Sáng Thế Ký 09

94 views

Thiên Chúa Ban Phước cho Nô-ê và Truyền Các Luật Lệ

1 Thiên Chúa ban phước cho Nô-ê cùng các con trai của ông và phán với họ: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.

Một lần nữa, lời ban phước được Thiên Chúa lặp lại cho Nô-ê cùng các con trai của ông. Nhờ lời ban phước này mà loài người được thêm nhiều lên như ngày hôm nay.

2 Mọi sinh vật của đất, mọi chim trời, mọi vật hành động trên đất, cùng mọi cá biển, đều sẽ khiếp sợ ngươi; và chúng bị trao vào tay ngươi.

Con hiểu “bị trao vào tay” nghĩa là chịu sự quản trị. Các loài trong sự quản trị của con người, chịu thuần phục, phục vụ theo lợi ích của con người. Ngày nay, con thấy có những con vật, loài vật dường như không ích lợi hay chịu thuần phục theo ý con người, là do tội lỗi của loài người khiến chúng bị vạ lây. Không có nghĩa là lời ban phước này không còn. Chúng vẫn còn cho đến đời đời. Mục đích cuối cùng Chúa lập ra muôn loài là vì loài người.

3 Bất cứ vật gì cử động mà có sự sống thì sẽ là đồ ăn cho các ngươi, như mọi thứ rau xanh mà Ta đã ban cho các ngươi.

Vật cử động có sự sống chỉ về các loài động vật. Trước Cơn Lụt Lớn, Chúa cấm không cho phép loài người ăn thịt các loài động vật. Thức ăn thời đó là các loại thực vật như rau, củ, quả, hạt … Kể từ thời điểm Chúa phán đây thì loài người được phép ăn thịt của các loài động vật.

Chúa tạo dựng các loài động vật có linh hồn sống (Sáng Thế Ký 1:20, 21, 24). Vì sao Chúa lại cho phép ăn thịt? Chắc chắn Chúa có lý do vì ích lợi tốt nhất cho loài người trong từng thời điểm. Dù lý do gì thì những giải pháp thêm bớt hay thay đổi so với lúc ban đầu tạo dựng, là do hậu quả tội lỗi loài người gây ra, Chúa cần giải quyết sao cho lợi ích, phù hợp theo cách tốt nhất tại mỗi thời điểm. Cũng có thể thức ăn thực vật không còn cung cấp đủ số lượng và chất lượng; các quy luật vật lý, sinh hoá, sinh lý diễn ra trong cơ thể sống cũng thay đổi sau Cơn Lụt, khiến nhu cầu thức ăn thay đổi. Cũng có thể xảy ra tình trạng mất cân bằng sinh thái giữa các loài động thực vật.

4 Nhưng thịt có sự sống, có máu, thì các ngươi đừng ăn.

Máu tượng trưng cho sự sống. Máu nấu chín dạng tiết. Máu tươi dạng lỏng hoặc kết dính đông vón bởi các sợi tơ huyết. Chúa cấm loài người không ăn máu theo nghĩa đen. Thịt có sự sống con hiểu là thịt dạng còn sống, chưa được làm chín. Thịt có máu là thịt có trữ máu tại các mạch máu trong các thớ thịt. Thịt sự sống hay thịt có máu đều không được ăn. Thịt sống có thể mang mầm bệnh, vi trùng gây độc cơ thể khi ăn sống. Con vật chưa cắt tiết thường thịt có máu rải rác ở các mao mạch nhỏ trong thịt làm thịt đổi màu thâm tím. Máu là môi trường thuận lợi cho vi trùng phát triển. Thịt có máu dễ nhiễm khuẩn.

Chúa cấm ăn máu thì đương nhiên thịt có máu sẽ không được ăn. Như trứng gà vịt lộn trên 13 ngày không được ăn vì chúng có những mạch máu nhỏ rải rác trong thịt. Các con vật có mạch máu lớn mà chưa qua cắt tiết, các con vật chết ngộp đều không được phép ăn.

Luật Chúa rất nghiêm ngặt, nhưng Chúa không kể những lỗi sơ xuất, không cố ý. Như trường hợp chảy máu cam, chảy máu chân răng, tổn thương chảy máu phần vòm miệng, khoang mũi nhỡ nuốt phải máu.

Truyền máu đường tĩnh mạch trong y khoa để cứu người không kể lệnh cấm trên. Giáo Hội Giê-Hô-Va Chứng Nhân không chấp nhận việc truyền máu trong y khoa vì cho rằng sai Lời Chúa, với lý luận huyết tượng trưng cho sự sống, nên phải tránh huyết, cấm cho nhận máu. Đây là điều giáo hội này hiểu sai trật về mệnh lệnh cấm ăn máu của Chúa. Chúa cấm ăn máu cần được hiểu theo nghĩa đen là cấm dùng máu làm thức ăn. Máu tiếp cứu người khi người bệnh hay nạn nhân thiếu máu, trong các ca phẫu thuật cần bổ sung máu kịp thời qua đường truyền tĩnh mạch là hình thức cứu người, hoàn toàn đúng theo Lời Chúa dạy, yêu kẻ lân cận như chính mình (Ma-thi-ơ 19:19; 22:39; Mác 12:31).

5 Thật vậy! Ta sẽ đòi máu của sự sống các ngươi lại, hoặc bởi mọi sinh vật, hoặc bởi tay người. Ta sẽ đòi mạng sống của một người bởi tay của anh em loài người.

Chúa sẽ hình phạt tội chết những ai làm đổ máu, giết người cách cố ý. Ăn máu là tội chết.

6 Bất cứ kẻ nào làm đổ máu loài người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Thiên Chúa đã làm nên loài người như hình của Ngài.

Con hiểu “làm đổ máu” ở đây là tội giết người. Lê-vi-ký 24:17 Chúa có nhắc lại về tội giết người sẽ bị xử tử. Bị người khác làm đổ máu lại, là hình phạt của Thiên Chúa đối với người phạm tội giết người. Giết người ở đây con hiểu là cố ý giết người.

Luật này của Chúa cho đến ngày nay vẫn còn được luật pháp loài người áp dụng, khung hình phạt tử hình những vụ án hình sự liên quan đến tội cố ý giết người. Dân Số Ký chương 35 phân biệt các trường hợp giết người cố ý và không cố ý kèm hình phạt cho từng trường hợp.

Cho dù một người có như thế nào đều mang trong mình hình và tượng Thiên Chúa. Không ai có quyền trên sự sống chết của một người. Quyền này duy thuộc về Thiên Chúa (Thi Thiên 139:16). Cũng không ai có quyền xỉ nhục nhân phẩm, hạ nhục hình ảnh của Đức Chúa Trời trong một con người, cho dù người đó có tội trọng lớn như thế nào. Ví như, một người phạm tội mang án xử tử hình, thì ngay khi tội nhân ra pháp trường chịu hình phạt, nhân viên thi hành án mạng trên người đó, chỉ có thể kết tội và thi hành án, tuyệt đối không được lăng mạ, hạ nhục tội nhân.

Tới đây, con nhớ đến nhiều trường hợp người cha người mẹ dạy bảo con, có khi con không nghe, không vừa ý hay chưa ngoan thì mắng chửi, rủa sả, dùng những lời nói xỉ nhục con cái. Cũng có những trường hợp, giữa những người lớn tuổi, trong các mối quan hệ gia đình, công việc, ngoài xã hội, cũng có cách hành xử như vậy. Hoặc như trong giáo dục, các trường hợp thầy cô dạy học sinh, không đủ kiên trì, có khi nóng nảy có những hành vi, lời nói xúc phạm đến nhân phẩm học sinh. Điều này nghịch lại với Luật Pháp Chúa. Chúa là tình yêu thương và Ngài là Đấng Quyền Năng, Ngài có quyền tuyệt đối, toàn quyền trên sự sống sự chết, trên sự rủa sả đối với một con người. Chúa không giao quyền đó cho con người. Chính vì thế mà giữa người với người không được phép cư xử vượt quá vạch giới hạn đó, tức không được phép vượt thẩm quyền của Chúa.

Suy ngẫm về điều này, con dâng lời cảm tạ, chúc tụng Thiên Chúa về tình yêu của Ngài dành cho loài người chúng con, sự khôn ngoan thông sáng của Ngài. Ngài biết trước lòng dạ gian ác của con người tội lỗi. Luật Pháp của Ngài luôn mang lại những điều tốt lành cho chúng con, bảo vệ và gìn giữ chúng con. Chúa đặt để Luật Pháp Ngài nơi lương tâm loài người. Là con dân chân thật của Chúa, con và anh chị em trong Hội Thánh cần suy ngẫm và áp dụng điều này, để chiếu sáng danh Chúa. Nhất là khi chúng con cư xử với nhau mỗi ngày giữa anh chị em cùng đức tin. Trong việc góp ý, chỉ lỗi chỉ tội lẫn cho nhau trong Hội Thánh, Chúa dạy con cần hết sức cẩn thận trong lời nói, thái độ để toả ra tình yêu, sự công chính của Chúa, mà không vượt thẩm quyền của Chúa, tuyệt đối không có lời nói, thái độ xỉ nhục người anh chị em mình. Có thể không thể hiện qua lời nói, khi trong lòng có ý coi kinh, xem thường, thiếu tôn trọng người khác thì đã là thiếu tình yêu thương. Không chỉ đối cùng anh chị em, với bất cứ ai cũng vậy, cho dù người đó có tính xấu xa như thế nào. Điều này thật khó nếu như con chưa thật để Lời Chúa sống trong con. Con tạ ơn Chúa, qua sự suy ngẫm này, Lời Chúa giúp con sửa đổi, con xin ăn năn những lúc con đã sai, con cố ý hay yếu đuối.

Trước đây, khi con chưa biết Chúa, con nhớ không nhầm thì có lần con dạy con gái con học lúc cháu còn nhỏ xíu lớp 1,2 gì đó, có lần con có mắng xúc phạm con. Xin Chúa tha thứ cho con. Hay như đợt con mấy lần đi đi về về Hà Nội, gây cớ vấp phạm cho người nhà con, con không nhớ cụ thể, có lần con cũng nói hỗn. Xin Chúa tha thứ cho con. Con xin được nói lời xin lỗi người nhà con.

Chúa ơi, có những tội lỗi con gây ra, con biết, dù con có nói lời xin lỗi, lòng con có tan nát, không muốn tái phạm, thì hậu quả vẫn còn, con không thể lấy lại, tổn thương cho người lân cận, đau lòng Chúa. Con biết ơn Chúa, vì chỉ có Ngài mới tha thứ và tẩy sạch, bôi xoá mọi tội được cho con. Chỉ có Ngài mới thay đổi được tấm lòng gian ác xấu xa trong con. Con xin dâng lên Chúa tấm lòng nhuốc nhơ ô uế của con, con cầu xin Chúa thay mới lòng con, giúp con trở nên mới mỗi ngày càng hơn.

***

Luật này áp dụng cho cả những trường hợp nạo phá thai, đình chỉ thai nghén trong y khoa. Vì phôi thai vừa hình thành trong lòng mẹ, ngay từ khi tinh trùng gặp trứng kết hợp thành hợp tử đã kể là một linh hồn sống (Thi Thiên 139:14) và đương nhiên đều mang ảnh tượng Thiên Chúa. Không một con người nào có quyền trên sự sống của chúng. Nạo phá thai trong bất cứ trường hợp nào thì cả cha mẹ đồng ý, bác sỹ sản khoa chỉ định và e kíp tham gia nạo phá thai đều phạm tội trước Chúa về tội cố ý giết người theo Luật Pháp Chúa. Kể cả trường hợp đình chỉ thai nghén để cứu mẹ trong cấp cứu sản khoa hay phát hiện thai nhi dị tật, bất thường, tiên lượng ảnh hưởng sức khoẻ mẹ và con cũng vi phạm tội cố ý giết người.

Vì hậu quả tội lỗi mà có nhiều thứ bệnh tật cho loài người, kể cả những thai nhi vô tội, những em bé ra đời chưa ý thức tội là gì, nhưng không vì thế mà loài người có quyền trên những thai nhi bất thường. Chúng cũng là những linh hồn sống. Đức Chúa Trời đã cho phép chúng thực hữu trong cuộc đời này thì Ngài cũng có chương trình cho chúng. Đức Chúa Trời muốn cho nó sống thì nó sống. Đức Chúa Trời muốn cho nó chết thì nó chết.

Chúa ơi, con xin Chúa tha thứ tội cho con, vì trước đây lúc con chưa biết Chúa, con cũng phạm tội giết người như thế này. Con nhớ, lúc đó lương tâm con cũng có cáo trách khi bác sỹ đưa tờ giấy cho con ký, con đã ngồi khóc rồi bác sỹ bảo thôi về lúc nào bình tĩnh lại thì ký. Buổi sau, con đã thản nhiên ký, lúc đó cháu Tâm lên 4 tuổi. Con nhớ lại chỉ vì lúc đó lòng con có những phiền muội, chưa sẵn sàng đón nhận sinh con mà con đã tự ý riêng làm ra tội lớn như vậy. Đối diện chỗ con làm là trung tâm y tế phường của nhà nước, mang cái tên dễ thương là Chăm Sóc Sức Khoẻ Sinh Sản và Trẻ Em, thực hiện hành động cố ý giết người. Xin Chúa tha thứ cho con và tha thứ cho họ.

Chúa ơi, con xin Chúa tha tội cho con. Con xin được nói lời xin lỗi con của con. Con cầu xin Chúa thương xót cho con trung tín với Chúa đến cuối cùng để ngày Chúa đến con được Chúa cứu. Con hy vọng một ngày không còn xa, ngày con được cất lên với Chúa, con được gặp Chúa và sau đó con được gặp con của con nữa. Nơi Thiên Đàng đời đời phước hạnh, nơi không còn đau khổ, nước mắt; không có bất công, không có sự chết. Chỉ tràn ngập tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa.

Chúa ơi, lúc đó, con không muốn nhìn thấy hai con của con là cháu Khánh Tâm và cháu Phúc Hưng bị bỏ lại. Con cũng không muốn nhìn thấy mẹ con, bà nội ngoại hai cháu, những người thân yêu của con bị bỏ lại hay bị hư mất đời đời trong hoả ngục. Con cầu xin Đức Chúa Trời thương xót cảm động làm mềm lòng các cháu, cho hai cháu sớm ăn năn quay về với Chúa. Con cầu xin Chúa thương xót ban cho mẹ con tin nhận Chúa trước khi quá muộn. Con cầu xin Chúa thương xót nhiều người thân của con mở lòng ăn năn tội, tiếp nhận Chúa.

Cuộc sống lúc chưa biết Chúa của con là vậy, có những điều tội con không biết, hoặc có biết con vẫn làm, không biết đâu là chuẩn, là đúng, cũng không biết sợ. Có nhiều những tội luật pháp loài người không kể là tội, không xử phạt, nhưng trước Chúa là tội, thậm chí lương tâm lên tiếng không làm, con vẫn làm, vì con không có năng lực của Chúa để không làm ra tội. Ngay cả khi con đã tin Chúa, khi con yếu đuối, lầm lỡ sa ngã, con chọn phạm tội chưa kịp ăn năn, khi đó con đã mất đi sự dẫn dắt của Chúa để làm ra các việc lành.

Hết cả những người không tin nhận Chúa như con trước đây, đều có đời sống trong tội, không tội này thì tội khác, cùng nhau làm ra tội, không thể nào tự mình thoát ra được. Họ không được Đức Chúa Trời tha thứ vì họ đã chọn không tin, không ăn năn tội, không tiếp nhận máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ để được Chúa tha và ban thánh linh, là năng lực của Chúa để chiến thắng tội. Họ chọn ở trong tội, không có cách gì thoát ra khỏi quyền lực và sức mạnh của tội lỗi.

Không tiếp nhận máu Thánh của Đức Chúa  Jesus để được dựng nên mới, con người bên trong không được đổi mới, mãi y nguyên bản tánh xấu xa, tội lỗi. Tội lỗi nơi bản ngã linh hồn, trong con người vốn đã nhiễm tội. Bản tánh quen làm dữ, không thể làm lành. Không có bất cứ một việc lành nào trước Chúa. Bản tánh thật con người cũ của con, hễ không có Chúa là như vậy. Nhìn vào con người quá khứ tội lỗi của con, con cảm biết Lời Chúa thật chân thật. Chúa là Đấng nhìn thấu, dò xét bề trong. Quả là như vậy. Lời Chúa nói không thể sai được.

“Lòng người là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa; ai có thể biết được? Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.” (Giê-rê-mi 17:9, 10).

“Hỡi Thiên Chúa công chính! Là Đấng dò xét lòng dạ loài người, xin hãy chấm dứt sự gian ác kẻ dữ, nhưng hãy làm cho vững vàng người công chính.” (Thi Thiên 7:9).

Thi Thiên 139:1-4

1 Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài đã dò xét tôi và Ngài biết!

2 Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi.

3 Ngài xét nét lối đi của tôi và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi hành trình của tôi.

4 Vì chưa có một lời trên lưỡi của tôi… Kìa! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài đã biết hết thảy!

Khi con mới biết Chúa, con thấy lạ, vì rõ ràng con nhìn thấy nhiều người không có Chúa mà họ vẫn có những đức tính, việc làm nhìn có vẻ tốt. Nhiều người hiền lành, nết na, chất phát, chịu thương chịu khó, làm nhiều việc thiện, có tấm lòng cứu giúp, xẻ chia đùm bọc, hiếu thuận … Sau này Chúa mới cho con hiểu, tất cả những việc đó chưa gọi là việc lành trước Chúa. Đó chỉ là những việc tốt theo tiêu chuẩn loài người. Có những việc thể hiện ra tốt, nhưng xuất phát từ động cơ bên trong lại không tốt theo tiêu chuẩn của Chúa. Hay cho dù động cơ không sai đi nữa, thì mọi việc họ làm không xuất phát từ tấm lòng vì vâng phục Chúa, kính Chúa yêu người. Không thờ phượng yêu kính Chúa, không làm theo ý Chúa thì không thể gọi là việc lành, cho dù việc đó có làm ra bao ích lợi cho cuộc đời này.

Với nữa, đang khi một người phạm tội, chưa ăn năn tiếp nhận sự tha tội của Chúa, án phạt vẫn còn đó, người đó vẫn đang là một tội nhân trước Chúa. Một tội nhân thì phải ăn năn để Chúa tha thứ, trở nên sạch tội, phục hoà với Đức Chúa Trời thì mới có đủ tư cách làm ra các việc lành trước Chúa.

Con có suy nghĩ đến nhiều việc hữu ích một người không tin Chúa có thể làm ra, giúp ích cho nhiều người, cho toàn nhân loại. Tại sao chúng vẫn không kể là những việc lành?

Gần hết những phương tiện con đang dùng mỗi ngày đây là con tận hưởng từ những sự làm ra, ích lợi và là sản phẩm ra từ đa số những con người không tin kính Chúa. Như quần áo con mặc, xe con đi, đồ bếp con nấu ăn, nhà con đang ở, các kiến thức định luật khoa học con áp dụng, các dịch vụ công cộng, y tế, sức khoẻ, giáo dục, cơ sở hạ tầng … con dùng trong thế gian này. Chúa cho phép con tận hưởng, sử dụng chúng, vì nó mang lại ích lợi cho đời sống con. Nhưng con hiểu, mục đích cuối cùng Chúa muốn đời sống con làm tôn vinh danh Chúa, đích đến cuối cùng đời sống con là Đức Chúa Trời.

Những thứ con tận hưởng, sử dụng nơi thế gian tựa mỗi nơi con ở tạm, lúc mệt, con dừng ngồi,  nằm ngả lưng nghỉ ngơi chốc lát, rồi con đứng dậy, đi tiếp. Mỗi chặng đường con đi, là mỗi trạm dừng chân. Thế gian là nơi ở tạm. Có những khi cuộc sống đầy đủ, có những lúc khó khăn. Chúa cho phép xảy đến như nào con xin đón nhận thế đó. Con cầu xin Chúa cho con biết thoả lòng trong mọi nghịch cảnh, điều mà con chưa làm được. Con rất yếu lòng, con hay buồn hay khóc, hay suy nghĩ lo lắng. Con còn cảm giác ngại khó ngại khổ, ngại cảnh khó nghèo, vật chất thiếu thốn, công việc lao nhọc, vất vả sớm tối để có cái ăn, nghĩ đến con thấy nản lòng. Con xin Chúa cất đi khỏi con những cảm xúc xác thịt không đẹp lòng Chúa. Con cảm tạ ơn Chúa!

Chúa ban mưa nắng cho cả người công bình và người gian ác, những việc lành là những việc làm vì tấm lòng yêu kính Chúa, biết ơn Chúa, vâng phục và đẹp ý Chúa. Ngược lại, những việc làm ác là làm không bởi tấm lòng yêu kính vâng phục Chúa. Chỉ những ai hết lòng tin yêu vâng phục Chúa, thờ phượng Chúa cách hết lòng mới có năng lực làm ra việc lành. Người không tin yêu kính sợ Chúa đương nhiên sẽ không bao giờ làm vì yêu Chúa, chỉ làm vì lợi ích riêng. Dẫu cho ích lợi đó có giúp ích được cho bao nhiêu người trong cuộc đời này và đời sau thì trước Chúa, họ cũng không được phần thưởng gì, vẫn kể là việc ác. Tất cả các việc đó chỉ được kể là các sự thuộc thế gian, sẽ nhanh chóng qua đi. Vì chỉ duy nhất những gì thuộc về Chúa mới còn lại đời đời.

I Giăng 2:15-17, Lời Chúa có chép:

15 Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy.

16 Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian.

17 Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại cho đến vĩnh cửu.

Con tạ ơn Chúa đã giúp cho con hiểu về những việc làm lành và làm dữ. Cho con hiểu những việc nào con nên làm và không nên làm. Giúp con biết chọn lựa cho mình các việc ý nghĩa. Trước đây con đi tìm ý nghĩa đời sống. Giờ đây đã rõ ràng: Ý nghĩa đời sống con chính là con chọn sống để làm các việc lành theo ý Chúa. Xin Chúa giúp con nhận biết được đúng ý Chúa và giúp con làm được đúng theo ý Chúa. Con xin Chúa tha thứ cho con những khi con yếu đuối, sa ngã đã làm những việc vô ích. Hết cả những việc không đúng theo ý Chúa, không làm vì yêu kính vâng phục Chúa đều là những việc vô ích, việc dữ.

Lời Chúa phán rất rõ ràng, chân lý tuyệt đối:

“Chúng nó đều sai lạc cả, hết thảy cùng nhau ra vô ích. Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không.” (Rô-ma 3:12).

“Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là những kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.” (Giê-rê-mi 13:23).

7 Vậy, các ngươi hãy sinh sản, hãy thêm nhiều. Hãy làm cho đầy dẫy đất và thêm nhiều.

Tạ ơn Chúa, loài người chúng con vẫn nhận hưởng được lời ban phước này của Chúa cho đến ngày nay.

Một số quốc gia ban luật Kế Hoạch Hoá Gia Đình, không cho phép sinh con thứ ba, sẽ bị phạt. Điều này nghịch lại mệnh lệnh của Chúa. Loài người không tin Chúa hoặc không tin vào sự quan phòng của Chúa, nên đã tự điều chỉnh dân số theo ý riêng với những lý do của mình.

Mọi mệnh lệnh của Chúa phán truyền đều tốt lành. Có những điều theo suy nghĩ tính toán của con người xác thịt chúng ta tưởng như không hợp lý, là không ổn, loài người mặc định tự đưa ra cần phải thế này thế khác theo ý riêng mình. Tưởng như vậy sẽ tốt, nhưng thực ra, ý Chúa mới là tốt lành. Chỉ cần loài người tin vâng phục làm theo, không lý luận. Cho dù có điều nào đó hiện chưa hiểu thì cứ vâng theo và chờ đợi Chúa bày tỏ sau.

Không riêng gì với một quốc gia, trong phạm vi gia đình, cơ quan, làng xóm hay trong Hội Thánh Chúa, với từng cá nhân, Luật Pháp Chúa vẫn không đổi. Chúa ban phước qua những sự áp dụng đúng. Con nhận thấy rõ ràng qua quan sát thực tế, quốc gia nào, dân tộc nào, hay bất cứ gia đình, cá nhân hay người đứng đầu tổ chức nào có sự đặt để Chúa lên làm chủ, làm chúa trong đời sống, công việc điều hành, quản lý, lãnh đạo hoặc kể cả với người đầy tớ với chủ, hễ bất cứ ai yêu kính Chúa, vâng phục làm theo Lời Chúa, chắc chắn sẽ được Chúa ban phước.

“Phước cho nước nào có Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm Thiên Chúa, dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài.” (Thi Thiên 33:12).

Bất kể một lẽ thật nào được con người áp dụng vào trong đời sống đều mang lại ích lợi. Ngược lại bất kể một lẽ thật nào mà con người làm nghịch lại đều mang lại tai hoạ. Không chỉ thuộc linh mà cả thuộc thể. Chẳng một lời phán nào của Chúa không ứng nhiệm và không đem lại ích lợi cho người nghe và cho người làm theo.

Ví như, con không nhìn đâu xa vời, mỗi khi con làm đúng Lời Chúa thì con nhận được lòng bình an phước hạnh, khi con phạm tội thì con bất an, mất phước. Trong Thánh Kinh có biết bao câu chuyện, tấm gương về những người, những việc, những vị lãnh đạo một đất nước, những người cha người mẹ, người con, người chủ, người đầy tớ … yêu kính Chúa, vâng phục Chúa thì phước hạnh là như thế nào, và ngược lại: Không yêu kính, không vâng phục thì bất hạnh tai hoạ ập đến ra làm sao.

Hay như nhìn vào lịch sử đất nước Mỹ, một đất nước mới lập quốc hơn hai trăm năm, từ 13 thuộc địa ban đầu là đa số những con người đi tìm tự do thật, biết và kính sợ Chúa. Một đất nước duy nhất tờ tiền có in dòng chữ tôn vinh Chúa. Chỉ trong mấy trăm năm, đã trở thành cường quốc lớn mạnh về mọi mặt, từ khoa học, chính trị, quân sự, giáo dục, y tế … mọi mặt. Đất nước mà tờ đô-la và ngôn ngữ Anh-Mỹ được dùng phổ biến toàn cầu, đặc biệt là có nhiều những người tin kính Chúa. Nhưng, cũng chính nơi đây, quốc gia này, nơi mà nhiều những con người từ những ơn phước Chúa ban, trở lại nghịch lại Chúa, tội lỗi phát sinh, Chúa sẽ cất đi những ơn phước tuỳ vào tấm lòng mình với Chúa. Sự an nguy hay thịnh vượng của từng dân tộc, quốc gia, gia đình, mỗi người, là tuỳ sự thương xót của Chúa, ở mỗi tấm lòng mình đón nhận, đối với Chúa.

Giô-suê 23:14, 15

14 Này, ngày nay ta sẽ đi đường cả thế gian phải đi; vậy, hãy hết lòng hết ý nhận biết rằng trong các lời lành mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết, hết thảy đều ứng nghiệm cho các ngươi; thật chẳng một lời nào sai hết.

15 Tuy nhiên, các lời lành mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi đã phán được ứng nghiệm cho các ngươi thế nào, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng sẽ làm ứng nghiệm những lời hăm dọa của Ngài trên các ngươi thế ấy, cho đến chừng Ngài diệt các ngươi khỏi xứ tốt đẹp này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi đã ban cho.

“thì Lời của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng Ta, thì sẽ chẳng trở về cùng Ta cách vô ích, nhưng nó sẽ làm trọn điều Ta muốn, sẽ hoàn thành công việc Ta đã sai khiến nó.” (Ê-sai 55:11).

Thiên Chúa Lập Giao Ước với Loài Người

8 Thiên Chúa phán với Nô-ê và các con trai của ông rằng:

9 Này, Ta đây, Ta lập giao ước của Ta với các ngươi và với dòng dõi của các ngươi, theo sau các ngươi,

10 với mọi sinh vật có hơi thở ở với các ngươi, nào chim, nào súc vật, và mọi sinh vật của đất với các ngươi, từ mọi loài ở trong tàu đi ra cho đến mọi sinh vật của đất.

11 Và Ta sẽ lập giao ước của Ta với các ngươi. Mọi xác thịt sẽ chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng sẽ chẳng có nước lụt để hủy diệt đất nữa.

Con tạ ơn Chúa, nhờ giao ước Chúa thiết lập này mà từ đó loài người chúng con cùng mọi loài xác thịt có hơi thở không bao giờ còn bị nước lụt huỷ diệt. Ngày nay, nhiều trận lụt vẫn xảy ra nhiều khắp địa cầu, nhưng sẽ không bao giờ lặp lại trận lụt  lịch sử khủng khiếp có một không hai như Cơn Lụt Lớn thời Nô-ê nữa. Chúa không cho phép nó xảy ra một lần nào nữa thì chắc chắn sẽ không bao giờ còn xảy ra nữa. Chúa phán như nào thì sẽ là y như vậy. Vì Lời Chúa là chân lý tuyệt đối.

Cầu Vồng – Dấu Hiệu của Sự Giao Ước

12 Thiên Chúa lại phán rằng: Đây là dấu hiệu về sự giao ước mà Ta lập giữa Ta và các ngươi, cùng mọi linh hồn sống ở với các ngươi, trải qua các đời mãi mãi.

Trước đây khi chưa biết Chúa, con ngước nhìn cầu vồng xuất hiện trên bầu trời sau cơn mưa, con cảm thấy đẹp và bình yên nhưng con không hiểu ý nghĩa là như thế nào. Con tạ ơn Chúa đã cho con hiểu về cầu vồng. Đó là dấu hiệu về sự giao ước Chúa lập với loài người cùng mọi linh hồn sống, qua Nô-ê. Lời hứa không đổi, trải qua các đời mãi mãi.

13 Ta đặt cầu vồng của Ta trong mây, và nó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa Ta với đất.

Qua hình ảnh cầu vồng, lòng con nhớ đến giao ước Chúa đã lập với Nô-ê. Con nhớ đến Cơn Lụt Lớn đã xảy ra trước đây, Chúa hình phạt loài người tội lỗi. Con nhớ đến sự nhân từ thương xót của Chúa. Con nhớ đến Chúa, Đức Chúa Trời của con, chính Ngài đã đặt cầu vồng trong mây, dấu hiệu của sự giao ước giữa Chúa với đất.

14 Bất cứ lúc nào Ta đem mây đến trên đất, thì cầu vồng sẽ được nhìn thấy trong mây;

Cầu vồng là dải quang phổ với sắc màu quan sát được trên bầu trời. Con cảm tạ Chúa vì sự làm ra của Chúa thật diệu kỳ. Bằng cách nào ánh sáng từ mặt trời phản chiếu vào hàng tỷ tỷ giọt nước nhỏ li ti trong những đám mây, khúc xạ lên nền trời tạo cung sắc màu đẹp đến vậy. Chúng được sắp xếp đường nét cách trật tự theo thứ tự từ ngoài vào trong, với 7 màu cơ bản: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

Từ ánh sáng trắng của mặt trời, dọi xuống qua mây, phản chiếu lại nền trời, tạo nên những sắc màu, từ địa cầu nhìn lên là một vòng hình cung lung linh 7 sắc. Cầu vồng có hình tròn khép kín. Do trái đất hình cầu, nên nhìn lên nền trời chỉ thấy nửa cung cầu vồng. Số 7 là con số mang nghĩa trọn vẹn về thuộc linh. Tuỳ môi trường chiết xuất khác nhau, qua mấy lần khúc xạ, mà có thể xuất hiện các bậc cầu vồng. Cầu vồng bậc một bao giờ cũng nhìn rõ nhất vì ánh sáng phản chiếu mạnh nhất. Điều này cho con liên tưởng đến 7 nốt nhạc, các cung bậc trong âm nhạc.

Từ 7 màu cơ bản kết hợp cho ra vô số màu khác nhau, độ sáng đậm mỗi màu khác nhau.

Trong 7 màu cơ bản thì màu tím có bước sóng ngắn nhất, khúc xạ bẻ cong ít nhất. Cường độ tia tím yếu hơn, không chói lọi như màu đỏ, cam. Con thấy màu tím được nhiều người nữ yêu thích. Con cũng thích màu tím, nhìn dễ thương. Màu nào cũng góp phần làm nên sắc màu trên muôn vật trong tự nhiên. Gần như màu nào cũng đẹp, trừ màu đen hay xám đen con không thích. Nhất là bóng đêm đen tối mịt khiến con dễ sợ. Những màu con thích hơn là màu tím, màu xanh dương, màu trắng, màu vàng … một số màu nhìn dịu, không quá chói. Những vật dụng, đồ vải, hoạ tiết hay nền màu, con thích ngắm và chọn các màu đó, dịu mắt, cảm giác dễ chịu. Con tạ ơn Chúa đã cho con có mắt để nhìn được ánh sáng, nhìn ngắm màu sắc, nét đẹp từng tạo vật Chúa tạo dựng.

Tới đây, con dâng lời tạ ơn Chúa đã dựng nên con có tâm thần, linh hồn và thể xác. Tâm thần để con tương giao với Chúa. Linh hồn trong thân thể biết cảm xúc, suy tư và quyết định. Thể xác với những giác quan như tai để nghe, miệng lưỡi để nói, nếm biết các vị, thưởng thức đồ ăn ngon. Mắt để nhìn ngắm. Nàn da cảm nhận nóng lạnh, sờ chạm nhận biết bề mặt thô ráp. Đôi chân để đi, đôi bàn tay để cầm nắm, làm việc … Con hiểu tất cả những giác quan, bộ phận cơ thể Chúa ban cho là để con tôn vinh Chúa, chiếu sáng tình yêu Chúa. Con là một thân vị loài người được Chúa dựng nên theo hình và tượng Chúa, đặc biệt hơn trên hết mọi loài và tạo vật khác.

Vì thế con nhận biết từng chi thể trong thân thể con cần được Chúa dùng cho mục đích tốt lành của Chúa. Mắt con để nhìn ngắm các tạo vật đẹp đẽ Chúa tạo dựng, nhìn mọi sự vật sự việc với góc nhìn hướng về Thiên Chúa, tìm kiếm Chúa, để mắt đến những điều thuộc về Chúa, không để mắt đến những sự hư không. Con mắt thuộc thể sáng nhìn phân biệt, cảm nhận cái đẹp thuộc thể thế nào thì con mắt thuộc linh cần nhìn nhận phân biệt thật giả đúng sai, nhìn nhận những gì đến từ thánh linh của Chúa và đến từ xác thịt, nhìn nhận ý Chúa và ý riêng để áp dụng đúng.

Chúa tạo dựng nên miệng lưỡi để nói lời khôn sáng, tôn vinh Chúa. Miệng để biết yên lặng lúc nào nên nói lúc nào nên yên lặng, giữ môi miệng. Chúa ban cho con có đôi tai để nghe, mau nghe chậm nói, nghe kỹ càng, nghe phân biệt đúng sai, cẩn thận làm theo. Những gì cần nghe và không nên nghe.

Chúa ban vị giác để con cảm nhận vị ngon ngọt của thức ăn cũng như biết đến các vị cay đắng mặn nhạt. Thuộc thể là hương vị thức ăn. Thuộc linh là hương vị đắng cay, mặn nồng hay ngọt ngào trong từng cảnh, tùng chặng đường cuộc đời. Vị ngọt ngào thuộc linh luôn đến từ Chúa, Lời Chúa (I Phi-e-rơ 2:3; Châm Ngôn 16:24; Thi Thiên 19:10).

Những bữa ăn ngon là Chúa ban cho con mới có được. Cũng như những giấc ngủ ngon, giấc mơ đẹp và mọi hoạt động sống như thở, cười nói, vui vẻ …hay như mọi việc làm thường ngày từ những việc nhỏ nhặt như tắm giặt, vệ sinh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa  … đến những công việc lớn hơn, từ việc thuộc thể đến thuộc linh… đều Chúa ban cho con mới có hay làm được. Vị giác con nếm thức ăn, nhận biết và tận hưởng đồ ăn ngon, vị  ngọt. Thức ăn nuôi sống thân xác con thế nào mỗi ngày, thì Lời Chúa cần để nuôi dưỡng tâm linh con như vậy.

“Lời Ngài ngọt họng tôi dường bao! {Thật ngọt} hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi Thiên 119:103).

Chúa cho con đôi bàn tay để làm những việc lành. Đôi chân để bước đến những nơi không ô uế. Mỗi bước chân con bước còn có ý nghĩa thuộc linh, là nếp sống vâng phục theo Lời Chúa.

Chúa ban cho con có một tấm lòng. Chúa muốn con dâng tấm lòng gian ác xấu xa của con người tội lỗi cũ của con lên Chúa để Chúa biến đổi, để con chết đi con người cũ, sống lại con người mới, là con người được dựng lên mới trong Đấng Christ Jesus, với tấm lòng yêu kính, tin cậy và vâng phục Chúa, luôn hướng về Chúa, làm theo ý Chúa, yêu Chúa, muốn được Chúa vui lòng.

***

Điều thú vị và tuyệt vời khi con suy ngẫm về ánh sáng và sắc màu. Sắc màu phản chiếu ánh sáng trên vật. Không có ánh sáng thì không có sắc màu. Cũng không thể nhìn được sắc màu khi không có ánh sáng. Trong tối không nhìn được sắc màu. Sắc màu không có từ bóng tối. Có ánh sáng chiếu lên muôn vật, muôn sắc nhưng một người mù hay con mắt bị hư sẽ không thể nhìn thấy gì.

Ánh sáng trắng bao gồm tập hợp vô số ánh sáng đơn sắc khác nhau, với những bước sóng khác nhau. (Ánh sáng đơn sắc là ánh sáng không bị tán sắc khi đi qua lăng kính. Mỗi ánh sáng đơn sắc có một màu gọi là màu đơn sắc. Mỗi màu đơn sắc trong mỗi môi trường có một bước sóng xác định).

Dải quang phổ mắt con người cảm nhận nhìn thấy được nằm trong giới hạn bước sóng ánh sáng từ 380-760 nm. Ngoài vùng đó mắt con không nhìn được gì. 7 sắc cầu vồng nằm trong phân khúc bước sóng này. (Màu đỏ có phân khúc bước sóng cao nhất, khúc xạ bị bẻ cong nhiều nhất, ở vòng ngoài cùng, thấp nhất là màu tím, ở vòng trong cùng). Mắt con không thể nhìn được từng đơn sắc của ánh sáng trắng, nhưng ánh sáng tán sắc thì con lại nhìn được. Từ ánh sáng trắng tán sắc cho con nhìn được hình ảnh cầu vồng 7 màu. Rồi từ 7 màu cơ bản của cầu vồng con nhìn thấy, kết hợp cho ra ánh sáng trắng.

Con không thể sờ chạm được ánh sáng hay cầu vồng. Vì chúng ở dạng tán sắc. Nhưng qua hình ảnh cầu vồng hiện ra trước mắt con, qua 7 màu mà con biết có ánh sáng. Ánh sáng là có thật. Con nhận biết được ánh sáng qua muôn sắc màu trong tự nhiên vô cùng tươi đẹp, phản chiếu qua muôn vật.

Con nhớ đến Chúa là sự sáng (Giăng 1:9; I Giăng 2:8). Thiên Chúa là Đấng hiện con không sờ chạm, không nhìn tận mắt, mặt đối mặt Chúa. Nhưng là Đấng có thật. Con cảm nhận rõ ràng nhất hình ảnh của Ngài phản chiếu qua đời sống anh chị em trong Hội Thánh Chúa, qua từng việc làm, hành động, thái độ, lời nói, tấm lòng yêu thương dành cho nhau và với Chúa qua nếp sống. Con cảm nhận Chúa qua tâm thần con nhận biết tương giao với Ngài. Con chưa có được mối tương giao và kinh nghiệm về Chúa nhiều như nhiều anh chị em Hội Thánh làm chứng, nhưng trong tâm thần con, con nhận biết có Chúa ở bên con.

Chúa ơi, con ao ước được tương giao mật thiết sống động với Chúa, để con nhận biết rõ ràng được ý Chúa và xin Chúa ban sức cho con làm theo, vì thật trong con rất yếu đuối, từ những chuyện tình cảm, đến những khó khăn trong đời sống, con không có đủ sức và năng lực vượt qua.

Con cũng cảm nhận Ngài qua sự con quan sát, suy ngẫm đến muôn vật, sự diệu kỳ trong từng tạo vật. Từ hạt vật chất vi mô vô cùng nhỏ bé như nguyên tử cho đến vật chất vĩ mô như các hành tinh, dải thiên hà, địa cầu … trong vũ trụ bao la. Từ đơn vị vật chất sống nhỏ bé như tế bào, đơn vị dưới tế bào; từng bào quan trong mỗi tế bào cho đến từng cá thể, cơ thể sống, mỗi cơ quan, mô sống. Từ cấu tạo và cơ chế sinh lý tuyệt vời trong từng chiếc lá, bông hoa, bộ rễ …cho đến những quần thể, quần xã sinh vật, những quả, những hạt …

Từ cấu tạo cho đến các nguyên tắc, cơ chế vận hành bên trong tạo vật lớn nhỏ, đều vô cùng trật tự, logic cách diệu kỳ, con không sao hiểu hết và cũng không thể có ngôn từ nào tả hết sự hợp lý, màu nhiệm, lạ lùng tuyệt vời trong từng chi tiết. Con công nhận phải có một Đấng Tạo Hoá Toàn Năng Khôn Sáng, là Thiên Chúa, chính Ngài đã thiết lập toàn bộ muôn loài vạn vật.

Chúa đặt để Luật Pháp Chúa trong lương tâm con, để con nhận biết Ngài. Chúa đặt để Lời của Ngài để con nhận biết. Lời Ngài là ý Chúa. Mười Điều Răn và Luật Pháp để con làm theo. Lời Ngài là Lẽ Thật tuyệt đối. Lẽ Thật trong Lời của Ngài đã bắt phục con, rất chân thật, chi tiết, đầy đủ, nhiệm màu.

Bảy sắc cầu vồng được Isaac Newton phân tích cách đây hơn ba trăm năm, khi ông nghiên cứu về thấu kính. Thực ra, cầu vồng là do Thiên Chúa tạo dựng với đầy đủ sự khôn sáng không cần con người nào phải đi khám phá, phân tích, công bố. Khoa học chỉ làm việc minh chứng lại những gì Chúa đã bày tỏ. Những gì khoa học nhìn ra chỉ là một phần rất nhỏ nằm trong sự màu nhiệm, khôn sáng siêu việt của Đấng Toàn Năng, gửi gẵm trong mỗi tạo vật.

Cấu tạo của một vỏ trứng, của một tổ ong, một vỏ ốc … gợi cho kiến trúc sư cách thiết kế các công trình hay vật liệu xây dựng tối ưu. Máy bay thiết kế hướng về cấu trúc, cách bay của loài chim. Hay như tàu ngầm thiết kế theo hình cá heo …v,v.

Isaac Newton là khoa học người Anh với hàng ngàn phát minh nổi tiếng ích lợi cho nhân loại về vật lý, toán học, thiên văn học. Ông cũng nghiên cứu lĩnh vực thần học. Ông tin vào sự thực hữu của Thiên Chúa và Thánh Kinh, với câu nói của ông, đại khái là: Mục đích đời sống tôi không phải đi tìm kiếm các định luật, mà là tìm kiếm Thiên Chúa, chính Chúa đã soi sáng giúp tôi phát minh ra các định luật. Tôi tin rằng càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Thiên Chúa. Đúng vậy, Đức Chúa Trời đặt để các quy luật, quy tắc, nguyên lý trong các sự vật. Khoa học chân chính luôn hướng về Đức Chúa Trời và tôn vinh Đức Chúa Trời.

Gióp 28:24-26

24 Vì Ngài nhìn thấu tận các đầu thế gian, và thấy rõ khắp thiên hạ.

25 Khi Ngài định sức nặng cho gió, độ lượng cho các nước,

26 Định luật lệ cho mưa, và lập đường lối cho chớp và sấm.

Con tạ ơn Chúa đã cho con nhận biết dấu hiệu cầu vồng qua Lời của Ngài, qua đó con nhớ và biết ơn đến Chúa, cảm nhận Chúa gần gũi, yêu thương, sống động hơn.

15 và Ta sẽ nhớ sự giao ước của Ta là giao ước giữa Ta với các ngươi cùng mọi linh hồn sống của mọi xác thịt, thì nước sẽ chẳng bao giờ trở nên lụt mà hủy diệt mọi xác thịt nữa.

Lời hứa của Chúa qua giao ước là chắc chắn. Chẳng phải loài người thời sau Nô-ê tốt đẹp gì hơn mà Thiên Chúa không cho phép nước lụt huỷ diệt mọi xác thịt nữa, mà chính là bởi Ngài là thành tín, không đổi và giữ sự giao ước đời đời cho những ai yêu và giữ các điều răn của Chúa (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:9). Ngài đã lập giao ước cùng Nô-ê thì lời hứa này sẽ được Chúa nhớ đến và làm thành.

16 Vậy, cầu vồng sẽ ở trong mây, Ta sẽ nhìn xem nó để nhớ lại sự giao ước đời đời giữa Thiên Chúa với mọi linh hồn sống của mọi xác thịt ở trên đất.

“Nó” ở đây con hiểu là cầu vồng. Không phải Thiên Chúa sợ Ngài quên không nhớ, mà Ngài phải đặt cầu vồng ở trong mây để cho dễ nhớ. Theo con thì Ngài đặt để cho loài người nhớ đến Chúa, giúp loài người nhớ đến bổn phận cần làm đúng ý Chúa . Không chỉ mỗi khi nhìn lên cầu vồng xuất hiện, mà Ngài còn ghi chép mọi Lời này thành chữ viết trong Thánh Kinh, ghi khắc nơi lòng loài người, như dấu hiệu nhắc nhớ.

Hình ảnh “cầu vồng sẽ ở trong mây” không chỉ là hình ảnh của sự vật, dấu hiệu gợi cho con nhớ về Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương con. Mây do không khí mang hơi nước gặp lạnh kết thành những hạt nước nhỏ li ti lơ lửng dạng mây. Chúng có khối lượng riêng nặng hơn không khí nhưng không rơi xuống đất là do chúng được giữ bởi khối không khí ấm bao quanh.

Từ địa cầu con nhìn thấy được mây là do chúng nhận được ánh sáng từ mặt trời. Cùng một nguồn sáng mặt trời là ánh sáng trắng, qua những môi trường chiết xuất khác nhau, tuỳ độ dầy mỏng lớp hơi nước, có những màu sắc mây khác nhau. Vùng mây dầy, ánh sáng khó xuyên qua, mây có màu xám hoặc đen. Trong những môi trường khác nhau, có mây màu hồng, xanh, đỏ, vàng, cam, tím …

Mỗi môi trường khác nhau cho những tia sáng khác nhau đi qua, mỗi tia sáng có bước sóng khác nhau, có màu sắc khác nhau, khúc xạ với những góc khác nhau. Tuỳ góc chiếu sáng trên bầu khí quyển vào những thời điểm khác nhau trong ngày hay địa điểm khác nhau, kết hợp từ trường của trái đất, mà từ địa cầu hay nơi nào đó cách xa địa cầu quan sát, có những dạng sắc màu khác nhau, có khi tuyệt đẹp như quầng hào quang, cực quang … Và còn nhiều, thật nhiều nữa, vô số hiện tượng thiên nhiên thú vị, Thiên Chúa đã làm ra.

Con tạ ơn Chúa về mọi sự Chúa làm ra thật diệu kỳ. Ngắm nhìn. Chiêm ngưỡng. Cảm nhận. Đúng là loài người chúng con không có đủ ngôn từ để diễn tả hết sự màu nhiệm, tình yêu của Chúa. Con chỉ biết tôn vinh chúc tụng quyền năng của Ngài không thôi.

Thi Thiên 19:1-3

1 Các tầng trời thuật lại sự vinh quang của Thiên Chúa. Bầu trời rao truyền công việc của tay Ngài.

2 Ngày lại ngày lời lẽ tuôn tràn. Đêm qua đêm tri thức {được} bày tỏ.

3 Chẳng tiếng nói, chẳng ngôn ngữ {nào mà} âm thanh của chúng không được nghe biết đến. [Mọi dân tộc đều nghe và hiểu được sự bày tỏ của các tầng trời về công trình sáng tạo và sự vinh quang của Thiên Chúa trong chính ngôn ngữ của họ. Rô-ma 1:19-20.]

Ánh sáng mặt trời tán sắc qua mây tạo nên cầu vồng. Điều này cho con liên tưởng đến Chúa ở trong con và con ở trong Chúa. Sự gắn kết loài người và Thiên Chúa không còn ở giao ước, lời hứa. Mà đã ở trong nhau, nên một. Con dân Chúa hiệp một với nhau và với Chúa. Con dân chân thật của Chúa luôn phản chiếu hình ảnh của Đức Chúa Trời qua đời sống. Những lúc đời sống con làm gương xấu danh Chúa là lúc con chưa có Chúa.

Cầu vồng, dấu hiệu cho lời hứa giao ước giữa Chúa với loài người, con hiểu hai phương diện, thuộc thể và thuộc linh. Hơi sống của con trên đất và sự sống đời đời của con trong Chúa. Chúa là sự sống, sự sống luôn được Ngài bảo tồn. Hơi sống của con trong sự bảo vệ của Chúa. Chúa luôn giữ lời hứa, thành tín trong giao ước. Ngài là Đấng Hằng Sống, Đấng ban sự sống. Ngài luôn yêu con. Ngài ban sự sống đời đời cho con. Chỉ có điều con có trung tín đáp lại tình yêu và sự ban cho của Ngài không thôi.

17 Thiên Chúa phán với Nô-ê: Đó là dấu hiệu của giao ước mà Ta đã lập giữa Ta với mọi xác thịt ở trên đất.

Sự sống Chúa ban là dư dật trên muôn loài. Ngài bảo tồn sự sống và ban sự sống cho muôn loài. Không những loài người được hưởng phước qua giao ước, mọi xác thịt trên đất đều nhận được lời hứa của giao ước.

Các Con Trai của Nô-ê

18 Các con trai của Nô-ê ở trong tàu ra là: Sem, Cham và Gia-phết. Cham là cha của Ca-na-an.

Ca-na-an là con trai thứ tư của Cham (Sáng Thế Ký 10:6).

19 Ấy là ba con trai của Nô-ê, và từ nơi họ mà loài người phân tán trên cả đất.

Dòng dõi các con trai của Nô-ê được liệt kê trong Sáng Thế Ký chương 10.

Nô-ê Say Rượu – Ca-na-an Bị Rủa Sả

20 Nô-ê bắt đầu làm người khai khẩn đất và trồng vườn nho.

Con tạ ơn Chúa đã gìn giữ gia đình Nô-ê cùng các loài vật. Vậy là cơn lụt đã qua, hơn một năm với bao thay đổi, biến động. Mọi cảnh vật tiêu điều, xơ xác. Thật khó hình dung tưởng tượng nó như thế nào sau Cơn Lụt. Không còn gì ngoài người và vật còn sống trên đất. Không còn một phương tiện sống tiện ích nào khác ngoài hơi sống Chúa ban, không khí để thở, ánh sáng để nhìn. Thức ăn từ những cây lá mới mọc. Nước uống từ các nguồn hang động trữ nước còn sạch.

Có lẽ cũng vì đó mà Chúa cho phép loài người ăn thịt các loài động vật, để thêm nguồn thức ăn. Lúc ban đầu đó có mỗi 8 con người gia đình nhà Nô-ê cùng các loài vật với số lượng mỗi loài từng cặp đực cái, trống mái để duy trì nòi giống. Không nhà không cửa, không vật dụng. Không đồ nghề sinh sống. Vậy mà Đức Chúa Trời vẫn có cách chăm sóc bảo vệ họ qua những ngày vô cùng khó khăn đó. Chắc hẳn, Nô-ê phải rất gần gũi Chúa, luôn cầu hỏi ý Chúa, ông mới có được khôn sáng và bình an để giải quyết mọi việc. Nếu không có Đức Chúa Trời giúp đỡ thì gia đình ông khó mà vượt qua. Đó cũng là chương trình của Chúa. Không gì là khó đối với Đức Chúa Trời. Như sau này, Chúa vẫn làm ra các phép lạ cho dân sự Ngài đi trong đồng vắng suốt bốn mươi năm (Xuất Ê Díp Tô Ký đoạn 13-19).

Có thể những ngày đầu, gia đình Nô-ê tận dụng luôn chiếc tàu để làm chỗ trú mưa nắng. Sáng Thế Ký 6:21, Chúa phán Nô-ê chuẩn bị đồ ăn, Chúa không nói rõ chuẩn bị cụ thể trong thời gian bao lâu, cũng không báo trước khoảng thời gian Cơn Lụt. Nhưng có lẽ Nô-ê chuẩn bị tối đa có thể, cũng có thể còn trên tàu. Lượng thức ăn cho 8 người cùng rất nhiều vật trên tàu trong suốt hơn 1 năm là khá nhiều. Giả sử một số các con vật sinh sản thêm ra trên tàu, cũng không làm đồ ăn được, vì thời đó, Chúa chưa cho phép loài người và vật được phép ăn thịt.

Sau cơn lụt, Nô-ê lại tiếp tục công việc với nghề nông. “Khai khẩn đất” nghĩa là cải tạo, mở mang, khai hoang, làm mới lại đất giúp cho việc trồng trọt. Kể từ khi Ê-va và A-đam phạm tội, hình phạt dành cho loài người là lao nhọc trên đất, khó nhọc trồng trọt mới có cái để ăn (Sáng Thế Ký 3:18, 19, 23). Trồng trọt trước đã khó, giờ lại thêm khó hơn sau Cơn Lụt Lớn.

Tạ ơn Chúa, khó khăn là vậy, Chúa vẫn ban ơn cho Nô-ê trồng được vườn nho. Con chưa hiểu ông lấy giống từ đâu. Có thể từ các hạt, thức ăn ông còn để lại trên tàu. Con không thấy Chúa phán ông dự trữ hạt giống. Có thể hạt giống ông dự trữ làm thức ăn cho người và vật. Cũng có thể từ phân của một số loài mang theo hạt chưa tiêu hoá. Con chưa tìm hiểu cụ thể, không biết có loại hạt giống nào chịu được ngập úng cả năm. Con tin là mọi sự Nô-ê làm được là có sự đồng hành của Đức Chúa Trời. Khi cần, Đức Chúa Trời có thể làm ra các phép lạ để giúp Nô-ê.

Ông chọn trồng vườn nho. Cũng như cây ô-li-ve, cây nho tượng trưng cho sự sống bền vững trong Chúa. Cây nho với những lá, những nhánh, gốc, quả. Gốc nho nói về Đức Chúa Jesus; mỗi con dân Chúa là những nhánh, nhánh nào không sinh trái thì bị bỏ, tỉa sửa để sinh trái nhiều hơn, hay nhánh không dính liền vào thân sẽ không thể sinh trái  (Giăng 15:1-2). Thân nho tượng trưng cho Hội Thánh của Chúa. Những trái nho tượng trưng cho những bông trái thánh linh ngọt ngào.

Trái nho nhiều chất bổ dưỡng làm thức ăn, chế rượu.
Nước ép nho không men dùng làm nước nho trong tiệc thánh ngày nay. Nước ép từ nho đỏ, có màu đỏ tượng trưng huyết của Chúa Jesus đã đổ ra vì tội lỗi của chúng con.

Đức Chúa Trời là người trồng vườn nho (Giăng 15:1). Xưa kia Nô-ê là người trồng vườn nho thuộc thể. Nô-ê được ơn trước mặt Chúa, được Đức Chúa Trời kể là người công chính. Là tấm gương về đời sống tin kính Chúa để lại cho nhiều đời sau.

21 Ông uống rượu và bị say rượu, trần truồng ở trong lều của mình.

Quãng thời gian Cơn Lụt Lớn đã qua khá lâu, đủ thời gian cho gia đình Nô-ê dựng được lều, cất được rượu để uống. Để có được vườn nho cho trái cất thành rượu, cộng thời gian khai khẩn đất, ít nhất cũng nhiều tháng cả năm hoặc hơn. Có thể là thứ rượu nho ông trồng được. Ông đã uống say. Ông say nhiều đến nỗi không còn ý thức, không cả mặc quần áo mà không hay biết gì. Lúc này ông đã trên 601 tuổi. Con chưa hiểu vì sao mà ông lại uống say đến như vậy, do cố ý hay nhỡ.

22 Cham là cha Ca-na-an, thấy sự trần truồng của cha, thì ra ngoài, thuật lại cùng hai anh em của mình.

Cham là con thứ hai, sau Gia-phết. Cham là người đầu tiên nhìn thấy cha mình như vậy, lẽ ra ông cần lấy áo đắp mặc cho Cha thì ông lại ra ngoài thuật lại cùng anh và em mình. Việc làm này không đẹp ý Chúa. Có thể Chúa biết tâm tính của Cham, hành động thuật lại cùng hai em mình không có ý gây dựng, mà có ý thiếu tôn trọng và tình yêu thương, cũng như không có sự hiếu kính cha.

23 Sem và Gia-phết lấy áo choàng vắt trên vai mình, đi thụt lùi đến, đắp che sự trần truồng của cha; và bởi họ xoay mặt lại, nên chẳng thấy sự trần truồng của cha.

Từ khi A-đam và Ê-va phạm tội, loài người biết hổ thẹn khi để truồng, cảm biết sự loã lồ trên cơ thể khi không được che đi phần kín hoặc khuyết điểm. Để truồng khêu gợi sự cám dỗ phạm tội tà dâm. Sem và Gia-phết thấy cha vậy, thì liền dùng áo choàng sẵn mang trên vai mình đến đắp che cho cha. Hai anh em chỉ lại gần đắp cho cha mà tránh không nhìn. Chi tiết này cho con thấy được tình yêu thương kính trọng cha của Sem và Gia-phết. Hành động họ làm bởi tình yêu, cảm thông, tha thứ, thương xót, theo tinh thần của I Cô-rinh-tô 4:8 là tình yêu thương che đậy vô số tội lỗi.

24 Khi Nô-ê tỉnh rượu rồi, biết được điều người con thứ đã làm cho mình,

Người con thứ ở đây là Cham. Lúc Nô-ê say rượu, ông không còn nhận biết gì. Khi ông tỉnh lại, ông được nghe thuật lại chuyện vừa xảy ra với mình nên ông biết việc Cham đã làm với mình như vậy. Điều này không đẹp lòng Chúa. Chính vì thế mà đời con của Cham là Ca-na-an bị rủa sả (ở câu tiếp theo). Con không rõ ai đã thuật lại chuyện đó cho Nô-ê, không biết có phải Sem và Gia-phết hay không.

Qua việc làm của ba người trai Nô-ê khi nhìn thấy cha mình say rượu, con rút ra bài học:

  • Hết lòng yêu thương, thông cảm, tha thứ cho người phạm tội, phạm lỗi.
  • Không nên lan truyền, bêu xấu tội lỗi với người khác.
  • Sẵn lòng làm tất cả những gì mình có để cứu giúp người cần cứu giúp. Ở đây, Cham là người đầu tiên nhìn thấy cha mình như vậy, lẽ ra ông nên lại đắp, che đi sự trần truồng cho cha. Ông có thể cởi áo mình đắp tạm cho cha. Đợi cha tỉnh rượu thì nhẹ nhàng góp ý cho cha.
  • Lòng yêu thương hiếu kính cha mẹ cần được thể hiện ở tấm lòng và việc làm.

25 ông nói rằng: Ca-na-an đáng bị rủa sả! Nó sẽ làm tôi tớ trong các tôi tớ của các anh em nó.

Ở đây con thấy con thứ là Cham hành xử với cha như vậy thì người cha lại rủa sả Ca-na-an là con trai của Cham. Chi tiết này cho con thấy:

  • Sự hình phạt của Chúa là quyền của Chúa. Chúa là Đấng công bình và biết trước. Loài người không có quyền đòi hỏi Chúa làm theo ý mình.
  • Chúa dạy con cần hết sức cẩn trọng trong từng quyết định, nhận biết ý Chúa. Vì mỗi chọn lựa không đẹp lòng Chúa đều mang lại hậu quả đến đời đời. Phước hay hoạ đều còn đến đời đời.

26 Ông lại nói: Đáng tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Thiên Chúa của Sem! Ca-na-an sẽ làm tôi tớ cho nó!

Chúa ban phước cho Sem. Sem là tổ phụ của Đa-vít.

27 Thiên Chúa sẽ mở rộng Gia-phết; nó sẽ ở trong những trại của Sem, và Ca-na-an sẽ làm tôi tớ của nó. [Từ ngữ “mở rộng” có nghĩa làm cho thêm nhiều trong mọi sự.]

Con hiểu thời đó chưa có nhà xây bằng gạch, xi măng, đổ trần hay lợp ngói như bây giờ; cũng không có nhà gỗ, nhà tôn như những căn nhà hiện con đang ở hay nhìn thấy. Nô-ê và các con ông có lều, trại để ở đã tốt lắm rồi. Trại được dựng bởi tre, lứa, thân cây gỗ. Mái che lều, trại bằng lá, vải bạt nilon hay vật liệu gì đó chống thấm dột hoặc có thể vẫn mưa hắt, dột. Con hình dung cảnh lều trại thời đó chỉ là nơi ở tạm che mưa che nắng. Con tin là Nô-ê vẫn thoả lòng và tạ ơn Chúa trong cảnh đó.

Con nhớ đến Đức Chúa Jesus còn trong cảnh không có chỗ gối đầu (Ma-thi-ơ 8:20; Lu-ca 9:58). Hay các sứ đồ của Chúa trong cảnh khó khăn chịu bắt bớ, tù đầy, chịu chết vì danh Chúa. Như Phao Lô đã từng chịu khổ vì danh Chúa (I Cô-rinh-tô 11:23-28). Vậy mà ngày nay, khi con đang được tự do, không chịu bắt bớ hay bắt hại đức tin. Con mới ở một thời gian ngắn trong căn nhà gỗ nhỏ không được sáng sủa tiện nghi cho lắm, thi thoảng mưa hắt dột  ít, nhìn cảnh trồng trọt chăn nuôi vất vả, con chưa chính thức làm, thi thoảng con mới tập làm được một lát, con đã thấy ngại khó ngại khổ. Con xin Chúa thêm sức cho con, cho con biết thoả lòng trong mọi cảnh ngộ, chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những khó khăn Chúa cho phép xảy đến. Xin Chúa ban cho con năng lực để con làm được những việc lành Chúa muốn con làm.

28 Sau cơn lụt, Nô-ê còn sống ba trăm năm mươi năm.

Năm 500 tuổi, Nô-ê mới được Thánh Kinh nhắc đến, 100 năm liền trước Cơn Lụt thì ông làm theo Lời Chúa. Trước đó ông cũng sống yêu kính Chúa nên ông được kể là người công chính trước Chúa (Sáng Thế Ký 6:9). 350 năm sau Cơn Lụt, có những lúc yếu đuối, nhưng ông vẫn giữ được tấm lòng trung tín với Chúa.

29 Vậy, trọn những ngày của Nô-ê là chín trăm năm mươi năm, rồi ông qua đời.

Con cảm tạ Chúa đã chọn và gìn giữ đức tin Nô-ê trong suốt cuộc đời mấy trăm năm trên đất của ông. Chúa cho ông sống kém 50 năm nữa là đầy một ngàn năm.

Đời người trung bình ngày nay chỉ 70, cùng lắm là 80 (Thi Thiên 90:10a). Đã giảm đi nhiều so với trước, vì cớ tội lỗi và hậu quả tội của loài người. Chính vì thế mà Chúa cho phép rút ngắn tuổi đời loài người trên đất. Đây cũng thể hiện tình yêu của Chúa. Với mấy chục năm trên đất, loài người đã gây ra bao tội lỗi. Nhiều người cuộc đời đã trải qua bao đau khổ đến nỗi không thể chịu đựng nổi, vậy nếu ngày nay Chúa vẫn để loài người sống thọ đến mấy trăm cả ngàn năm như thời Nô-ê thì nhiều người chịu sao nổi, biết bao đau thương đến mức nào.

Ngày nay, có những loài cây hay con vật sống cả mấy ngàn năm tuổi. Trong khi loài người chỉ chưa đầy trăm năm, ốm đau bệnh tật hay tai nạn thì có khi còn rất ngắn, hơi thở qua đi bất kỳ lúc nào. Mục đích ban đầu Chúa tạo dựng nên loài người là Chúa ban sự sống đời đời. Chúa đặt để sự đời đời trong lòng loài ngoài. Tạ ơn Chúa, khi loài người chọn phạm tội, thì chương trình ban sự sống đời đời của Ngài vẫn còn. Chúa thương xót và ban cơ hội nhận sự sống đời đời cho những ai hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, thật lòng ăn năn tội và hết lòng sống đúng theo Lời Chúa. Con thật vui mừng và tạ ơn Chúa về tình yêu của Chúa dành cho con. Chương trình của Chúa thật màu nhiệm.

Con cảm tạ Chúa đã cho con đọc suy ngẫm xong Sáng Thế Ký đoạn 9, cho con hiểu về Cơn Nước Lụt, về cuộc đời Nô-ê, về chương trình của Chúa dành cho loài người. Qua đó con hiểu hơn về tình yêu của Chúa đối với loài người, với con.

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Lan (01/07/2022)

Để lại một bình luận