Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Suy Ngẫm Lời Chúa trong sách II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-18

Nếp Sống của Những Người Được Yêu Bởi Chúa – Phần 2

Kính lạy Thiên Chúa Toàn Năng, là Cha Trời kính yêu đời đời của chúng con ở trên trời! Con xin kính dâng lời cảm tạ sự hiện diện trong tình yêu thương vô bờ của Cha trên hết thảy chúng con mỗi ngày. Tạ ơn Cha luôn đoái xem, chăm gìn và ban cho chúng con mọi sự có cần dùng trong cuộc sống, Cha ban cho miệng chúng con được thỏa những vật ngon, Cha bổ sức khiến thân thể chúng con được phục hồi, Cha thánh hóa chúng con bằng Lời Hằng Sống của Ngài, cho tâm linh chúng con được chiêm nghiệm tình yêu, sự vinh hiển của Cha và luôn vui thỏa trong Ngài. Nguyện tình yêu bao la của Cha, ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Jesus Christ và sự hành động của Đức Thánh Linh luôn bao phủ chúng con trong ơn yêu thương của Ngài từ nay cho đến đời đời vô cùng!

Kính thưa Cha từ ái,
Con xin kính dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa thì giờ con học hỏi và suy ngẫm Lời Ngài hôm nay. Nguyện kính xin Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật dẫn con vào lẽ thật Lời Chúa, giúp cho con có sự hiểu và biết cách áp dụng Lời Ngài vào cuộc sống, để đời sống con trở nên như của lễ có thức hương thơm kính dâng lên Thiên Chúa làm đẹp lòng Chúa. Con xin cảm tạ ơn Ngài!

Câu 10 đến câu 12: “Khi chúng tôi ở với các anh chị em, chúng tôi đã truyền cho các anh chị em rằng: Nếu ai không muốn làm việc, thì cũng không nên ăn. Vì chúng tôi nghe có mấy kẻ sống vô luật pháp giữa vòng các anh chị em, chẳng làm việc gì cả, ngoại trừ những việc vô ích. Với những kẻ như vậy, chúng tôi bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, truyền và khuyên rằng, họ phải im lặng mà làm việc, ăn bánh của chính mình.”

Kính thưa Cha,
Con hiểu rằng mỗi một con dân Chúa cần phải học hiểu và làm y theo mọi ý muốn của Thiên Chúa trên mình từ thuộc thể đến thuộc linh. Nghĩa là mỗi người có trách nhiệm làm tròn bổn phận của mình đối với Thiên Chúa và đối với lẫn nhau. Nhất là những người mang danh là con Thiên Chúa, là người đã được dựng nên mới trong Đấng Christ Jesus, thì hơn ai hết cần phải gắng sức cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, trong đó không thể thiếu sự chịu khó nhọc tự tay mình làm việc một cách lương thiện để tự nuôi lấy bản thân vừa giúp ích cho người thiếu thốn, nhất là cho anh em trong đức tin, là hành động làm điều thiện cho mọi người mà con dân Chúa không thể thoái thác, trễ nải. Vì như vậy mới bày tỏ nếp sống yêu thương, thánh sạch làm sáng danh Chúa, làm chiếu rọi sự vinh quang của Tin Lành Đấng Christ. Chỉ những người có nếp sống không chỗ trách được từ thuộc thể đến thuộc linh mới có đủ tư cách làm chứng nhân cho Chúa, mới có thể giảng dạy Lời của Lẽ Thật một cách ngay thẳng.

Tuy nhiên, do thực tế vẫn có những người không chịu làm việc kiếm sống, không chịu sống theo Lời Chúa, mà ăn bám con dân Chúa và chỉ làm ra những việc vô ích trong Hội Thánh như thực trạng tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca.

Vậy nên con hiểu chính Chúa đã tác động tấm lòng Phao-lô và dùng môi miệng ông để khẳng định và truyền đạt ý muốn của Chúa trên dân sự Ngài là: “Nếu ai không muốn làm việc, thì cũng không nên ăn.”

Vì người xưng nhận mình là con cái Chúa không thể là người lười biếng, ỷ lại, ăn bám và làm gánh nặng cho người khác. Sự biếng nhác, trì trệ chính là thói ích kỷ tham lam muốn hưởng thụ, chìu chuộng bản ngã xác thịt, là hành vi lợi dụng và ăn cắp sức lao động của người khác một cách trắng trợn, là nếp sống vô luật pháp của những kẻ không kính sợ Thiên Chúa.

Kính thưa Cha,
Con hiểu rằng với những kẻ lười biếng, không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình đối với Thiên Chúa lẫn đối với loài người, là những người chối bỏ đức tin và xấu hơn người không tin Chúa. (ITi-mô-thê 5:8). Vậy nên, Phao-lô trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, truyền lệnh cho họ phải im lặng mà làm việc để tự nuôi mình.

Câu 13: “Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em chớ mệt nhọc về sự làm lành.”

Kính thưa Cha,
Con hiểu Ngài là Thiên Chúa thiện và hay làm lành! (Thi-thiên 119:68). Vậy nên, là con dân của Chúa chúng con cũng cần phải trung tín và không mệt nhọc trong sự làm lành, là những việc công chính mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng con làm theo, hầu cho chúng con ngày càng trở nên giống Chúa yêu kính của chúng con càng hơn.

Lời Cha dạy chúng con chớ mệt nhọc về sự làm lành và nếu chúng con không trễ nải thì đến kỳ chúng con sẽ gặt. Vì vậy không có bất cứ lý do nào để có thể bào chữa cho sự không vâng phục Chúa, không chịu làm việc của một người xưng nhận mình là con dân Chúa.

Như có chép:
“Ta đã thấy công việc mà Thiên Chúa ban cho loài người là loài người dùng tập rèn lấy mình.
Vậy, ta nhìn biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui vẻ, và làm lành trọn đời mình.”
(Truyền-đạo 3:10;12).

Câu 14 và câu 15: “Nếu như có ai không vâng theo lời của chúng tôi trong thư này, thì các anh chị em hãy ghi lấy, chớ thân cận với kẻ ấy, để kẻ ấy xấu hổ. Tuy vậy, chớ xem người ấy như kẻ thù, nhưng hãy răn bảo như anh chị em cùng Cha.”

Kính thưa Cha,
Con hiểu nếu một người làm ra những hành động sai quấy làm tổn hại đến Hội Thánh, đến con dân Chúa, sau khi được cáo trách nhắc nhở khuyên dạy mà người ấy vẫn không ăn năn từ bỏ và sửa lại đường lối mình, thì Lời Chúa dạy con dân Chúa không được thân cận với kẻ ấy. Nghĩa là bỏ qua làm như không có chuyện gì và vẫn giữ mối thông công thân mật với người phạm tội. Điều này dẫn đến sự nhởn nhơ khinh thường Chúa, sự cứng lòng càng hơn trong sự xem thường Lời cáo trách răn dạy của Chúa, dẫn đến người phạm tội càng lún sâu càng hơn trong kiêu ngạo của người ấy.

“Tuy vậy, chớ xem người ấy như kẻ thù, nhưng hãy răn bảo như anh chị em cùng Cha.
Con hiểu rằng vì lòng nhân từ nhẫn nại và thương xót, Cha vẫn ban cho người phạm tội cơ hội ăn năn để được phục hồi. Vì vậy, Lời Cha dạy chúng con chớ xem người ấy như kẻ thù, nhưng hãy lấy tình yêu thương của anh chị em cùng Cha mà khuyên bảo người có tội.
Tuy nhiên, Lời Cha cũng dạy chúng con rằng, trong trường hợp nếu người có tội vẫn cố chấp, cứng lòng không chịu thay đổi ăn năn sau vài lần được Hội Thánh khuyên bảo quở trách, thì con dân Chúa có bổn phận vâng phục Lời Ngài dạy, là dứt thông công và trừ bỏ kẻ gian ác ra khỏi Hội Thánh. Vì họ đã không làm tròn bổn phận và không xứng đáng trong tư cách một con dân của Chúa, khi họ đã biết Chúa, đã nhận ơn thương xót của Chúa, đã nhận biết lẽ thật của Chúa mà vẫn cứng lòng cố chấp, chối bỏ lẽ thật của Lời Chúa và khinh thường sự nhân từ nhẫn nại của Ngài.

Câu 16: “Nguyện chính Chúa của sự bình an luôn ban sự bình an cho các anh chị em trong mọi cảnh ngộ! Chúa ở với hết thảy các anh chị em!”

Kính thưa Cha,
Con hiểu Ngài là Thiên Chúa của sự bình an, bởi mọi ý định và việc làm của Ngài dành cho chúng con đều xuất phát từ tình yêu thương và đem lại cho chúng con phước hạnh. Từ cõi đời đời trong chương trình của Ngài, Ngài đã định trên chúng con những điều trọn vẹn tốt lành mầu nhiệm, đến nỗi trí khôn và sự hiểu biết trong con người xác thịt này chúng con không thể nào hiểu thấu.
Tuy nhiên, Lời Ngài soi sáng và dạy dỗ giúp chúng con hiểu rằng, dù chúng con phải bước qua bất kỳ cảnh ngộ nào trong cuộc đời trên linh trình theo Chúa; dù là đau ốm, bệnh tật, thiếu nghèo, bắt bớ, bách hại…, chúng con vẫn luôn có sự bình an của Ngài bao phủ, luôn có Ngài đồng hành chở che và dìu dắt, ngay cả khi chúng con phải đi trong trũng bóng chết. Nếu chúng con vẫn hằng tin nơi Ngài, yêu kính Ngài, vâng phục và tin cậy Ngài trong mọi sự, hết lòng sống cho Ngài và vì Ngài, sẵn sàng chịu khổ vì danh Ngài và thể hiện tình yêu anh chị em cùng Cha qua chính nếp sống cần cù chịu thương chịu khó, không mệt nhọc vì sự làm lành.

Câu 17 và câu 18: “Lời chào của Phao-lô, chính tay tôi viết, ấy là dấu ký trong mỗi lá thư tôi viết như vậy.
Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với hết thảy các anh chị em! A-men!”

Kính thưa Cha,
Con hiểu theo thói quen Phao-lô vẫn thường làm là gửi lời chào, lời chúc phước của ông đến với con dân Chúa ở cuối mỗi bức thư ông gửi đến họ. Điều này cũng giúp cho con dân Chúa dễ dàng nhận biết như là một dấu ký của Phao-lô, rằng chính Phao-lô là tác giả của bức thư hoặc chính tay Phao-lô đã viết bức thư ấy. Hàm ý những lời Phao-lô trình bày trong toàn bộ bức thư như chính tấm lòng và linh hồn của ông đang ở cùng họ, ở bên họ, trong khi họ đọc và suy ngẫm những lời khuyên dạy, quở trách, khích lệ của ông.

Phao-lô luôn cầu xin ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở với hết thảy con dân Chúa. Bởi vì trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, Hội Thánh được thành lập và trở nên thân thể của chính Ngài, mỗi một con dân Chúa được Ngài mua chuộc bằng máu thánh khiết vô tội của Ngài để trở nên chi thể của thân thể Ngài, được Ngài ban cho năng lực, thẩm quyền, và tư cách trong danh Ngài, khiến cho họ có thể sống thánh khiết, sống đắc thắng tội lỗi, sống chiếu rạng sự vinh quang của Thiên Chúa, sống xứng đáng với địa vị và ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời trên họ. Vì vậy, con hiểu ân điển và sự bình an của Thiên Chúa là ơn phước thiêng liêng luôn bao phủ và ở trên đời sống của mỗi một con dân chân thật của Thiên Chúa từ nay cho đến cõi đời đời vô cùng.

Kính thưa Cha,
Con xin kính dâng lời cảm tạ tình yêu, sự bình an của Ba Ngôi Thiên Chúa đã ban xuống cho đời con trong ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyện linh hồn con luôn khắc ghi mọi ơn phước và mọi công việc lớn lao tay Thiên Chúa đã làm ra và ban xuống trên chúng con, nguyện thánh linh Ngài đầy dẫy trên chúng con, giúp chúng con luôn yêu kính Ngài, vâng phục Ngài, ngưỡng vọng lên Ngài và luôn bước đi trong đường lối của Ngài.

Nguyện vinh quang, quyền phép, sự cao quý cùng muôn lời chúc tạ duy thuộc về Thiên Chúa kính yêu của chúng con đời đời cho đến vô cùng!

Trong ân điển yêu thương của Đấng Christ Jesus! A-men!
Con, Grace Christian
Ngày 28/12/2023

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ