Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ga-la-ti 4:21-31 Hai Giao Ước và Hai Thành Giê-ru-sa-lem

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha Tôn Kính của con ở trên các tầng trời!

Con cảm tạ ơn Cha vì mọi sự xảy đến với chúng con đều nằm trong sự cho phép của Ngài, nguyện thuận theo thánh ý tốt lành và ơn quan phòng trọn vẹn của Cha.
Giờ đây xin Cha đưa dắt con vào trong lẽ thật Lời Ngài khi con học đến Ga-la-ti 4:21-31 Hai Giao Ước và Hai Thành Giê-ru-sa-lem.
Con xin dâng trình lên Cha sự hiểu của con như sau:

Kính thưa Chúa! Con hiểu:

21 Hãy nói cho tôi, các anh chị em ưa phục dưới luật pháp, không nghe luật pháp sao?

Sứ Đồ Phao-lô đã nêu câu hỏi cho con dân Chúa tại Ga-la-ti rằng họ đã từng nhận được sự cứu rỗi qua đức tin vào ân điển của Đấng Christ, mà nay họ vẫn dường như không hiểu rằng người nhận được sự cứu rỗi không phải nhờ vào sự vâng giữ luật pháp và làm theo luật pháp mà là nhờ đức tin.

22 Vì có chép rằng, Áp-ra-ham có hai con trai: một là con của người nữ nô lệ, một là con của người nữ tự do. [Sáng Thế Ký 16:15]
23 Nhưng thực tế, con của người nữ nô lệ sinh ra theo xác thịt, con của người nữ tự do sinh ra theo lời hứa.

Phao-lô dùng thêm ví dụ về đời sống của Áp-ra-ham, để nói về sự đối nghịch giữa hai người con trai được sinh ra, một người con của A-ga là đàn bà nô lệ, con của người nữ nô lệ này sinh ra theo xác thịt loài người thời đó, thì sẽ là nô lệ, dù có cha là Áp-ra-ham.

Người kia là con của Sa-ra là người đàn bà tự do. Sa-ra và những liên quan đến bà là biểu tượng về đức tin trong Đấng Christ, con của bà được sinh ra theo lời hứa của Đức Chúa Trời vì Áp-ra-ham và Sa-ra đã quá già để có thể sinh con. Người nữ tự do biểu trưng cho ân điển, còn người đàn bà nô lệ biểu trưng cho luật pháp.

24 Các sự đó có một nghĩa bóng. Thực tế, chúng là hai giao ước. Một là tại Núi Si-na-i, sinh con ra để làm nô lệ, ấy là A-ga.
25 Vì A-ga ấy là Núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi, tương ứng với thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm nô lệ.
26 Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ của tất cả chúng ta.

Phao-lô nói đến sự kiện trong đời sống của Áp-ra-ham có chứa đựng một ý nghĩa bóng, cho thấy một vấn đề, hai người nữ đó là tiểu biểu cho hai giao ước, giao ước thứ nhất là Môi-se nhận từ Đức Chúa Trời trên Núi Si-na-i, ông ví sánh người nô lệ A-ga là Núi Si-na-i tương đồng với luật pháp Môi-se. Trong nghĩa bóng A-ga là Núi Si-na-i tương ứng với thành Giê-ru-sa-lem, đó là thành Giê-ru-sa-lem trên đất hay cũng chính là biểu tượng cho sự dân I-sơ-ra-ên vẫn còn bị nô lệ dưới luật pháp, vì họ chưa tiếp nhận ân điển của Đấng Christ với tư cách một quốc gia.

Thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao tức là thành Giê-ru-sa-lem mới, khi Đức Chúa Trời cất trời đất cũ này đi, nó tiêu biểu cho những người tin nhận Chúa Jesus và ở dưới ân điển, là mẹ của chúng ta, ý nói họ được tự do với luật pháp và không còn bị sự ràng buộc nào với luật pháp nữa.

27 Vì có lời chép: Hãy vui mừng! Ngươi là kẻ son sẻ, chẳng sinh nở. Hãy vỡ tiếng reo! Ngươi là kẻ chẳng từng chịu cơn đau sinh nở. Vì người bị bỏ rơi có đông con cái hơn người có chồng. [Ê-sai 54:1]

Trong hình bóng này Phao-lô muốn nói rằng, Đức Chúa Trời chỉ nhận dân I-sơ-ra-ên là con dân của Ngài trong thời luật pháp, nhưng Ngài sẽ ban cho mọi dân được làm dân tuyển của Ngài theo đức tin bởi ân điển.

28 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng ta là con của lời hứa cũng như I-sác.

Ngày nay những người tin nhận ân điển của Đấng Christ là con cháu của lời hứa, cũng như I-sác. Phao-lô nói điều này muốn chỉ về việc để được là một Cơ-đốc nhân, không phụ thuộc vào sự vâng giữ luật pháp mà bởi niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa.

29 Nhưng, như lúc bấy giờ, kẻ sinh bởi xác thịt bách hại người sinh bởi Đấng Thần Linh, thì hiện nay cũng vậy.

Phao-lô nói bấy giờ, “kẻ sinh bởi xác thịt bách hại người sinh bởi Đấng Thần Linh”, là khi Ích-ma-ên chế nhạo I-sác lúc còn nhỏ, là hàm ý sự Ích-ma-ên được sinh ra bởi vâng theo ý muốn của Sa-ra. Thì ngày nay, những người đang bị sự ràng buộc của luật pháp họ cũng bách hại giễu cợt đức tin của con dân Chúa sống và phụng sự Chúa theo tâm thần và Lẽ Thật.

30 Nhưng Thánh Kinh nói gì? Hãy đuổi người nữ nô lệ và con trai nó; vì con trai của người nữ nô lệ sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự do.

Đức Chúa Trời sai đuổi người nữ nô lệ và con của bà được chép trong Sáng Thế Ký 21:10, 12. Ngày nay khi tin Đấng Christ thì Chúa cũng nói hãy bỏ đi hình bóng của hệ thống luật pháp và hãy cứ bước đi trong đức tin theo Chúa Jesus Christ vì Ngài Đấng ban cho sự sống, sự cứu rỗi.

31 Vậy nên, hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ nô lệ, mà là của người nữ tự do.

Phao-lô muốn rằng loài người không thể nào được cứu bởi luật pháp, tôn sùng luật pháp, tự cho mình bị ràng buộc bởi những lề thói của luật pháp do loài người đặt để, hòng chỉ gây thêm gánh nặng cho tín đồ. Nếu mọi người hiểu cố gắng để được cứu bởi Đấng Christ và bởi vâng giữ luật pháp thì người ấy sẽ không được cứu, vì sự cứu rỗi chỉ duy nhất có được là nhờ vào đức tin trong ân điển của Đấng Christ.

Con cảm tạ Chúa vì ơn thương xót của Ngài trên con, mà con đã được xưng công chính bởi đức tin trong Đấng Christ, con được tự do trước luật pháp, con không bị ràng buộc nào bởi những tư tưởng của loài người sai nghịch với Thánh Kinh, hầu chi phối đức tin của con duy nhất là chỉ tôn thờ và phụng sự một Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng ngự trên các tầng trời và vâng giữ theo Lời Ngài đã được ghi chép đầy đủ trong Thánh Kinh.

Nguyện xin Chúa giúp con biết sử dụng sự tự do Chúa ban làm ích lợi xây dựng, vì vinh quang danh thánh của Ngài.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Hoàng Thị Hồng

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ