Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Hôm nay, ngày 14/09/2023, trong ân điển của Thiên Chúa, chúng ta hãy vui mừng, cùng nhau đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong Ê-phê-sô 4:1-7.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.
4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.
7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Tiếng gọi mà con dân Chúa đã được gọi là tiếng gọi gì (câu 1)?
2. "Sự ràng buộc của hòa bình" là sự gì? Sự hiệp một của Đấng Thần Linh là sự hiệp một như thế nào (câu 3)?
3. Các câu sau đây có nghĩa gì: Chỉ có một thân thể. Chỉ có một thần trí. Chỉ có một Chúa. Chỉ có một đức tin. Chỉ có một phép báp-tem. Chỉ có một Thiên Chúa (câu 4-6)?
4. Có sự khác biệt nào giữa: "trên mọi sự", "giữa mọi sự", và "trong tất cả các anh chị em" (câu 6)?
5. Tại sao Đấng Christ đã ban ân điển cho mỗi người với mức độ khác nhau (câu 7)?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Bạn có đối với anh chị em cùng Cha với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu?
2. Bạn có nhận biết những ân điển Đấng Christ đã ban cho bạn?

Tham Khảo:

https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-e-phe-so-4_1-16/

Có 23 bài chia sẻ trong chủ đề này:
Nguyễn Christian Grace
15/09/2023 13:17

Suy Ngẫm Ê-phê-sô 4:1-7

Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Thiên Chúa kính yêu của chúng con ở trên trời!
Thưa Cha, con xin kính dâng lời tạ ơn sự quan phòng, chăm sóc, yêu thương và gìn giữ của Cha trên đời sống của chúng con. Thì giờ này, Cha lại ban cho con có được sức khỏe và thời gian đến với Lời Ngài. Nguyện kính xin Cha thêm sức và dạy dỗ con giúp con hiểu được Lời Ngài và biết áp dụng Lời Ngài vào đời sống. Con xin cảm tạ ơn Cha!

Kính thưa Cha,
Con xin kính dâng lên Cha sự hiểu của con về Lời Cha được chép trong sách Ê-phê-sô 4:1-7 như sau:

Câu 1 đến câu 3:
“Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi, với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.”

Kính thưa Cha,
Con hiểu Phao-lô trong bổn phận một người hầu việc Tin Lành Đấng Christ khuyên con dân Chúa ở tại Ê-phê-sô hãy có nếp sống đạo xứng đáng với địa vị mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ, sống xứng đáng với Đấng Christ là Đấng đã gọi họ đến với Ngài, học theo Ngài và bước đi theo Ngài để nhận được ơn cứu rỗi, để trở nên những chứng nhân cho Ngài và để trở nên những vua, những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha Ngài.
Đời sống của một người bước đi theo Chúa, chính là chết đi con người cũ và mặc lấy con người mới đã được dựng nên mới trong Đấng Christ Jesus, là mặc lấy năng lực mà Đấng Christ đã ban cho để học theo Ngài, bước đi như Ngài đã bước đi, sống như Ngài đã sống trong sự công chính, thánh khiết, yêu thương. Con hiểu đây cũng chính là ý muốn của Thiên Chúa trên mọi con dân của Ngài trải qua các thời đại trong Hội Thánh. Vì thế Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa sống một nếp sống xứng đáng với lời kêu gọi của Chúa bắt đầu từ sự khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, để cùng giúp nhau vượt qua những thử thách cám dỗ, những khó khăn hoạn nạn, những yếu đuối lầm lỡ và sa ngã trên linh trình theo Chúa và hầu việc Chúa. Chính sự khoan nhẫn, nhu mì, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu là dây liên lạc của sự trọn lành giúp gìn giữ lẫn nhau trước sự tấn công của ma quỷ và gìn giữ sự hiệp một giữa vòng Hội Thánh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con dân Chúa thỏa hiệp và dung túng với tội lỗi, nhắm mắt làm ngơ hoặc nhân danh tình yêu để vỗ về lấy lòng lẫn nhau, khiến cho tội lỗi âm thầm lây lan và phát triển trong Hội Thánh như chùm bao ăn lan, như một chút men làm dậy cả đống bột. Vì chính Phao-lô đã từng lớn tiếng quở trách Sứ Đồ Phi-e-rơ giữa Hội Thánh, khi Phi-e-rơ có nếp sống giả hình khiến cho Ba-na-ba và những người yếu đuối đức tin bắt chước làm theo.
Con hiểu ý Chúa muốn dạy chúng con ở đây là phải biết hết lòng sốt sắng giữ gìn sự hòa bình và hiệp một trong Hội Thánh bởi vì chúng con đồng là chi thể của cùng một thân trong Đức Chúa Jesus Christ. Cần phải biết khuyên bảo nhau giữ gìn nếp sống thánh sạch trong Chúa trong sự hết lòng tôn kính Chúa, vâng phục Chúa và vâng phục lẫn nhau.

Câu 4 đến câu 6:
“Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.”

Kính thưa Cha,
Qua sự lập lại nhóm từ “Chỉ có một” ba lần trong các câu Thánh Kinh từ câu 4 đến câu 6 con hiểu Lời Cha muốn nhấn mạnh đến một Lẽ Thật, một Chân Lý:
Hội Thánh dù trải qua các thời đại, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ dân nào, tiếng nói nào đều chỉ là một, đều là Hội Thánh của Đức Chúa Trời được chính Đức Chúa Jesus Christ thành lập dựa trên đức tin của con dân Chúa. Và Hội Thánh là sự kết hiệp giữa Đức Chúa Jesus Christ với dân sự Ngài như Lời Thánh Kinh khẳng định: Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Đấng Christ là làm Đầu Hội Thánh, mỗi một con dân Chúa là chi thể của Ngài và của lẫn nhau. Vậy nên, Hội Thánh là một thân thể và chỉ có một thần trí, nghĩa là mỗi một con dân Chúa trong Hội Thánh đều được thần cảm, dẫn dắt và soi dẫn từ Đức Thánh Linh trong mọi sự, giúp cho con dân Chúa có đồng một tâm tình tôn vinh, thờ phượng Thiên Chúa qua việc cùng nhau sống theo Lời Chúa, sống để hầu việc Chúa và sống chiếu ra sự vinh quang của Chúa.

Kính thưa Cha,
Con hiểu mỗi một con dân Chúa đều đồng có một đức tin rằng: Có một Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, là Thiên Chúa của mình. Và khi chính mình con được mở mắt thuộc linh để nhận biết Ngài, nghe theo tiếng gọi của Ngài, đầu phục Ngài, con được học biết về Đức Chúa Jesus Christ, học biết chính Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đã hy sinh chịu chết vì gánh thay tội lỗi cho con để nhờ đó mà con được nhận ân điển yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng ấy, cho con được trở về làm con cái của Thiên Chúa, cho con học biết con cần tiếp nhận phép Báp-tem trong danh của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh để được chính thức tuyên xưng đức tin của mình trên môi miệng và được tiếp nhận làm người nhà của Đức Chúa Trời. Từ đó, trong con người mới đã được tái sinh, đã được dựng nên mới, con có Thiên Chúa Đức Cha ở trên cao đoái xem và quan phòng con trong mọi sự; con có Đấng Christ làm Đấng Chăn Giữ con, và con có Đức Thánh Linh ngự trong con để ban ân tứ, để an ủi, để thêm sức, để cáo trách tỉa sửa và để dẫn dắt con trong mỗi chặng đường đi về nhà Cha. Ba Ngôi hiệp một trong muôn sự nên con hiểu rằng “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem. Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.” vì như Lời Cha cũng có chép rằng:
“Người này sẽ nói rằng: Ta thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; người kia xưng mình bằng danh của Gia-cốp, kẻ khác nữa lấy tay mình viết rằng: Ta thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và xưng mình bằng danh I-sơ-ra-ên.
Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Vua và Đấng Cứu Chuộc của I-sơ-ra-ên, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, phán như vầy: Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài Ta không có Thiên Chúa nào khác.” ( Ê-sai 44:5-6)

Câu 7:
“Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.”

Kính thưa Cha,
Con hiểu dù mỗi một chúng con trong Hội Thánh đồng hiệp một trong thần trí. Dù chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem, nhưng ân điển yêu thương của Đức Chúa Jesus Christ ban cho trên mỗi người là khác nhau bởi vì sự phạm tội của mỗi một chúng con khác nhau nên ân điển ban cho trên mỗi một chúng con tùy theo lượng sự ban cho của Đấng Christ. Nhưng con hiểu tiền công của tội lỗi là sự chết, nên dù nhiều dù ít thì mỗi một chúng con đều thiếu nợ ân tình yêu thương đối cùng Thiên Chúa, bởi sự sống của mỗi một chúng con đều đã được mua chuộc bằng máu thánh khiết vô tội của Đức Chúa Jesus Christ. Cảm tạ ơn Cha đã dạy dỗ con giúp cho con có sự hiểu Lời Ngài trong bài học hôm nay.

Nguyện kính xin linh hồn con luôn ghi nhớ ân tình yêu thương bao la sâu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa đã làm ra trên con, giúp con biết sống xứng đáng với ơn kêu gọi mà Ngài đã ban trên con.
Nguyện con luôn biết hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, hết tâm trí mà yêu kính Chúa và vâng phục Ngài là Thiên Chúa của con, và cậy nhờ ơn Cha giúp con luôn biết phục vụ anh chị em cùng Cha của con trong tâm tình nhu mì, khiêm nhường, nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu như Lời Ngài dạy con. Con xin cảm tạ ơn Cha!

Nguyện vinh quang, quyền phép và mọi lời suy tôn chúc tụng duy thuộc về Thiên Chúa kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng!

Trong ân điển yêu thương của Đấng Christ Jesus! A-men!
Con, Grace Christian


Đặng Thái Học
15/09/2023 14:59

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Cha thánh của con ở trên trời!

Con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì hôm nay con được tiếp tục đọc, suy ngẫm Lời Ngài trong Ê-phê-sô 4:1-7 - Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh - Phần 1.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.
4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.
7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Nguyện Đức Thánh Linh soi dẫn con vào sự hiểu biết bài học hôm nay!

Câu 1-3: Phao-lô xưng mình là người tù của Đấng Christ, ông muốn nhắc lại cho con dân Chúa tại Ê-phê-sô thấu hiểu về những sự gian nan, khổ cực trong hoạn nạn, tù đầy, bắt bớ mà ông đã phải đối diện vì sự trung tín rao gảng Tin Lành cứu rỗi của Ngài cho họ. Ông nài xin con dân Chúa tại Ê-phê-sô với tấm lòng thiết tha, hãy bước đi bằng nếp sống của con người mới trong Chúa, xứng đáng với tiếng gọi của Tin Lành mà họ đã được Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi qua sự giảng dạy của Phao-lô. Nếp sống của con người mới, được tái sinh chỉ được thể hiện với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì cách trọn vẹn, với sự nhẫn nại, khoan nhẫn, bao dung, chịu đựng lẫn nhau như tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Những người chưa hội đủ những sự trên là những người còn sống theo bản ngã xác thịt, chưa thật sự được ở trong sự cứu rỗi, thuộc về những người anh em giả dối. Những con dân chân thật của Chúa cũng luôn thể hiện sự sốt sắng dùng sự kết nối với nhau để giữ gìn sự hoà bình, thân ái trong sự hiệp một với nhau và sự hiệp một giữa loài người và Thiên Chúa.

Câu 4: Chỉ có một thân thể của Đấng Christ, là Hội Thánh, cùng một chí hướng theo sự thần cảm đồng trong một Đức Thánh Linh, như chúng con đã được gọi đến cùng một hy vọng vào trong sự cứu rỗi duy nhất của Chúa, vào địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời đời đời.

Câu 5: Chỉ có một Chúa được thể hiện trong Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp một: Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus Christ, và Đấng Thần Linh. Chỉ có một đức tin vào sự thực hữu của Thiên Chúa; đức tin vào vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho loài người qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; và đức tin vào Thánh Kinh - Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Chỉ có một phép báp-tem do chính Đức Chúa Jesus Christ phán truyền trong Ma-thi-ơ 28:19. Ngoài ra, không có Thiên Chúa nào khác, không có sự cứu rỗi nào khác, không có phép báp-tem nào khác như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh. Nếu có giáo lý nào khác thì đó là tà giáo, con dân chân thật của Chúa cần phải nhân danh Chúa để từ bỏ và tránh xa.

Câu 6: Chỉ có một Thiên Chúa, Đấng sáng tạo nên trời đất và muôn loài vạn vật, nên Ngài là Cha của mọi sự, Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và Ngài ở trong mỗi một con dân chân thật của Ngài. Đến đây, con nhớ lại hồi còn thơ ấu, được người lớn trong giáo hội Công Giáo dạy rằng, Thiên Chúa ở trong mọi sự, chứng minh bằng cách chỉ vào cây cột và nhữnng vật xung quanh nhà, hỏi: Trong cây cột và các vật này có Thiên Chúa không, thì các em thơ phải trả lời là có. Họ không dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh để giảng dạy, nhưng chỉ dạy theo sự truyền khẩu của loài người. Con cảm tạ ơn Thiên Chúa!

Câu 7: Duy có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em, nhưng ân điển cứu chuộc của Đấng Christ ban cho mỗi người khác nhau, tùy theo lượng ban cho của Ngài, tội lỗi càng nhiều thì ân điển càng dư dật thêm lên. Con cảm tạ tình yêu và ân điển của Thiên Chúa đối với loài người chúng con!

Lạy Chúa!

Bài học Thánh Kinh hôm nay, Chúa dạy con về sự trung tín sống theo Lời Ngài, giữ gìn sự hiệp một của Hội Thánh, tận dụng các ơn phước để gây dựng Hội Thánh trong những ngày Ngài còn đặt để con trên đất. Đối với anh chị em cùng Cha, con nguyện luôn sống với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, như Đấng Christ đã vì tội lỗi của chúng con mà Ngài chịu đựng tất cả, để giải cứu chúng con ra khỏi sự chết đời đời.

Con nguyện sẽ tận dụng những ân điển của Đấng Christ đã ban cho con, để con luôn kết quả trong ân điển của Ngài. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Đặng Thái Học
14/9/2023


Hồng Liên
15/09/2023 17:39

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Lạy Chúa là Cha Yêu Thương của con. Con xin dâng lời cảm tạ Chúa vì Ngài luôn hiện diện trong đời sống con. Mối tương giao mật thiết này thật đặc biệt, vì chính nơi đây con tìm thấy tình yêu thương chân thật, không bị hư mất bao giờ. Nguyện tình yêu thương Chúa luôn bao phủ con. Nguyện lòng con yêu mến Ngài như Ngài hằng yêu con.

Hôm nay con xin ghi lại sự hiểu biết của con trong Ê-phê-sô 4:1-7.

Lạy Chúa, con hiểu rằng, sự nghiêm túc tìm hiểu và tin cậy những giáo lý chân chính là nền tảng vững chắc để con dân Chúa thực hiện bổn phận mà Thiên Chúa giao phó.

Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi, với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.”

Phao-lô nhắc lại ông là người tù của Chúa nghĩa là ông không xấu hổ về xiềng xích của mình khi phải chịu khổ vì Tin Lành. Sau khi cho các tín hữu tại Ê-phê-sô biết về sự huyền nhiệm của Chúa và tình yêu thương của Đức Chúa Jesus, tức là mọi điều tốt lành mà Chúa đã ban cho họ, Phao-lô nài xin họ sống xứng đáng với sự kêu gọi của Ngài. Không phải là gửi quà an ủi, hoặc dùng khả năng của họ để giải thoát Phao-lô khỏi lao tù, nhưng hãy cố gắng làm tín hữu tốt và sống xứng đáng với sự kêu gọi do ân điển của Chúa. 

Là con dân Chúa thì phải đáp ứng xứng đáng với tên gọi ấy. Con dân Chúa được gọi vào vương quốc của Đức Chúa Trời và vinh quang của Ngài, cho nên phải sống cách nào để xứng đáng được thừa hưởng vinh quang và vương quốc ấy.

Phao-lô đưa ra chỉ dẫn về cách sống mà con dân Chúa cần làm theo để xứng đáng với sự kêu gọi: với tất cả sự khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong tình yêu thương, liên kết nhau trong sự hoà thuận”. Một người không thể sống xứng đáng với sự kêu gọi nếu không trở thành người bạn trung thành với mọi tín hữu, cũng như biết thù ghét tội lỗi. Yêu thương là mạng lệnh của vương quốc Đấng Christ.

Biết hạ mình là biết khiêm nhường, dịu dàng, không chọc giận người khác cũng không dễ tức giận trước tánh xấu của họ.  Nhẫn nại chịu đựng là chịu thiệt thòi không oán giận trả đũa. Bước đầu tiên để đoàn kết là hạ mình, không hạ mình thì không thể dịu dàng nhẫn nại, chịu đựng. Tánh kiêu căng phá vỡ hoà bình và gây ra đủ thứ tai họa, nhưng sự khiêm nhường và dịu dàng sẽ phục hồi và duy trì sự hòa thuận.

Sứ Đồ Phao-lô mô tả bản chất của sự hợp nhất là: “sự hiệp một của Đấng Thần Linh”.  Sự hiệp một không nằm trong lý thuyết hoặc hình thức thờ phượng mà là sự đoàn kết của tấm lòng và tình cảm của con dân Chúa do Ngài nắn đúc, là một bông trái của thánh linh. Cố gắng hết sức để tránh không cãi vã. Có ai ghét hoặc khinh thường mình thì mình chẳng khinh ghét trả lại. 

Sự hòa thuận là một sự liên kết nhiều người lại với nhau, khiến họ sống thân thiện. Ý hướng và hành xử hòa thuận liên kết tín hữu với nhau làm cho Hội Thánh vững mạnh, vì hòa thuận là sức mạnh của một tổ chức, giống như nhiều sợi chỉ nhỏ kết lại với nhau rất là khó đứt. Thế nhưng không nên kỳ vọng rằng mọi người đều có đồng quan điểm và tình cảm. Dù một bó đũa cột chung rất khó bị bẻ gãy, nhưng trong bó đũa ấy vẫn có nhiều cây dài ngắn khác nhau.

Lạy Chúa, con hiểu rằng các động lực thúc đẩy sự hợp nhất nầy là chỉ có chung một thân thể và một thần trí.

Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.”

Mỗi thân thể chỉ có một trái tim, nên mọi chi thể thuộc về thân thể đó phải lệ thuộc trái tim ấy. Hội Thánh chung là thân thể màu nhiệm của Đức Chúa Jesus Christ. Mọi con cái thật của Chúa làm thành thân thể ấy và được Đức Thánh Linh làm cho sống động. Con dân thuộc về Chúa thì được đồng một Đức Thánh Linh, do đó chỉ thuộc về một thân thể.

Mọi tín hữu đều được gọi đến với một hy vọng về sự sống vĩnh cửu, một hy vọng vào Đấng Christ, vì thế họ phải một lòng với nhau. “một Chúa” tức là Đấng Christ, đầu của Hội Thánh, mà mọi tín hữu phải vâng phục Ngài.

“Một đức tin” tức là Phúc Âm chứa đựng giáo lý của niềm tin Cơ-đốc, qua đó mọi tín hữu được cứu rỗi, “một phép báp-tem” là hành động xưng nhận đức tin của con dân Chúa qua phép báp-tem bằng nước nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh; qua đó con dân Chúa bước vào một giao ước thánh, đồng hoá với Đức Chúa Jesus Christ.

Lạy Chúa, con hiểu rằng, Đức Chúa Trời là Đấng nhận tất cả tín hữu thật của Hội Thánh làm con cái Ngài, bằng một mối liên hệ đặc biệt.

Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.”

Ngài là Cha của mọi người , mọi vật qua sự sáng tạo, và vì những sự toàn hảo vinh quang của bản thể Ngài, Ngài cai trị trên mọi tạo vật, đặc biệt là trên Hội Thánh, Ngài là trên cả mọi loài.  Nhờ sự cung ứng và quyền tể trị của Ngài để mọi vật được sống và được giữ vững đúng chỗ. Bởi Đức Thánh Linh và ân điển đặc biệt, Ngài ngự trong mọi tín hữu là đền thờ của Ngài.

Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.”

Những thành viên trong Hội Thánh của Chúa có thể giống nhau về rất nhiều điều, nhưng họ khác nhau về một số điều. Đó là vì không phải mọi người đều nhận được ân điển bằng nhau. Mỗi người trong Đấng Christ đều được Chúa ban cho một số tặng phẩm của ân điển theo loại, hoặc mức độ, hay trình độ nào đó, để có thể giúp đỡ lẫn nhau. 

Một số người hầu việc Chúa được ban ân điển hay lượng ân tứ nhiều hơn, nhưng điều ấy không nên là cớ gây ra sự ganh ghét đối với nhau.  Bởi vì mọi ân điển và ân tứ đều đến từ Thiên Chúa, Ngài tạo chúng chỉ nhằm các mục đích tốt đẹp chung. Chúa biết năng lực và tính hiệu quả của từng người khi Ngài ban thứ tặng phẩm nào cho người đó để đạt đến ích lợi cao nhất cho Hội Thánh. Ấy là lý do con dân Chúa phải biết yêu thương nhau, vì mỗi người đều được ban cho ân điển không phải do tài năng của mình tạo ra.

Trong ân điển của Chúa Cứu Thế Jesus Christ.
A-men!

Hồng Liên


Nguyễn Công Hải
16/09/2023 07:35

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu của con, con cảm tạ ơn Cha ban cho con một ngày Sa-bát nữa để con cùng gia đình mình được nghỉ ngơi và học hỏi, thờ phượng, tương giao với Chúa. Cảm tạ Chúa đã ban cho con một tuần lễ bình an, vui thoả và ơn phước dư dật đến từ Ngài, con cầu xin Ngài cất ra khỏi con những điều sai quẫy, những sự không đẹp lòng Chúa trong tuần lễ qua, dù chỉ là những nhận thức không đúng với ý muốn tốt lành của Chúa, những suy nghĩ không đẹp lòng Chúa, những lời nói không làm sáng danh Chúa hay hành vi không làm vinh quang Ngài thì con cầu xin Ngài tha thứ, cất ra khỏi con để con được bước vào một ngày Sa-bát đầy ơn và vui thoả. Giờ này, con xin được nêu sự tìm hiểu của con về phân đoạn Thánh Kinh trong sách Ê-phê-sô 4: 1-7.

Câu 1:
“Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,”

Con hiểu, một lần nữa, Sứ Đồ Phao-lô tự gọi mình là “người tù của Chúa”, nhấn mạnh sự tận tụy và hi sinh vì đức tin của ông để rao giảng Tin Lành. Ông kêu gọi các môn đồ sống đời sống tin kính, đi theo Lẽ Thật và trung tín trong Đấng Christ, xứng đáng với lời kêu gọi mà Chúa đã dành cho họ.

Câu 2:
“với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,”

Ở đây, con hiểu Sứ Đồ Phao-lô kêu gọi cộng đồng tín đồ phải sống với những đức tính tốt lành như khiêm nhường, nhân hậu, kiên nhẫn và sẵn lòng chấp nhận, chịu đựng lẫn nhau, đặt tình yêu làm trọng tâm trong mối quan hệ với người khác. Đó là những đức tín con dân Chúa phải luôn luôn cậy ơn Chúa rèn tập để gây dựng và giúp đỡ lẫn nhau.

Câu 3:
“sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.”

Ông không quên nêu rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết và hòa bình giữa cộng đồng con dân Chúa của Hội Thánh, để bảo vệ sự đoàn kết giữa những con dân Chúa, giữa Hội Thánh thông qua sự hòa bình và sự hiểu biết lẫn, yêu thương, thông cảm nhau.

Câu 4:
“Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.”

Con hiểu Phao-lô muốn nhắc nhở con dân Chúa tại Ê-phê-sô về sự hiệp một của Hội Thánh khăng khít và mầu nhiệm, Hội Thánh là thân thể của Chúa, mỗi con dân Chúa là chi thể của thân, mà đứng đầu là Đấng Christ. Ông nhấn mạnh về ý thức đoàn kết, hiệp một trong đức tin, rằng mọi con dân Chúa đều thuộc về một "thân thể" duy nhất, khuyến khích mọi người tìm sự đồng lòng, trông cậy trong sự kêu gọi và gìn giữ đức tin của mình.

Câu 5:
“Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.”

Con hiểu, Sứ Đồ Phao-lô tiếp tục nhấn mạnh sự độc nhất và sự thống nhất trong một đức tin vào Đấng Christ duy nhất, với một Chúa, một đức tin và một nghi thức báp-tem mà tất cả mọi người đều hiệp một trong Chúa như vậy.

Câu 6:
“Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.”

Ở câu 6, Sứ Đồ Phao-lô khẳng định về sự toàn diện và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống và đời sống mỗi con dân Chúa, và Thiên Chúa là Cha của mọi sự.

Câu 7:
“Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.”

Sứ Đồ Phao-lô chia sẻ rằng, mặc dù mọi người đều thuộc về một thân thể duy nhất, mỗi người đều nhận được ân điển một cách riêng biệt và cá nhân theo lượng ban cho từ Đấng Christ. Con hiểu, điều này tuỳ sự yêu kính và sốt sắng của mỗi người trong đức tin mà Đấng Christ sẽ ban cho tuỳ vào tấm lòng của người đó đáp ứng với ân điển, tình yêu, sự cứu rỗi và sự kêu gọi của Chúa vào Lẽ Thật.

Cảm tạ Chúa ban cho con và dạy dỗ con qua phân đoạn Thánh Kinh trên. Nguyện xin Chúa giúp con luôn sống một đời sống tin kính và bền đổ xứng đáng với sự kêu gọi của Chúa. Qua bài học, con cũng hiểu mặc dù mọi người đều có một đức tin chung, mỗi người đều có sự riêng biệt độc đáo của mình trong Đấng Christ, nhưng tất cả chúng con đều hiệp một trong Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Nguyện xin Chúa dùng con để gây dựng Hội Thánh, giúp đỡ, khích lệ và làm nhiều việc lành trong nhà Chúa. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Công Hải


Nguyễn Thị Mơ
16/09/2023 10:12

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Thiên Chúa Từ Ái!
Cảm tạ Chúa cho con vào đọc thông tin người chăn đăng, Động đất 6,8 tại Morocco, Bắc Phi, hôm Thứ Sáu 08/09/2023 với hơn 2000 người chết, tiếp theo ngay sau đó một ngày là chủ Nhật 10/09/2023, một cơn lụt lớn đã nhấn chìm thành phố Derna, quốc gia Libya dưới bảy mét nước. Hơn 5100 người chết, hơn 9000 người mất tích. Trong lòng con trăn trở với hai luồng suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí.

Chỉ trong thời gian quá ngắn ngủi trong số nhiều ngàn người bị vùi lấp dưới lớp đất đổ nát hỗn độn và nhiều ngàn người chết chìm dưới nước cùng bùn đất kia, có biết bao nhiêu người đã đi vào chốn hư mất, đời đời xa cách tình yêu của Thiên Chúa.
Lời Ngài đã cảnh báo: Như người đàn bà trong cơn chuyển dạ, cơn đau sẽ ngày càng dồn dập và mức độ đau đớn sẽ ngày một gia tăng với mức độ mạnh hơn. Sự trừng phạt dành cho thế gian cũng giống như vậy, nó sẽ ngày càng nhiều lên và mức độ ngày một thảm khốc hơn trong ngày Đức Chúa Trời thăm phạt thế gian đầy tội lỗi này.

Ý nghĩ thứ hai xuất hiện trong con, ấy là sự sốt sắng ngày đêm của người chăn, khi người miệt mài trung tín không ngừng nghỉ. Liên tục dùng cách này cách kia để cảnh báo con dân Chúa và những người ngoài Chúa đang nhởn nhơ ngoài kia.
Như một người lính canh tận tụy nhận biết tầm quan trọng của mình trong phiên gác, người lính đứng trên vách thành tập trung cao độ quan sát, phát hiện thấy sự nguy hiểm, người giương tù và lên và liên tục thổi. Tiếng tù và nhắc nhở dân sự trong thành thức dậy trong tư thế sẵn sàng và cảnh báo những kẻ còn nhởn nhơ ngoài thành hãy mau tìm cho mình cổng thành để vào trước khi quá trễ.
Con kính dâng lên Chúa về mọi điều Ngài ban cho con qua người chăn.

Giờ này, con cầu xin Đức Thánh Linh Ngài ở cùng ban ơn soi dẫn cho con hiểu được Lời của Ngài trong bài học, con cảm tạ ơn Chúa và kính dâng lên Ngài sự suy ngẫm của con trong Ê-phê-sô 4:1-7.

Kính thưa Chúa!
Con hiểu rằng, bởi sự cảm thúc trong thần trí đến từ Đức Thánh Linh, Phao-lô một lần nữa nhấn mạnh việc ông là người tù của Đấng Christ để con dân Chúa không quên những gian khổ, hoạn nạn ông đã trải qua khi mang Tin Lành tới cho họ. Ông mong muốn cách tha thiết đến nỗi dùng từ “nài xin” đối với những anh chị em cùng Cha, Phao-lô mong muốn rằng, họ hãy sống xứng đáng với tiếng gọi đã được gọi, ấy là nếp sống mới xứng đáng với địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời, xứng đáng với chức vụ mà Ngài ban cho mỗi người trong Hội Thánh ấy là làm tiên tri, thầy tế lễ và vua trong vương quốc của Ngài.

Phao-lô khuyên con dân Chúa học theo Đấng Christ với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì cùng sự nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa chính là sợi dây kết nối ràng buộc con dân Chúa trong sự hòa bình, ở trong sự ràng buộc ấy con dân Chúa ở dưới sự dẫn dắt, quan phòng chăm sóc trong Hội Thánh của Ngài.

Hội Thánh chỉ có một, là thân thể của Đấng Christ bao gồm những ai đặt đức tin vào Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus. Ở trong Hội Thánh, con dân Chúa chỉ có một thần trí nghĩa là có cùng suy nghĩ, cùng sự hiểu biết được soi dẫn bởi Đức Thánh Linh. Có sự hiệp một và có cùng một sự trông cậy trong sự Đức Chúa Trời kêu gọi vào địa vị và chức vụ mà Ngài ban cho mỗi người.

Ở câu 5 Lời Chúa khẳng định chỉ có một Chúa, ấy là chỉ về Thiên Chúa. Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa và Đấng Thần Linh là Thiên Chúa. Chỉ có một đức tin chính là đức tin vào Thiên Chúa, tin rằng Ngài là Đấng Hằng Sống, tin vào chương trình cứu rỗi Thiên Chúa ban cho loài người qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus. Chỉ có một phép báp-tem do chính Đức Chúa Jesus truyền dạy cho con dân của Ngài như được chép trong Ma-thi-ơ 28 câu 19.

Sự khác biệt giữa: "trên mọi sự", "giữa mọi sự", và "trong tất cả các anh chị em" được nói đến trong câu 6 đó là: Thiên Chúa ở trong mỗi thân vị đem đến sự tể trị, ban phước, duy trì sự sống cho muôn loài và dẫn dắt trong mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời ở trên mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ở trong thân thể con dân Chúa với danh xưng Đức Thánh Linh. Điều khác biệt nữa đó là Thiên Chúa ở trên mọi sự và ở giữa mọi sự nhưng Thiên Chúa không ở trong mọi sự, mà Ngài chỉ ở trong những người thuộc về Ngài.

Kính thưa Chúa!
Bởi mức độ sự phạm tội phạm lỗi của mỗi một chúng con là khác nhau mà ân điển cứu chuộc của Đấng Christ ban cho mỗi người trong chúng con cũng khác nhau. Con đọc bài giảng người chăn giải thích ý này thật dễ hiểu như sau.
“Hãy hình dung ra sự phạm tội của mỗi người trong chúng ta giống như là sự thiếu nợ. Số nợ của mỗi người lớn nhỏ khác nhau, hoàn cảnh nợ nần của mỗi người khác nhau, thời gian mang nợ khác nhau. Nếu có ai đó đứng ra, thay cho tất cả chúng ta để trả hết nợ, tùy theo sự giàu có của người ấy, thì sự ban ơn của người ấy đối với mỗi chúng ta khác nhau, và mỗi chúng ta đều mang ơn người ấy. Chính Lời Chúa đã khẳng định:
…nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa…” (Rô-ma 5:20). Trích bài giảng của người chăn. Cảm tạ ơn Chúa bởi ân điển dư dật Ngài ban cho con.

Kính thưa Chúa!
Con kính dâng lên Chúa lời cảm tạ ơn Ngài bởi sự dạy dỗ trong Lời của Ngài đã giúp con hiểu được chuẩn mực để con áp dụng trong đời sống thực tế với anh chị em cùng Cha.

Ngài muốn con thực hành mỗi ngày với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu là nếp sống nên mới đối với anh chị em cùng Cha của con.

Nhìn lại cuộc đời với quá khứ đầy tội lỗi của mình, con nhận biết ân điển Đấng Christ ban cho con quá đỗi lớn lao và diệu kỳ và vô cùng dư dật. Con biết ơn năng quyền trong huyết báu Chiên Con Đức Chúa Trời đã tẩy sạch mọi ô nhơ tội lỗi cuộc đời con, cho con được bình an, thỏa vui trọn vẹn trong sự nhận biết mình đã được tha thứ.

Con cầu xin ân điển của Thiên Chúa ban năng lực cho con mỗi ngày sống đẹp lòng Ngài từ nay cho tới cõi đời đời. A-men!
Con kính dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa lời cảm tạ tình yêu, ân điển Ngài ban cho con.
Mọi vinh quang, quyền phép, tôn quý đều thuộc về Cha Thánh của con cho đến đời đời vô cùng. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ!
Con, Nguyễn Thị Mơ
Ngày 15/09/2023


Nguyễn Thị Nhung
16/09/2023 20:36

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính thưa Cha, con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con ngày Sa-bát để con được thông công cùng Hội Thánh và được nghỉ ngơi. Thì giờ này, con xin ghi ra sự hiểu của mình trong phân đoạn Thánh Kinh Ê-phê-sô 4:1-7. Nguyện xin Đức Thánh Linh soi dẫn và dạy dỗ con trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. Con cảm tạ ơn Chúa. Con xin kính dâng bài học hôm nay lên Cha.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Thưa Cha, con hiểu rằng Phao-lô nhận mình là người tù của Chúa, để nhắc lại sự thương khó của ông khi rao giảng Tin Lành, con hiểu ông nhận mình là người được Chúa cai quản. Ông nài xin con dân Chúa ở Ê-phê-sô khi đã nhận ân điển cứu chuộc của Chúa, thì hãy sống xứng đáng với điều mình đã được nhận. Con hiểu rằng tiếng kêu gọi đầu tiên mà mỗi tội nhân được Chúa kêu gọi là hãy ăn năn.

Sự nài xin của ông cũng là sự kêu gọi của Chúa cho mỗi một người con trai con gái của Đức Chúa Trời hãy giữ vững đức tin của mình cho đến cuối cùng. Con nhớ mỗi ngày Sa-bat người chăn cũng kêu gọi, khích lệ Hội Thánh, luôn giữ mình trong nhà Chúa, để mỗi linh hồn không bị cắn xé bởi Sa-tan. Con cảm tạ Chúa đã ban cho con người chăn luôn hết lòng chăm sóc, lo lắng, giục lòng cho bầy chiên của Chúa.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Thưa Cha, con hiểu rằng, mỗi một con dân Chúa phải luôn có sự nhu mì và khiêm nhường, nhu mì là lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng hòa nhã, khiêm nhường là không hơn thua với người khác, coi người khác hơn chính mình, mỗi một cử chỉ và hành động của con dân Chúa ở mọi lúc mọi nơi luôn phải khiêm nhường nhu mì.

Cùng với sự khiêm nhường và nhu mì thì mỗi con dẫn Chúa phải nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu. Con hiểu rằng, nhẫn nại chịu đựng là mỗi người phải nhẫn nại, chậm giận cách lâu dài để giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn thử thách và lầm lỗi. Con hiểu rằng, những Lời Chúa vừa dạy con đều xuất phát từ tình yêu của Chúa đối với mỗi người con của Chúa, và tình yêu ấy chúng con phải mang đến cho nhau, nhưng nhẫn nại chịu đựng những lầm lỗi hay thiếu sót, không có nghĩa là dung túng cho sự ấy hết lần này đến lần khác.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Thưa Cha, con hiểu rằng chỉ có một thân thể là Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, chỉ có một thần trí là cùng một sự hiểu biết của con dân Chúa được Đức Thánh Linh thần cảm. Chỉ có một Chúa tức là chỉ có một Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, chỉ có một đức tin tức là tin về sự thực hữu của Thiên Chúa, tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa, tin và làm theo tất cả những gì được ghi chép trong Thánh Kinh. Chỉ có một phép Bap-tem tức là phép Bap-tem do chính Đức Chúa Jesus phán truyền Bap-tem vào danh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con hiểu rằng những điều mà Phao-lô gửi cho con dân Chúa ở câu 4-5 là những sự mà con dân Chúa cần ghi nhớ, và hiểu rõ để không bị tà giáo dẫn dụ đi sai lẽ thật của Lời Chúa.

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Thưa Cha, con hiểu rằng Chỉ có một Thiên Chúa là Cha của mọi sự vì Ngài là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật, trong muôn loài vạn vật ấy chiếu ra sự vinh quang của Ngài, như con người được dựng nên như bản thể của Thiên Chúa, đồi núi được dựng nên hùng vĩ, biển được dựng nên rộng mênh mông bao la chiếu ra sự quyền năng của Thiên Chúa trong mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh hay còn gọi là Đức Thánh Linh ở trong mỗi con dân Chúa.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Thưa Cha, con hiểu rằng ân điển của Đấng Christ ban cho mỗi người là khác nhau, bởi tuỳ vào sự ban cho và sự thương xót của Ngài, và mỗi một sự ban cho của Ngài đều là xuất phát từ tình yêu của Ngài đến với người ấy.

Thưa Cha, bài học hôm nay con tham khảo bài giảng của người chăn. Con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con sự hiểu bài học hôm nay. Nguỵện xin Cha ban ơn cho con áp dụng tốt sự hiểu và bài học vào đời sống. Con cảm tạ ơn Cha.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, NhungNaomi
16/09/2023


Nguyễn Ngọc Tú
16/09/2023 22:28

Nguyễn Ngọc Tú: Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an. Con cảm tạ Cha đã ban ơn cho con trong sự suy ngẫm Lời của Ngài được ghi chép trong Ê-phê-số 4:1-7. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn này.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Câu 1: Thưa Cha, con hiểu rằng, Phao-lô một lần nữa nhắc lại sự kiện ông là người tù của Chúa để giúp con dân Chúa Ê-phê-sô nhớ lại những khó khăn, gian khổ, mà ông phải trải qua khi giảng Tin Lành cho họ. Ông nài xin họ hãy sống một nếp sống xứng đáng với ân điển cứu rỗi và địa vị mà họ đã được Chúa gọi đến nhận lãnh.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Câu 2 và 3: Con hiểu rằng, nếp sống của con dân Chúa phải bắt đầu với sự khiêm nhường và nhu mì, theo lời kêu gọi của Đấng Christ (Ma-thi-ơ 11:29). "Với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì" là khiêm nhường và nhu mì trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh sự khiêm nhường và nhu mì, con dân Chúa còn phải thêm vào sự nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, nghĩa là vì tình yêu mà bền lòng trong sự chịu khổ và tiếp nhận những sự thiếu sót, lầm lỗi của nhau, cậy ơn Chúa giúp nhau sửa lỗi, giúp nhau vượt qua những khó khăn, thử thách.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Câu 4: Con hiểu rằng, "chỉ có một thân thể" là thân thể của Đấng Christ, chính là Hội Thánh. "Chỉ có một thần trí" nghĩa là Hội Thánh có cùng một sự hiểu biết về các lẽ thật trong Lời Chúa và có cùng ý chí. Ý chí ấy là hết lòng vâng theo những lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. "Một sự trông cậy" là trông cậy vào ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa và những lời hứa của Ngài về một cuộc sống đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Câu 5: Con hiểu rằng, "chỉ có một Chúa" là một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. "Chỉ có một đức tin" là đức tin nơi Thiên Chúa, là tin vào sự thực hữu của Ngài; tin vào sự cứu rỗi của Ngài qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; và tin rằng Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, có thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống của con dân Chúa. "Chỉ có một phép báp-tem" là phép bắp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa như Đức Chúa Jesus Christ đã phán truyền trong Ma-thi-ơ 28:19. Sự kiện các giáo hội bắt buộc con dân Chúa phải học thuộc một số giáo lý mới được làm báp-tem cũng là một phép báp-tem khác với Đức Chúa Jesus đã dạy.

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Câu 6: Chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha của mọi sự vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật. Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha là Đấng ở trên mọi sự, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ở trong những ai thuộc về Hội Thánh.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Câu 7: Con hiểu rằng, ân điển cứu rỗi Đấng Christ ban cho mỗi người đều là dư dật nhưng có sự khác nhau cho mỗi người. Vì mỗi người đều có sự phạm tội khác nhau, số lượng phạm tội khác nhau, dù là phạm cùng một tội thì mức độ vi phạm cũng khác nhau.

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Con cảm tạ Cha đã ban cho con một ngày Sa-bát bình an, có nhiều thời gian để ngủ nghỉ, để được phục hồi lại sức khỏe chuẩn bị cho những công việc trong một tuần mới. Nguyện rằng trong tuần mới này, qua sự suy ngẫm Lời Chúa, con lại được hiểu về Ngài nhiều hơn.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Ngọc Tú
16/09/2023


Trần Thị Thu Hương
16/09/2023 22:42

Ê-phê-sô 4:1-6 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Chúa, con cảm tạ ơn Ngài đã ban cho người chăn sự khôn sáng mở ra linh vụ học Lời Chúa mỗi ngày này. Con thấy thật ích lợi cho bản thân con: Giúp con nhớ bài học hơn, có năng lực hơn để làm việc sau khi học Lời Chúa, giúp con quản trị chính mình, ham mến những sự trên trời chứ không có sự ham mến của con người cũ nữa. Con cảm tạ ơn Ngài. Nguyện xin Ngài ban ơn, bao phủ con, gìn giữ giờ học Lời Chúa mỗi ngày của con. Con cảm tạ ơn Ngài! Con thành kính cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Câu 1: Con hiểu rằng, Phao-lô tha thiết mong các anh chị em ở Ê-phê-sô sống trong Chúa xứng đáng với những điều Chúa kêu gọi riêng cho mỗi người. Để sống xứng đáng với những sự Chúa kêu gọi mỗi người thì trước tiên mỗi người cần làm tròn phận sự của mình với Chúa: Nghĩa là thật lòng ăn năn tội, từ bỏ con người cũ, cậy năng lực từ nơi Chúa mà sống một nếp sống cho Chúa, luôn đầy dẫy thánh linh để rao giảng Tin Lành qua nếp sống của mình, trung tín như vậy cho đến chết. Sau khi làm tròn các phận sự đó thì chính Chúa sẽ bày tỏ cho mỗi người biết điều Chúa kêu gọi họ làm gì.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Câu 2 và câu 3: Con hiểu rằng không phải khi làm theo Lời Chúa, theo tiếng gọi của Chúa cách riêng mình mà phải theo cách của Chúa, theo ý muốn của Chúa: Đó là làm trong sự khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại, và chịu đựng lẫn nhau. Để có thể làm như vậy thì một người phải đầy dẫy thánh linh từ nơi Chúa. Con cũng hiểu rằng mỗi người trong Hội Thánh có cá tính khác nhau, sở thích khác nhau, sự yêu mến Chúa cũng khác nhau nên có nhiều lúc xảy ra bất hòa, ý kiến khác nhau nhưng chỉ bởi sự khôn sáng và năng lực từ nơi Chúa mà các sự việc mới có thể giải quyết cách đầy ơn.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Câu 4: Con hiểu rằng, chỉ có một Thiên Chúa, và Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Trong Hội Thánh thì cùng một thần trí, nghĩa là cùng một Đức Thánh Linh dẫn dắt, dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng không trái nghịch nhau, ngược lại bổ sung cho nhau. Mỗi người đều có lý trí và thần trí nhưng Chúa cũng cho mỗi con dân của Ngài tập lắng nghe sự giảng dạy trong thần trí để vâng theo, tự do lựa chọn theo lý trí hay thần trí và chịu trách nhiệm về sự tự do lựa chọn của mình.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Câu 5 và câu 6: Con hiểu rằng, chỉ có một Chúa, là Thiên Chúa ở trên trời. Chỉ có một đức tin vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ trong Thánh Kinh thì mới được cứu. Mọi sự tin cậy khác đều không được cứu rỗi. Có nhiều người tin Chúa, tin sự chết chuộc tội của Đấng Christ nhưng không phải Đấng Christ trong Thánh Kinh thì cũng không được cứu rỗi. Chúa đi lại giữa Hội Thánh, Ngài biết hết mọi sự, không có một sự gì có thể qua mặt được Chúa.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Câu 7: Con hiểu rằng, mỗi người phạm tội khác nhau, mức độ và thời gian khác nhau nhưng ân điển của Đấng Christ ban cho mỗi người mỗi khác.

Kính lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa một ngày bình an Chúa ban cho con. Con nguyện xin Ngài ban ơn, thêm sức cho con trên những việc con làm. Con cầu xin Chúa bao phủ gia đình con, sai thiên sứ của Ngài đóng trại bảo vệ xung quanh nhà con. Con cảm tạ ơn Ngài! Con thành kính cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Trần Thị Thu Hương


Nguyễn Xuân Bắc
17/09/2023 05:48

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Con kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Toàn Năng, con cảm tạ ơn Cha đã cho con Lời của Ngài dạy dỗ con, lại một ngày mới nữa con được suy ngẫm Lời của Ngài, xin Đức Thánh Linh mở lòng mở trí con, giúp con hiểu biết Lời của Ngài ngày một hơn, để con học và áp dụng vào đời sống mỗi ngày. Con cảm tạ ơn Ngài. Con xin trình bày sự hiểu của con qua Ê-phê-sô 4:1-7

“1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,”

Thưa Cha, câu 1 và câu 2 con được hiểu rằng, một lần nữa Sứ Đồ Phao-lô nói mình là người tù của Chúa, ông vì con dân Chúa mà chịu khổ, chịu khó khăn hoạn nạn, rao Tin Lành cho con dân Chúa ở Ê-phê-sô. Ông đã nài xin con dân Chúa ở tại Ê-phê-sô sống theo đường lối của Chúa, để họ được xứng đáng nhận lãnh tiếng gọi từ nơi Ngài, là sống nếp sống tin kính theo Lời Ngài dạy, một bếp sống luôn khiêm nhường, trong sự nhu mì, nhẫn nại, nâng đỡ cho nhau và cũng hãy rửa chân cho nhau, là cũng hãy giúp nhau chỉ ra những lỗi, những tội cho nhau và giúp anh chị em mình thấy được tội lỗi mà kịp thời ăn năn từ bỏ tội. Nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau là không phải nhẫn nhịn để khi có cơ hội là trả thù trong sự khôn khéo của xác thịt. Điều đó chứng tỏ rằng là một người chưa được dựng nên mới trong Đấng Christ.

“3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.”

Thưa Cha, câu 3 con được hiểu rằng, sự ràng buộc của hoà bình là sợi dây tình yêu với sự đồng cảm, thương xót, tha thứ, hy sinh, giải cứu, chăm sóc và bảo vệ, giữa con dân Chúa với nhau. Con dân Chúa giữ gìn hiệp một trong Chúa là vâng giữ Các Điều Răn của Chúa, bởi năng lực của Đức Thánh Linh ban cho để con dân Chúa sống vui thoả , hiệp một trong đường lối của Ngài.

Thưa Cha, con được hiểu rằng giữ gìn sự hiệp một là không thỏa hiệp với tội lỗi, không dung túng cho tội lỗi, và đặt Chúa lên trên hết mọi sự, không coi bất cứ những sự gì khác hơn là Thiên Chúa.

“4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.”

Thưa Cha, câu 4-6 con được hiểu rằng chỉ có một thân thể là Đấng Christ trong thân thể xác thịt và Ngài là đầu của Hội Thánh. Hội Thánh là chi thể của Đấng Christ. Vậy nên chỉ có một Chúa, một đức tin và một phép báp-tem. Những ai tin nhận Đấng Christ thì đều là anh chị em với nhau không có sự phân biệt gì với nhau.

Thưa Cha, ngày nay các giáo hội giáo phái xưng mình là những người tin Chúa, thờ phượng Chúa, nhưng họ sống không đúng như Lời dạy của Ngài, trong Thánh Kinh. Họ cũng suy ngẫm Thánh Kinh, nhưng theo ý riêng của họ và họ đã dẫn dắt nhiều người sống theo sự sai trật những gì đã được chép trong Thánh Kinh. Chỉ có một Thiên Chúa, thế nhưng các giáo sư giả đã lập nên một hình tượng chúa và họ kêu gọi mọi người thờ phượng tượng gọi là chúa. Con thấy rằng, cũng giống như thời của ông Môi-se, khi ông lên núi và dân sự đã đúc một con bò vàng để thờ phượng và nói là chúa

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Hãy xuống đi, vì dân mà ngươi đưa ra khỏi xứ Ê-díp-tô đã bại hoại rồi, vội bỏ đạo Ta truyền dạy, đúc một con bò con, mọp trước tượng bò đó và dâng của lễ cho nó mà nói rằng: Hỡi I-sơ-ra-ên! Đây là Thiên Chúa của ngươi đã dẫn ngươi lên khỏi xứ Ê-díp-tô.” [Xuất Ê-díp-tô-ký 32:7-8].

“7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ “

Thưa Cha, câu 7 con được hiểu rằng, ân điển của Ngài thật dư dật, nhưng sự ban cho của Đấng Christ trên mỗi người là khác nhau, bởi vì sự phạm tội của mỗi người là khác nhau, mỗi người phạm tội ít, nhiều, và lớn nhỏ khác nhau.

Và con hiểu rằng, ân điển của Ngài vẫn cứ tiếp tục trên mỗi người khi người ấy thể hiện tấm lòng biết ơn về ân điển ban cho của Ngài.

Bài học con học được:

Thưa Cha, qua những câu Thánh Kinh trên, con rút ra được bài học cho mình rằng, phải luôn biết trân quý ân điển của Ngài ban cho, bằng hành động thể hiện qua nếp sống mỗi ngày của con, sống theo những gì Ngài đã dạy trong Thánh Kinh. Sự thể hiện trước tiên là đối với anh chị em cùng Cha của mình, và mặc lấy bản tính của Đấng Christ với tấm lòng khiêm nhường và nhu mì của Ngài.

Nguyện Lời của Ngài thánh hoá con mỗi ngày, và ban cho con sự khôn sáng để con sống theo Lời dạy của Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!
Con, Nguyễn Xuân Bắc
17/09/2023


Trần Thị Lan
17/09/2023 19:40

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Cha Từ Ái của con ở trên trời, con cảm tạ ơn Cha, xin Cha giúp con hiểu Lời Thánh Kinh này, xin Cha cho con có trí nhớ tốt để con học Lời Chúa, xin Cha hãy giữ cho con được Thánh sạch trọn vẹn không chỗ trách được, xin Đức Thánh Linh ban cho con được sự khôn sáng trong thần trí của con.

Thưa Cha, sự hiểu của con trong sách Ê-phê-sô 4:1-2 như sau:

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Thưa Cha: Phao-lô, ông là người tù của Đấng Christ nhắc cho con dân Chúa, nhớ đến sự khó khăn, gian khổ, hoạn nạn ông chịu đựng khi rao giảng Tin Lành lẽ thật Lời Chúa. Phao-lô nài xin tha thiết mong rằng con dân Chúa sống đúng theo địa vị mà Đức Chúa Trời ban cho ông, ông không bắt buộc họ, họ có quyền lựa chọn.

Bước đi theo Chúa là nếp sống mỗi ý nghĩ, lời nói, việc làm, là mỗi bước đi tạo thành hành trình trong cuộc sống. Mỗi con dân Chúa, sống sao cho xứng đáng theo lời kêu gọi của Chúa.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

Khiêm nhường, là biết hạ mình, không kiêu ngạo, biết ơn với Chúa ban cho những gì tốt đẹp, nhu mì là sự hoà nhã, dịu dàng biết cư xử với mọi người, đó là học theo Đấng Christ.

Tất cả con dân Chúa, phải biết nhẫn nại, chịu khổ lâu dài, được qua khó khăn chịu đựng trong tình yêu, vì tình yêu mà con chịu đựng nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau. Con phải chấp nhận sự ăn năn, tha thứ để kết quả xứng đáng, con không làm những việc sai trái, nghịch lại Lời Chúa, mà sốt sắng sống theo Lời Chúa.

Bài học hôm nay con rút ra con cần phải học hỏi theo Phao-lô: phải biết khiêm nhường, nhu mì, biết hạ mình, sống không kiêu ngạo, biết cư xử với anh em cùng Cha. Phao-lô là tấm gương để con ghi nhớ, và con muốn sống được như ý Chúa vậy.

Trong ân điển và tình yêu của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Trần Ngọc Lan


Vũ Triệu Hùng
17/09/2023 22:52

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu từ ái của con. Cảm tạ ơn Cha vì một ngày được Ngài ban ơn cho con trong công việc. Cảm tạ ơn Cha cho con có thời gian và phương tiện để học Lời Ngài. Con xin viết ra sự hiểu trong phân đoạn Thánh Kinh Ê-phê-sô 4:1-7.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Con hiểu rằng, Phao-lô một lần nữa nhắc lại ông là người tù của Chúa để con dân Chúa tại Ê-phê-sô nhớ những hoạn nạn ông phải chịu khi rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa cho họ. Là một người tù của Chúa, Phao-lô nài xin họ hãy sống một nếp sống xứng đáng với địa vị, chức vụ, linh vụ mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình. 

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Câu 2 và câu 3: Con hiểu rằng, nếp sống của một người bắt đầu từ khi tin nhận Chúa là sự khiêm nhường và nhu mì. Vì Đấng Christ là một người khiêm nhường và nhu mì, và Ngài kêu gọi những người đến với Ngài là học theo Ngài. Vì thế, những ai thuộc về Đấng Christ thì bông trái đó luôn thể hiện trên đời sống của họ.

Tiếp đến, con dân Chúa vì tình yêu mà nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau. Như Chúa đã vì yêu mà nhiều lần nhẫn nại, chịu đựng chúng ta, thì nếp sống của con dân Chúa cũng hãy luôn nhẫn nại và chịu đựng những sự thiếu sót, lỗi lầm của nhau, tha thứ và giúp nhau sửa sai để anh chị em mình ngày được trưởng thành và có nếp sống xứng đáng trong Đấng Christ.

Con dân Chúa cần luôn nóng cháy để gìn giữ sự hiệp một trong Hội Thánh bằng tình yêu trong Chúa. Vì những người làm ra sự hòa thuận chính là con cái của Thiên Chúa (Ma-thi-ơ 5:9).

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Câu 4: Con hiểu rằng, Hội Thánh chỉ có một và Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Hội Thánh chỉ có một thần trí nghĩa là sự hiểu biết đến từ Thiên Chúa và được Đức Thánh Linh soi dẫn để hiểu biết Thánh Kinh.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Câu 5: Con hiểu rằng, chỉ có một Chúa tức là Thiên Chúa. Thiên Chúa có Ba thân vị: Đức Cha là Đức Chúa Trời; Đức Con là Ngôi Lời; Đức Thánh Linh là Đấng Thần Linh. Ngoài Thiên Chúa thì không có Chúa nào khác. Chỉ có một đức tin đó là đức tin nơi Thiên Chúa. Tin vào sự thực hữu của Thiên Chúa, tin vào sự cứu rỗi Chúa ban cho loài người, tin vào Lời Chúa là Thánh Kinh. Chỉ có một phép Báp Tem, là phép Báp Tem được truyền dạy bởi Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 28:19.

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Câu 6: Con hiểu rằng, chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự nghĩa là trong cõi vũ trụ chỉ có duy nhất một Thiên Chúa và Ngài là Đấng tạo dựng nên mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha là Đấng ở trên hết mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ở trong hết thảy những con dân chân thật.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Câu 7: Con hiểu rằng, qua bài giảng người chăn con hiểu ân điển tha thứ, cứu chuộc của Đấng Christ ban cho mỗi người là khác nhau, vì sự phạm tội và số lượng phạm tội cũng khác nhau.

Cảm tạ ơn Cha ban cho con có sự hiểu qua phân đoạn Thánh Kinh này. Nguyện con luôn ý thức sống xứng đáng với địa vị và chức vụ Ngài ban cho con. A-men!


Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Vũ Triệu Hùng
17/09/2023


Phạm Trịnh Minh Anh
17/09/2023 23:15

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con cảm tạ ơn Cha ban cho con một ngày nghỉ ngơi trong sự bình an, phước hạnh và giờ đây con lại có được cơ hội, dịp tiện để ghi chép lại những điều con suy ngẫm về Lời Cha.

Thưa Cha, con xin trình bày những sự con được hiểu trong Ê-phê-sô 4:1-7.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Thưa Cha, con hiểu rằng, Chúa dùng những người tù của Chúa để rao ra Tin Lành chân thật, giúp một người có thể nghe tiếng gọi, đáp lại mà trở nên môn đồ của Đấng Christ, được ban cho địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời, ở trong chức vụ tiên tri, thầy tế lễ và nhà vua (I Phi-e-rơ 2:9). Không phải tự nhiên mà một tội nhân có thể nhận lãnh địa vị ấy, ngoài ân điển dư dật của Thiên Chúa thì Sứ Đồ Phao-lô nhắc họ nhớ rằng để mang lẽ thật của Lời Chúa đến cho họ, ông đã chịu những khó khăn, gian khổ, lao tù. Vậy nên, ông nài xin họ hãy sống nếp sống xứng đáng với những gì họ được kêu gọi.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

Thưa Cha, con hiểu rằng, nếp sống của một con dân Chúa chân thật là một nếp sống luôn luôn ở trong sự khiêm nhường và nhu mì trọn vẹn, bởi môn đồ của Đấng Christ thì sẽ học theo Đấng Christ. Ngài vốn thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chọn đến với loài người trong hình thể của loài người cách khiêm nhường, nhu mì, để cho chúng ta một tấm gương, Ngài đã tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự (Phi-líp 2:6-8) để cứu chuộc chúng ta chẳng bởi vì chúng ta có gì xứng đáng. Vậy thì giữa con dân Chúa với nhau có điều gì mà không khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại với nhau được. Nếu chúng con có chịu đựng anh chị em mình trong tình yêu nhiều đến thế nào, thì cũng chẳng thể nào so được với sự Thiên Chúa đã chịu đựng chúng con trong sự khoan nhẫn và từ ái của Ngài.

3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Thưa Cha, con hiểu rằng các bậc cha mẹ thì ai cũng muốn nhìn thấy con cái mình sống hòa thuận và yêu thương lẫn nhau. Cha cũng muốn con cái Ngài sốt sắng gìn giữ sự hiệp một với nhau và với Ngài bởi sự tác động của Đấng Thần Linh, dùng tình yêu để kết nối nhau trong sự hòa bình.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Thưa Cha, con hiểu rằng, thân thể của Đấng Christ chỉ có một, ấy chính là Hội Thánh. Hội Thánh có cùng một thần trí, chung một suy nghĩ, sự hiểu biết được thần cảm bởi Đức Thánh Linh, hướng về Thiên Chúa, là sự trông cậy của mỗi người trong Hội Thánh.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Thưa Cha, con cảm tạ Cha vì qua bài giảng của người chăn con nhìn thấy lẽ thật một Thiên Chúa Ba Ngôi trong câu sáu này, con xin trích lại bên dưới:

Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời ở trên mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, với danh xưng Đức Thánh Linh, ở trong tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh.

Thiên Chúa ở trên mọi sự và ở giữa mọi sự nhưng Thiên Chúa không ở trong mọi sự, mà Ngài chỉ ở trong những người thuộc về Ngài.

Thưa Cha, con hiểu rằng chỉ có duy nhất một Chúa là Thiên Chúa trong ba thân vị là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus Christ và Đấng Thần Linh, là Thiên Chúa Ba Ngôi, là Đấng duy nhất mà chúng con tin và thờ phượng. Ngài là Cha của mọi sự vì Ngài là Đấng Sáng Tạo, mọi sự có là bởi Ngài. Chỉ có một phép báp-tem do chính Đức Chúa Jesus Christ truyền dạy là phép báp-tem trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 28:19) mà thôi.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Thưa Cha, con hiểu rằng, mỗi một người trong Hội Thánh trước khi đến với Ngài, đã có quá khứ tội lỗi và mức độ phạm tội khác nhau, nhưng hết thảy chúng con đều là tội nhân trước mặt Chúa, đều được Ngài bôi xóa mọi tội. Ân điển Ngài dư dật để ban cho mỗi người, nhưng ai đã phạm tội nhiều thì được tha nhiều hơn (Rô-ma 5:20).

Con hiểu thêm rằng, như Sứ Đồ Phao-lô tự nhận mình là thấp hèn hơn hết trong mọi thánh đồ (Ê-phê-sô 3:8) là vì ông nhận biết quá khứ của ông trước khi biết Chúa, thì tội lỗi lớn và nhiều thể nào, vì vậy mà ông sốt sắng, tận tụy trong sự hầu việc Chúa để tỏ lòng biết ơn Ngài vì ân điển Chúa ban cho ông thật dư dật, như câu Chúa phán trong câu chuyện về một người đàn bà xấu nết chép trong Lu-ca 7:36-50.

"Vậy nên Ta nói với ngươi, tội lỗi đàn bà này nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu mến nhiều;" (Lu-ca 7:47a)

Con cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho con những sự suy ngẫm trên. Càng ở trong Chúa con càng hiểu rõ được ân điển dư dật của Thiên Chúa đã ban cho con, nguyện xin Cha gìn giữ con, để con được bước đi một cách xứng đáng với những gì Ngài ban cho con, kêu gọi con với sự nhu mì, khiêm nhường và nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh Ngài sẽ đặt để con vào. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Phạm Trịnh Minh Anh
17/09/2023


Nguyễn Thị Thu Thủy
18/09/2023 20:35

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Lạy Cha kính yêu, con cảm tạ ơn Chúa đã ban cho con có thời gian, cơ hội và phương tiện để học và suy ngẫm Lời Ngài. Nguyện xin Chúa dạy dỗ con và dẫn dắt con vào trong mọi lẽ thật của Lời Ngài.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.
4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.
7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Con hiểu rằng:

1. Phao-lô nhắc lại với con dân Chúa tại Ê-phê-sô rằng, ông là một người tù của Chúa, tự nguyện sống và làm theo mọi ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống mình. Ông nhắc lại để kêu gọi họ cũng hãy sống nếp sống mới của con người mới trong Chúa, sao cho xứng đáng với tiếng gọi của Chúa đã kêu gọi họ mà họ nhận được. Con hiểu, sự kêu gọi đầu tiên mà Chúa dành cho một người ấy là hãy ăn năn, từ bỏ nếp sống tội lỗi của con người xác thịt xưa cũ mà sống nếp sống mới trong Chúa.

2. Khi một người tin nhận Chúa thì được trở nên con cái Chúa, người nhà của Đức Chúa Trời, trong nhà có nhiều anh chị em cùng đức tin. Vì vậy, Phao-lô kêu gọi con dân Chúa sống với nhau bằng nếp sống mới trong Chúa, với tất cả sự khiêm nhường nghĩa là xem người khác là tôn trọng hơn mình, với tất cả sự nhu mì là mềm mại, dịu dàng, yêu thương, nhường nhịn. Phao-lô khuyên họ hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, con hiểu là bởi tình yêu chân thật trong Chúa sẵn sàng tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm mà anh chị em gây ra với mình nếu họ thật lòng ăn năn. Nhưng nếu người phạm lỗi, phạm tội cứ tiếp tục lặp đi lặp lại thì họ không thật lòng ăn năn, thì cần quở trách, sửa phạt, hoặc thưa trình với người chăn và các trưởng lão. Đấy cũng là tình yêu thật, vì Lời Chúa dạy lời quở trách tỏ tường hơn là yêu thương giấu kín.

Phao-lô khuyên con dân Chúa cần sốt sắng sống hòa thuận bình an với nhau, lấy đó làm sự ràng buộc mà giữ gìn sự hiệp một trong Đấng Thần Linh. Con hiểu sự hiệp một hòa bình trong con dân Chúa chỉ có khi hết thảy đều cùng một tấm lòng kính sợ Chúa, để Chúa làm Chủ dẫn dắt trong mọi việc làm, hết lòng vâng phục nhau. Khi có bất cứ điều gì còn để trong lòng, còn không thỏa lòng, còn không vui với nhau thì ma quỷ sẽ lợi dụng kẽ hở đó mà đánh phá khiến sự hiệp một không còn. Việc dứt thông công kẻ có tội không ăn năn cũng là để giữ sự hòa bình hiệp một giữa con dân Chúa với nhau. Vì tội lỗi khiến con dân Chúa xa cách với Chúa và xa cách nhau, và vì tội lỗi không giải quyết sẽ lây lan trong Hội Thánh.

3. Lý do hết thảy con dân Chúa cần giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh là bởi vì trong Chúa hết thảy hiệp làm một thân thể, mỗi người là những chi thể trong cùng một thân, Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh. Trong Chúa cùng một thần trí là làm theo mọi Lời của Đấng Christ phán dạy.

Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin và một phép báp-tem như trong Thánh Kinh đã trình bày. Thiên Chúa Ngài là Cha của mọi sự vì Ngài sáng tạo nên muôn loài vạn vật, Ngài ở trên mọi sự vì Ngài có quyền trên mọi sự, Ngài ở giữa mọi sự vì Ngài hiện diện ở khắp mọi mơi. Nhưng Chúa chỉ ở trong các anh chị em, là những người tin nhận Ngài, vì người tin nhận Ngài thì thân thể sẽ trở thành Đền Thờ của Chúa để Ngài ngự vào.

Qua bài giảng của người chăn thì con học biết là ân điển là sự thương xót tha thứ của Chúa ban cho mỗi người khác nhau, vì mỗi người phạm tội ít nhiều khác nhau, nên sự tha thứ cũng khác nhau.

Bài học con rút ra:

1. Con học được rằng, điều đầu tiên giúp cho anh chị em trong Chúa cùng giữ gìn sự hiệp một với nhau, chính là mỗi người phải từ bỏ chính mình, từ bỏ nếp sống tội lỗi, bằng lòng sống cho Chúa. Nếu không có bước đầu tiên này thì rất khó hiệp một. Vì nếu mỗi người đều không cùng sống cho Chúa, ai cũng theo ý muốn riêng của mình mà sống thì không thể hiệp một.

2. Con học được rằng, để có được sự hiệp một trong Chúa giữa con dân Chúa với nhau, thì điều thứ hai cần có ấy là mọi người thật sự xem nhau như anh chị em cùng một nhà, có Cha là Đức Chúa Trời yêu thương. Kế đến mỗi người đều khiêm nhường, nhu mì trong sự đối cùng nhau.

3. Con học được rằng, sự hiệp một trong Chúa là rất quan trọng, vì điều đó là sức mạnh để có thể gây dựng phát triển Hội Thánh, để tránh khỏi những bẫy rập mưu kế của ma quỷ.

Nguyện xin Chúa ban cho hết thảy anh chị em trong Hội Thánh luôn cùng một thần trí, hiệp một với nhau. Con cảm tạ ơn Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy
18/9/2023


Huỳnh Christian Priscilla
19/09/2023 21:57

Huỳnh Christian Priscilla: Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Sự từ ái của Ngài còn mãi và sự thành tín của Ngài còn tới đời đời. Con cảm tạ Cha, vì Ngài đã ban cho con Lời Hằng Sống của Ngài. Nguyện Lời Chúa thánh hóa con mỗi ngày và giữ gìn con được nên trọn vẹn không chỗ trách được, cho tới khi Đấng Christ trở lại để đón con vào trong thiên đàng.

Lạy Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về Ê-phê-sô 4:1-7, dạy cho con dân Chúa giữ gìn sự hiệp một của Hội Thánh và tận dụng các ơn để gây dựng Hội Thánh.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Câu 1: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô hàm ý, ông từng bị bắt bớ, bị đánh đập, bị ngồi tù vì danh Chúa trong khi rao giảng Tin Lành, và cũng là người hoàn toàn phó thác đời sống của mình trong tay Đấng Christ. Ông muốn con dân Chúa tại Ê-phê-sô nghĩ đến những sự khó khăn, gian khổ trong hoạn nạn, mà ông đã vì họ chịu đựng trong khi rao giảng lẽ thật của Lời Chúa cho họ. Vì thế, Sứ Đồ Phao-lô mong rằng, con dân Chúa tại Ê-phê-sô biết tấm lòng yêu thương của ông dành cho họ và biết ơn Chúa về sự cứu rỗi Ngài đã ban cho họ mà sống một nếp sống thánh khiết, xứng đáng với địa vị và chức vụ mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ và ban cho họ.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

Câu 2: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô dạy cho con dân Chúa trong Hội Thánh sống khiêm nhường là biết hạ mình, chịu đựng, tôn trọng người khác hơn chính mình; sống nhu mì là luôn cư xử hòa nhã, dịu dàng với mọi người, biết cảm thông người khác. Ngoài sự khiêm nhường và nhu mì, con dân Chúa còn phải sống nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu. Con hiểu rằng, vì tình yêu con dân Chúa nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau về những thiếu sót, lầm lỗi; sẵn sàng chờ cho người đã xúc phạm và làm tổn hại mình ăn năn; tiếp nhận sự ăn năn của họ mà tha thứ cho họ. Vì tình yêu, con dân Chúa nhẫn nại, chịu đựng một cách bền bỉ để giúp nhau vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, cho tới khi hoàn thành mục đích Chúa đã định cho mình.

3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Câu 3: Con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa phải có lòng sốt sắng, giữ gìn sự hiệp một trong Hội Thánh, là sự hiệp một giữa chi thể này với chi thể khác; bằng cách yêu thương, đồng cảm, tha thứ, thương xót, hy sinh, cứu giúp, và chăm sóc lẫn nhau. Con dân Chúa cũng phải sốt sắng giữ gìn sự hiệp một giữa Hội Thánh và Thiên Chúa bằng cách hết lòng yêu kính Chúa; vâng giữ, làm đúng theo Lời dạy của Thiên Chúa; không thỏa hiệp với tà giáo; không dung túng tội lỗi, giữ gìn sự thánh sạch trong Hội Thánh. Vì có như thế thì trong Hội Thánh mới có sự hiệp một, được ở trong sự bình an của Thiên Chúa.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Câu 4: Con hiểu rằng, Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Hội Thánh là những người có cùng một suy nghĩ, có cùng một hiểu biết, có cùng một ý chí được thần cảm bởi Đức Thánh Linh, để sống theo Thánh Kinh và rao giảng lẽ thật của Thánh Kinh. Vì thế, Hội Thánh là sự hiệp một của tất cả những ai thật lòng tin nhận Tin Lành, ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và có chung một lòng trông cậy vào sự kêu gọi được làm con của Đức Chúa Trời, làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Câu 5: Con hiểu rằng, chỉ có một Chúa chính là Thiên Chúa. Đức Chúa Trời được gọi là Chúa. Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Chúa, Đấng Thần Linh được gọi là Chúa. Chỉ có một đức tin chính là đức tin nơi Thiên Chúa, bao gồm: đức tin về sự thực hữu của Thiên Chúa; đức tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho loài người qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; và đức tin vào Thánh Kinh, là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Chỉ có một phép báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh.

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Câu 6: Con hiểu rằng, chỉ có một Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật. Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời ở trên mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, với danh xưng Đức Thánh Linh, ở trong tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh. Thiên Chúa ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và Ngài chỉ ngự ở trong những ai thật sự thuộc về Ngài, bởi họ có đức tin nơi Ngài và vâng phục Ngài.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Câu 7: Con hiểu rằng, ân điển cứu chuộc của Đấng Christ ban cho mỗi người cũng khác nhau, tùy theo sự ban cho dư dật của Đấng Christ. Bởi vì sự phạm tội của mỗi người khác nhau, số lượng phạm tội của mỗi người cũng khác nhau.

Lạy Cha, qua Đấng Christ mà chúng con mỗi người trong Hội Thánh được sự kết hiệp gắn bó với nhau thành các chi thể trong một thân. Nguyện Cha giúp cho chúng con biết sống cho Thiên Chúa, biết hy sinh cho nhau, và yêu lẫn nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa. Xin Cha giúp cho chúng con biết cùng nhau hết lòng phụng sự Ngài để gây dựng Hội Thánh, mang lại sự vinh quang cho Thiên Chúa trong Vương Quốc Trời! Con tạ ơn Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Priscilla


Huỳnh Christian Timothy
19/09/2023 21:58

Huỳnh Christian Timothy: Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con kính dâng Cha lời tôn vinh và cảm tạ của con. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Cha ở trên trời của con. Mỗi ngày, khi con xem tin tức về những khám phá của khoa học, con nhận thấy sự trí thức của loài người ngày càng gia tăng càng nhanh. So với khi con còn là một đứa bé tám, chín tuổi cách nay 60 năm, thì trẻ con tám, chín tuổi ngày nay có sự hiểu biết hơn con khi ấy gấp trăm lần. Tuy nhiên, sự băng hoại của loài người cũng gia tăng khủng khiếp. Điển hình là ngày nay, tại một quốc gia được thành lập trên đức tin nơi Thiên Chúa là nước Mỹ, những kẻ cầm quyền các cấp đã ủng hộ nếp sống đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng giới tính, khuyến khích trẻ con thay đổi giới tính. Thậm chí, họ còn cho những kẻ thích chuyển đổi giới tính được tự do trần truồng, diễu hành trên phố, trước mặt trẻ con. Họ cho phép những kẻ ấy vào trong các trường mẫu giáo dạy cho trẻ con về đồng tính luyến ái và chuyển đổi phái tính. Và sự đồi trụy đó được lan tràn ra khắp nơi trên thế giới. Con hiểu rằng, Kỳ Tận Thế đã gần. Vì sự tội lỗi của loài người đã lên đến cực điểm như thời của Nô-ê, thời của Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Đó cũng là điềm báo ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Con vui mừng và nôn nao trông chờ ngày ấy.

Con cầu xin Cha giữ cho con được nên thánh trọn vẹn không chỗ trách được. Con cầu xin Đấng Christ thêm sức cho thân thể xác thịt của con. Con cầu xin Đức Thánh Linh ban sự khôn sáng và sự thông sáng trong thần trí con. Con cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha, con xin trình bày sự suy ngẫm của con về Ê-phê-sô 4:1-7, như sau:

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Câu 1-3: Con hiểu rằng, Phao-lô một lần nữa, nhắc lại với con dân Chúa tại Ê-phê-sô, ông là người tù của Chúa, để họ nghĩ đến sự ông đã chịu khổ vì danh Chúa, đem Tin Lành Cứu Rỗi đến họ mà kêu gọi họ sống nếp sống xứng đáng với ân điển họ đã nhận từ Chúa. Họ đã được ở trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, đã được dựng nên mới trong Đấng Christ, khi họ đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời, gọi họ đến với ơn cứu rỗi của Ngài. Nếp sống mới trong Đấng Christ là nếp sống thể hiện sự nhu mì và khiêm nhường như chính Đấng Christ là nhu mì và khiêm nhường. Thực tế, chính Đấng Christ kêu gọi mọi người hãy đến với Ngài và học theo sự nhu mì, khiêm nhường của Ngài. Sự nhu mì và khiêm nhường cũng chính là dấu hiệu của người đã bằng lòng chết đi con người cũ để được tái sinh thành con người mới. Kèm theo đó là con dân Chúa nhẫn nại, chịu đựng những khuyết điểm của nhau trong tình yêu của Chúa. Vì thực tế, mỗi một con dân Chúa đang được thánh hóa để ngày càng trở nên giống như Đấng Christ, ai nấy cũng có những khuyết điểm cần được sửa đổi. Con dân Chúa cần nhẫn nại, chịu đựng, giúp nhau sửa lỗi để cùng gây dựng lẫn nhau ngày càng trở nên giống Đấng Christ càng hơn. Muốn được như vậy, họ phải yêu nhau bằng chính tình yêu của Chúa. Yêu nhau như chính Đấng Christ đã yêu họ và hy sinh cho họ. Họ đã được Đấng Thần Linh ban cho năng lực của Thiên Chúa và ban cho có cùng một thần trí để họ hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết nhau, hiệp một với nhau trong sự hòa bình của những chi thể thuộc về cùng một thân.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Câu 4: Con hiểu rằng, "chỉ có một thân thể" có nghĩa là chỉ có một Hội Thánh của Thiên Chúa trong Đấng Christ. Những tổ chức tôn giáo mang danh Chúa do loài người chịu sự tác động của Sa-tan dựng nên không phải là Hội Thánh của Thiên Chúa, không phải là thân thể của Đấng Christ. "Một thần trí" là cùng một sự hiểu biết trong tâm thần, được soi sáng bởi Đức Thánh Linh, để cùng hiểu đúng về Thiên Chúa, về Tin Lành Cứu Rỗi, và về mọi lẽ thật khác trong Lời Chúa. Mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh đều được gọi cùng một tiếng gọi, cùng có chung một sự trông cậy của sự kêu gọi ấy. Mỗi người được gọi làm con trai hoặc con gái của Đức Chúa Trời. Mỗi người được gọi làm thầy tế lễ để thờ phượng Đức Chúa Trời, dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời, làm ra những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người; và cầu thay cho mọi người. Mỗi người được gọi làm tiên tri để rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời, kêu gọi những người có tội ăn năn; và công bố về Vương Quốc Trời. Mỗi người được gọi làm vua để đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Trời. Hiện tại, mỗi người tự cai trị thân thể xác thịt mình, bắt nó phải vâng phục thần trí. Sự trông cậy của mỗi người là được Đức Chúa Trời thành tín giúp cho đứng vững trong đức tin, hoàn thành những việc lành, sẵn sàng ra đi với Đấng Christ để vào trong thiên đàng, chuẩn bị cho thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời Đời.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Câu 5: Con hiểu rằng, danh từ "Chúa" trong câu này được dùng để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa, với ý nghĩa, chỉ có một Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn loài, cầm quyền tể trị trên muôn loài. Chỉ có một Thiên Chúa được Hội Thánh thờ phượng. Hội Thánh chỉ có một đức tin vào Thiên Chúa, như Ngài đã được giãi bày trong Thánh Kinh. Hội Thánh tin vào một Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị với các danh xưng: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Đối với Hội Thánh, Đức Chúa Trời còn là Cha, Ngôi Lời còn là Chúa, là vua, và Đấng Thần Linh còn là Đức Thánh Linh, vì Ngài ngự trong mỗi con dân Chúa. Chỉ có một phép báp-tem là sự người tin nhận Tin Lành được báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa, là danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, trong khi được nhấn chìm vào trong nước. Phép báp-tem ấy tiêu biểu cho một người được nhấn chìm vào trong sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, được nhấn chìm vào trong chính Đấng Christ, được nên một với Đấng Christ. Được nhấn chìm vào trong sự chết của Đấng Christ là cùng chịu để cho con người cũ đầy dẫy tội lỗi chết đi trong Đấng Christ, dưới sự hình phạt của Đức Chúa Trời. Được nhấn chìm vào trong sự sống lại của Đấng Christ là tiếp nhận sự cùng sống lại với Ngài và được đổ đầy năng lực của Thiên Chúa là thánh linh, bởi Đức Thánh Linh. Được nhúng chìm vào trong Đấng Christ là được trở nên chi thể của Ngài, sống cho Ngài, chết cho Ngài, tôn Ngài làm chủ hoàn toàn trong đời sống.

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Câu 6: Con hiểu rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi sự vì Thiên Chúa dựng nên mọi sự. Đó là Cha về phương diện sáng tạo. Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời ở trên mọi sự, quan phòng mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã đến trong thế giới vật chất, đi lại giữa mọi sự, chăn dắt con dân Ngài. Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh ở trong tất cả những ai tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời, được gọi bằng danh xưng Đức Thánh Linh, Ngài an ủi, dẫn dắt con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật; và ấn chứng họ đã thuộc về Đức Chúa Trời.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Câu 7: Con hiểu rằng, mỗi con dân Chúa đều nhận được ân điển cứu chuộc của Đấng Christ. Nhưng ân điển Đấng Christ ban cho mỗi người có mức độ khác nhau. Vì hoàn cảnh mỗi người khác nhau; sự phạm tội của mỗi người khác nhau; lòng yêu kính, vâng phục Chúa của mỗi người khác nhau; và công việc Ngài giao cho mỗi người cũng khác nhau. Nhưng sự ban cho của Đấng Christ luôn là đầy trọn cho sức chứa của mỗi người. Con nghĩ đến sức chứa nhiên liệu của một chiếc xe máy, một xe vận tải con, và một xe vận tải lớn hoàn toàn khác nhau. Nhưng mỗi xe đều được đổ đầy nhiên liệu để dùng trong công việc của mỗi xe. Con cũng nghĩ đến, tùy vào tấm lòng của mỗi người đối với Chúa mà lượng ban cho ân điển của Chúa có thể đến với người ấy nhiều hay ít. Người có tấm lòng hướng về đời này quá nhiều thì sẽ có ít chỗ để nhận ân điển của Chúa. Người hoàn toàn phó thác đời sống mình cho Chúa, ngưỡng trông lên Chúa thì sẽ được dư dật, tràn đầy ân điển của Chúa. Điều đó ví như trời đổ cơn mưa lớn, những thùng chứa nước cùng được mở ra để nhận nước mưa, nhưng chỉ có những thùng trống không mới nhận được dư dật nước mưa. Những thùng có chứa đất, đá, cát, sỏi bên trong thì không thể nhận được nhiều nước mưa.

Thưa Cha, xin Cha giúp cho mỗi con dân của Ngài hiểu rõ và ghi nhớ bài học này để họ cùng nhau giữ gìn sự hiệp một trong Hội Thánh và gây dựng Hội Thánh, đẹp ý Ngài. Con cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy


Vũ Thị Thư
20/09/2023 14:40

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Con kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu ở trên trời của con, con cảm tạ ơn Cha vì một đêm ngủ nghỉ bình an Ngài ban cho con. Con cảm tạ ơn Cha vì sự thương xót và tình yêu của Ngài đối với chúng con là những kẻ không xứng đáng. Cha ơi, con kính xin Cha tha thứ cho con mọi sự vi phạm của con, xin Cha đem xa khỏi con những điều gì không đến từ Cha, giúp con nên mới trong Ngài, được vui thỏa bình an.
Lời Chúa trong Ê-phê-sô 4:1-7. Sau đây con xin nói lên sự hiểu của con qua phân đoạn Thánh Kinh này:

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Thưa Cha, ông Phao-lô lại một lần nữa xưng mình là người tù của Chúa, là người chỉ sống cho Chúa, chết cho Chúa, đặt Chúa làm chủ cai trị mình. Ông nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi, tức là sống một đời sống mới được biến đổi xứng đáng với sự kêu gọi của Tin Lành, xứng đáng với tình yêu sự hy sinh của Chúa Jesus Christ đối với anh chị em. Ông dùng từ nài xin thể hiện tấm lòng tha thiết và mong muốn đối với các con cái Chúa.

Bằng tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, tức là hết sức hạ mình, hết sức nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, là trong tình yêu của Đấng Christ, tình yêu mặc dầu, tình yêu hy sinh vì nhau, luôn tôn trọng anh chị em hơn chính mình, yêu thương anh chị em hơn chính mình, đó là nếp sống mới trong Chúa.

Cùng với tấm lòng sốt sắng hết lòng để giải quyết mọi mâu thuẫn trong sự hòa bình, giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh. Bởi vì mỗi chúng con đều có Đức Thánh Linh ở trong mình nên chúng con cần có sự hiệp một với nhau. Muốn như vậy thì chúng con phải thực sự chết đi con người cũ của mình, luôn kính sợ Chúa và yêu thương nhau, nhường nhịn và hy sinh vì nhau. Con xin Chúa giúp con luôn nhớ điều này và xin Ngài giúp con làm được như Lời Ngài dạy dỗ.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Thưa Cha theo con hiểu, một thân thể ở đây là Hội Thánh, chỉ có một Hội Thánh, là thân thể của Đấng Christ, và Đấng Christ là đầu Hội Thánh. Một thần trí là thần trí của Đấng Christ, khi chúng con tin Chúa chúng con được ban cho thần trí của Đấng Christ để sống lại một con người mới, suy nghĩ và hành động theo tiêu chuẩn của Lời Chúa, theo Lẽ Thật của Lời Chúa.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.
7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Con hiểu chỉ có một Chúa, tức là chỉ có một Thiên Chúa với ba thân vị là Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Jesus Christ là Ngôi Lời, Đức Chúa Con, và Đấng Thần Linh, hay còn gọi là Đức Thánh Linh. Chỉ có một đức tin là đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và một phép báp-têm là sự con dân Chúa được báp-têm vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa là danh của Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh.

Chỉ có một Thiên Chúa, Ngài là Cha của mọi sự vì Ngài là Đấng đã tạo dựng lên mọi sự, Ngài sáng tạo và có quyền trên mọi sự, Ngài ở giữa mọi sự, và Ngài ngự trong mỗi chúng con, là những người tin Chúa, thuộc về Ngài.
Con hiểu câu số 7 có nghĩa là ân điển Chúa ban cho mỗi người có sự khác nhau. Không phải Chúa không ban cho đồng đều, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng của mỗi người đối với Chúa mà lượng ban cho cũng khác nhau.

Cha ơi, con thực sự muốn dọn sạch lòng mình, chỉ hướng về Chúa, ngưỡng trông nơi tình yêu và lòng thương xót của Ngài đối với con. Con biết con yếu đuối và bất toàn lắm. Xin Cha thương xót con, giữ gìn lòng con, giúp con luôn nhớ rằng mình cần phải giữ gìn sự hiệp một trong Hội Thánh, xin Cha giúp con chỉ yêu Ngài trên hết mọi sự và luôn biết tin cậy nơi Chúa mà thôi.
Con xin cảm tạ ơn Cha và thành kính hết lòng cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ, A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Vũ Thị Thư
Ngày 20/09/2023


Nguyễn Thị Lan
20/09/2023 17:21

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Cha, con cảm tạ ơn Cha cho con Lời Ngài để dạy dỗ thánh hoá con. Con xin ghi nhớ những điều Cha dạy ạ.

Thưa Cha, con cảm nhận thời gian trôi qua mỗi ngày, mỗi tuần thật là nhanh. Con xin Ngài cho con biết tận dụng những ngày ngắn ngủi Cha ban cho con trên đất này ạ.

Hôm nay, con suy ngẫm Ê-phê-sô 4:1-7. Con kính xin Đức Thánh Linh ban cho con sự khôn sáng ạ. Con cảm tạ ơn Ngài.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.
4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.
7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Thưa Cha, con hiểu là:

1). Phao lô kêu gọi con dân Chúa hãy sống xứng đáng với ân điển, sự kêu gọi, chọn lựa của Chúa dành cho mình.

2). Hãy đối xử với nhau đầy yêu thương, nhu mì, khiêm nhường, nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu.

Con hiểu đoạn này Phao-lô đang nói đến cách đối xử với nhau giữa anh chị em trong Hội Thánh. Cư xử yêu thương là cách con dân Chúa cần có với hết cả mọi người lân cận.

Riêng với anh chị em trong Hội Thánh thì có sự yêu thương gắn kết đặc biệt, trong sự hiệp một với nhau và với Chúa.

3). Thưa Cha, con rất thích cách dùng từ "sự ràng buộc của hòa bình" trong câu 3 Phao-lô viết. Con hiểu đó chính là tình yêu. Tình yêu trong Chúa.

Chỉ có sự ràng buộc của hoà bình trong sự hiệp một mới có được tình yêu bền vững. Yêu thương trong sự cảm thông, tha thứ, xẻ chia, tương trợ cứu giúp, quan tâm chăm sóc lẫn nhau, cùng dìu dắt nâng đỡ, bảo ban, khích lệ, an ủi lẫn nhau trong nếp sống vâng phục Chúa, hướng về nhà Cha.

Con hiểu nhẫn nại chịu đựng trong câu 2 với ý có đầy dãy lòng cảm thông, tha thứ, kiên trì giúp đỡ, chăm sóc, ngay cả sự sửa phạt cũng cần kiên trì chờ đợi, với lòng mong đợi sự thay đổi tốt, hết lòng cầu nguyện cho người mình yêu.

4). Câu 4, 5 và 6: Phao-lô khẳng định chỉ có một Chúa, một thân thể, một thần trí, một đức tin, một phép báp-tem. Con dân Chúa trong Hội Thánh là thân thể của Chúa.

Vì thế mà con hiểu: Con dân Chúa không thể tách rời, mà trong sự hiệp một như trên.

5). Câu 6: "Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em."

Con hiểu chỉ có một Thiên Chúa. Ngài có Ba Ngôi, ở trên, giữa và trong chúng ta. Nghĩa là, chúng con có: Đức Chúa Trời ở trên mọi sự; Đức Chúa Jesus ở giữa mọi sự; Đức Thánh Linh ở trong mỗi chúng con.

6). Qua câu 7, con hiểu được: Đức Chúa Jesus ban ân điển cứu chuộc cho mỗi con dân Ngài là khác nhau, tuỳ theo lượng ban cho của Ngài.

Con hiểu Ngài có dư dật, đầy dãy và vô cùng giàu có sự ban cho, nhưng ân điển ban cho còn tùy thuộc vào sự nhận lãnh, sức chứa của mỗi chúng con.

Con cũng hiểu, ân điển tha tội của Đức Chúa Jesus là như nhau với hết cả mọi người. Nhưng mỗi người có quá khứ tội lỗi khác nhau mà nhận được ân điển riêng không giống nhau. Đời sống quá khứ càng tội lỗi bao nhiêu thì ân điển càng dư dật bấy nhiêu (Rô-ma 5:20b).

Nhưng không có nghĩa chúng con được lạm dụng ân điển. Sau khi được cứu, chúng con cần ngưng, không còn cố ý sống trong tội nữa, như Rô-ma 6:15, Lời Chúa đã dạy con như sau:

"Vậy thì sao? Vì chúng ta không ở dưới luật pháp nhưng ở dưới ân điển thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!" (Rô-ma 6:15).

Kính lạy Cha, con xin Ngài gìn giữ con ngưng phạm tội, không còn cố ý phạm tội với Ngài nữa! Con cảm tạ Cha đã cho con thấu hiểu lẽ thật, để con biết trân quý ân điển Chúa ban, yêu kính tin cậy Ngài, không còn muốn cố ý phạm tội với Ngài.

Bài học con nhận được:

1). Chúa nhắc con về nếp sống yêu thương, tin cậy, vâng phục. Yêu Chúa. Yêu Hội Thánh. Yêu cả những người lân cận theo tiêu chuẩn tình yêu Chúa.

2). Chúa nhắc con luôn ghi nhớ ân điển Chúa ban cho con. Nhắc con mỗi ngày dành khoảng yên lặng đếm ân điển Chúa ban cho riêng mình là gì, xin Chúa gìn giữ.

3). Chúa nhắc con ghi khắc trong nếp sống mỗi ngày về tình yêu anh chị em trong Chúa. Con cần yêu thương quý mến anh chị em cùng Cha trong sự hiệp một. Nhu mì. Khiêm nhường. Vâng phục. Nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau.

Con cảm tạ ơn Chúa đã ban cho mỗi chúng con cùng một thánh linh, để chúng con tuy có thể xa cách về địa lý, khác nhau về tính cách, hoàn cảnh sống, nhưng lòng chúng con đều hiệp một hướng về Chúa.

Con cảm tạ Đức Thánh Linh đã dạy dỗ con những điều trên đây ạ.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
20/09/2023


Bùi Văn Vũ
22/09/2023 00:46

Ê-phê-sô 4:1-6 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của Con. Con cảm tạ Ngài đã ban ơn và gìn giữ con suốt một ngày hôm nay. Cảm tạ Ngài đã ban cho con có thời gian suy ngẫm Lời Ngài. Con xin trình bày ý hiểu của con về đoạn Thánh Kinh trong Ê-phê-sô 4:1-6. Con xin Đức Thánh Linh soi dẫn và dạy dỗ con. Con cảm tạ ơn Ngài.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Thưa Cha! Ông Phao-lô tự nhận mình là người tù của Chúa, con hiểu rằng, người tù của Chúa cũng giống như nô lệ của Chúa là người luôn vâng phục Chúa, dẫu phải chịu bao khó khăn, thử thách, gian khổ cũng làm thành mọi ý muốn của Chúa đã giao phó.

Con hiểu rằng, bởi tình yêu của Chúa dành cho loài người mà Đấng Christ đã nhập thế và chết trên cây thập tự để chuộc tội cho loài người. Ngài đã kêu gọi mỗi một người đến với sự cứu rỗi bởi sự tác động của Đấng Thần Linh trong tâm thần của loài người.
Ông Phao-lô đã nài xin con dân Chúa tại thành Ê-phê-sô bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà họ được gọi, nghĩa là nếp sống mỗi ngày của họ xứng đáng với ơn cứu rỗi của Chúa dành cho họ.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, một nếp sống đúng theo Lời Chúa đó chính là đối xử với nhau bằng sự nhu mì, khiêm nhường, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương.

Sốt sắng dùng sự ràng buộc của hoà bình nghĩa là luôn nóng cháy trong sự hòa thuận với nhau, không nghịch lại nhau.

Con hiểu rằng, sự hiệp một là điều mà thế gian không có được, ngay cả vợ chồng là mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Nhưng trong Chúa, mỗi một chúng con là chi thể của một thân, được hiệp một với nhau trong Đức Chúa Jesus. Ai nấy trong chúng con đều tin cậy Chúa, và tin rằng Lời Chúa là Thánh Kinh chính là thước đo chuẩn mực cho mỗi chúng con tuân theo bởi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh đang ngự trong mỗi chúng con.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, chúng con chỉ có một thân thể đó chính là Hội Thánh mà đầu Hội Thánh chính là Đức Chúa Jesus, chỉ có một thần trí được soi sáng bởi Đức Thánh Linh. Tất cả chúng con, những người tin nhận Chúa được kêu gọi vào một sự trông cậy nơi Đức Chúa Cha.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, chỉ có một Thiên Chúa hiện diện trong Ba Thân Vị.
Đó là Đức Chúa Trời, Đấng ở trên mọi sự, luôn quan phòng chăm sóc mỗi một nhu cầu trong đời sống con dân Chúa.
Đức Chúa Jesus là Đấng ở giữa mọi sự, là đầu của Hội Thánh, luôn đi lại giữa Hội Thánh, chăn dắt Hội Thánh, thêm sức và cầu thay cho mỗi một con dân Chúa trong sự yếu đuối của xác thịt. Đức Thánh Linh là Đấng ngự trong mỗi con dân Chúa, an ủi, hướng dẫn, dạy dỗ, cáo trách, cầu thay, ấn chứng và ban ân tứ cho mỗi con dân Chúa.
Chỉ có một phép Báp-tem đó là Báp-tem trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, mỗi con dân của Chúa ngoài nhận được ân điển của sự cứu rỗi ra thì trong bước đường đi theo Chúa, chúng con nhận được ân điển theo lượng ban cho của Đấng Christ, tùy vào mỗi công việc, mỗi việc lành mà Đấng Christ đã giao phó cho chúng con.

Thưa Cha! Con cảm tạ ơn Ngài đã ban cho con những sự hiểu biết trên. Xin cho con luôn ghi nhớ và cẩn thận làm theo những sự hiểu biết mà Ngài đã ban cho con. Xin cho con luôn khao khát, ham mến và vui thỏa trong Lời Ngài, trong sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh để mỗi ngày con có sự hiểu biết càng hơn, sống đẹp lòng Ngài càng hơn. Con cảm tạ ơn Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Bùi Văn Vũ
21/09/2023


Kim Loan Nguyen
23/09/2023 20:58

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu nhân từ của chúng con. Con xin dâng lời cảm tạ và tôn vinh Cha. Nguyện xin vương quyền, năng lực và vinh quang đều thuộc về Cha cho tới muôn muôn đời. Con cảm tạ Cha luôn rèn luyện, dạy dỗ con trong những ngày vừa qua. Cảm tạ Cha đã luôn gìn giữ con. Hôm nay, nhìn và xem xét lại con đã thấy rằng, bản thân con đã khác xưa rất nhiều. Từ lúc ban đầu, con không biết phải tin Cha như thế nào. Con chỉ luôn nghĩ là con tin là con đã tin. Con tin theo cách máy móc. Và con luôn cầu nguyện xin Ngài chỉ dạy con biết đức tin là gì? Và phải tin như thế nào mới đúng nhất. Giờ đây, qua các bài học của cuộc đời, kèm theo việc đọc Lời Chúa mỗi ngày mà con đã hiểu hơn đức tin nơi Cha. Cảm tạ Cha đã cho con một cơ hội được đón nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa Jesus Christ. Con đã rất vui mừng khi phát hiện ra rằng. Khi gặp sự cố trong đời sống. Lời Chúa đã thấm vào trong con lúc nào con không biết. Chính giờ phút đó con cũng nhìn thấy con người xác thịt trước kia của con. Chỉ đi theo cảm xúc của xác thịt thế gian. Chính thời điểm đó Lời Chúa hiện lên trong con, con hiểu Đức Thánh Linh đã soi sáng thần trí con, để con hiểu sự sâu nhiệm điều Cha muốn dạy cho con.

Thưa Cha, con thành kính cảm tạ Cha đã luôn thánh hóa, biến đổi con mỗi ngày. Xin Đức Chúa Jesus thêm sức cho con. Nguyện xin Đức Thánh Linh soi sáng, hướng dẫn con vào lẽ thật của Lời Chúa. Con xin cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau đây, con xin được trình bày sự hiểu của con trong phân đoạn Thánh Kinh Ê-phê-sô 4:1-7 như sau:

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Thưa Cha, con hiểu rằng: Sứ Đồ Phao-lô một lần nữa nhắc cho con dân Chúa tại Ê-phê-sô biết ông là "người tù của Chúa" để họ nhớ đến việc ông đã từng bị bắt bớ, tù đày khi ông đem Tin Lành Cứu Rỗi đến cho họ. Vì thế, ông mong muốn và thậm chí là ông nài xin con dân Chúa ở Ê-phê-sô hãy nghĩ đến tấm lòng yêu thương của ông, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã ban ơn cứu rỗi cho họ. Mà hãy sống một nếp sống công chính, yêu thương, thánh khiết để xứng đáng với địa vị và chức vụ mà Chúa đã kêu gọi và ban cho họ.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

Con hiểu rằng: Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa trong Hội Thánh ở Ê-phê-sô. Sống bằng tất cả sự khiêm nhường là biết tôn trọng người khác, coi người khác trọng hơn mình. Không kiêu ngạo, khoe khoang, biết chịu đựng, nhường nhịn lẫn nhau. Sống nhu mì là cư xử hiền lành, ôn hòa với mọi người. Đồng thời, con dân Chúa cũng phải sống nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu. Vì chính Đức Chúa Jesus cũng đã kêu gọi mọi người cũng phải sống khiêm nhường và nhu mì. Vì chỉ khi chúng con sống trong tình yêu của Chúa, sống như cách Chúa yêu chúng con, thì chúng con mới có tấm lòng bao dung nhẫn lại, chịu đựng các sai lầm thiếu sót của nhau, cùng giúp nhau sửa đổi những điều chưa tốt đẹp và giúp nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn.

3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Con hiểu rằng: Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa, phải luôn sống sốt sắng "dùng sự ràng buộc hòa bình". Nghĩa là dùng tấm lòng yêu thương, hi sinh, chăm sóc cho nhau. Mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh phải luôn giữ gìn sự hiệp nhất các chi thể với nhau, và cũng luôn sốt sắng gìn giữ sự hiệp nhất giữa Hội Thánh và Thiên Chúa bằng thần trí.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Con hiểu rằng: Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. "Chỉ có một thân thể " nghĩa là chỉ có một Hội Thánh của Thiên Chúa. Tất cả các giáo hội, tôn giáo sống không đúng Thánh Kinh, tự nhận là Hội Thánh của Chúa đều là tà giáo. Một thần trí là mỗi một con dân Chúa trong Hội Thánh đề có cùng được sự dạy dỗ, soi sáng để hiểu đúng về Thiên Chúa, hiểu được sự sâu nhiệm lẽ thật của Lời Chúa bằng tâm thần.

Vì vậy, mỗi một con dân Chúa trong Hội Thánh đều được gọi vào trong một sự trông Cậy của sự kêu gọi ấy.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem

Con hiểu rằng: chỉ có một Thiên Chúa mang ba thân vị. Đức Chúa Trời, Ngôi Lời và Đấng Thần Linh. Chỉ có một đức tin là đức tin nơi Thiên Chúa. Tin Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra muôn loài vạn vật, tin vào ơn cứu rỗi của Thiên Chúa và tin Thánh Kinh chính là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Chỉ có một phép báp-tem nghĩa là người đã được thật lòng ăn năn tội và tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi. Sau đó sẽ được báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Con hiểu rằng, chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tạo ra muôn loài vạn vật. Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha là đứng ở trên mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời là ở giữa mọi sự vật. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh chỉ ở trong những con dân chân thật thuộc về Chúa.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Con hiểu rằng: ân điển cứu rỗi của Đấng Christ ban cho mỗi người là khác nhau. Tùy vào lượng ban cho dư dật của Đấng Christ. Bởi vì sự phạm tội mỗi người khác nhau, và mức độ số lượng phạm tội cũng khác nhau.

Thưa Cha, con xin cảm tạ Cha đã cho con sự hiểu bài học hôm nay. Con xin Cha ban cho con luôn có tấm lòng sốt sắng hết lòng sống theo Lời Ngài. Hết lòng phụng sự Cha. Biết sống nhu mì, khiêm nhường. Luôn dùng tấm lòng yêu thương, hi sinh cho anh em cùng Cha của mình. Như Chúa đã yêu thương chúng con. Nguyện xin Cha giúp con luôn ghi nhớ mỗi bài học, để con biết áp dụng vào đời sống con. Nguyện xin Cha ban ơn thêm sức để con làm được các việc lành mà Cha đã sắm sẵn cho con. Con xin cảm tạ Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Kim Loan


Trần Hữu Tường
26/09/2023 05:11

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.
4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.
7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Kính lạy Cha Từ Ái của con, con cảm tạ ơn Cha lại ban cho con có thời gian, sức khỏe để con đọc, suy ngẫm Lời Ngài. Xin Lời Chúa thánh hóa con qua phân đoạn Thánh Kinh con suy ngẫm ngày hôm nay. Nguyện xin Đức Thánh Linh dẫn dắt con khi con viết bài chia sẻ. Con cảm tạ ơn Chúa!

Thưa Cha, khi đọc phân đoạn Thánh Kinh trên, con thấy nhận được bài học ở câu 2a: "với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì."

Thưa Cha, con hiểu rằng bài học đầu tiên của mỗi người khi đến với Chúa là bài học về sự khiêm nhường và nhu mì. Với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì là khiêm nhường và nhu mì một cách trọn vẹn trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh.

Thưa Cha, bài học ngày hôm nay thật sự rất có ích cho con vì con đi theo Chúa đã nhiều năm nhưng chỉ mới gần đây con mới tập được cai trị xác thịt của mình để con khiêm nhường và nhu mì trong mọi hoàn cảnh. Bản thân con trước đây vốn là người rất kiêu ngạo và cọc cằn thô lỗ trái ngược hoàn toàn với bản tính của Thiên Chúa. Xin Cha thương xót con ban ơn cho con để con luôn biết cai trị xác thịt của mình để con luôn sống đẹp lòng Chúa. Con biết rằng chỉ khi nhờ ơn Cha ban con mới làm được.

Thưa Cha, con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con được dự phần vào linh vụ suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày để qua đây mà con nhận được nhiều bài học hữu ích cho bản thân mình. Qua bài học ngày hôm nay, con được nhắc nhở sâu sắc hơn về bài học khiêm nhường và nhu mì. Nguyện kính xin Cha giúp con luôn ghi nhớ bài học này trong mỗi phút giây trong đời sống để con luôn sống một nếp sống khiêm nhường và nhu mì một cách trọn vẹn. Con cảm tạ ơn Cha và thành kính cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Trần Hữu Tường
26/09/2023


Nguyễn Thị Thúy My
28/09/2023 18:26

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha Yêu Thương của con ở trên trời, con cảm tạ ơn Cha đã quan phòng, ban ơn, thêm sức cho con trên công việc làm kiếm sống, cũng như trong công việc tay con làm. Qua đó con thấu hiểu và biết ơn càng hơn về tình yêu và năng lực mà Ngài đã ban cho con, để con luôn hướng lòng mình lên Chúa mỗi ngày, và hết lòng sống theo Lời Ngài. Nguyện Lời Ngài thánh hóa con và thêm lên đức tin cho con ngày càng vững vàng, con cảm tạ ơn Ngài.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.
4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.
5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.
6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.
7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Kính Thưa Cha! Con xin ghi lại sự suy ngẫm của con trong Ê-phê-sô 4:1-3 như sau:

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Câu 1: Con hiểu rằng, một lần nữa sứ đồ Phao-lô nói đến sự ông là người tù của Đấng Christ để nhắc cho con dân Chúa ở tại Ê-phê-sô nhớ lại, vì họ mà ông đã phải chịu gian khổ, hoạn nạn để rao giảng lẽ thật cho con dân Chúa tại đó. Với một niềm mong mỏi và hy vọng rằng, con dân Chúa ai nấy sống xứng đáng với sự kêu gọi và địa vị mà Đức Chúa Trời đã ban cho.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

Câu 2: Con hiểu rằng, khi một người đến với sự cứu rỗi của Đấng Christ thì người ấy đã được mặc lấy con người mới, qua sự được Đức Chúa Trời tái sinh. Con dân Chúa phải học theo gương của Đấng Chrits một cách trọn vẹn trong sự khiêm nhường và nhu mì, có nghĩa là con dân Chúa luôn hạ mình, không lên mình kiêu ngạo, luôn tôn trọng người khác hơn chính mình và mềm mại, dịu dàng trong cách ứng xử cũng như lời nói. Song song bên cạnh đó, là con dân Chúa phải có sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu, để giúp đỡ nhau và cùng nhau vượt qua những khó khăn, trở ngại trong đời sống thuộc linh lẫn thuộc thể. Để cho người mình yêu là anh chị em cùng Cha đạt đến địa vị cao trọng mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người.

3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Câu 3: Con hiểu rằng, con dân Chúa phải sốt sắng giữ gìn sự hiệp một với nhau trong Hội Thánh, vì mỗi người là chi thể của cùng một thân, cùng một thần trí. Vì yêu mà mỗi con dân Chúa phải có lòng thương xót, biết hy sinh, cảm thông, tha thứ, bảo vệ và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Mỗi một con dân Chúa phải hết lòng sống theo Lời Chúa, hết lòng yêu kính Ngài và vâng phục lẫn nhau như Lời Chúa phán dạy. Có như vậy, thì cả Hội Thánh luôn ở trong sự hiệp một, ai nấy cùng nhau sống kết quả xứng đáng và chiếu ra tình yêu, sự công chính và sự thánh khiết của Thiên Chúa.

Lạy Cha, con cảm tạ ơn Cha đã dạy dỗ và ban cho con những sự hiểu ở trên. Nguyện xin Chúa giúp cho con ghi nhớ và áp dụng bài học hôm nay vào trong đời sống theo Chúa của con, để con biết gìn giữ và luôn được ở trong sự hiệp một của Hội Thánh. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Thị Thúy My
28/09/2023


Hoàng Thị Hồng
07/10/2023 06:49

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu là Cha Yêu Thương của con ở trên trời!
Con cảm tạ ơn Cha vì Lời Chúa con được học hôm nay, nguyện xin sự soi dẫn của Ngài trên con, cho con hiểu được sự dạy dỗ của Ngài trong sách Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1.
Con xin ghi ra sự hiểu của con như sau:

Kính thưa Chúa! Con hiểu:

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Sứ đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa hãy đáp ứng lại tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã ban cho qua Đấng Christ, để có kết quả xứng đáng với tiếng gọi mà họ đã được gọi trong nếp sống tin kính, vâng phục lẽ thật, hãy bước đi trong Lời của Ngài, hãy thể hiện đức tin bằng việc làm trong đời sống hằng hằng chẳng bởi lời nói. Hãy nhớ rằng để họ được ở trong ân điển của Đấng Christ thì Phao-lô đã trung tín hết lòng chịu mọi gian lao cực khổ thậm chí tù đầy. Nên họ hãy xứng đáng với lời kêu gọi kính Chúa, yêu người, mà họ đã được gọi.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,
3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Khi sứ đồ Phao-lô “nói với tất cả sư khiêm nhường và nhu mì” là sự khiêm nhường, nhu mì cao nhất, thêm vào đó sự hạ mình, thêm vào đó tình yêu thương trong con người đã được đổi mới, mà tỏ sự khiêm nhường và nhu mì như Đức Chúa Jesus, chớ làm điều chi bằng sự tranh cạnh hư vinh, nhưng coi người khác tôn trọng hơn mình, cần có tâm thần hạ mình trong sự hầu viêc Chúa. Hãy nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương mà kìm chế sự nóng giận, vì trong Hội Thánh có nhiều sự khác biệt giữa các chi thể về quan điểm, kỹ năng sống, về lượng đức tin mà sẽ có những sự thiếu sót đôi khi làm cho người xung quanh phải chịu đựng, thi hãy vì sự hiệp một và tình yêu thương mà gìn giữ nhau, tha thứ nhau như Chúa đã tha thứ cho đang khi mình sống trong tội thể nào thì cũng tha thứ anh em thể ấy. Vì tình yêu thương, sự hiệp một này là đặc biệt, nó là sự gắn kết được đánh đổi bằng máu của Đấng Christ, nên mỗi thành viên phải sốt sắng dùng sự ràng buộc của sự hòa bình đó mà gìn giữ sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em

Một thân thể là tất cả mọi người tin nhận Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ, thờ phượng và phụng sự Ngài trong tâm thần và bằng lẽ Thật đều thuộc về một thân thể và là một trong Đấng Christ, là Hội Thánh.
Một thần trí là một Đức Thánh Linh, Đấng làm báp-tem những người tin nhận vào trong thân thể Đấng Christ, hiệp một họ trong Đấng Christ, để được kêu gọi làm con cái của Đức Chúa Trời, hy vọng vào tương lai phía trước, khi họ được đem khỏi thế gian vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đây là một hy vọng phước hạnh.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Một Chúa là Chúa Jesus Christ, sự tể trị của Ngài trên tất cả mọi người tin nhận, vì họ thuộc về Ngài qua sự thương khó của Ngài chuộc họ và đem họ vào trong sự hiệp một trong Hội Thánh
Một đức tin là Tin Lành cứu rỗi của Đấng Christ
Một phép báp tem là nghi thức báp-tem thực hiện bởi nước làm cho người tin Chúa Jesus hiệp một với nhau

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Sự đồng công của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo và tể trị mọi sự và là Cha của mọi sự; Mọi chương trình, ý định ở trong Đức Chúa Trời Đấng ở trên mọi sự, Thực thi mọi chương trình ý định của Đức Chúa Trời với thế gian trong đó có loài người là Thiên Chúa Ngôi Lời Đấng ở giữa mọi sự, và Đức Thánh Linh ngự trị ở trong tất cả những con dân Chúa khi tin nhân ân điển của Đức Chúa Trời, để an ủi, dắt dẫn họ vào trong mọi lẽ thật, đó là sự ấn chứng họ thuộc về Thiên Chúa, thân thể của họ là đền thờ của Thiên Chúa, Ngài ở trong tất cả dân sự Ngài.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Đức Chúa Trời ban ân tứ cho mỗi người tin nhận Đức Chúa Jesus tùy vào sự biết trước của Ngài trên họ, để khi họ được nhận ân tứ thì trước nhất là sẽ trách nhiệm giữ gìn sự hiệp một của Đức Thánh Linh, mỗi người được ban ân tứ khác nhau để họ sử dụng đúng vị trí của nó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ nó được phân công, để cùng gây dựng làm ích cho Hội Thánh, phước hạnh cho Hội Thánh.
Khi mỗi cá nhân sử dụng ân tứ tạo nên sự hòa hiệp giống như sự làm việc của các chi thể trong thân thể con người. Khi ân tứ dùng cho lợi ích cá nhân đó là sự lạm dụng nghịch lại Lời Chúa.


Con cảm tạ ơn Chúa qua bài học hôm nay, con nhận biết Ngài ban ơn kêu gọi chúng con vào trong sự cứu rỗi của Ngài, để chúng con dùng con người mới trong Ngài gây dựng sự hiệp một trong thân thể Đấng Christ là gìn giữ sự hòa bình, nguyện Ngài luôn nhắc nhớ chúng con mặc lấy sự khiêm nhường nhu mì, trong sự hạ mình phụng sự Chúa trong những ngày cuối cùng này.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Hoàng Thị Hồng
7/10/2023


Bùi Mạnh Cường
12/10/2023 22:39

Ê-phê-sô 4:1-7 Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh, Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha nhân từ của con ở trên trời. Con cảm tạ Chúa đã giữ gìn gia đình con một ngày bình an. Con cảm tạ Chúa ngày hôm nay Chúa cho con được suy ngẫm Lời Chúa trong phân đoạn Thánh Kinh Ê-phê-sô 4:1-7. Con xin trình bày lại sự Chúa dạy dỗ con trong phân đoạn Thánh Kinh này như sau:

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Con hiểu rằng ông Phao-lô là một người vô cùng tin kính Chúa và làm mọi sự theo thánh ý của Đức Chúa Trời. Và ông cũng rất mong muốn con dân Chúa ở những Hội Thánh địa phương được ông rao giảng tin Lành của Chúa trong đó có Ê-phê-sô cũng có tấm lòng giống như ông đối với Thiên Chúa. Xứng đáng với danh nghĩa là con cái của Đức Chúa Trời.
2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

Và đã là con cái của Đức Chúa Trời thì con dân Chúa cẩn phải có mọi đặc tính như khiêm nhường và nhu mì giống như Đức Chúa Jesus Christ. Con dân Chúa phải biết chịu đựng lẫn nhau trong sự nhẫn nại. Phải kiên trì chịu đựng để giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn, thử thách.

3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Con hiểu rằng ông Phao-lô muốn con dân Chúa phải có sự hiệp một giữa vòng Hội Thánh để ma quỷ không quấy phá làm ảnh hưởng đến mối tương giao hiệp một giữa Hội Thánh và Thiên Chúa.

4 Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Con hiểu rằng một thân thể ở đây ý nói về Hội Thánh. Sự hiệp một trong Hội Thánh, con dân Chúa trong Hội Thánh cần phải có sự hiệp một trong cùng một thần trí. Theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời.

5 Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Con hiểu rằng chỉ có duy nhất một Thiên Chúa Toàn Năng với ba thân vị. Một đức nơi Thiên Chúa và ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Và chỉ có một phép báp-tem do Đức Chúa Jesus phán truyền.

6 Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Con hiểu rằng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã sáng tạo lên muôn loài vạn vật và Ngài ở trên mọi sự và Ngài chỉ ở trong những ai thuộc về Ngài.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Con hiểu rằng ân điển ban cho mỗi người trong con dân Chúa là khác nhau. Vì mỗi người trong Hội Thánh có nhiều sự khác nhau như đức tin, lòng yêu kính Chúa, việc làm… vì vậy mà ân điển Thiên Chúa ban cho mỗi người là khác nhau.

Nguyện ân điển của Thiên Chúa Toàn Năng ban cho mỗi con dân của Chúa trong Hội Thánh cách dư dật bởi mỗi việc lành mà Chúa sắm sẵn cho chúng con. Nguyện sự hiệp một trong Hội Thánh chân thật luôn là thức hương thơm dâng lên Thiên Chúa Toàn Năng. Nguyện xin Chúa luôn ban cho mỗi chúng con có tấm lòng nhu mì và nhẫn nại để chúng con luôn canh giữ linh hồn cho nhau. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Bùi Mạnh Cường.
Ngày 12/10/2023.


Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ