Sáng Thế Ký chương 20
Áp-ra-ham và Vua A-bi-mê-léc
1 Áp-ra-ham từ đó đi đến miền Nam, kiều ngụ tại Ghê-ra, ở về giữa khoảng Ca-đe và Su-rơ.
Ca-đe thuộc đồng vắng Sin (Xuất-ê-díp-tô-ký 32:51). Su-rơ thuộc đồng vắng Su-rơ. Ghê-ra, Ca-đe và Su-rơ đều thuộc phía tây nam Ca-na-an, đối ngang Ê-díp-tô, phía tây nam so với biển mặn và sông Giô-đanh; phía Đông bên kia là xứ Ê-đôm và Gô-mô-rơ [1], nơi Lót trước kia chọn.
2 Áp-ra-ham nói về Sa-ra, vợ mình rằng: Nó là em gái tôi. A-bi-mê-léc, vua Ghê-ra sai người bắt Sa-ra.
A-bi-mê-léc, vua Ghê-ra theo con hiểu là vua Phi-li-tin (Sáng Thế Ký 26:1).
Áp-ra-ham đã không nói dối, ông chỉ không nói lên sự thật khi không cần thiết phải nói. Vì Sa-ra thật là em gái của Áp-ra-ham.
3 Nhưng Thiên Chúa đến với A-bi-mê-léc trong một giấc mơ lúc ban đêm, và phán: Này, ngươi sẽ chết vì người đàn bà mà ngươi đã bắt lấy; vì nàng đang có chồng.
Trong Thánh Kinh, có ghi lại những giấc mơ đến từ Chúa, Chúa phán dạy con dân Chúa qua giấc mơ như nhiều lần Chúa đã hiện ra trò chuyện, phán dạy Áp-ra-ham trong giấc mơ của ông. Cũng có khi Chúa cảnh báo, tiên tri dân ngoại qua giấc mơ, cho mục đích tốt lành của Chúa, như giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa, vua vương quốc Ba-bi-lôn, về bốn pho tượng liên quan đến bốn thế lực quốc gia lên nắm quyền lực trong thế gian sẽ xảy ra trong Kỳ Tận Thế sắp tới, tiên tri trước về những điều chưa xảy đến được ghi chép trong sách Đa-ni-ên 2:1-49. (Giấc mơ này được Đa-ni-ên giải nghĩa. 53 năm sau đó, chính tiên tri Đa-ni-ên lại mơ thấy giấc mơ có nội dung khác nhưng với ý nghĩa tương tự như giấc mơ của Na-bu-cát-nết-sa trước đó, được chính Đa-ni-ên ghi lại trong sách Đa-ni-ên chương 7) [2] ; giấc mơ của vua Pha-ra-ôn xứ Ê-díp-tô, Chúa tiên tri trước về 7 năm đói kém ắt sẽ xảy đến trong 7 năm sắp tới, được Giô-sép giải mộng (Sáng Thế Ký 41:1-37).
Ở đây, để bảo vệ Sa-ra và Áp-ra-ham, Chúa đã ngăn việc làm nghịch lại ý Chúa của vua A-bi-mê-léc qua giấc mơ của A-bi-mê-léc. Chúa cảnh báo ông không được đụng đến Sa-ra.
Chúa chỉ nói Sa-sa đã có chồng, không nói rõ nàng là vợ của Áp-ra-ham. Chúa muốn để chính Áp-ra-ham tự nói, cũng như vua A-bi-mê-léc tự tìm hiểu.
4 Vua A-bi-mê-léc chưa đến gần người ấy, nên thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa sẽ hủy diệt cả một dân công chính chăng?
Việc vua A-bi-mê-léc có ý đến gần Sa-ra theo luật lệ loài người thời đó là không sai, vì vua tự cho vua có quyền đó. Một người nữ, vừa mắt vừa lòng vua mà vua thích thì tự vua cho mình cái quyền lại gần nàng vô điều kiện, thậm chí nếu cô gái đó đã có chồng, vua có quyền giết người chồng để chiếm đoạt nàng mà không bị luật pháp loài người xử. Dưới chính quyền phong kiến trước đây tại nhiều nước hay một số chính quyền độc tài thời xưa và nay tại một số quốc gia, hệ thống hành luật lại nằm trong tay chính quyền.
Cảm tạ Chúa, dù lòng người có như thế nào, con người có làm ra những sự bất công như thế nào, thì trong mỗi con người, vẫn có phần tâm thức và Chúa là Đấng công chính để sửa phạt, đoán xét công chính trong tình yêu thương theo Luật Pháp Chúa.
Tâm thức là sự nhận thức của tâm thần. Tâm thức giúp con người nhận biết đúng sai trong tâm thần. Một tâm thức tốt lành đến từ Chúa chính là phần lương tâm Chúa đặt để trong lòng, Chúa dựng nên loài người ban đầu tốt đẹp theo ảnh và tượng Thiên Chúa. Lương tâm còn gọi là thiện tâm. Tâm thức không tốt lành là ác tâm, là tâm thức xấu, tâm thức chai lì, ô uế, không ngay thẳng hay có thể gọi nôm na là tâm thức cong quẹo. Người có lương tâm luôn nghĩ, hướng đến và làm ra những điều tốt lành theo ý Chúa. Ngược lại, người ác tâm luôn nghĩ, hướng đến và làm ra những điều ác nghịch lại ý Chúa.
(Con cảm tạ Chúa và cám ơn người chăn đã giúp con phân biệt các khái niệm tâm thức, lương tâm, ác tâm. Từ trước con chỉ biết đến khái niệm lương tâm. Con nghe biết đến cụm từ lương tâm cong quẹo để chỉ về người có tâm thức xấu. Con thắc mắc và nhận thấy chưa hợp lý vì: Tâm là lòng; lương là tốt. Vậy lòng tốt sao lại là cong quẹo được? Con hiểu là từ lương tâm ngày nay đã bị hiểu sai trật ý nghĩa ban đầu. Vì cớ tội lỗi mà xuất hiện ác tâm. Chúa tạo dựng và đặt để loài người thuở ban đầu, khi tội lỗi chưa vào trong thế gian, có một lương tâm trọn vẹn).
Tâm thức băng hoại do tội lỗi gọi là một tâm thức cong quẹo.
Hết cả loài người, những con người trên đất từ xưa và nay, tâm thức đã bị cong quẹo vì cớ tội lỗi (Rô ma 3:10, 12). Ngay cả những đứa trẻ chưa ý thức, những thai nhi vừa hình thành trong bào thai đã bị nhiễm tội từ tổ phụ Adam và Eva (Thi Thiên 51:5).
Nếu loài người ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Chúa và chọn trung tín sống theo ý Chúa thì được Chúa tha thứ, phục hồi tâm thức cong quẹo trở nên một người mới, là con người tái sinh trong Chúa, mang trong mình phần tâm thức tốt lành với những gì tốt lành Chúa đặt để. Hay nói cách khác: Chúa có năng quyền tái sinh con người, biến đổi ác tâm trong lòng người trở về lương tâm, nếu người đó chịu để Chúa biến đổi, bằng cách: thật lòng ăn năn tội; hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; hết lòng trung tín sống đúng theo mọi lời Chúa dạy dỗ.
Trong đời sống, có rất nhiều những con người hướng thiện, mong muốn làm những điều thiện, cả cuộc đời không muốn làm ác, dành toàn tâm sức rèn tập tích đức, trau dồi học hành, đạt nhiều thành công, thiện nguyện giúp đời, giúp người. Nhưng nếu chính bản thân không ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, để được Chúa Jesus rửa sạch tội trong máu Ngài, không trung tín sống đúng theo mọi lời Chúa dạy dỗ trong Thánh Kinh, thì mọi suy nghĩ và việc làm của người đó cũng trở nên vô ích và linh hồn vẫn không có sự cứu rỗi.
Một lẽ thật phũ phàng, cho dù con người có cố gắng làm lành cũng không thể làm nổi bằng sức riêng, vì lẽ thật là bản ngã con người đã trở nên nô lệ cho tội lỗi, bị tội lỗi bắt phục, biết sai mà vẫn làm, thậm chí lương tâm lên tiếng vẫn cứ làm. Con đường duy nhất giúp loài người thoát ra khỏi cảnh nô lệ tội là con đường tiếp nhận ân điển của Cứu Chúa Jesus Christ (Rô-ma 6), không có bất cứ con đường thứ hai nào khác (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).
Cho dù những việc một người làm ra giúp ích được cho nhiều người trên đất, nhưng tấm lòng họ làm không vì bởi yêu Chúa, kính sợ Chúa và vâng phục làm theo ý Chúa; làm không vì sự vinh hiển và tôn cao danh Chúa; làm để tìm kiếm tiếng khen và ích lợi cho bản thân; hoặc cả khi một người làm không vì lợi ích bản thân, tấm lòng muốn giúp mang lợi ích cho nhiều người khác, nhưng làm không bởi tấm lòng biết ơn, tôn vinh, cảm tạ và tìm kiếm ý Chúa trong từng việc mình làm, đều là vô giá trị với Chúa, thậm chí, có khi lại là chiếc áo nhớp che đậy sự loã thể mình trước Chúa (Ê-sai 64:6). Nó chỉ có giá trị trong cuộc đời tạm bợ ngắn ngủi chóng qua trên đất này, được người đời ghi nhận, ban thưởng; nhưng phước và phần thưởng thật đời đời trong Chúa thì hoàn toàn không có gì. Ví như có những nhà khoa học, nhân tài nổi danh, để lại, cống hiến cho đời nhiều những công trình nghiên cứu, ứng dụng có giá trị đem lại ích lợi cho cuộc sống nhân loại; hay những con người được loài người mệnh danh là vĩ nhân này nọ, nhiều đời ghi danh, nhưng không tin nhận và sống theo Lời Chúa, không ăn năn tội, linh hồn cũng không có sự cứu rỗi. Giá trị người đời ban thưởng, ghi nhận trong cuộc đời này cho dù có to lớn đến như thế nào, so với sự đời đời của Chúa, cũng chỉ là hư vinh, tạm bợ, chóng qua; hình dạng thế gian này rồi sẽ qua đi, mọi vật và mọi công trình trên đất rồi sẽ tiêu cháy (II Phi-e-rơ 3:10). Không những vậy, linh hồn còn bị Chúa phán xét trong ngày chung cuộc (II Phi-e-rơ 3:7; Rô-ma 2:5). Tất cả, tất cả rồi sẽ qua đi, để dành cho lửa, lửa phán xét công chính của Đức Chúa Trời.
Đời sống như vậy là đời sống mỏi mòn vô nghĩa; không phải là đời sống Chúa muốn, theo mục đích tốt đẹp ban đầu Chúa đặt để (Ma-la-chi 2:15) và Chúa mong muốn có sự cứu rỗi dành cho loài người (I Ti-mô-thê 2:4).
Những ai đã biết Chúa mà chọn về sống trong tội thì chịu sự phán xét nặng hơn (Hê-bơ-rơ 10:27-31).
Chúa ơi, con không chọn sống trong tội nữa, để con không phải chịu Chúa phán xét trong ngày chung cuộc, để con không phải chịu cảnh đời đời đau khổ trong lửa hoả ngục, đời đời xa cách Chúa.
Thực tế, số đông những con người trong thế gian không biết mệt mỏi đi tìm kiếm cho bản thân, gia đình, cộng đồng; ra sức học hành, kiếm tiền, chăm lo gia đình… nhưng không bước đi theo ý Chúa, trong Luật Pháp Chúa, trên con đường hẹp của Chúa, con đường Cứu Chúa Jesus, tin cậy và làm theo Lời Chúa, cuối con đường đó vẫn là sự chết.
“Các ngươi hãy vào trong cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào trong đó. Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.” (Ma-thi-ơ 7:13, 14).
“Có một con đường dường như chính đáng cho loài người; nhưng cuối cùng là những nẻo của sự chết.” (Châm Ngôn 16:25).
“Chúng ta hãy nghe lời kết luận của trọn sự việc: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài! Vì ấy là trọn phận sự của loài người.” (Truyền Đạo 12:13).
“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16).
Chúa ơi, tất cả những lẽ thật trên đây không chỉ với loài người nói chung, mà Chúa dạy dỗ với chính con.
Bài học con ghi nhớ: Con cảm tạ Chúa đã nhắc nhở con: Con không được dại dột quay trở lại nếp sống trong tội nữa! Xin Chúa thương xót tha thứ cho con mọi tội lỗi của con từ trước đây con đã phạm và giúp con không cố ý phạm tội nữa. Khi nhỡ yếu đuối phạm thì con cần lập tức ăn năn ngay. Con cảm tạ ơn Ngài!
Chúa ơi, con không còn muốn tìm kiếm những hư ảo trong thế gian này nữa hay xem trọng bất cứ sự gì hơn Chúa. Xin Chúa thương giúp con. Con cầu xin Chúa chỉ dẫn mỗi bước con đi và Ngài dìu dắt con. Chúa ơi, con nhỏ bé, yếu đuối, xin Ngài thương giúp sức con!
5 Người ấy đã chẳng nói với tôi rằng: Ấy là em gái tôi chăng? Và chính người nữ đã chẳng nói rằng: ấy là anh tôi sao? Tôi làm sự này bởi lòng ngay thẳng và tay thanh khiết của tôi.
Mặc dù sự vua A-bi-mê-léc có ý với Sa-ra, khi Áp-ra-ham nói là em gái mình, với ý ngay thẳng theo lòng mình; nhưng không đúng ý Chúa thì là không ngay thẳng trước Chúa.
6 Đức Chúa Trời lại phán với ông trong giấc mơ: Phải! Ta biết rằng, ngươi làm việc này với sự ngay thẳng của lòng ngươi, và Ta cũng đã ngăn trở ngươi phạm tội nghịch lại Ta. Vì thế, Ta không cho phép ngươi đụng đến nàng.
Qua đây, con cảm nhận càng hơn quyền năng của Chúa. Chúa làm được mọi sự theo ý muốn và trong thẩm quyền của Ngài.
“Tôi biết rằng Ngài có thể làm được mọi sự. Chẳng có sự cản trở nào trong ý tưởng của Ngài.” (Gióp 42:2).
Mọi sự lớn nhỏ đều trong sự cho phép của Chúa, nó mới xảy ra. Chúa ban cho loài người quyền tự do để chọn lựa, Ngài không ép buộc.
Trong câu chuyện này, Chúa cảnh báo và khuyên A-bi-mê-léc, sự chọn lựa làm theo là ở ông. Cảm tạ Chúa đã cho ông chọn làm theo. Suy ngẫm điều này, con nhận thấy: Sự chọn lựa, nói là quyền tự do Chúa ban cho mình, đều bởi năng quyền của Chúa. Chúa ban cho con sự tự do chọn lựa, ra quyết định. Chọn lựa đúng ý Chúa là đến từ năng lực Chúa, chọn lựa nghịch lại Chúa là theo ý riêng, không đến từ Chúa, sẽ mang tội và hậu quả xấu. Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm đối với từng chọn lựa, quyết định, việc làm mình trước Chúa (II Cô-rinh-tô 5:10).
Tự do chọn lựa là quyền đầu tiên Chúa ban cho loài người. Mục đích đầu tiên Chúa ban cho loài người khi Ngài tạo dựng, là quyền tự do để loài người chọn lựa có yêu và vâng làm theo Lời Ngài hay không (Sáng Thế Ký 2:16, 17). Ngài là tình yêu chân thật. Ngài cũng muốn ở loài người tình yêu chân thật, tự nguyện cách tự nhiên, không ép buộc.
Tuy nhiên, Ngài cũng là Thiên Chúa toàn năng, công chính, thánh khiết. Chúa không cho phép quyền tự do này bị loài người lạm dụng. Quyền tự do phải trong giới hạn Chúa đặt để. Chúa cho phép loài người tự do trong Luật Pháp và ý Chúa. Chúa không cho phép loài người tự do ngoài Luật Pháp Chúa. Chúa giới hạn quyền tự do đối với mọi sự nghịch lại ý Chúa, với mỗi chọn lựa, mỗi người tại mỗi thời điểm khác nhau, theo ý tốt lành của Ngài.
Con cảm tạ Chúa về những lẽ thật Chúa bày tỏ trên đây. Chúa khuyên dỗ con khi con lắp chính tên con vào đó. Loài người trong đó có con, con cảm tạ Chúa đã dạy dỗ riêng con.
“Mọi sự lớn nhỏ đều trong sự cho phép của Chúa, nó mới xảy ra. Chúa ban cho con quyền tự do để con chọn lựa, Ngài không ép buộc.
Trong câu chuyện này, Chúa cảnh báo và khuyên A-bi-mê-léc, sự chọn lựa làm theo là ở ông. Cảm tạ Chúa đã cho ông chọn làm theo. Suy ngẫm điều này, con nhận thấy: Sự chọn lựa, nói là quyền tự do Chúa ban cho con, đều bởi năng quyền của Chúa. Chúa ban cho con sự tự do chọn lựa, ra quyết định. Con chọn lựa đúng ý Chúa là đến từ năng lực Chúa, con chọn lựa nghịch lại Chúa là theo ý riêng con, không đến từ Chúa, con sẽ mang tội và hậu quả xấu. Con phải chịu trách nhiệm đối với từng chọn lựa, quyết định, việc làm của con trước Chúa (II Cô-rinh-tô 5:10).
Tự do chọn lựa là quyền đầu tiên Chúa ban cho con. Mục đích đầu tiên Chúa ban cho con khi Ngài tạo dựng nên con, là quyền tự do để con có chọn lựa yêu và vâng làm theo Lời Ngài hay không (Sáng Thế Ký 2:16, 17). Ngài là tình yêu chân thật. Ngài cũng muốn ở con tình yêu chân thật, tự nguyện cách tự nhiên, không ép buộc.
Tuy nhiên, Ngài cũng là Thiên Chúa toàn năng, công chính, thánh khiết. Chúa không cho phép quyền tự do này bị con lạm dụng. Quyền tự do phải trong giới hạn Chúa đặt để. Chúa cho phép con tự do trong Luật Pháp và ý Chúa cách không giới hạn. Chúa không cho phép con tự do ngoài Luật Pháp Chúa, ngoài giới hạn. Chúa giới hạn quyền tự do con đối với mọi sự nghịch lại ý Chúa, với mỗi chọn lựa của con tại mỗi thời điểm khác nhau, theo ý tốt lành của Ngài.
7 Bây giờ, hãy giao đàn bà đó lại cho chồng nó, vì chồng nó là một đấng tiên tri, sẽ cầu nguyện cho ngươi, thì ngươi mới được sống. Còn như không giao lại, thì phải biết rằng ngươi và hết thảy ai thuộc về ngươi ắt hẳn sẽ chết.
Chúa cảnh báo rất rõ ràng cho vua A-bi-mê-léc. Chúa giao chức vụ tiên tri cho Áp-ra-ham. Chúa ban quyền và vị trí cao trọng cho con dân Chúa ngay trên đất này, những thẩm quyền đến từ Chúa.
8 Vua A-bi-mê-léc dậy sớm, truyền gọi các tôi tớ mình đến, thuật lại hết mọi lời, thì họ lấy làm kinh ngạc.
Chúa đã tác động mọi việc theo chương trình của Chúa. Con cảm tạ Chúa đã tác động nơi lòng vua A-bi-mê-léc và dân chúng, giúp họ biết sợ quyền năng của Chúa mà không dám làm trái.
9 Rồi, A-bi-mê-léc truyền gọi Áp-ra-ham mà nói rằng: Ngươi đã làm gì cho ta vậy? Ta có làm điều gì mất lòng chăng mà ngươi làm cho ta và cả nước phải bị một việc phạm tội lớn dường này? Đối với ta, ngươi đã làm những việc không nên làm đó.
Rất tiếc, A-bi-mê-léc đã không đến với Chúa cầu hỏi tìm kiếm Chúa để hiểu ý Chúa và chương trình của Chúa. Ông đã quay sang hỏi lại Áp-ra-ham. Ông đã nhận biết tội mình nhưng lại không nói lời ăn năn xưng tội với Chúa, mà gạn hỏi đổ thừa cho Áp-ra-ham. Điều này cho con thấy ông thật đã không yêu kính Chúa, ông chỉ làm theo vì sợ quyền năng sửa phạt của Chúa.
10 Vua A-bi-mê-léc lại nói với Áp-ra-ham rằng: Ngươi có ý gì mà làm như vậy?
Vua A-bi-mê-léc vẫn chưa hiểu nên hỏi lại Áp-ra-ham.
11 Áp-ra-ham đáp: Tôi tự nghĩ rằng: Trong xứ này thật không có ai kính sợ Thiên Chúa, thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng.
12 Nhưng nó cũng thật là em gái tôi, em cùng cha khác mẹ; và tôi cưới nó làm vợ.
13 Khi Thiên Chúa làm cho tôi phải lưu lạc xa nhà cha, thì tôi có nói với nàng rằng: Này là ơn của ngươi sẽ làm cho ta: Bất cứ chỗ nào chúng ta sẽ đi đến, hãy nói về ta: Ấy là anh tôi.
Áp-ra-ham chân thành nói lên sự thật.
14 Kế đó, Vua A-bi-mê-léc đem chiên và bò, tôi trai cùng tớ gái cho Áp-ra-ham, và trả Sa-ra vợ người lại, mà phán rằng:
15 Này, xứ ta sẵn dành cho ngươi; ngươi thích đâu thì ở đó.
16 Rồi vua phán với Sa-ra rằng: Đây, ta ban cho anh ngươi một ngàn miếng bạc; số tiền đó dùng cho ngươi như một bức màn che trước mắt về mọi việc đã xảy ra cùng ngươi; và mọi người đều sẽ cho ngươi là công chính.
Con cảm tạ Chúa đã làm nên mọi sự theo ý Chúa trong chương trình tốt lành của Ngài. Cảm tạ Chúa đã tác động làm thay đổi ý định của vua A-bi-mê-léc theo ý Chúa. Con nhớ đến câu Thánh Kinh trong Châm Ngôn 21:1:
“Lòng của vua ở trong tay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn.” (Châm Ngôn 21:1).
Sáng Thế Ký 20:17, 18:
17 Áp-ra-ham cầu xin Đức Chúa Trời, thì Thiên Chúa chữa bệnh cho Vua A-bi-mê-léc, vợ cùng các tớ gái người; vậy, họ đều có con.
18 Lúc trước, vì vụ Sa-ra, vợ Áp-ra-ham, nên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho cả nhà A-bi-mê-léc đều son sẻ.
Mặc dù A-bi-mê-léc chưa hạ mình ăn năn tội, tìm kiếm Chúa, qua việc làm không dám nghịch lại ý Chúa của ông, Chúa đã ban phước cho ông và gia đình ông. Qua những điều Chúa làm ra đối với ông, bày tỏ quyền năng, sự thương xót của Chúa dành cho ông. Một vị vua Phi-li-tin, nắm trong tay quyền hành mọi thứ nhưng chưa kính sợ yêu mến làm theo Luật Pháp Chúa thì đều vẫn là tội nhân phạm tội trước Chúa, không có sự khôn ngoan thông sáng đến từ Chúa, cần ăn năn tội mình với Chúa.
Con nhớ đến Khải Huyền 6:14, 15, mô tả cảnh khốn khổ của những kẻ nắm trong tay quyền thế trong cuộc đời này mà không hạ mình tiếp nhận, đầu phục Chúa, trong Kỳ Tận Thế, trong thời điểm Chiên Con tháo dấu ấn thứ sáu trong bảy dấu ấn, khi mà sự biến lớn xảy đến toàn vũ trụ, địa cầu; hình phạt lớn của Chúa giáng xuống trên toàn thế gian. [3]
“Bầu trời lui đi như một cuộn sách bị cuộn lại, mỗi một ngọn núi và hải đảo bị dời khỏi chỗ của chúng. Các vua trên đất, những vĩ nhân, những người giàu, những tư lệnh quân đội, những kẻ có quyền thế, mỗi một kẻ nô lệ, mỗi một người tự chủ, đều ẩn mình trong các hang hố và trong các vầng đá núi.” (Khải Huyền 6:14, 15).
Vương quốc của Đức Chúa Trời chẳng thuộc về những kẻ tự xưng mình mạnh sức theo sức riêng mình, kiêu ngạo trước Chúa (Thi Thiên 5:5; I Phi-ê-rơ 5:5); mà thuộc về những người yếu hèn, chẳng ra chi nhưng đơn sơ, khiêm nhường, biết hạ mình trước Chúa (Lu-ca 6:20) và hết lòng tìm kiếm Ngài (Ma-thi-ơ 7:7; Lu-ca 11:9).
I Cô-rinh-tô 1:19-21
19 Vì có chép: Ta sẽ hủy phá sự khôn sáng của người khôn sáng, tiêu trừ trí khôn của người thông minh. [Ê-sai 29:14; Thi Thiên 33:10]
20 Người khôn sáng ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận của đời này ở đâu? Chẳng phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn sáng của thế gian này ra ngu dại?
21 Vì rằng, trong sự khôn sáng của Đức Chúa Trời, thế gian bởi sự khôn sáng của nó chẳng biết Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vui dùng sự bị xem là ngu dại của sự rao giảng Tin Lành để cứu những người tin.
Cảm tạ Chúa đã ghi lại câu chuyện có thật xảy ra trên đây cho con đọc, suy ngẫm và áp dụng sống theo. Xin Chúa dạy dỗ con những bài học và ban cho con áp dụng vào nếp sống của con. Con xin Chúa tha thứ cho con những chỗ nào con suy ngẫm chưa đúng ý Chúa; xin Chúa giúp con hiểu và sống theo đúng ý Chúa.
A-men!
*******
Bài học con nhận được qua câu chuyện Áp-ra-ham và vua A-bi-mê-léc trong Sáng Thế Ký chương 20 là:
- Con cần sống theo ý Chúa.
- Con tin và hy vọng rằng, khi con sống được theo ý Chúa, tức khi con chết và sống cho Chúa được, Chúa sẽ bảo vệ con, ban phước cho con và các con con, trên gia đình con, Chúa làm mọi sự tốt lành nhất cho con, theo ý tốt lành của Chúa. Chết cho Chúa là con phải chết đi con người cũ. Sống cho Chúa là con sống và làm theo mọi lời Chúa dạy, theo gương của Đức Chúa Jesus Christ. Chúa ơi, xin Ngài thương con, thương hai con của con, tuỳ theo sự nhân từ thương xót của Ngài. Con vốn là tội nhân được Ngài thương xót, tha thứ, con cầu xin theo ý Ngài và lòng nhân từ thương xót của Ngài. Chúa ơi, con cũng chẳng có gì tốt lành, đẹp đẽ dâng lên Ngài, ngoài tấm lòng vốn gian ác, xấu xa của con. Con xin Ngài biến đổi con. Chúa ơi, sức con thật yếu đuối, con hèn mọn, bản thân con chẳng thể làm được việc gì trọn lành, con xin nương dựa sức và quyền năng Ngài thương giúp con. Chúa ơi, con còn hay tự ti, mặc cảm, chậm, vụng về… Con chưa được khôn sáng…đức tin con yếu. Con xin Ngài ban cho con sự khôn ngoan thông sáng đến từ Ngài. Con xin Ngài ban cho con thêm năng lực, đức tin. Con xin Ngài cất đi khỏi lòng con những sự ô uế xấu xa, tự ti mặc cảm. Con xin Ngài rửa sạch lòng con mọi sự gian ác, làm mới con một tấm lòng trong sạch. Con xin Ngài xoá sạch mọi sự vi phạm, tội lỗi con. Con xin Ngài ban cho con một tấm lòng đau thương thống hối, thần trí tan nát về mọi tội lỗi con. Con xin Ngài phục hồi con, ban cho con một thần trí ngay lành, một lương tâm trọn vẹn trước Chúa. Chúa ơi, con xin Chúa chạm vào lòng con. Cho con được gần bên Ngài, nương dựa cách bóng toàn năng Ngài. Chúa ơi, xin Ngài bồng ẵm, chở che, dìu dắt, đỡ nâng con…
Xin Chúa giúp con vừa muốn vừa làm theo ý Chúa. Con thành kính cầu xin, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, A-men!
Trong ân điển Đức Đức Chúa Jesus Christ,
Nguyễn Thị Lan
(26/09/2022)
Sáng Thế Ký 20
Chị Lan thân mến,
Em cám ơn chị về bài suy ngẫm Thánh Kinh của chị,em thấy hay và được gây dựng nhiều qua bài chia sẻ của chị.Cảm tạ Chúa đã hướng dẫn chị trong quá trình đọc hiểu Lời Chúa.
Em xin góp ý với chị về vài chỗ do lỗi gõ chữ và chưa rõ nghĩa:
Chúa ơi, con còn hay tự ti, mặc cảm, chậm, vụng về… Con chưa được khôn sáng…Đức tin con yếu.
– đức tin
Con xin Ngài ban cho con một tấm lòng đau thương thấm hối, thần trí tan nát về
mọi tội lỗi con
– thống hối
nương dựa nơi cách bóng toàn năng Ngài. Chúa ơi, xin Ngài bồng ẵm, chở che, dìu dắt, đỡ nâng con…
– cánh bóng
Bài học con ghi nhớ: Con cảm tạ Chúa đã nhắc nhở con: Con không được bao giờ dại dột quay trở lại nếp sống trong tội nữa!
– con không bao giờ được dại dột, hoặc con không được dại dột
Quyền tự do phải trong giới hạn Chúa đặt để. Chúa cho phép loài người tự do trong Luật Pháp và ý Chúa cách không giới hạn. Chúa không cho phép loài người tự do ngoài Luật Pháp Chúa, ngoài giới hạn.
-Quyền tự do phải trong giới hạn Chúa đặt để. Chúa cho phép loài người tự do trong Luật Pháp và ý Chúa . Chúa không cho phép loài người tự do ngoài Luật Pháp Chúa.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Đặng Trường Nam.
Cám Ơn Đặng Trường Nam!
Cảm tạ Chúa! Chị cám ơn Nam đã góp ý cho chị. Chị đã sửa những chỗ em góp ý rồi em nhé!
Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ,
Nguyễn Thị Lan