Bài Mới Nhất Các Chủ Đề Sách Đã Suy Ngẫm Xem Bài Theo Tác Giả

Ê-phê-sô 2:11-15 Sự Hiệp Một của Dân I-sơ-ra-ên và Các Dân Tộc Khác Trong Hội Thánh – Phần 1

Kính lạy Cha Từ Ái của con ở trên các tầng trời!

Thì giờ này đây, con cầu xin Cha ở cùng dẫn dắt con trong sự học Lời Chúa trong sách Ê-phê-sô 2:11-15 Sự Hiệp Một của Dân I-sơ-ra-ên và Các Dân Tộc Khác Trong Hội Thánh – Phần 1.

Con xin ghi ra sự suy ngẫm của mình như sau:

Kính thưa Chúa! Con hiểu:

11 Vậy, hãy nhớ rằng, trước kia, các anh chị em là những người ngoại trong xác thịt, bị gọi là người không chịu cắt bì bởi những kẻ xưng mình là người chịu cắt bì bằng tay trong xác thịt.

Sứ Đồ Phao-lô đang nhắc lại lịch sử của những người ngoại trong Hội Thánh Ê-phê-sô, họ được gọi là người không chịu cắt bì, đó là sự phân biệt mà người Do-thái dùng để gọi con dân Chúa người ngoại, bởi họ đã có sự phân biệt rõ từ thời tổ phụ của họ, và họ tự hào về địa vị của mình. Người ngoại trong xác thịt, điều này chỉ về sự không có Đức Chúa Trời trong đời sống, sẽ dẫn tới sự bị hư mất.

12 Lúc ấy, các anh chị em không có Đấng Christ, ở ngoài quyền công dân I-sơ-ra-ên, là khách lạ của các giao ước lời hứa, trong thế gian không có hy vọng và không có Thiên Chúa.

Người I-sơ-ra-ên khinh chê người ngoại vì không có Đức Chúa Trời, và không có Đấng Christ. Cho nên người ngoại không có quyền nhận được lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho dân I-sơ-ra-ên, mà dân I-sơ-ra-ên dùng các lời hứa của Chúa chỉ để ban cho chính họ. Nhưng con dân Chúa trong Hội Thánh có quyền công dân I-sơ-ra-ên như được chép trong Giăng 14:2-3. Họ là những công dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, họ sẽ nhận sản nghiệp trong các nơi trên trời, và đồng trị cơ nghiệp của Chúa với Đấng Christ.

Người ngoại được kể là xa lạ với giao ước và các lời hứa, vì chỉ dân I-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời mới ban cho họ đất hứa trên đất và nó sẽ được thực hiện vào thì giờ Chúa định.

Người ngoại không có hy vọng, vì các tôn giáo của thế gian không có lời hứa về sự sống lại trong thân thể siêu việt, cũng như hưởng các phước hạnh đời sau, mà dạy con người ta tin vào thuyết luân hồi chuyển kiếp thành các loài vật, và người ngoại rất sợ hãi khi cận kề cái chết, đời sống của người hư mất chỉ chú về hiện tại không có niềm vui hy vọng.

Người ngoại không có Đức Chúa Trời vì họ chọn xa cách Đức Chúa Trời mà gần với các thần giả dối của họ vì họ bị che khuất lẽ thật, và đó là tình trạng trước kia của con dân Chúa người ngoại mà Phao-lô đề cập lại.

13 Nhưng trong Đấng Christ Jesus, các anh chị em là những người ngày trước cách xa, hiện nay đã được làm cho gần bởi máu của Đấng Christ.

Ngày trước người ngoại không có Đấng Christ nên họ ở xa, nhưng giờ đây họ ở trong Đấng Christ, ranh giới phân cách họ với Đức Chúa Trời được phá bỏ, họ được phép đến gần Ngài mà không phải vì nỗ lực của bản thân hay thành tích gì, nhưng bởi ân điển của Ngài trên sự thương khó của Đấng Christ trên cây thập tự.

14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa bình của chúng ta. Ngài đã hiệp cả hai làm một, phá đổ bức tường ngăn cách,

Khi người ngoại tin nhận Đấng Christ thì họ được tháp nhập vào trong thân thể của Ngài là Hội Thánh, mà họ còn được hiện diện trước Đức Chúa Trời và có địa vị ngang bằng với nhau và với dân I-sơ-ra-ên, vì khi hiệp làm một trong Đấng Christ thì không có sự khác biệt nào dù mỗi người là ai, trong địa vị nào, giai cấp, chủng tộc, học vị nào. Và bức tường ngăn cách giữa người I-sơ-ra-ên và người ngoại được phá đổ, Ngài tạo dựng nên một người mới trong Đấng Christ hòa bình với Đức Chúa Trời và cũng hòa bình với nhau.

15 chấm dứt trong xác thịt của Ngài sự thù nghịch, tức là luật pháp của các điều răn trong các điều lệ, để Ngài lập nên trong chính Ngài cả hai thành một người mới, làm ra sự hòa bình.

Đức Chúa Trời từ lúc ban đầu đã làm ra sự khác biệt giữa người I-sơ-ra-ên với dân tộc các quốc gia khác, vì điều này mà đã làm ra sự lên mình thuộc linh của người Do-thái, nên có sự thù nghịch giữa người I-sơ-ra-ên và người ngọai, khi hai người I-sơ-ra-ên và người ngoại đều ở trong Đấng Christ, thì có sự hòa bình trong danh nghĩa mới, Sứ Đồ Phao-lô xác nhận đó là người mới. Ở trong vị thế này người ngoại được nâng cao ngang bằng người I-sơ-ra-ên, và người I-sơ-ra-ên bị đưa xuống mức của người ngoại, tức là họ ngang bằng nhau vì cả hai đều đã là những tội nhân, đều là con cháu của A-đam. Khi cả hai người đến với thập tự giá của Đấng Christ thì Đức Chúa Trời đã nâng cao cả hai nhóm thành người mới trong Đấng Christ, họ vô tội và được xưng công chính như nhau làm ra sự hòa bình.

Con cảm tạ ơn Chúa vì qua bài học này, con biết con là công dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, bởi đức tin vào máu thánh của Đấng Christ đã đổ ra cứu chuộc con về với địa vị là con cái của Đức Chúa Trời. Con biết rằng sự con được tháp nhập vào trong Hội Thánh của Ngài là ơn thương xót của Ngài, chứ bản thân con chẳng có chi mà kiêu ngạo, hãnh diện, và con hiểu rằng con phải tôn trọng, tin tưởng các chi thể trong thân thể của Đấng Christ hơn bản thân, vì như vậy là thể hiện tình yêu, sự hòa bình mà Ngài đã thiết lập, bởi hết thảy chúng con là một trong Đấng Christ. Nguyện Chúa ban ơn cho con cứ ở trong Lời Chúa để giữ gìn con mãi được gần Ngài vì Ngài đã làm điều đó cho con.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Hoàng Thị Hồng

📂Các bài viết của cùng tác giả:

Bài Suy Ngẫm

*Theo thứ tự từ mới đến cũ