Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Hôm nay, ngày 19/07/2023, trong ân điển của Thiên Chúa, chúng ta hãy vui mừng, cùng nhau đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong II Cô-rinh-tô 12:1-10.

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.
2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.
3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]
5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.
6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.
7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.
8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.
10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. "Khải tượng" là gì? "Sự mạc khải " là gì (câu 1)?
2. "Tầng trời thứ ba" là nơi nào? Thuộc thể hay thuộc linh (câu 2)?
3. Tại sao tầng trời thứ ba được gọi là "Ba-ra-đi" (câu 4)?
4. "Những lời không thể nói" và "những lời không người nào được phép nói" có nghĩa gì (câu 4)?
5. "Cái dằm xóc vào thịt" có nghĩa gì (câu 7)?
6. "Sứ giả của Sa-tan" là ai (câu 7)?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Hãy học thuộc lòng câu 9-10.
2. Bạn có "thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ" không?

Tham Khảo:

https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ii-co-rinh-to-121-10-khai-tuong-va-cai-dam-xoc-cua-phao-lo/

Có 11 bài chia sẻ trong chủ đề này:
Phạm Trịnh Minh Anh
25/07/2023 23:44

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính lạy Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa Toàn Năng, là Cha Yêu Thương của con. Con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con có thì giờ, phương tiện, sức khỏe để con suy ngẫm Lời Cha. Nguyện Lời Cha thánh hóa con và thêm lên cho con sự khôn sáng thật từ nơi Ngài.

Thưa Cha, con xin trình bày những điều con được hiểu trong II Cô-rinh-tô 12:1-10.

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.

Thưa Cha, con hiểu rằng sự khoe mình chẳng mang ích lợi gì cho người làm điều ấy. Vì chỉ có hai trường hợp xảy ra, một là người khoe mình trong Chúa thì người ấy khoe vì ích lợi cho người khác, hoặc cho Hội Thánh, đồng thời tôn vinh quyền phép và năng lực của Chúa. Hai là người khoe khoang để tôn cao chính mình, để nhận được sự tôn trọng, lời khen ngợi từ người khác thì người ấy phạm tội kiêu ngạo, là điều Đức Chúa Trời gớm ghét, chỉ chuốc lấy sự hư mất cho mình chứ không mang lại điều thuận lợi gì cho mình.

Sứ Đồ Phao-lô đã khoe về những sự gian nan, lao nhọc mà ông đã trải qua khi nhận lãnh chức vụ sứ đồ từ Thiên Chúa, để Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nhờ đó có thể nhận biết những kẻ đang khoe khoang ở Cô-rinh-tô chỉ là những sứ đồ giả. Giờ đây, ông đề cập tới các khải tượng, và sự mặc khải của Chúa, đó là các sự Chúa cho ông nhìn thấy và bày tỏ cho thần trí của ông hiểu được các sự đó.

2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.
3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Sứ Đồ Phao-lô đã được đem lên tới tầng trời thứ ba, trong cõi thuộc linh là nơi ngự của Đức Chúa Trời, nơi ấy là chốn Ba-ra-đi, nơi có sự vui thỏa trọn vẹn trong Chúa, vào mười bốn năm trước. Dù ông không biết được ông đã vào thiên đàng trong thân thể xác thịt hay ngoài thân thể xác thịt, nhưng ở đó ông đã nghe những lời ông không thể nói lại và cũng không người nào được phép kể lại.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.

Thưa Cha, con hiểu rằng dù Sứ Đồ Phao-lô không thể nói lại, và cũng không được phép thuật lại những điều ông đã nghe, nhưng những điều ông được xem thấy và nghe chắc hẳn đã đem đến sự vui thỏa trọn vẹn cho ông, khích lệ ông trong chức vụ mà Chúa đã kêu gọi ông. Vì thế ông sẵn lòng khoe với Hội Thánh Cô-rinh-tô về đặc ân ấy, về người được Chúa đem ông vào thiên đàng trong khi người ấy vẫn còn sống. Được Chúa ban cho nhìn thấy và nghe những lời mầu nhiệm nơi thiên đàng đang khi còn sống là một sự vinh dự lớn, nhưng Sứ Đồ Phao-lô không muốn khoe về mình, vì ông biết ấy là đặc ân Chúa ban cho, chứ không đến từ bản thân tốt đẹp của ông, dù ông là người tận tụy trong công việc nhà Chúa. Còn nếu khoe thì ông sẽ khoe về những sự đau yếu của thân thể xác thịt và sự yếu đuối trong thuộc linh của ông mà thôi.

6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.

Thưa Cha, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô không khoe theo cách ngu dại để tôn cao bản thân như những kẻ vô tri không thuộc về Chúa, vì ông sẽ nói sự thật, về sự yếu đuối của mình. Dù ông đã được Chúa ban ơn cho rất nhiều và Ngài vui dùng ông cho các công việc của Ngài, nhưng ông tránh không khoe mình, nếu không phải vì ích lợi của Hội Thánh. Ông e ngại sự khoe mình trong Chúa của ông có thể khiến cho ai đó tôn sùng ông, vượt quá sự người ấy thấy những việc ông đã làm, và đã nghe những gì ông đã nói.

Con hiểu rằng sự ông được đem vào thiên đàng, được thấy và nghe những điều mầu nhiệm ở đó là một đặc ân Chúa ban cho Sứ Đồ Phao-lô, nên nếu ai tôn sùng, kính trọng ông chỉ vì điều ấy thôi là không đúng. Con dân Chúa tôn trọng người hầu việc Chúa vì các việc làm và lời nói của người theo đúng Lời Chúa, chứ không phải đánh giá dựa vào những ơn huệ Chúa ban cho người ấy.

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Thưa Cha, con hiểu rằng sự kiêu ngạo rất là tinh vi, và nó thường ẩn nấp rất khéo, nếu không tỉnh thức thì một người sẽ khó phát hiện ra được sự kiêu ngạo của lòng mình. Những khải tượng mà Sứ Đồ Phao-lô được Chúa ban cho nghe và thấy là sự cao trọng lớn, vì đó là những sự mầu nhiệm, thiêng liêng, thánh khiết và vinh quang từ nơi Đức Chúa Trời ngự. Vì được sự vinh dự quá lớn ấy, nên có thể sẽ khiến ông tự lên mình kiêu ngạo, vì thế Chúa đã cho phép Sa-tan tấn công ông. Có thể Sa-tan đã gây nên chứng bệnh gì đó trong thân thể ông khiến ông đau và khó chịu, nhưng Chúa cho phép việc ấy thành, để ông luôn nhớ đến sự yếu đuối của mình mà không kiêu ngạo.

Con cảm tạ Chúa vì chính Ngài giữ gìn con dân Ngài trước những sự cám dỗ, thử thách lớn bởi loài người chúng con nhỏ bé và yếu đuối dường bao!

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: n điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Thưa Cha, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô rất khó chịu vì bị "cái dằm xóc vào thịt", nhưng dẫu ông kêu cầu Chúa 3 lần, thì Chúa vẫn không giải cứu ông khỏi sự đó, dù nó đến từ Sa-tan. Tuy không được Chúa đáp lời cầu xin, nhưng Sứ Đồ Phao-lô vẫn vui lòng khoe mình trong sự đau yếu đó, vì ông hiểu rằng đó là ý muốn tốt lành của Chúa dành cho ông, và sức mạnh của Đấng Christ sẽ giúp ông chịu đựng được. Qua sự đau yếu của ông, mà sức mạnh của Chúa nên trọn vẹn vì dù ông ở trong sự yếu đuối, bệnh tật nhưng ông đã đắc thắng được cám dỗ, và vẫn hoàn thành những công việc mà Chúa giao cho ông, như: ông đã rao giảng Tin Lành cách sốt sắng và miễn phí, sẵn lòng chịu nhiều nguy hiểm đi đến nhiều nơi xa hơn để rao giảng Tin Lành, thành lập nhiều Hội Thánh ở các địa phương, ông cũng sẵn lòng đi thu góp tiền dâng hiến để tiếp trợ cho các thánh đồ ở xứ Giu-đê,...

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Thưa Cha, con hiểu rằng bởi Sứ Đồ Phao-lô hiểu được lời Chúa đã phán với ông, nên ông thỏa lòng với những điều Chúa cho phép xảy đến trên ông, dù trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Ông thỏa lòng vì dù ông ở trong hoàn cảnh như thế nào thì Chúa vẫn ở cùng ông, thêm sức cho ông để ông vừa muốn, vừa làm theo ý tốt của Ngài (Phi-líp 2:13), "làm hết thảy mọi việc mà không than trách và lý luận" (Phi-líp 2:14).

Thưa Cha, con hiểu rằng khi nhận thức được sự yếu đuối của bản thân, biết được rằng bản thân mình không tự có điều gì mà không bởi Chúa ban cho, thì chúng con càng biết ơn Ngài, nương cậy Ngài trong mọi sự, nhờ vậy vào sức toàn năng của Chúa sẽ tuôn đổ trên chúng con và khiến chúng con trở nên mạnh mẽ, có năng lực làm được mọi sự theo thánh ý của Chúa.

Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa đã ban cho con những sự hiểu trên. Cảm tạ Chúa đã qua những sự khoe mình của Sứ Đồ Phao-lô ban cho con sự an ủi, khích lệ trên bước đường theo Chúa. Con học được rằng dẫu con nhỏ bé, yếu đuối, bất toàn, không ra chi thì Ngài vẫn yêu con, giữ gìn con, thêm sức cho con, nguyện xin con luôn biết dựa vào sức toàn năng của Ngài để vừa muốn, vừa làm mọi việc theo thánh ý tốt lành của Ngài. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Phạm Trịnh Minh Anh
25/07/2023


Đặng Thái Học
26/07/2023 18:00

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính lạy Thiên Chúa!

Con dâng lời cảm tạ Chúa về bài học Thánh Kinh hôm nay trong II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô.

Con xin dâng trình lên Chúa về sự hiểu của con trong phân đoạn Thánh Kinh trên như sau:

Trên bước đường phụng sự Thiên Chúa của Sứ Đồ Phao-lô, ông đã nhiều lần được Chúa ban cho khải tượng qua thân thể thiêng liêng, là tâm thần về những sự cao trọng, để an ủi ông trong những nghịch cảnh, làm động lực cho ông hoàn thành chức vụ Chúa giao phó.

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.

Phao-lô là tấm gương về sư khiêm nhường cho chúng con noi theo, thực tế ông là một sứ đồ được đầy ơn trong chức vụ, song ông cho rằng, sự tự khoe mình không đem lại thuận lợi gì cho ông. Nhưng ông muốn khoe mình trong Chúa, nhắc tới các khải tượng và các mạc khải của Chúa ban để tôn cao danh Chúa.

2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.

Vào thời điểm Phao-lô viết thư này cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, có lẽ người trong Đấng Christ mà ông đã biết từ mười bốn năm trước chính là ông. Khi Phao-lô đang sống trong thân thể xác thịt, thì ông không biết; hoặc khi tâm linh ông đã được Chúa đưa ra ngoài thân thể xác thịt, ở trong thân thể thiêng liêng, là khoảnh khắc ở trong vô thức, thì ông cũng chẳng biết; nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ cho ông biết trong khải tượng; rằng ông đã được Chúa đem đến tầng trời thứ ba, là thiên đàng, nơi Đức Chúa Trời ngự.

3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Phao-lô nhắc lại một lần nữa về sự cảm nhận của mình rằng, ông đã được vào thiên đàng trong thân thể xác thịt, hoặc khi tâm linh ông đã ra ngoài thân thể xác thịt, ở trong thân thể thiêng liêng, thì ông cũng đã không xác định được, nhưng Đức Chúa Trời đã biết, vì điều Ngài mạc khải cho ông là quá mới lạ, ngoài sự tưởng tượng của ông. Phao-lô đã được đem lên tới chốn thiên đàng như thế nào; và đã được nghe những lời mới lạ, không thể nói ra được từ một ngôn ngữ khác; và những lời không người nào được phép nói, vì người ấy không hiểu được những điều mình đã nghe.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.

Phao-lô muốn khoe mình về ơn cao trọng Chúa ban, đem ông vào thiên đàng trong lúc ông đang sống nơi thế gian này, để ông được thật sự chiêm nghiệm về vinh quang của Ngài nơi thiên đàng vinh hiển. Ông không muốn khoe về bản thân mình, ngoại trừ trong những sự đau yếu, bệnh tật mà Chúa cho phép xảy ra, để giúp ông không lên mình, cao ngạo trước mặt Ngài.

6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.

Dẫu rằng Phao-lô muốn khoe về bản thân mình, thì ông sẽ không khoe theo cách ngu dại của những người không tin Chúa, muốn tôn cao bản thân, vì ông sẽ nói lên sự thật về bản ngã yếu đuối của mình, được Chúa ban ơn, chọn vào chương trình cứu rỗi của Ngài trong mục vụ rao giảng Tin Lành. Dù Phao-lô được ơn phước Chúa ban như vậy, nhưng ông đã tránh sự khoe về bản thân, kẻo có ai đó đánh giá quá cao về những điều mình đã thấy hoặc nghe từ ông, khiến cho người ấy tôn sùng ông. Con học được gương của Phao-lô, là mọi vinh quang, vinh hiển đều thuộc về Thiên Chúa.

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Và để Phao-lô không tự lên mình kiêu ngạo, bởi những sự cao trọng lớn của các khải tượng Chúa ban cho ông nhìn và nghe thấy trong thiên đàng, thì Ngài đã dùng một cái dằm xóc, găm vào thịt của ông, tức là sứ giả của Sa-tan, gây cho thân xác ông khó chịu, để ông không tự lên mình kiêu ngạo. Trong đời sống thường ngày, chúng con luôn gặp những nghịch cảnh khác nhau, nhưng cảm tạ ơn Chúa vì mọi điều Ngài cho phép xảy đến đều làm ích cho chúng con, như Chúa đã dùng một cái dằm xóc trên thân thể Phao-lô để ngăn cản sự vấp phạm tội về sự tự lên mình kiêu ngạo vậy.

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Sau khi Chúa dùng một cái dằm xóc găm vào thân thể Phao-lô, thì ông đã ba lần kêu cầu, xin Chúa cho nó lìa khỏi ông, nhưng Chúa đã không nhậm lời, và sau lần thứ ba ông kêu cầu Chúa, thì Ngài đã đáp lời ông rằng, ân điển của Chúa ban đủ cho ông rồi, thêm sức cho ông chịu đựng, bằng lòng chịu đựng sự đau đớn, khó chịu bởi cái dằm xóc đó, để cho sức mạnh của Đấng Christ sẽ chiếm lĩnh mọi đau đớn trong xác thịt, giúp ông vững tin vào sức toàn năng của Chúa trong chức vụ do Ngài giao phó.

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Vậy nên, bởi Lời phán ấy của Chúa mà Phao-lô được thỏa lòng trong những sự đau yếu, sỉ nhục, túng thiếu, và trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó. Vì Đấng Christ mà ông bị đau yếu, mỏi mòn thân xác, bị khinh khi, xúc phạm, chửi rủa, bị thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, bị bắt bớ, đánh đập, tù đày, và trong sự khốn khó trăm bề do những kẻ chống nghịch gây ra. Tất cả sự yếu đuối, khó nhọc mà Phao-lô đã nhận biết về bản thân, khiến ông càng tin kính Chúa, trông cậy càng hơn vào sức toàn năng của Ngài, thì ấy là lúc ông trở nên mạnh mẽ, kiên định phụng sự Chúa trong chức vụ của mình.

Lạy Chúa!

Phân đoạn Thánh Kinh này giúp con hiểu thêm về sự hy sinh lớn của Sứ Đồ Phao-lô trong chức vụ hầu việc Chúa trong mọi hoàn cảnh. Con học theo gương ông về sự thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì những sự đó sẽ qua đi sau khi con được rèn tập, thử thách, và con sẽ được bù đắp lại bằng sự sống đời đời cùng những phần thưởng Chúa ban nơi thiên đàng Ngài đã sắm sẵn. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Con, Đặng Thái Học

26/07/2023


Nguyễn Thị Lan
29/07/2023 06:25

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính thưa Cha Yêu Thương, con dâng lời cảm tạ và tôn vinh Đức Chúa Trời là Cha yêu thương đời đời của con. Ngài đã yêu thương loài người chúng con, Ngài đã làm mọi điều tốt nhất vì loài người chúng con. Yêu và tha thứ, hy sinh chuộc tội lỗi cho chúng con. Ngài yêu và lập nên ngày Sa-bát cuối tuần vì chúng con, để ban phước và ban cho loài người được nghỉ ngơi, làm những việc lành.

Thưa Cha, hôm nay con vui mừng, cảm động được đến với Lời Ngài, suy ngẫm phân đoạn tiếp theo, trong II Cô-rinh-tô 12:1-10, về Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô. Con kính xin Đức Thánh Linh dạy dỗ con ạ.

Trong phân đoạn này, Phao-lô tiếp tục khoe mình trong Chúa. Điều mà ông nhận biết chẳng lấy làm thuận lợi gì cho bản thân, bởi bản thân con người ban đầu nếu không có Chúa của ông, thì chẳng có gì đáng để khoe. Hơn nữa, sự khoe nếu không cẩn thận, cũng dễ khiến ông trở nên kiêu ngạo. Nhưng như những phân đoạn trước ông đã tâm tình, và tiếp đến là ở phân đoạn này, ông đã buộc phải khoe ra.

Có lẽ phần vì ông cảm biết mình không nên giữ lại những điều ông đã nhận được từ Chúa, ông khao khát được cho đi, được nói ra, được gây dựng. Phần vì lòng ông biết ơn Chúa, cảm động trước tình yêu Chúa.

Sau đây con xin ghi ra những điều Chúa dạy dỗ ở từng câu.

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.

Mở đầu phân đoạn, ông thẳng thắn bày tỏ sự đắn đo trong ông, nhưng cuối cùng ông đã quyết định đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa cho mình.

Ông khẳng định là đến từ Chúa. Vì có những khải tượng không đến từ Chúa, mà đến từ Ma Quỷ.

Khải tượng là những cảnh tượng diễn ra trong lúc đang thức. Mạc khải là sự được mở ra, vén ra, bày tỏ ra những điều mầu nhiệm kín giấu. Chúa đã cho Phao-lô thấy những khải tượng khi ông đang thức và thấy được những điều mầu nhiệm Chúa bày tỏ cho ông.

2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.
3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Chúa đã mạc khải cho riêng ông hiểu biết về Ngài, mình ông và Chúa biết. Câu 3: "Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết," con hiểu rằng trong con người xác thịt của ông thì ông không thể biết, cũng như ngoài thần trí nhận biết ra, ông cũng chẳng thể biết. Ông biết được Chúa là bởi thần của Chúa tác động trong thần trí. Điều này có Đức Chúa Trời biết ông, vì chính Ngài đã bày tỏ về mình cho ông.

Con hiểu chốn Ba-ra-bi là chốn vô cùng phước hạnh nơi tầng trời thứ ba, trong Chúa và trong Thiên Đàng, đẹp và hạnh phúc tựa như Vườn Ê-đen Chúa ban, vô cùng phước hạnh.

Điều đặc biệt là, sự Chúa bày tỏ này, Phao-lô lại không thể nói ra, cũng không được phép nói. Ông nhận biết Chúa không cho phép ông nói, cũng không ai được phép nói. Và ông đã làm y như vậy.

Thưa Cha, con cảm nhận được phần nào niềm vui thỏa ngập tràn trong lòng của Phao-lô, sự riêng mình với Chúa, những giây phút diễn ra thật tuyệt vời. Chỉ ai trong sự tương giao, trong tình yêu mới thật cảm nhận được sự ngọt ngào của tình yêu.

Con hiểu được rằng rất là đẹp, rất là mầu nhiệm, rất là tuyệt vời, tựa như khoảnh khắc thăng hoa của tình yêu, của mối ân tình giữa loài người với Thiên Chúa.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.

Phao-lô tâm sự rất rõ ràng rằng, ngoại trừ trong những sự đau yếu ra, ông sẽ không khoe chính mình, chỉ khoe Chúa.

6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.

Phao-lô cũng nói rõ ràng rằng, dẫu cho ông muốn khoe, cũng là nói ra sự thật; dẫu chẳng là sai, là ngu dại, nhưng tốt hơn là tránh không khoe, để tránh những sự hiểu nhầm chẳng đáng.

"Kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi": có ý không nói quá sự thật, thể hiện sự hết sức cẩn thận trong lời nói của Phao-lô.

Bài học con nhận được: Không phải sự thật nào cũng nên nói ra, cũng gây dựng. Cũng không phải sự thật nào cũng rõ ràng để nhận biết. Cần cẩn thận để nhận biết rõ ràng sự thật và nói trong lẽ thật, trong giới hạn cho phép của Chúa sao cho chân thật, gây dựng, đúng ý Chúa.

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Phao-lô nhận biết sự yếu đuối trong con người mình, về thuộc thể là những đau yếu thật khó có thể chịu đựng, mang nấy; về thuộc linh là những sự kiêu ngạo trong bản ngã linh hồn, cũng thật khó mình chiến thắng.

Ông chỉ có thể chiến thắng được khi hạ mình, nhận biết sự yếu đuối, tha thiết cầu xin Chúa giúp; để quyền năng Chúa, sức mạnh Chúa ở trong mình, giúp ông trở nên mạnh mẽ.

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.

Sự thật là Phao-lô đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi mình. Có lẽ ít nhất là ba lần theo trí nhớ của ông. Con hiểu con số ba còn mang nghĩa thể hiện sự hết lòng, thật lòng, tha thiết, mong muốn Chúa ban cho điều mình cầu xin.

9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Con hiểu rằng, về sự yếu đuối, về thuộc linh trong sự kiêu ngạo, thì Chúa đã đáp lời cất đi khỏi ông. Còn về thuộc thể trong những sự đau yếu trong xác thịt, thì Chúa đã để vậy, là tốt hơn cho ông, có lẽ để qua đó, ông biết nương cậy Chúa, để sức mạnh của Đấng Christ ngự trên ông.

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Cũng vì thế mà Phao-lô đã có được sự thỏa lòng trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì ông cảm biết được những sự yếu đuối trong con người xác thịt, cùng nghịch cảnh Chúa cho phép xảy đến là để ông rèn tập nếp sống nương cậy Chúa. Chính Chúa sẽ thêm sức để ông vượt qua, chiến thắng, trở nên mạnh mẽ, thỏa vui.

Chúa biến những điều không thể trở nên có thể; điều khó thành ra dễ; yếu trở nên mạnh; bất tiện khó chịu trở nên bình an, vui thỏa.

Con cảm tạ Chúa đã dạy dỗ con. Con xin Chúa gìn giữ con trong Lời Ngài. Gìn giữ con trong ngày Sa-bát hôm nay và gìn giữ con trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. Con xin Chúa cho con luôn biết nương cậy Chúa và thỏa lòng trong Chúa. A-men!

Xin Chúa giúp con học thuộc câu 9, 10 và áp dụng thành thạo vào nếp sống mình.

Con cảm tạ ơn Ngài!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
29/07/2023


Nguyễn Thị Thu Thủy
29/07/2023 17:07

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Lạy Cha kính yêu, con cảm tạ Chúa cho con thời gian học và ghi lại những điều con học được. Kính xin Chúa ban ơn, soi dẫn và dạy dỗ con!

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.

Con hiểu đối với Phao-lô việc khoe mình chẳng phải vì mục đích được lợi gì cho cá nhân ông. Vì vậy ông nói rằng sự khoe mình không mang lại sự thuận lợi gì cho ông cả. Sự khoe mình của ông là vì muốn giúp con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhìn nhận ra thế nào là sứ đồ thật, sứ đồ giả.

Phao-lô quyết định sẽ đề cập tới các khải tượng và sự mạc khải của Chúa. Qua sự giải thích của người chăn, con hiểu khải tượng là nhìn thấy sự vật, sự việc giống như mình thấy trong giấc mơ khi đang ngủ, nhưng khác là lúc đó mình đang thức. Sự mạc khải là Chúa bày tỏ cho người được Chúa ban cho khải tượng, để hiểu biết điều Chúa ban cho đó có nghĩa là gì.

2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.

Qua bài giảng của người chăn con hiểu người đó chính là Phao-lô, nhưng ông dùng cách nói vậy để tránh đi việc nói đến chính mình. Con hiểu ông đã khôn sáng khi làm vậy để nói về ơn Chúa ban cho mình. Con hiểu cách làm vậy tránh đi sự cám dỗ kiêu ngạo.

Chính Phao-lô được Chúa ban cho khải tượng trong lúc đang thức rằng ông được đem lên tới tầng trời thứ ba. Nhưng ông không biết ông trong thân thể xác thịt hay là ngoài thân thể xác thịt để được Chúa đem lên tới tầng trời thứ ba.

3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Phao-lô nhấn mạnh việc ông không biết mình được Chúa đem lên thiên đàng trong thân thể xác thịt hay là ngoài thân thể xác thịt. Chỉ Chúa là Đấng biết rõ nhất, Ngài đã đem ông đến chốn Ba-ra-đi như thế nào. Ông đã được nghe những lời phán từ nơi Chúa nhưng Chúa không cho phép ông nói ra cho ai.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.

Con hiểu Phao-lô muốn khoe về những khải tượng Chúa ban, chứ ông không muốn khoe ra những điều gì ông có. Nếu có khoe về mình thì ông muốn khoe về những sự đau yếu trong ông, và mọi sự ông làm được ấy là nhờ sự ban ơn, thêm sức của Chúa, không phải do sự tài giỏi của ông.

6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.

Con hiểu Phao-lô muốn nói, giả sử nếu ông muốn khoe về mình thì ông cũng không ngu dại mà nói quá lên, nhằm nâng cao giá trị bản thân. Nhưng ông chọn sẽ nói đúng sự thật, ông có thế nào thì ông nói đúng như vậy. Dầu vậy, nhưng ông cũng tránh đi sự khoe mình, bởi vì không phải ai cũng biết hết về Phao-lô, nên ông e rằng có người vì không biết rõ ông, nên nghĩ rằng lời khoe của ông là không chân thật.

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Phao-lô nhận biết, để ông không tự cao, lên mình kiêu ngạo bởi ông đã được Chúa ban cho nhìn thấy sự cao trọng qua khải tượng; thì Chúa đã cho phép ông có một cái dằm xóc vào thịt. Con hiểu có lẽ ông bị một căn bệnh nào đó trên thân thể, khiến cho ông có sự đau yếu. Ma quỷ dùng điều đó để tấn công ông, Chúa cho phép điều đó xảy ra, và Ngài không chữa lành cho ông. Phao-lô nhận biết điều đó là để cho ông không lên mình kiêu ngạo.

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Chính Phao-lô đã kêu cầu xin Chúa ba lần để sự đau yếu đó lìa khỏi ông. Nhưng ông nhận được câu trả lời từ Chúa rằng: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu.

Con hiểu rằng Chúa cho biết sự thương xót và ban ơn của Ngài trên ông là dư dật rồi, bởi vì chính trong sự đau yếu đó của ông, Ngài đã thêm sức cách trọn vẹn để ông vẫn làm tròn được những việc mà Chúa giao phó.

Vì Phao-lô nhận biết mục đích và ý nghĩa của sự kiện cái dằm xóc trên da thịt mình, nên ông vui lòng mà khoe về sự đau yếu trong ông, để tỏ ra sức mạnh của Đấng Christ trên ông.

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Con cũng là một người có bệnh trong thân thể mình mà dường như không thể chữa trị khỏi bởi thuốc. Vì vậy, con hiểu được nỗi lòng của Phao-lô khi ông cầu xin Chúa chữa lành cho mình. Nỗi niềm của người bị bệnh luôn là mong được cất khỏi mình sự đau đớn trên thân thể.

Nhưng lời phán của Chúa "ân điển của Ta đủ cho người rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu" khiến cho Phao-lô thỏa lòng. Và cảm tạ Chúa, con cũng được thỏa lòng bởi lời phán ấy của Ngài. Con hiểu vấn đề là ơn thương xót, sức mạnh của Chúa đã ban cho đủ để một người làm được các việc Chúa giao phó. Quả thật, như vậy là đủ rồi! Vậy thì đau yếu, sỉ nhục, túng thiếu, bách hại, khốn khó đâu còn là nan đề bận tâm. Hết thảy điều đó dầu khiến cho một người bị yếu đuối về thể xác, nhưng lại khiến cho họ được mạnh mẽ bởi họ được ban cho sức mạnh từ chính Đấng Christ.

Lạy Chúa! Con cảm tạ ơn Ngài về bài học hôm nay đã khích lệ, an ủi, nâng đỡ con nhiều! Nguyện kính xin Chúa ban cho con ghi nhớ bài học này, luôn thỏa lòng về sự đau yếu mà Chúa đặt để trên mình và luôn vui lòng mà khoe về sức mạnh của Chúa trên con. Con cảm tạ Ngài!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy
29/07/2023


Đồng Thị Nghĩa
31/07/2023 06:18

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Con kính lạy Cha của con ở trên trời! Giờ này con xin Ngài hướng lòng con về Ngài, xin Ngài giúp con tập trung trong sự suy ngẫm Lời Ngài và học hỏi được những điều ích lợi cho mình! Con cầu xin Đức Thánh Linh dạy dỗ con, dẫn dắt con vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa.

Thưa Cha, qua đoạn Thánh Kinh II Cô-rinh-tô 12:1-10, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô biết rằng sự khoe ra những điều tốt đẹp của mình thì chẳng có ích lợi gì cho ông. Vì vậy, ông chỉ khoe về những sự ông đã được chịu khổ vì Đấng Christ, khoe về ơn Chúa đã ban cho ông cách đặc biệt, đó là cho ông được thấy khải tượng về thiên đàng.

Thưa Cha, con thấy Sứ Đồ Phao-lô là một người thật nóng cháy trong tình yêu với Ngài, với Hội Thánh. Dù gặp biết bao khó khăn thử thách nhưng ông vẫn trung tín sống theo ý muốn của Ngài. Con hiểu rằng ông hết lòng như vậy bởi ông biết những phước hạnh ông sẽ nhận được nơi thiên đàng là chắc chắn. Ông biết như vậy vì ông được chính Đức Chúa Jesus mạc khải cho mình về Tin Lành, như đã được ông nói đến trong Ga-la-ti 1:11-12. Ông cũng đã chứng nghiệm được sự chân thật của Lời Chúa qua đời sống của mình, của những người lân cận ông. Cảm tạ Chúa vì Ngài cũng cho ông được lên thiên đàng, qua đó khích lệ ông vững vàng càng hơn trong đức tin.

Thưa Cha, nghĩ đến việc Sứ Đồ Phao-lô nhận được khải tượng về việc ông lên thiên đàng, con cũng rất mong con được thấy thiên đàng, con nghĩ giá như con được thấy thì tốt biết mấy, con cũng sẽ được khích lệ nhiều trong đức tin để hết lòng sốt sắng sống theo Lời Ngài. Nhưng con cũng tin rằng nếu con chưa thấy mà con vẫn cứ tin cậy vào Lời Chúa và cứ hết lòng sốt sắng sống theo Lời Ngài thì con càng có phước, vì như Lời Ngài có chép:

"Phước cho những ai chưa thấy mà đã tin!" (Giăng 20:29b).

Thưa Cha, dù con chưa bao giờ thấy Ngài nhưng con tin Ngài. Dù con chưa bao giờ thấy thiên đàng, nhưng con tin rằng ấy là nơi phước hạnh đầy tràn mà con sẽ đến nếu con hết lòng sống đẹp lòng Ngài, vì chính Lời Ngài trong Thánh Kinh đã bày tỏ cho con biết điều đó.

Con kính xin Cha ở cùng giữ gìn và tỉa sửa con để con nên trọn vẹn, sẵn sàng để được Đấng Christ đem con về với Ngài bất cứ khi nào. Con mong ước sớm đến ngày con trực tiếp được kinh nghiệm thiên đàng phước hạnh của Ngài. Được thỏa vui bên Ngài.

Con cảm tạ Cha cho con học hỏi được một số điều qua đoạn Thánh Kinh II Cô-rinh-tô 12:1-10. Kính xin Cha thương mà giúp cho những điều nguyện ước của con được làm thành.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Đồng Thị Nghĩa


Hồng Liên
31/07/2023 09:28

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lời cảm tạ Chúa. Nhờ ơn thương xót của Chúa mà việc làm lại hộ chiếu đã bị trộm lấy mất của con diễn ra một cách suông sẻ, con đã được cấp lại hộ chiếu mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Càng có nhiều chuyện xảy ra con càng kinh nghiệm sự chăm sóc đặc biệt của Chúa đối với người không đáng chi như con. Tình yêu thương của Chúa quá lớn lao, con cảm tạ Chúa!

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong II Cô-rinh-tô 12:1-10.

Lạy Chúa, con hiểu rằng không ai có thể nói chắc rằng cái dằm xóc vào thịt của Sứ Đồ Phao-lô là gì, nhưng chắc chắn đó là một sự đau đớn của thể xác. Cái dằm xóc vào thịt này là từ chính bản thân Sứ Đồ Phao-lô nói trong II Cô-rinh-tô 12:7: “Để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.”

Vì sự vĩ đại của những điều mạc khải mà ông đã được Chúa ban cho, ông cũng được ban cho một cái dằm đâm vào thịt khiến ông không thể tự tôn mình lên. Mặc dù Sứ Đồ Phao-lô cho biết rất ít về bản chất của “cái dằm” này (thứ mà ông cũng ám chỉ như một sứ giả từ Sa-tan), nhưng ông nói rõ rằng mục đích của nó là giúp đảm bảo sự khiêm nhường của ông. Sứ Đồ Phao-lô cầu xin Chúa rằng cái dằm này có thể biến mất, và Chúa nhiều lần từ chối yêu cầu của Phao-lô.

Câu trả lời của Đức Chúa Trời đối với Phao-lô được tìm thấy trong II Cô-rinh-tô 12:9: “Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.”

Lạy Chúa, con hiểu rằng Đức Chúa Trời đang nhắc nhở Sứ Đồ Phao-lô rằng sức mạnh đằng sau chức vụ của ông không phải là kinh nghiệm hay khả năng của Phao-lô, mà là khả năng và sự trung tín trong chức vụ và sống sót qua thời kỳ khó khăn vô cùng của Phao-lô, tất cả là do ân điển của Đức Chúa Trời. Ân điển của Chúa là đủ. Khi con dân Chúa yếu đuối, sức mạnh của Đức Chúa Trời càng thể hiện rõ hơn. Sứ Đồ Phao-lô có thể vui mừng và khoe khoang trong Đức Chúa Trời vì Phao-lô biết quyền năng mà Đức Chúa Trời ban trên đời sống của ông qua ân điển của Đức Chúa Trời. Sau đó, ông có thể tự hào về sức mạnh của Đức Chúa Trời, công nhận rằng ngay cả khi con dân Ngài yếu đuối, Đức Chúa Trời vẫn mạnh mẽ, Ngài tiếp thêm sức mạnh để con dân Ngài có thể chống chọi với bất cứ thử thách nào trước mắt.

Mục đích của cái dằm xóc này là để giúp cho Sứ Đồ Phao-lô khiêm nhường, không lên mình kiêu ngạo. Hơn thế nữa, những tai họa đến từ Sa-tan hoặc bởi sứ giả của nó, giống như Chúa cho phép Sa-tan hành hại Gióp (Gióp 1:1-12), là chính Chúa cho phép xảy ra với Phao-lô vì những mục đích tốt lành của Ngài và luôn luôn nằm trong ý muốn toàn hảo của Ngài.

Lạy Chúa, con có thể hiểu rằng Phao-lô xem cái dằm xóc này như là một chướng ngại vật trong việc mở rộng hơn hay làm chức vụ hiệu quả hơn (Ga-la-ti 5:14-16) và vì vậy mà ông đã ba lần cầu xin Chúa lấy nó ra: “Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi”.

Nhưng từ kinh nghiệm này Sứ Đồ Phao-lô đã học được một bài học và kinh nghiệm đó là: quyền phép thiêng liêng được bày tỏ một cách tốt nhất dựa vào hoàn cảnh của tình trạng yếu kém của con người (II Cô-rinh-tô 4:7) để chỉ mình Chúa được tôn cao (II Cô-rinh-tô 10:17). Hơn cả việc giải quyết vấn đề, Chúa đã ban cho ông ân điển và sức mạnh để vượt qua nó, và Ngài tuyên bố rằng ân điển đã “đủ” cho ông rồi.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. A-men!

Hồng Liên


Nguyễn Thị Mơ
31/07/2023 15:22

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính lạy Thiên Chúa Từ Ái của con!
Con đứng đây, phía trước là biển cả mênh mông, sáng sớm lác đác có vài người ra biển nên không gian thật yên tĩnh, từng cơn sóng lan nhẹ vào bờ với những âm thanh rì rào như một bản nhạc êm đềm dạo đầu khi mặt trời chưa lên. Nước biển xanh trong vắt nhìn thấy rõ những hạt sỏi nhỏ nằm len lỏi giữa nền cát mịn, ngước mắt lên là trời cao trong xanh, mây trắng bồng bềnh xếp chồng lên nhau như những núi mây cao thấp nhiều tầng thật là đẹp.

Con ít khi được đi xa, nên mỗi khi có dịp được ngắm phong cảnh với sông, núi, biển, trời, mây, nước là trong con lại xốn xang với nhiều cảm xúc. Con biết ơn Chúa thật nhiều, con cảm tạ ơn Ngài cho con biết rằng, tất cả những điều đẹp đẽ trong thiên nhiên quanh con là do Ngài tạo nên và con hạnh phúc khi nhận biết những điều tốt đẹp Ngài tạo nên kia là vì tình yêu Ngài đối cùng loài người trong đó có con. Con biết ơn Chúa vì cho con được ở trong Ngài, để con đi đâu, làm gì con cũng nhớ đến Chúa và thấy con thật phước hạnh trong địa vị làm con của Đấng Quyền Năng siêu việt nhưng lại yêu thương loài người nhỏ bé chẳng ra chi. Con cầu xin Chúa giờ này ở cùng ban ơn soi dẫn cho con hiểu được Lời của Ngài trong bài học. Con cảm tạ ơn Chúa và kính dâng lên Ngài sự hiểu của con trong II Cô-rinh-tô 12:1-10.

Kính thưa Chúa!
Con hiểu rằng, “khải tượng” là những sự kiện được thấy và nhận thức không phải bằng thân thể xác thịt nhưng bằng thân thể thiêng liêng trong tâm thần. Còn “sự mạc khải” là sự mở ra những sự mầu nhiệm để thấy được những sự việc sẽ xảy ra. Thiên Chúa ban cho con dân của Ngài thấy các khải tượng và Ngài mạc khải cho họ hiểu được những điều họ thấy.

Trong khải tượng, Phao-lô thấy mình được mang tới “tầng trời thứ ba”. Tầng trời thứ ba là cách gọi nơi ngự của Đức Chúa Trời trong thế giới thuộc linh và được gọi là "Ba-ra-đi" Vườn Vui Thỏa, chính là thiên đàng nơi có sự vui thỏa trọn vẹn trong Chúa.

Ở nơi đó, Phao-lô được Chúa cho thấy cảnh thiên đàng, được nghe: "Những lời không thể nói" là những lời Phao-lô nghe hiểu được nhưng không thể dùng ngôn ngữ của mình để diễn đạt lại, và "những lời không người nào được phép nói" là những gì Phao-lô đã nghe nhưng không được phép lặp lại vì đó là thánh ý của Thiên Chúa.

Những điều Phao-lô được thấy và nghe dù không được phép nói ra đó chắc chắn đã an ủi và khích lệ Phao-lô rất nhiều, điều đó còn ban cho ông sức mạnh để ông khoe về bản thân với những đau yếu của bệnh tật, những yếu đuối về thuộc linh, khi khó kiềm chế bản tính kiêu ngạo dễ có ở những người học cao hiểu rộng. Ông nhận thức cách rõ ràng về việc Chúa cho phép sự đau yếu xảy ra trên thân thể ông như một "Cái dằm xóc vào thịt", cái dằm đó chích vào da thịt mỗi ngày để nhắc nhở Phao-lô về ân điển Chúa ban cho ông khi thêm sức cho ông chịu đựng và thỏa lòng trong sự Chúa cho phép xảy ra, chứng minh quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa trong thân thể yếu đuối của những kẻ thuộc về Ngài.

Kính thưa Chúa!
Một người như Phao-lô mà Chúa còn cho phép bệnh tật xảy ra để giữ ông không phạm tội kiêu ngạo, cho con thấy sự kiêu ngạo trong lòng người nguy hiểm thế nào. Một lời khuyên răn, sửa phạt có làm cho cho con tự ái không đúng chăng. Một lời khen có làm cho con quên mất Đấng đã ban điều đó cho con chăng. Xin Chúa giúp con tra xét để nhận ra nó.

Tội kiêu ngạo vô cùng tinh vi, nó lừa dối khiến cho kẻ đang kiêu ngạo không nhận ra được rằng chính mình đang kiêu ngạo, bởi vậy con phải bám chặt vào Lời Chúa để Lời của Ngài chỉ ra và thánh hóa con, cho con nhận biết những điều không đẹp lòng Ngài.

Cầu xin Chúa qua Lời của Ngài trong bài học giúp con tra xét lại mình, xin Chúa giúp con nhận biết và quăng xa tất cả những gì cám dỗ khiến con trở nên kiêu ngạo. Xin Chúa ban năng lực để con chịu đựng những bệnh tật, sỉ nhục, những khó khăn Ngài cho phép xảy ra để sức mạnh của Ngài được bày tỏ qua sự chịu đựng trong thân thể yếu đuối này của con. A-men!

Con kính dâng lên Chúa lời cảm tạ đã ban ơn cho con khi con suy ngẫm Lời của Ngài.

Mọi vinh quang, tôn quý, quyền phép đều thuộc về Thiên Chúa cho tới đời đời vô cùng. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ!
Con, Nguyễn Thị Mơ
Ngày: 28/07/2023


Hoàng Thị Hồng
02/08/2023 11:05

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con ở trên các tầng trời!

Con dâng lời tạ ơn Chúa vì con lại tiếp tục được học Lời Chúa trong II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô. Nguyện Chúa ban ơn soi dẫn cho con hiểu được sự dạy dỗ của Ngài.
Con xin ghi ra sự suy ngẫm của con như sau:

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.

Sứ Đồ Phao-lô đã thuật lại nhiều sự khổ nạn trong hành trình truyền giáo của mình, và ông đã khẳng định rằng điều khoe mình đó chẳng ích lợi gì cho ông là một sứ đồ chân thật của Đấng Christ, mà chỉ nên có là để tôn vinh Chúa qua quyền năng, sức mạnh Ngài ban trên sự yếu đuối của ông, và vì lợi ích của Tin Lành cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, để họ phân biệt sự chân thật của người hầu việc Chúa mà không bị dẫn dụ sai lạc. Còn nếu sự khoe mình để tìm vinh quang cho bản thân thì là một sự thất thiệt, dại dột vì tỏ ra là người mang danh hầu việc Chúa. Nên sau khi kể ra biết bao sự khổ nạn đau đớn vì Đấng Christ, thì Sứ Đồ Phao-lô nói về các sự khải tượng và mạc khải Chúa cho ông thấy.

2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.
3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Phao-lô đã kể lại cách đó mười bốn năm trước khi ông viết thư này, ông đã được đem lên tới tầng trời thứ ba, là nơi Đức Chúa Trời ngự, trong sự mạc khải là lúc tâm thần ông tỉnh thức nhưng thân xác thì không biết đang ở trạng thái ngủ hay đang ngất lịm vì bị đòn roi tra tấn. Điều này con không thấy Sứ Đồ Phao-lô nói đến, nhưng con hiểu có thể trong lúc ông bị đánh đập bức hại quá mức chịu đựng của thân xác con người bình thường thì trong tâm thần ông nhận được khải tượng Chúa ban cho để an ủi, thêm sức, khích lệ ông trong lúc gian nan đó, và cũng là phần thưởng Chúa dành cho riêng ông đang khi ông chưa kết thúc sứ mệnh của mình, chính vì vậy mà ông đã không được phép nói khi đã nghe những lời trên chốn Ba-ra-đi là nơi khu vườn vui thỏa. Là nơi mà con dân Chúa sẽ được về đến, sau sự chung cuộc của mỗi người. Con cảm tạ ơn Chúa khi suy ngẫm đến sự này, con càng biết ơn Ngài vì Ngài luôn đồng hành cùng con dân Ngài trong mọi lúc, mọi nơi và Ngài sẽ mở lối cứu giúp khi thấy chúng con đuối sức, nhờ vậy chúng con dạn dĩ bước tiếp những chặng cuối về Nhà Chúa mà không nao núng như Lời Chúa đã dạy trong Thi Thiên 23:4.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.
6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.

Sứ Đồ Phao-lô đã không khoe ra sự gì khác ngoài sự yếu đuối của con người xác thịt, nó đang hư hao vì thời gian, vì những di chứng của những sự tra tấn đánh đập, và sự tàn tạ bởi sự thiếu khó ông phải chịu đựng trong hành trình truyền giáo của ông, mặc dù được đưa đến chốn Ba-ra-đi, được nghe những lời Chúa phán riêng, hay trải qua những sự khổ nạn cùng cực thì ông vẫn giữ mình, kể ra những sự ấy để nhấn mạnh ơn quan phòng của Chúa, để tôn vinh Chúa để cho mọi người thấy luôn có sự hiện diện của Ngài trên con dân Ngài, chứ không phải để tôn vinh bản thân mình, đó là điều Phao-lô có và để lại bài học cho con.

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Khi Sứ Đồ Phao-lô được cất lên chốn tầng trời thứ ba, được nghe những lời không được phép nói. Con hiểu ông được diện kiến và nghe trực tiếp Chúa phán, đó là một vinh dự cao trọng, ông sẽ dễ bị cám dỗ kiêu ngạo, nhưng Chúa đã cho phép sự đánh phá của Sa-tan là cái dằm xóc, nó xuất hiện làm ông khó chịu như một sự nhắc nhớ ông phải luôn trong sự tương giao với Chúa để Chúa thêm sức cho ông chịu đựng.

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Cái dằm xóc ở trên ông hẳn nó đã luôn gây nhiều trở ngại trong đời sống của Phao-lô, cho nên ông đã cầu xin Chúa cho lìa khỏi ông, nhưng Ngài đã lắng nghe lời cầu xin của ông và ban cho theo thánh ý Ngài, và đó là sự trả lời tốt nhất cho ông. Chúa phán với ông: “Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu”, Ngài nói rằng Ngài không cất khỏi ông cái dằm xóc nhưng Ngài ban cho ông ân điển, để ông chịu đựng được, Chúa ban cho Phao-lô sức mạnh trong sự yếu đuối của ông.
Nên khi thân thể xác thịt của ông yếu đuối thì năng quyền của Đấng Thần Linh hành động trên ông.

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Cảm tạ Chúa, Sứ Đồ Phao-lô đã vui nhận sự trả lời của Chúa trên nan đề của ông, ông đã tiếp nhận ân điển của Chúa với lòng cảm tạ, ông khoe về sự yếu đuối chứ không lên mình khi thấy các khải tượng, ông giữ riêng cho mình với Chúa để không gây vấp phạm cho chính ông cũng như những người nếu được nghe mà thần tượng ông. Để cho thấy Đức Chúa Trời dùng người yếu đuối hầu việc Ngài, vì khi họ yếu đuối thì họ biết nương cậy vào Đức Chúa Trời, để sức mạnh Ngài đầy trọn trong sự yếu đuối của loài người.

Con cảm tạ Chúa vì ân điển của Ngài luôn dư dật và Ngài cũng ban dư dật cho những ai muốn tiếp nhận, nguyện Chúa ban cho con học và áp dụng sự khiêm nhường của Sứ Đồ Phao-lô, để trong những nan đề con dâng trình lên Chúa, con tìm được sự vui thỏa khi Ngài đáp lời kêu cầu của con không theo ý con cầu xin, nhưng theo thánh ý Cha.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Hoàng Thị Hồng
02/08/2023


Bùi Văn Vũ
02/08/2023 22:13

II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Kính Yêu của con. Cảm tạ ơn Ngài vì khi sống ở giữa thế gian này, con được ban cho Lời của Ngài. Để con biết điều đúng sai, phải trái, để con có năng lực để sống đẹp lòng Ngài. Thưa Cha! Giờ này con suy ngẫm Lời Ngài và ghi lại ý hiểu của con về đoạn Thánh Kinh II Cô-rinh-tô 12:1-10. Con xin Đức Thánh Linh soi dẫn và dạy dỗ con. Con cảm tạ ơn Ngài.

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.
2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.
3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Thưa Cha! Ông Phao-lô bày tỏ rằng, sự khoe mình chẳng giúp ích được gì cho ông, bởi ông biết mọi điều ông làm được đều bởi sự ban ơn, thêm sức của Chúa. Ông sẽ nói về một sự mầu nhiệm hơn đó chính là các khải tượng và sự mạc khải của Chúa.

Con hiểu rằng, "khải tượng" là sự nhìn thấy đang khi còn tỉnh thức. Có thể là sự nhìn thấy bằng con mắt xác thịt mà cũng có thể là sự nhìn thấy trong thần trí.

"sự mạc khải” có nghĩa đen là sự mở ra, như sự vén màn trên sân khấu, phơi bày cho thấy những gì trước đó bị tấm màn che giấu.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, ông Phao-lô đã được Chúa cất lên tầng trời thứ ba là thiên đàng nơi mà Thiên Chúa đang ngự, ông được Chúa cho thấy những khải tượng mà ông không được phép nói ra, có lẽ đây là những sự mà Chúa an ủi ông, trước những khó khăn hoạn nạn mà ông gặp phải trên bước đường rao giảng Tin Lành của Chúa.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.
6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.
7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Con hiểu rằng ông Phao-lô sẽ khoe về sự mầu nhiệm của khải tượng mà Chúa đã mạc khải cho ông. Nhưng còn về phần ông, ông sẽ không khoe về mình, ngoài khoe sự đau yếu mà Chúa cho phép xảy ra trên đời sống của ông. Những gì ông khoe hoàn toàn sự thật để mang lại sự ích lợi cho con dân Chúa, chứ không phải vì để tôn cao ông lên.

Chúa biết tấm lòng ông đối với Chúa, ông đã chịu nhiều khó khăn, vất vả, hoạn nạn nên Ngài đã an ủi ông bằng việc cho ông thấy những khải tượng cao trọng. Nhưng Chúa cũng biết ông dễ lên mình kiêu ngạo trước sự cao trọng lớn của khải tượng, nên Ngài cho ông một cái dằm xóc, có lẽ là một chứng bệnh trên cơ thể ông.

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Thưa Cha! Trong sự đau yếu bệnh tật, ông Phao-lô đã cầu xin Chúa cất khỏi ông. Nhưng ông được Chúa phán rằng trong sự đau yếu, Ngài đã thêm sức cho ông để ông chịu đựng được. Ông biết được ý muốn của Chúa trên ông, bởi vậy ông đã vui lòng khoe mình trong sự đau yếu đó, để sức mạnh của Chúa ngự trên ông.

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ. 

Qua sự đau yếu bệnh tật, ông biết Chúa luôn bên cạnh gìn giữ thêm sức cho ông, bởi vậy trước những sự sỉ nhục, túng thiếu, sự bách hại, sự khốn khó vì Đấng Christ, ông luôn bình an và thỏa lòng bởi ông biết rằng trong những hoàn cảnh khiến ông yếu đuối, thì đó là lúc ông mạnh mẽ, bởi sức mạnh của Chúa trọn vẹn trên ông.

Con hiểu rằng trên bước đường theo Chúa, những sự Chúa cho phép xảy ra đều là ích lợi cho con dân Chúa. Bởi chỉ có Chúa biết điều gì là tốt nhất cho con dân Chúa.

Thưa Cha! Trong đoạn Thánh Kinh hôm nay con học được rằng, trong bước đường theo Chúa, con cũng sẽ gặp những khó khăn, thử thách, đau yếu bệnh tật tùy vào lượng đức tin của con với Ngài, bởi không có sự khó khăn thử thách nào vượt quá sức chịu đựng của con.

Sự khó khăn thử thách, xảy ra là để con được rèn tập. Sự đau yếu bệnh tật xảy ra khi con cầu xin mà không hết thì đó là sự Ngài cho phép xảy ra để gìn giữ con.

Bởi vậy, con học được rằng, phải luôn vui thỏa trong mọi sự Ngài cho phép xảy ra đối với con, bởi đó là những điều tốt nhất Ngài dành cho con. Con cảm tạ ơn Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Bùi Văn Vũ
02/08/2023


Huỳnh Christian Priscilla
07/08/2023 13:37

Huỳnh Christian Priscilla: II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Con cảm tạ Cha đã chăm sóc, bảo vệ con mỗi ngày để con được bình an và vui thỏa trong Ngài. Nguyện Lời Chúa thánh hóa con. Con cầu xin Đức Thánh Linh soi sáng trong tâm thần con và ban cho con thêm sự hiểu biết về Lời Hằng Sống của Ngài. Con cảm tạ Đức Thánh Linh.

Lạy Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về II Cô-rinh-tô 12:1-10, nói về khải tượng và cái dằm xóc của Phao-lô.

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.

Câu 1: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô biết rõ, sự khoe mình của ông, dù là khoe mình trong Chúa, chẳng mang lại điều thuận lợi gì cho ông. Nhưng ông phải khoe ra để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô có sự nhận biết đúng về ông và chức vụ sứ đồ. Nhờ đó, họ không bị dụ dỗ bởi các giáo sư giả. Sứ Đồ Phao-lô nói đến các khải tượng, tức là các sự Chúa cho ông nhìn thấy bởi tâm thần, và nói đến các sự mạc khải, tức là các sự do chính Chúa giãi bày cho ông được hiểu về các khải tượng ấy. Sứ Đồ Phao-lô muốn khoe về khải tượng Chúa ban cho ông để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô được vững vàng trong đức tin về những lời giảng dạy của ông. Phao-lô muốn họ hiểu rằng, những lời giảng dạy của ông đến từ Chúa, đem lại sự vui mừng và phước hạnh cho những ai tin nhận.

2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.

Câu 2: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô là người khiêm nhường không muốn tự khoe mình, nên đã thuật lại cách gián tiếp về sự ông được Chúa đưa ông vào trong thiên đàng. So với lúc ông đang viết thư thì sự việc đã xảy ra vào lúc mười bốn năm trước. Sứ Đồ Phao-lô không biết chắc ông đã được đem lên thiên đàng trong thân thể xác thịt hay ngoài thân thể xác thịt. Ngoài thân thể xác thịt có nghĩa là được cất lên trong thân thể thiêng liêng là tâm thần. Theo lý trí thì ông biết thân thể vật chất xác thịt không thể vào thiên đàng. Nhưng theo thần trí thì ông thấy mình vẫn có một thân thể khi được ở trong thiên đàng. Con hiểu rằng, tầng trời thứ ba chính là thiên đàng.

3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Câu 3 và 4: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô một lần nữa, nhắc lại, ông không biết được ông vào thiên đàng trong thân thể xác thịt hay ngoài thân thể xác thịt, nhưng ông biết chắc, ông đã được vào thiên đàng. Con hiểu rằng, "Ba-ra-đi" là một danh từ khác để gọi thiên đàng. Trong thiên đàng, Phao-lô đã được nghe những lời không thể nói được và cũng không người nào được phép nói. Nhưng có lẽ Chúa đã ban ơn cho Phao-lô hiểu ý nghĩa của những lời ấy.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.

Câu 5: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô chỉ muốn khoe về sự một người được Chúa ban ơn cho vào thiên đàng, để chứng minh sự có thật của Thiên Chúa và thiên đàng, nhưng ông không muốn nhấn mạnh về bản thân. Nếu cần thiết khoe về bản thân thì Phao-lô chỉ muốn khoe ra sự đau yếu của mình để chứng tỏ những gì ông làm được là bởi năng lực của Thiên Chúa.

6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.

Câu 6: Con hiểu rằng, dù cho Sứ Đồ Phao-lô muốn khoe mình về bản thân thì ông không khoe cách dại dột, tự đề cao bản thân như những giáo sư giả không thuộc về Chúa. Khi cần phải khoe mình trong Chúa thì ông sẽ nói lên sự thật về con người yếu đuối của mình và khoe ra ân điển của Chúa trên ông, nhưng ông tránh không khoe mình. Ông không muốn vì sự khoe mình của ông mà có người đánh giá ông quá cao.

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Câu 7: Con hiểu rằng, sau khi Phao-lô thấy khải tượng được lên thiên đàng, Sa-tan đã tấn công Phao-lô, khiến cho ông bị một chứng tật bệnh nào đó trong thân thể xác thịt của ông. Nhưng Chúa cho phép điều đó xảy ra để giúp Phao-lô luôn hạ mình, khiêm nhường. Vì thế, Phao-lô không tự lên mình kiêu ngạo về đặc ân Chúa ban cho ông được nhìn thấy các khải tượng về thiên đàng, là sự mầu nhiệm và vinh quang của những gì ông đã được thấy và nghe trong thiên đàng.

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Câu 8 và 9: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô đã ba lần cầu xin Chúa cất khỏi sự đau yếu đó trong xác thịt ông. Chúa đáp lời cầu xin của ông rằng, Ngài ban cho ông có sức để chịu đựng sự khó khăn do tật bệnh đem tới. Vì vậy, Phao-lô đã vui lòng chịu đựng sự đau yếu của xác thịt bằng ân điển của Chúa, để cho sức mạnh của Chúa tuôn đổ trong đời sống của ông, giúp cho ông tiếp tục làm tròn mọi bổn phận của ông.

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Câu 10: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô nhận lãnh lời phán của Chúa trên đời sống của ông. Phao-lô thỏa lòng với bất cứ sự gì Chúa cho phép xảy ra trong đời sống của ông: yếu đuối vì bệnh tật, bị sỉ nhục, bị khinh chê, bị đánh đập, bị ghét bỏ, bị túng thiếu dù đã lao nhọc kiếm sống, bị bách hại, bị chống đối, bị đối xử bất công... Con hiểu câu: “Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ” có nghĩa là khi Sứ Đồ Phao-lô nhận biết về sự yếu đuối của ông và chấp nhận là mình yếu đuối, thì khi đó sức toàn năng của Chúa đổ đầy trên ông, ban năng lực cho ông, khiến cho thân thể xác thịt của ông có sức mạnh làm thành mọi công việc Chúa đã sắm sẵn cho ông. Vì vậy mà Phao-lô chỉ muốn khoe về sự yếu đuối của mình và khoe về ân điển của Chúa ban cho ông.

Con cảm tạ Cha về bài học hôm nay, về sự khiêm nhường không khoe mình của Sứ Đồ Phao-lô, về ân điển Ngài ban cho ông được có khải tượng vào trong thiên đàng phước hạnh, về sự thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ dù bị yếu đuối trong xác thịt. Con cảm tạ Cha đã dùng Phao-lô làm tấm gương sáng cho con dân của Ngài, để chúng con bắt chước ông, sống đời sống thỏa lòng, chịu khổ vì danh Chúa, làm tôn vinh danh Thiên Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Priscilla


Huỳnh Christian Timothy
07/08/2023 13:40

Huỳnh Christian Timothy: II Cô-rinh-tô 12:1-10 Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Mỗi một ngày trôi qua trong đời sống con, con đều được ở trong sự quan phòng của Ngài. Con vui thỏa được sống trong tình yêu và ân điển của Ngài. Nhưng con mong mau tới ngày Đấng Christ đến để con sớm được ra khỏi thế gian đầy dẫy tội lỗi và thân xác ngày càng yếu đuối này. Con cầu xin Đấng Christ thêm sức mới cho con. Con cầu xin Đức Thánh Linh giữ cho con luôn được khôn sáng. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về II Cô-rinh-tô 12:1-10, như sau:

1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.

Câu 1: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô muốn nói, ông không có ý khoe mình, vì ông biết rõ, sự khoe mình chẳng đem lại sự thuận lợi gì cho ông trong chức vụ. Phao-lô biết sự khoe mình dù là khoe mình trong Chúa cũng có khi làm trở ngại cho chức vụ của ông. Vì nó có thể khiến cho con dân Chúa hiểu lầm, cho rằng, ông kiêu ngạo; hoặc khiến cho kẻ thù của ông càng ganh ghét hơn và càng tìm cách hãm hại ông hơn. Nhưng khi cần, Phao-lô vẫn phải khoe mình vì lợi ích của con dân Chúa. Vì thế, Phao-lô muốn nói đến các khải tượng và các sự mạc khải Chúa đã ban cho ông. Ông mong rằng, sự chia sẻ của ông sẽ giúp cho con dân Chúa hiểu rằng, mọi sự giảng dạy của ông là đến từ Thiên Chúa.

2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.

Câu 2: Con hiểu rằng, Phao-lô đang nói đến chính ông, nhưng ông không trực tiếp xưng nhận là ông. Phao-lô muốn tránh tạo ra sự hiểu lầm cho người nghe, rằng ông có ý muốn khoe khoang ông là người đầy ơn, được Đức Chúa Trời cư xử cách đặc biệt. Mười bốn năm trước có lẽ là lúc Phao-lô đang trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất và bị dân Do-thái ném đá gần chết, tại thành Lít-trơ, xứ Li-cao-ni. Có thể trong lúc gần chết đó, Chúa đã an ủi và khích lệ ông bằng cách đem ông vào thiên đàng. Phao-lô không nhận thức được ông vào thiên đàng với thân thể xác thịt hay không. Nhưng qua Lời Chúa, con hiểu rằng, thân thể xác thịt chưa được phục sinh hoặc chưa được biến hóa thì không thể vào thiên đàng. Vậy, Phao-lô đã vào thiên đàng trong thân thể thiêng liêng là tâm thần. Con hiểu tầng trời thứ ba là tầng trời thuộc linh, là thiên đàng, là nơi ngự của Thiên Chúa. Tầng trời thứ ba ở bên ngoài tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của địa cầu và tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la trong vũ trụ của thế giới thuộc thể.

3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]

Câu 3 và 4: Con hiểu rằng, Phao-lô nhắc lại lần nữa, ông không biết mình vào thiên đàng trong hay ngoài thân thể xác thịt có lẽ là vì khải tượng ông nhìn thấy và nghe được rất là sống động. Sự sống động ấy khiến cho ông có cảm nhận như ông đang kinh nghiệm mọi sự ấy trong thân thể xác thịt, trong khi ông hiểu rằng, thân thể xác thịt hiện tại thì không thể vào được thiên đàng. Nhưng ông cũng biết là Thiên Chúa có quyền làm ra mọi sự Ngài muốn, nếu Ngài muốn đem thân thể xác thịt của ông vào thiên đàng thì Ngài sẽ làm. Vì vậy, ông nói, chỉ có Đức Chúa Trời mới biết là ông được vào thiên đàng trong hoặc ngoài thân thể xác thịt. Nếu ông vào thiên đàng ngoài thân thể xác thịt thì ông đã vào trong thân thể thiêng liêng là tâm thần, như Sứ Đồ Giăng đã vào thiên đàng trong khi có khải tượng để viết sách Khải Huyền.

Con hiểu rằng, danh từ Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa hoặc Vườn Hạnh Phúc, được dùng để chỉ bất cứ nơi nào con dân Chúa được sống vui thỏa, hạnh phúc trong Chúa. Như Ba-ra-đi trong âm phủ trước khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh, như nơi Thiên Chúa ngự là thiên đàng, như Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời Đời sắp đến. Quan trọng hơn hết là tấm lòng của mỗi con dân Chúa có đức tin vững vàng nơi Ngài cũng chính là một Ba-ra-đi.

Con hiểu rằng, Phao-lô đã được nghe và hiểu những sự mầu nhiệm khi ông ở trong thiên đàng. Nhưng Phao-lô không thể lập lại những gì mà ông nghe. Có thể đó là một ngôn ngữ Phao-lô được ban cho sự thông hiểu nhưng không được ban cho sự nói. Dù Phao-lô hiểu những gì ông nghe nhưng ông không được phép nói lại, dù là nói lại trong các ngôn ngữ loài người mà ông biết. Vì đó là sự mạc khải dành riêng cho ông để khích lệ ông, thêm đức tin cho ông. Con cũng mong ước được có khải tượng như Phao-lô. Nhưng con cũng hiểu rằng, không còn bao lâu nữa, Đấng Christ sẽ đón con vào trong thiên đàng với thân thể xác thịt đã được biến hóa, vinh quang, bất tử. Con nôn nao mong chờ ngày ấy.

5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.
6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.

Câu 5 và 6: Con hiểu rằng, Phao-lô muốn nói cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô biết, ông không muốn khoe khoang về bản thân mình mà ông chỉ muốn khoe về sự kiện có người được Chúa ban cho khải tượng về thiên đàng. Sự khoe của Phao-lô là khoe về một sự kiện có thật chứ không phải khoe về giá trị của bản thân ông. Không phải khoe rằng, ông được Chúa đối xử đặc biệt hơn những người khác. Nếu phải khoe về chính mình thì Phao-lô chỉ khoe ra sự yếu đuối trong xác thịt của ông. Chứ ông không khoe khoang những điều mà ông đã xem như rác, như phân và đã từ bỏ chúng để đi theo Chúa, như lời ông đã tâm tình với con dân Chúa tại Phi-líp (Phi-líp 3:8). Khi cần khoe mình, Phao-lô sẽ chỉ nói lên sự thật ông là người hèn mọn hơn hết trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, và ông cũng nhận mình là người thấp hèn hơn hết trong tất cả các thánh đồ, tức là trong hết thảy con dân Chúa, như ông đã viết trong I Cô-rinh-tô 15:9 và trong Ê-phê-sô 3:8. Phao-lô cố giữ không khoe mình, dù là khoe mình trong Chúa, để tránh sự có người vì thấy Chúa ban ơn cho ông nhiều mà tôn sùng ông.

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.

Câu 7: Con hiểu rằng, sau khi Phao-lô được thấy khải tượng trong thiên đàng thì ông đã bị Sa-tan tấn công, gieo cho thân thể ông một chứng tật bệnh nào đó. Nhưng chính Thiên Chúa cho phép điều đó xảy ra và dùng đó để giữ cho Phao-lô không lên mình, kiêu ngạo. Con nghĩ rằng, một người đã từ bỏ mọi sự vinh hoa, phú quý, danh tiếng, chịu khổ theo Chúa và phụng sự Chúa như Phao-lô mà Chúa còn cho phép Sa-tan tấn công ông để giữ cho ông không kiêu ngạo thì rõ ràng, sự kiêu ngạo là nan đề rất lớn trong đời sống của con dân Chúa. Thực tế, con vẫn nhìn thấy sự kiêu ngạo nắm bắt nhiều con dân Chúa trong Hội Thánh.

Con cảm tạ Cha đã dùng quá khứ tội lỗi rất xấu xa của con để giữ cho con không kiêu ngạo. Con cũng có các sự đau yếu, tật bệnh trong thể xác mà đã nhiều lần con cầu xin được chữa lành nhưng không được chữa lành. Như chứng ho dai dẳng của con từ khi gia đình con vâng theo sự dẫn dắt của Cha, chuyển về sống ở Texas đã gần 14 năm nay. Mấy năm gần đây thì mắt của con cũng yếu vì chứng cận thị nhưng thị lực lại thay đổi khác nhau trong ngày, lúc thì không cần mang kính, lúc thì phải mang kính với độ thấp, lúc thì phải mang kính với độ cao. Và trên hết là chứng mau mệt, không lao động lâu dài được, phải thường xuyên nghỉ mệt, và không còn khuân vác nặng được. Dù các tật bệnh đó khiến con không được thuận tiện trong sinh hoạt, nhưng con vững tin nơi Thiên Chúa, nơi Lời Chúa, và càng khiến con giữ mình khiêm nhường, mong chờ ngày Đấng Christ đến càng hơn. Con cầu xin Cha giúp cho mỗi con dân của Ngài luôn nhớ đến bài học vỡ lòng của người đến với Thiên Chúa là phải học theo Đấng Christ, trở nên nhu mì và khiêm nhường như Đấng Christ.

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.

Câu 8 và 9: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô đã ba lần kêu cầu Đấng Christ, xin Ngài chữa lành ông. Tuy nhiên, mục đích của Ngài là dùng sự tấn công của Sa-tan giúp cho Phao-lô luôn nhớ đến sự yếu đuối của ông để ông hoàn toàn không có một ý tưởng kiêu ngạo nào. Sa-tan muốn làm khổ Phao-lô nhưng Chúa dùng sự làm khổ ấy để thể hiện rằng, ân điển của Ngài và đức tin của Phao-lô lớn hơn năng lực của Sa-tan. Phao-lô còn được rèn luyện trong sự chịu khổ mà vui lòng, vì biết đó là ý muốn của Thiên Chúa dành cho mình. Con học được rằng, không có một sự đau đớn nào trong thể xác mà con dân Chúa không thể vượt qua, nhờ sức mạnh của Đấng Christ. Khi con dân Chúa công nhận sự yếu đuối của mình thì ân điển của Đấng Christ khiến họ trở nên mạnh mẽ. Ân điển của Đấng Christ lúc nào cũng có đủ cho con dân Chúa.

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Câu 10: Con hiểu rằng, khi một người nhận biết mọi sự xảy ra trong đời sống của mình đều nằm trong thánh ý của Thiên Chúa thì người ấy sẽ luôn vui mừng trong mọi cảnh ngộ. Người ấy xem mỗi cảnh ngộ Thiên Chúa cho phép đến trong đời sống mình là một cơ hội để mình được rèn luyện, khiến mình ngày càng giống Đấng Christ càng hơn. Chính vì thế mà Sứ Đồ Phao-lô đã khuyên con dân Chúa, trong thư gửi cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca: "Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em." (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Và trong thư gửi cho Hội Thánh tại Phi-líp: "Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn! Tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng!" (Phi-líp 4:4).

Thưa Cha, con cảm tạ Cha về bài học này. Xin Cha giúp con biết áp dụng sự hiểu của mình vào trong cuộc sống. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy


Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ