Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Hôm nay, ngày 29/02/2024, trong ân điển của Thiên Chúa, chúng ta hãy vui mừng, cùng nhau đọc và suy ngẫm Lời Chúa trong Phi-lê-môn 8-16.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Theo câu 8, có phải người chăn, trưởng lão có quyền truyền dạy cho con dân Chúa việc nên làm? Việc nên làm là việc gì?
2. Con dân Chúa có nên từ chối lời nài xin phải lẽ của anh chị em trong Chúa không (câu 9)? Thế nào là lời nài xin phải lẽ?
3. Tại sao Phao-lô gọi Ô-nê-sim là "đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích" (câu 10)?
4. Tại sao Phao-lô nói, Ô-nê-sim có ích cho Phi-lê-môn lẫn cho ông (câu 11)?
5. Câu "Người như lòng dạ tôi vậy" có nghĩa gì (12)?
6. "Vòng xiềng xích của Tin Lành" là gì (câu 13)?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Bạn học được điều gì qua mấy lời của Phao-lô trong phân đoạn Thánh Kinh này?
2. Bạn có luôn vui mừng vâng theo lời của người chăn và trưởng lão?
3. Bạn có bao giờ bất mãn, không đồng ý với người chăn hay trưởng lão dù lời của họ không sai Lời Chúa nhưng không đúng với quan điểm hay sự mong đợi của bạn?

Tham Khảo:

https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-phi-le-mon_1_8-25/

Có 15 bài chia sẻ trong chủ đề này:
Đặng Thái Học
01/03/2024 14:38

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ - Phần 1

Kính lạy Cha từ ái của con ở trên trời!

Con dâng lời cảm tạ ơn Cha vì Ngài ban cho con được học tiếp Lời Ngài trong sách Phi-lê-môn 8-16 - Anh Chị Em Trong Đấng Christ - Phần 1.

Nguyện Đức Thánh Linh hướng dẫn con vào sự học hiểu Lời Chúa, cho con biết áp dụng cách kết quả vào đời sống hằng ngày trên bước đường theo Ngài!

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.

Phao-lô nói lên một sự thật rằng, dù ông và Phi-lê-môn, cũng như tất cả con dân Chúa đều là các chi thể trong Đấng Christ, bình đẳng với nhau nhưng ông có quyền truyền dạy Phi-lê-môn vệc nên làm theo tiêu chuẩn của Lời Chúa. Mỗi con dân Chúa đều có quyền nói lên Lẽ Thật khi có người nào đó không sống theo Lời Chúa. Tuy nhiên, con dân Chúa nên tiếp nhận thẩm quyền của người chăn, nghe theo các trưởng lão qua những lời giảng dạy của họ; nếu những lời giảng dạy, góp ý ấy không sai với Lẽ Thật của Thiên Chúa, và không được phép vâng theo những điều không được bày tỏ trong Thánh Kinh.

Phao-lô tha thiết kêu gọi lòng thương xót của Phi-lê-môn thì hơn chứ ông không dùng quyền Chúa ban để áp đặt, buộc Phi-lê-môn phải làm theo. Phao-lô tỏ lời tâm tình với Phi-lê-môn về hoàn cảnh của mình đang chịu cầm tù khổ cực vì danh Chúa trong lúc tuổi già sức yếu, nên ông muốn có được niềm an ủi từ Phi-lê-môn qua sự đáp lời nài xin phải lẽ của mình.

10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.

Dù ở trong vòng xiềng xích lao tù, Phao-lô vẫn rao giảng Tin Lành cho Ô-nê-sim, giúp cho Ô-nê-sim được tái sinh thành con người mới trong Chúa, vì thế mà Phao-lô nài xin Phi-lê-môn, như chính Ô-nê-sim nài xin Phi-lê-môn vậy.

11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

Ô-nê-sim là người mà trước đây đã không có ích gì cho Phi-lê-môn, vì ông đã không vâng phục Phi-lê-môn, chủ mình, nên đã bỏ đi khỏi nhà chủ, nhưng sau khi Ô-nê-sim tin nhận Tin Lành bởi sự dẫn dắt của Phao-lô, thì ông được tái sinh, trở thành con dân chân thật của Chúa, nên ông là người có ích cho cả Phi-lê-môn và Phao-lô.

Ô-nê-sim là người mà Phao-lô gửi lại cho Phi-lê-môn, ông kêu gọi Phi-lê-môn, hãy tiếp nhận Ô-nê-sim lại và đối xử với người như đối với Phao-lô vậy.

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

Phao-lô muốn giữ Ô-nê-sim ở lại bên mình, để người thay Phi-lê-môn mà giúp việc cho khi Phao-lô đang ở trong vòng xiềng xích lao tù vì Tin Lành của Chúa, nhưng ông không muốn làm điều gì mà chưa được Phi-lê-môn đồng ý, để điều lành Phi-lê-môn sẽ làm không phải bởi ép buộc, mà bởi lòng chân thành của Phi-lê-môn. Dù Phao-lô có quyền giữ Ô-nê-sim ở lại bên ông, nhưng việc làm của ông nói lên sự tôn trọng Phi-lê-môn, muốn có sự đồng thuận của Phi-lê-môn trước khi ông quyết định. Đối với con dân Chúa trong Hội Thánh cũng như trong mỗi gia đình, chúng con hãy luôn đối xử với nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa, tôn trọng lẫn nhau trong việc giải quyết nan đề, tùy theo sự tác động của Đức Thánh Linh, để đạt được kết quả tốt lành theo thánh ý Ngài.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Phao-lô dùng lời lẽ khiêm tốn trong sự nhận định của mình rằng, có lẽ Ô-nê-sim ra đi khỏi nhà Phi-lê-môn chỉ là sự tạm xa cách, để rồi Phi-lê-môn sẽ nhận lại Ô-nê-sim mãi. Điều này nói lên sự một người đã phạm tội mà thật lòng ăn năn trở lại, thì người ấy trở thành anh chị em cùng Cha mãi mãi, không như anh chị em cùng cha thuộc thể, chỉ sống giới hạn với nhau trong thế gian này.

Người đã được Chúa tha tội thì không còn là nô lệ nữa, nhưng được trở về địa vị làm con cái của Thiên Chúa, là anh chị em cùng Cha yêu dấu của nhau, đặc biệt phước cho những người dẫn dắt chiên lạc trở về, nhưng đối với Phi-lê-môn thì được nhận lại người anh em trong Chúa, người làm việc đắc lực trong gia đình ông, và thêm người anh em cùng Cha trong Hội Thánh.

Kính lạy Chúa!

Phân đoạn Thánh Kinh này dạy con về bổn phận của người đầy tớ, theo gương Phao-lô về sự dẫn đưa người chưa tin Chúa trở về ơn cứu rỗi của Chúa, về sự khôn sáng trong việc đối xử với anh chị em cùng đức tin cách nhã nhặn, khiêm nhường.

Nguyện Chúa ban cho con biết luôn vui mừng, vâng theo lời của người chăn và trưởng lão trong khuôn khổ của Thánh Kinh. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Con, Đặng Thái Học

01/03/2024

...                                                   


Nguyễn Công Hải
03/03/2024 22:06

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu của chúng con, chúng con dâng lời cảm tạ ơn Cha đã ban cho gia đình chúng con những ngày cuối tuần được bình an, chúng con được nghỉ ngơi và được cùng nhau đoàn tụ, vui thỏa trong ơn và tình yêu dư dật đến từ Chúa. Chúng con được cùng nhau thông công, được cùng nhau chia sẻ và gắn kết trong tình yêu gia đình là phước hạnh lớn lao mà Chúa ban cho chúng con. Kính lạy Chúa, giờ này xin Chúa dạy dỗ chúng con qua Lời của Ngài, giúp chúng con được hiểu biết và áp dụng Lời Ngài vào trong cuộc sống mỗi ngày của chúng con.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.

Câu 8 - 10: Chúng con hiểu rằng, với chức vụ sứ đồ mà Chúa đã giao cho Phao-lô, ông có quyền để yêu cầu những việc hợp với Lẽ Thật để cho Phi-lê-môn làm theo, nhưng như ông đã nói, vì lòng yêu thương và tôn trọng quyền lựa chọn của Phi-lê-môn, Sứ Đồ Phao-lô thay vì áp đặt mà lại nài xin để Phi-lê-môn tiếp nhận lại Ô-nê-sim. Ô-nê-sim là một nô lệ của Phi-lê-môn, nhưng theo các chi tiết trong Thánh Kinh chúng con hiểu có lẽ vì phạm tội gì đó mà đã bỏ trốn khỏi chủ, sau khi gặp Phao-lô tại Rô-ma, Ô-nê-sim được ông khuyên nhủ, đã tiếp nhận Đấng Christ và trở thành con người mới, được Sứ Đồ Phao-lô yêu quý như con mình. Trong hoàn cảnh bị xiềng xích, tù đày, Sứ Đồ Phao-lô đã viết thư cho Phi-lê-môn để nài xin ông tiếp nhận lại Ô-nê-sim.

11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

Câu 11-12: Chúng con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô làm chứng tốt về sự thay đổi của Ô-nê-sim, trước đây vì sự phạm tội và bỏ Phi-lê-môn, nhưng bây giờ không những ông không còn là người vô ích, mà còn có ích cho cả Sứ Đồ Phao-lô và cả Phi-lê-môn. Sứ Đồ Phao-lô nài xin Phi-lê-môn tiếp lấy người cách tha thiết, ông làm chứng về Ô-nê-sim như là làm chứng cho chính mình khi ông nói “Người như lòng dạ tôi vậy” thể hiện sự tin tưởng và lòng yêu thương của bản thân mình với Ô-nê-sim. Qua đây, chúng con cũng hiểu được sự biến đổi tích cực của chính Ô-nê-sim thành một con người mới khi ông tiếp nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Đấng Christ và thay đổi hoàn toàn con người cũ của mình.

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

Câu 13-14: Chúng con hiểu, Sứ Đồ Phao-lô muốn giữ Ô-nê-sim lại bên mình để giúp đỡ ông trong lúc ông đang chịu sự xiềng xích, cùng ông rao giảng Tin Lành và làm công việc của nhà Chúa. Nhưng Phao-lô tôn trọng ý muốn của Phi-lê-môn và không muốn ép buộc ông tiếp nhận Ô-nê-sim. Phao-lô muốn Phi-lê-môn tha thứ và tiếp nhận Ô-nê-sim xuất phát từ lòng thành chứ không phải vì bị ép buộc. Điều này cho thấy Phao-lô tôn trọng Phi-lê-môn.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Câu 15-16: Chúng con hiểu rằng, Sứ Đồ Phao-lô tin việc Ô-nê-sim tạm xa cách Phi-lê-môn là ý Chúa để Phi-lê-môn tiếp nhận lại ông mãi mãi. Việc Phi-lê-môn tha thứ và tiếp nhận Ô-nê-sim không những đem lại ích lợi cho cả hai người mà còn đem lại ích lợi cho cả Sứ Đồ Phao-lô, ích lợi cho Hội Thánh của Chúa. Và mối quan hệ mới này sau khi Ô-nê-sim tiếp nhận Chúa, trở lại Phi-lê-môn không phải với tư cách của một nô lệ như trước, mà còn là một người anh em thân thiết trong Chúa, đem lại niềm vui, sự gây dựng, phước hạnh cả trong xác thịt lẫn trong Chúa.

Kính lạy Chúa, chúng con dâng lời cảm tạ ơn Ngài đã dạy dỗ chúng con qua phân đoạn Thánh Kinh trên. Chúng con cảm biết và càng khâm phục hơn tấm lòng và tình yêu thương của Sứ Đồ Phao-lô qua câu chuyện của Ô-nê-sim và cách cư xử với Phi-lê-môn. Chúng con học được lòng tha thứ và yêu thương là những giá trị cao đẹp qua câu chuyện trên cũng như sức mạnh của Tin Lành đã biến đổi Ô-nê-sim thành con người mới như thế nào khi ông đã tiếp nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa. Chúng con cũng hiểu rằng Thiên Chúa luôn dẫn dắt chúng con theo cách tốt nhất, ngay cả khi chúng con không hiểu ngay cả khi có những việc có vẻ như vô tình trước mắt. Nguyện xin Chúa cứ tiếp tục hướng dẫn, dạy dỗ chúng con qua Lời của Ngài để chúng con được học biết và sống đẹp lòng Chúa hơn mỗi ngày. Chúng con cảm tạ ơn Chúa và thành kính cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Công Hải
Trần Thị Tâm

...


Nguyễn Xuân Bắc
04/03/2024 06:10

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Con kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Toàn Năng, con cảm tạ ơn Cha đã cho con Lời của Ngài. Và giờ này con được tiếp tục suy ngẫm Lời của Ngài. Con cảm tạ ơn Cha đã gìn giữ con được bình an trong công việc. Nguyện xin Đức Thánh Linh ban thêm sức trên con và dạy dỗ con được hiểu về Lời của Ngài, để con cẩn thận làm theo. Con cảm tạ ơn Đức Thánh Linh. Và con xin trình bày sự hiểu của con qua sách Phi-lê-môn 8-16.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Chris, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Thưa Cha, qua đoạn Thánh Kinh trên con thấy rằng Sứ Đồ Phao-lô đối với con dân Chúa với một tình yêu thật sự, yêu thương, chăm sóc, khiêm nhường, ông luôn coi trọng con dân Chúa hơn chính mình. Ông có thẩm quyền truyền dạy cho Phi-lê-môn phải vâng theo, nhưng ông không làm, và ông cũng biết rằng Phi-lê-môn luôn vâng phục ông trong mọi sự. Vậy nên ông nài xin và tôn trọng sự quyết định của Phi-lê-môn.

Thưa Cha, qua cách mà Sứ Đồ Phao-lô cư xử với anh chị em trong Hội Thánh, thật là một sự đáng quý ở ông. Qua đó con cũng thấy được tình yêu quá lớn của Chúa ở trong mỗi con dân Chúa, được thể hiện qua sự yêu thương tôn trọng lẫn nhau. Con cảm tạ ơn Ngài.

Thưa Cha, con được hiểu rằng Ô-nê-sim khi trước sống trong tội lỗi, gây ra sự thiệt hại cho Phi-lê-môn, nay được Sứ Đồ Phao-lô giảng dạy và đã tin nhận Chúa. Sứ Đồ Phao-lô nài xin Phi-lê-môn tiếp nhận lại Ô-nê-sim như là người anh em, chứ không như là một người nô lệ như trước.

Thưa Cha, bài học con học được là phải sẵn sàng tha thứ cho những người đã thật lòng quay về ăn năn tội, quay về thờ phượng Chúa cách thật lòng. Vì tấm lòng thật sự ăn năn tội lỗi Chúa không khinh dể đâu. Nhưng con cũng hiểu rằng đối với những kẻ giả hình không ăn năn, vẫn ham thích tội lỗi, thì con cũng hiểu được rằng: Ngài không bị khinh dể đâu, Ngài sẽ phạt cách nghiêm khắc bởi sự Thánh Khiết của Ngài.

Nguyện Lời Ngài thánh hóa chúng con mỗi ngày và cho chúng con được hiểu biết thêm lên trong đức tin. Sống một đời sống yêu thương trong ân điển của Thiên Chúa. Con cảm tạ ơn Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Con, Nguyễn Xuân Bắc

...


Trần Thị Thu Hương
04/03/2024 12:16

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con ở trên trời, con xin cảm tạ ơn Cha đã ban cho con thì giờ này học Lời Ngài. Con nguyện xin Cha ban ơn, soi dẫn con hiểu những điều Chúa muốn dạy dỗ con. Con cảm tạ ơn Ngài. Con nguyện xin dâng lên Cha ý chí tự do của con, con nguyện xin Chúa sử dụng con, cả ý chí tự do Ngài ban cho con để làm theo ý Ngài. Con cảm tạ ơn Ngài. Con nguyện xin Đức Chúa Jesus Christ ban năng lực cho con, làm việc cùng con. Con cảm tạ ơn Ngài. Con nguyện xin Chúa ban ơn cho con, gìn giữ con, không cho tà linh tấn công con, nhất là khi con học Lời Ngài và khi con soạn bài học cho các con của con. Con cảm tạ ơn Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Kính thưa Chúa, con hiểu rằng, người chăn và các trưởng lão có quyền truyền cho con dân Chúa những việc nên làm, tức là những việc phải lẽ, đúng Lời Chúa, có ích cho con dân Chúa, gầy dựng con dân Chúa và phúc lợi cho Hội Thánh chung. Việc nên làm là những việc giúp ích đời sống thuộc linh của con dân Chúa. Những việc gì không mang lại lợi ích thuộc linh cho con dân Chúa thì con dân Chúa không nên làm. Ví dụ những việc tầm phào, lời nói vô ích thì không nên nói ra. Vì nói ra cũng chẳng có ích lợi gì. Những việc nhà như nấu nướng, dọn dẹp, cách ăn mặc... đúng là việc thuộc thể nhưng cũng là việc thuộc linh, vì qua những việc ấy giúp người khác tôn vinh Chúa khi thấy con dân Chúa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, khôn sáng, khéo léo... Người chăn, các trưởng lão có quyền nhưng không được lạm quyền, vì mục đích cá nhân của mình.

Khi anh chị em của mình nài xin một việc phải lẽ thì mình không nên từ chối. Nhưng mình cần khôn sáng để nhận ra những sự lợi dụng lòng tốt để trục lợi, không tạo điều kiện, cơ hội cho người khác phạm tội.

Kính thưa Chúa, qua bài giảng người chăn, con hiểu rằng Ô-nê-xim đã bỏ trốn, đã gây tổn hại đến Phi-lê-môn. Nhưng nay Ô-nê-xim đã nghe lời rao giảng Tin Lành của một người tù, là Phao-lô mà ăn năn nên Phao-lô viết thư gửi đến Phi-lê-môn để Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-xim trở lại. "Người như lòng dạ tôi vậy" là cách nói thể hiện sự rất yêu thương của Phao-lô đối với Ô-nê-xim. Sự yêu thương ở đây là vì cùng một đức tin, cùng một Cha trên trời.

Phao-lô cũng có quyền truyền cho Phi-lê-môn. Phi-lê-môn trước đây tin nhận Chúa qua sự rao giảng Tin Lành của Phao-lô. Nhưng Phao-lô đã tôn trọng Phi-lê-môn mà nài xin ông. Đây là một bài học cho con dân Chúa, khi việc gì liên quan đến sự quyết định anh chị em của mình thì mình cần tôn trọng họ, hỏi ý kiến họ. Lần này Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-xim sẽ ích lợi cho Phi-lê-môn vì cả thuộc thể lẫn thuộc linh, bởi vì ngoài các việc thuộc thể cần làm thì Ô-nê-xim còn giúp ích cho sự gầy dựng và phát triển Hội Thánh địa phương.

Kính lạy Chúa, con nguyện xin Chúa thương xót những người đã bị dứt thông công, cho họ thêm nhiều cơ hội bày tỏ lòng ăn năn của họ, hy vọng họ thức tỉnh mà thật lòng ăn năn để được cứu trước khi quá muộn. Một linh hồn quý hơn cả thế gian. Dù một người có phạm tội trọng như thế nào đi chăng nữa, nhưng khi thật lòng ăn năn, hết lòng sống cho Chúa, thì họ sẽ biết ơn Chúa, muốn gầy dựng và phát triển, bảo vệ Hội Thánh.

Kính lạy Chúa, con cảm tạ ơn Chúa đã ban cho con bài học hôm nay. Con nguyện xin Ngài ban ơn, thêm sức cho con trong các việc làm hôm nay. Con cảm tạ ơn Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Trần Thị Thu Hương

...


Trần Hữu Tường
04/03/2024 21:46

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Kính lạy Cha Từ Ái của con, con cảm tạ ơn Cha lại ban cho con có cơ hội được đọc, suy ngẫm Lời Ngài. Nguyện xin Lời Cha thánh hóa con qua phân đoạn Thánh Kinh ngày hôm nay, nguyện xin Đức Thánh Linh dẫn dắt con khi con viết bài chia sẻ. A-men!

Thưa Cha, qua những điều mà Phao-lô viết trong phân đoạn này con rút ra được những bài học như sau:

1. Con dân Chúa có bổn phận vâng theo những điều mà người chăn, trưởng lão truyền dạy mình miễn những điều đó không sai nghịch Lời Chúa.

2. Con học được sự hạ mình, tôn trọng người khác hơn chính mình của Phao-lô khi ông có quyền truyền dạy Phi-lê-môn việc nên làm nhưng ông không làm như vậy mà ông nài xin Phi-lê-môn.

3. Trong những việc lành có liên quan đến quyền quyết định của người khác thì mình cần tôn trọng và chờ đợi quyết định của người đó, không bao giờ tìm cách để khiến người khác phải chiều theo ý mình.

Con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con những bài học trên đây để con học được sự luôn hạ mình, khiêm nhường, xem người khác là tôn trọng hơn mình, luôn tôn trọng ý kiến và quyết định của người khác.
Xin Cha giúp con luôn ghi nhớ và áp dụng bài học ngày hôm nay, con cảm tạ ơn Cha.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Trần Hữu Tường
04/03/2024

...


Phạm Trịnh Minh Anh
05/03/2024 11:45

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con. Con dâng lời tôn vinh và cảm tạ Cha ban cho con một ngày tươi mới trong tình yêu của Ngài. Nguyện kính xin Cha gìn giữ con trọn ngày hôm nay trong tay Cha.

Thưa Cha, con xin trình bày những điều con được hiểu và học được trong Phi-lê-môn 8-16.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9a nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn.

Thưa Cha, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô có thẩm quyền truyền dạy cho Phi-lê-môn biết việc nên làm là gì, bởi chức vụ được Chúa ban cho ông, cùng kinh nghiệm bước đi với Chúa, ông có sự khôn sáng đến từ Chúa để truyền dạy cho con dân Chúa làm những điều phải lẽ, đẹp lòng Chúa, có ích lợi và gây dựng cho chính người đó và cho cả Hội Thánh. Tuy vậy, đối với Phi-lê-môn, là một người có lòng yêu thương với mọi thánh đồ, thì Sứ Đồ Phao-lô đã chọn nài xin thay vì truyền dạy, vì người có lòng yêu thương tự sẽ biết điều gì là nên làm cho anh chị em của mình. Sứ Đồ Phao-lô chọn nài xin vì ông chắc rằng lòng của ông sẽ được vui thỏa lần nữa nhờ Phi-lê-môn.

9b Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

Thưa Cha, câu: "Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy" khiến con thật cảm động, cảm nhận được tình yêu và sự khiêm nhường của một người hầu việc Chúa. Câu ấy tỏ ra tình yêu của Sứ Đồ Phao-lô dành cho Ô-nê-sim thật rõ ràng, vì ông không đặt Ô-nê-sim ở dưới ông, mà xem Ô-nê-sim là một với mình, tha thiết xin Phi-lê-môn hãy đối xử với Ô-nê-sim như đối xử với ông. Câu ấy cũng cho thấy ông cũng rất yêu Phi-lê-môn và biết Phi-lê-môn cũng yêu mình, vì con hiểu rằng trong Chúa chúng con chỉ nài xin nhau chỉ bởi tình yêu và sự tôn trọng nhau mà thôi, chứ không bao giờ nài xin kẻ thù, người ngoại, hay những anh chị em cùng Cha giả dối. Sứ Đồ Phao-lô muốn được vui thỏa và được an ủi bởi tình yêu của Phi-lê-môn dành cho ông, khi đáp ứng lời nài xin của ông.

Thưa Cha, khi con liên tưởng giữa hai hình ảnh, một là hình ảnh của Sau-lơ sốt sắng trong sự hung bạo bách hại con dân Chúa được mô tả trong Công Vụ Các Sứ Đồ 22:4-5, với hình ảnh một vị sứ đồ già, đầy tình yêu thương, sự dịu dàng và cả sự yếu đuối trong thân thể đã hao mòn vì tuổi tác, vì lao tù, sống tận hiến cho Đấng Christ, chân thành nài xin cho một đứa con thuộc linh được sinh trong vòng xiềng xích, là Ô-nê-sim, thì con hiểu và thấy rõ thế nào là quyền năng biến đổi của Tin Lành. Quyền năng ấy giờ đây cũng biến đổi Ô-nê-sim, người trước đây không có ích lợi gì, thì giờ đây bởi đức tin vào Tin Lành, đã trở nên ích lợi cho cả Phi-lê-môn và cho Sứ Đồ Phao-lô.

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

Thưa Cha, con hiểu rằng Sứ Đồ Phao-lô là một người có địa vị rất cao trọng trong Hội Thánh, ông vì Tin Lành mà chịu nhiều lao nhọc, trong buổi tuổi già vẫn mang xiềng xích, ông biết chắc chắn Phi-lê-môn chẳng từ chối ông việc gì mà người có thể làm được, ông cũng biết việc giữ lại Ô-nê-sim là ích lợi cho Phi-lê-môn, vì Ô-nê-sim giờ đây sẽ hết lòng giúp việc cho Phi-lê-môn, ích lợi cho Sứ Đồ Phao-lô, và ích lợi cho Tin Lành. Dù có thật nhiều lý do hợp lý, hợp lẽ, chính đáng, và ông đầy đủ thẩm quyền để làm, nhưng Sứ Đồ Phao-lô không muốn làm điều ấy chỉ với một lý do duy nhất là vì việc ấy chưa được thông qua ý kiến của Phi-lê-môn. Việc làm của Sứ Đồ Phao-lô dạy cho con hiểu rõ ràng như thế nào là tôn trọng người khác hơn chính mình, dù ông có đầy đủ thẩm quyền nhưng ông không muốn làm điều gì sẽ đặt Phi-lê-môn vào tình thế đã rồi, ông chọn gửi trả lại Ô-nê-sim, viết thư bày tỏ lòng mình, nài xin và chờ đợi sự đồng ý của Phi-lê-môn, để Phi-lê-môn được hoàn toàn tự do bày tỏ tình yêu và lòng thành của mình.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Thưa Cha, con hiểu lời giả thiết mà Sứ Đồ Phao-lô đưa ra, là dựa trên sự hiểu biết của ông về chương trình mà Chúa đã dành sẵn cho mối quan hệ giữa Phi-lê-môn và Ô-nê-sim. Sau khi tiếp nhận Tin Lành thì Ô-nê-sim được thoát khỏi thân phận nô lệ cả trong thuộc linh lẫn thuộc thể, vì Ô-nê-sim không còn bị nô lệ dưới ách tội lỗi, và được trở nên anh em cùng Cha với người chủ nô lệ phần xác thịt của mình. Tuy vậy, Ô-nê-sim cần trở về để phục hòa với Phi-lê-môn, đền bù những tổn thất mà mình đã gây ra cho chủ. Giờ đây Phi-lê-môn mới thật sự có Ô-nê-sim, khi bởi Tin Lành, Ô-nê-sim tự nguyện quay trở lại, nhưng không dưới thân phận nô lệ nữa, mà lại có ích hơn nô lệ. Qua bài giảng mà con biết rằng Sứ Đồ Phao-lô muốn gửi Ô-nê-sim về để đồng công với Phi-lê-môn trong công việc rao giảng Tin Lành, và gây dựng Hội Thánh địa phương. Thật, đời sống của một người thật lòng tin nhận Tin Lành, là một đời sống có ích lợi cho anh chị em cùng Cha, cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Con cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho con những sự suy ngẫm trên, dạy con bài học sống động về tình yêu thương và sự tôn trọng. Nguyện con sẽ luôn ghi nhớ và biết ơn Chúa đã ban cho con những anh chị em cùng Cha yêu dấu, nguyện kính xin Ngài gìn giữ con trong tình yêu, trong sự tôn trọng anh chị em của con, và giúp con luôn được ích lợi trong nhà Ngài. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Phạm Trịnh Minh Anh
05/03/2024

...


Kim Loan Nguyen
05/03/2024 22:03

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của chúng con. Con xin cảm tạ tất cả mọi ơn phước Cha ban cho chúng con. Cảm tạ Cha đã ban cho con được bình an và có phương tiện để được suy ngẫm Lời Ngài. Con nguyện xin Đức Chúa Jesus Christ chăn dắt cuộc đời con. Nguyện Đức Thánh Linh soi dẫn con vào mọi sự sâu nhiệm lẽ thật Lời Chúa và ban cho con năng lực để con luôn sống nếp sống tin kính Chúa. Con xin dâng lời cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thưa Cha! Sau đây con xin được trình bày sự hiểu của con trong phân đoạn Phi-lê-môn 8-16 như sau:

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.

10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.

Câu 8 - 10: Thưa Cha! Con hiểu rằng với chức vụ sứ đồ được Chúa giao phó và cũng là cùng một anh em cùng Cha trong đức tin, thì trong danh Đức Chúa Jesus Christ, Phao-lô có đầy đủ thẩm quyền truyền dạy cho Phi-lê-môn làm những việc đúng với lẽ thật của Lời Chúa. Nhưng bởi vì Phao-lô biết rằng Phi-lê-môn cũng là người vâng phục Chúa, điều đó được thể hiện qua đức tin và tình yêu của Phi-lê-môn đối với Chúa và hết mọi các thánh đồ. Nên Sứ Đồ Phao-lô đã rất tôn trọng, không hề áp đặt hoặc ra lệnh cho Phi-lê-môn mà ông nài xin Phi-lê-môn hãy tiếp nhận lại Ô-nê-sim. Là một người nô lệ của Phi-lê-môn đã phạm tội và bỏ trốn. Nhưng lại gặp được Sứ Đồ Phao-lô đang ở trong tù, được ông giảng dạy Tin Lành và Ô-nê-sim đã tin nhận Tin Lành. Vì vậy Phao-lô đã thương và coi Ô-nê-sim như một người con trai của mình sinh ra trong vòng xiềng xích.

Thưa Cha! Con hiểu rằng khi Sứ Đồ Phao-lô viết lá thư này thì ông đang bị tù vì danh của Chúa, thân thể ông cũng đang chịu sự mệt mỏi và hao mòn nên ông nói ông đã già rồi. Nhưng dù có bị tù, thân thể xác thịt bị hao mòn thì Sứ Đồ Phao-lô vẫn luôn sống nếp sống vâng phục Chúa. Ông vẫn rao giảng Tin Lành mọi lúc và mọi nơi. Kể cả viết thư cho Phi-lê-môn cũng vậy, dù được phép truyền dạy nhưng ông vẫn luôn khiêm nhường, hạ mình, coi người khác là tôn trọng hơn mình và ông luôn có tấm lòng yêu thương anh chị em mình hơn cả bản thân mình.

11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

Câu 11 và 12: Thưa Cha! Con hiểu rằng trước đây Ô-nê-sim là một nô lệ của Phi-lê-môn, và Thánh Kinh không có đề cập rõ Ô-nê-sim phạm tội gì, và bỏ trốn. Nhưng sau khi Ô-nê-sim đã tin nhận Tin Lành qua sự giảng dạy của Sứ Đồ Phao-lô, thì ông đã thật sự thay đổi hoàn toàn qua sự làm chứng của Sứ Đồ Phao-lô. Con nghĩ rằng có lẽ Ô-nê-sim đã sống hết lòng vâng theo Lời Chúa nên Phao-lô mới yêu thương như con trai mình. Phao-lô cũng đã nài xin Phi-lê-môn hãy tiếp nhận lại và tha thứ cho Ô-nê-sim. Không chỉ thế Phao-lô còn xin Phi-lê-môn hãy đối xử với Ô-nê-sim như đối với Phao-lô. Phao-lô cũng nói rõ ràng rằng trước kia Ô-nê-sim không có ích lợi gì cho Phi-lê-môn, nhưng sau khi đã tin nhận Tin Lành thì Ô-nê-sim sẽ có lợi cho Phi-lê-môn, cho Phao-lô và cho cả Tin Lành nữa.

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

Câu 13 và 14: Thưa Cha! Con hiểu rằng như đã nói ở câu 8, Sứ Đồ Phao-lô có quyền giữ lại Ô-nê-sim ở lại thay cho Phi-lê-môn, để giúp ông trong việc rao giảng Tin Lành trong vòng xiềng xích. Nhưng ông vẫn gửi Ô-nê-sim về với Phi-lê-môn và ông muốn hỏi ý kiến của Phi-lê-môn có đồng ý để Ô-nê-sim ở lại với ông không. Phao-lô mong muốn nếu Phi-lê-môn đồng ý để Ô-nê-sim giúp cho ông thì từ chính tấm lòng yêu thương, vâng phục Chúa của Phi-lê-môn muốn chứ không phải bởi sự bị ép buộc, để việc lành của Phi-lê-môn là đẹp lòng Chúa.

Qua đây cho con học hiểu thêm một điều rằng con phải luôn biết khiêm nhu hạ mình, coi người khác là cao trọng hơn mình. Dù là có thể con làm đúng Lời Chúa nhưng con phải luôn nhớ rằng khi con cần một điều gì từ các anh chị em mình, dù là hợp lý đúng Lời Chúa. Thì con phải hỏi ý kiến của các anh chị em mình trước, chứ không phải cho rằng điều mình làm đúng Lời Chúa là được.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Câu 15 và 16: Thưa Cha! Phao-lô bày tỏ cho Phi-lê-môn hiểu sự phán đoán của ông rằng: Ô-nê-sim chỉ tạm thời xa cách Phi-lê-môn, nhưng cốt là để Phi-lê-môn nhận lấy Ô-nê-sim mãi mãi. Nghĩa là trước đó Ô-nê-sim là nô lệ của Phi-lê-môn, nhưng được sự cho phép xảy ra trong chương trình của Chúa, thì Ô-nê-sim đã gặp được Phao-lô và được tin nhận Tin Lành. Và sau khi tin nhận Tin Lành, Ô-nê-sim đã thoát khỏi thân phận là nô lệ từ thuộc thể đến thuộc linh. Nên bây giờ Phao-lô mong Phi-lê-môn hãy tha thứ và tiếp nhận yêu thương Ô-nê-sim như một người anh em thân yêu trong Chúa. Và Phao-lô gửi Ô-nê-sim lại cũng là muốn Ô-nê-sim hãy phục hòa và đền bù những thương tổn và tổn thất mà Ô-nê-sim đã gây ra cho Phi-lê-môn.

Con hiểu rằng, dù một người sau khi đã ăn năn tội, tin nhận Tin Lành thì đã được Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi trước đó mà người đó đã phạm phải. Nhưng nếu có cơ hội để bù đắp những tổn thất mà mình gây ra thì tốt nhất là hãy nên làm hết sức mình để bù đắp lại những điều mình đã gây ra.

Thưa Cha! Con xin cảm tạ ơn Cha đã cho con có thêm lên sự hiểu biết về Lời dạy của Ngài qua bài học ngày hôm nay. Nguyện xin Cha ban cho con năng lực để cho con ghi nhớ và thực hành được mọi Lời dạy của Ngài. Nguyện xin Cha gìn giữ tấm lòng con, để con luôn giữ được tấm lòng kính sợ, yêu mến, vâng phục Ngài ngày càng hơn. Nguyện xin Cha dùng lẽ thật Lời Ngài thánh hóa con. Con xin cảm tạ ơn Ngài và thành kính cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Con, Nguyễn Thị Kim Loan

...



Bùi Văn Vũ
06/03/2024 22:19

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Kính Yêu của con. Cảm tạ ơn Ngài đã ban cho con thêm một ngày nữa và gìn giữ con được bình an trong tình yêu của Ngài.

Xin Chúa luôn hiện diện trong đời sống của con, ban ơn, dạy dỗ, dẫn dắt con mỗi ngày, để con bước đi trong thánh ý của Ngài, sống đẹp lòng Ngài và làm trọn những việc lành mà Ngài sắm sẵn cho con. Cảm tạ ơn Ngài giờ này Ngài ban cho con có thời gian suy ngẫm Lời Ngài. Con xin trình bày ý hiểu của con về đoạn Thánh Kinh trong Phi-lê-môn 8-16 như sau:

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, ông Phao-lô vốn là một sứ đồ đầy ơn Chúa, được Chúa ban cho thẩm quyền trong Hội Thánh để truyền dạy cho con dân Chúa làm một điều gì đó không sai nghịch với Lời Chúa. Nhưng ông đã thể hiện sự khiêm nhường bởi sự hạ mình nài xin Phi-lê-môn tiếp nhận lại Ô-nê-sim vốn là một nô lệ trong nhà Phi-lê-môn và là một người được ông Phao-lô rao giảng Tin Lành và đã tiếp nhận Tin Lành.

Ông Phao-lô đã yêu Phi-lê-môn bằng sự yêu thương thật bởi sự yêu thương thật là sẵn lòng hy sinh chính mình và những sự thuộc về mình, để nâng người mình yêu lên địa vị và giá trị mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy.

Ông Phao-lô đã hy sinh vì Phi-lê-môn bởi ông không dùng thẩm quyền truyền dạy Phi-lê-môn làm điều đẹp lòng Chúa mà ông nài xin Phi-lê-môn làm sự đó. Vì việc Phi-lê-môn tự do lựa chọn làm điều đẹp lòng Chúa xuất phát bởi tình yêu sẽ cao trọng hơn việc ông làm theo sự truyền dạy của người khác.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, khi ông Phao-lô giúp Phi-lê-môn làm điều đẹp lòng Chúa để trở nên cao trọng thì chính việc làm đó của Phao-lô mà Chúa đã nâng ông lên trở nên rất cao trọng.

11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, một người khi chưa tin nhận Chúa dù họ có tệ hại đến đâu thì sau khi tin nhận Chúa họ sẽ trở thành những công cụ ích lợi trong nhà Chúa, giúp ích cho anh chị em của mình rất nhiều.

Con hiểu rằng, trước đây dẫu Ô-nê-sim là người nô lệ, nhưng không hết lòng vâng phục chủ của mình là Phi-lê-môn, dầu với cương vị là một con dân chân thật của Chúa thì Phi-lê-môn đối xử không tệ với người hầu trong nhà của mình. Khi Ô-nê-sim tin nhận Chúa, ông đã trở nên một người ích lợi cho Phao-lô, nhưng Ô-nê-sim vốn thuộc về Phi-lê-môn nên việc nhanh chóng phục hòa với Phi-lê-môn là điều cần thiết khi Ô-nê-sim trở thành một chi thể trong Hội Thánh Chúa.

Con hiểu rằng, dầu ông Phao-lô có quyền giữ Ô-nê-sim lại để thay Phi-lê-môn giúp việc Phao-lô khi ông trong hoàn cảnh tù đày vì Tin Lành của Chúa, nhưng ông không muốn Phi-lê-môn làm bởi sự ép buộc mà bởi tấm lòng của Phi-lê-môn đối với Phao-lô.

Con hiểu rằng, tình yêu của người này đối với người khác chính là để người mình yêu được tự do lựa chọn, thay vì ép buộc. Và điều cần làm đối với người mình yêu là tạo mọi điều kiện thuận lợi để người mình yêu lựa chọn điều làm đẹp lòng Chúa.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Thưa Cha! Con hiểu rằng, khi sống trong nhà Phi-lê-môn có lẽ Ô-nê-sim cũng có biết về Chúa qua Phi-lê-môn. Nhưng đó chưa phải là thời điểm mà Ô-nê-sim tin nhận Chúa.

Bằng con mắt xác thịt có lẽ việc Ô-nê-sim trốn khỏi nhà Phi-lê-môn không phải là điều tốt bởi luật pháp thời đó sẽ xử tử người bỏ trốn khi bị bắt, nhưng bởi sự toàn năng của Chúa thì đó chính là cơ hội để Ô-nê-sim tin nhận Tin Lành bởi Phao-lô để Ô-nê-sim thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi mà được làm con của Đức Chúa Trời. Thay vì là nô lệ trong nhà Phi-lê-môn trong mối quan hệ chủ tớ thì Ô-nê-sim giờ này được là anh chị em cùng Cha với Phi-lê-môn, là cánh tay đắc lực cho Phi-lê-môn trong cả thuộc linh và thuộc thể.

Thưa Cha! Cảm tạ Ngài đã ban cho con những sự hiểu biết trên. Nguyện xin Cha cho chúng con luôn noi gương ông Phao-lô về sự nhu mì, khiêm nhường trong cách ứng xử với anh chị em của mình.

Xin cho chúng con ai nấy yêu thương nhau bởi tình yêu thương thật để chúng con sẵn lòng hy sinh chính mình và những sự thuộc về mình, để nâng người mình yêu lên địa vị và giá trị mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy trong nước thiên đàng. Con cảm tạ ơn Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Bùi Văn Vũ
06/03/2024

...


Nguyễn Thị Mơ
07/03/2024 07:03

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Thiên Chúa Từ Ái của con!
Con kính dâng lên Chúa lời tôn vinh và cảm tạ ơn Ngài, con cảm tạ ơn Chúa ban cho con ngày mới cùng với Lời của Ngài dạy dỗ con. Cầu xin Chúa ban ơn thêm sức và soi dẫn con, xin Chúa Thánh Linh dắt con vào mọi lẽ thật trong Lời của Ngài. Nguyện Lời Chúa tra xét, thánh hóa để con mỗi ngày nên trọn vẹn trong Ngài càng hơn. Con kính dâng lên Chúa lời cảm tạ và kính dâng lên Ngài những bài học con học được trong Phi-lê-môn 8-16.

Kính thưa Chúa!
Con cảm tạ ơn Chúa vì qua sự khẳng định của Phao-lô trong câu 8 về thẩm quyền trong chức vụ sứ đồ của Phao-lô con học được rằng, Chúa ban cho những người có chức vụ trong Hội Thánh có thẩm quyền ra lệnh cho con dân Chúa phải làm những việc nên làm là những việc Chúa dạy trong Thánh Kinh.

Con cũng học được rằng, tuy được ban cho thẩm quyền buộc con dân Chúa phải làm những việc nên làm nhưng bởi lòng yêu kính Chúa, yêu thương bầy chiên Chúa giao cho cách chân thật mà những người ở trong chức vụ không dùng thẩm quyền nhưng kêu gọi thiết tha để con dân Chúa cảm nhận được tình yêu Chúa thể hiện qua gương vâng phục của mình, qua đó nhận biết và tự giác làm điều mình muốn cũng bởi tình yêu.

Trong bài học Phao-lô đã không buộc Phi-lê-môn phải làm theo như thẩm quyền được ban cho, nhưng ông bày tỏ hoàn cảnh hiện tại của mình và nài xin Phi-lê-môn đáp ứng điều mong muốn phải lẽ của ông mà nhận lại Ô-nê-sim là người nô lệ phạm lỗi với mình.

Qua Ô-nê-sim, con cũng học được rằng, cho dù quá khứ là thân phận của một người nô lệ phạm tội với Chủ nhưng khi nhận biết Chúa thì chẳng những địa vị thấp hèn cùng tội lỗi cũ được bôi xóa mà bản thân người đó còn trở thành một người có ích cho nhiều người, như Ô-nê-sim giờ đây không chỉ có ích cho Phao-lô mà còn có ích cho chủ cũ của mình là Phi-lê-môn và cho công việc của Hội Thánh, bài học này mang lại cho con niềm vui lớn lao khi nhận biết giá trị đích thực của một người sau khi có Chúa.

Câu “Người như lòng dạ tôi vậy” khiến con suy nghĩ về tình yêu, sự đồng cảm, hiệp một giữa con dân Chúa với nhau, đặc biệt là giữa người chăn dắt, dạy dỗ Lời Chúa với con dân Chúa trong Hội Thánh, tình yêu ấy vô cùng lớn lao và thân thiết được bày tỏ qua sự cảm thông, thấu hiểu và hết lòng san sẻ với người mình yêu trong mọi thăng trầm của cuộc sống và trên hết là giúp cho người mình yêu thương có được môi trường và điều kiện tốt nhất để giữ vững đức tin nơi Chúa của mình.

Kính lạy Chúa Từ Ái!
Con dâng lời cảm tạ ơn Chúa vì qua Lời Ngài trong bài học, con liên hệ với thực tế hiện tại và nhận biết rằng, những anh chị em cùng Cha của con đang được Chúa ban cho những chức vụ trong Hội Thánh để chăn dắt bầy chiên của Ngài, cho dù hiện tại họ chưa phải ở trong cảnh tù đày, bởi rao giảng Lời của Chúa là sự được nói tới trong câu 13 ấy là ở "trong vòng xiềng xích của Tin Lành" nhưng họ cũng vẫn đang phải chịu những sự gian nan, khổ cực nhất định trong chức vụ của mình. Bởi vậy, là một con dân Chúa, con cần sống đẹp lòng Chúa, không cố ý phạm tội nhưng hết lòng sốt sắng trong những việc lành Ngài sắm sẵn cho con để mang lại niềm vui, sự an ủi cho họ.

Con cũng cần phải vâng phục các thẩm quyền Chúa đặt để trên con ngay cả khi những ý kiến của các bậc có thẩm quyền là đúng Lời Chúa dạy, nhưng có thể không đúng với quan điểm của con, vì chỉ khi mà quan điểm của họ không hợp với ý mình mà con vẫn vâng phục thì khi đó mới chứng tỏ con có lòng vâng phục xuất phát từ tấm lòng.

Nguyện Chúa ban ơn cho con làm được như những gì con đã học.
Con cảm tạ ơn Chúa!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ!
Con, Nguyễn Thị Mơ
Ngày 29/02/2024

...


Nguyễn Thị Thu Thủy
07/03/2024 09:50

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Chúa, con kính dâng lời cảm tạ Chúa đã ban cho con được thời gian đọc và suy ngẫm Lời Chúa! Nguyện xin Chúa dạy dỗ và dẫn dắt con, để con nhận biết ý Chúa mà cẩn thận làm theo trong đời sống mình. Nguyện con được vui thỏa, bình an, thêm sức qua sự học và suy ngẫm Lời Ngài! Con cảm tạ Chúa!

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Thưa Chúa, con hiểu rằng:

1. Sứ Đồ Phao-lô cho biết ông có quyền truyền dạy Phi-lê-môn việc nên làm là những việc đúng theo Lời Chúa dạy. Nhưng ông chọn không làm như vậy, mà chọn nài xin. Bởi vì ông tôn trọng Phi-lê-môn và nhận biết Phi-lê-môn yêu thương ông, và sẽ làm theo lời nài xin của ông. Phao-lô cũng nói rằng ông đã già rồi, hiện giờ lại đang chịu tù vì cớ danh Chúa. Con hiểu ông đang nói lên nỗi lòng mong mỏi xin Phi-lê-môn chấp nhận lời nài xin của ông, để ông được khích lệ và an ủi trong hoàn cảnh lúc đó.

2. Lý do Phao-lô muốn nài xin Phi-lê-môn là vì Ô-nê-sim, người đã nghe Phao-lô rao giảng Tin Lành và đã thật lòng ăn năn tội, tin nhận Chúa. Ông gọi Ô-nê-sim là đứa con mà ông đã sinh trong vòng xiềng xích là vì lúc đó ông đang chịu tù và qua đó cho thấy ông yêu quý và xót thương Ô-nê-sim. Ông nài xin Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim khi ông gửi lại Ô-nê-sim. Bởi vì ông biết rằng, bây giờ Ô-nê-sim chắc chắn sẽ có ích cho Phi-lê-môn và cả Phao-lô. Con hiểu người thật lòng ăn năn tội, tin nhận Chúa, muốn sống đẹp lòng Chúa chắc chắn có ích lợi cho Hội Thánh, cho hết thảy anh chị em cùng Cha. Họ sẽ tích cực dự phần vào các công tác gây dựng Hội Thánh. Nếp sống của họ sẽ làm gương tốt, khiến vui lòng, khích lệ anh chị em trong Chúa. Họ sẽ sốt sắng phụ giúp cho người chăn và các trưởng lão để yểm trợ trong công tác gây dựng Hội Thánh và rao giảng Tin Lành.

Phao-lô nài xin Phi-lê-môn "xin hãy tiếp người", "người như lòng dạ tôi vậy". Con hiểu Phao-lô thật sự yêu quý, thương xót, và trân trọng Ô-nê-sim. Nếu Ô-nê-sim được đón nhận bởi Phi-lê-môn, thì như chính Phao-lô đang được đón nhận vậy.

3. Con nghĩ Ô-nê-sim là người có tấm lòng rất sốt sắng trong công tác rao giảng Tin Lành cho Phao-lô lúc đó. Vì vậy mà ông vừa yêu quý Phi-lê-môn, vừa muốn giữ Ô-nê-sim lại để giúp việc cho mình ngay trong hoàn cảnh chịu tù, để phục vụ cho sự rao giảng Tin Lành. Phao-lô cũng biết rằng nếu Phi-lê-môn biết điều đó thì cũng sẽ vui mừng mà đồng ý, xem như đó là sự đồng công và yểm trợ từ Phi-lê-môn dành cho Phao-lô. Thế nhưng không phải cứ hợp lý, không sai nghịch mà Phao-lô làm ngay. Ông tôn trọng quyền quyết định của Phi-lê-môn, để Phi-lê-môn tự do đưa ra quyết định, ngay cả là làm một việc lành.

4. Con hiểu sự Ô-nê-sim bỏ trốn khỏi Phi-lê-môn trước mắt là một sự thiệt hại, nhưng trong chương trình của Chúa thì đó lại là một sự tạm xa cách, tạm thiệt hại lúc đó mà thôi. Vì sự Ô-nê-sim thật lòng đầu phục Chúa đã khiến cho Phi-lê-môn được lại Ô-nê-sim với địa vị là một anh em cùng Cha yêu dấu. Địa vị ấy cao trọng hơn địa vị là một nô lệ, địa vị ấy có ích lợi cho Phi-lê-môn không chỉ trong xác thịt, mà còn ích lợi trong Chúa, và hơn nữa ở trong địa vị đó, hai người Phi-lê-môn và Ô-nê-sim sẽ không bao giờ xa cách nữa. Con nghĩ rằng, chắc chắn là Ô-nê-sim khi thật lòng ăn năn tội, ông sẽ nhận ra lỗi lầm của mình với Phi-lê-môn và sẵn lòng quay trở về để làm việc bù đắp lại thiệt hại mà mình đã gây ra cho chủ, dù Phi-lê-môn không yêu cầu điều đó. Con nghĩ Ô-nê-sim hết lòng làm việc cho Phi-lê-môn như làm cho Chúa, và ông sốt sắng cả trong các việc làm gây dựng Hội Thánh địa phương, giúp ích nhiều cho Phi-lê-môn.

Thưa Chúa, bài học mà con học được là:

1. Khi một người thật có lòng kính sợ Chúa, có tình yêu thật đối với Chúa và đối với anh chị em cùng Cha thì sẽ tự nhiên vâng phục mọi điều nài xin phải lẽ của các thầm quyền chăn dắt Chúa đặt để trên mình. Người chăn và các trưởng lão cũng không phải trong danh Chúa, dùng thẩm quyền mà ra lệnh cho họ làm một điều gì. Con hiểu khi ai cũng có lòng kính sợ Chúa thì sẽ tự nhiên vâng phục nhau.

2. Con học được sự tôn trọng người khác hơn chính mình ở Phao-lô, dù rằng việc giữ Ô-nê-sim lại là hợp lý, ông cũng biết Phi-lê-môn cũng sẽ đồng ý. Nhưng ông đã không tự ý hành xử, vì điều đó thuộc quyền của Phi-lê-môn. Ông cũng không khiến ai rơi vào tình thế khó xử. Con học được dù điều gì rất là hợp lý, có ích lợi, rất đúng nhưng không thuộc quyền của mình thì không được tùy ý quyết định, tùy ý sắp xếp, khiến cho người khác rơi vào tình thế "đã rồi".

3. Con học được rằng, có những việc tưởng chừng như thiệt hại trong xác thịt, nhưng trong Chúa mọi sự hiệp lại đều có ích, ích lợi thuộc linh là điều quan trọng hơn cả.

Con cảm tạ Chúa ban cho con bài học hôm nay! Nguyện kính xin Chúa ghi nhớ Lời Ngài trong con và con được ban cho sự thông sáng để áp dụng Lời Chúa dạy dỗ vào trong đời sống mình. Con cảm tạ Chúa!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy
07/03/2024

...


Vũ Triệu Hùng
07/03/2024 21:40

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha kính yêu của con ở trên trời. Con cảm tạ ơn Cha đã ban ơn và gìn giữ con một ngày được bình an. Cảm tạ ơn Cha đã cho con có thời gian học Lời Ngài. Con xin viết lên sự hiểu của mình trong Phi-lê-môn 8-16.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Lạy Cha, con xin được hiểu như sau:

1. Chức vụ sứ đồ là một chức vụ rất cao trọng trong Chúa. Với chức vụ đó, trong Hội Thánh, Phao-lô có quyền truyền cho con dân Chúa làm theo những điều phải lẽ. Nhưng bởi tình yêu của Phi-lê-môn và cũng bởi Phao-lô là người không phải lạm quyền, nên ông đã nài xin thay vì truyền cho Phi-lê-môn phải làm theo. Câu Phao-lô đã già rồi và hoàn cảnh thì đang bị tù bởi cớ đức tin nơi Chúa, nói lên Phao-lô mong mỏi điều mình xin sẽ sớm được Phi-lê-môn đồng ý.

2. Điều Phao-lô nài xin Phi-lê-môn chính là vì Ô-nê-sim. Ô-nê-sim là một người nô lệ bỏ chủ của mình là Phi-lê-môn và đã tin nhận Chúa ở trong tù qua Sứ Đồ Phao-lô. Cuộc đời của Ô-nê-sim đã thật sự thay đổi khi ông tin nhận Chúa. Sự thay đổi đó được Phao-lô làm chứng là người trước đây không có ích cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và tôi. Một người nô lệ không có ích là vì đã không vâng phục chủ và như Ô-nê-sim thì làm cho chủ thiệt hại khi bỏ trốn đến một nơi khác. Nhưng giờ đây khi Ô-nê-sim thật sự tin nhận Chúa, nhận biết sự sai lầm của mình mà hết lòng sửa đổi thì chắc chắn có ích cho Phi-lê-môn và ích lợi cho Phao-lô. Có ích cho Phi-lê-môn vì Ô-nê-sim sẽ quay về để khắc phục sai lầm và hết lòng phụ giúp cho Phi-lê-môn từ thuộc thể đến thuộc linh. Có ích cho Phao-lô vì Ô-nê-sim sẽ tích cực giúp đỡ những việc Phao-lô cần khi ở trong tù.

3. Phao-lô muốn Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim như tiếp nhận Phao-lô. Người như lòng dạ tôi cũng chính là Phao-lô coi Ô-nê-sim như chính bản thân mình. Điều đó cho thấy Phao-lô không xem thường Ô-nê-sim với thân phận nô lệ, nhưng lại rất tôn trọng. Tuy Phao-lô là người sinh Ô-nê-sim bởi Tin Lành, và trong hoàn cảnh ở trong tù cần có người giúp, thì việc giữ Ô-nê-sim bên cạnh là việc làm hợp lý. Nhưng Phao-lô không muốn dùng thẩm quyền mình có, không muốn dựa vào hoàn cảnh thích hợp mà bắt ép người khác, nhưng muốn Phi-lê-môn làm bởi tấm lòng.

Lạy Cha, bài học con rút ra:

1. Con học được rằng, dù con có thẩm quyền trên người khác và điều con muốn là chính đáng và hoàn cảnh thì hợp tình, hợp lý, nhưng nếu điều đó không thuộc về con, thì con không được tự ý làm, mà phải tôn trọng hỏi ý kiến của anh chị em mình.

2. Con học được rằng, khi một người thật sự tin nhận Chúa thì đời sống của họ sẽ luôn mang lại ích lợi cho anh chị em mình. Họ sẽ chăm về những ích lợi của anh chị em hơn là ích lợi cho mình. Họ sẽ tích cực dự phần vào những linh vụ để xây dựng Hội Thánh. 

Cảm tạ ơn Cha ban ơn cho con viết lên sự suy ngẫm của mình. Nguyện Lời Ngài luôn thánh hóa và giúp con thêm lên sự hiểu biết. Xin Cha ban ơn cho con trong thời giờ còn lại của tối hôm nay. Con cảm tạ ơn Cha. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Vũ Triệu Hùng
07/03/2024

...


Nguyễn Ngọc Tú
07/03/2024 22:11

Nguyễn Ngọc Tú: Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương của con,

Con dâng lời cảm tạ Cha đã ban cho gia đình con một ngày bình an và ban ơn trên mọi việc tay chúng con làm. Cảm tạ Cha giờ này cũng ban cho con có thời gian riêng tư đến với Lời của Ngài. Con xin ghi lại những điều Ngài dạy cho con hiểu qua phân đoạn Thánh Kinh Phi-lê-môn 8-16.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,

Câu 8: Thưa Cha, qua câu này con hiểu rằng, các trưởng lão của Hội Thánh có thẩm quyền Chúa ban cho để truyền dạy con dân Chúa việc nên làm. Việc nên làm là những việc đúng với Lời Chúa, đem lại ích lợi cho nhiều người, làm gương tốt, và làm tôn vinh danh Chúa.

Nhóm chữ "trong Đấng Christ" giúp con hiểu là thẩm quyền kèm theo các chức vụ Chúa ban cho, là để gầy dựng thân thể của Đấng Christ, tức là Hội Thánh. Chứ không phải để người có chức vụ lạm quyền, buộc con dân Chúa phải cung phụng mình. 

Con nghĩ rằng, về phía con dân Chúa, người nào có tấm lòng vâng phục các thẩm quyền trong Hội Thánh thì sẽ mau chóng tiến bộ trong thuộc linh và có sự hiểu biết càng hơn về các quy luật trong cả thế giới thuộc linh lẫn thuộc thể. Vì vốn dĩ các thẩm quyền là sự phản ánh tính trật tự trong sự sáng tạo của Thiên Chúa.

9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.

Câu 9 và 10: Con hiểu rằng, mặc dù trong thẩm quyền sứ đồ, Phao-lô có quyền yêu cầu Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim trở lại, nhưng ông đã không làm vậy. Phao-lô nhận biết rằng với tấm lòng yêu thương con dân Chúa của Phi-lê-môn, ông sẽ sẵn lòng tiếp nhận Ô-nê-sim khi biết Ô-nê-sim đã tin nhận Tin Lành. Vì thế, thay vì truyền lệnh, Phao-lô đã nài xin Phi-lê-môn tiếp nhận Ô-nê-sim. Sự nài xin của Phao-lô là một cách ứng xử vừa khôn sáng, vừa chan chứa tình yêu thương đối với cả Phi-lê-môn và Ô-nê-sim. 

Khi đặt mình vào vị trí của Phi-lê-môn, con nghĩ rằng, dù là Phao-lô truyền lệnh hay nài xin, thì Phi-lê-môn đều vui lòng làm theo. Nhưng với sự nài xin thì Phi-lê-môn sẽ xúc động càng hơn và yêu quý Phao-lô càng hơn. 

Câu "tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ" không có nghĩa là Phao-lô dùng tuổi già hay hoàn cảnh của mình để thuyết phục Phi-lê-môn. Mà Phao-lô có ý nói, sự Phi-lê-môn đồng ý lời nài xin của ông sẽ thêm lên niềm vui cho ông trong tuổi già và trong hoàn cảnh đang bị tù đày.

11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

Câu 11 và 12: Con hiểu rằng, Phao-lô mô tả trước đây Ô-nê-sim không có ích gì cho Phi-lê-môn có thể là Ô-nê-sim là một nô lệ hay cãi trả và không vâng phục chủ. "Bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi" nghĩa là, hiện tại Ô-nê-sim đã thật lòng ăn năn, đã trở thành con dân chân thật của Chúa và sẽ phụ giúp được nhiều cho Phi-lê-môn trong việc chăm sóc Hội Thánh Cô-lô-se.

Câu "người như lòng dạ tôi vậy" có nghĩa là, hãy xem người như tôi vậy, hãy đối xử với người như với tôi vậy. Phao-lô có ý nói Phi-lê-môn hãy tiếp nhận Ô-nê-sim trong tình yêu như Phi-lê-môn tiếp đón ông trong tình yêu vậy.

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.

Câu 13 và 14: Con hiểu rằng, có lẽ sau khi Ô-nê-sim tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của Phao-lô thì có thể Ô-nê-sim đã chủ động xin ở lại giúp việc và chăm sóc cho Phao-lô. Phao-lô biết rằng việc ông muốn giữ Ô-nê-sim lại để giúp việc cho ông, trong công tác rao giảng Tin Lành, là điều hợp lý. Tuy nhiên, Phao-lô nhận thấy điều phải lẽ hơn là gửi Ô-nê-sim trở lại với Phi-lê-môn, để Ô-nê-sim trực tiếp xin lỗi, phục hòa với Phi-lê-môn, và đền bù những thiệt hại đã gây ra cho Phi-lê-môn.

15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Câu 15 và 16: Con hiểu rằng, sự việc Ô-nê-sim trốn khỏi nhà Phi-lê-môn là Ô-nê-sim đã hành xử theo ý riêng. Nhưng Chúa đã đưa dắt Ô-nê-sim đến với Phao-lô để được nghe giảng Tin Lành. Khi Ô-nê-sim thật lòng ăn năn tội và tiếp nhận Tin Lành thì ông được thoát khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi, đồng thời cũng thoát khỏi sự nô lệ trong xác thịt. Vì Phi-lê-môn cũng là một con dân Chúa, nên ông không còn xem Ô-nê-sim là nô lệ, mà như một anh chị em cùng Cha yêu dấu.

Nhóm chữ "nhiều hơn nữa cho anh trong xác thịt" nghĩa là Ô-nê-sim từ một nô lệ sẽ trở thành người anh em cùng Cha thân thiết với Phi-lê-môn hơn cả những người thân trong gia đình thuộc thể của ông. "Nhiều hơn nữa cho anh trong Chúa" nghĩa là Ô-nê-sim sẽ yêu mến Phi-lê-môn hơn những người khác trong Hội Thánh. Điều này là dễ hiểu bởi vì một người thật lòng ăn năn tội thì sẽ yêu mến càng hơn người anh em mà trước đây bị mình làm thiệt hại, mà giờ đây người ấy lại yêu thương tha thứ cho mình. 

Con cảm tạ Cha đã ban cho con những sự hiểu trên đây. Nguyện xin Cha giờ đây cũng ban cho con một giấc ngủ ngon và chữa lành cho con chứng cảm ho. Con cảm tạ Cha! A-men.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Ngọc Tú

...


Nguyễn Thị Lan
12/03/2024 07:16

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính lạy Cha Yêu Thương, hôm nay con suy ngẫm đến Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1. Con kính xin Đức Thánh Linh dạy dỗ con ạ. Con cảm tạ ơn Ngài.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.

Kính thưa Cha, qua cách nói của Phao-lô với Phi-nê-môn trong hai câu Thánh Kinh trên, con học được ở ông sự khiêm nhường, hạ mình, tôn trọng và yêu thương người khác trong cách đối xử. Ông không lạm dụng quyền hành của mình mà áp đặt trên người khác, dù ông có quyền truyền dạy, đề nghị. Qua đây, ông thể hiện được tình yêu giống Đức Chúa Trời, Ngài yêu và muốn chúng con yêu Ngài cách tự nguyện. Phao-lô không ép buộc, để cho Phi-nê-môn tự do thể hiện tình yêu qua sự vâng phục.

Tuy vậy, ông cũng không để mặc Phi-nê-môn, mà ông yêu thương, quan tâm, chăm sóc, hạ mình nài xin Phi-nê-môn lắng nghe và làm theo ông khuyên dạy những việc nên làm. Qua đó, giúp con học được bài học thuộc linh là, dẫu Chúa để cho mỗi chúng con chọn lựa tin yêu Ngài, nhưng trong sự nhân từ thương xót và quyền năng của Ngài, Ngài vẫn luôn dẫn dắt, dõi theo và chờ đợi mỗi chúng con bước theo Ngài.

10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.

Kính thưa Cha, con rất cảm động khi Phao-lô nhắc đến Ô-nê-sim, xem như "đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích", giúp con cảm nhận được niềm vui mừng trong những thương khó. Việc làm và kết quả của Tin Lành luôn gắn liền với tình yêu, thấm đẫm những máu, nước mắt của Chúa, qua những sự thương khó của Chúa và của các thánh đồ theo Ngài, và các tôi tớ chân thật của Chúa ngày nay.

12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.

Kính thưa Cha, qua bài giảng của người chăn, con hiểu câu: "Người như lòng dạ tôi vậy" với ý nghĩa một thành ngữ, có ý nghĩa sâu xa là: "tất cả những gì tốt lành của tôi, xin hãy kể cho người ấy, và tất cả những gì xấu xa của người ấy, xin hãy kể cho tôi!"

13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh ra sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Kính thưa Cha, cũng qua bài giảng của người chăn mà con hiểu được về Ô-nê-sim, mối quan hệ giữa Phê-nê-môn, Ô-nê-sim và Phao-lô với nhau và với Chúa. Cảm tạ Chúa đã biến đổi, giúp Ô-nê-sim từ một người nô lệ xấu xa trở về đầu phục Chúa và được Chúa biến đổi trở nên tốt đẹp, phục hòa với Chúa và với chủ mình là Phê-nê-môn, trở nên những anh chị em cùng Cha yêu dấu của nhau.

Con cảm tạ Chúa đã dạy dỗ con. Nguyện Lời Ngài thánh hóa con mỗi ngày ạ.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Lan
12/03/2024

...


Nguyễn Thị Thùy Linh
19/03/2024 21:46

Nguyễn Thị Thùy Linh: Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Kính thưa Cha yêu kính của con. Con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con thêm một ngày nữa sống động trên đất này. Con biết ơn Ngài vì sự quan phòng của Ngài trên gia đình con. Mặc dù Chúa cho phép sự đau yếu xảy ra trên thân thể xác thịt của con nhưng con cảm tạ Chúa và tin rằng mọi sự hiệp lại có ích cho con. Giờ này đây kính xin Đức Thánh Linh soi dẫn cho con, giúp con hiểu được Lời Ngài trong phân đoạn Thánh Kinh Phi-lê-môn 8-16. Con cảm tạ Ngài.

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Thưa Cha, con xin kính dâng lên Cha sự hiểu của con về phân đoạn Thánh Kinh như sau:

Thưa Cha, qua tham khảo bài giảng của người chăn, con được hiểu rằng Ô-nê-sim là nô lệ của Phi-lê-môn. Không biết vì lý do gì mà Ô-nê-sim đã bỏ trốn, sau đó thì Ô-nê-sim đã được gặp và nghe Tin Lành do Phao-lô rao giảng. Ô-nê-sim đã tiếp nhận Tin Lành và Phao-lô sẽ gửi Ô-nê-sim về cho chủ mình là Phi-lê-môn. Phi-lê-môn là người cũng được Sứ Đồ Phao-lô rao giảng Tin Lành cho và bây giờ thì không những Ô-nê-sim đối với Phi-lê-môn là một nô lệ mà hơn thế nữa là anh em cùng đức tin, cùng Cha.

Thưa Cha, khi con đọc đi đọc lại và suy ngẫm từng lời Phao-lô viết cho Phi-lê-môn với nội dung chính trong bức thư là muốn gửi Ô-nê-sim lại và nài xin Phi-lê-môn hãy tiếp nhận lại Ô-nê-sim. Con hiểu Phao-lô hoàn toàn có quyền truyền lệnh cho Phi-lê-môn hãy tiếp nhận lại Ô-nê-sim vì ông là người đã rao giảng và chăn dắt Phi-lê-môn đến với Lẽ Thật. Tuy nhiên Phao-lô thay vì truyền lệnh mà ông nài xin. Con cảm nhận được tình yêu của Phao-lô dành cho Ô-nê-sim khi ông chân thành gửi gắm Ô-nê-sim lại cho chủ của mình và nài xin chủ tiếp nhận với một tình yêu trong Đấng Christ.

Thưa Cha, qua tham khảo bài giảng người chăn thì con cũng được hiểu là Phi-lê-môn là người có tiếng về nếp sống có tình yêu thương khiến cho những người lân cận cũng vui thỏa về ông. Con nghĩ rằng ông sẽ sẵn sàng và vui lòng tiếp nhận lại Ô-nê-sim và nhất là bây giờ Ô-nê-sim đã trở nên anh em cùng đức tin. Thế nhưng Phao-lô vẫn viết thư nài xin những lời thật tha thiết và cảm động. Từng câu chữ trong thư thể hiện lên tình yêu mà Phao-lô dành cho Ô-nê-sim và sự tôn trọng của Phao-lô đối với Phi-lê-môn.

Bài học con rút ra được là:

Con học được sự khiêm nhường và hạ mình của Phao-lô. Ông đã không cậy mình có quyền truyền lệnh mà ông hạ mình tôn trọng người khác. Ông cũng không có ý dùng cách ép buộc người khác làm theo ý mình. Ông cũng muốn người khác có quyền tự do lựa chọn làm bởi tình yêu, niềm vui, lòng thành chứ không bởi vì bị ép.

Con học được rằng bông trái của một người được dựng nên mới đó là tình yêu chân thật và sự hạ mình, khiêm nhu, xem người khác là tôn trọng hơn mình. Điều này không phải con tự rèn tập mình hay con bôn ba mà được, mà con làm được nhờ sức toàn năng của Chúa, được Chúa biến đổi con, tái sinh con thành người mới, con được dựng nên mới từ bên trong, có như vậy những điều con nói, những gì con làm, những sự con nghĩ, cách cư xử của con đều sẽ phản chiếu ra được tình yêu của Thiên Chúa y như ông Phao-lô đã phản chiếu ra tình yêu và bản tính của Thiên Chúa.

Con cảm tạ Chúa đã ban cho con sự hiểu trên đây. Nguyện Lời Ngài thánh hóa con, giúp con mỗi ngày được nên thánh trọn vẹn, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ yêu kính của con. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thùy Linh
19/03/2024

...


Vũ Thị Thư
06/05/2024 17:24

Phi-lê-môn 8-16 Anh Chị Em Trong Đấng Christ – Phần 1

Con kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu ở trên trời của con. Con xin cảm tạ ơn Cha vì mọi sự xảy ra trên đời sống của con là tốt lành theo sự biết trước và sự từ ái của Cha. Cha ơi, hôm nay con xin cảm tạ ơn Cha cho con có thời gian học Lời Chúa trong Phi-lê-môn 8-16. Nguyện xin Cha ở cùng ban ơn dẫn dắt và dạy dỗ con, giúp con hiểu được Lời của Ngài để con biết thực hành trong đời sống. Nguyện xin Cha cũng thêm lên trong con tấm lòng yêu kính Chúa, ham thích học hỏi Lời của Chúa để đời sống thuộc linh của con ngày một tăng trưởng, đức tin của con ngày một vững vàng và lớn mạnh. Con xin cảm tạ ơn Cha, và sau đây con xin nói lên sự hiểu của con qua phân đoạn Thánh Kinh này:

8 Vậy nên, dù trong Đấng Christ, tôi có quyền truyền dạy anh việc nên làm,
9 nhưng vì lòng yêu thương của anh, nên tôi nài xin thì hơn. Tôi, Phao-lô, đã già rồi, và hiện nay lại là một người tù của Đức Chúa Jesus Christ.
10 Tôi vì đứa con mà tôi đã sinh trong vòng xiềng xích, tức là Ô-nê-sim, mà nài xin anh.
11 Người mà trước đây không ích gì cho anh, nhưng bây giờ sẽ có ích cho anh và cho tôi.
12 Người mà tôi gửi lại cho anh. Vậy, xin hãy tiếp người. Người như lòng dạ tôi vậy.
13 Người mà tôi muốn giữ lại bên tôi, để người thay anh mà giúp việc cho tôi trong vòng xiềng xích của Tin Lành.
14 Nhưng tôi không muốn làm điều gì mà chưa được anh đồng ý, để cho điều lành anh sẽ làm chẳng phải bởi ép buộc, mà là bởi lòng thành.
15 Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi;
16 không như nô lệ nữa, nhưng hơn nô lệ, như một anh em cùng Cha yêu dấu, đặc biệt là cho tôi, nhưng nhiều hơn nữa cho anh: cả trong xác thịt, lẫn trong Chúa.

Qua phân đoạn này con học được rằng người chăn, trưởng lão có quyền truyền dạy cho con dân Chúa nên làm hay không nên làm điều gì theo thẩm quyền mà Chúa đặt để trên mình, miễn là điều đó không nghịch lại ý muốn và điều răn của Chúa. Nhưng ở đây Sứ Đồ Phao-lô rất khiêm nhường hạ mình không hề có ý áp đặt ý muốn của mình trên Phi-lê-môn nhưng có ý muốn nài xin Phi-lê-môn một việc, bởi ông biết được tình yêu của Phi-lê-môn đối với các con dân Chúa. Ông muốn mọi việc lành con dân Chúa làm ra phải được làm bởi tấm lòng chân thành và sự tự nguyện chứ không phải bởi sự ép buộc, miễn cưỡng. Con thấy cách hành xử của Sứ Đồ Phao-lô rất khôn ngoan, được ơn, đáng để được con dân Chúa học theo, là sự ông luôn xem người khác như tôn trọng hơn mình. Ngược lại con dân chân thật của Chúa cũng nên vì kính sợ Chúa mà vâng phục lẫn nhau. Thì mọi sự sẽ trở nên hài hòa, hiệp một, yêu thương.

Sự việc mà ông muốn nài xin Phi-lê-môn là ông muốn Phi-lê-môn tiếp nhận lại Ô-nê-sim, là một người nô-lệ của Phi-lê-môn trước đây đã từng bỏ trốn khỏi nhà của Phi-lê-môn, nay Ô-nê-sim đã tin và tiếp nhận Chúa qua sự rao giảng Tin Lành của Sứ Đồ Phao-lô khi ông đang bị tù đày. Giờ đây Ô-nê-sim đã trở nên một con người mới trong Chúa, được tái sinh, được Chúa biến đổi trở thành một người có ích cho Chúa và cho Phao-lô, cũng sẽ ích lợi cho Phi-lê-môn, mặc dù trước đây có thể Ô-nê-sim đã gây thiệt hại cho chủ mình là Phi-lê-môn khi ông bỏ trốn khỏi nhà của Phi-lê-môn. Sứ Đồ Phao-lô đã nài xin Phi-lê-môn tiếp nhận lại Ô-nê-sim với một tinh thần mới là tiếp nhận một con cái Chúa, một người anh chị em cùng đức tin và như là tiếp nhận chính Phao-lô vậy.

Con ấn tượng với câu “người như lòng dạ tôi vậy” của Phao-lô, cho con học được sự yêu thương hiệp một của con dân Chúa với nhau, bởi con cái Chúa là những chi thể trong cùng một thân thể. Đó là lý do tại sao khi mà một người bị dứt thông công lại khiến cho những con dân chân thật cảm thấy như vừa bị dứt đi, bị mất đi một phần thân thể của mình, cảm giác thật đau đớn, nhưng nhiều khi những người bị dứt thông công vì kiêu ngạo, tự ái, phạm tội không ăn năn kia không hề cảm nhận được điều đó, họ đã bị ma quỷ và cái tôi trong họ bóp méo, bẻ cong mọi sự, khiến cho họ bị có những suy nghĩ lệch lạc sai trật, khiến cho họ chỉ muốn bỏ đi mà không còn chút thương cảm nào với ai mà nghĩ đến việc ở lại.

Con cũng học được ở câu 15 “Có lẽ người đã tạm xa cách anh, cốt để anh nhận lấy người mãi” một điều là mọi sự có ích cho những ai yêu mến Chúa. Có những sự tưởng như là nan đề, khó khăn, nghịch cảnh theo con mắt xác thịt, như việc bỏ trốn của một nô-lệ tên Ô-nê-sim cùng với những thiệt hại trước mắt, nhưng sau đó là sự trở lại của một Cơ-đốc nhân Ô-nê-sim được Chúa biến đổi tái sinh, trở nên có ích cho Phi-lê-môn và cho chính Phao-lô trong cả thuộc thể lẫn thuộc linh.

Bởi vậy mà con xin dâng lời cảm tạ và biết ơn Chúa cho con học được bài học ngày hôm nay, thật đúng lúc với con, để con luôn biết cảm tạ ơn Chúa trong mọi sự xảy đến trên gia đình con, con mong rằng và hy vọng rằng sự bị dứt thông công của một thành viên trong gia đình con cũng như những anh chị em khác thời gian qua chỉ là sự “tạm cách xa” để rồi đến một ngày nào đó khi người đó thật sự ăn năn hạ mình thì con sẽ được tiếp nhận trở lại “một anh em cùng Cha yêu dấu”, điều đó tốt cho Hội Thánh, ích lợi cho tất cả mọi người, và chúng con có được một niềm vui trọn vẹn. Còn khi một người vẫn còn là một nô lệ cho tội lỗi, sống trong tội lỗi thì sẽ chỉ đem đến sự thiệt hại cho Hội Thánh và cho những người xung quanh mà thôi. Nguyện lòng ước mong của con được Ngài lắng nghe và làm thành ước nguyện, nhưng không theo ý muốn con nhưng xin ý Cha được nên. Con xin cảm tạ ơn Cha và thành kính cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ!
Vũ Thị Thư
Ngày 06/05/2024


Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ