Cựu Ước (dt): Thuật ngữ Cựu Ước được dùng trong Thánh Kinh vừa nói đến lời hứa cũ Thiên Chúa hứa với loài người qua dân tộc I-sơ-ra-ên, vừa nói đến phần Thánh Kinh được ghi chép trước khi thân vị Đức Con của Thiên Chúa nhập thế làm người, để hoàn thành lời hứa về sự Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi, đồng thời, ban cho nhân loại một lời hứa mới, cũng qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Thánh Kinh Cựu Ước được ghi chép trong suốt khoảng thời gian từ năm 1446 TCN cho đến khoảng năm 400 TCN. Bố cục hiện tại trong các bản dịch Thánh Kinh là: Cựu Ước gồm 39 sách, dày mõng khác nhau, chia thành bốn bộ môn chính: Luật Pháp (5 sách); Lịch Sử (12 sách) Văn thơ (5 sách), và Tiên Tri (17 sách).
Cựu Ước giới thiệu Thiên Chúa, bày tỏ nguồn gốc của muôn loài vạn vật, ghi lại tiến trình lịch sử của loài người từ khi được tạo dựng cho đến khi Thiên Chúa im lặng đối với loài người trong một khoảng thời gian chừng 400 năm. Cựu Ước cũng truyền đạt tiêu chuẩn đạo đức và chương trình, ý định của Thiên Chúa dành cho loài người. Trong đó, có lời hứa về sự Thiên Chúa sẽ giải cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi.
Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, ngoại trừ một phần nhỏ được viết bằng tiếng A-ra-mai (Aramaic) [5]. Tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ cổ của dân tộc I-sơ-ra-ên, đã được phục hồi vào giữa thế kỷ 19, sau hơn 2,200 năm bị xem là một ngôn ngữ chết. Năm 1948, cùng lúc với sự tái lập quốc của quốc gia I-sơ-ra-ên, tiếng Hê-bơ-rơ đã trở thành ngôn ngữ chính của quốc gia I-sơ-ra-ên. Tiếng A-ra-mai là một ngôn ngữ ra cùng nguồn gốc với tiếng Hê-bơ-rơ (nhóm ngôn ngữ Semitic của các dân tộc ra từ Sem, con trai út của Nô-ê – Xem Sáng Thế Ký từ chương 6 đến chương 10). Tiếng A-ra-mai được thịnh hành giữa các dân tộc vùng Trung Đông trong khoảng thời gian từ năm 1100 TCN đến năm 70 CN. Khi dân I-sơ-ra-ên thuộc Vương Quốc Giu-đa, bị lưu đày sang Đế Quốc Ba-by-lôn (606 TCN – 536 TCN) thì họ buộc phải dùng tiếng A-ra-mai, là ngôn ngữ chính của Đế Quốc Ba-by-lôn, thay thế cho tiếng Hê-bơ-rơ.