Sáng Thế Ký 25

143 views

Sáng Thế Ký Chương 25

Áp-ra-ham Cưới Nàng Kê-tu-ra

1 Áp-ra-ham cưới một người vợ khác, tên là Kê-tu-ra.

Thánh Kinh không nhắc đến gia đình Kê-tu-ra, nên con không biết bà xuất thân từ đâu, bà lấy Áp-ra-ham lúc bà bao nhiêu tuổi. Có lẽ sau khi Sa-ra qua đời, lúc tuổi về già,  mới lấy bà, cũng rất có thể sau khi I-sác cưới vợ. Sa-ra qua đời lúc Áp-ra-ham 137 tuổi. I-sác cưới vợ xong, không biết có ra ở riêng luôn hay ở cùng cha mình là Áp-ra-ham để trực tiếp chăm sóc tuổi già cho ông. Có thể, I-sác cùng vợ ra ở riêng, Áp-ra-ham cưới Kê-tu-ra để có người chăm sóc lúc tuổi già.

Theo con, đó không nằm trong chương trình ban đầu Chúa dành cho Áp-ra-ham, trong giao ước Chúa hứa với Áp-ra-ham. Mà do chọn lựa của Áp-ra-ham, Chúa cho phép sự chọn lựa theo ý Áp-ra-ham. Tuy nhiên, không vì thế mà Ngài không làm thành lời hứa. Vì Ngài là thành tín. Ngài cảm thông cho những yếu đuối của con người. Con không biết cụ thể lý do thực là vì sao mà Áp-ra-ham lấy thêm vợ thứ, vì Thánh Kinh không bày tỏ cụ thể. Lý do có người bên cạnh chăm lúc tuổi già, chỉ là suy luận vẻ hợp lý, còn nếu như ông chọn lựa không lấy vợ, thì con tin Chúa sẽ dùng người khác chăm sóc cho ông. Điều con nhận thấy là: Chúa không hứa sẽ ban phước cho con cháu dòng thứ của ông. Như nào là sự nhân từ thương xót của Chúa.

Suy ngẫm đến việc này, con không cho rằng Áp-ra-ham phạm tội với Chúa, vì thời đó, ngay cả việc một người con trai cùng lúc cưới và sống với nhiều vợ cũng không phạm luật pháp loài người quy định. Buổi ban đầu, Chúa tạo dựng hôn nhân loài người một vợ một chồng, Ngài không cho phép đa thê. Sự đa thê xảy ra về sau đó, sau khi loài người đã phạm tội.

Tuy vậy, có lẽ vì thế mà các nước xứ Trung Đông ngày nay xảy đến nhiều sự tranh chiến, hiềm khích giữa các nước, là hậu quả sự phân cách các thứ dân ra từ đó.

2 Người sinh cho Áp-ra-ham Xim-ram, Giốc-chan, Mê-đan, Ma-đi-an, Dích-bác và Su-ách.

Con tra trong Thánh Kinh, chỉ có Ma-đi-an được nhắc tới. Dân Ma-đi-an là dân ở phương Đông, là dân mạnh và đông hơn dân I-sơ-ra-ên, dân này đi lên đánh dân I-sơ-ra-ên. Dân I-sơ-ra-ên làm điều ác trước mặt Chúa, nên Chúa phó chúng vào tay dân Ma-đi-an trong bảy năm (Các Quan Xét 6:1). Vì cớ dân Ma-đi-an, dân I-sơ-ra-ên rơi vào cảnh bần khổ, đã kêu cầu Chúa. Chúa đã sai thiên sứ kêu gọi Ghê-đê-ôn, Chúa ở cùng Ghê- đê-ôn và 300 dân chúng I-sơ-ra-ên, đã thắng dân Ma-đi-an (Các Quan Xét chương 6, 7).

3 Giốc-chan sinh Sê-ba và Đê-đan; con cháu của Đê-đan là họ A-chu-rim, họ Lê-tu-chim và họ Lê-um-mim.

Sê-ba và Đê-đan là những dân buôn (Ê-xê-chi-ên 38:13). Con không thấy có chỗ nào Thánh Kinh nhắc lại tên các con cháu của Đê-đan.

4 Con trai của Ma-đi-an là Ê-pha, Ê-phe, Ha-nóc, A-bi-đa và En-đa. Các người trên đây đều là dòng dõi của Kê-tu-ra.

Con cũng không thấy con cháu của Ma-đi-an được Thánh Kinh nhắc lại đến sau đó.

5 Áp-ra-ham cho I-sác hết thảy gia tài mình; còn cho các con dòng thứ những tiền của;

Gia là nhà; tài là của cải, như: đất ruộng, vật nuôi, cây trồng… Áp-ra-ham đã cho I-sác hết thảy nhà cửa đất ruộng, cây trồng vật nuôi cùng các tài sản vật dụng trong nhà. I-sác đã được hưởng hết thảy gia tài của người cha. Chúa đã làm thành lời hứa ban phước cho I-sác cả thuộc linh và thuộc thể.

Con dòng thứ do Kê-tu-ra sinh cho Áp-ra-ham không phải là con theo lời hứa. Kê-tu-ra không phải người nữ Chúa chọn cho Áp-ra-ham. Con không biết Kê-tu-ra có tin Chúa hay không vì Thánh Kinh không nói đến. Các con cháu bà cũng vậy. Dựa vào Các Quan Xét chương 6, 7 và Ê-xê-chi-ên thì có lẽ các con cháu bà là Ma-đi-ên, Sê-ba và Đê-đan đều không tin kính Chúa. Áp-ra-ham cho các con dòng thứ tiền của, tức của cải quy ra tiền.

Nhìn vào lịch sử những con người sống tin kính Chúa và sống không tin kính Chúa trong Thánh Kinh, cũng như trong đời sống thực tại mà con biết, Chúa thật thành tín, Ngài luôn ban phước cho những người sống kính sợ Ngài; Ngài cũng sửa phạt những người người không sống kính sợ Chúa. Những giống dân ra từ con cháu không tin kính Chúa, trở nên hung dữ.

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời.” (Dân Số Ký 14:18).

Tuy nhiên, trong ơn thương xót của Ngài, Ngài vẫn có chương trình cứu chuộc, chọn lựa, nhặt ra những con người thật có tấm lòng với Chúa.

Ê-xê-chiên 18:20-22

20 Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết. Con sẽ không mang sự gian ác của cha và cha không mang sự gian ác của con. Sự công chính của người công chính sẽ được kể cho mình, sự dữ của kẻ dữ sẽ chất trên mình.

21 Nhưng nếu kẻ dữ lìa bỏ hết thảy những tội mình đã phạm, nếu nó giữ mọi luật lệ Ta, và nếu nó làm theo luật pháp và hiệp với lẽ thật, chắc thật nó sẽ sống và không chết đâu.

22 Không có một tội nào nó đã phạm sẽ bị nhớ lại nghịch lại nó; nó sẽ sống vì cớ sự công chính nó đã làm.

6 rồi, khi còn sống, người sai họ qua đông phương mà ở, cách xa con dòng chính, là I-sác.

Áp-ra-ham Qua Đời

7 Áp-ra-ham hưởng thọ được một trăm bảy mươi lăm tuổi;

Lúc này, I-sác 75 tuổi, Ích-ma-ên 89 tuổi.

8 người tuổi cao tác lớn và đã thỏa về đời mình, tắt hơi, được quy về nơi tổ tông.

Cảm tạ Chúa đã ban cho Áp-ra-ham sống đến 175 tuổi. Với những thăng trầm trải qua trong cuộc sống, Chúa đã gìn giữ, ban ơn và đặc biệt, Ngài đã làm thành lời hứa Ngài trên đời sống và dòng dõi con cháu ông. Con cảm tạ Chúa về sự ông đã  thoả về đời mình. Con chưa hình dung hết cảm giác giây phút trước cái chết, lòng mỗi người như nào. Con hiểu để có sự thoả về đời mình, không phải ai cũng có được. Đó là sự ban cho đến từ Chúa. Sự thoả nói đến ở đây là thoả trong Chúa, biết mình đã nhận được ơn thương xót của Chúa, Chúa giúp mình sống hoàn thành bổn phận với Chúa trên đất này, biết mình được ra đi, yên nghỉ trong tình yêu phước hạnh đời đời với Chúa.

9 Hai con trai người, I-sác và Ích-ma-ên, chôn người trong hang đá Mặc-bê-la tại nơi cánh đồng của Ép-rôn, con trai Sô-ha, người Hê-tít, nằm ngang Mam-rê.

10 Ấy là cánh đồng mà lúc trước Áp-ra-ham mua lại của dân họ Hếch; nơi đó họ chôn Áp-ra-ham cùng Sa-ra, vợ người.

Áp-ra-ham được chôn trong hang đá Mặc-bê-la tại cánh đồng của Ép-rôn, trước đó 38 năm, Sa-ra, vợ người mất, cũng được Áp-ra-ham chôn tại đây, khi đó bà 127 tuổi. (Sáng Thế Ký 23).

11 Sau khi Áp-ra-ham qua đời, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho I-sác con trai người. I-sác ở gần bên cái giếng La-chai Roi.

Giếng La-chai Roi nằm khoảng giữa Ca-đe và Bê-re (Sáng Thế Ký 16:14), nơi mà trước đây nàng A-ga lúc mang thai bỏ nhà ra đi, nàng đã ngồi kêu cầu Chúa về sự sầu khổ của mình (Sáng Thế Ký chương 16).

Dòng Dõi của Ích-ma-ên

12 Đây là dòng dõi của Ích-ma-ên, con trai của Áp-ra-ham, do nơi nàng A-ga, người Ê-díp-tô, tớ gái của Sa-ra, đã sinh.

13 Và đây là tên các con trai của Ích-ma-ên, sắp thứ tự theo ngày ra đời: Con trưởng nam của Ích-ma-ên là Nê-ba-giốt; kế sau Kê-đa, Át-bê-ên, Mi-bô-sam,

14 Mích-ma, Đu-ma, Ma-sa,

15 Ha-đa, Thê-ma, Giê-thu, Na-phích, và Kết-ma.

16 Đó là các con trai của Ích-ma-ên và tên của họ tùy theo làng và nơi đóng trại mà đặt. Ấy là mười hai vị công hầu trong dân tộc của họ.

17 Ích-ma-ên hưởng thọ được một trăm ba mươi bảy tuổi, rồi tắt hơi mà qua đời, được quy về nơi tổ tông.

Sau khi Áp-ra-ham mất,  Ích-ma-ên còn sống 48 năm, đến tuổi 137 thì ông qua đời. Thánh Kinh không ghi ông được thoả lòng về đời mình. Con hiểu chỉ khi đời người sống tin kính Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, lúc tắt hơi ra đi mới có được sự bình an, thoả về đời mình. Không sống đời tin kính Chúa, đời ngập ngàn đau khổ, lòng người bất an cho đến giây phút cận kề cái chết, trước khi tắt hơi thở cuối cùng,  lòng chẳng thể bình yên. Đối diện cái chết trong vô vọng, linh hồn hư mất trong đời này và mãi mãi đời sau. Đời người tin kính Chúa, linh hồn bình an về nơi phước hạnh đời đời với Chúa, yên nghỉ khỏi những lao nhọc trên đất.

“Tôi nghe một tiếng từ trời phán với tôi: Hãy viết: Từ nay, phước cho những kẻ chết, chết trong Chúa. Đấng Thần Linh phán: Phải, vì họ được yên nghỉ khỏi những sự lao nhọc của họ và những việc làm của họ sẽ theo họ.” (Khải Huyền 14:13).

18 Dòng dõi người ở trước mặt anh em mình, từ Ha-vi-la cho đến Xu-xơ, đối ngang Ê-díp-tô, chạy qua A-si-ri.

Chúa đã làm thành lời hứa của Ngài đối với Ích-ma-ên, con cháu của nàng A-ga. (Sáng Thế Ký 16:10).

Ê-sau và Gia-cốp Ra Đời

19 Đây là dòng dõi của I-sác, con trai Áp-ra-ham. Áp-ra-ham sinh I-sác.

Áp-ra-ham sinh I-sác khi ông tròn 100 tuổi (Sáng Thế ký 21:5).

20 I-sác được bốn mươi tuổi khi ông lấy Rê-bê-ca, con gái của Bê-tu-ên, người A-ra-mai, xứ Pha-đan-a-ram, và em gái của La-ban, người A-ra-mai, làm vợ.

I-sác lấy Rê-bê-ca lúc 40 tuổi. Thánh Kinh không nói rõ Rê-bê-ca lúc này bao nhiêu tuổi, ở chương trước, con biết Rê-bê-ca là một thiếu nữ chăm chỉ, nết na, hiếu khách. Con cũng không thấy chỗ nào nói đến vẻ đẹp bề ngoài của nàng Rê-bê-ca. Thánh Kinh có nói nét đẹp bề trong ở nàng. Con hình dung Rê-bê-ca là cô gái đẹp người đẹp nết, toả ra từ tấm lòng người nữ tin kính Chúa. Cái đẹp trong Chúa không theo tiêu chuẩn loài người. Một người cho dù nhìn bề ngoài bắt mắt, dung nhan đẹp đến mấy, mà người đó không kính sợ Chúa thì con cũng không cảm nhận được cái đẹp ở đó. Chỉ có người thật lòng kính sợ Chúa, là con cái thật của Chúa, cho dù dung mạo bề ngoài, thân xác có hao mòn như thế nào, con nhìn vẫn thấy đẹp. Vẻ đẹp lạ lùng chỉ có ở những con người trong Chúa và ở góc nhìn của những người yêu kính Chúa.

Thánh Kinh cũng đã ghi lại thân xác hao mòn của Chúa Jesus khi Ngài sống trong thân xác con người trên đất, được chép trong Ê-sai 52:14b; Ê-sai 53:2, như sau:

“Như nhiều kẻ thấy Người mà lấy làm lạ (mặt mày Người biến dạng lắm, tệ hơn mọi kẻ khác, hình dáng Người tệ hơn các con trai loài người.” (Ê-sai 52:14b).

“Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy Người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được.” (Ê-sai 53:2).

Trong Thánh Kinh, có nói dung nhan tuyệt đẹp của một số người nữ như nàng Sa-ra, vợ Áp-ra-ham; nàng Ra-chên, con gái thứ của Lê-ban, sau này là vợ cả của Gia-cốp; hoàng hậu Ê-xơ-tê. Đặc biệt là Su-la-mít, nàng là vợ của Sa-lô-môn, được Sa-la-môn yêu thương cách đặc biệt hơn hết cả những người vợ khác của ông. Vẻ đẹp thân thể của Su-la-mít và Sa-lô-môn được Thánh Kinh miêu tả trong Nhã Ca, thấm đượm vẻ đẹp của tình yêu, chỉ có ở tình yêu chân thật trong Chúa.


“Tôi đen nhưng xinh đẹp, như những lều trại của Kê-đa, như những màn trướng của Sa-lô-môn! Chớ nhìn tôi bởi vì tôi đen, mặt trời đã chiếu rọi trên tôi! Những con trai của mẹ tôi cáu gắt với tôi, khiến tôi canh giữ những vườn nho. Còn vườn nho riêng của tôi, tôi không canh giữ.” (Nhã Ca 1:5b, 6).

 

Thánh Kinh cũng nói đến những người mang trong mình thân thể bệnh tật, tội lỗi, đến với Chúa, được Chúa chữa lành, cả về thể xác, tâm linh, trở nên đẹp đẽ. Có những người Chúa không chữa lành bệnh ngay, Chúa cứ để họ trong thân xác bệnh tật, hình hài không được tốt tươi như vậy, Chúa cũng cho phép sự lão hoá, bệnh tật trong thân xác diễn ra cho con dân Chúa, để loài người kinh nghiệm, thấm được hậu quả của tội lỗi là như thế nào. Cũng cho loài người nhìn rõ vinh hiển, quyền năng của Chúa, trong ngày Chúa phục sinh.

Con cảm tạ Chúa, Chúa đã thay đổi cái nhìn trong con. Con cảm tạ Chúa đã biến đổi, tái sinh thân thể con dân Chúa cách nhiệm màu. Một ngày không xa, khi thân thể xác thịt của chúng con được Ngài biến hoá, hoặc Chúa phục sinh, trong vinh hiển chói loà của Chúa, mỗi con dân Ngài, sẽ được Ngài mặc cho một thân thể mới, là thân thể đẹp đẽ tuyệt vời, đẹp hơn nhiều bất cứ người nào đẹp nhất mà con từng nhìn thấy trên đất này, một thân thể đẹp đẽ  cùng một tâm thần chẳng bao giờ còn hư hoại nữa. Vẻ đẹp của người không tin kính Chúa như hoa cỏ, chóng qua, lụi tàn theo năm tháng, bệnh tật già nua rồi đi vào sự chết đời đời. Vẻ đẹp trong thân xác được Chúa phục sinh sẽ còn lại đời đời.

21 I-sác khẩn cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho vợ mình, vì nàng son sẻ. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cảm động lời khẩn cầu đó, nên cho Rê-bê-ca thọ thai.

Cũng như Sa-ra, vợ Áp-ra-ham, Rê-bê-ca cũng son sẻ, chậm có con. Sau chừng ba mươi năm đợi chờ, Chúa mới để cho Sa-ra có con. Rê-bê-ca và I-sác cũng đã đợi chờ suốt 20 năm. I-sác vẫn vững tin lời hứa của Chúa, ông cầu khẩn và chờ đợi. Con không biết, nếu Áp-ra-ham không nghe theo Sa-ra, vợ mình, tự ý có con với hầu gái A-ga, mà ông cứ trung tín cầu khẩn và chờ đợi không thôi, thì có lẽ Chúa đã cho Sa-ra sinh con sớm hơn.

Bài học: Chúa dạy dỗ con, con cần kiên trì nhẫn nại, trong mọi sự, như lời Chúa dạy trong Rô-ma 12:12.

“vui mừng trong sự trông cậy; kiên trì trong sự hoạn nạn; bền lòng trong sự cầu nguyện.” (Rô-ma 12:12).

22 Nhưng vì thai đôi làm cho đụng nhau trong bụng, thì nàng nói rằng: Nếu thật vậy, cớ sao điều này xảy đến làm gì? Kế đó nàng đi hỏi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Con học được ở Rê-bê-ca: Khi có thắc mắc, nan đề, vướng chỗ nào, con đến với Chúa, con hỏi Chúa. Khi có gì con cũng tâm tình với Ngài với lòng tin yêu, Ngài sẽ tỏ cho con, Ngài đáp lời con. Xin Chúa cho con kinh nghiệm được sự hiện diện của Ngài.

23 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với nàng: Hai nước trong bụng của ngươi và hai dân sẽ được phân chia từ trong lòng ngươi. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, và đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ.

Chúa phán với Rê-bê-ca rất rõ ràng, rằng hai con trong bụng được nàng sinh ra, sau này sẽ nên hai dân. Hai dân này sẽ có sự phân chia thành hai nước. Dân này mạnh hơn dân kia là nói sức mạnh trong sự cai trị. Và đã ứng nhiệm. Gia-cốp là em, ra sau Ê-sau, nhưng được Chúa ban phước thành một dân lớn, được Chúa giao quyền cai trị trong tay, được Thánh Kinh nói đến, trong lời chúc phước của I-sác dành cho Gia-cốp trong Sáng Thế Ký 27:1-40.

24 Đến ngày sinh nở của nàng, này trong bụng của nàng có thai đôi.

Rê-bê-ca có thai đôi, y như Chúa đã phán bảo với nàng trong câu 23 trên. Thời đó phụ nữ mang thai không đi siêu âm như thời nay, khi sinh ra mới biết thai đôi. Lúc trong bụng kín, con người không thể nhìn được con trong bụng mình thai đôi hay không, Chúa thì biết rõ.

25 Đứa ra trước đỏ hồng, lông cùng mình như một áo khoác lông. Họ đặt tên cho nó là Ê-sau. [Ê-sau nghĩa là nhiều lông.]

26 Kế đó, em trai nó ra, tay nắm lấy gót chân của Ê-sau; và tên nó được gọi là Gia-cốp. I-sác được sáu mươi tuổi khi nàng sinh ra chúng.

Con cảm tạ Chúa đã gìn giữ cuộc sinh nở của Rê-bê-ca. Con cảm tạ Chúa về sự thành tín của Ngài. Con tôn vinh Chúa về quyền năng, sự biết trước và sự thành tín của Ngài.

Ê-sau Khinh Quyền Trưởng Nam

27 Khi hai đứa trai này lớn lên, thì Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thường rong ruổi nơi đồng ruộng; còn Gia-cốp là người hiền lành cứ ở lại trại.

28 I-sác yêu Ê-sau, vì người có tính ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-bê-ca lại yêu Gia-cốp.

29 Một ngày kia, Gia-cốp đang nấu canh, Ê-sau ở ngoài đồng về lấy làm mệt mỏi lắm;

30 liền nói với Gia-cốp rằng: Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với, vì anh mệt mỏi lắm. Bởi cớ ấy, người ta gọi Ê-sau là Ê-đôm. [Ê-đôm nghĩa là đỏ.]

31 Gia-cốp đáp rằng: Nay anh hãy bán quyền trưởng nam cho tôi đi.

32 Ê-sau đáp rằng: Này, anh gần chết, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm gì?

33 Gia-cốp đáp lại rằng: Anh hãy thề trước đi. Người thề; vậy, người bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp.

34 Rồi, Gia-cốp cho Ê-sau ăn bánh và canh đậu lăng; ăn uống xong, người đứng dậy đi. Vậy, Ê-sau khinh quyền trưởng nam là thế.

Con cảm tạ Chúa đã cho con học về phân đoạn này qua buổi nhóm Thanh Niên của Hội Thánh. Xin Chúa dạy dỗ con qua sự con đọc lại những sự chia sẻ của Hội Thánh.

https://timhieuthanhkinh.com/thanhnien/2022/10/09/e-sau-ban-quyen-truong-nam/

Con cảm tạ Chúa đã cho con đọc, suy ngẫm và ghi chép xong ở chương 25 này.

Trong ân điển Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Lan

Để lại một bình luận