Sáng Thế Ký 17

141 views

Sáng Thế Ký chương 17

Con cảm tạ ơn Chúa đã thương xót cho con được học tiếp Sáng Thế Ký chương 17. Con xin Chúa ở cùng dạy dỗ, giúp con hiểu và thực hành vào trong nếp sống của con mỗi ngày.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Tái Lập Giao Ước với Áp-ram

Người dịch dùng từ “tái lập giao ước”, theo con hiểu, có nghĩa là giao ước này trước đây đã được lập rồi, nhưng vì Áp-ram và Sa-rai đã tự mình làm theo ý riêng, tự ý huỷ giao ước bằng hành động Áp-ram sinh Ích-ma-ên với nàng hầu A-ga. Giao ước tái lập không phải là giao ước mới, Chúa phán hứa cụ thể, rõ ràng, chắc chắn hơn, củng cố thêm đức tin cho Áp-ram.

Chỉ có Đức Chúa Trời Yêu Thương, có một, mình Ngài mới có thể yêu loài người chúng con đến vậy. Trong khi loài người chúng con chẳng đáng, thật chúng con không xứng đáng được thương, thì Ngài vẫn yêu và thương. Một tình yêu trọn vẹn, không đổi.

Chúa ơi, mỗi cảm nhận như này, con thật sự rung động, con chưa kịp nói yêu Ngài thì trái tim con thổn thức, nghẹn lại, vì con biết con không xứng đáng nói với Chúa. Chúa yêu con, yêu loài người chúng con, Ngài đã làm hết, hoàn tất trọn vẹn, những gì tốt nhất cho loài người chúng con, cho con, bằng hành động. Trong khi con, phần nhiều trước đây con chỉ biết cảm nhận qua cảm xúc. Con đã thật xấu xa. Chúa ơi, con xin Ngài chạm lòng con! Con xin Ngài tha mọi tội lỗi con, cho con có lòng biết ơn và yêu kính Ngài bằng hành động, giống như Ngài.

1 Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện đến với Áp-ram và phán với ông: Ta là Thiên Chúa Toàn Năng! Ngươi hãy đi ở trước mặt Ta và ngươi hãy trở nên trọn vẹn.

Mười ba năm đã qua kể từ năm Ích-ma-ên được sinh ra, giờ Áp-ram đã chín mươi chín tuổi. Thời gian qua, có lẽ Áp-ram và Sa-rai đã thấm thía sự làm theo ý riêng mình là phạm tội với Chúa, kết quả gây ra những sự xáo trộn mất phước trong gia đình, dù gì cũng không còn trọn vẹn với Chúa.

Thêm 13 năm chờ đợi là 23 năm, ông bà vẫn chưa có con. Thời gian càng hơn, tuổi ông bà càng già thêm, sự chờ đợi thêm lên. Con tin là ông bà đã ăn năn sau sự việc đau lòng đó. Những giây phút mỏi mòn là điều khó tránh khỏi nếu không thật kiên trì, bền lòng trong sự trông cậy. Có lẽ vì đó mà Chúa đã hiện đến phán với ông. Chúa là Đấng biết trước, Ngài hiểu hết trong sâu kín, mọi tâm tư, phiền muộn, nỗi niềm ao ước của con cái Ngài. Ngài không để bất cứ sự gì quá sức chịu đựng, đến đúng thời điểm, Ngài sẽ mở đường.

Không để Áp-ram phải chờ đợi lâu thêm, Chúa phán: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng! Ngươi hãy đi ở trước mặt Ta và ngươi hãy trở nên trọn vẹn.” , vừa là lời kêu gọi, khuyên nhủ, nhắc nhở, vừa  an lòng ông.

2 Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá bội.

Nội dung vẫn như giao ước cũ trong Sáng Thế Ký 12:2; 15:5.

3 Áp-ram sấp mình xuống đất; Thiên Chúa phán với người rằng:

4 Về phần Ta, này, giao ước của Ta với ngươi, và ngươi sẽ trở nên cha của nhiều dân tộc.

Hành động sấp mình xuống đất thể hiện sự tôn kính của Áp-ram trong khi thờ phượng Chúa.

Cha của nhiều dân tộc là danh hiệu cao quý, thân thương Chúa ban cho Áp-ram. Nhiều dân tộc do nơi Áp-ram mà có.

5 Tên của ngươi cũng sẽ chẳng được gọi là Áp-ram nữa, nhưng tên của ngươi sẽ là Áp-ra-ham. Vì Ta đã đặt ngươi làm cha của nhiều dân tộc. [Áp-ra-ham có nghĩa là cha của nhiều dân tộc.]

Nội dung giao ước hai câu 4 và 5 này đã được Chúa phán trong Sáng Thế Ký 17:4

6 Ta sẽ làm cho ngươi sinh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra.

7 Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và dòng dõi của ngươi, sau ngươi, trong các đời của chúng. Một giao ước cứ còn lại, để cho Ta là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi, sau ngươi.

Giao ước Chúa lập với Áp-ra-ham là giao ước đời đời. Ích-ma-ên, cũng bởi Áp-ram sinh ra, từ gan ruột ông sinh ra mà có, nhưng không được kể vào dòng dõi thuộc lời hứa trong giao ước.

Ngày nay, hết cả những người có đức tin nơi Chúa, hoàn toàn sống và chết cho Chúa, thuộc về Chúa, sẽ được kể là con cháu dòng dõi Áp-ra-ham:

“Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:29).

Điều này dạy dỗ con: Chỉ những anh chị em cùng cùng đức tin, cùng thánh linh, cùng trong thân thể Chúa, mới thật là anh chị em cùng Cha của con. Một sự gắn kết thiêng liêng bởi tình yêu thật, bởi thịt và máu, dòng huyết cứu chuộc thiêng liêng của Đức Chúa Jesus. Anh chị em, con cái hay cha mẹ ruột thịt con, nhưng nếu không được tái sinh bởi huyết Chúa Jesus, thì cũng chỉ có sự gắn kết về mặt thể xác, không có bất cứ sự gì chung khác ngoài phương diện thuộc thể.

II Cô-rinh-tô 6:14-18

Hãy Ra Khỏi và Phân Rẽ (6:14-18)

14 Các anh chị em chớ trở nên mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì sự công chính và sự bội nghịch có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?

15 Đấng Christ với Bê-li-an có sự hiệp ý gì? Hay là người tin có phần gì với kẻ chẳng tin? [Bê-li-an có nghĩa là không có giá trị hoặc sự ác, kẻ ác; là một danh hiệu dùng cho Sa-tan.]

16 Đền Thờ của Thiên Chúa với đền thờ của các thần tượng có sự đồng thuận gì? Vì các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và Ta sẽ đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ta. [Lê-vi Ký 26:11-12; Giê-rê-mi 32:38; Ê-xê-chi-ên 37:27]

17 Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. [Ê-sai 52:11; Giê-rê-mi 51:45]

18 Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán. [II Sa-mu-ên 7:14]

8 Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi, sau ngươi vùng đất mà ngươi đang kiều ngụ, toàn thể đất Ca-na-an, làm cơ nghiệp cứ còn lại; và Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ.

Bản đồ về vùng đất hứa Ca-na-an thời Cựu Ước [1] và Tân Ước [2].

Con cảm ơn Chúa về sự nhân từ thương xót của Chúa. Đức Chúa Trời đã làm hết tất cả mọi điều tốt nhất, trong tình yêu và sự toàn năng của Ngài cho loài người chúng con.

Lập Phép Cắt Bì

9 Và Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham: Ngươi sẽ giữ giao ước của Ta. Ngươi và dòng dõi của ngươi, sau ngươi, trong các đời của chúng.

Chúa nhắc lại mệnh lệnh. Ngài dặn đi dặn lại cho loài người nhớ, đừng quên; ân cần cẩn thận, quan tâm như một người Cha căn dặn con cái bé bỏng của mình.

10 Đây là giao ước của Ta mà ngươi sẽ giữ, giữa Ta với ngươi, và dòng dõi của ngươi, sau ngươi: Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu cắt bì.

Cắt bì nghĩa đen là cắt đi phần da thịt bao quy đầu bộ phận sinh dục của người nam. Bao quy đầu là lớp da bao đầu dương vật, che bảo vệ đầu dương vật và giúp trong hoạt động sinh hoạt tình dục. Tuy nhiên, vùng bên trong bao quy đầu thường khó giữ sạch, dễ viêm nhiễm nếu không để ý vệ sinh cẩn thận. Cắt da bao quy đầu dễ vệ sinh hơn. Về sinh lý, cắt bao quy đầu không ảnh hưởng đến hoạt động tình dục.

Cắt da thịt không tránh khỏi đau đớn, chịu cắt bì là chịu ở trong giao ước. Phép cắt bì được gọi là dấu hiệu của giao ước, Chúa lập giao ước đời đời trong xác thịt.

Về phương diện thuộc linh, còn có cắt bì trong lòng (Giê-rê-mi 9:26), con hiểu là sự bằng lòng chịu chết đi con người tội lỗi cũ để sống con người mới, là con người được Chúa dựng nên mới trong Chúa. Sự cắt bì thật nơi lòng mới là sự cắt bì thật. Sự cắt bì bên ngoài chỉ là nghi thức (I Cô-rinh-tô 7:18).

11 Các ngươi sẽ cắt bì thịt bao quy đầu của các ngươi. Nó sẽ là dấu hiệu của giao ước giữa Ta và ngươi.

Chúa biết sự hay đổi ý của loài người. Có lẽ chính vì vậy mà Chúa đã cẩn thận lập thêm phép cắt bì làm dấu hiệu, giúp cho loài người nhớ đến giao ước giữa Chúa và người. Với nữa, nhờ cách làm dấu này mà giúp loài người dễ dàng phân biệt, nhận ra dân thuộc dòng dõi lời hứa với dân người ngoại bang không thuộc lời hứa.

12 Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sinh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, khi lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì.

Con tạ ơn Chúa về những ơn phước Chúa ban cho loài người qua Áp-ra-ham. Chúa nhớ đến những người nam trong nhà Áp-ra-ham, dù không thuộc về dòng giống Áp-ra-ham, miễn ở trong nhà, sinh đẻ tại nhà, hoặc người ngoại bang được Áp-ra-ham mua về. Như vậy, những đầy tớ trai ngoại bang làm công trong nhà ông, những bé trai được sinh ra bởi các đầy tớ gái ngoại bang làm công trong nhà ông, đều phải chịu phép cắt bì vào ngày thứ 8.

Đó là hình bóng cho các dân không thuộc dòng giống Áp-ra-ham về xác thịt, nhưng thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Chúa, hết lòng sống cho Chúa, đều được kể làm con cháu thuộc linh của Áp-ra-ham, được hưởng mọi ơn phước của lời hứa trong giao ước này. Những người tin nhận Chúa mà không thuộc dân tộc Israel cũng nhận được lời ban phước qua dân tộc I-sơ-ra-ên.

Thời Cựu Ước, Chúa phán truyền phép cắt bì, là mệnh lệnh, như một dấu hiệu nhớ đến Chúa. Điều quan trọng Chúa muốn qua đó, loài người thật thấm hối, lòng thật đau đớn về tội lỗi cùng hậu quả tội lỗi đem lại, để không còn cố ý phạm nữa. Chịu cắt bì là chịu cắt bỏ đi đời sống tội lỗi, bằng lòng sống trong sự thánh khiết của Chúa.

“Hỡi các ngươi, là người Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem, hãy tự cắt bì mình cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và cất dương bì khỏi lòng ngươi! Nếu không, cơn giận Ta sẽ phừng lên như lửa, đốt cháy các ngươi, không ai giập tắt được, vì việc ác các ngươi đã làm.” (Giê-rê-mi 4:4).

Thời Tân Ước nay, phép cắt bì không còn là mệnh lệnh, ai muốn cắt cho dễ giữ vệ sinh theo cách mình chọn hoặc muốn nhớ đến giao ước mà lòng mình muốn cắt cũng không sao, nhưng không bắt buộc.

Phép cắt bì được Chúa dạy được thực hiện vào ngày thứ tám cho các bé trai. Ngày nay, khoa học đã chứng minh  ngày thứ 8 là ngày trẻ có hệ miễn dịch tự nhiên đạt cao nhất và giảm dần ở những tháng kế tiếp.

Có 5 loại kháng thể cơ bản trong hệ miễn dịch tự nhiên là IgA, IgG, IgM, IgE và IgD. IgG là kháng thể có phân tử lượng nhỏ nhất và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong máu và các mô, có thể qua hàng rào nhau thai. Ba loại kháng thể phổ biến trong sữa mẹ là IgA, IgG và IgM, nhiều nhất trong 2-3 tháng đầu, đặc biệt những ngày đầu tiên, rồi giảm nhanh trong 5-6 tháng đầu đời.

13 Chớ bỏ làm phép cắt bì cho ai sinh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của Ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy.

Chúa quan tâm đến cả những tôi tớ của chủ. Ngài yêu thương và lập giao ước đời đời trong xác thịt với Áp-ra-ham, luôn với những tôi tớ mua về hay sinh tại nhà.

14 Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị diệt khỏi dân sự mình; người ấy là kẻ bội lời giao ước Ta.

Chúa luôn thành tín trong giao ước. Giao ước thể hiện tình yêu thương và sự công chính của Chúa. Ai không thực hiện yêu cầu của giao ước sẽ bị Chúa diệt khỏi dân sự, tức là không được dự phần trong giao ước, không được kể là dân sự Chúa, là kẻ bội lời giao ước Chúa.

Thiên Chúa Hứa Ban I-sác cho Áp-ra-ham và Sa-ra

15 Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham: Còn Sa-rai, vợ ngươi, ngươi chớ gọi tên nàng là Sa-rai nữa, nhưng Sa-ra là tên của nàng. [Sa-ra có nghĩa là công chúa hoặc người nữ cao quý.]

16 Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng Ta sẽ cho ngươi một con trai, Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng mà ra.

Nàng Sa-sa vâng phục chồng mình, cùng chồng theo Chúa. Sa-ra yêu kính Chúa được Chúa ban phước. Nàng cũng được hưởng phước theo chồng. Làm mẹ các dân tộc là danh hiệu cao quý Chúa ban cho Sa-ra.

17 Áp-ra-ham đã sấp mặt xuống đất, cười ra tiếng và nói trong lòng mình: Đứa con trai trăm tuổi sẽ sinh con! Còn Sa-ra, đứa con gái chín mươi tuổi, sẽ mang thai! [Đây là sự vui mừng và sự ngạc nhiên của Áp-ra-ham, không phải là sự nghi ngờ. Giăng 8:56; Rô-ma 4]

Hành động sấp mặt xuống đất, vẫn thói quen quen thuộc, thể hiện lòng tôn kính thờ phượng Chúa của Áp-ra-ham. Ông rất vui và bất ngờ khi Chúa phán ban con cho vợ chồng ông trong lúc cả hai đã về già, điều mà bao năm ông bà chờ đợi trong đức tin và trong giao ước của Đức Chúa Trời.

18 Áp-ra-ham đã thưa với Đức Chúa Trời rằng: Xin Ích-ma-ên được sống trước mặt Ngài! [Áp-ra-ham sợ Chúa sẽ giết Ích-ma-ên khi đứa con của lời hứa được sinh ra.]

Có lẽ Áp-ra-ham đã bị cáo trách về tội lỗi mình khi đã lỡ sinh ra Ích-ma-ên với A-ga. Khi biết Chúa ban cho ông một con trai theo lời hứa, ông nhớ đến đứa con trai trước đây ông đã sinh theo ý riêng xác thịt. Mặc dù việc ông có con với nàng hầu A-ga, khi được vợ ông là bà Sa-ra cho phép, không sai với luật pháp loài người lúc đó, nhưng không đúng ý Chúa, là hành động theo ý riêng của xác thịt, phạm tội với Chúa. 

“Nhưng thực tế, con của người nữ nô lệ sinh ra theo xác thịt, con của người nữ tự do sinh ra theo lời hứa.” (Ga-la-ti 4:23).

Có lẽ ông e sợ, khi đứa con của lời hứa ra đời, đứa con của xác thịt sẽ bị Chúa huỷ diệt.

Con cảm nhận được nỗi buồn trong lòng Áp-ra-ham trong chuyện sinh con với nàng A-ga. Ông thật đau buồn vì tội lỗi mình và ông chỉ biết kêu cầu sự thương xót của Chúa dành cho mình. Ông đã được Chúa thương, chẳng bởi ông tốt đẹp gì, bởi Chúa yêu thương ông, Ngài chọn ông, Ngài thành tín với ông. Ông thật lòng ăn năn thì được Chúa tha thứ.

Đứa con nơi ông mà ra, ông rất thương con, ông cũng thương nàng A-ga nữa. Ông cầu xin sự thương xót của Chúa cho con trai mình, ông xin Chúa ban cho Ích-ma-ên được sống. “Sống trước mặt Chúa” con hiểu theo nghĩa đen.

Chúa ơi, con suy ngẫm đến: Một người tin kính Chúa như Áp-ra-ham, chắc chắn ông rất thương và lo cho thuộc linh của Ích-ma-ên và A-ga. Tại sao ông không cầu xin Chúa ban cho con trai ông được cứu về thuộc linh, được dự vào trong giao ước? Điều này cho con hiểu được con cần hết lòng đầu phục Chúa, hiểu ý Chúa để cầu xin cho phải lẽ. Phải lẽ là theo ý Chúa chứ không phải theo ý của con.

19 Thiên Chúa phán: Thật vậy! Sa-ra vợ ngươi, sẽ sinh cho ngươi một con trai, rồi ngươi đặt tên cho nó là I-sác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó, một giao ước đời đời với dòng dõi của nó theo sau nó. [I-sác có nghĩa là: tiếng cười hoặc người cười.]

20 Còn về Ích-ma-ên, Ta đã nghe ngươi. Này, Ta ban phước cho nó và sẽ làm cho nó sinh sản, thêm lên thật nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai lãnh tụ, và Ta làm cho nó thành một dân lớn.

Các con trai của Ích-ma-ên là: Nê-ba-giốt; Kê-đa; Át-bê-ên; Mi-bô-sam; Mích-ma; Đu-ma; Ma-sa; Ha-đa; Thê-ma; Giê-thu; Na-phích và Kết-ma. (Sáng Thế Ký 25:13-15). Tổng cộng là 12 người con trai.

I Sử Ký 1:29-31 có nhắc đến tên 12 người con trai của Ích-ma-ên, riêng tên Ha-đa thì là Ha-đát (I Sử Ký 1:30). Con hiểu cùng là một người, tên khác nhau có lẽ là do cách viết dịch phiên âm, không phải một người có hai tên gọi.

21 Nhưng Ta sẽ lập giao ước Ta cùng I-sác, độ khoảng này năm tới Sa-ra phải sinh cho ngươi.

Lúc Chúa phán này thì Áp-ra-ham 99 tuổi, Sa-ra 89. Chừng ngày này năm tới, lúc đó Áp-ra-ham tròn 100 tuổi, Sa-ra 90 tuổi. Chúa chọn I-sắc là dòng dõi thuộc lời hứa để lập giao ước. Lúc này đây, Ích-ma-ên 13 tuổi, I-sắc chưa được sinh, chưa có trong bụng Sa-ra. Chừng chưa đầy ba tháng sau thì Sa-ra có thai.

22 Khi Thiên Chúa đã phán xong, thì Ngài từ Áp-ra-ham ngự lên.

Con thấy các từ được Thánh Kinh dùng nói đến việc Chúa ngự: “ngự lên”, “ngự xuống”, “ngự trong”. Động từ “ngự lên” là từ đó đi lên, con hiểu là Chúa đã ở cùng, ở trong Áp-ra-ham qua những lời Ngài phán hứa. Những lời Chúa phán với Áp-ra-ham là ý muốn của Đức Chúa Trời.

23 Trong ngày đó, Áp-ra-ham bắt Ích-ma-ên, con trai mình, và hết thảy các người nam trong nhà, hoặc sinh tại đó, hoặc đem tiền ra mua về, mà làm phép cắt bì cho, y như lời Thiên Chúa đã phán dặn.

24 Khi Áp-ra-ham chịu phép cắt bì, thì đã được chín mươi chín tuổi;

25 còn Ích-ma-ên, con người, khi chịu phép cắt bì, thì được mười ba tuổi.

26 Cũng trong một ngày đó, Áp-ra-ham và Ích-ma-ên chịu phép cắt bì,

27 và mọi người nam trong nhà, hoặc sinh tại đó, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, cùng chịu phép cắt bì với người.

Áp-ra-ham đã tin và làm y theo những gì Chúa đã phán dạy ông. Ông đã làm gương, vâng lời thực hiện phép cắt bì trên chính cơ thể mình, bởi sự vâng phục, đức tin và lòng yêu kính Chúa.

Con cảm tạ Chúa đã cho con học xong  Sáng Thế Ký đoạn 17.

Bài học con suy ngẫm qua đoạn 17 này:

+ Chúa cho con cảm nhận được tình yêu, sự nhân từ thương xót của Chúa đối với loài người, với con. Sự thành tín và chương trình tốt lành của Chúa dành cho loài người chúng con.

+ Con xin chọn đời sống theo Chúa. Con xin thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận và hết lòng trung tín sống cho Chúa để con được dự phần trong lời hứa trong giao ước của Chúa dành cho con. Con xin Chúa thương giúp con làm được như vậy.

+ Chúa ban phước cho Áp-ra-ham và dòng dõi của ông. Nhờ ơn thương xót và lời ban phước của Chúa đối với Áp-ra-ham, là người có đức tin, yêu mến và sống theo Chúa mà ngày nay con nhận được phước theo nếu con chọn ở trong Chúa. Con tin khi con hết lòng sống cho Chúa, Chúa cũng sẽ thương ban phước cho con và đoái thương đến các con của con. Xin Chúa thương giúp con.

+ Chúa ban phước cho người công bình, tin kính Chúa, Chúa ban cho con cháu, những người lân cận, đến cả vùng đất nơi Áp-ra-ham ở. Ước gì con cũng được Chúa xưng là công bình trước Chúa, thành phố nơi con ở cũng được Chúa bảo vệ và ban phước; chỗ làm nơi con làm cũng được Chúa giữ gìn và ban phước; con cái con cũng được Chúa đoái thương. Con cầu xin Chúa cho con sống cho Chúa, Chúa ban phước cho những người dân nơi đây qua đời sống tin kính Chúa của con.

Qua sự suy ngẫm này, con càng nhận thức rõ ràng về bổn phận, trách nhiệm của mình với Chúa, con quyết tâm sống đẹp ý Chúa, để con được Chúa cứu, được Chúa yêu con, Chúa ban phước cho con và ban phước cho những người lân cận quanh con, nơi con sống, cho dân tộc, quê hương con. Nơi mà chính con đã làm gương xấu trước đây. Con cảm tạ ơn Chúa về sự nhân từ thương xót, giàu ơn, chậm giận trên con.

Con nhớ Chúa và con biết ơn Ngài!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Lan

(21/08/2022)

[1]: https://www.jw.org/vi/thu-vien/kinh-thanh/nwt/phu-luc-b/ban-do-chinh-phuc-dat-hua/

[2]: https://www.churchofjesuschrist.org/study/scriptures/bible-maps/map-11?lang=vie

Để lại một bình luận