Sáng Thế Ký 15

139 views

Sáng Thế Ký Chương 15

Con tạ ơn Chúa cho con đọc, suy ngẫm tiếp Sáng Thế Ký đoạn 15. Con xin Chúa ở cùng dạy dỗ con trong khi con suy ngẫm và ghi chép. Xin Lời Chúa biến đổi nếp sống con mỗi ngày, giúp con sống theo Lời Chúa, để sự suy ngẫm của con không trở nên vô ích, mà ích lợi cho con, giúp con thêm vững tin, thêm sức và năng lực cho con mỗi ngày. Con cảm tạ ơn  Chúa!

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Tái Lập Giao Ước với Áp-ram

1 Sau các việc đó, trong khải tượng có lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Áp-ram rằng: Hỡi Áp-ram! Ngươi chớ sợ gì; Ta đây là một cái khiên đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.

“Sau các việc đó” theo con hiểu là sau những việc ông làm đúng ý Chúa bằng cả tấm lòng kính yêu, tin cậy và vâng phục Chúa. Chúa nhìn biết tấm lòng ông, Chúa đã ở cùng ông, ban cho ông có khải tượng đến từ Chúa.

“Khải tượng là sự nhìn thấy một cảnh trạng đang khi vẫn còn thức, vẫn ý thức được những điều khác đang xảy ra chung quanh mình trong thế giới vật chất, và biết rõ mình đang thức. Những sự nghe, thấy, sờ chạm, cảm xúc trong khải tượng cũng tương tự như trong giấc mơ. Thời gian vật lý là vô nghĩa trong khải tượng. Bởi vì, có thể chỉ trong vài giây đồng hồ, một người có thể nhìn thấy khải tượng những sự việc xảy ra trong một khoảng thời gian dài. Đây cũng là một điều huyền nhiệm.” (Con trích trong bài giảng “Giấc Mơ và Khải Tượng” của người chăn).

Có những khải tượng đến từ Chúa. Cũng có những khải tượng không đến từ Chúa (Giê-rê-mi 23:16; Ê-xê-chiên 21:29).

Thánh Kinh ghi lại nhiều khải tượng đến từ Chúa, qua tôi tớ Chúa, là những người tin kính Chúa, như : Chấp sự Ê-tiên thấy khải tượng các tầng trời mở ra và Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55, 56); Sau-lơ (Sau trở thành Sứ Đồ Phao-lô), thấy khải tượng ánh sáng từ trời chiếu xuống trên ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:3, 4); A-na-nia tại thành Đa-mách, nghe Chúa phán trong khải tượng, bảo ông phải đến gặp Sau-lơ, đặt tay trên người Sau-lơ để Sau-lơ được sáng mắt lại; đồng thời, Sau-lơ cũng thấy khải tượng được A-na-nia đặt tay trên mình và ông được sáng mắt lại (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:10-12). Phần này con ghi dựa trên nội dung trong bài giảng “Giấc Mơ và Khải Tượng” của người chăn:

https://timhieuthanhkinh.com/giac-mo-va-khai-tuong/

Cái khiên hay còn gọi là lá chắn theo nghĩa đen, là một loại vũ khí, giáp phòng vệ hữu hiệu trong chiến đấu để bảo vệ người lính ra trận. Chúa sẽ che chở, bảo vệ, chăm sóc Áp-ram  như một lá chắn vững chắc mà ông không phải lo sợ gì, lời hứa này của Chúa là chắn chắn, vì Chúa là Đấng Thành Tín. Chúa hứa sẽ ban phước lớn cho Áp-ram.

Chúa phán rõ trực tiếp với ông, Chúa gọi rõ tên ông. Đây là sự tương giao mật thiết, riêng tư giữa Chúa với Áp-ram, được Chúa ghi chép lại cho con đọc hôm nay. Con tin là, trước đó, Áp-ram có trò chuyện với Chúa về nỗi lòng mình, ông dâng trình lên Chúa. Chúa đã an ủi lòng ông. “Ngươi chớ sợ gì; Ta đây là một cái khiên đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” Chẳng có gì vui, bình an, vững tin hơn khi có một Thiên Chúa Toàn Năng Yêu Thương phán hứa chắc chắn với mình những lời như vậy. Thật ấm áp. Thật an lòng!

2 Áp-ram thưa rằng: Lạy Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, Chúa sẽ cho tôi điều gì? Tôi sẽ chết không con, kẻ nối nghiệp nhà tôi là Ê-li-ê-se, người Đa-mách.

Áp-ram chưa biết Chúa sẽ ban phước cho mình điều gì. Ông có nỗi lòng mình thưa với Chúa.

3 Áp-ram lại nói rằng: Này, Chúa làm cho tôi tuyệt tự; một kẻ tôi tớ sinh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi.

Tuyệt tự nghĩa là không có người nối dõi và kế nghiệp. Điều lòng ông không mong muốn, nhưng ông không oán trách Chúa. Ông tin mọi sự như nào đều nằm trong ý Chúa, Chúa cho phép nó mới xảy ra.

4 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Áp-ram rằng: Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra, sẽ là người kế nghiệp ngươi.

Điều này là niềm vui và bất ngờ cho ông. Chúa ban cho Áp-ram điều lòng ông ao ước. Chúa là toàn năng, Ngài có thể làm ra những điều mà loài người không thể, không có điều gì là khó đối với Đức Chúa Trời nếu như đó là điều Ngài muốn làm.

“Đức Chúa Jesus ngó môn đồ mà rằng: Sự đó loài người không thể làm được, nhưng Đức Chúa Trời thì chẳng thế; vì Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả.” (Mác 10:27).

“Ôi! Hỡi Chúa Tự Hữu Hằng Hữu! Chính Ngài đã dùng quyền phép lớn và cánh tay giơ ra mà làm nên trời và đất; chẳng có sự gì là khó quá cho Ngài cả.” (Giê-rê-mi 32:17).

5 Rồi, Ngài dẫn ông ra ngoài và phán: Ngươi hãy nhìn lên trời, và hãy đếm các ngôi sao nếu ngươi có thể đếm được chúng. Ngài lại phán: Dòng dõi của ngươi cũng sẽ như vậy.

Điều này vượt hơn sự mong đợi của Áp-ram.

6 Ông tin Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì Ngài kể sự đó là công chính cho ông.

Tin ở đây là Áp-ram tin và trung tín làm theo mọi lời phán dạy của Chúa, bằng cả tấm lòng yêu kính, tin cậy và vâng phục Chúa.

Chúa ơi, con xin Chúa giúp con học theo tấm gương của Áp-ram. Ước gì con cũng có được tấm lòng yêu kính Chúa và có đức tin giống như Áp-ram. Kính Chúa, yêu người.

Của Tế Lễ và Giấc Mơ của Áp-ram

7 Ngài phán với Áp-ram: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng đã đem ngươi ra khỏi U-rơ, xứ Canh-đê, để ban cho ngươi đất này, để ngươi chiếm lấy nó.

Ngài đã đem Áp-ram ra khỏi U-rơ, xứ Canh-đê y như lời Ngài đã phán bảo Áp-ram trong Sáng Thế Ký 12:1.

8 Ông thưa: Lạy Chúa! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Do đâu tôi biết rằng tôi sẽ chiếm lấy nó?

Tại sao Áp-ram hỏi Chúa vậy? Chẳng phải ông không tin Chúa phán mà hỏi lại để xác chứng. Ông muốn mình được kinh nghiệm Chúa. Mối gắn kết giữa Áp-ram và Chúa thật thân tình, tin cậy, như một đứa con bé bỏng với Cha mình.

Chúa ơi, sáng nay, trong khi con dậy đọc, suy ngẫm Lời Chúa. Con lại chớm buồn lo lắng, tự dưng con lại nghĩ đến, không biết những lời ăn năn, cầu nguyện của con, Chúa có còn thương xót tha thứ, lắng nghe. Tội con nhiều như vậy, Chúa đã tha cho con chưa. Chúa có đang ở cùng con hay không. Gần đây, những khi con hay tâm tình với Chúa, Chúa có thật ở cùng con lắng nghe con, hay là Chúa đã quay mặt khỏi con rồi mà con vẫn tưởng con đang trò chuyện với Chúa. Nghĩ đến đó, con bỗng sợ hãi, buồn tủi, cảm giác cô đơn lạnh lẽo trong linh hồn. Con bơ vơ lạc lối giữa thế gian này. Chúa ơi, con không muốn nghĩ đến điều đó, nó thật làm cho con sợ. Con tạ ơn Chúa đã cho con nhớ đến Đức Chúa Jesus có năng quyền đuổi quỷ, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Con đã nhân danh Chúa xua đuổi những ý nghĩ không đến từ Chúa làm cho con sợ hãi, đã giúp con không còn sợ và nghĩ như vậy nữa. Con cảm tạ ơn Chúa!

9 Ngài phán với ông: Ngươi hãy bắt đem cho Ta một bò cái ba tuổi, một dê cái ba tuổi, một chiên đực ba tuổi, một chim cu và một chim bồ câu con.

Bò, dê, chiên là những con vật được Chúa dùng làm của lễ dâng lên Chúa trong thời Cựu Ước. Dê cái thuộc loài vật sạch (Phục Truyền 14:4). Con đầu lòng của bò cái, chiên cái, dê cái được kể là những vật thánh (Dân Số Ký 18:17). Dê cái được dùng làm của lễ chuộc tội (Lê-vi-ký 5:6).

Chiên đực được dùng làm của lễ thiêu (Lê-vi-ký 9:2; 23:18 vì), của lễ chuộc tội (Lê-vi-ký 14:21) và của lễ thù ân (Lê-vi-ký 9:4). Chiên đực không tỳ vết được Chúa dùng làm của lễ chuộc sự mắc lỗi (Lê-vi-ký 6:6); chiên con đực làm của lễ thiêu (Lê-vi-ký 8:18).

Chim cu và chim bồ câu con được Chúa dùng làm của lễ thuộc tội và của lễ thiêu (Lê-vi-ký 14:22; 5:7; 12:8; 14:30, 31; 1:14; Dân Số Ký 6:10, 11).

Con vật ba tuổi là con vật đã nuôi được ba năm tuổi. Bò, dê hay chiên ba tuổi được xem là tuổi đã trưởng thành đầy trọn. Chúa phán bảo Áp-ram bắt dâng lên Chúa bò cái ba tuổi, dê cái ba tuổi, chiên đực ba tuổi, chim cu con và chim bồ câu con.

Tuổi trưởng thành được xem là tuổi đã phát triển đầy trọn về thể chất. Với loài người, tuổi trưởng thành có hai phương diện là về thuộc thể và thuộc linh. Về thuộc thể, hai mươi tuổi là bắt đầu bước sang tuổi trưởng thành (Lê-vi-ký 27:3, 5); đến chừng ba mươi tuổi được xem là tuổi trưởng thành đầy trọn có thể giao việc lớn hơn (Dân Số Ký 4:3, 23, 30).Trưởng thành thuộc linh không phụ thuộc tuổi tác, tuỳ ở tấm lòng yêu kính Chúa, nếp sống trung tín, rèn tập Lời Chúa của mỗi người, mà đức tin, đời sống thuộc linh tăng trưởng.

Bò, dê, chiên, chim cu, chim bồ câu là những loài vật có tính khí hiền hoà, dễ thuần dưỡng, có lẽ vì thế mà chúng được Chúa xem là những loài vật tinh sạch, được dùng làm của lễ dâng lên Chúa thời Cựu Ước. Những loài vật tinh sạch được chọn dâng lên Chúa là những con không tì vết tức là khoẻ mạnh, lành lặn, không bệnh tật (Lê Vi Ký 1:3, 10).

Thời Tân Ước ngày nay, Đức Chúa Jesus đã gánh chuộc tội thay mọi tội lỗi toàn thế gian, nên mỗi khi con phạm tội, con không phải dâng con sinh tễ chuộc tội lên Chúa nữa, vì Chúa Jesus đã hy sinh chính mạng sống vô tội của Ngài, chết thế cho con, chuộc tội lỗi con. Huyết báu vô tội của Chúa đã đổ ra vì tội lỗi của con. Mạng sống vô tội của Ngài đã chịu chết vì tội lỗi của con. Thân thể Ngài đã chịu bao đau đớn vì tội lỗi của con. Tâm thần, linh hồn của Ngài đã mòn mỏi, chịu bao đau thương, buồn tủi vì tội lỗi của con, để tội con được Ngài tha thứ, Ngài chuộc con từ con người tội lỗi, sống nô lệ cho tội lỗi. Cuộc đời tội lỗi tối tăm đầy dẫy những bất công, đau khổ, được Ngài yêu và thương xót, đem con về nơi sáng láng lạ lùng, về nơi phước hạnh của tình yêu thương, sự công chính và thánh khiết của Ngài; Ngài rửa sạch mọi tội và lòng gian ác của con trong máu Ngài, cho con địa vị được làm con cái chân thật của Ngài, được Ngài sửa trị, dạy dỗ, chở che, dẫn dắt và ban cho con sự sống đời đời, trong Vương Quốc Trời, nếu như những ngày tiếp trong hết cuộc đời con trên đất này, con cứ trung tín bước đi theo Ngài, sống nếp sống theo gương của Đức Chúa Jesus Christ.

Trong câu 9 này, con thấy Chúa không giải thích, câu phán của Chúa dường như không có liên quan đến nội dung câu hỏi của Áp-ram, Chúa ra mệnh lệnh như trên. Thoạt nghe, con chưa hiểu. Con đọc các câu tiếp theo để hiểu thêm. Con không đi tìm lý do để hiểu nữa. Con đã hiểu là Chúa phán bảo sao thì hãy làm y như vậy, không cần đi tìm lý do tại sao, không thắc mắc, nếu như lúc này chưa biết thì hãy cứ làm theo đã, như một con trẻ tin nơi Cha mình. Chúa dạy con: Học cách vâng lời làm theo, không thắc mắc, không đưa lý luận, cố để hiểu rồi mới làm, thể hiện sự yêu kính, tin cậy, vâng phục.

Lời Chúa phán dạy con trong Thánh Kinh, con tin mọi Lời trong Thánh Kinh là chân lý tuyệt đối. Con cần làm theo mọi điều trong Thánh Kinh dạy. Chúa cũng dạy dỗ con qua người chăn và các trưởng lão, các anh chị em trong Hội Thánh, dẫn dắt, nâng đỡ, canh chừng, ích lợi cho linh hồn con.

Tạ ơn Chúa, những ngày gần đây, con có khoảng thời gian yên lặng, con đến với Chúa, tìm cầu ý Chúa, con cũng thường trò chuyện, tâm tình với Chúa. Chỉ duy nhất Chúa là nơi con nương cậy, giúp con vượt qua những cám dỗ, thử thách và nghịch cảnh. Duy nhất Chúa mới giúp con vui thoả trong Luật Pháp, trong điều răn, trong Lời Ngài. Con vui mừng và biết ơn Chúa! Đấng hiện con chưa tận mắt nhìn thấy Ngài, nhưng Ngài luôn hiện diện trong đời sống con. Chúa ơi, duy nhất trong Ngài là nơi linh hồn con yên nghỉ, ủi an con sớm tối. Chúa yêu thương con. Một tình yêu chân thật, vĩnh hằng, không đổi.

*******

Con tìm hiểu sơ qua về tuổi sinh trưởng của mấy loài vật này thì con được biết:

Con bò lúc nhỏ, còn non được gọi là bò con hay con bê. Chừng 5-6 tháng thì bê bắt đầu bước sang tuổi lớn (kết thúc giai đoạn bê). Đến chừng 18-20 tháng, bò hết tuổi lớn, bắt đầu bước sang tuổi trưởng thành, tuổi sinh đẻ của bò chừng 28-30 tháng (Thời gian mang thai chừng 9-10 tháng, tuỳ giống bò).

Với loài dê, thời gian sinh trưởng ngắn hơn bò, ở tháng tuổi thứ 5-6 đã là tuổi lớn của dê. Tuổi có khả năng sinh đẻ của dê là 8-12 tháng (thời gian mang thai của dê chừng 5 tháng). Tuy nhiên, tuổi sinh đẻ tốt nhất của dê là ở tuổi chừng 18-20 tháng, là tuổi dê đã sinh trưởng hoàn thiện.

Con chiên hay còn gọi là con cừu. Thời gian trưởng thành, sinh đẻ, mang thai của cừu tương đương tuổi của loài dê.

Tuổi sinh trưởng của bồ câu là 4-6 tháng. Bồ câu chưa đến tuổi trưởng thành, lúc cơ thể còn nhỏ, chừng dưới 2-3 tháng tuổi, được gọi là chim bồ câu con; chừng dưới 1 tháng gọi là chim non. Chim non cần gần chim mẹ để được dạy cách ăn, cách kiếm mồi và bay. Với các loài chim cu khác, tuỳ loài, chim cu con, tuổi trưởng thành và lúc nhỏ cũng tương tự. Các loài chim thuộc loài vật đẻ trứng,  ấp nở thành chim non.

10 Áp-ram đem đến cho Ngài tất cả các loài đó, mổ chúng ra làm hai, để mỗi nửa phần đối với nhau, nhưng ông không mổ các con chim ra làm hai.

Áp-ram làm y theo lời Chúa phán, không một chút thắc mắc. Áp-ram đem đến cho Chúa tất cả những loài vật Chúa phán dặn. Trên đây con không thấy Chúa phán cách thức dâng tễ các con vật như thế nào. Có thể Áp-ram đã làm theo cách thức Chúa phán bảo ông trong tâm thần, Chúa đã không phán ra miệng và ghi chép lại.

11 Có những chim ăn thịt đáp trên các xác chết đó, nhưng Áp-ram đuổi chúng đi.

Lê-vi-ký chương 11 liệt kê những loài vật sạch và không sạch. Các loài chim không sạch được liệt kê là các loài chim ăn thịt như chim đại bàng, ó biển, diều hâu, đà điểu, rẻ quạt, hạc, cò, diệc, ngạc, dơi, chim lão ưng, chim thuỷ kê, chim bồ cắt, chim ụt … Thức ăn của chúng là thịt động vật, côn trùng sống hoặc đã chết, hoặc chúng ăn tạp bao gồm cả động vật và thực vật.

12 Khi mặt trời vừa lặn, một cơn ngủ mê đến trên Áp-ram. Này, một cơn kinh hãi về một sự tối tăm lớn, đến trên ông.

Chúa cho Áp-ram ngủ và Ngài phán với Áp-ram qua giấc mơ, ông mơ thấy một sự tối tăm lớn xảy đến với mình, khiến ông kinh hãi. Theo con hiểu, cơn kinh hãi và sự tối tăm ở đây, có thể là về một bối cảnh sẽ xảy đến trong tương lai, Chúa báo trước cho Áp-ram trong giấc mơ.

Sự tối tăm lớn theo con hiểu là nói đến khoảng thời gian dân I-sơ-ra-ên làm theo ý riêng. Chúa đã để cho dân I-sơ-ra-ên kiều ngụ trong xứ Ê-díp-tô suốt 430 năm. Trong suốt thời gian 400 năm bị hà hiếp (Trừ đi 30 năm thời Giô-sép, quen biết vua Pha-ra-ôn nên dân I-sơ-ra-ên không bị hà khắc). Chúa thử thách dân I-sơ-ra-ên suốt 40 năm lang thang trong đồng vắng, 10 năm chinh phục bảy dân tộc trong xứ Ca-na-an. Chúa đã nhiều lần nhiều dùng hết tiên tri này đến tiên tri khác kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn, nhưng họ vẫn không chịu ăn năn. Bởi ơn thương xót và sự thành tín của Chúa, Chúa vẫn làm thành lời hứa của Ngài trên dân I-sơ-ra-ên, đúng như lời Ngài đã hứa với Áp-ram và sau này là I-sắc, Gia-cốp và Giô-sép.

Con tạ ơn Chúa đã cho con đọc lại bài giảng này của người chăn:

https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-400-nam-hay-430-nam/

Trong bài giảng, có đoạn con đã dừng lại suy ngẫm:

“Trong sự biết trước của Thiên Chúa, Ngài để cho dân I-sơ-ra-ên chịu làm nô lệ suốt 400 năm để rèn luyện cá tính của họ. Tiếc thay, dường như 400 năm làm nô lệ cũng không đủ để giúp cho dân I-sơ-ra-ên có lòng khao khát tự do một cách mãnh liệt. Chỉ cần đối diện thử thách, khó khăn trên đường về đất hứa, là họ lại muốn bỏ cuộc, quay về sống đời nô lệ trong xứ Ê-díp-tô!”

Đây cũng là bài học cho bản thân con để con áp dụng vào đời sống con. Mấy mươi năm trên đất này, con đã sống cho riêng con. Thật là vô nghĩa nếu như con cứ tiếp tục đời sống vô nghĩa vậy. Chúa ơi, giờ đây, con muốn sống cho Chúa, vì Chúa, theo ý Ngài. Chúa ơi, xin cho con biết lắng nghe. Xin cho con biết yên lặng, ngay cả khi Chúa yên lặng với con, xin Chúa cho con biết kiên trì trông đợi ý Chúa và trung tín làm theo ý Chúa với lòng tin yêu.

Con nhớ đến lời kết trong bài thánh ca mới tuần vừa rồi, người chăn đã viết:

“…Dù là phong ba hay
khi thái an,
Chúa muốn con kiên trì
luôn vững lập lòng tin.”

https://karaokethanhca.net/tam-linh-con-nguong-trong/

Con đã hát đi hát lại, lặp đi lặp lại lời kết bài thánh ca này nhiều lần. Con cầu xin Chúa giúp con thể hiện được trong nếp sống mỗi ngày của con: Con sống tin và làm theo ý Chúa. TIN CẬY – VÂNG PHỤC!

13 Ngài phán với Áp-ram: Hãy biết chắc rằng, dòng dõi của ngươi sẽ là khách lạ trong một đất chẳng thuộc về chúng nó. Chúng nó sẽ làm nô lệ cho họ và họ sẽ hà hiếp chúng nó bốn trăm năm.

“Hãy biết chắc rằng” là lời hứa chắc chắn của Chúa với Áp-ram. Mỗi lời phán hứa của Chúa đều là chắc chắn tuyệt đối, không đổi. Lời này nói trước về sự I-sơ-ra-ên sẽ làm nô lệ cho xứ Ê-díp-tô. Khoảng thời gian dân I-sơ-ra-ên bị dân Ê-díp-tô hà hiếp là tròn đúng 400 năm. Về sau, trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, Phao Lô có ghi chép lại:

“Đức Chúa Trời phán như thế này: Dòng dõi của ngươi sẽ kiều ngụ nơi đất khách. Họ sẽ bắt chúng nó làm nô lệ và hà hiếp chúng nó trong bốn trăm năm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:6).

14 Nhưng, Ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó; rồi khi ra khỏi xứ, thì sẽ được của cải rất nhiều.

“Của cải” là vật chất thuộc thể, của cải rất nhiều là sự giàu có về thuộc thể. Phước thật Chúa ban là sự giàu có về thuộc linh.

Đức Chúa Trời là Đấng Nhân Từ Thương Xót, chậm giận và giàu ơn. Ngài thương tất cả mọi người và muốn hết cả mọi người đều hiểu, tri thức về Lẽ Thật và được cứu (I Ti-mô-thê 2:4). Ngài cũng là Đấng Công Chính Thánh Khiết, khi cứng lòng không chịu ăn năn, Ngài sẽ đoán phạt. Sau nhiều lần Chúa kêu gọi và sửa phạt vua Pha-ra-ôn và dân Ê-díp-tô, dân này vẫn không chịu ăn năn, ngày một cứng lòng hơn. Cuối cùng, Ngài đã để cho họ cứng lòng theo ý riêng họ. Chúa đã đoán phạt trên dân họ. Đây là hình phạt công chính. (Xuất Ê Díp Tô Ký từ đoạn 7 đến đoạn 14).

Trong khi dân I-sơ-ra-ên cũng bội nghịch với Chúa, trong đa số những người dân bội nghịch đó, Chúa vẫn dấy lên những tôi tớ chân thật, có lòng kính sợ, sống trung tín với Chúa. Chúa làm thành lời hứa Ngài qua các tôi tớ Ngài để Chúa ban phước cho dân tộc I-sơ-ra-ên. Cũng qua dân tộc I-sơ-ra-ên, mà loài người khắp các dân trên đất có cơ hội nhận được phước.

Sáng Thế Ký 18:18, 19:

18 Vì Áp-ra-ham chắc sẽ được trở nên một dân lớn và cường thịnh; các dân tộc trên thế gian đều sẽ nhờ người mà được phước.

19 Ta đã chọn người để người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đường lối của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, làm các điều công chính và ngay thẳng; thế thì, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham.

“Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi của đất, tràn ra đến đông tây nam bắc, và hết thảy các gia tộc trên đất sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước.” (Sáng Thế Ký 28:14).

15 Còn ngươi sẽ bình an về nơi tổ phụ, hưởng lộc già sung sướng, rồi qua đời.

Áp-ram sau này đổi tên là Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 17:5). Áp-ra-ham có nghĩa là cha của nhiều dân tộc.

Áp-ra-ham sống thọ 175 tuổi, ông thoả về đời mình, tắt hơi, quy về tổ tông, được chôn tại trong hang đá Mặc-bê-la, nằm ngang Mam-rê tại cánh đồng Hếp-rôn, của Ép-rôn, xứ Ca-na-an (Sáng Thế Ký 25:7-10), cùng chỗ với mộ của Sa-ra, là vợ của Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 23:19).

16 Đến đời thứ tư, dòng dõi ngươi sẽ trở lại đây, vì tội lỗi của dân A-mô-rít chưa được đầy dẫy.

Đời thứ tư của Áp-ram là Pha-rê; Xa-ra, con của Giu-đa, bởi Tha-ma sinh  (Ma-thi-ơ 1:2-3). A-mô-rít là một trong số bảy dân lớn và mạnh trong xứ Ca-na-an (Xuất Ê Díp Tô Ký 3:8). Cũng là dân có đời sống tội lỗi, thờ hình tượng (Giô-suê 24:15), Chúa gớm ghét, bị Chúa diệt (Phục Truyền Luật Lệ Ký 20:17).

17 Khi mặt trời đã lặn, thình lình sự tối mịt giáng xuống; kìa có một lò lớn khói lên, và một ngọn lửa lòe ngang qua các xác thịt đã mổ,

Sự tối mịt giáng xuống con hiểu là sự tối mịt về thuộc thể, do mặt trời đã lặn. Để nhìn được khói bay lên từ lò trong đêm tối mịt, con nghĩ chiếc lò này phải là lò lớn. Ngọn lửa loè ngang qua là ngọn lửa từ trên loè ngang, hoặc từ lò lớn đang cháy sáng, gió tạt lửa loè ngang. Các xác thịt đã mổ bao gồm bò cái ba tuổi, dê cái ba tuổi, chiên đực ba tuổi, mỗi loại một con, được Áp-ram đem đến và mổ ra làm hai; chim cu con và chim bồ câu con thì Áp-ram không mổ (Sáng Thế Ký 15:10).

18 Ngày đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cắt giao ước cùng Áp-ram, phán rằng: Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ê-díp-tô cho đến sông lớn là sông Ơ-phơ-rát,

“Cắt giao ước” theo con hiểu là giao ước đã được thiết lập và hoàn thành. Giao ước là thoả thuận song phương giữa hai bên. Giao ước được thực hiện đúng khi cả hai bên đều thực hiện đúng y như mọi điều trong đó. Giao ước  giữa Đức Chúa Trời với Áp-ram đã được thiết lập và hoàn thành. Áp-ram đã vâng lời làm đúng y theo những gì Chúa phán bảo với cả tấm lòng tin  yêu, vâng phục. Chúa đã ban phước cho ông y như những gì Chúa đã phán lúc ban đầu.

Ê-díp-tô là đất nước Ai-cập ngày nay, có đường biên giới là dải Gaza và Israel về phía Đông Bắc. Ai cập có sông Nile, là con sông lớn nhất nhì thế giới (dài 6 650 km), chảy qua 11 quốc gia, đoạn cuối chảy qua Ai-cập rồi đổ ra Địa Trung Hải. [1]

Sông Ơ-phơ-rát được nhắc đến trong Sáng Thế Ký 2:8-14, là con sống thứ tư, bắt nguồn bởi con sông chảy từ vườn Ê-đen, ra khỏi vườn thì phân thành bốn nhánh, chảy về bốn hướng khác nhau. Ngày nay, sông Ơ-phơ-rát chảy qua I-rắc, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. [2]

Vùng đất từ sông Ê-díp-tô cho đến sông lớn là sông Ơ-phơ-rát, có các xứ của các dân mà Chúa liệt kê trong câu 19 đến câu 21 dưới đây. Cảm tạ Chúa, lần đầu tiên con biết tra tìm kiếm bản đồ trên mạng, con tìm thấy bản đồ về các vùng đất hứa, giúp con hình dung rõ hơn các vùng đất này. [3]

19 là xứ của các dân: Kê-nít, Kê-nê-sít, Cát-mô-nít,

20 Hê-tít, Phê-rê-sít, Rê-pha-im,

21 A-mô-rít, Ca-na-an, Ghi-ê-ga-sít, và Giê-bu-sít.

Đây là 10 xứ của các dân mà Chúa ban cho Áp-ram, trải dài từ sông Ê-díp-tô đến sông lớn là sông Ơ-phơ-rát.

Con cảm tạ Chúa đã cho con học suy ngẫm xong chương 15. Xin Lời Chúa luôn ở cùng con trong mọi lúc mọi nơi, nhắc nhở, dạy dỗ con, giúp con sống tốt hơn, theo đúng Lời Chúa.

Trong chương này, con học được tấm gương yêu kính, tin cậy và vâng phục Chúa của Áp-ram. Con cảm tạ Chúa và con nhớ đến những tôi tớ chân thật của Chúa, nhờ số ít những con người thật lòng kính sợ Chúa, có đức tin lớn, hết lòng vâng phục, làm theo ý Chúa như Nô-ê, Áp-ram mà loài người chúng con được hưởng phước theo. Điều này giúp con suy ngẫm đến mấy ý sau:

+ Lẽ Thật thuộc về số ít.

Thời nào cũng có rất ít những con người thật lòng tin kính, trung tín sống theo Lời Chúa. Như thời Nô-ê, Chúa báo trước về sự huỷ diệt của Chúa bởi cơn nước lụt, Chúa kêu gọi dân chúng ăn năn, suốt mấy chục năm, họ vẫn chọn nếp sống tội lỗi, không tin, cười chê Nô-ê đóng tàu. Vì thương người, Nô-ê đã đi nói Lẽ Thật cho nhiều người, kêu gọi dân chúng ăn năn, nhưng không một ai tin. Không tin, chọn sống trong tội; không tin kính và làm theo ý  Chúa; cười nhạo chê cười Chúa, thản nhiên say mê với đủ thứ vui tội lỗi, là cách sống của hết cả những con người khắp địa cầu trên đất. Cả thế gian thời đó, chỉ có gia đình Nô-ê gồm 8 người tin, làm theo và được cứu.

Chúa chọn số rất ít trong muôn dân, từ những con người hèn mọn, bình thường, nhưng có một tấm lòng ăn năn tội thật, chán ghét tội, hết lòng yêu kính Chúa, tìm kiếm Chúa. Thời Tân Ước, sau khi Chúa Jesus đã chết chuộc tội lỗi toàn nhân loại, cần phải hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus và hết lòng sống theo Lời Chúa trong Thánh Kinh, theo ý Chúa dạy dỗ, thì mới được cứu.

Từ số ít này, Chúa biệt riêng ra làm một dân thánh cho Chúa, trở nên địa vị con cái chân thật của Chúa, hưởng cơ nghiệp đời đời của Chúa. Chúa gọi Hội Thánh của Ngài là “bầy nhỏ” (Lu-ca 12:32), chỉ số rất ít những người hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Chúa, thật lòng ăn năn tội và hết lòng sống trung tín theo Lời Chúa.

“Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.” (Ma-thi-ơ 22:14).

“Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.” (Ma-thi-ơ 7:14).

“Vì ngươi {là} một dân thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã chọn ngươi từ muôn dân trên mặt đất, để làm một dân quý báu cho Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:2).

Chúa ơi, thế gian ngày nay cũng vậy, số người có tấm lòng thật yêu Chúa và sống đúng theo Lời Chúa là con số rất nhỏ. Chẳng thế mà Chúa nói rõ, trong ngày Chúa đến, sẽ có rất ít người được đủ tiêu chuẩn cất lên với Chúa. Tiêu chuẩn ở tấm lòng, việc làm do chính Chúa nhìn nhận.

“Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?”. (Lu-ca 18:8).

Chúa ơi, ngày nay, khi nhiều người cười chê con theo Chúa. Những khi con làm sai để họ cười là tội của con. Còn khi con không sai, họ cười chê Chúa, con thấy rất thương họ. Có lúc con thấy khó chịu khi họ cười nhạo. Xin Chúa tha thứ cho con. Giờ con thấy thương họ. Con cảm thương cho những người không biết Chúa. Họ tưởng gì đó cứ phải số đông, được tổ chức, nhà nước công nhận, mới là đúng. Những người như vậy đã không nhìn biết có một Thiên Chúa toàn năng, muôn vật cần vâng phục, làm theo.

Luật Pháp Ngài đã được ghi tạc nơi tấm lòng, trong lương tâm loài người từ khi sáng thế. Chẳng qua, loài người chọn sống không tin kính Chúa, chọn sống theo ý riêng trong tội lỗi, lương tâm ngày một băng hoại, đến nỗi chẳng còn nhận biết Chúa, ý Chúa trên đời sống mình; chọn đời sống buông mình trong tội, sống ngoài Luật Pháp Chúa, kết cuộc đời sống không tin nhận Chúa, là một đời sống xa cách Chúa, không có Chúa tha tội và ban sức nhạnh để thắng tội, nếu không ăn năn, sẽ chịu hình phạt của Chúa, là đời đời hư mất, chịu đau khổ đời đời trong lửa hoả ngục. Người chọn đời sống quay về với tội, sau khi đã nhận biết Chúa, mà không chịu ăn năn, thì hình phạt còn nặng hơn cả người không tin Chúa. Chúa ơi, con sẽ không bao giờ chọn đời sống trong tội. Xin Chúa thương giúp con.

Bản thân con kinh nghiệm rất rõ ràng, khi con không nương cậy tin kính Chúa, con làm sai ý Chúa, con phạm tội, đời sống con chỉ là những đau khổ và bế tắc, rối loạn, cho con và ảnh hưởng xấu bao người lân cận. Nếu con không mau ăn năn, con biết linh hồn con sẽ hư mất,  đời đời xa cách Chúa, nếu ngay lúc đó Chúa cất hơi thở con hoặc Chúa đến. Con cảm tạ Chúa đã giúp con kịp thời ăn năn, thay đổi. Con xin chọn sống theo ý Chúa, tin cậy vâng phục, yêu kính Chúa. Con xin thuộc về Chúa, ở trong nhà của Chúa, là Hội Thánh chân thật của Chúa, thuộc số ít những con người cùng đức tin: Tin cậy, yêu kính, vâng phục, trung tín với Chúa!

Hội Thánh chân thật của Chúa là thân thể của Chúa, Chúa Jesus Christ là đầu Hội Thánh, mỗi chúng con là một chi thể của Ngài. Chúa ơi, con cầu xin Chúa mở đường cho con được vào lại Trang Gia Đình và các trang của Hội Thánh, để con có thêm hơn phương tiện thông công, giúp ích hơn cho đức tin của con và con cũng muốn được góp phần gây dựng Hội Thánh Chúa. Chúa ơi, xin Chúa cho con có một tấm lòng luôn hướng về Chúa, hướng về Hội Thánh của Ngài, mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh.

+ Số đông không phải bao giờ cũng đúng!

Thế gian có biết bao các giáo hội, giáo phái, tổ chức, tư tưởng … do loài người lập ra, được nhà nước hay quốc tế công nhận, nhưng nếu đó không đến từ Chúa, thì con cũng không theo. Con chỉ tin và theo duy nhất Chúa của con, là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của I-sắc, Gia-cốp, Giô-sép. Con theo Chúa của con, là Chúa con tin và thờ phượng trong tâm thần con, vào mọi lẽ thật Chúa bày tỏ cho con qua Lời Chúa là cuốn Thánh Kinh, gồm hai phần Cựu Ước và Tân Ước; con tin và sống theo Luật Pháp Chúa được ghi chép rất rõ ràng, chi tiết, đầy đủ, màu nhiệm trong Thánh Kinh; con tin và làm theo mọi lẽ thật Đức Thánh Linh trực tiếp dạy dỗ con trong thần trí của con, trong tâm thần con, trong mối tương giao trực tiếp giữa con với Ngài mỗi ngày, mỗi nơi mỗi lúc; Chúa dạy dỗ, thêm sức và nhắc nhở con làm đúng. Con tin và làm theo gương của Đức Chúa Jesus của con, chính Ngài đã chết chuộc tội lỗi cho con, Ngài đã sống đời sống vâng phục Đức Chúa Cha, làm gương sáng cho con học theo hôm nay. Con tin và làm theo mọi sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, là Cha, là Chúa, là chủ, là Đấng đã dựng nên con, dệt con trong lòng mẹ con, yêu thương con. Ngài có chương trình đời đời phước hạnh dành cho con: Cứu chuộc tội lỗi con, ban sự sống đời đời cho con; ban Chúa Jesus là Con Một rất yêu dấu của Ngài cho con; ban Đức Thánh Linh ngự vào lòng con, ban thánh linh cho con, ban cho con tiếp nhận Chúa Jesus, con ăn năn tội, con nhận biết được Ngài, ban cho con Thánh Kinh là Lời của Ngài, dạy dỗ, sửa trị con mỗi ngày; ban cho con hiểu lẽ màu nhiệm trong Lời Ngài; ban cho con có Hội Thánh, có người chăn chân thật, các trưởng lão chân thật, anh chị em chân thật cùng đức tin … Con biết ơn về mọi sự ban cho dời rộng, không chừng mực của Chúa. Con dâng lời tạ ơn thương xót của Chúa dành cho con. Con thật không xứng đáng, nhưng con được Chúa thương.

Chúa con thờ phượng là Đức Chúa Trời chân thật. Có Một. Duy Nhất. Ngài là Chúa của muôn Chúa. Vua trên Vua. Ngài là Chúa Vinh Hiển Quyền Năng. Muôn vật đều phải sấp mình thờ phượng Ngài. Chúa của con không phải chúa của các thần giả dối mà số đông con người theo. Con không theo số đông mà lừa dối chính con.

Phi-líp 2:9-11

9 Cũng vì thế nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,

10 để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống,

11 và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ là Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.

“Chẳng có sự cứu rỗi trong ai khác; vì {ở} dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, {để} chúng ta phải được cứu trong danh ấy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

“Các ngươi hãy vào trong cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào trong đó. Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.” (Ma-thi-ơ 7:13, 14).

+ Chúa dùng những con người ít ỏi này để mang tình yêu của Chúa đến cho muôn dân.

Con dân chân thật của Chúa đi đâu, mang theo phước hạnh và bình an ở đó. Con dân chân thật của Chúa phải có nếp sống là muối của đất, là sự sáng giữa thế gian (Ma-thi-ơ 5:13, 16), phản chiếu tình yêu của Chúa trong sự kính Chúa yêu người. Yêu như tình yêu của Chúa. Nếp sống chiếu sáng vinh quang của Chúa, làm tôn vinh danh Chúa, mang Tin Lành Cứu Rỗi đến cho nhiều người, khiến cho muôn dân trên đất trở thành môn đồ của Chúa (Ma-thi-ơ 28:19).

“Vì Áp-ra-ham chắc sẽ được trở nên một dân lớn và cường thịnh; các dân tộc trên thế gian đều sẽ nhờ người mà được phước.” (Sáng Thế Ký 18:18).

“Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16).

“Hãy đi; này, Ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói.” (Lu-ca:10-3).

“Tôi biết rằng, khi tôi đến với các anh chị em, thì tôi sẽ đến trong sự đầy dẫy phước hạnh của Tin Lành Đấng Christ.” (Rô-ma 15:29).

+ Mục đích Chúa dựng nên loài người là Ngài chọn ra một dòng dõi Thánh, biệt riêng ra cho Chúa.

“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh.” (Ma-la-chi 2:15a).

“Nếu ngươi giữ gìn những điều răn của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, và đi theo đường lối Ngài, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ lập ngươi làm một dân thánh cho Ngài, y như Ngài đã thề cùng ngươi;” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:9).

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]” (I Phi-e-rơ 2:9).

Con xin Chúa chọn con, nắn con theo mục đích tốt lành của Ngài, cho con thuộc về Ngài. Con cảm tạ ơn Chúa!

A-men!

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ

Nguyễn Thị Lan

(13/08/2022)

[1]: https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Sông_Nin

[2]: https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Euphrates

[3]: https://www.jw.org/vi/thu-vien/kinh-thanh/nwt/phu-luc-b/ban-do-chinh-phuc-dat-hua/

Để lại một bình luận