Sự phạm tội của cái lưỡi thật ra là sự phạm tội của chính bản ngã của chúng ta. Sự phạm tội của cái lưỡi làm ô uế thân thể xác thịt của chúng ta và khiến cho chúng ta bị hư mất trong sự phạm tội. Từ cái lưỡi mà ra những lời: kiêu ngạo, khoác lác, phạm thượng, vô ơn, rủa sả, mắng nhiếc, dối trá, vu khống, tà dâm, giễu cợt… Vì cái lưỡi được ví như ngọn lửa nên sự tác hại của nó đến chúng ta được gọi là “đốt cháy cả đời người!” Như một ngọn lửa nhỏ thiêu rụi cả một khu rừng!
Loài người có thể trị phục được muôn loài vạn vật trên đất nhưng không thể trị phục chính mình. Như đã nói trên đây, cái lưỡi chẳng qua chỉ là phương tiện để thể hiện những sự đầy dẫy trong lòng của một người. Chúng ta ưa thích gì, chúng ta thèm muốn gì, chúng ta quyết định gì, thì đều được thể hiện qua lời nói và lời nói dẫn đến hành động. Từ khi loài người không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, thì loài người biết điều ác và điều ác cứ sinh sôi, nẩy nở, phát triển trong bản ngã của loài người, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Loài người không thể nào tự mình kiềm chế được điều ác cứ phát triển trong mình. Nó là chứng ung thư thuộc linh, tàn phá và giết chết nhân loại. Lời của Chúa nói rõ về bản chất tội lỗi, xấu xa, độc ác, không thể thay đổi của loài người:
“Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là những kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được” (Giê-rê-mi 13:23).
“Lòng người là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa; ai có thể biết được” (Giê-rê-mi 17:9)?
“Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và phạm thượng” (Ma-thi-ơ 15:19).
Mỗi một người được sinh ra trong cuộc đời này đều thừa hưởng bản tính tội lỗi từ tổ phụ của loài người là A-đam. Vì thế, mỗi người được sinh ra đều đã chết trong lầm lỗi và tội ác mình (Ê-phê-sô 2:1); cho đến khi thật lòng ăn năn, từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì được Thiên Chúa tái sinh, dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ. Chỉ khi được dựng nên mới thì một người mới có thể làm chủ được lòng mình, qua đó kiềm giữ được lưỡi mình. Vì khi một người có tấm lòng trong sạch, vừa muốn vừa làm theo ý muốn của Thiên Chúa, thì những gì môi miệng người ấy nói ra đều là lời lành, mang lại ân điển, và giúp ích cho người nghe (Ê-phê-sô 4:29).
Cũng chính vì thế, chúng ta có thể dựa vào lời nói không ân hậu, cay đắng, ganh tỵ, dối trá… của một người mà biết người ấy chưa được tái sinh.