Sáng Thế Ký 02

158 views

Sáng Thế Ký chương 2

Thiên Chúa Thánh Hóa và Ban Phước cho Ngày Thứ Bảy

1 Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất.

Con cảm tạ Chúa và con dâng niềm vui mừng của con chung vui cùng Đức Chúa Trời của con về sự Ngài đã hoàn tất công việc sáng tạo các tầng trời và đất, cùng muôn vật trong sáu ngày làm việc vô cùng vĩ đại rất tốt lành của Ngài dành cho loài người chúng con.

2 Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm.

Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm, vì mọi công việc Ngài đã làm đều đã hoàn thành rất tốt lành rồi; không cần bổ sung, chỉnh sửa, thêm bớt. Dù vậy, Ngài vẫn không quên nhớ đến mục đích các công việc đó. Với tấm lòng rất mực yêu thương của một Thiên Chúa Toàn Năng, Ngài không làm cho xong rồi để đấy, Ngài hướng và nhớ đến mục đích tốt lành Ngài dành cho loài người.

Con học theo Ngài: Con không mất thời gian đi làm lại những việc con hay ai đó đã làm xong và ổn rồi. Việc nào làm hãy làm hết tấm lòng mình như làm cho Chúa, hoàn thành chu đáo, không làm chiếu lệ cho xong. Mỗi việc làm đều hướng đến mục đích tốt lành có ý nghĩa. Không làm những việc vô nghĩa. Chúa vì loài người mà làm bằng tình yêu thật. Con cũng làm bằng tấm lòng chân thật. Con sắp xếp việc mình mỗi tuần trong sáu ngày từ Chủ Nhật đến Thứ Sáu, ngày Thứ Bảy con dành thời gian thờ phượng Chúa.

3 Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm. [Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa.]

Sự Ngài ngưng ở đây là ngưng mọi công việc đã làm, bởi đã hoàn thành; không có  nghĩa rằng Ngài ngưng làm việc trong ngày Thứ Bảy; mà Ngài chuyển qua làm công việc mới. Công việc mới này chính là Ngài dành trọn thời gian, tấm lòng mình bày tỏ tình yêu, sự yêu thương chăm sóc, nhớ đến loài người trong sự Ngài ban phước và thánh hoá, biệt riêng ngày Thứ Bảy, để loài người được nghỉ ngơi thờ phượng Chúa, đón nhận phước Chúa ban. Ngài ngưng làm các công việc thuộc thể vì Ngài đã hoàn thành mọi việc thuộc thể Ngài tạo dựng; Ngài dành ngày Thứ Bảy cho công việc thuộc linh.

Ngài rất vui mừng về công việc Ngài đã làm và mong đợi loài người đón nhận, vui hưởng; chẳng phải Ngài chỉ mong loài người vui hưởng những nhu cầu vật chất. Điều Ngài mong đợi trên nhất là Ngài mong loài người vui hưởng tình yêu, niềm vui trong đó. Con cũng tin rằng, trong khi Ngài làm các công việc trong sáu ngày, Ngài luôn nhớ đến loài người trong từng khoảnh khắc. Ngày Thứ Bảy, Ngài lại càng để lòng nhớ đến loài người nhiều hơn, dành trọn cả tình yêu Ngài cho loài người.

Với loài người có khi cần nghĩ cách này cách kia để dành tình yêu cho nhau, nhưng với Thiên Chúa Toàn Năng, Ngài có thẩm quyền ban phước. Qua lời ban phước của Ngài thì phước được thành. Ngài đã làm thành lời ban phước đó với loài người. Con nhận được câu hỏi từ Chúa: Bản thân con đã, đang đón nhận được bao nhiêu, nhận như thế nào từ lời ban phước đó?

Con học được cách thể hiện tình yêu thương. Trong gia đình, trong Hội Thánh, với  những người lân cận, con cũng cần dành khoảng thời gian thong thả nào đó để thể hiện tình yêu thương, trực tiếp quan tâm, chăm sóc lẫn nhau bằng tình yêu thật.

Thiên Chúa dành trọn ngày Thứ Bảy để bày tỏ tình yêu, quan tâm chăm sóc con qua sự Ngài ban phước và biệt riêng ngày Thứ Bảy cho con. Con cũng dành trọn ngày Thứ Bảy mỗi tuần để đón nhận tình yêu, nhận phước từ Ngài qua sự hướng lòng về Ngài, biệt riêng thờ phượng Ngài. Ngài nhớ và dành tình yêu thương loài người, lập nên ngày Sa-bát vì loài người (Mác 2:27). Con cũng nhớ và hướng lòng về Ngài trong ngày Sa-bát.

Trong khi làm mọi việc trong công cuộc sáng tạo, Ngài luôn hướng và nhớ đến mục đích dành cho loài người. Vậy, trong khi con làm bất cứ việc gì, con cũng cần hướng lòng và nhớ về Ngài.

Xuất-ê-díp-tô-ký 20:8-11 cho con biết Chúa biệt riêng ngày này đặt là Ngày Thánh. Ngày đó chúng con được nghỉ ngơi, không lao nhọc kiếm sống.

Ngài rất yêu loài người chúng con, Ngài biết sau sáu ngày làm việc, nhu cầu xác thịt của chúng con cần nghỉ ngơi để bổ lại sức. Con thật phước hạnh khi mỗi tuần Chúa ban cho con có một ngày cuối tuần là ngày Thứ Bảy để con được biệt riêng thờ phượng Chúa.

4 Ấy là về nguồn gốc của các tầng trời và đất khi chúng được sáng tạo, trong ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu làm ra đất và các tầng trời.

Con cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài cho con biết được rõ ràng về nguồn gốc sáng tạo của các tầng trời và đất. Con không còn mơ hồ về nguồn gốc trời đất nữa, vì con đã được Chúa bày tỏ rất rõ ràng, chân thật qua Lời của Ngài là Thánh Kinh. Một lẽ thật rất dễ hiểu, dễ tiếp nhận, đó là: Các tầng trời và đất được Thiên Chúa sáng tạo nên.

5 Lúc đó, chưa có một chồi cây nào mọc ngoài đồng, trên đất; và cũng chưa có một ngọn cỏ đồng nào mọc lên; vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chưa cho mưa xuống trên đất; và cũng chưa có một người nào lao động trên đất.

6 Nhưng có hơi nước từ đất bay lên, tưới khắp cùng mặt đất.

7 Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.

“Lúc đó” trong câu 5: Con hiểu là sau khi các tầng trời và đất đã được tạo dựng. Qua các liên từ “nhưng” ở câu 6; “và” ở câu 7, con hiểu câu 5,6 và câu 7 có liên kết nhau trong cùng thời điểm. Có hơi nước bay lên tức đã có sự sáng được tạo dựng vào ngày Thứ Nhì, vì phải có sức nóng từ sự sáng nước mới bốc hơi. Loài người được dựng nên vào ngày Thứ Sáu. Như vậy lúc đó ở đây sẽ là ngày Thứ Sáu, tức sau khi trời đất, sự sáng, cây cỏ cùng muôn vật đã được tạo dựng.

Lúc đó cây cỏ đã được tạo dựng. Vậy tại sao câu 5 lại nói đến chưa có một  chồi cây nào mọc ngoài đồng, trên đất; và cũng chưa có một ngọn cỏ đồng nào mọc lên. Tiếp liền vế sau câu 5, Chúa giải thích: vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chưa cho mưa xuống trên đất; và cũng chưa có một người nào lao động trên đất.

Chúa ơi, con chưa hiểu rõ chỗ này: Tại sao lúc đó Chúa đã tạo dựng nên cây cỏ vào ngày Thứ Ba rồi, mà sao lại chưa có một chồi cây nào mọc ngoài đồng, trên đất; và cũng chưa có một ngọn cỏ đồng nào mọc lên? Như vậy có phải là ban đầu, có những vùng đất chưa có cây cỏ mọc. Sau nhờ sinh sản thêm lên, chúng mới mọc lan ra khắp đất.

Vùng đất ngoài đồng này có phải chỉ về một vùng đất cụ thể nào đó trong một bối cảnh, nơi mà Chúa dùng bụi của đất tạo nên hình loài người?

Khi chưa tạo nên loài người thì đương nhiên chưa có một người nào lao động trên đất. Vậy tại sao Chúa lại đưa ra bối cảnh này trong câu 5 với ý dạy dỗ con điều gì hay chỉ là Chúa nhắc đến, rằng lúc đó là như thế. Con chưa hiểu. Xin Chúa giúp con hiểu. Con cảm ơn Chúa!

Chúa tạo nên loài người từ bụi của đất. Đây là một điều vượt quá sự hiểu của con. Con chưa hiểu bằng cách nào mà từ bụi của đất mà Chúa lại tạo nên loài người như hình và tượng của Chúa. Con chỉ tin. Vì Thiên Chúa là toàn năng, không sự gì Ngài không làm được. Chỉ lời phán của Chúa thì trời đất, muôn vật từ không thành có, thì có sự gì mà Ngài không thể làm thành, theo ý tốt lành Ngài muốn.

Một số câu Thánh Kinh nhắc đến bụi đất, giúp con cảm nhận phần nào sự màu nhiệm về sự Chúa nắn nên loài người từ bụi của đất:

“Hết thảy đều quy vào một chỗ; hết thảy do bụi đất mà ra, hết thảy sẽ trở về bụi đất.” (Truyền Đạo 3:20).

“Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7).

“Hơi thở của nó tắt đi, nó trở về bụi đất của mình. Trong chính ngày đó các ý tưởng của nó biến mất.” (Thi Thiên 146:4).

Thiên Chúa Lập Nên Khu Vườn tại Ê-đen

8 Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu lập một khu vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông; và Ngài đặt người mà Ngài vừa tạo nên ở đó. [Ê-đen có nghĩa là vui vẻ, thỏa lòng.]

Con hình dung cảnh vườn tại Ê-đen thật đẹp đẽ và phước hạnh. Mục đích Ngài lập nên để cho loài người vui hưởng hạnh phúc đời đời với Ngài. Khu vườn phước hạnh này được Ngài ban cho loài người ngay khi loài người vừa được tạo nên. Ngài đã sẵm sẵn từ trước.

9 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu khiến đất mọc lên mọi thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon. Giữa vườn lại có Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác.

Khu cảnh vườn tại Ê-đen phước hạnh hẳn rất tuyệt đẹp, có nhiều thứ cây cho trái ăn ngon. Thiên Chúa đặt giữa vườn Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác.

Con chưa biết khu vườn này được Ngài lập nên trước khi Ngài dựng nên loài người trong bao lâu, vào ngày thứ mấy trong sáu ngày sáng tạo của Ngài. Những thứ cây này xuất hiện vào ngày Thứ Ba trong ngày Chúa dựng nên các thứ cây hay chúng mọc lên sau đó. Khu vườn được Ngài lập ra như thế nào, cùng lúc xuất hiện mọi thứ trong khu vườn hay Ngài tạo dựng từng thứ vào những thời điểm khác nhau.

Con chưa biết, ngoài cảnh vườn và con sông từ Ê-đen chảy ra để tưới vườn được nhắc đến ở câu dưới đây, thì khu vườn còn có những gì trong đó. Trong cảnh phước hạnh và khi loài người chưa phạm tội như vậy, nhu cầu cuộc sống của loài người lúc đó sẽ là như nào. Có lẽ sẽ rất khác như loài người ngày nay. Dù khác như nào, thì một điều con tin chắc chắn rằng, loài người vẫn có nhu cầu thuộc linh, yêu và được yêu, tức nhu cầu được Chúa yêu và được đón nhận tình yêu Chúa; nhu cầu được trò chuyện tương giao với Chúa.

10 Một con sông từ Ê-đen chảy ra để tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn nguồn.

11 Tên của sông thứ nhất là Bi-sôn; nó chảy quanh toàn xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng.

12 Vàng của xứ ấy rất tốt. Tại đó lại có nhũ hương và bích ngọc.

13 Tên của sông thứ nhì là Ghi-hôn, nó chảy quanh xứ Cúc. [Còn gọi là xứ Ê-thi-ô-bi (Ethiopia).]

14 Tên của sông thứ ba là Hi-đê-ke, nó chảy về phía đông của xứ A-si-ri. Còn sông thứ tư là Ơ-phơ-rát.

Các cây trái trong khu vườn nơi đây vẫn cần được tưới. Có lẽ hàng ngày A-đam lấy nước từ con sông này tưới cho cây. Hoặc cũng có thể rễ các cây tự lấy nước nuôi cây qua những mạch nước ngầm bắt nguồn từ sông. Sông chảy qua vườn Ê-đen thì chia ra làm bốn nhánh theo bốn hướng dòng chảy khác nhau, làm thành bốn con sông khác nhau. Bốn con sông này có tên và địa danh cụ thể.

Con sông thứ tư là sông Ơ-phơ-rát, sông này được nhắc đến nhiều chỗ trong Thánh Kinh.  Khải Huyền 16:12 cùng bài giảng của người chăn cho con biết, trong Kỳ Tận Thế, con sông này sẽ bị cạn khô để dọn đường cho các vua phương đông kéo về I-sơ-ra-ên.

Con tra thông tin trên mạng, thì sông Ơ-phơ-rát dài chừng 2800 km (dài gấp hơn 2 lần Sông Hồng tại Việt Nam), lưu lượng dòng chảy trên 800 mét khối trong một giây (xấp xỉ bằng tốc độ dòng chảy tại chỗ tĩnh nhất của Sông Hồng), diện tích lưu vực trên 750 ngàn ki-lô-mét vuông (rộng gấp chừng 5 lần Sông Hồng) ; thượng nguồn sông nằm ở Đông Thổ Nhĩ Kỳ, chảy qua Syria, Iran và Iraq ngày nay.

Vậy mà trong Kỳ Tận Thế, nước con sông này cạn khô. Con tin chắc chắn điều này sẽ diễn ra y như vậy, vì Thánh Kinh là lẽ thật tuyệt đối, chân lý, không thể sai trật. Trước đây, nhiều lúc  con khó hình dung, một lượng lớn nước sông như vậy sẽ cạn khô bằng cách nào. Qua những biến động thế giới gần đây, phần nào giúp con dễ hình dung ra hơn. Con được biết thông tin qua mạng, gần đây lượng nước sông này bỗng giảm nhiều, nguy cơ sông đang ngày một thu hẹp dần.

Con tin Chúa là Đấng Toàn Năng, không sự gì là khó với Ngài. Lời Chúa phán như thế nào sẽ là y như vậy. Con đọc Thánh Kinh, có nhiều chỗ Chúa bày tỏ lẽ thật quá màu nhiệm ngoài trí tưởng tượng của tâm trí con, con chỉ có thể hiểu bằng đức tin. Xin Chúa giúp con tin mà không nghi ngờ. Con chọn tin trước đã, rồi sau đó Chúa dần bày tỏ cho con sau. Con cảm tạ ơn Chúa!

Mệnh Lệnh của Thiên Chúa về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác

15 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đem loài người đặt vào trong vườn, tại Ê-đen, để lao động và chăm sóc vườn.

Chúa yêu thương loài người. Chúa đem loài người đặt nơi vườn phước hạnh, tại Ê-đen; mục đích giúp loài người vui thoả. Ê-đen có nghĩa là vui vẻ, thoả lòng. Ngài cũng muốn loài người có nhiều cơ hội trực tiếp gần gũi Chúa. Chúa không muốn loài người buồn. Có lẽ mỗi chiều, loài người được Chúa viếng thăm, trực tiếp trò chuyện, nghe được Chúa phán dạy.

Ngài giao việc cho loài người. Công việc ban đầu là lao động và chăm sóc vườn. Vườn thuộc thể và vườn thuộc linh. Vườn thuộc thể là các công việc chăm giữ vườn về thuộc thể. Vườn thuộc linh là các việc chăm sóc bản thân loài người vâng phục yêu kính Thiên Chúa.

Chúa yêu thương con. Chúa tạo dựng nên con. Nay Chúa lại đem con đặt vào nơi phước hạnh với Ngài. Chúa giao việc cho con. Công việc đầu tiên Chúa giao cho con là biết vâng Lời. Mục đích Chúa muốn giúp cho con được vui thoả. Chúa không muốn con buồn. Chúa muốn con có nhiều hơn cơ hội bên Chúa, trực tiếp trò chuyện, nghe Chúa phán dạy. Chúa muốn con yêu kính Ngài, nghe và làm theo.

Chúa ơi, con cũng mong muốn được như vậy. Xin Chúa giúp con. Xin Chúa cho con nghe được tiếng phán dạy của Chúa, cho con được trò chuyện sống động với Chúa. Chúa là Đấng hiện con không tận mắt nhìn thấy Ngài được, nhưng con tin Ngài đang hiện hữu bên con. Con xin Ngài cho con gặp Ngài. Những ngày còn lại đời con, con chỉ ao ước, mong và cầu xin Chúa một điều, cho con gặp được Ngài. Con xin Ngài đừng quay mặt khỏi con vì cớ tội lỗi con. Xin Ngài tha thứ cho con mọi tội con và cất khỏi con mọi điều gian ác. Con xin Ngài làm mới trong con một thần trí ngay lành, để tâm thần con tương giao được với Ngài. Con cảm tạ ơn Ngài!

Chúa dạy dỗ con: Tất cả ở tấm lòng con. Một tấm lòng hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Chúa Jesus; thật lòng ăn năn tội; hết lòng sống theo Lời Chúa. Tin cậy. Vâng phục. Hết sức, hết tâm trí, hết linh hồn con mà yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa của con (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5).

Con nhớ đến những câu Thánh Kinh:

“Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào với người, ăn bữa tối với người và người với Ta.” (Khải Huyền 3:20).

“Hãy hết sức cẩn thận canh giữ tấm lòng của con, vì những sự tuôn trào của sự sống ra từ nó.” (Châm Ngôn 4:23).

“Đức Chúa Jesus phán với ông: Ngươi sẽ hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà yêu Chúa, là Đức Chúa Trời của ngươi.” (Ma-thi-ơ 22:37).

16 Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu truyền lệnh cho loài người. Ngài phán: Ngươi được tự do ăn từ mọi thứ cây trong vườn;

17 nhưng về Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác thì ngươi sẽ không ăn đến; vì trong ngày ngươi ăn thì ngươi chắc sẽ chết.

Chúa đặt giữa vườn Cây Sự Sống cùng Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác, Chúa đặt loài người trong sự thử thách. Chúa ban cho loài người quyền tự do lựa chọn: chọn vâng Lời hay không vâng Lời. Chúa cảnh báo trước hậu quả của sự không vâng Lời.

Chúa khẳng định chắc chắn hậu quả “ngươi chắc sẽ chết”. Chúa phán “trong ngày ngươi ăn” mà không là ngay sau khi ngươi ăn. Chúa cho loài người khoảng thời gian nào đó để loài người đủ thật nhận ra, đủ thật thấm thía tội lỗi mình, tâm phục Chúa, biết run sợ đầu phục Chúa, trước hình phạt công chính của Ngài.

Chúa cũng cho con tự do lựa chọn: chọn vâng Lời hay không vâng Lời. Chúa cũng cảnh báo trước hậu quả của sự con không vâng Lời thì sẽ ra sao. Mỗi quyết định chọn lựa của con đều dẫn đến kết quả kèm theo, hoặc quả lành, hoặc quả dữ. Mỗi tội lỗi của con đều kéo theo hậu quả đi kèm. Hậu quả tội lỗi nào cũng là sự đau buồn cho Chúa, khốn khó thêm cho bản thân.

Thiên Chúa Dựng Nên Người Nữ

18 Rồi, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán: Loài người ở một mình thì không tốt; Ta sẽ làm cho nó một kẻ giúp đỡ giống như nó.

Sau khi Chúa đặt loài người vào trong vườn tại Ê-đen và truyền lệnh cho loài người được tự do làm gì và không được làm gì, cho loài người quyền quyết định chọn lựa. Lúc này Thiên Chúa phán tiếp rằng loài người ở một mình thì không tốt. Ngài biết trước. Và đây là lúc Ngài làm ra người nữ ban cho loài người.

Ngài là Đấng biết trước nhu cầu, biết trước điều gì là tốt và không tốt. Đồng thời Ngài cũng là Đấng đáp ứng nhu cầu; ban thêm điều tốt thêm hơn; ban điều tốt nhất để giải quyết nhu cầu.

Chúa dạy dỗ con: Nếu con tin và đặt hoàn toàn sự trông cậy, hết lòng nương cậy nơi Chúa, Ngài sẽ ban cho mọi nhu cầu tốt nhất cho con, theo ý tốt lành của Ngài. Ngài biết trước nhu cầu con và đến đúng thời điểm Ngài giải quyết cho con. Việc con là tin, làm theo cách Ngài giải quyết nhu cầu con.

19 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu dùng đất tạo hình mọi loài thú đồng, và mọi loài chim trời; rồi dẫn chúng đến với loài người, xem người đặt tên gì cho chúng nó; và bất cứ tên nào loài người đặt cho mỗi linh hồn sống, đều thành tên của nó.

Mọi loài thú và mọi loài chim trời được Thiên Chúa tạo dựng trong ngày Thứ Sáu, chúng cũng được Chúa tạo dựng từ đất. Con không biết Chúa tạo nên bằng cách nào, có lẽ chúng không được Ngài nắn như Ngài nắn nên loài người. Thiên Chúa giao cho loài người đặt tên cho các loài thú và các loài chim.

20 Loài người đặt tên cho mọi loài súc vật, chim trời, cùng thú đồng; nhưng về phần loài người, thì chẳng có ai giúp đỡ, giống như mình.

Loài người đã vâng lời Chúa đặt tên cho mọi loài súc vật, chim trời và thú đồng. Có lẽ sau khi đã đặt tên cho các loài xong rồi, lúc này, A-đam nhận biết mình chẳng có ai giúp đỡ. “Giống như mình” nghĩa là cùng là loài người giống như A-đam. Ông thấy mình lẻ loi, cần một người bạn bên cạnh giúp đỡ mình. Thiên Chúa biết nhu cầu chính đáng này, Ngài ban cho ông một người nữ, là người bạn đời với ông. Thiên Chúa biết trước tâm tư tình cảm, nhu cầu của loài người, Ngài ban người nữ không chỉ giúp đỡ ông, mà còn là người bạn đời, cùng ông chia sẻ, đồng tâm tình, cùng ông vui hưởng hạnh phúc.

Chúa dạy dỗ con:

  • Kết quả theo sau của sự vâng Lời sẽ là phước hạnh. Nếu A-đam không vâng nhận việc đặt tên các loài thú, các loài chim trời, thì có lẽ ông sẽ không kinh nghiệm được sự cần có người giúp đỡ giống như mình.
  • Sự ban cho của Chúa luôn rời rộng, vượt quá mong đợi của mình.
  • Theo Chúa, có Chúa ở bên, con cũng có nhu cầu gần gũi anh chị em cùng đức tin trong Hội Thánh để nâng đỡ chăm sóc lẫn nhau. Đặc biệt con mong và con cầu xin Chúa, tới thời điểm theo ý Chúa, con xin Chúa cho hai con của con ăn năn tội, trở về với Chúa và về sống cùng con, để ba mẹ con con được cùng nhau thờ phượng và hầu việc Chúa, cùng nhau vui thoả trong tình yêu Chúa. Con xin Chúa thương đáp lời cầu xin của con, theo ý Chúa. Con cảm tạ ơn Chúa!

21 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu khiến một cơn ngủ mê giáng trên loài người. Người ngủ. Rồi, Ngài lấy một phần từ nơi hông ra, và lấp thịt thế vào.

22 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu dùng phần bên hông mà Ngài đã lấy nơi loài người, để làm nên một người nữ, rồi đưa nàng đến cùng loài người.

Người nữ Thiên Chúa tạo dựng được lấy một phần từ nơi hông A-đam. Chúa dạy dỗ con điều gì qua cách Chúa tạo dựng người nữ như vậy? Tại sao Chúa để loài người ngủ mê trong lúc Ngài lấy một phần thịt nơi hông loài người? Tại sao Chúa lại chọn lấy thịt từ loài người để dựng nên người nữ?

Có lẽ sau khi thoát mê, A-đam không biết gì công việc Chúa đã làm khi dựng nên người nữ cho mình. Phần thịt Chúa lấy dùng thế vào cách siêu nhiên và không biết bằng cách nào Ngài tạo dựng người nữ từ thịt từ một phần bên hông loài người.

Chúa chỉ tạo dựng một loài người duy nhất là loài người ban đầu, được Ngài nắn nên từ bụi của đất. Nếu Ngài tạo dựng người nữ cũng theo cách tạo dựng loài người thì có hai loài người, Ngài không chọn làm điều đó. Loài người ban đầu được Chúa tạo dựng theo hình và tượng Chúa, được Chúa nắn nên từ bụi đất; người nữ Ngài làm ra từ loài người.

Tại sao Chúa không làm nên người nữ cùng lúc ban cho loài người, mà Ngài lại đợi đến khi sau khi loài người đặt tên các loài thú và chim, thấy mình lẻ loi, cô đơn cần người giúp đỡ thì Ngài mới làm ra người nữ rồi đưa đến cùng loài người?

Ngài đáp ứng nhu cầu loài người theo đúng thời điểm theo ý tốt lành nhất của Ngài, giúp loài người biết trân quý điều Ngài ban cho, ghi nhớ biết ơn Thiên Chúa. Sự đáp ứng đúng lúc có nhu cầu, giúp loài người dễ dàng cảm nhận, đón nhận và biết ơn tình yêu Chúa hơn.

23 Loài người nói rằng: Giờ đây, này là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là người nữ, vì nàng đã được lấy ra từ người nam.

Lúc Chúa lấy một phần bên hông loài người, Chúa làm loài người ngủ mê, vậy sao loài người lại biết mà nói như vậy?

24 Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ của mình mà gắn bó với vợ của mình; và họ sẽ nên một thịt. [Ma-thi-ơ 19:4-6; Mác 10:7-8; Ê-phê-sô 5:31]

Sự nên một thịt trong vợ chồng nam nữ là một lẽ vô cùng màu nhiệm, cả thuộc thể và thuộc linh. Thuộc thể là hình ảnh xác thịt người nữ được làm ra từ người nam, “xương của xương tôi, thịt của thịt tôi”. Thuộc linh là sự kết hiệp vợ chồng màu nhiệm trong Chúa. Sự màu nhiệm này vượt quá sự hiểu của con, giống như sự màu nhiệm sự kết hiệp giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Xin Chúa cho con hiểu được sự màu nhiệm này trong ngày con được gặp Chúa.

Sự người nam lìa mẹ mà gắn bó cùng vợ mình sau khi nên vợ chồng là điều Chúa dạy dỗ. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ qua trách nhiệm người con với cha mẹ. Con cái cả nam và nữ vẫn cần làm tròn bổn phận hiếu kính với cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ lúc cha mẹ già yếu hay cần được giúp đỡ.

25 Loài người và vợ, cả hai đều trần truồng mà chẳng hổ thẹn.

Khi chưa có tội lỗi, loài người chưa biết hổ thẹn. Sự vinh quang của Thiên Chúa chói lọi, khiến loài người không cần mặc che thân. Con hiểu được điều này qua phần giảng giải sau đây của người chăn.

“Trong thế giới ngày nay của chúng ta, chúng ta khó thể hình dung ra sự kiện trần truồng mà chẳng hổ thẹn. Từ sau khi loài người phạm tội, dẫn đến hậu quả là bị mất đi sự vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng trên họ, thì họ biết hổ thẹn khi bị trần truồng (Rô-ma 3:23). Chúng ta hổ thẹn khi bị trần truồng vì những khuyết điểm trên thân thể của chúng ta. Chúng ta hổ thẹn khi trần truồng vì bị trở thành mục tiêu ham muốn tà dâm của người khác, hoặc là vì lộ ra sự ham muốn tà dâm của chúng ta đối với người khác. Chúng ta hổ thẹn khi trần truồng vì bị kẻ khác dùng quyền thế để lột trần chúng ta, làm nhục chúng ta. Tất cả những sự hổ thẹn khi bị trần truồng đều là hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi của chúng ta hoặc tội lỗi của người khác.

Ngày nay, trên thế giới có những hội khỏa thân mà hội viên hoàn toàn trần truồng trong khu vực riêng của hội, bất kể tuổi tác, giống tính, chủng tộc, và sự đẹp xấu của ngoại hình. Người ta cho rằng, trong những nơi đó, loài người trần truồng mà chẳng hổ thẹn. Tuy nhiên, có thật như vậy hay không? Hay là, loài người đã băng hoại đến nỗi không còn biết hổ thẹn khi trần truồng?” (Hết trích)

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Lan

2 Replies to “Sáng Thế Ký 02”

  1. HCTimothy

    Sáng Thế Ký 2:5-6

    “Chúa ơi, con chưa hiểu rõ chỗ này: Tại sao lúc đó Chúa đã tạo dựng nên cây cỏ vào ngày Thứ Ba rồi, mà sao lại chưa có một chồi cây nào mọc ngoài đồng, trên đất; và cũng chưa có một ngọn cỏ đồng nào mọc lên? Như vậy có phải là ban đầu, có những vùng đất chưa có cây cỏ mọc. Sau nhờ sinh sản thêm lên, chúng mới mọc lan ra khắp đất.

    Vùng đất ngoài đồng này có phải chỉ về một vùng đất cụ thể nào đó trong một bối cảnh, nơi mà Chúa dùng bụi của đất tạo nên hình loài người?”

    Chúng ta có thể hiểu rằng, các loài thực vật đã được Thiên Chúa dựng nên trong ngày thứ ba và mọc đầy trong khu vực gọi là Ê-đen, là nơi Chúa sẽ lập nên một khu vườn ở về hướng đông, nhưng chưa mọc trên đất, bên ngoài khu vực đó, gọi là “đồng”. Khi ấy, đất không cần được tưới, vì đất đã có đủ độ ẩm.

    Chúng ta có thể hiểu rằng, sau khi Chúa đã lập nên khu vườn ở phía đông của vùng đất gọi là Ê-đen, thì công việc của loài người là trồng và giữ vườn, hàm ý, loài người được tự do sắp xếp cảnh vườn. Còn phần đất ngoài Ê-đen, gọi là “đồng” thì theo thời gian, các hạt giống của đủ loại cây cỏ sẽ bay đến, mọc lên và bao phủ khắp nơi. Khi loài người sinh sôi, phát triển thì họ sẽ tiếp tục mở rộng vườn.

    Chúng ta cũng cần hiểu rằng, vào buổi đầu sáng thế, khi tội lỗi chưa vào trong thế gian, thì môi trường sống và ngay cả các chức năng sinh lý của thân thể xác thịt loài người hoàn toàn khác xa với những gì mà chúng ta biết. Cụ thể, lúc ấy loài người không cần mặc quần áo, không cần ăn thịt.

  2. HCTimothy

    Về Động Từ "Tạo Hình"

    Trong Sáng Thế Ký 2:7 và 19, chúng ta thấy chép rằng:

    • Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất…
    • Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu dùng đất tạo hình mọi loài thú đồng, và mọi loài chim trời…

    Động từ “tạo hình” (H3335) dùng trong hai câu này nói đến hành động làm ra một hình dạng ba chiều nào đó, cụ thể như việc người thợ gốm tạo hình các đồ vật làm bằng đất sét.

    Có thể cách thức Thiên Chúa “tạo hình” loài người và các loài thú, chim giống nhau. Rất có thể Thiên Chúa Ngôi Lời đã hiện ra trên đất trong hình dạng mà Ngài sẽ theo đó dựng nên loài người, dùng tay Ngài để nhào nắn bụi đất, nắn thành các hình thể mà Ngài muốn. Đối với các loài khác thì sau khi Ngài nắn thành hình thể thì chúng liền trở nên sống động. Riêng đối với loài người thì Ngài đã thổi hơi sự sống của Ngài vào trong loài người.

    Loài người và các loài thú, chim được tạo ra từ bụi đất hàm ý, thân thể của loài người và các loài thú, chim đều mang các nguyên tố hóa học là các nguyên tố tạo thành bụi đất.

Để lại một bình luận