổ theo ý Chúa để Chúa vui nhìn con hạnh phúc hơn là sống theo ý riêng để Chúa buồn nhìn con đau khổ. Mọi sự trên đất này rồi sẽ nhanh chóng qua mau, chỉ những gì con thâu chứa từ Chúa, thuộc về Chúa mới còn đến đời đời.

“Vì: Mọi xác thịt ví như cỏ! Mọi sự vinh quang của loài người ví như hoa của cỏ. Cỏ khô thì hoa rụng! Nhưng Lời phán của Chúa còn lại cho đến vĩnh cửu. [Ê-sai 40:6-8.] Và Lời đó là Tin Lành đã giảng ra cho các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 1:24, 25).

“Cỏ khô, hoa rụng; nhưng Lời của Thiên Chúa chúng ta sẽ còn tới đời đời.” (Ê-sai 40:8).

5 Nhưng với Ca-in và với lễ vật của ông, Ngài đã chẳng nhìn đến. Ca-in đã giận lắm. Nét mặt của ông đã gằm xuống.

Ca-in không có tấm lòng yêu kính Chúa, khi không được Chúa nhìn đến thì Ca-in có thái độ giận ghét, tức giận ra mặt. Ông đã vô lễ, bất kính với Chúa. Ca-in giận ghét em mình, giận ghét cả Thiên Chúa. Trước sau gì thì con người Ca-in vẫn thế, bởi tấm lòng của ông là vậy.

“Sự gì không công chính vẫn không công chính. Sự gì ô uế vẫn ô uế. Sự gì công chính vẫn công chính. Sự gì thánh khiết vẫn thánh khiết.” (Khải Huyền 22:11).

6 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với Ca-in: Sao ngươi giận và sao nét mặt của ngươi gằm xuống?

Câu hỏi này của Chúa với mong muốn ở Ca-in: Hỡi Ca-in, con hãy tra xét lại lòng con, để con nhận ra con đã phạm tội như thế nào với Ta, để xưng nhận, ăn năn.

7 Nếu ngươi làm lành, ngươi sẽ chẳng được chấp nhận sao? Còn nếu ngươi chẳng làm lành thì tội lỗi nằm chờ nơi cửa. Nó thèm ngươi lắm nhưng ngươi phải quản trị nó.

Câu hỏi của Chúa dò xét bên trong tấm lòng con người Ca-in. Chúa dò xét trong lòng, giúp Ca-in không thể chối cãi, không thể chối với chính lòng mình. Cùng với lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa dành cho ông. Thật Chúa có nghiêm khắc, “chờ nơi cửa” ý nói lội lỗi kèm khung hình phạt công chính ắt sẽ xảy đến do tội lỗi đem lại, nhưng Chúa vẫn đang kêu gọi Ca-in sớm mau chóng ăn năn.

8 Ca-in đã thuật lại với A-bên, em mình. Khi họ đang ở ngoài đồng thì Ca-in đã trỗi dậy, nghịch lại A-bên, em mình, và đã giết em.

Thay vì tìm đến với Chúa ăn năn thì ông lại đem lòng giận dữ đi gặp em ruột mình là A-bên và tìm cách giết A-bên. Tội lỗi không ăn năn dẫn đến ngày càng lún sâu vào tội tiếp theo, tội kéo theo tội.

9 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Ca-in: A-bên, em ngươi, ở đâu? Ông thưa: Tôi không biết! Tôi là người giữ em tôi sao?

Một lần nữa Chúa muốn Ca-in đối diện với sự thật, thành thật lòng mình nhận tội với Chúa. Nhưng rất tiếc, Ca-in không làm được điều Chúa kêu gọi. Ông đã chọn nói dối. Không những nói dối, ông còn quay sang hỏi bắt bẻ lại Chúa, hàm ý trách Chúa sao lại đổ oan tội và trách nhiệm cho ông.

10 Ngài phán: Ngươi đã làm điều gì vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến Ta.

Lần thứ ba Chúa trực tiếp phán hỏi tội của ông, nhằm để ông nhận tội. Đương nhiên, Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, không cần hỏi thì Ngài cũng đã biết hết mọi sự. Ở đây, Chúa muốn giúp Ca-in tự nhận tội, thật lòng ăn năn tội. Ngài lại gần để hỏi thể hiện Ngài còn quan tâm, còn thương xót đến Ca-in.

Lần đầu Chúa hỏi để ông tự tra xét lòng mình; lần hai để ông thống hối về tội và hậu quả mình đã gây ra; lần ba Chúa khẳng định “Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến Ta.”  Một Thiên Chúa Công Chính, biết mọi ý tưởng, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng (Giê-rê-mi 17:10), thực hữu, có một,  hiện diện ngay trước mặt, trực tiếp phán bên tai ông. Chính máu của nạn nhân đã lên tiếng kêu oan thấu đến Chúa và chính Chúa phán truyền trực tiếp lại đến tận tai Ca-in.

Lẽ ra ông phải biết run sợ, rúng động cả linh hồn mà mau chóng quỳ xuống nhận tội, van xin Chúa tha thứ, khiếp sợ tội để từ sau không bao giờ còn dám tái phạm. Đằng này, ông đã thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Có thể lương tâm ông ít nhiều biết sai, cáo trách, nhưng cứng lòng không chịu nhận tội.

Một điều đáng buồn và cũng thật khó hiểu, ông được sinh ra bởi ý Chúa, biết Chúa mà rồi lại chọn sống theo ý riêng, chọn không yêu kính thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật. Biết mười mươi Chúa có thật, Chúa là công chính, hậu quả tội lỗi kèm hình phạt là có thật. Vậy mà ông vẫn chọn phạm tội, chọn không chịu ăn năn.

Chắc hẳn rằng, từ nhỏ, hai anh em Ca-in và A-bên đã từng được nghe cha mẹ mình là bà Ê-va và ông A-đam kể lại câu chuyện đau lòng về sự phạm tội của mình. Kể về tình yêu của Thiên Chúa; về sự công bình thánh khiết của Ngài; về sự cha mẹ họ đã phạm tội như thế nào và đã phải chịu hình phạt, hậu quả ra làm sao. Chắc hẳn mỗi ngày họ nhìn A-đam, cha mình ngày ngày lao nhọc cày cấy trên đất, làm đổ mồ hôi trán mới có để ăn; rằng trước đây khi chưa chọn phạm tội, Chúa đã ban cho họ mọi thứ, cuộc sống tại vườn Ê-đen phước hạnh là như thế nào và giờ là như nào. Họ không quên khuyên dạy các con khi phạm tội cần ăn năn, rằng họ cũng đã ăn năn, tuy vậy hậu quả vẫn còn đó.

Họ nhắc lại câu chuyện phạm tội của mình cho con cháu nghe như bài học xương máu sống động, giúp con cháu họ tự suy ngẫm học biết rút kinh nghiệm, chọn yêu kính thờ phượng Chúa thay vì chọn phạm tội, chối bỏ Chúa.

Lương tâm ai cũng biết chọn không phạm tội mang lại phước lành. Vậy mà thực tế, hết cả loài người lại đã chọn phạm tội. Quyền lực và sức mạnh của tội lỗi thật khủng khiếp.

Tội lỗi là có thật. Sự lan tràn tội lỗi là có thật. Sự hết cả loài người bị nhiễm tội từ tổ phụ A-đam và Ê-va là hoàn toàn có thật. Sự loài người không thể tự mình thoát ra khỏi khỏi tội cũng hoàn toàn là thật.

“Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là những kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.” (Giê-rê-mi 13:23).

“…như có chép rằng: Chẳng có một người công chính nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết. Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, hết thảy cùng nhau ra vô ích. Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không.” (Rô-ma 3:10-12).

Hậu quả tội lỗi hoàn toàn có thật. Tiền công tội lỗi là sự chết. Sự chết thật là sự đời đời xa cách Chúa.

“Thật kẻ gian ác chẳng hề khỏi bị hình phạt nhưng dòng dõi người công chính sẽ được giải cứu.” (Châm Ngôn 11:21).

“Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chất chứa cho mình sự giận về ngày thịnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời…” (Rô-ma 2:5).

“Nhưng bây giờ đã được giải thoát khỏi tội lỗi và trở nên những nô lệ của Đức Chúa Trời rồi, thì các anh chị em được kết quả cho sự thánh khiết, và sự cuối cùng là sự sống vĩnh cửu. Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng ân điển của Đức Chúa Trời là sự sống vĩnh cửu trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta.” (Rô-ma 6:22, 23).

Chúa Jesus là con đường duy nhất cứu chuộc tội cho toàn nhân loại là sự thật.

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16).

11 Bây giờ, ngươi sẽ bị rủa sả từ nơi đất đã mở miệng nhận máu của em ngươi từ tay ngươi.

12 Khi ngươi lao động trên đất, nó sẽ chẳng sinh hoa lợi dư dật cho ngươi nữa. Ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất.

Hình phạt công chính Chúa làm ra cho Ca-in quả là nặng nề, xứng với tội lỗi ông đã phạm mà không ăn năn. Đó là: Ca-in mãi mãi không còn nhận được tình yêu phước hạnh Chúa ban, thay vào đó là sự rủa sả. Ông sẽ phải lao động cực nhọc trên đất, đã vậy, đất lại chẳng sinh hoa lợi dư dật. Ông phải đi lưu lạc rày đây mai đó, trốn tránh. Đã vậy, ông không còn được Thiên Chúa bảo vệ. Vì thế mà hình phạt ông càng lớn, chắc chắn ông sẽ sống những ngày tháng rất là khốn khổ trong nỗi lo sợ bất an, khó chịu nổi.

Thà rằng ông không biết Chúa, thì hình phạt Chúa vẫn có, nhưng sẽ bớt nỗi khiếp sợ hơn là ông biết Chúa rồi lại chọn phạm tội.

“Hãy coi chừng! Các anh chị em chớ từ chối Đấng phán với mình! Vì nếu những kẻ từ chối đấng phán trên đất chẳng thoát khỏi hình phạt, thì hình phạt sẽ càng hơn đối với chúng ta, nếu chúng ta quay khỏi Đấng phán từ trời.” (Hê-bơ-rơ 12:25).

“Những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất; còn những kẻ có luật pháp mà phạm tội, thì sẽ bị luật pháp phán xét…” (Rô-ma 2:12)

Con giả sử: Nếu Ca-in chọn ăn năn thì sẽ như thế nào? Có lẽ hình phạt vẫn có, điều quan trọng là, khi ông thật ăn năn, thì Chúa ở cùng ông, ban cho ông năng lực để ông chịu đựng và Chúa sẽ ban phước lại cho ông khi ông sống tiếp những ngày đẹp ý Chúa. Ăn năn càng sớm thì hậu quả càng giảm bớt và quan trọng là được sớm ở trong sự cứu rỗi, vì không biết ngày nào giờ nào Chúa cất sự sống mình hay Chúa không còn cho cơ hội ăn năn.

13 Ca-in thưa cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Sự hình phạt tôi nặng quá, tôi mang không nổi.

Ca-in nhận ra sức chịu đựng trong thân xác ông là chịu không nổi, hình phạt quá nặng với ông. Đó là hậu quả đương nhiên của một người không chịu ăn năn. Chối bỏ Chúa sẽ không còn trong sự bảo vệ của Chúa.

Một người đã biết Chúa lại chọn phạm tội, xa cách Chúa, đời sống sẽ rất là khốn khổ, mất năng lực để làm bất cứ sự lành gì. Một mặt lương tâm cáo trách vì biết rõ Chúa là tốt lành còn chối bỏ; một mặt lương tâm lên tiếng vì cớ tội lỗi. Tiếp nữa là khung hình phạt thật khốn khó, trong khi không còn ở trong sự quan phòng bảo vệ của Chúa, mất năng lực từ Chúa.  Ma quỷ tha hồ làm khổ họ mà họ bất lực không có thể tự chống đỡ, thoát ra, cho đến khi họ thật mở lòng ăn năn tội, trở về với Chúa.

“Mưu luận và sự thông thạo đều thuộc về Ta; Ta là sự thông sáng; năng lực vốn thuộc về Ta.” (Châm Ngôn 8:14).

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

14 Ngày nay, Ngài đã đuổi tôi ra khỏi đất này, tôi sẽ lánh mặt Ngài, sẽ trốn, sẽ đi lưu lạc và trốn tránh trên đất; rồi, nếu có ai gặp tôi thì sẽ giết tôi.

Thật đáng buồn, đáng tiếc, cũng thật đáng trách, đáng thương vì sự khờ dại, cứng lòng của Ca-in. Cho tới lúc này đây, ông vẫn chọn lánh mặt Chúa, sẽ trốn, sẽ đi lưu lạc rày đây mai đó trên đất. Ông không hết nỗi sợ hãi. Ông giãi bày nỗi sợ mình với Chúa. Ông sợ nếu có ai gặp ông sẽ giết ông. Trong nỗi khốn khó cô đơn, chọn cuộc sống với hình phạt nặng  khó mang như vậy, ông vẫn ý thức được ông đang còn sống, muốn sống, sợ chết. Đáng buồn là ông chỉ nghĩ đến sự sống trong thân xác, mà quên mất sự sống đời đời Chúa ban mới là sự sống thật cần tìm kiếm. Ông sợ hậu quả tội lỗi, hình phạt ông phải mang, mà không  nghĩ đến mình cần ăn năn tội.

Chắc chắn Ca-in nhận biết tội của mình, nhưng sao ông không ăn năn? Có người nói rất muốn thật lòng ăn năn mà sao lại không thể ăn năn được là sao? Bản thân con nhiều lúc trước đây cũng vậy là sao?

Suy ngẫm về điều này, con nhận ra là bởi tấm lòng, tấm lòng mình với Chúa. Nếu một người không thật tin yêu kính sợ Chúa thì không thể thật lòng ăn năn. Có ăn năn cũng chỉ trên môi miệng, cảm xúc hay lý trí. Ăn năn thật là ăn năn trong thần trí, đối diện với chính Chúa, tức một thần trí tan nát, vỡ vụn lòng mình trước Chúa, tâm thần nhận biết mình phạm tội với Chúa, muốn từ bỏ tội để tâm thần được gắn kết lại mối tình với Chúa.

Chỉ khi con đồng cảm với nỗi đau buồn của Chúa trước tội lỗi con gây ra, thì con mới có thể đau buồn vì tội lỗi con đã phạm. Khi con phạm tội là con chọn sống cho riêng mình, khiến Chúa rất đau buồn. Lòng con yêu Chúa giúp con không để Chúa buồn. Lòng con tin Chúa giúp con nương cậy vâng phục Chúa. Lòng con kính sợ Chúa giúp con biết sợ không dám phạm tội, nhỡ có phạm thì lập tức ăn năn.

15 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với ông: Vậy, nếu ai giết Ca-in thì sẽ bị báo thù bảy lần. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đánh dấu trên Ca-in, để có ai gặp Ca-in thì chẳng giết ông.

Thiên Chúa vẫn ban cho Ca-in sống thêm trên đất để ông có thêm cơ hội ăn năn tội. Đây là sự nhân từ thương xót rất lớn của Chúa dành cho Ca-in.

16 Ca-in lui ra khỏi mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và ở tại xứ Nốt, về phía đông của Ê-đen.

Ca-in đã chọn lui ra khỏi mặt Chúa, hành động do ông tự quyết định. Với tình yêu thương vô bờ bến của Chúa, Chúa vẫn còn đứng đó nhìn ông lui đi với lòng đau xót. 

Chúa ơi, con không có thể nào thấu hết nỗi đau xót của Ngài trước cảnh như vậy. Một Thiên Chúa Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, Toàn Tại, giờ đây, Ngài nín lặng nhìn đứa con bội nghịch, chọn ra đi, mãi mãi xa cách Ngài. Rồi đây, những khốn khó, tủi nhục, đau khổ sẽ đến. Lửa hoả ngục trong ngày đoán xét do chính Ngài là quan án xét xử. Nhìn cảnh đau thương ắt sẽ xảy đến với đứa con, tạo vật do chính Ngài tạo dựng. Mục đích tốt đẹp ban đầu Ngài hy vọng, mong đợi, nay bị huỷ hoại bởi chính loài người chọn. Ngài đã không thể làm gì thêm hơn. Tình yêu Ngài ban ra đã không được đón nhận, đáp lại. Một sự phản bội ngoài sức con tưởng tượng. Con không hình dung nổi nỗi buồn nơi khoé mắt Ngài; con tim rớm máu…

Dẫu cho loài người bội nghịch, lòng người xấu xa, gian ác với Ngài, thì tình Ngài vẫn đó, y nguyên, không đổi.

“Đức Chúa Jesus Christ, Đấng y nguyên hôm qua, hôm nay, và cho đến mãi mãi.” (Hê-bơ-rơ 13:8).

Dòng Dõi Ca-in

17 Rồi, Ca-in ăn ở với vợ mình, nàng thụ thai và sinh Hê-nóc. Ông xây một cái thành, đặt tên thành theo tên con trai mình là Hê-nóc.

Ca-in sinh con trai đầu lòng là Hê-nóc (Hê-nóc này trùng tên, khác với Hê-nóc trong Sáng Thế Ký 5:18).

Sự xây một cái thành ở đây của Ca-in là hành động chống nghịch Chúa. Vì hình phạt Chúa dành cho Ca-in là đi lưu lạc rày đây mai đó, không phải định cư một chỗ như vậy.

18 Rồi, Hê-nóc sinh I-rát; I-rát sinh Mê-hu-da-ên; Mê-hu-da-ên sinh Mê-tu-sa-ên; Mê-tu-sa-ên sinh Lê-méc.

Lê-méc là đời thứ 5 của dòng dõi được Ca-in sinh ra. Lê-méc này trùng tên, khác với Lê-méc được nói đến trong Sáng Thế Ký 5:28, thuộc đời thứ 9 dòng dõi Sết, là cha của Nô-ê.

19 Lê-méc lấy hai vợ; một người tên là A-đa, một người tên là Si-la.

20 A-đa sinh Gia-banh; người là tổ phụ của các dân ở trong các lều và nuôi các bầy súc vật.

21 Em người tên là Giu-banh, tổ phụ của những người đánh đàn và thổi sáo.

22 Còn Si-la cũng sinh Tu-banh Ca-in, là người rèn đủ thứ dụng cụ bằng đồng và bằng sắt. Em gái của Tu-banh Ca-in là Na-a-ma.

Cũng như Ca-in, các người vợ của Lê-méc không được nói đến quê ở đâu. Thời đó, đã có các nghề như may lều trại; chăn nuôi súc vật; nghề rèn kim loại đồng và sắt; biết đánh đàn, thổi sáo.

23 Lê-méc nói với các vợ của mình rằng: Hỡi A-đa và Si-la! Hãy nghe tiếng ta! Này, các vợ của Lê-méc! Hãy lắng tai nghe lời ta! Vì ta đã giết một người làm cho ta bị thương; một người trẻ đánh sưng bầm ta.

Lê-méc đã làm ác, phạm tội giết người. Khi họ làm ông bị thương thì ông đã giết họ. Cùng lúc ông phạm tội giết người; tội không được trả thù người khác, sự trả thù thuộc về Chúa.

24 Nếu Ca-in được bảy lần báo thù thì Lê-méc sẽ được bảy mươi bảy lần báo oán.

Lê-méc phạm tội giết người nhưng không ăn năn. Ông lại mượn cớ Chúa bảo vệ sự sống của Ca-in mà tự cho rằng mình cũng được quyền giết người rồi được Chúa bảo vệ mạng sống. Điều này cho thấy Lê-méc đã chống nghịch Chúa.

Thiên Chúa để cho Ca-in được sống thêm trên đất và sinh ra những người con. Những con cháu của Ca-in không kính mến thờ phượng Chúa, nên đời sống họ cũng đều khốn khó, tội lỗi, phạm tội với Chúa. Qua đây, con nhận thấy, Ca-in phạm tội không ăn năn, không những cuộc đời ông mất phước, chịu hình phạt khốn khó đau khổ, mà cho đến dòng dõi các đời ông sinh ra cũng khốn khó mất phước, các con cháu ông đều sống trong tội lỗi đau khổ, cuối cùng linh hồn không được cứu.

Dòng dõi Ca-in bị loại ra khỏi dòng dõi loài người, vì bị Chúa rủa sả, đuổi ra khỏi cộng đồng loài người. Sáng Thế Ký đoạn 5, không nhắc đến tên của Ca-in trong dòng dõi A-đam và Ê-va sinh ra.

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời. (Dân Số Ký 14:18).

Sết Ra Đời

Tạ ơn Chúa đã ban cho ông bà A-đam và Ê-va sinh thêm được một con trai nữa, tên là Sết. Thiên Chúa là Đấng có toàn quyền ban cho và cất đi. Ngài luôn ban dư dật cho những người tìm kiếm và sống đẹp ý Ngài.

Chúa đã không bảo vệ mạng sống của A-bên, Chúa đã đem A-bên về với Chúa. Giờ đây, Chúa lại ban cho Ê-va thêm một con trai khác. Từ con trai này sinh ra thế hệ loài người bắt đầu biết cầu khẩn danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, đây là một phước lớn cho loài người. Ê-va biết ăn năn tội, trở lại tin cậy, thờ phượng Chúa, sống đẹp ý Chúa, nên Chúa ban phước lại cho bà.

26 Sết cũng sinh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đó, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Cảm tạ Chúa đã ban cho con trai Sết một con trai, là Ê-nót, từ Ê-nót, loài người bắt đầu cầu khẩn danh Chúa.

Chúa thật thành tín, Ngài luôn ban phước cho những ai có lòng ăn năn thống hối, trở lại sống đẹp ý Chúa. Ngài cũng hình phạt công chính cho những kẻ phạm tội không ăn năn, xứng với tội họ gây ra. Ngài ban phước đến ngàn đời cho những ai yêu mến Ngài. Và Ngài cũng sửa phạt giáng hoạ đến nhiều đời cho những kẻ ghét bỏ không yêu mến Ngài.

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời. (Dân Số Ký 14:18).

Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:9, 10

Vậy nên, hãy biết rằng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, Ngài là Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa Thành Tín, giữ sự giao ước và sự từ ái đến ngàn đời cho những ai yêu Ngài và giữ các điều răn của Ngài;

10 và Ngài báo trả ngay trước mắt cho những kẻ ghét Ngài, mà hủy diệt chúng nó đi. Ngài không trì hoãn cùng kẻ nào ghét Ngài đâu, sẽ báo trả ngay trước mắt cho kẻ đó.

“Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì lại cất luôn điều họ đã có nữa.” (Ma-thi-ơ 13:12).

Chúa ơi, con xin Chúa cho cho con tấm lòng tin yêu kính sợ và vâng phục Ngài; trung tín với Ngài cho đến cuối cùng, để con được Chúa ban phước cho con và cho các con của con, như Lời Chúa đã hứa với con. Con cảm tạ ơn Chúa!

Trong danh Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Lan

One Reply to “Sáng Thế Ký 04”

  1. NTMo

    Lan thương mến!

    Lan thương mến!

    Cô dâng lời cảm tạ Chúa về những bài chia sẻ sự học Lời Chúa của Lan.

    Cảm tạ Chúa, cô cảm ơn Lan khi đọc những bài này cô được nhắc nhở rất nhiều. Xin Chúa cứ ban ơn trên Lan càng hơn trên việc học của mình và cũng là mục vụ hầu việc Chúa. Hôm nay cô vào và thử viết vào đây, hôm trước có lẽ cô vào nhầm phần khác nên không gửi được khi cô đọc bài 03.

    Cảm tạ Chúa, cô cảm ơn Lan!

    Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ!

    Nguyễn Thị Mơ.

Để lại một bình luận