Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Hê-bơ-rơ 11:32-40 Đức Tin và Gương Đức Tin – Phần 6

Kính lạy Thiên Chúa Từ Ái của con!
Con kính dâng lên Thiên Chúa lời tôn vinh và cảm tạ ơn Ngài, con cảm tạ ơn Chúa ban cho con sức khỏe, thời gian quý báu cùng phương tiện để con được suy ngẫm Lời của Ngài. Con vô cùng biết ơn Chúa, con cầu xin Đức Thánh Linh ban ơn dạy dỗ cho con hiểu được lẽ mầu nhiệm trong Lời của Ngài. Con cảm tạ ơn Chúa và kính dâng lên Ngài những bài học mà con học được trong Hê-bơ-rơ 11:32-40.

Kính thưa Chúa!
Con học được rằng:
Những thánh đồ khi sống đúng theo Lời Chúa đã bởi đức tin của mình mà chiến thắng được những sự bách hại mà những kẻ dữ làm ra cho mình trong sự nghịch thù, sự chiến thắng phải có ngay trong thần trí của họ khi quyết định trả giá để sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Họ tin chắc rằng, quyền năng của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài sẽ giải cứu mình khỏi những hoạn nạn xảy đến cho dù sự hoạn nạn ấy có lớn tới đâu, và khi hết lòng trả giá vì Chúa thì họ sẽ nhận được những lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ vâng lời Ngài.

Gương các thánh đồ được lưu danh trong Thánh Kinh cùng những thánh đồ được lưu danh trong lịch sử Hội Thánh cho thấy sự hoạn nạn mà họ phải đối diện thật là lớn: Bị quăng vào hang sư tử, bị ném vào lò lửa, bị tù đày, tra tấn, bị chê cười, hà hiếp, ngược đãi, sỉ nhục và bị giết cách dã man khi giữ vững đức tin của mình nơi Chúa.

Những người không phải đối diện với sự chết thì lại phải chịu cảnh sống thiếu thốn, chịu đói khát, bệnh tật rày đây mai đó để trốn tránh sự bách hại, thể hiện lòng trung tín với Chúa dẫu có phải trả giá cho đức tin của mình. Bởi vậy họ được Đức Thánh Linh làm chứng tốt và trở thành gương đức tin cho con dân Chúa trong các thế hệ tiếp nối.

Các thánh đồ ngày xưa đã bởi thật lòng tôn kính, tin cậy và vâng phục Thiên Chúa mà có đức tin mạnh mẽ để có thể vượt qua được những thử thách lớn lao như vậy, họ tin chắc rằng sẽ nhận được những lời hứa của Thiên Chúa, đức tin thêm lên đức tin và bởi vậy họ được Thiên Chúa ban ơn thêm sức để hết lòng trung kiên tận hiến cả cuộc đời mình cùng chịu thương khó với Đấng Christ.

Kính thưa Chúa!
Được sống làm người trên đất, con nghĩ ai cũng sợ đói khát, đau đớn và sợ chết, các thánh đồ cũng là những con người bằng xương bằng thịt nhưng lại có một thần trí có thể ví như thép khi đối diện với nghịch cảnh là bởi lòng tin cậy tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa đối cùng mình.

Con kính dâng lên Chúa lời cảm tạ đã ban cho con lẽ thật trong Lời Ngài để con thấu hiểu cách sâu sắc tình yêu lớn lao trong sự hy sinh của Thiên Chúa Ngôi Lời trong xác thịt. Ngài đã phó cả mạng sống mình cho những kẻ Ngài yêu. Thiên Chúa yêu những kẻ thuộc về Ngài cho tới nỗi những điều Ngài sắm sẵn hoàn hảo đẹp đẽ trong Vương Quốc của Ngài nếu không có sự hiện hữu của đối tượng mà Ngài yêu thì chúng không còn ý nghĩa gì nữa, điều đó khiến con nhận biết rằng, mọi sự con có trong đời này không thể ví sánh với điều Ngài đã sắm sẵn cho con trong Vương Quốc Trời.

Con dâng lời cảm tạ ơn Chúa ban cho con những anh chị em cùng Cha trong Chúa có tấm lòng đang cố gắng theo gương các thánh đồ xưa, điều đó an ủi, khích lệ và làm gương cho con trên linh trình theo Ngài. Chỉ có sức mạnh của tình yêu mới giúp cho một người dám trả giá cho người mình yêu, Chúa Ngài đã vì yêu mà chết thay cho con.

Thưa Chúa kính yêu!
Trong suốt thời gian cùng anh chị em học loạt bài Gương Đức Tin, lòng con luôn nghĩ tới câu chuyện mà con đọc trong Thánh Kinh Báo, câu chuyện mở đầu với lời tựa là một câu hỏi như sau:

CON ĐÃ LÀM GÌ CHO TA?
Một thiếu nữ Ba-hi-mễ-á(dân Ba-hi-mễ-á là một dân ở miền Trung Âu, chuyên về nghề bói khoa, tà thuật và ăn mày, nên đời sống của họ thường là lưu động. Người Tây Phương rất khinh dể dân nầy.) đang sững sờ trước cảnh bài trí lạ lùng trong phòng việc của họa sĩ Stenburg tại Dusseldorf (Đức). Thiếu nữ là người rất xinh đẹp nên họa sĩ thuê đứng làm kiểu mẫu cho một bức họa mà chàng đặt tên là “Cô vũ nữ Tây-ban-nha”. Đứng trước mặt họa sĩ, nàng lần lượt ngắm xem những bức họa đã xong và mới bắt đầu. Bức họa mà nàng ngắm xem lâu hơn hết là bức “Trên bàn thờ”, đã gần xong, trình bày sự đóng đinh Chúa trên cây thập tự. Nàng chỉ vào mặt Cứu Chúa ở trên bức họa, cất giọng run run hỏi họa sĩ:
- Người nầy là ai?
Họa sĩ lơ đãng trả lời:
- Đấng Christ.
- Người ta làm gì cho người?
- Họ đóng đinh Ngài. Thôi, cô hãy quay sang bên phải một chút. Như thế…được rồi.
Thiếu nữ lại hỏi?
- Những người có bộ mặt hung ác đứng quanh Người là ai?
Stenburg nóng nảy đáp:
- Im đi, nghe, tôi không có thì giờ để nói chuyện. Cô đến đây để làm kiểu mẫu chớ không phải để nói léo nhéo.
Thiếu nữ không dám nói nữa, nhưng cứ nhìn vào bức họa và suy nghĩ.
Từ đó, mỗi lần tới phòng việc là bức họa kia lại khiến cô suy nghĩ miên man. Vì tính ưa tọc mạch nên nàng định cứ đánh liều mà hỏi vài câu. Một hôm nàng bật hỏi:
- Thôi, xin nói cho tôi biết tại sao người ta lại đóng đinh Người? Người là gian ác quá không?
- Không, trái lại. Rất lương thiện. Cả ngày hôm đó nàng chỉ biểu được có một câu ấy. Nhưng nàng đã ghi nó vào lòng và giữ lấy như là một của báu, rồi lần sau lại bạo dạn hỏi:
- Nếu người thật lương thiện, tại sao người ta lại đãi người như thế? Có phải chỉ làm như vậy trong ít phút rồi sau họ thả người đi không?
- Bởi vì…
- Họa sĩ đứng dậy, đầu hơi nghiêng về một phía để sửa lại mấy nét bút vừa phác.
- Bởi vì…, thiếu nữ hổn hển nhắc lại.
Quay vào giá bảng, chàng thấy thiếu nữ nét mặt ưu sầu thì động lòng thương xót:
- Này, tôi sẽ nói cho cô một lần đủ cả điều tôi phải nói, sau cô không được hỏi nữa nghe không. Đoạn, lần lượt họa sĩ kể cho nàng nghe truyện tích đóng đinh Chúa trên cây thập tự. Nó rất mới đối với thiếu nữ, nhưng rất cũ đối với họa sĩ, cũ đến nỗi nó dường như không còn chút cảm động lòng chàng nữa. Và chàng dửng dưng nói thêm: “Ngài chết thay cho tất cả tội nhân”.
Thiếu nữ nghe rồi thì nước mắt chan hòa trên mặt.
Bức họa “Cô vũ nữ Tây-ban-nha” và “Trên bàn thờ” đều xong một lượt. Pepita (tên thiếu nữ đứng làm kiểu mẫu cho họa sĩ Stenburg đến thăm phòng việc của họa sĩ lần chót. Nàng chẳng thích ngắm xem bức chân dung tuyệt diệu của mình, nhưng đứng rất lâu trước bức họa sự đóng đinh Chúa trên thập tự giá, đứng dường như một cái đinh đóng cứng xuống đất vậy.
- Lại đây, họa sĩ cất tiếng gọi thiếu nữ, nầy là tiền công của cô; có lẽ lần sau tôi sẽ cần đến cô để làm kiểu mẫu cho một bức họa khác.
Thiếu nữ thong thả đi lại.
- Cảm ơn ông, nàng trân trọng đáp. Nhưng xin nói cho tôi biết: chắc ông phải yêu mến Người nhiều lắm, bởi vì Người đã chịu đau khổ tất cả vì ông?
Mặt họa sĩ bừng đỏ vì hổ thẹn.
Thiếu nữ bước ra khỏi phòng việc, đi mất tăm, nhưng những lời tố cáo của nàng vẫn vang dội bên lòng họa sĩ, chàng tìm cách làm cho quên những lời ấy, nên đem bức họa gửi bán, bán một giá hạ hơn giá đã định, nhưng những lời “tất cả vì ông” vẫn còn cứ văng vẳng bên tai.
Rồi, mỗi khi ngồi xuống bàn làm việc, câu hỏi nầy lại vang dội trong lòng chàng “ông phải yêu mến Người nhiều lắm phải không?” chàng lại buồn rầu và không thể cầm bút vẽ được gì cả.
Một bữa kia họa sĩ đến thăm ông truyền đạo của thành mình. Khi gặp ông, chàng vừa lạ lùng vừa thèm muốn một đời sống như ông. Nào hành vi, nào lời nói, của ông, mỗi một cử chỉ đều tỏ ra là một người lấy Đấng Christ làm mọi sự: và Stenburg tìm thấy ở trong ông ta một điều gì mà chàng đang khao khát: Một đức tin sống.

Ông truyền đạo cho chàng mượn một cuốn Tân Ước(Kinh Thánh lúc ấy rất hiếm) đem về đọc. Một ánh sáng chiếu vào lòng chàng, ngọn lửa yêu thương bật cháy trong linh hồn chàng, một sự sống mới tràn ngập đời chàng: và Đấng Christ bấy giờ là mọi sự trong mọi sự của chàng.
Chàng tự nhủ: “Vì ta! Ngài đã đau khổ vì ta! Ta phải làm thế nào để rao ra cho những người khác về tình yêu thương không bờ bến sẽ biến đổi đời họ cũng như đã biến đổi chính đời ta vậy. Ngài cũng thuộc về họ nữa, nhưng họ đều là những người tăm tối như chính ta lúc trước. Ta sẽ giảng làm sao được, vì không có khẩu tài. Tình yêu Đấng Christ cháy trong lòng ta, nhưng ta không thể lấy lời giãi tỏ nó ra được”.
Đang suy nghĩ như vậy, họa sĩ lấy ngay miếng than mà phác họa một cái đầu đội mão bằng gai. Mắt chàng đẫm lệ trong khi làm việc nầy.
Thình lình một ý nghĩ vụt đến trong đầu chàng.
- Ta là họa sĩ! Ngọn bút của ta sẽ dùng để rao giảng về tình yêu thương thiên thượng. À, trong bức họa “ Trên bàn thờ” ta chỉ vẽ sự đau đớn của nét mặt chịu thương khó. Thiếu sự thật! Trên đó phải có tình yêu thương không thể tả, sự từ bi vô tận và sự hy sinh tình nguyện.
Họa sĩ liền quỳ gối xuống, xin Chúa cho mình có thể nói ra bởi những nét bút.
Thế rồi họa sĩ khởi sự.
Lửa thiên tài bùng cháy đến cực độ. Bức họa mới về sự đóng đinh Chúa trên thập tự thật là một cảm tác quý giá.
Chàng không muốn bán bức họa nầy, đem biếu vào viện bảo tàng của thành phố quê hương để treo tại phòng triển lãm hội họa của viện ấy.
Tại đây dân chúng thường lũ lượt kéo đến xem. Lúc ra về họ đều lẩm nhẩm nhắc lại câu đề ở dưới bức họa:
“Đây là điều Ta đã làm cho con,
Còn con, con đã làm gì cho Ta?”
Mắt ngấn lệ, mỗi người đều yên lặng, một sự yên lặng thấm thía bởi sự cảm động, vì được biết về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với mình.
Stenburg thường trà trộn vào đám đông, đứng vào một góc phòng triển lãm, nhìn vào những người đang xúm quanh bức họa của chàng.
Một ngày kia, chàng để ý thấy trong đám người vào xem có một thiếu nữ nghèo khổ đang khóc sướt mướt. Chàng tiến lại gần và hỏi rằng:
- Tại sao cô lại rầu rĩ như vậy?
Thiếu nữ quay đầu lại. Chính là Pepita.
-Thưa ông- nàng thổn thức đáp, tay chỉ vào nét mặt khả kính – nếu Ngài cũng yêu thương tôi nữa, nhưng tôi chỉ là một thiếu nữ Ba-hi-mễ-á nghèo khổ. Tình yêu thương ấy chỉ cho ông chớ đâu cho những kẻ như tôi đây.
Nói xong, nước mắt thiếu nữ cứ ràn rụa.
Pepita ơi, tình yêu thương ấy cũng cho chính cô nữa.
Rồi họa sĩ kể cho nàng truyện tích lạ lùng về tình yêu thương, sự chết chuộc tội, sự sống lại vinh hiển của Cứu Chúa…
Nghe xong, nàng liền nhận tin lời họa sĩ: “Đây là điều Ta đã làm cho con”.
Từ khi bức họa của và Stenburg đem triển lãm đến nay đã được hai năm rồi.
Một buổi chiều mùa đông kia, sau khi ăn bữa tối xong, họa sĩ Stenburg đem Kinh Thánh ra ngồi bên lò sưởi để đọc. Bên ngoài gió rít từng hồi, làm rung cả những cửa sổ nhà chàng. Bỗng có tiếng gõ cửa, chàng liền ra mở. Một người lạ mặt, quần áo đầy tuyết bước vào và nói rằng:
- Thưa ông, xin ông đi ngay với tôi, vì có việc rất khẩn cấp.
- Việc gì vậy? Họa sĩ hỏi bằng một giọng nghi ngại.
- Tôi không biết, nhưng có một người đang hấp hối muốn nói chuyện với ông.
- Được, tôi sẽ đi.
- Chàng vào lấy áo choàng, rồi, hai người cùng ra khỏi nhà, rảo bước trên những con đường nhỏ hẹp đầy tuyết. Một lúc sau họ đã xa thành phố, đến mép một khu rừng, tới nơi có mấy cái lều vải lụp xụp mới dựng nên. Người lạ mặt chỉ vào một trong những cái lều ấy và mời họa sĩ vào đó.
Họa sĩ phải cúi sát đất mới vào lọt trong lều. Ánh trăng mùa đông chiếu lờ mờ trong cái lều tăm tối. Trên đống lá khô trải ra làm giường, họa sĩ thấy một thiếu nữ mặt xanh xao và hốc hác, đang nằm yên. Nhờ ánh trăng nên chàng nhận ra thiếu nữ là cô gái đã đến làm kiểu mẫu cho chàng. Chàng bật kêu:
- A, Pepita.
Nghe tiếng quen quen gọi đến tên mình, thiếu nữ hai mắt thâm quầng mở ra một cách sáng ngời, trên cặp môi run run hé nở một nụ cười. Nàng bèn gượng chống tay xuống để ngước đầu lên nói:

- Phải, Ngài cũng đã vì tôi mà đến. Ngài đã nắm lấy tay tôi, bàn tay Ngài đã bị đổ huyết ra. Ngài đã nói với tôi: “Đây là điều ta đã làm cho con”.
Nói xong nàng tắt hơi.
Ít năm sau họa sĩ cũng về yên nghỉ trong nước đời đời.
Một ngày kia, có một chàng thanh niên quý phái rất thông minh và giàu có ghé lại thành Dusseldorf với một đoàn bộ hạ rất sang trọng. Họ định ghé nghỉ lại đây một bữa để rồi bữa sau thẳng đường qua Ba-lê.
Trong lúc các đầy tớ cho ngựa ăn thì thanh niên nầy liền nẩy ý đi thăm phòng triển lãm hội họa có danh tiếng của thành nầy.
Bức họa được chàng lưu ý đến nhất và chăm chú ngắm xem là bức họa của Stenburg. Chàng đọc đi đọc lại câu đề ở dưới bức họa. Những chữ ấy như có một hấp lực thu hút chàng đến nỗi chàng không thể rời bỏ chỗ đó mà đi. Có một mãnh lực gì đã bắt phục chàng, cảm động lòng chàng đến nỗi đôi mắt tuôn trào giọt lệ.
Thì giờ cứ trôi qua, màn đêm tối đã dủ xuống, chàng thanh niên ấy vẫn đứng khóc. Người gác bảo tàng viện đến vỗ vào tay chàng rồi lễ phép nói cho chàng hay rằng đã đến giờ đóng cửa.
Người thanh niên ấy là bá tước Zinzendorf(Người đã dâng cả đời sống và của cải cho công cuộc truyền bá Tin Lành, sáng lập Hội Truyền Giáo Morave). Trở về quán trọ, chàng cho đánh xe ra, không phải để cứ thẳng đường đi Ba-lê như ý định, bèn là quay về nhà.
Từ giờ đó, chàng đem cả đời sống, tài sản, và danh vị đặt nó ở dưới chân Đấng đã nói nhỏ nhẹ trong lòng chàng rằng:
“Đây là điều Ta đã làm cho con,
Còn con, con đã làm gì cho Ta?”
Chúa vẫn còn hỏi các bạn đọc câu ấy. Phao-lô trả lời rằng: “ Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi…
Tôi coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ vì sự nhận biết Đức Chúa Jesus Christ là quý hơn hết. Ngài là Chúa tôi, tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi. Thật tôi xem những điều đó như rơm rác hầu cho được Đấng Christ…Nay tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng là Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20, Phi-líp 3:8)
(Trích Thánh Kinh Báo số 173).

Kính thưa Chúa!
Lời tựa của câu chuyện xoáy vào lòng con, xin Chúa cất đi khỏi lòng con những ray rứt, hối hận tiếc nuối vì có những khi con làm Chúa buồn lòng.
Cầu xin Chúa giúp con biết đáp lại tình yêu của Ngài bằng sự quyết tâm trong thần trí được dẫn dắt, con còn nhiều yếu đuối, bất toàn nhưng sâu thẳm lòng con khao khát muốn sống đời sống trọn vẹn đẹp ý Ngài. Cầu xin Chúa ban ơn thêm sức để con có được một thần trí vững vàng không chỉ là khi đối diện với nghịch cảnh nhưng là mỗi ngày trong nếp sống đời thường với nếp sống mới xứng đáng, đáp lại tình Ngài đã yêu con. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ!
Con, Nguyễn Thị Mơ
Ngày 25/04/2024

...

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ