Sáng Thế Ký 11

119 views

Sáng Thế Ký Chương 11

Tháp Ba-bên

1 Cả đất vốn có một ngôn ngữ và một loại chữ.

Chúa bày tỏ cho con biết loài người chúng con trước đây chỉ có một ngôn ngữ và một chữ viết. Ngôn ngữ và chữ viết ban đầu có thể là ngôn ngữ Hê-bơ-rơ. Vì các bản dịch Thánh Kinh gốc chủ yếu được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Như vậy, Tiếng Anh phổ biến trên thế giới hiện nay không phải là ngôn ngữ ban đầu.

2 Khi từ phương đông dời đi, người ta gặp một thung lũng trong xứ Si-nê-a thì ở tại đó.

Xứ Si-nê-a thuộc về vùng đất của con cháu Cham (Sáng Thế Ký 10:10).

3 Người này nói với người kia: Nào! Chúng ta hãy làm gạch và nung trong lửa. Họ dùng gạch thế cho đá, còn chai thế cho hồ.

Thời đó loài người biết nung gạch. Đất dùng nung gạch thường là đất sét nung ở nhiệt độ cao (khoảng chừng một ngàn độ C), khoáng chất có trong đất ở nhiệt độ cao, kết hợp với ô-xy, tạo ra gạch có màu nâu đỏ hoặc đỏ, dùng để xây nhà. “Chai” con hiểu là loại nhựa dùng để kết dính các vật liệu trong xây dựng.

Ý tưởng làm gạch, xây cất nhà cho mục đích ở không sai. Nhưng mục đích xây tháp cao đến tận trời là sai. Từ ý tưởng của một hay một nhóm người, họ rủ nhau, cùng nhau làm ra tội. Tội lỗi có tính lan truyền.

4 Họ nói: Nào! Chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một ngọn tháp, chót cao đến tận trời. Chúng ta hãy làm cho rạng danh, kẻo chúng ta phải tản lạc khắp trên mặt đất.

Đây là hành động chống lại ý Chúa. Vì Chúa không có phán truyền như vậy.

Theo Sáng Thế Ký 1:28, thì Chúa truyền lệnh cho loài người sinh sản đầy dãy trên đất. Theo Sáng Thế Ký 6:1, loài người sinh sản thêm nhiều trên mặt đất. Theo Sáng Thế Ký 4:12 thì hình phạt của Ca-in là sẽ phải lưu lạc và trốn tránh trên mặt đất. Theo con hiểu “trên mặt đất” là trên bề mặt trái đất. Con tra từ điển tiếng Việt thì mặt đất là trên bề mặt của đất, trên đó có các sinh vật và con người đi lại sinh sống.

Ngày nay, với phương tiện và công nghệ, con người có thể đi lại bằng đường thuỷ, đường bay; cũng như con người không chỉ sinh sống trên bề mặt địa hình đất liền, đào hầm trong lòng đất, mà có thể sinh sống trên sông nước, dựng nhà cao tầng, có những khu nhà hàng trăm tầng, cao mấy trăm mét, với tên gọi “nhà chọc trời”, gợi cho con liên tưởng đến tháp Ba-bên. Nếu xây để ở thì không sai. Nếu xây để khám phá, ý tưởng theo cách gọi trên là sai. Có lẽ Chúa biết trước, nên Ngài đã ngăn lại, bằng cách Chúa thiết lập vành đai bầu khí quyển chỉ chừng vài ki-lô-mét so với mực nước biển, con người có thể sống, vượt độ cao đó, không khí loãng, không đủ ô-xy để con người thở bình thường. Con người khó thở được ở độ cao trên dăm bảy ngàn mét.

Nhiều loài chim trời bay lượn, sống trên bầu trời cao cách xa mặt đất cả hơn chục ki-lô-mét. Có những loài chim có thể bay trên bầu trời nhiều tháng, đến mùa sinh sản chúng mới hạ cánh xuống như chim én, chim hải âu, chim yến …

Ý Chúa muốn cho loài người sống trên mặt đất, vì vậy mà Chúa cho phép điều kiện khí quyển bao quanh bề mặt đất là tốt nhất cho con người và các sinh vật. Ở độ quá cao, sinh vật không thể sống được. Chúa đặt để duy nhất trên trái đất này mới có sự sống. Các nhà khoa học ngày nay đi tìm sự sống ngoài trái đất là việc làm vô ích.

Một số nhà khoa học đã đặt chân ngoài trái đất như trên Sao Hoả, Mặt Trăng. Chúa không đặt để điều kiện cho sự sống sinh vật, con người ở đó. Loài người cố ý tìm mọi phương cách đến sống, sẽ vô cùng khó khăn mà vẫn vô ích, vì làm theo ý riêng.

Trong phạm vi hẹp hơn, cùng trên mặt đất này, có những vùng không thuận lợi cho nhiều sinh vật sống như sa mạc, Nam Cực, Bắc Cực, vùng biển chết … Chỉ một số rất ít sinh vật đặc biệt có thể sống. Do hậu quả tội lỗi, một số nơi trên địa cầu, điều kiện khắc nghiệt đến nỗi không có một sinh vật nào sống được, thậm chí cả những loại vi trùng cũng khó tồn tại. (Theo con hiểu thì sự sống sinh vật nói trong Sáng Thế Ký không nói đến vi trùng, vi trùng là do hậu quả tội lỗi mà có, ban đầu Chúa không tạo dựng nên vi trùng).

Con suy ngẫm đến nơi sống của con. Thuộc thể và thuộc linh. Nơi nào Chúa muốn con ở. Nơi nào Chúa không muốn. Thời điểm nào Chúa muốn con ở đâu. Nơi Chúa muốn con ở sẽ tốt cho con thuộc linh và thuộc thể. Nơi Chúa không muốn con ở, sẽ khó khăn cho con, cho dù con có cố gắng cũng không mang ích lợi gì. Ở đâu cũng có Chúa vì Chúa là toàn tại. Nhưng ở đâu tốt cho con về thuộc linh, ở đâu là nơi Chúa muốn con ở. Ở đâu con cũng cần nương cậy và yêu kính Chúa thì con mới vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh.

5 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ngự xuống, để xem cái thành và ngọn tháp do con cái loài người xây nên.

Tại sao Chúa không ngăn ngay trước khi loài người bắt tay xây?

Thực ra, Luật Pháp Chúa đã ghi tạc nơi lương tâm hay còn gọi là trong tâm thức, do tội lỗi nên loài người đã không nhận biết hoặc cố ý phạm.

Có những điều không đẹp lòng Chúa, Chúa vẫn cho phép loài người tự do làm. Vì Chúa biết lòng gian ác, thích làm theo ý riêng, không chịu tin và nghe theo ý Chúa, nên cho dù Chúa có ngăn cản ý định từ sớm, lúc chưa làm, thì loài người cẫn cứ chọn làm. Nên Chúa để mặc. Loài người càng ra sức làm nghịch, Chúa càng đau xót.

6 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này, dân chúng là một và bọn họ có một thứ tiếng nói; và này là công việc chúng nó đang bắt đầu làm. Bây giờ, chẳng có gì có thể ngăn chúng nó làm điều chúng nó đã quyết định.

Quyền đầu tiên Chúa ban cho loài người là quyền tự do chọn lựa. Quyền ra quyết định. Chúa tôn trọng quyền tự quyết của loài người. Quyết định theo ý Chúa là quyết định khôn sáng, mang lại phước hạnh, tốt lành, ích lợi. Quyết định nghịch lại ý Chúa là quyết định ngu dại, mang lại hậu quả xấu, bất lợi, Chúa buồn lòng. Quyết định theo ý Chúa xuất phát từ tấm lòng yêu kính Chúa, thần trí vâng phục được Chúa vui lòng. Mỗi người phải chịu trách nhiệm trong từng quyết định lớn nhỏ của mình trước Chúa, trước lẫn nhau. Không có bất kỳ quyết định nào không mang lại kết quả, hoặc lành hoặc dữ.

Quyết định bởi thần trí, theo ý Chúa, với lòng yêu kính, vâng phục, có sự soi sáng của Chúa, có Đức Thánh Linh dẫn dắt và ban năng lực, là quyết định khôn sáng, bền vững. Quyết định bởi lý trí, cảm xúc, theo ý riêng, không có sự soi dẫn từ Chúa, không bởi lòng yêu kính và vâng phục Chúa, thường không bền, dễ đổi khi gặp nghịch cảnh, vì không có năng lực từ Chúa, làm không bởi ý Chúa, sức Chúa nên dễ nản, khó quyết tâm và kiên trì. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự phân tâm, trong tâm trí một người không thật lòng yêu kính Chúa, chưa hết lòng vâng phục tin cậy Chúa.

Bản thân con hay thay đổi, con không kiên trì. Nhất là trong hơn nửa năm qua, việc con cứ đi đi về về, lúc con về Hà Nội, con lại đi rồi lại về, nhiều lần, không yên. Con đã gây ra bao hậu quả đau lòng. Cho Chúa, Hội Thánh, bản thân và bao người thân trong gia đình. Con đã làm xấu danh Chúa trước nhiều người ngoại: Gia đình, làng xóm ở quê và hàng xóm nơi con ở ngoài Hà Nội, đồng nghiệp, bạn bè của con, bạn bè và nhà trường các con của con. Con rất đau xót về điều này. Chúa, người chăn, Hội Thánh vô cùng đau xót. Con không muốn tiếp tục như vậy. Xin Chúa giúp con. Con cầu xin Chúa tha thứ tội của con. Chúa là tốt đẹp. Do con làm sai, đã làm xấu danh Chúa trước bao người.

Con nhận thấy nguyên nhân chính là do tấm lòng con với Chúa, con chưa hết lòng yêu kính, tin cậy, vâng phục Chúa. Con không kiên trì. Con làm theo ý riêng, sức riêng.  Làm chưa thật bởi đức tin, bởi lòng tin yêu, vâng phục Chúa hoàn toàn. Nên con mới vậy. Xin Chúa thương xót tha thứ cho con.

Những câu Thánh Kinh nhắc nhở con:

Gia-cơ 1:5-8

5 Nếu như trong các anh chị em có ai kém khôn sáng, người ấy hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì người ấy sẽ được ban cho.

6 Nhưng người ấy phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ chút nào; vì kẻ nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió khuấy động.

7 Người như thế chớ nên nghĩ rằng, mình sẽ nhận được điều gì từ nơi Chúa.

8 Một người phân tâm, thì làm việc gì cũng không ổn định.

Con còn chưa quyết tâm một lần buông bỏ mọi thứ, con chưa chịu thương khó quyết tâm tự vác thập tự mình theo Chúa, con chưa quyết tâm hết lòng sống chết cho Chúa, sống chết vì Chúa, con chưa hoàn toàn vâng phục Chúa qua sự hướng dẫn của người chăn và các trưởng lão. Con sống nửa vời, chân trong chân ngoài, vừa Chúa vừa thế gian, lúc này lúc khác, lúc nóng cháy lúc con lại nguội lạnh.

Lời Chúa nhắc con:

“Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng. Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng! Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.” (Khải Huyền 3:15, 16).

Đã nhiều lần con đau xót ăn năn, nhìn hậu quả, tội lỗi con gây ra, Chúa đau lòng, con sợ. Rồi con lại không vượt qua. Con lại phạm. Con sợ câu Thánh Kinh Chúa nhắc con:

Hê-bơ-rơ 6:4-8

4 Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh,

5 đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau,

6 rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.

7 Vì đất thấm nhuần mưa thường xuyên đến trên nó mà sinh ra cây cỏ, có ích cho họ, những người cày xới nó, thì nhận phước từ Đức Chúa Trời.

8 Nhưng nếu nó sinh ra những cây gai và những cây tật lê, thì bị bỏ và gần sự nguyền rủa. Sự cuối cùng của nó là vào trong sự thiêu đốt.

Con vô cùng sợ hãi câu Thánh Kinh sau, con không muốn chính con rơi vào cảnh như này:

“Vì các anh chị em biết rằng, sau đó, người muốn thừa hưởng phước, thì người bị từ bỏ; vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt. [Sáng Thế Ký 27:36-39]” (Hê-bơ-rơ 12:17).

Chúa ơi, con không muốn tiếp tục đời sống như vậy. Con muốn sống cho Chúa, sống vì Chúa. Xin Chúa tha thứ cho con mọi tội con và giúp con từ nay con sống theo ý Chúa.

Xin Chúa cho con biết chân quý ân điển của Chúa mà chọn sống cho Chúa, không sống cho riêng con.

“Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy. Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống đời đời.” (Ga-la-ti 6:7-8).

7 Nào! Chúng Ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, để chúng nó nghe không được lời nói của người này với người kia. [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 1:26; 3:22. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ có các hình dáng khác nhau.]

Sự làm lộn xộn tiếng nói của chúng ở đây là một phép lạ, bởi quyền năng của Chúa. Con hiểu ra là các ngôn ngữ khác nhau giữa các quốc gia, vùng miền, dân tộc có ngày nay là hậu quả tội lỗi, do loài người chống nghịch Chúa mà Chúa cho phép các thứ tiếng ngôn ngữ khác nhau.

Suy ngẫm về điều này, con cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ngay khi sửa phạt hay khi giải quyết tội lỗi, Chúa đều mong muốn những điều ích lợi nhất cho loài người. Từ việc Ngài làm lộn xộn các thứ tiếng, ngưng việc xây cất, mà ngày nay khắp thế giới có nhiều ngôn ngữ. Mỗi quốc gia có một thứ ngôn ngữ riêng. Trên cùng một quốc gia, lại có nhiều dân tộc với các thứ tiếng riêng. Ví như tại Việt Nam có 54 dân tộc, với nhiều các thứ tiếng khác nhau. Mỗi ngôn ngữ, chữ viết từng ngôn ngữ có nét đẹp riêng.

8 Rồi, từ đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ ngưng công việc xây cất thành.

Chúa là toàn năng và Ngài là tình yêu. Từng hành động của Ngài trên loài người là đúng lúc, đúng thời điểm, tốt lành nhất. Với loài người, khi không nhìn ra, thích theo ý riêng thì cho rằng cần đạt được thế này thế kia mới là tốt, nhưng nếu ý riêng đó không là ý Chúa, thì dù có gắng đến mấy, có đạt thành quả đến mấy thì cũng vô ích.

9 Thế nên, thành được gọi là Ba-bên, vì tại nơi đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm lộn xộn tiếng nói của cả đất. Cũng từ đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất. [Ba-bên có nghĩa là lộn xộn.]

Sự loài người tản ra khắp đất là mệnh lệnh sau khi loài người phạm tội.

Dân I-sơ-ra-ên Từ Thời Áp-ra-ham đến Thời Giô-sép (Từ 11:10 đến đoạn 50)

Gia Phả của Áp-ram

10 Đây là dòng dõi của Sem: Cách hai năm, sau Cơn Nước Lụt, Sem được một trăm tuổi, sinh A-bác-sát.

Như vậy, sau khi ra khỏi tàu được chừng 1 năm thì Sem sinh con. Trong điều kiện khó khăn đủ thứ về vật chất sau cơn lụt, Chúa vẫn có cách chăm sóc cho những đứa trẻ trong bụng mẹ và được sinh ra.

11 Sau khi Sem sinh A-bác-sát rồi, còn sống được năm trăm năm, sinh các con trai và các con gái.

12 A-bác-sát được ba mươi lăm tuổi, sinh Sê-lách.

13 Sau khi A-bác-sát sinh Sê-lách rồi, còn sống được bốn trăm lẻ ba năm, sinh các con trai và các con gái.

14 Sê-lách được ba mươi tuổi, sinh Hê-be.

15 Sau khi Sê-lách sinh Hê-be rồi, còn sống được bốn trăm lẻ ba năm, sinh các con trai và các con gái.

16 Hê-be được ba mươi bốn tuổi, sinh Bê-léc.

17 Sau khi Hê-be sinh Bê-léc rồi, còn sống được bốn trăm ba mươi năm, sinh các con trai và các con gái.

18 Bê-léc được ba mươi tuổi, sinh Rê-hu.

19 Sau khi Bê-léc sinh Rê-hu rồi, còn sống được hai trăm lẻ chín năm, sinh các con trai và các con gái.

20 Rê-hu được ba mươi hai tuổi, sinh Sê-rúc.

21 Sau khi Rê-hu sinh Sê-rúc rồi, còn sống được hai trăm lẻ bảy năm, sinh các con trai và các con gái.

22 Sê-rúc được ba mươi tuổi, sinh Na-cô.

23 Sau khi Sê-rúc sinh Na-cô rồi, còn sống được hai trăm năm, sinh các con trai và các con gái.

24 Na-cô được hai mươi chín tuổi, sinh Tha-rê.

25 Sau khi Na-cô sinh Tha-rê rồi, còn sống được một trăm mười chín năm, sinh các con trai và các con gái.

26 Còn Tha-rê được bảy mươi tuổi, sinh Áp-ram, Na-cô, và Ha-ran.

27 Đây là dòng dõi của Tha-rê: Tha-rê sinh Áp-ram, Na-cô, và Ha-ran; Ha-ran sinh Lót.

28 Ha-ran qua đời tại quê hương mình, tức là U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, khi cha của ông là Tha-rê hãy còn sống.

29 Áp-ram và Na-cô cưới vợ; vợ Áp-ram tên là Sa-rai; vợ Na-cô tên là Minh-ca, con gái của Ha-ran, cha của Minh-ca và cha của Dích-ca.

30 Sa-rai son sẻ, nên bà không có con.

31 Tha-rê đem Áp-ram, con trai mình, Lót, con trai Ha-ran, cháu mình, và Sa-rai, vợ Áp-ram, dâu mình, cùng ra khỏi U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, để đi đến xứ Ca-na-an. Khi họ vào đến Cha-ran thì ở lại tại đó.

32 Những ngày của Tha-rê là hai trăm lẻ năm năm. Tha-rê qua đời tại Cha-ran.

Bảng tóm tắt dòng dõi từ Sem đến Áp-ram và Lót:

Tên (người cha)

Tuổi Sinh Con

Tên Con

Tuổi Thọ (cha)

Sem

100

A-bát-sát

600

A-bát-sát

35

Sê-lách

438

Sê-lách

30

Hê-bê

433

Hê-be

34

Bê-léc

464

Bê-léc

30

Rê-hu

239

Rê-hu

32

Sê-rúc

239

Sê-rúc

30

Na-cô

230

Na-cô

29

Tha-rê

248

Tha-rê

70

Áp-ram; Na-cô; Ha-ran

275

Ha-ran

Lót, Minh-Ca, Dích- Ca

Chết trước Tha-rê

Nhìn bảng trên, con thấy:

  • Tuổi thọ và tuổi sinh loài người giảm so với thế hệ trước thời Nô-ê. Do tuổi thọ giảm, không chỉ Ha-ran chết trước cha mình là Tha-rê, mà những thế hệ trước đó cũng chết trước các thế hệ các đời trước đó. (Từ đời Bê-léc về sau, tuổi thọ giảm nhiều so với các thế hệ từ Hê-be trở về trước).
  • Các thế hệ thời trước và Nô-ê kể trên, mỗi thế hệ đều sinh nhiều con, cả trai và gái. Như kể trên thì ít nhất sinh 5 người con, có thể là mười hoặc hơn. Thời đó người phụ nữ thường ở nhà, sinh đẻ và chăm sóc chồng con, phụ giúp thêm công việc của chồng. Thời đó, tội lỗi chưa nhiều như bây giờ, chưa dùng các biện pháp ngừa thai, kế hoạch hoá dân số, nạo phá thai như bây giờ.
  • Có tới 9-10 đời cùng thế hệ còn sống. Sau cơn lụt, Nô-ê còn sống 350 năm, như vậy, tới đời thứ 9, khi Tha-rê được 30 tuổi, thì Nô-ê mới mất. Các thế hệ sau như Sem, A-bát-sát, Sê-lách … cũng vậy, họ còn sống cùng các thế hệ con cháu đến cả hơn chục thế hệ kế tiếp.
  • Có trường hợp họ hàng huyết thống gần lấy nhau. Như Na-cô lấy Minh-Ca. Minh-ca là con gái của Ha-ran, Han-ran là em trai của Na-cô. (Na-cô con của Tha-rê, trùng tên với ông nội cũng tên Na-cô, là con của Sê-rúc).
  • Con hiểu thời đó Chúa cho phép, không ảnh hưởng đến sự di truyền dòng giống. Ngày nay, Chúa cấm không cho phép điều đó xẩy ra. Kết hôn gần huyết thống, ít nhất trong 3 đời, kể là loạn luân. Về thuộc thể, có thể gây nên các bệnh do biến đổi vật chất di truyền. Có thể giải thích là do hậu quả tội lỗi, vật chất di truyền trong hôn nhân cận huyết thống bị suy thoái, mà ngày nay Chúa cấm. Ngay như chưa có cách giải thích, thì con tin Chúa đã cho phép hay cấm tại thời điểm nào đó đều là tốt lành và có mục đích của Chúa. Điều này con suy ngẫm đến: Có những điều luật pháp Chúa đưa ra, cho dù lúc đó con chưa hiểu, con chỉ cần tin, làm theo rồi dần lúc nào đó Chúa sẽ bầy tỏ cho con sau. Vì luật pháp Chúa luôn là tốt lành trong từng thời điểm. Chừng nào Chúa bảo đúng là đúng. Chúa bảo sai là sai. Con không nên thắc mắc. Không nên lý luận. Không chờ đến khi hiểu rồi mới tin và làm theo. Con liên hệ đến trong đời sống, con cần tin và vâng lời làm theo ý Chúa qua sự hướng dẫn của người chăn và các trưởng lão. Cả những điều con chưa hiểu hay con hiểu nhưng không theo ý con muốn. Điều mà bản thân con rất khó thực hiện. Nếu chẳng bởi lòng kính sợ tin yêu Chúa thì con rất khó quyết tâm vâng lời được. Con rất yếu đuối trong cả đức tin và sự chiến thắng con người xác thịt. Con xin dâng lên Chúa chính con người tội lỗi của con. Xin Chúa thương xót biến đổi con. Chúa ơi, con nhận thấy con thật gian ác, trước đây, miệng con thường nói con cần phải yêu Chúa trên tất cả, mà lòng con thì cách xa Chúa. Giờ gặp nghịch cảnh, con chưa yêu được Chúa trên hết cả. Chúa vẫn ở đó nhẫn nại chờ con, chân con ngập ngừng không tự bước. Có lần, con đã bước, chưa chạm đến Chúa, để Chúa bồng ẵm dắt dìu con, thì con lại lui bước. Con hiểu, con bước bởi sức con, lòng con vẫn xa cách Chúa, nên con nhanh mệt. Điều duy nhất Chúa cần ở con, là tấm lòng. Con cảm nhận, Chúa yêu thương con đến nỗi, chỉ cần con yên lặng, đứng yên đó, lòng con hướng về Chúa, tin và quyết tâm sống chết cho Chúa, Ngài sẽ lại nắm tay con, kéo con về với Ngài, con cũng không làm được. Xin Chúa giúp con! Chúa ơi, có phải Ngài đang nói với con: Chính con phải chịu bằng lòng cho Ta giúp! Con hãy đứng yên đó! Chờ nghe Ta phán dạy và có lòng muốn làm theo! Ta sẽ lại gần nắm tay con. Dìu con bước …
  • Theo Sáng Thế Ký 20:12, thì Sa-rai là em gái, cùng cha khác mẹ với Áp-ram.

Con tạ ơn Chúa đã cho con đọc suy ngẫm đến chương 11. Xin Lời Chúa dạy dỗ, biến đổi con.

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Lan

(14/07/2022)

Để lại một bình luận