Thiên Chúa

267 views

Thiên Chúa (dt): Chúa ở trên trời hoặc Chúa của các tầng trời (thiên = trời; chúa = chủ). Danh từ này được dùng để dịch danh từ “ê-lô-him” tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước và danh từ “thê-ót-s” tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh Tân Ước; và chỉ được dùng để gọi Đấng Tạo Hóa, là thực thể duy nhất tự có và có đến mãi mãi. Thực thể Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, tự xưng là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, với tên riêng tự xưng là: “Ta Tự Có và Có Mãi Mãi” (tiếng Hán Việt là: “Ta Tự Hữu và Hằng Hữu”).

Danh từ Thiên Chúa là một danh từ riêng, khái quát, và chỉ định [2], như danh từ “dân tộc Việt Nam” hoặc danh từ “gia đình Nguyễn Văn A.” Vì thế, khi nói đến Thiên Chúa là cùng một lúc nói đến cả ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, vì danh từ Thiên Chúa là một danh từ tập hợp như các danh từ “gia đình,” “dân tộc,” cho nên, ở trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp danh từ này được dùng với các động từ và tính từ số ít.

Thiên Chúa là tình yêu, sự sống, và sự sáng. Là sự sáng nên Ngài là thánh khiết và công chính. Là sự sống nên muôn loài vạn vật phát sinh từ nơi Ngài và còn lại mãi mãi. Là tình yêu nên Ngài nhân từ và thương xót, ban cho loài người quyền tự do lựa chọn, và ban cho loài người cơ hội được cứu rỗi. Ngay cả khi Ngài dựng nên hỏa ngục thì cũng vì sự nhân từ và thương xót đối với những kẻ phạm tội. Dù tội nhân đau khổ trong lửa của hỏa ngục nhưng sự đau khổ đó còn ít hơn là sự đau khổ của một người không thánh khiết phải sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ những thiên sứ vô tội hoặc những người được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, được Đức Thánh Linh tái sinh mới có thể sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.