Sáng Thế Ký 47

167 views

Kính thưa Cha, hôm nay con đọc đến Sáng Thế Ký chương 47. Con kính xin Đức Thánh Linh dạy dỗ con ạ.

Con xin Cha thông cảm và tha lỗi cho con, vì sự chậm trễ của con trong nhiều ngày qua, con đã chưa ghi chép lại. Con hiểu rằng, con cần có sự ghi chép, suy ngẫm đều đặn thể hiện sự trung tín. Con xin Cha cho con biết sắp xếp thời gian và ban cho con có sức khoẻ, cùng sự khôn sáng từ Cha để con trung tín làm tốt được các việc Cha muốn con làm.

Sau đây con xin trình bày những điều Cha dạy dỗ con qua từng phân đoạn.

Gia-cốp và Các Con Yết Kiến Pha-ra-ôn – Bắt Đầu Lập Cư tại Gô-sen

1 Giô-sép đến tâu mọi điều đó cho Pha-ra-ôn hay, và nói rằng: Cha và anh em tôi đã ở xứ Ca-na-an đến, có đem theo chiên, bò, cùng các tài vật của mình. Hiện bây giờ đang ở trong xứ Gô-sen.

2 Người đưa năm người trong nhóm anh em mình vào yết kiến Pha-ra-ôn.

3 Pha-ra-ôn hỏi: Các ngươi làm nghề gì? Tâu rằng: Kẻ tôi tớ bệ hạ là kẻ chăn chiên, như tổ phụ chúng tôi khi trước.

4 Rồi lại tâu rằng: Ấy để kiều ngụ trong xứ mà kẻ tôi tớ bệ hạ đã đến; vì xứ Ca-na-an đói kém lớn lắm, không còn đồng cỏ nào hết cho bầy súc vật ăn. Vậy, xin phép cho kẻ tôi tớ bệ hạ ngụ tại xứ Gô-sen.

5 Pha-ra-ôn phán với Giô-sép như vầy: Cha và anh em ngươi đã đến với ngươi;

6 vậy, xứ Ê-díp-tô sẵn dành cho ngươi; hãy cho cha và anh em ở chốn nào tốt hơn hết trong xứ; hãy cho ở tại xứ Gô-sen vậy. Và nếu trong các người ấy, ngươi biết ai giỏi, hãy đặt họ chăn các bầy súc vật của ta.

7 Giô-sép đem Gia-cốp, cha mình, đến trước Pha-ra-ôn. Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn.

8 Pha-ra-ôn hỏi Gia-cốp: Ngươi được bao nhiêu tuổi?

9 Gia-cốp đáp lời Pha-ra-ôn: Các năm tha hương của tôi là một trăm ba mươi năm. Các năm của đời tôi thì ít và nhọc nhằn, chẳng bằng số ngày trong những năm của các tổ phụ tôi trong những ngày tha hương của họ.

10 Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn một lần nữa, rồi lui ra khỏi mặt người.

11 Vậy, Giô-sép vâng lệnh Pha-ra-ôn, định chỗ ở cho cha và anh em mình, cho họ một sở đất tốt nhất trong xứ Ê-díp-tô làm sản nghiệp, tại miền Ram-se.

12 Giô-sép, tùy theo số người, cấp lương thực cho cha, anh em và cả nhà cha mình.

Thưa Cha, việc đầu tiên con nhận thấy Giô-sép làm trước khi dẫn cha và các anh em đến ra mắt yết kiến Pha-ra-ôn là sự ông đến thưa chuyện, giới thiệu cho Pha-ra-ôn những người nhà mình, đã từ đâu đến, hiện đã đến và đang ở trong xứ Gô-sen. Có lẽ Giô-sép tin xứ Gô-sen là xứ tốt lành nhất Chúa ban. Tuy vậy, ông vẫn khiêm nhường chờ đợi ý chủ, thưa chuyện và giới thiệu, thể hiện sự tôn trọng chủ.

Ông chân thành trả lời ngắn gọn, đầy đủ, đúng trọng tâm từng câu hỏi của vua Pha-ra-ôn quan tâm, đồng thời đi thẳng vào vấn đề rằng: Xin được kiều ngụ vì xứ người bị đói kém lớn, xin phép được ngụ lại (câu 4). Ông đã khiêm nhường xem mình và người nhà mình là những kẻ tôi tớ, xin được cứu giúp.

Con cảm tạ Chúa về tấm lòng rộng mở đón tiếp của Pha-ra-ôn, Giô-sép đã mời cha mình là Gia-cốp, đến ra mắt vua Pha-ra-ôn.

Việc đầu tiên Gia-cốp làm khi ra mắt chủ là ông dâng lời chúc phước cho Pha-ra-ôn. Hành động thể hiện tấm lòng thương yêu người mình gặp.

Pha-ra-ôn hỏi thăm tuổi của Gia-cốp. Đọc và suy ngẫm câu trả lời trong câu 9 của Gia-cốp, gợi trong con nỗi niềm khó diễn tả, con tin cũng là nỗi niềm trong lòng Gia-cốp.

Gia-cốp xem những năm Chúa ban cho ông còn hơi thở trên đất này, dù có những gian nan nhưng đầy ý nghĩa. Mỗi ngày, mỗi tháng năm Chúa ban cho ông còn sống là ông dâng lời tạ ơn Chúa. Những năm Chúa ban cho ông còn hơi thở trên đất này như cuộc hành hương, tha hương, với những nhọc nhằn thì nhiều. Dẫu có đến hơn trăm năm sống trong thân xác, vẫn là quá ít so với sự đời đời Chúa đặt để. Chưa kể số năm các đời tổ phụ mình tha hương còn nhiều hơn, thì vẫn là ngắn ngủi, chóng qua; là hữu hạn, trước sự hằng hữu còn đến đời đời của Thiên Chúa.

Bấy nhiêu năm tha hương là bấy nhiêu nhọc nhằn, bấy nhiêu đời người qua đi là bấy nhiêu nỗi lòng khao khát hướng về quê hương thật.

Điều không thể đem ra ví sánh, giữa sự tối và sáng. Nhưng con nghĩ đến cùng một đời người, sống có Chúa và không Chúa thì đều trải qua những gian nan, vất vả và mệt mỏi.

Chọn lao nhọc trong tội lỗi cùng hậu quả tội lỗi, trong thân xác tự mình gánh vác, để rồi qua đi, nhận lãnh hậu quả hư mất đời đời, đau khổ đời đời trong lửa hoả ngục trong ngày Chúa phán xét. Hay chọn nhọc nhằn trong ân điển Chúa ban, để hưởng sự sống đời đời phước hạnh với Chúa.

Con cảm tạ Cha đã cho con hiểu được phần nào nỗi niềm trong dòng tâm tình này của Gia-cốp; câu trả lời tỏ sáng một lẽ thật đến từ Thiên Chúa.

Trước khi lui ra khỏi mặt Pha-ra-ôn, Gia-cốp không quên một lần nữa chúc phước cho người.

Giô-sép vâng lệnh, làm y theo những lời Pha-ra-ôn đã truyền. Lo định chỗ ở cho cha và anh em mình tại Gô-sen, y như lời vua Pha-ra-ôn đã truyền lại, là sở đất tốt nhất trong xứ Ê-díp-tô, tại miền Ram-se, làm sản nghiệp; cũng lo cấp đủ lương thực cho cha, anh em và cả nhà cha mình, tuỳ số người.

Giô-sép làm với lòng biết ơn Chúa, biết ơn người; vâng phục Chúa mà làm.

Thưa Cha, qua cơn đói kém lớn cùng những nghĩa cử đối đãi, cư xử giữa người với người và với Chúa, cho con thấy được lòng người khi thật ở trong tình yêu của Thiên Chúa, thì luôn toả sáng đến người lân cận. Con cũng có sự liên hệ đến sự được cứu chuộc của Chúa. Người thật hạ mình trước Chúa, biết ơn sự được cứu chuộc, được thoát khỏi sự chết trong tội lỗi thì luôn vui mừng, sốt sắng làm y theo Lời Chúa với lòng biết ơn, tin cậy.

Nạn đói hay nan đề thuộc thể được người giúp, hướng dẫn đã thấy lòng mình biết ơn, cần nhanh chóng làm y theo để thoát ra; trong khi Chúa cứu chuộc cả một linh hồn đang bị hư mất thì quả thật sẽ rất là vui mừng, biết ơn và vâng phục.

Con hình dung, giả dụ như khu phố con ở hay toàn thủ đô Hà Nội nhỡ có cơn động đất, hoả hoạn diện rộng, hay như giả dụ sông Hồng bỗng đâu vỡ đê, bất ngờ một lượng nước lớn tràn về, ngập trắng cả thành phố trong chốc lát. Cư dân sẽ ra sao khi không lối thoát. Lại, bỗng đâu được tin có đội cứu hộ đặc biệt, đưa ra lệnh khẩn. Yêu cầu phải nhanh chóng làm y theo lệnh cách chuẩn xác, thì mới thoát được ra tình trạng chết cháy hoặc chết đuối này. Vậy lúc đó mỗi người dân sẽ chọn làm gì?

Lạy Cha kính yêu, suy ngẫm đi suy ngẫm lại, thì cuối cùng, con chỉ biết dâng lời tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa của con, Đấng quyền năng yêu thương con, Ngài đã hy sinh thân mình, bằng lòng chịu từ bỏ ngôi vinh hiển, xuống thế gian, trong thân xác con người, gánh thay mọi tội lỗi và chịu chết để cứu chuộc mọi tội lỗi cho toàn nhân loại, trong đó có con.

Để con được cứu chuộc như ngày hôm nay. Để những năm tháng nhọc nhằn đời con không là vô ích. Con nguyện sống đời tha hương trên đất, bước đi theo tiếng gọi của Ngài dành cho con, vâng phục và tin cậy Ngài cho đến mãi mãi. Con kính xin Ba Ngôi Thiên Chúa gìn giữ con, đừng để con bỏ Ngài. Con cảm tạ ơn Chúa!

Kính thưa Cha, trở lại câu chuyện trong phân đoạn trên, con cũng nhớ đến các bầy vật được cha con Gia-cốp mang từ xứ Ca-na-an, nơi không còn một đồng cỏ nào để cho bày súc vật ăn, cùng nghề chăn chiên có được từ đời tổ phụ, gợi cho con liên hệ đến sự sống Chúa ban trên đất và sự sống thật Chúa ban trong cõi đời đời, nơi không còn tội lỗi, không còn sự huỷ diệt và sự chết.

Giô-sép Bán Lương Thực Lấy Bạc, Đất Ruộng và Ra Quy Định Nộp Thuế

13 Sự đói kém lớn lắm, nên trong khắp xứ chẳng còn lương thực nữa; xứ Ê-díp-tô và xứ Ca-na-an đều bị hao mòn vì ách đói kém đó.

14 Giô-sép thu hết bạc tiền trong xứ Ê-díp-tô và xứ Ca-na-an, tức giá tiền của muôn dân mua lúa; rồi chứa bạc đó vào kho Pha-ra-ôn.

15 Khi bạc tiền trong xứ Ê-díp-tô và xứ Ca-na-an đã hết, thì tất cả dân Ê-díp-tô đều đến với Giô-sép mà kêu rằng: Xin cho chúng tôi lương thực; lẽ nào vì cớ hết tiền mà chúng tôi phải chết trước mặt chúa sao?

16 Giô-sép đáp rằng: Nếu hết bạc tiền rồi, hãy giao súc vật các ngươi cho ta, ta sẽ phát lương thực đổi lại.

17 Kế đó, dân chúng dẫn súc vật lại cho Giô-sép; Giô-sép phát lương thực đổi lấy ngựa, bầy chiên, bầy bò, và lừa. Năm đó, người thu các bầy súc vật của họ mà đổi thế lương thực cho.

18 Hết năm đó, năm thứ nhì, dân chúng lại đến kêu với người rằng: Chúng tôi không giấu chi, hỡi chúa! Tiền bạc của chúng tôi đã hết sạch! Bầy súc vật cũng chẳng còn, trước chúa! Bây giờ chỉ còn lại bản thân chúng tôi và đất ruộng.

19 Lẽ nào chúng tôi và đất ruộng phải hao mòn trước mặt chúa sao? Hãy mua đổi lấy lương thực chúng tôi và đất ruộng luôn đi. Vậy, chúng tôi cùng đất ruộng sẽ làm tôi mọi cho Pha-ra-ôn. Hãy cho chúng tôi hạt giống để gieo, để cho chúng tôi sống khỏi chết, và đất không phải bỏ hoang.

20 Giô-sép mua hết thảy ruộng đất trong xứ Ê-díp-tô cho Pha-ra-ôn; vì sự đói kém thúc giục nên mọi người Ê-díp-tô đều đem bán ruộng mình; vậy, ruộng đất đều thuộc về Pha-ra-ôn.

21 Còn dân chúng, từ đầu này đến đầu kia, người đều dời về ở trong các thành.

22 Nhưng ruộng đất của những thầy tế lễ thì Giô-sép không mua đến, vì những thầy tế lễ có nhận một phần lương của Pha-ra-ôn đã định; vậy, họ ăn phần lương thực của Pha-ra-ôn đã cấp cho. Thế cho nên những thầy tế lễ chẳng đem bán đất của mình.

23 Giô-sép nói với dân chúng rằng: Này, ta đã mua các ngươi và ruộng đất cho Pha-ra-ôn; đây, hạt giống cho các ngươi để gieo mạ trong ruộng đó.

24 Đến mùa gặt, phải nộp cho Pha-ra-ôn một phần năm, còn bốn phần kia để cho các ngươi làm giống gieo mạ, dùng lương thực cho mình, cho người nhà cùng cho các con nhỏ mình.

25 Dân chúng nói rằng: Chúa đã cứu mạng chúng tôi! Cầu xin cho chúng tôi được nhờ ơn trước mặt chúa, thì sẽ làm tôi mọi cho Pha-ra-ôn.

26 Về việc đó, Giô-sép có ý định một luật, cho đến ngày nay hãy còn, buộc đất Ê-díp-tô phải nộp thuế cho Pha-ra-ôn một phần năm hoa lợi mình. Chỉ đất ruộng của những thầy tế lễ chẳng thuộc về Pha-ra-ôn.

Giô-sép đã thay vua, đứng ra phân phát lương thực cho dân để cứu đói. Quan sát cách phân phát lương thực của Giô-sép, con thấy rằng: Ông không phát cho không, cũng không lợi dụng lương thực có trong kho, trong khi rất nhiều người dân rất đói cần gấp, mà sanh lòng trục lợi. 

Khan hiếm không có cái ăn, mất mùa hoa lợi cũng không sinh ra cái ăn. Nạn đói lớn con hiểu là đói trên diện rộng và dân rơi vào cảnh rất là đói, cạn kiệt lương thực đến mức không thể có cái để ăn, ăn ít cầm cự cũng không có, trong nhiều ngày dài liên tiếp như vậy, trong khi ăn là nhu cầu nuôi sống mỗi ngày. Đói ăn lâu ngày dẫn đến cơ thể bị suy kiệt năng lượng sống, trở nên yếu mệt dần.

Ông đối xử công bằng, người dân muốn có lương thực thì phải mang tiền bạc đến mua. Hết tiền bạc thì đem tài vật. Hết tài vật thì bán đất ruộng. Không có ruộng thì làm công, chịu thuế, đợi đất sanh hoa lợi để có cái ăn. Bốn phần năm dùng làm giống và lương thực. Một phần năm nộp lại cho Pha-ra-ôn. Riêng đất ruộng của những thầy tễ lễ thì Giô-sép không mua đến,  chẳng thuộc về Pha-ra-ôn, vì những thầy tế lễ có nhận một phần lương của Pha-ra-ôn đã định; vậy, họ ăn phần lương thực của Pha-ra-ôn đã cấp cho. Thế cho nên những thầy tế lễ chẳng đem bán đất của mình (câu 22).

Sau 7 năm đói kém lớn, thì đất mới sinh hoa lợi. Luật nộp thuế trên đất vẫn được duy trì cho đến ngày nay, riêng đất ruộng của những thầy tế lễ thì không phải nộp thuế, vì chẳng thuộc về Pha-ra-ôn (câu 26).

Suy ngẫm cách phân phát trên, con học được sự khôn ngoan, lòng nhân từ, tình yêu của Giô-sép dành cho từng người dân. Vừa cứu giúp muôn dân trong cơn đói, vừa có ý dạy dỗ.  Con hiểu rằng, Giô-sép muốn muôn dân trên đất hiểu một điều: Mọi sự nếu chẳng bởi sự thương xót ban cho và cho phép của Thiên Chúa, thì đều không thể có, là cơ hội cho loài người để lòng nhận biết có một Đấng quyền năng đã đang và mãi mãi tể trị trên chính đời sống họ, để họ hạ mình, quay lại, sấp mặt xuống mà thờ phượng Ngài.

Xứ Ê-díp-tô và Ca-na-an vốn được xem là giàu có. Sự phồn hoa giàu sang xứ Ê-díp-tô; sự trù phú sản vật xứ Ca-na-an hay bất cứ nơi đâu, sự gì, với ai đều là sự ban cho của Chúa. Hoa lợi từ cày xới ruộng đất, hoa màu vật nuôi có tươi tốt, được mùa, sống sót được hay không, đều là Chúa cho mới có.

Tiền tài vật chất có thể mua được nhiều thứ, nhưng cũng đến lúc tiền tài vật chất không còn, chúng cũng không có giá trị nuôi sống thân thể, càng không thể mua được những điều thuộc về Chúa.

Khi tiền bạc đã hết, bầy vật, tài sản cũng hết, đất ruộng không còn. Dân chúng làm tôi mọi cho Pha-ra-ôn để có cái ăn qua cơn chết đói.

Chúa muốn người dân hiểu rằng: Điều quý giá nhất Chúa ban là thân thể, tâm thần và linh hồn, trong con người được Chúa dựng nên giống như hình và tượng Thiên Chúa, Chúa muốn loài người hãy dâng điều quý giá nhất của mình lên Chúa, để Chúa làm chủ, qua đó, Chúa ban sự sống thật, là sự sống không thể mua bởi tiền, vàng, bạc, tài vật, đất ruộng, hoa lợi.

Tiền bạc, tài vật, ruộng đất, hoa lợi Giô-sép thu được, ông đem cất cả vào kho của vua Pha-ra-ôn, thể hiện lòng trung tín của ông với chủ. Ông không tham làm của riêng cho lợi ích cá nhân. Ông cất cả vào kho của chủ, vì ông tin yêu trung tín với chủ, tin rằng chủ sẽ dùng ông để làm mọi điều tốt nhất cho dân.

Con hiểu được ý nghĩa của thuế đất ruộng mang nghĩa nhân văn từ câu chuyện Giô-sép giải quyết nạn đói lớn cho dân là thế: Bản chất thuế chính là phục vụ lợi ích cho dân, vì dân, lòng trung tín với chủ.

Có lẽ vì hậu quả tội lỗi, mà ngày nay không chỉ có thuế đất ruộng, mà sinh ra rất nhiều thứ thuế khác nhau. Thuế liên quan đến tiền bạc, đã bị loài người lạm dụng, nhất là với bộ máy chính quyền là những người không tin kính Chúa, không có lòng thương xót, không yêu thương dân, đã trục lợi, chính vì thế mà nói đến thuế, nhiều người dân không còn tin vào người chủ lãnh đạo, vì họ đã dùng thuế cách thiếu khôn sáng, thiếu lòng nhân từ, không vì dân, phân phát thiếu công bằng.

Không chỉ thời nay, ngay cả từ thời Chúa Jesus đi rao giảng trên đất cách đây hơn hai ngàn năm trước, Thánh Kinh cũng đã nhắc đến sự xấu xa của một người được ví như kẻ thâu thuế, là kẻ bị xem là xấu xa đê tiện, bị xếp vào hạng người bị nên án nhất xã hội.

Bài học con nhận được qua câu chuyện trên: Thiên Chúa là chủ cuộc đời con, con sẽ hết lòng trung tín với Ngài. Điều tốt nhất con có thể dâng lên Ngài mỗi ngày là thân thể con, tấm lòng cùng việc làm con. Tiếp đến là những ta-lâng mà Chúa ban cho con, như thời gian, sức khoẻ, sự hiểu biết đến từ Chúa …, cùng những việc lành để làm lợi ra cho Chúa.

Trên đất này, con đang sống dưới sự quản lý điều hành của luật chính quyền; là công dân của đất nước nơi con sinh sống; là cư dân của địa phương con đang ở; là thành viên dưới sự điều hành của cơ quan nơi con làm việc; làm con cái, làm mẹ trong gia đình.

Con vẫn có nghĩa vụ đóng thuế, vì thuế là nguồn ngân sách chủ yếu của đa số các quốc gia. Con vẫn cần vâng phục mọi luật pháp của chính quyền, của cơ quan, những đạo lý gia đình, nếu những điều đó không nghịch lại Điều Răn và Luật Pháp Chúa, được Chúa phán dạy rất rõ ràng chi tiết trong Thánh Kinh, nhưng con luôn hiểu và ý thức rằng, con không thuộc về bất cứ tổ chức bộ máy quyền lực loài người nào, mà con thuộc về Thiên Chúa kính yêu của con, vì lẽ thật Lời Chúa đã bày tỏ cho con rằng: Mọi linh hồn đều thuộc về Chúa (Ê-xê-chi-ên 18-4a).

Cô-lô-se 1:16, Lời Chúa phán dạy với con cùng hết thảy loài người rằng:

“Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.” (Cô-lô-se 1:16).

Thi-thiên 24:1, Lời Chúa cũng có chép:

“Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Thi-thiên 24:1).

Chúa cũng dạy con rất rõ ràng, trong cách con sống giữa thế gian này, như sau:

Bổn Phận của Công Dân đối với Chính Quyền (13:1-7)

1 Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.

2 Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.

3 Vì những người cai trị không phải là sự khiếp sợ cho những người lành mà là cho những kẻ ác. Ngươi muốn không sợ chính quyền chăng? Hãy làm điều lành thì ngươi sẽ được khen.

4 Vì người là tôi tớ của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Nhưng nếu ngươi làm ác thì hãy sợ; vì người mang gươm chẳng phải là vô cớ. Người là tôi tớ của Thiên Chúa, là người thi hành hình phạt, giáng cơn giận trên kẻ làm ác.

5 Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng phải chỉ bởi cơn giận nhưng cũng bởi tâm thức.

6 Cũng vì vậy mà các anh chị em nộp thuế; vì họ là các tôi tớ của Thiên Chúa, hằng giữ việc ấy.

7 Vậy nên, các anh chị em hãy trả cho mọi người những gì mình thiếu họ: sự nộp thuế cho người thu thuế, sự đóng lệ phí cho người thu lệ phí, sự sợ người đáng sợ, sự kính người đáng kính.

Thưa Cha, con xin vâng phục những quyền cao hơn con. Trên nhất là con vâng phục Chúa. Mọi lời Chúa phán dạy con trong Thánh Kinh con phải vâng làm theo. Con cũng cần vâng phục các quyền trên con trong Hội Thánh, trong gia đình, chính quyền địa phương và mọi luật pháp, nội quy của các cơ quan đoàn thể mà con đang sinh sống nếu những điều đó không nghịch lại Lời Chúa và ý Chúa phán dạy con.

Gia-cốp Bắt Giô-sép Thề Sẽ Chôn Mình Trong Mộ của Tổ Phụ

27 Vậy, I-sơ-ra-ên trú ngụ tại miền Gô-sen thuộc về xứ Ê-díp-tô, gây được cơ nghiệp tại đó, sinh sản và thêm lên bội phần.

28 Gia-cốp sống trong xứ Ê-díp-tô được mười bảy năm. Những ngày của Gia-cốp, những năm của đời ông là một trăm bốn mươi bảy năm.

29 Khi ngày gần chết, I-sơ-ra-ên gọi Giô-sép, con trai mình, mà nói rằng: Nếu ta được nhờ ơn trước mặt con, xin hãy để tay trên đùi ta cậy hết lòng từ ái và thành thực với ta, xin con đừng chôn ta tại đất Ê-díp-tô.

30 Khi ta an giấc cùng tổ phụ rồi, hãy đem ta ra khỏi Ê-díp-tô; chôn chung cùng mồ mả của họ. Giô-sép thưa rằng: Con sẽ làm y theo lời cha dặn.

31 Ông nói: Con hãy thề với ta! Người thề với ông. I-sơ-ra-ên tự cúi lạy trên đầu gậy của mình.

Con cảm tạ Cha đã dùng các tôi tớ Ngài ghi lại nhiều những câu chuyện, chi tiết cho con ngày nay được đọc, suy ngẫm. Và Cha lại thương ban cho con hiểu. Con hiểu rằng những gì con hiểu chỉ là rất hạn hẹp trong sự đời đời Cha bày tỏ, nhưng được hiểu dù một ý nhỏ, đã là điều con lấy làm vui mừng, dòng nước lành nuôi dưỡng, sưởi ấm, làm dịu mát tâm linh con, khiến lòng con vui thoả.

Lạy Cha, con xin suy ngẫm tiếp 5 câu cuối trong phân đoạn tiếp theo: Gia-cốp Bắt Giô-sép Thề Sẽ Chôn Mình Trong Mộ của Tổ Phụ.

Thấm thoát đã 17 năm kể từ năm Gia-cốp rời xứ Ca-ra-an, mang theo các con cháu cùng tài vật trở đến xứ Ê-díp-tô, mong được gặp lại Giô-sép, là người con trai ông đã bao ngày tháng thương nhớ, tưởng rằng đã mất biệt mà nay lại còn sống, cũng là để giải quyết nạn đói lớn cho gia đình ông. Nhưng trên hết, chính Thiên Chúa đã dẫn ông đến đây.

Cách đó bốn mươi lăm năm, Chúa đã kêu gọi ông rời Cha-ran, quê hương ông (Sáng Thế Ký 12:4), đến xứ mà Chúa sẽ chỉ cho. Những năm ông sống tại xứ Ca-na-an là 45 năm.

Rồi Chúa lại dẫn ông đến xứ Ê-díp-tô, điều mà ông không ngờ và tin đến. Chúa đã phán cho ông qua giấc mơ để ông vững tin, rằng “Ta là Thiên Chúa, Thiên Chúa của cha ngươi. Hãy xuống Ê-díp-tô, đừng sợ gì, vì tại đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn. Chính Ta sẽ xuống đến đó với ngươi, và chính Ta cũng sẽ dẫn ngươi về chẳng sai. Giô-sép sẽ vuốt mắt ngươi nhắm lại.” (Sáng Thế Ký 46:3, 4).

Chúa đã làm thành lời hứa Ngài với Gia-cốp:

27 Vậy, I-sơ-ra-ên trú ngụ tại miền Gô-sen thuộc về xứ Ê-díp-tô, gây được cơ nghiệp tại đó, sinh sản và thêm lên bội phần.

28 Gia-cốp sống trong xứ Ê-díp-tô được mười bảy năm. Những ngày của Gia-cốp, những năm của đời ông là một trăm bốn mươi bảy năm.

Mười bảy năm là khoảng thời gian dài Chúa ban trên đất đối với một người tuổi cao sức yếu như Gia-cốp trong ngày ông rời xứ Ca-na-an. Chúa lại ban cho ông tâm hồn được tươi tỉnh khi gặp lại con, lúc tắt hơi, thoả lòng về đời mình.

Lúc gần chết, ông có nguyện ước được chôn xác mình tại đất Ca-na-an, đừng chôn tại đất Ê-díp-tô. Ông đã gọi con trai Giô-sép, là người ông tin tưởng, nói nỗi lòng mình và thề ước cùng con. Giô-sép đã đặt tay trên đùi cha mình, là Gia-cốp, tên gọi I-sơ-ra-ên do Thiên Chúa đặt cho, mà thề. Và ông hứa sẽ làm y theo lời cha dặn như vậy. Có lẽ Giô-sép đã rất xúc động khi nghe lời cha nói.

Người cha cũng không dùng quyền cha bắt con phải làm vậy, ông hạ mình, xin ơn Chúa thương xót làm cho mình.

Đức tin vào lời Chúa phán hứa trong ông về miền đất hứa xứ Ca-na-an thuở nào trong buổi Chúa kêu gọi, vẫn còn nguyên đó trong lòng, tâm, trí. Cho đến trước ngày chết, Chúa vẫn ở cùng thần trí giúp ông sáng suốt, nhớ về lời Ngài hứa, nhớ đến tình yêu Thiên Chúa dành cho ông.

Miền đất hứa trên đất để thể xác ông yên nghỉ, và ông tin, cũng chính miền đất hứa Chúa gọi và ban cho này, Chúa sẽ lại gọi ông sống lại, linh hồn cùng thể xác ông được sống lại, đời đời yên nghỉ, phước hạnh bên Chúa.

Thưa Cha, nhìn lại cuộc đời của Gia-cốp, những năm nhọc nhằn. Bỗng con nhớ đến Lời Chúa trong sách Truyền Đạo 12:13, rằng:

“Chúng ta hãy nghe lời kết luận của trọn sự việc: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài! Vì ấy là trọn phận sự của loài người.” (Truyền Đạo 12:13).

Trong lúc tâm thần ông mỏi mòn, thể xác già đau yếu, hy vọng được gặp lại Giô-sép trên đất, người con mà ông rất mực yêu thương, mong nhớ, tưởng như đã không còn có thể, thì Chúa lại mở đường cho ông. Cảm tạ Chúa, quả là không có thử thách, cám dỗ nào vượt quá sức của con người, trong mọi sự, con dân chân thật của Chúa, luôn được Ngài ở cùng, mở ra một lối thoát, để có thể chịu được, Ngài mãi luôn ở cùng những ai yêu kính Ngài.

29 Khi ngày gần chết, I-sơ-ra-ên gọi Giô-sép, con trai mình, mà nói rằng: Nếu ta được nhờ ơn trước mặt con, xin hãy để tay trên đùi ta cậy hết lòng từ ái và thành thực với ta, xin con đừng chôn ta tại đất Ê-díp-tô.

30 Khi ta an giấc cùng tổ phụ rồi, hãy đem ta ra khỏi Ê-díp-tô; chôn chung cùng mồ mả của họ. Giô-sép thưa rằng: Con sẽ làm y theo lời cha dặn.

31 Ông nói: Con hãy thề với ta! Người thề với ông. I-sơ-ra-ên tự cúi lạy trên đầu gậy của mình.

Một người cha già, khi ngày gần chết, tự cúi lạy trên đầu gậy của mình, cho con một hình ảnh sống động của một đức tin trong con người Áp-ra-ham.

Thưa Cha, con lại nhớ đến người cha, người mẹ, những người già cả đau yếu bệnh tật mà con từng gặp, mỗi ngày con đang tiếp xúc, đối diện, trước cái chết, lòng người nhớ đến và mong ước gì?

…Bỗng lòng con đau nhói, xót xa. Lạy Cha kính yêu của con! Con xin Ngài đoái thương đến những linh hồn đang hư mất, con xin Ngài ban cho nhiều những người thân của chúng con, những người lân cận mà con gặp, những người đã được nghe nói về Chúa, được mở lòng mình ra tiếp nhận ân điển cứu rỗi của Chúa. Con thành kính cầu xin, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, A-men!

Con cảm tạ ơn Cha đã dạy dỗ con, cho con suy ngẫm Sáng Thế Ký chương 47. Nguyện Lời Chúa luôn ở trong con, soi sáng con.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Lan

17/07/2023

Để lại một bình luận