Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Khải Huyền 1:9-16 Khải Tượng về Con Người – Phần 1

Kính lạy Thiên Chúa Từ Ái của con!
Con kính dâng lên Thiên Chúa lời tôn vinh và cảm tạ ơn Chúa về ngày Sa-bát phước hạnh Chúa ban, cho con an nghỉ mọi công việc và được tận hưởng trọn vẹn những phước hạnh được ban cho trong ngày Sa-bát Thánh. Con cảm tạ ơn Chúa ban cho con thì giờ được đến với Lời của Ngài. Cầu xin Đức Thánh Linh ban ơn soi dẫn, cho con hiểu được lẽ mầu nhiệm trong bài học. Con cảm tạ ơn Chúa và kính dâng lên Ngài những bài học con học được trong Khải Huyền 1:9-16.

Kính thưa Chúa!
Con học được rằng:
Khi viết sách Khải Huyền thì Giăng đang bị tù trên đảo Bát-mô bởi sự bách hại của chính quyền La-mã. Giăng cho biết lý do ông phải ở trong hoạn nạn là vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ của Đức Chúa Jesus Christ. Nghĩa là sự hoạn nạn ông đang chịu là bởi sự rao giảng Tin Lành của Chúa và vì ông thuật lại trung thực những điều đã từng được nghe và chứng kiến từ Đức Chúa Jesus Christ, khi Ngài giảng dạy trên đất. Ông bày tỏ cho những anh chị em cùng Cha biết rằng, ông đang dự phần cùng họ trong sự hoạn nạn vì cớ danh Chúa, và cùng chịu bách hại để được dự phần trong Vương Quốc Trời và sự nhẫn nại của Đức Chúa Jesus Christ.

Ngày nay con dân Chúa cũng không ngoại lệ, khi rao giảng Tin Lành của Chúa, làm chứng trung thực về Đấng Christ thì cũng không tránh khỏi sự bách hại từ thế gian, và có khi là từ ngay cả những người mang danh Chúa. Mỗi người bước vào sự chịu khổ, nhẫn nại trước mọi sự bắt bớ, bách hại như chính Đức Chúa Jesus Christ đã từng chịu bắt bớ và đang nhẫn nại với thế gian này. Chúa nhìn biết tất cả mọi sự mà con dân của Ngài sẽ phải trải qua, nhưng Ngài cho phép điều đó xảy đến để cho mỗi người được dự phần trong vương quốc đời đời sau khi ra khỏi cuộc đời này.

Giăng cho biết, vào “ngày của Chúa” là ngày Sa-bát thứ bảy, là ngày Ngài khẳng định là ngày của Ngài như có chép trong (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10). Ở trong thân thể thiêng liêng, Giăng nhận được những khải tượng và mệnh lệnh hãy ghi lại và sau đó sao chép gửi cho bảy Hội Thánh tại A-si những điều ông nhận được, chính là nội dung sách Khải Huyền

Kính thưa Chúa!
Lời tuyên phán long trọng "Ta là Đấng An-pha và Đấng Ô-mê-ga, Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng” gửi cho bảy Hội Thánh lần lượt được nêu tên trong câu 11, cùng với việc mô tả về Đấng Christ từ câu 12 cho tới câu 16, cho con thấy tầm quan trọng của thông điệp mà Đấng vinh quang, quyền năng, Đấng thánh khiết, công chính và yêu thương gửi cho con dân của Ngài trong các Hội Thánh. Trí huệ và oai nghi Ngài không một thần nào, không một thế lực nào, không một sự gì có thể ví sánh, Ngài đã sẵn sàng cho sự phán xét trên nền tảng là Lời Hằng Sống của Ngài.

Thưa Chúa!
Ai có thể đứng nổi trước vinh quang Ngài nếu không bởi ơn thương xót đến từ chính Ngài. Lời Ngài xoa dịu sự run rẩy sợ hãi trong con trước vinh quang, uy nghi sáng chói của Ngài, Lời Ngài mang lại cho con niềm an ủi, sự trông cậy lớn lao khi nhận biết, Ngài yêu con vô cùng. Ngài đang đi lại giữa Hội Thánh trong tư cách của thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, Đấng dâng chính thân thể mình làm của lễ chuộc tội và cầu thay cho Hội Thánh trước Đức Chúa Trời Chí Cao.

Hình ảnh Giăng ngã xuống chân Ngài như chết và bàn tay phải Ngài đặt trên Giăng cùng lời an ủi "đừng sợ" khiến con đây thổn thức trong lòng. Phải! Lạy Chúa! Trên bước đường theo Ngài của mình, đã nhiều lần con được Lời thân thương, quyền uy này vực dậy, cho con sự bình an trọn vẹn để đứng dậy khỏi sự hoang mang, sợ hãi, đau đớn và cả thất vọng tột cùng. Con đã nhờ Lời này mà mạnh mẽ đi tiếp, giờ đây sự bình an vui thỏa bao phủ con cũng bởi Lời này. Con cảm tạ ơn Chúa!

Con kính dâng lên Thiên Chúa, Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng, Đấng Sống mà đã chết vì tội lỗi con, lòng con ngập tràn phước hạnh khi được địa vị làm con của Đấng Sống Đời Đời, Đấng giữ chìa khóa của sự chết và âm phủ. Nguyện xin thánh ý Ngài được nên. Amen!

Con cảm tạ ơn Chúa!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ!
Con, Nguyễn Thị Mơ

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ