Lễ Báp-tem

418 views

Lễ Báp-tem (dt): là lễ nghi thứ ba và là lễ nghi sau cùng được Chúa ban truyền cho Hội Thánh phải vâng giữ (Ma-thi-ơ 28:19-20). Lễ Báp-tem được các giáo hội gọi bằng nhiều tên khác nhau, như: Lễ Rửa, Lễ Rửa Tội, Lễ Tẩy, Lễ Thanh Tẩy, Lễ Trầm Mình, Lễ Thủy Trầm… Tuy nhiên, không một cách gọi nào là đúng với ý nghĩa của Lễ Báp-tem. Vì thế, chúng ta nên giữ nguyên cách phiên âm của từ ngữ Hy-lạp “βάπτισμα” là “báp-tem,” [1], và giải thích rõ cho những người mới tin nhận Chúa biết ý nghĩa của Lễ Báp-tem, trước khi làm báp-tem cho họ.

Từ ngữ “βάπτισμα” /báp-tem (báp-tít-ma)/ trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là nhúng chìm. Từ ngữ này được dùng để nói đến sự bị đắm chìm trong nghịch cảnh, trong khổ nạn, trong sự chết (Lu-ca 12:50; Rô-ma 6:3); hoặc được dùng để gọi nghi thức nhúng chìm hoàn toàn trong nước của một người thật lòng tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Từ ngữ này hoàn toàn không liên quan gì đến sự rửa, nhất là không liên quan gì đến sự rửa tội. Bởi vì, sự rửa tội được thực hiện bởi máu của Đức Chúa Jesus Christ:

“Đấng yêu chúng ta và đã rửa sạch chúng ta khỏi những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài, đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời và Cha của Ngài. Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:5-6).

Từ ngữ “βαπτισμός” /báp-tít-mác/ mới có nghĩa là rửa sạch bởi nước, dùng cho các nghi thức thanh tẩy theo luật pháp của Môi-se [2]. Cả hai từ ngữ báp-tem và báp-tít-mác đều ra từ động từ gốc “βαπτίζω” /báp-tí-dồ/ có nghĩa là nhúng chìm vào trong một chất lỏng, như: nước, rượu, dầu, thuốc nhuộm… [3].

Như vậy, xét về ý nghĩa của từ ngữ, thì chữ báp-tem được dùng để nói về Lễ Báp-tem mà Đức Chúa Jesus Christ truyền cho Hội Thánh, có nghĩa là: cùng với Chúa đắm chìm vào trong hậu quả của tội lỗi, tức là đắm chìm trong sự đau đớn và sự chết. Hay nói cách khác, là cùng chịu khổ và chịu chết với Chúa, vì tất cả những tội lỗi của chính mình. Thánh Kinh dạy rõ:

“Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-tem trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là chịu phép báp-tem trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-tem trong sự chết Ngài, để cho Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được từ kẻ chết sống lại thế nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:3-4).

Trong khi đó, phép báp-tem do Giăng Báp-tít làm là phép báp-tem làm hình bóng cho sự được tha tội, nhờ được rửa sạch tội. Phép báp-tem của Giăng Báp-tít tiêu biểu cho sự máu của Đức Chúa Jesus Christ sẽ rửa sạch tội cho những ai có lòng ăn năn, từ bỏ tội. Thánh Kinh nói rõ ý nghĩa phép báp-tem của Giăng Báp-tít:

“Giăng đã tới, trong đồng vắng vừa làm vừa giảng phép báp-tem ăn năn để được tha tội” (Mác 1:4).

“Giăng dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn để được tha tội” (Lu-ca 3:3).

Xin đọc và nghe các bài giảng sau:

https://timhieuthanhkinh.com/?p=254

https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=438

https://timhieuthanhkinh.com/?p=80